Thần Núi Phải Lòng Người

Chương 3: Chương 3






Có lẽ bôn ba cả ngày khiến Đặng Duy mệt mỏi rã rời, anh chậm rì rì ngáp một cái, nghiêng đầu rồi ngủ thiếp đi.
Giấc ngủ này chẳng hề an ổn, giữa lúc nửa tỉnh nửa mê, Đặng Duy cảm giác toàn thân anh lạnh lẽo, đầu gối cũng hơi đau.

Anh phảng phất nghĩ, lẽ nào do trời mưa nên nhiệt độ đột ngột giảm sao?
Thế nhưng rõ ràng mới cuối tháng sáu.
“Chúng tôi nào ai ngờ được, con gái nhà lão Tứ ngoan lắm, thật là… haizz!”
“Đúng vậy, đúng vậy… số mệnh cả, chẳng còn cách nào.”
“Ài, sắp tới rồi!”
Đặng Duy bị người ta đẩy đẩy hai cái.
“…Hửm?” Anh cảm giác đầu óc mơ mơ màng màng, mũi cũng tắc nghẹn như bị cảm: “Tới rồi?”
Khoang xe trống rỗng, trừ Đặng Duy ra thì chỉ có bốn người: tài xế béo lùn, dì bán vé với đường pháp lệnh văn hằn rõ trên mặt, một người đàn ông trung niên đeo kính và một ông già lưng đeo sọt trúc.
“Đến Tùng Khái ngay rồi đây.” Bác tài dùng tiếng phổ thông nói lớn: “Lấy đồ đi nhé, cậu trai kia, cậu là người vùng khác hả?”
“… Đúng vậy.” Đặng Duy đáp.
“Tới xem cổ trấn sao?”
“Ừm, đúng.” Đặng Duy day mũi, anh vẫn có chút ngẩn ngơ: “Bác tài… những người mới nãy đã xuống xe hết rồi sao?”
Anh vừa dứt lời, khoang xe lặng đi năm sáu giây.
“Cậu nói gì cơ?” Dì bán vé chau mày hỏi: “Làm gì có ai xuống xe? Có mỗi năm người chúng ta thôi!”
Đặng Duy: “Sao?”

“Ôi chao! Thôi không nói nữa! Không nói nữa!” Ông già lưng đeo sọt trúc đột nhiên khua mạnh cánh tay: “Sắp tới nơi rồi! Tiểu Long cậu lái xe của cậu đi!”
“Đúng, đúng, sắp tới rồi…” Người đàn ông trung niên đeo kính cũng liến thoắng phụ họa, anh ta liếc nhanh Đặng Duy một cái rồi quay đầu sang bảo dì bán vé: “Mấy hôm nay nóng quá, không mở điều hòa là không tài nào ngủ được!”
Dì bán vé phối hợp gật đầu: “Đúng thế, nóng quá, chẳng thấy được giọt mưa nào…”
Đặng Duy:?
Là sao?
Trước đó anh có tỉnh dậy một lần, lúc ấy rõ ràng trong xe chật ních người, hơn nữa còn chuyện trò rôm rả.

Bên cạnh anh là một ông lão khá ôn tồn, áo trắng quần đen, mặt đầy nếp nhăn.
Với cả, khi ấy trời còn đang đổ mưa, nước mưa từ bên ngoài cửa sổ bay lên mặt anh, nên anh mới tỉnh…
Tại sao dì bán vé kia lại nói “chỉ có năm người chúng ta”?
Tại sao lại nói “chẳng thấy được giọt mưa nào”?
“Tới rồi tới rồi! Tùng Khái!” Bác tài tắt máy dừng xe, giọng điệu gấp gáp: “Xuống xe thôi! Lấy đủ đồ của mình!”
Đặng Duy chỉ đành xách va ly xuống xe.
Mới năm giờ bốn hai phút mà trời đã tối om, ra khỏi bến xe, trước mắt là một con đường lớn có phần náo nhiệt, rất nhiều cửa hàng đã lên đèn.
Không khí vừa khô vừa nóng, thoáng lẫn cả mùi canh cá nấu chua.
Đặng Duy day day mũi, thầm nghĩ, xem ra không mưa thật?
Nhưng bây giờ đã cuối tháng sáu, nếu không mưa thì trời cũng đâu thể tối sớm thế được nhỉ?
Thế nên rốt cuộc là có đổ mưa hay không?
Đặng Duy cảm giác chắc chắn là anh đã bị cảm, có lẽ còn sốt nhẹ nữa, tóm lại là đầu óc không được tỉnh táo.
Anh quyết định đi ăn cơm tối trước đã.
2.
Đương lúc tan học tan làm, đường cái người người qua lại.

Đặng Duy tới tiệm thuốc mua một hộp Cảm Khang[1], lúc thanh toán thì hỏi thăm nhân viên thu ngân: “Nơi này có quán ăn nào ngon ngon không?”
[1] Một hãng thuốc trị cảm cúm
“Ồ, ở chỗ chúng tôi không có gì đặc sắc, tào phớ mét thì khá được, tôi hay đi ăn cái đó… Anh đến đây du lịch sao?” Nhân viên thu ngân là một cô gái trẻ, nói tiếng phổ thông khá chuẩn.
“Ừm, đến xem cổ trấn Tùng Khái.”
Cô gái bật cười như có hơi thẹn thùng: “Cổ trấn Tùng Khái nhỏ lắm, đi một tí là hết, không cần qua đêm đâu.”
“Ồ, vậy sao?” Đặng Duy cười: “Trước lúc đến đây tôi cũng không chuẩn bị gì.”
“Anh cứ theo con đường này đi về phía trước, rẽ phải rồi đi thêm năm phút là đến cổ trấn.” Cô gái nhiệt tình nói: “Chỗ này của chúng tôi trước đây đều là cổ trấn, toàn là kiểu nhà gỗ ấy… Về sau bị dỡ đi rất nhiều, chỉ còn lại chút ít này là được giữ gìn lại để phát triển du lịch.”
“Ra là vậy.” Đặng Duy quyết định hỏi thăm thêm mấy câu: “Thế nơi này có chỗ nào có thể ở ngủ lại không?”
“Có chứ, anh cứ đi về phía trước là thấy, có một “nhà khách Tùng Khái” đó.”

“À, được rồi, cảm ơn cô.”
Ra khỏi tiệm thuốc, băng qua đường, Đặng Duy bước tới quán tào phớ mét mà cô gái giới thiệu.

Nói là quán cơm, song thực chất chỉ là một gian phòng khá lớn, bày sáu cái bàn nhựa.
Bốn cái bàn trong đó đã ngồi đầy người, Đặng Duy bèn tìm một bàn trống gần bên tường ngồi xuống.

Mặt đất những giấy ăn đã dùng qua và vỏ dụng cụ ăn dùng một lần, có lẽ do rớt dầu nên mặt đất còn hơi dinh dính.
Cũng may bàn ăn nom khá là sạch sẽ.

Đặng Duy nghĩ, anh chỉ ở đây một đêm, ngày mai sẽ đi xử lí chuyện tiền bồi thường, không cần biết ngày mai có lấy được tiền hay không anh cũng phải ngồi xe quay về Trùng Khánh.
Nhà khách Tùng Khái, đùa gì vậy, mới xây những năm bảy mươi của thế kỉ trước à?
3.
Quán cơm nhỏ mặc dù công tác vệ sinh khá đáng lo ngại, song tay nghề nấu nướng lại không tồi.

Tào phớ non mà không nát, đồ chấm có vị cay, thêm một đĩa lớn thịt xào tỏi, đều là những món ăn kèm với cơm.
Đặng Duy ăn một bữa no nê, đầu óc anh cũng không mơ màng như trước nữa rồi.

Thanh toán xong, anh cứ theo hướng cũ mà đi, quả nhiên đi được một lúc là nhìn thấy nhà khách Tùng Khái.
Nhìn điều kiện của nhà khách có vẻ tốt hơn so với tưởng tượng của anh, ba tầng lầu, tầng một ở lối đi còn lắp cửa tự động.

Bên cạnh nhà khách có rất nhiều hàng quán: siêu thị Hâm Hâm, tiệm cắt tóc A Phương, quán nướng La Nhị, di động Trung Quốc… Đặng Duy thầm nhủ, con đường này có lẽ chính là nơi sầm uất nhất trong trấn cổ rồi.
Đặng Duy xách va ly bước vào nhà khách.
Mười phút sau, anh lại xách va ly đi ra.

Hết phòng rồi!
Mười hai căn phòng trong nhà khách vậy mà ở hết sạch!
Nhớ lại những lời bà chủ nói, Đặng Duy thực sự cảm thấy vi diệu:
“Chỗ chúng tôi bình thường chẳng có người đến, nhiều lắm cũng chỉ có mấy cán bộ tới họp hành mới ở lại, người đi du lịch cũng không qua đêm ở chỗ chúng tôi.

Chỉ là hôm nay, ôi chao, tôi nói với cậu chứ.” Bà chủ thấp giọng kể: “Hôm nay toàn là người của một họ lớn tới thuê phòng, họ vội về để chạy tang!”
Đặng Duy: “Chạy tang?”
“Hôm trước chỗ chúng tôi có một bé gái mới mười bốn tuổi mắc bệnh nặng… nghe đâu ban đầu không nghiêm trọng gì, bà nội con bé lại cứ nằng nặc bón thảo dược, một đứa trẻ ngoan ngoãn xiết bao lại ra đi.”
Đặng Duy: “…”
Chuyện quái đản gì không biết?
“Thế ở đây còn nhà trọ nào nữa không?” Đặng Duy ngừng lại giây lát rồi bổ sung thêm một câu: “Điều kiện tốt một chút.”
“Có chứ.” Bà chủ lập tức chỉ về phía ngoài cửa: “Cậu cứ đi vào trong trấn, vào rồi cứ tìm ai đó mà hỏi, hoặc là để người ta trực tiếp đưa cậu đi cũng được… cậu cứ bảo muốn tới nhà thầy Tống, mọi người đều biết.”
“Thầy Tống? Nhà?” Đặng Duy nghi hoặc hỏi: “Homestay?”
“Kiểu kiểu đó, tôi từng tới đó coi rồi, nhà thầy Tống sạch sẽ lắm!”
“… Được rồi.” Đặng Duy đành chịu: “Thế tôi đi hỏi thăm chút, cảm ơn chị nhé.”
“Đừng khách khí!” Bà chủ hào sảng nói: “Hoan nghênh cậu tới Tùng Khái du lịch!”
Đặng Duy khẽ mỉm cười, lòng thầm nhủ, cảm ơn chị, nhưng tuyệt đối không có lần sau đâu ạ..