Tâm Tự

Chương 43: Q.2 - Chương 13






Đến Vọng Thành là chuyện của bảy tám ngày sau. Tính sơ sơ đám người Nhan Thiện đã rời kinh gần một tháng. Trong một tháng này xảy ra bao chuyện bất ngờ, cụ thể là trên đường đến Vọng Thành họ gặp một trận cướp. Hôm ấy đoàn xe đi qua thung lũng vắng, sơn tặc dàn trận bao vây. Với bản lĩnh của Ngữ Bình Đô thì không có gì đáng ngại nhưng Nhan Nghiêm phát hiện khả năng tự vệ của mình quá thấp. Khi còn trong cung hắn chỉ lo học chữ, cùng lắm là biết sơ sơ vài môn võ cơ bản do Tuyên sư phụ trong Quốc Học Giám dạy. Nhan Nghiêm là Ngũ hoàng tôn, lại không phải dòng dõi chính thất cho nên không được ưu ái như Nhan Tấn. Thái tư phi không thích hắn học nhiều, Nhan Nghiêm mười bảy tuổi cũng chưa nghĩ tới mình cần học những gì.
Bọn cướp rất đông, chừng mấy chục tên. Sau khi Yến Ngữ gọn gàng giải quyết ba tên thì tướng cướp bị chọc giận, gọi cả sơn trại ra báo thù. Nhan Thiện, Nhan Nghiêm và Thẩm Thanh đứng ở trong. Yến Bình Đô cùng Trương Chương bảo vệ ở ngoài. Thẩm Thanh chưa từng gặp chuyện đáng sợ như vậy, máu người và thi thể khắp nơi. Nàng run cầm cập ôm cánh tay Nhan Nghiêm, mắt không dám mở. Bọn cướp nhiều kinh nghiệm rất ranh ma, có một lần chọc thủng hàng bảo hộ, ra tay với Nhan Thiện. Lúc đó Nhan Nghiêm đứng bên cạnh, sững sờ không phản ứng kịp. Dĩ nhiên Yến Ngữ không để Thái tử mất một sợi tóc nào nhưng Nhan Nghiêm cũng tự hổ thẹn về trình độ của mình.
Với thân phận của hắn, những chuyện thế này nhất định còn phải trải qua, Nhan Nghiêm suy tư lo nghĩ, lại nhìn xuống Thanh nhi ngốc nghếch. Đúng rồi, hắn còn phải bảo vệ nàng nữa! Đối với tâm sự của hắn, Yến Ngữ xua tay cười:
-Thiếu gia còn rất trẻ, học cũng chưa muộn. Khi thuộc hạ được Tuyệt Mật Các nhận nuôi, thuộc hạ cũng đã mười lăm tuổi. Võ học không cao siêu như người ta nghĩ, có tư chất chỉ cần sáu bảy năm là thành danh rồi!
Và thế là Yến Ngữ đồng ý dạy võ cho Nhan Nghiêm nhưng hắn không chịu nhận làm sư phụ. Yến Đô biết chuyện này liền chê cười:
-Chẳng qua ngươi không thích có cùng đồ đệ với ta thôi! Rõ nhỏ mọn!
Nói thì nói vậy nhưng Yến Đô đặc biệt ủng hộ Yến Ngữ dạy dỗ Nhan Nghiêm. Ngay từ đầu hắn đã có cảm giác cậu chàng này hợp với binh đao. Yến Đô còn đem mũi tên “ba phát như sấm” làm nên tên tuổi của mình truyền cho Nhan Nghiêm, gần như cho hết vốn liếng.
Yến Bình thường ngày trầm lặng ít nói nhưng thấy hai huynh đệ chí cốt đều dốc lòng “mài đá cụi thành ngọc sáng” hắn cũng hứng thú tham gia. Sư phụ Bình không dạy kiếm thuật hay giết người vì cái đó là sở trường của Yến Ngữ. Hắn cũng không dạy về độc và xạ thiện vì Yến Đô rất giỏi chuyện này. Yến Bình dạy về chế tạo và hóa giải. Hắn kể cho Nhan Nghiêm những cuộc phiêu lưu ly kỳ khi đột nhập vào hoàng lăng của vương triều khác. Đủ loại cơ quan cạm bẫy chờ đón, chỉ có trí tuệ và sự nhanh nhạy mới khiến ta bảo toàn tính mạng…
Nhan Nghiêm học rất chú tâm, chỉ sợ hành trình này hết thì không dễ dàng gặp được ba vị nữa. Nhan Thiện nghe thấy Yến Ngữ nói về cách cắt cổ có thể chết người trong năm giây thì không khỏi nhíu mày. Cái bọn người này, tính huấn luyện con trai hắn thành sát thủ à? Nhan Thiện không ủng hộ cũng không ngăn cản, hắn tin Nhan Nghiêm hiểu chuyện mình đang làm, huống hồ ba thân vệ đi theo hắn rất nhiều năm, chưa từng thấy họ nhiệt tình xôn xáo thế này!

Suốt đời Nhan Nghiêm học được từ rất nhiều người, chẳng ai sinh ra đã giỏi. Đoàn sư phó trong cung và Ngữ Bình Đô là những sư phụ đầu tiên. Điều họ dạy không chỉ là hiểu biết mà còn là nền tản của sinh tồn. Nhan Nghiêm tin rằng mình chỉ có con đường ngày càng mạnh, ngày càng giỏi thì mới có tư cách nắm giữ số phận trong tay, bảo vệ những gì hắn yêu quý và trân trọng.
Đoàn xe chỉ dừng lại Vọng Thành một ngày mua thức ăn và nghỉ ngơi, sau đó tiếp tục thần tốc tiến Hoa Lộ. Thái tử nhận được thư báo tình hình ở Tri Châu đã phức tạp hơn, bây giờ vô cùng hỗn loạn. Ở Vọng Thành dân chúng bàn tán, lập đàn cầu siêu. Không khí lo sợ đã tràn ra các vùng lân cận. Nhan Thiện ra lệnh phải đến Tri Châu trong năm ngày, mọi người đều trầm mặc, nghiêm túc hẳn lên.
Cả Thẩm Thanh cũng cảm thấy sắp có chuyện lớn, không ồn ào nữa mà luôn ngoan ngoãn ở trong xe. Nhan Nghiêm ngồi đến chán, tìm được cách giải khuây mới chính là tết tóc. Kiểu tóc hắn tết cho Thẩm Thanh không hề có quy luật, tết rồi chỉ có hắn mới biết cách gỡ. Yến Bình thường ngắm nghía “tác phẩm”, chỉ ra sơ hở và cấu trúc bên trong. Tay nghề của Nhan Nghiêm ngày càng chuyên nghiệp, đến mức không nhìn ra hình thù và không tìm thấy điểm nút. Thẩm Thanh khá là phối hợp đem cái đầu của mình làm dụng cụ học tập cho Nhan Nghiêm.
Hoa Lộ là tiểu thành gần nhất với Tri Châu, đứng trên tường thành có thể lờ mờ nhìn thấy những cánh đồng lúa, vài ba mái nhà… Tri Châu ngày xưa là một miền nông nghiệp sung túc, bây giờ vắng tanh không người, giống một ngôi làng chết. Dân ở đây hoặc đang chờ chết, hoặc đã vùi thây bên dưới lớp đất mất rồi. Cùng với Tri Châu còn có Tuần Châu và Lâm Châu cũng đang trong tình trạng chết dần chết mòn. Dịch đã lan rộng mất kiểm soát!
Nhan Phi hiện tại ngụ trong thành Hoa Lộ, cùng với khoảng năm trăm binh của hắn. Họ đã bao vây tam Châu, không cho bất cứ ai thoát ra ngoài, xem như thí mạng một nghìn người cho Ôn Thần. Nhan Thiện vừa đến nơi, không màng tắm rửa đã lập tức chạy đi truy vấn Nhan Phi. Người chết đã chết rồi nhưng người sống phải được cứu giúp. Hai anh em bất đồng quan điểm, gây một cuộc cãi vã to, không ai không dám can thiệp.
Nhan Phi cho rằng quan trọng hơn hết chính là không để dịch lây lan. Giống như cơ thể có phần nào thối rữa thì kiên quyết chém phăng đi, tránh ảnh hưởng tới bộ phận khác. Tuy là đau nhưng sẽ khỏi bệnh. Nhan Thiện cảm thấy làm vậy quá bất công. Họ đều là con dân Hậu Yến, không thể giết cả nhà chỉ vì một thành viên không may mắc bệnh. Cứu chữa không được thì vẫn có thể làm giảm đớn đau về thể xác và tinh thần. Ai có thể hiểu được cảm giác bị nhốt trong cổ quan tài và phó mặt chờ cái chết? Đã là người thì phải có quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc chứ!
Nhan Phi chế giễu Nhan Thiện sống trong lý tưởng viễn vong. Kẻ đã trải qua trăm trận chiến, nhìn sinh tử mỗi ngày như hắn không còn chút lòng trắc ẩn nào nữa. Chết để người khác sống, chết để phục vụ cho đất nước, đó là hiển nhiên, không ai được chống lại. Nếu có trách thì trách số họ xui rủi, sinh đâu không sinh lại sinh ngay vùng đất tam Châu này.
Mâu thuẫn của hai anh em càng sâu, vụ việc càng không được giải pháp. Nhan Nghiêm không quan tâm cha và chú đang làm cái trò gì. Mỗi ngày hắn đều dậy sớm đọc sách, nghe các vị đại phu và ngự y bàn luận. Lao là căn bệnh đại chúng, dễ lây lan, khó phòng ngừa. Chưa có bài thuốc nào thực sự diệt tận gốc chứng bệnh, cùng lắm là xoa dịu triệu chứng bên ngoài. Nhan Nghiêm chưa từng học y thuật, tìm ra cách chữa là chuyện vô tưởng. Nhưng biết đâu hắn sẽ tìm được người có khả năng đó.
Nhan Nghiêm để ý đến Hồ Kính. Anh là một đại phu mới vào nghề nhưng đã học y từ nhỏ. Cha Hồ Kính là Hồ Niêm, khi còn sống ông rất nổi tiếng, chuyên chữa bệnh không lấy tiền, cứu giúp người khốn khổ. Cũng chính vì vậy mà nhà họ Hồ nghèo xơ nghèo xác. Hồ Kính không đồng tình cách hành xử của cha mình. Khổ thì ai không khổ, họ đâu phải đấng cứu thế mà gặp con chó con mèo chết ngoài đường cũng đem về chữa trị. Có thực mới vực được đạo, người không vì mình trời tru đất diệt, anh cảm thấy như vậy mới đúng!
Hồ Kính học y thuật từ cha nhưng chẳng cứu ai, cũng không có ý định đi theo nghề này mà mở một dược quán chuyên trồng thuốc, chế biến bán lại cho nơi khác. Mãi đến khi dịch lao bùng phát, tam Châu lầm than, Hồ Kính đột nhiên tham gia nhóm đại phu, ngày đêm miệt mài nghiên cứu. Tuy nhiên tính tình của anh chàng không được dễ chịu cho lắm, mồm miệng độc địa, đã đắc tội không ít với đồng nghiệp, vì thế họ làm lơ anh đi, không muốn suy nghĩ về những giải pháp anh nêu ra.
Dân trong thành nghe phong phanh chuyện Thái tử đương triều đích thân tới, cũng không ai rõ vị nào là Thái tử, càng không biết đi theo ngài còn có những ai. Bọn Ngữ Bình Đô cứ gọi Nhan Nghiêm là thiếu gia, người ngoài lầm tưởng hắn là công tử nhà giàu nào đó, chắc là theo cùng Thất hoàng tử. Hồ Kính thấy Nhan Nghiêm mỗi ngày đều chăm chỉ như hắn, an tĩnh một góc đọc sách thì hơi tò mò, tưởng rằng Nhan Nghiêm cũng thích y thuật. Nói chuyện lòng vòng một lát thì thành quen, Hồ Kính giới thiệu những bài thuốc hắn mới nghĩ ra, những phương pháp phòng tránh trên lý thuyết. Cái khó ở đây là không thử nghiệm được.
-Thất điện hạ cho canh phòng nghiêm ngặt, lương thực và thuốc men chỉ có thể gián tiếp chuyển vào. Ta muốn nhìn thấy trạng thái cụ thể của bệnh nhân sau khi uống thuốc, như vậy mới biết cách điều chỉnh thành phần dược liệu. Cứ trị bệnh mà không cho gặp bệnh nhân kiểu này làm sao hết được?
Nhan Nghiêm gật gù
-Huynh nói cũng đúng… nhưng mà… huynh không sợ đi vào rồi bị lây nhiễm, cũng thành bệnh nhân như họ sao?
Hồ Kính nhếch môi xem thường
-Thì bọn lang băm cũng nghĩ như vậy cho nên hèn nhát không làm đó thôi. Ta đã chuẩn bị sẵn mặt nạ phòng độc, ngươi muốn xem không?
“Mặt nạ” của Hồ Kính là mấy tấm vải mùng tẩm thêm dung dịch gì đó, mùi thật tởm. Cũng không hiểu công dụng ra sao nhưng anh chàng rất đắc ý.
-Ta quyết định rồi, tối nay sẽ lẻn vào trong làng, ngươi muốn đi cùng không?

Nhan Nghiêm nhíu mày suy nghĩ, biết rằng nguy hiểm nhưng hắn có linh cảm lần này sẽ phát hiện ra điều thú vị nào đó. Nhan Nghiêm và Hồ Kính hẹn nhau ở cổng thành vào giờ Hợi. Nhưng giờ Hợi đã qua năm khắc mà chưa thấy Nhan Nghiêm đâu, Hồ Kính buồn bực mắng thầm, không lẽ hắn để mình leo cây? Lề mề cho tới giờ Tí mới thấy Nhan Nghiêm vội vàng chạy ra, vẻ mặt áy náy xin lỗi
-Vốn đã đi rồi nhưng Thanh nhi đột nhiên tỉnh lại, không có cách nào khác đành muộn tới bây giờ.
Hồ Kính khó chịu mắng
-Ngươi là anh trai chứ có phải má đâu? Sau này lấy vợ không lẽ ôm theo con bé đó? Suốt ngày chăm con cứ như đàn bà!
Nhan Nghiêm mím môi nén cười, tự nói trong lòng hắn lấy vợ cũng sẽ “ôm theo” nàng, ai bảo nàng là vợ hắn. Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng Nhan Nghiêm không giải thích
-Thanh nhi xa mẹ từ nhỏ, bám theo đệ quen rồi, khi nào nàng lớn tự nhiên sẽ khác…
-Ờ, gả nàng sớm sớm đi, lúc đó ngươi mới thảnh thơi!
Nhan Nghiêm không có ý kiến, hai người đeo “mặt nạ” lén lút chuồn ra khỏi thành. Canh phòng ở tam Châu cẩn mật hơn Hoa Lộ rất nhiều, không dễ xâm nhập. Hồ Kính rõ ràng đã nghiên cứu địa bàn rất kĩ, dẫn theo Nhan Nghiêm đi trót lọt, thuận lợi tới không ngờ. Hồ Kính kiêu ngạo nói:
-Thấy vậy chứ năm trăm quân không làm nên trò trống gì. Đến xác chết mà còn không giữ được, để người ta vào trộm đem ra ngoài, thật vô dụng!
Chuyện trộm thi thể đến giờ vẫn chưa bắt được hung thủ. Cứ mỗi sáng người ta lại hoang mang nhìn thấy xác chết treo lơ lửng trên tường thành, xác còn bị trải ở các vùng lân cận, Nhan Phi vô cùng điên tiếc về chuyện này. Hồ Kính nói rằng bệnh lao chỉ lây qua không khí khi người bệnh ho, khạc nhổ, không như dịch tả hay dịch hạch, cho nên dù có đem xác ra ngoài cũng không thể gieo mầm bệnh. Vậy mục đích của người kia chính là gây hoang mang dư luận, khiêu khích Nhan Phi hoặc một âm mưu khác…
Nhan Nghiêm và Hồ Kính vào được trong làng, gõ cửa một nhà gần đó nhất. Bây giờ cuộc sống của họ chỉ là từ từ chờ chết, không khí trong làng u ám quái dị, ngập trong hơi thở tử thần. Người mở cửa là một thiếu phụ, mặt xanh xao, gầy còm. Bà bàng hoàng khi có người tìm tới nhà.
-Các vị là…?
-Chúng tôi là đại phu, tới đưa thuốc mới ọi người!
Thiếu vụ mừng rỡ, mở rộng cánh cửa
-Lạy trời lạy đất, tôi biết mà, nhất định triều đình không bỏ mặt dân chúng đâu! Mời thần y vào, ông nhà tôi đang bị bệnh, nằm ở trong phòng…
Thiếu phụ dẫn họ vào gian nhà trong. Trên giường là một người đàn ông đang ho khù khụ, cũng gầy như bộ xương khô. Hồ Kính lập tức xoắn tay áo muốn khám nhưng Nhan Nghiêm đưa tay ngăn hắn lại.
-Sao thế?
Hồ Kính khó hiểu hỏi. Nhan Nghiêm vẻ mặt thận trọng nhìn chằm chằm người đàn ông, thật lâu… thật lâu… rồi hắn vô thức nắm chặt cán kiếm đeo bên hong.
-Đừng qua, ông ta chết rồi… người này không có linh hồn… chỉ là… một cương thi!

Hồ Kính ngơ ngác, sau đó trợn mắt
-Đùa à?
Nhan Nghiêm lạnh lẽo quay qua nhìn người thiếu phụ
-Chồng bà chết rồi, bà không biết sao?
Người phụ nữ run rẩy lắc đầu, khuôn mặt gầy thóp lại khiến cặp mắt to lồ lộ, trông đáng sợ.
-Không…không đâu, ông ấy chưa chết! Bọn họ đem người chôn sống, chồng tôi đã cố gắng bò về, ông ấy không muốn bỏ vợ con!!
Nhan Nghiêm mím môi, tuốt kiếm ra khỏi vỏ. Thanh kiếm này là Yến Bình rèn cho hắn, sắc kim phản quang chói lòa, thu hết ánh sáng hiếm hoi trong màn đêm
-Bà nói dối, người này chết rồi, cả bà cũng chết rồi… vì sao các người lại như vậy?
Hồ Kính thấy nổi da gà, lạnh sống lưng, cái quái gì đang diễn ra vậy? Trước khi hắn nắm được tình hình thì “người bệnh” ở trên giường đã bật dậy, vừa gào vừa lao tới. Cả bà vợ cũng hóa rồ nhảy lên cấu xé. Hồ Kính kinh hoàng lùi lại phía sau, nhìn bọn chúng nhe răng trợn mắt dằn co với Nhan Nghiêm, bộ dạng như dã thú chứ chẳng phải người. Nhan Nghiêm bình tĩnh từng chiêu hóa giải, không để họ chạm vào mình. Hắn chưa gặp cương thi bao giờ nên chọn biện pháp an toàn là chạy đi rồi tính.
Nhan Nghiêm kéo theo Hồ Kính lùi dần ra cửa. Đúng lúc đó, một cái bóng nhỏ từ đâu chạy tới, ôm lấy bắp đùi của Nhan Nghiêm. Hắn giật mình vung chân đá mạnh, đứa con của hai vợ chồng té nhào nhưng cha nó thừa cơ đắc thủ. Nhan Nghiêm chỉ thấy bả vai đau nhói, bàn tay mất cảm giác làm rơi thanh kiếm. Không thể suy nghĩ gì nhiều, gần như là bản năng mách bảo, Nhan Nghiêm đưa tay lên ngực áo lấy ra cây quạt đã mua ở Toa Đê. Lúc ra khỏi nhà hắn cố ý mang theo, dù không biết một cây quạt có thể làm nên trò trống gì.
Ngón tay thành thạo xoay cán quạt, đập mạnh vào đầu ông chồng. Chỉ nghe “rộp” một tiếng, “tàu hủ” văng tứ tung. Hồ Kính thét lên oai oái, ghê tởm không chịu được! Nhan Nghiêm chẳng để ý nhiều, hắn giơ chân đá cái xác nổ óc ra khỏi mình, lôi Hồ Kính chạy bán sống bán chết.
-A di đà Phật… a di đà Phật… đây không phải sự thật!
Hồ Kính vừa chạy vừa lẩm bẩm. Hắn sống bao nhiêu năm chưa từng trải qua chuyện hoang đường như vậy! Nếu quả thật dân làng đã hóa cương thi, vậy những cái xác không bị trộm mà là tự chúng bò ra!
Phía sau lưng họ, ngôi làng như đã ngủ im, lấp ló có ai đó đi lại, bộ dáng mơ màng, lắc lư… Bóng tối che giấu những sinh vật không thuộc về dương gian, chúng ẩn nấp ở đó, chỉ canh cánh một suy nghĩ mình bị xã hội bỏ rơi, bị cách ly, họ muốn ra ngoài, thoát khỏi nơi chết chốc này… cho dù là một cái xác đi chăng nữa!