Thánh Kiếm Đoạt Hồn

Chương 30: Cuộc chiến Yến Tử Cơ




Hai thanh kiếm đi sát vào nhau một cách nhẹ nhàng và hai bóng người cùng lướt sát qua nhau.

Chiêu thế không đối đầu, nhưng cả hai đều thầm ước đoán được một cách khá rõ ràng về sức lợi hại của nhau và hai thanh kiếm lại nhoáng lên tạo thành một màn sương dầy đặc bao cả hình bóng hai người, không ai đứng ngoài có thể phân biệt được đâu là thế công, đâu là thế thủ...

Chỉ trong thoáng mắt, hai người đã sử dụng ngót năm mươi chiêu.

Trận đấu mỗi lúc mỗi nhanh, chỉ có thể biết về sức nhanh, chứ không ai có thể biết hết tầm lợi hại. Nhưng bằng vào hơi gió với khí lạnh của hai thanh kiếm toát ra, cũng đủ cho thấy rằng đây quả là một trận đấu kinh hồn.

Vị Tam cung chủ của Ngũ Phượng môn nói quả không ngoa, trận đấu đêm nay nhất định sẽ có người nằm im trên ghềnh đá...

Ngay trong lúc trận đấu đang trong hồi kịch liệt, Hàn Thiếu Sơn chợt nghe vai phải của mình tê điếng và nặng như vừa trúng phải một khối đá to, cơn đau thấu tận vào tim gan, cánh tay cầm kiếm mất hẳn phần linh động.

Cao thủ giao đấu với nhau, chỉ cần một cái tích tắc buông lơi là kể như sinh mạng hoàn toàn giao cho đối thủ. Cho nên khi Hàn Thiếu Sơn vừa nghe có chuyện bất thường và khi tay kiếm hơi chậm lại là thanh kiếm của Tam cung chủ đã xẹt thẳng vào yết hầu...

Làm sao có thể chạm kiếm khi mà vai phải đã gần như xụi xuống?

Soảng!..

Tiếng thép khua lên, thanh kiếm của Hàn Thiếu Sơn rơi xuống và mũi kiếm của Tam cung chủ đã tới sát yết hầu...

Không còn cách nào tránh né kịp nữa vì mũi kiếm đã gần như đã sát vào da, Hàn Thiếu Sơn mím môi nhắm mắt...

Quả đúng là con người can đảm, đã biết không thể tránh được, Hàn Thiếu Sơn vẫn không có một cử chỉ sợ sệt. Hắn đứng thật thẳng, giữ thân mình thật ngay. Hắn muốn khi giao đấu hiên ngang, thì khi chết cũng phải đương đường chính chính.

Không ai có thể ngăn chặn khi mũi kiếm đi thật nhanh và quát sát như thế. Cho dù người phóng kiếm muốn ngừng có lẽ cũng không thể nào ngừng được, vì cao thủ giao đấu người ta đã tận dụng nhát kiếm cuối cùng.

Nhưng trường hợp này thật là hãn hữu. Thanh kiếm đang đi với độ thật nhanh nhưng khi thấy cục diện xảy ra như ngoài ý muốn, Tam cung chủ vội dồn nội lực lên cánh tay dằn mạnh xuống, không phải dằn cho mũi kiếm bị lệch, mà dằn mạnh như thế để cho mũi kiếm dừng ngay...

Mũi kiếm dán sát vào da cổ của họ Hàn.

Trên khuôn mặt nạ bằng đồng, hai tia mắt như hai vị sao xẹt của Tam cung chủ chiếu thẳng vào mặt Hàn Thiếu Sơn, thanh kiếm vẫn giữ thế thẳng băng, và giọng nói sắc lạnh :

- Rõ ràng các hạ đã né được mũi kiếm của ta, và còn trong thế tấn công thuận lợi, thế sao lại buông kiếm để tìm cái chết vô lý như vậy chứ?

Hàn Thiếu Sơn mở bừng mắt ra giận dữ :

- Giết đi, ta không bao giờ biết đến việc cau mày. Nhưng ta cần nói cho ngươi biết rằng cuộc giao đấu chưa đến hồi có thể phân biệt ai lấn hơn ai, mà ngươi lại dùng cách hạ lưu ám toán như thế thì thật là đốn mạt!

Tam cung chủ giật mình thu nhanh thanh kiếm và thối lui một bước :

- Ngươi nói gì?

Hàn Thiếu Sơn cười nhạt :

- Cho dù ta nói có không được rõ thì hành động của ngươi cũng phải biết trước khi ta nói chứ!

Tam cung chủ ném tia mắt về phía Nã Vân và Cầm Nguyệt đang đứng ngoài xa và gằn giọng :

- Hai tên tỳ nữ của ta đứng đấy ngoài ba trượng, nhất là khi chưa được ta ra lịnh, thì ai là kẻ ám toán ngươi chứ?

Tuy vết thương nơi vai đã làm tê thấu vào xương, nhưng Hàn Thiếu Sơn vẫn giữ được tư thế bình thường, hắn bật cười ha hả :

- Không được ngươi ra lịnh thì họ không dám làm càn, chuyện đó ta công nhận là rất đúng. Nhưng nếu trường hợp đó đã được ngươi ra lịnh trước thì sao?

Tam cung chủ quắt mắt :

- Tại sao ngươi lại có lối võ đoán như thế chứ?

Hàn Thiếu Sơn vặn lại :

- Như vậy chuyện ta bị người ám toán nơi vai đây là một chuyện giả đò sao?

Tam cung chủ đảo mắt nhìn bốn phía và thét lên :

- Ai làm chuyện ám toán này?

Một giọng cười như chuông gióng nổi lên, một bóng áo vàng từ trên tàng cây bay xuống, theo sau là một bóng người nữa...

Hàn Thiếu Sơn quay lại thấy dẫn đầu là một lão hòa thượng cao lớn dềnh dàng mình vận áo vàng, còn người theo sau chính là Quách hộ pháp.

Chân vừa chấm đất, nhà sư áo vàng đã bước ngay đến trước mặt Tam cung chủ :

- Bần tăng xin tham kiến Tam cung chủ!

Tam cung chủ sửng sốt và cũng vội vòng tay :

- Đại sư đến bao giờ thế?

Nhà sư áo vàng cười :

- Bần tăng vâng lịnh Đại cung chủ đến hiệp trợ với Tam cung chủ!

Tam cung chủ nói :

- Vừa rồi chính đại sư ám toán?

Nhà sư áo vàng cất giọng cười đắc ý :

- Tên tiểu tử dám mạo phạm đến Tam cung chủ, nên bần tăng thưởng cho hắn một ngón “Âm Cực chỉ” cho hắn biết mà sửa mình!

Tam cung chủ giật mình :

- “Âm Cực chỉ”? Ta có nghe Đại sư huynh bảo rằng ai mà đã trúng Âm Cực chỉ thì không còn phương cứu chữa, có phải là như thế hay không?

Nhà sư áo vàng càng đắc ý hơn nữa, lão cười bằng một giọng tự tọa :

- Đúng đúng, những người bị Âm Cực chỉ của bần tăng đánh trúng, sáu giờ đồng hồ sau huyết mạch sẽ bị đông đặc lại.

Tam cung chủ chớp mắt :

- Không có thuốc giải?

Nhà sư áo vàng cười :

- Chỉ có “Âm Cực Nhất Dương đan” của bần tăng là trị được mà thôi!

Tam cung chủ nói :

- Thế thì đại sư hãy trao “Âm Cực Nhất Dương đan” cho hắn!

Nhà sư áo vàng hơi sửng sốt :

- Bần tăng có nghe Quách hộ pháp nói rằng tên tiểu tử này đã mấy phen đối địch và làm tổn hại nhiều về kế hoạch của ta, thế tại sao Tam cung chủ lại muốn cho hắn thuốc giải?

Tam cung chủ nói :

- Ta và hắn hẹn ước đơn độc giao đấu, không cho phép người thứ ba nào ám trợ. Bây giờ, đại sư ám toán như thế là đã phá vỡ lời ước hẹn, tự nhiên phải trao thuốc giải cho hắn.

Nhà sư áo vàng vụt cười ha hả :

- Hắn với ta là kẻ đối đầu không thể đổi. Với hắn mà nói về đạo lý, hắn tự đến đây tìm chết, như thế cũng đã là quá tốt với hắn rồi, Tam cung chủ còn dễ dãi làm chi?

Quách hộ pháp cười cười tiếp theo :

- Tam cung chủ, đại sư nói phải lắm. Tên tiểu tử họ Hàn nếu không sớm trừ đi thì chúng ta sẽ còn nhiều hậu hoạn...

Tam cung chủ mặt lạnh lùng :

- Huyền Cảnh đại sư vốn là một vị Hộ pháp của Ngũ Phượng môn, nhưng khi đã được điều động đến Giang Nam thì chắc phải tuân theo lệnh của Tổng phân đàn chủ chứ?

Huyền Cảnh đại sư tái mặt vòng tay :

- Vâng, bần tăng được lệnh đến đây là hoàn toàn nghe theo lệnh của Tam cung chủ!

Tam cung chủ hất mặt :

- Vậy thì hãy trao thuốc giải cho ta!

Huyền Cảnh đại sư vâng dạ, và khẽ ném mắt về phía Hàn Thiếu Sơn, chầm chậm lấy ra một cái bình, trút một viên thuốc, hai tay trao cho Tam cung chủ.

Tam cung chủ tiếp lấy, và nhà sư cung kính nói :

- Thuốc này mỗi người chỉ uống một hoàn!

Tam cung chủ vẫy tay :

- Nơi đây bây giờ không có phận sự của nhị vị, hãy đi về Tổng phân đàn.

Huyền Cảnh đại sư và Quách hộ pháp vòng tay vái dài và quay mình tung thẳng vào bóng tối.

Chờ cho hai người khuất bóng, Tam cung chủ đặc hoàn thuốc trong lòng bàn tay, bước tới đưa cho Hàn Thiếu sơn :

- Đây là thuốc giải “Âm Cực chỉ”, xin Hàn công tử hãy uống vào.

Hàn Thiếu Sơn chiếu đôi mắt ngời ngời và bật cười ha hả :

- Thịnh tình của Tam cung chủ, Hàn mỗ này xin đa tạ. Nhưng thứ chỉ pháp tầm thường này làm sao lại có thể hại được sinh mạng của tại hạ? Cuộc hội đêm nay kể như tại hạ không thể hầu trọn vẹn, vậy xin phép cáo từ!

Hắn cúi xuống nhặt thanh kiếm, hai tay trao về phía cô tỳ nữ Nã Vân :

- Xin cô nương thu kiếm lại!

Nã Vân khép nép bước lên nhận thanh kiếm, dáng điệu của nàng ta hết sức e dè.

Hàn Thiếu Sơn vừa quay bước thì Tam cung chủ cũng vừa nhích tới, giọng nói trở nên hớt hải :

- Hàn công tử... xin dừng bước...

Hàn Thiếu Sơn quay lại hỏi :

- Tam cung chủ còn có điều chi chỉ giáo?

Ánh mắt của Tam cung chủ lộ đầy vẻ lo âu :

- Công tử đã trúng phải Âm Cực chỉ của Huyền Cảnh đại sư, và trong thiên hạ chỉ có một thứ thuốc giải độc nhất của người luyên nên nó mà thôi...

Hàn Thiếu Sơn nói :

- Chuyện đó xin Tam cung chủ hãy yên lòng, tại hạ quyết không khi nào chịu sự tàn phế đâu!

Tam cung chủ nhích thêm một bước nữa :

- Tôi chỉ vì cuộc hội đã hẹn ước của đêm nay, vì lời hứa không để cho đệ tam nhân xuất thủ. Nay Huyền Cảnh đại sư lại vô ý phá lệ, tự nhiên phải trao thuốc giải cho công tử, xin công tử đừng từ chối, bởi vì đây không có vấn đề ân nghĩa. Công tử bị thương, tôi cứu thương không ai mang ân của ai cả. Chúng ta không ai mang nợ của ai cả, cuộc hẹn còn trong vòng so kiếm chưa phân rõ ai hơn ai thua. Chờ đến khi công tử lành bệnh rồi, chúng ta tiếp tục!

Lời lẽ của Tam cung chủ thật là khéo léo, chính trong câu nói đó đã nói lên một cách rõ ràng là khi nhận thuốc giải này, Hàn Thiếu sơn cũng không cần phải cảm kích một ai...

Nhưng Hàn Thiếu Sơn chỉ mỉm cười điềm đạm :

- Vâng, Tam cung chủ nói đúng, tôi chưa tự nhận là đã thua trong trận đấu hôm nay, chỉ cần Tam cung chủ còn hứng thú, thì lúc nào đó tại hạ lại xin hội diện vậy.

Hắn vòng tay mỉm cười tung thẳng mình lên, băng thẳng vào bóng tối xa xa...

Tam cung chủ đứng sững như trời trồng, ánh mắt long lanh nhìn theo hướng của Hàn Thiếu Sơn, và thình lình ném mạnh hoàn thuốc xuống đất, rồi phóng mình vào bóng đêm như gió...

Hai cô tỳ nữ đứng sững sờ.

* * * * *

Lý gia trang.

Một võ lâm thế phiệt, một trong Tứ Hào của giang hồ, một gia trang tọa lạc tại Đông Ngưu cốc, phía Tây giao thành Thuận Đức.

Hà Bắc Lý gia.

Thế lực của Hà Bắc Lý gia cực kỳ thịnh đạt, chẳng những thực sự thống lĩnh trọn ba tỉnh rộng lớn mà uy danh còn vang dội cả đại giang Nam Bắc.

Lý gia trang đồ sộ nguy nga số một vùng Hà Bắc. Phía sau là giải núi hùng vĩ chạy dài, phía trước là cả một vùng bình nguyên rộng lớn. Chỉ bằng vào trang trại đó cũng thấy sự giàu có và mạnh mẽ của họ Lý ở vùng này.

Lúc ấy trời khoản xế chiều, ngôi tiền viện của Lý gia rèm buông sáo phủ, tứ phía lặng im phăng phắc.

Hai cô tiểu hoàn áo xanh khoanh tay đứng phía bên ngoài cửa, cũng như không khí của gia trang, cả hai cô gần như không nghe hơi thở.

Thật là một khung cảnh lạnh lùng.

Bên trong đại sảnh trang trí thật là hoa lệ. Xích vào bên trong nội thất, dựa bên tường phòng có một cái sạp gụ, trên sạp lót nệm gấm với hai chồng gối cao, trên gối đó một lão già mặc áo màu lam đang ngồi dựa nghiêng nghiêng...

Gương mặt lão già gầy mét, dưới cằm chòm râu đã bạc phơ, đôi mắt lim dim mỏi mệt.

Đó là “Tiên Nhân Chưởng” Lý Quang Trí, người đã cùng Đông Hứa, Tây Tần, Nam Giang giữ thế chân vạc võ lâm.

Con người đã lừng danh là một “Tiểu hùng”, thế nhưng bây giờ thì hơi thở gần như không đủ.

Bên cạnh chiếc sạp, một thiếu phụ ngồi khép nép, trông chừng nàng khoảng chừng hăm bốn hăm lăm tuổi, gương mặt nàng như một đóa phù dung chớm nở, hai hàng mi cong vút như hai cành liễu đương xuân. Nàng vận bộ y phục màu lục, càng làm tăng vẻ dịu dàng của một người đàn bà mà xuân sắc đang hồi trọn vẹn.

Chỉ có điều là gương mặt của nàng có phần kém vui, thỉnh thoảng nàng chồm mình tới bóp bóp tay chân cho lão già họ Lý.

Nàng là Trầm di nương, người thị thiếp của Tiên Nhân Chưởng Lý Quang Trí.

Ba tháng trước dây, Lý Quang Trí dưỡng bệnh tại Bạch Vân quan ở Bắc Hiệp sơn.

Chuyện xảy ra khi Quách Thế Phần đưa Giang Hàn Thanh đến cầu trị tại Bạch Vân quan. Nơi đây họ gặp Thanh Kỳ lệnh chủ và sự việc xảy ra về chuyện tráo người.

Tự nhiên, với sự ràng buộc của địch nhân, con trai của Lý Quang Trí là công tử Lý Duy Năng đã phải thuận lòng. Hắn hứa với Thanh Kỳ lệnh chủ là khi nào cha mình được thả về thì chừng đó họ Lý sẽ thoái xuất giang hồ, bế môn lo việc điền viên.

Riêng về chuyện mà Thanh Kỳ lệnh chủ buộc Lý Duy Năng đảm nhận chức vụ Phó Lệnh chủ thì họ Lý hẹn để khi nào cha hắn trở về được an toàn, rồi hắn sẽ phúc đáp.

Tự nhiên đó chỉ là kế hoãn binh. Lý Duy Năng nghĩ rằng một khi cha mình đã về rồi, thì sự việc sẽ được giải quyết theo chiều hướng khác!

Ba ngày sau đó, quả nhiên người của Ngũ Phượng môn cho đưa Lý Quang Trí trở về Hà Bắc.

Kèm theo họ còn trao cho chín hoàn thuốc và một phong thư.

Đại ý trong thư nói rằng cứ cách mười ngày thì uống một hoàn thuốc. Thuốc đó có thể làm cho chất độc trong người của Lý Quang Trí tạm thời chậm phát tác, để bảo trì sự thanh tĩnh cho ông ta, nhưng cũng chỉ ba tháng thôi. Ba tháng đó là hạn kỳ, chỉ khi nào Lý Duy Năng thật tình giữ đúng lời hứa, xuất nhiệm Phó Thanh Kỳ lệnh chủ thuộc Tổng phân đàn của Ngũ Phượng môn ở Giang Nam thì Lý Quang Trí mới hoàn toàn được cứu...

Tiên Nhân Chưởng Lý Quang Trí sau khi uống thuốc của Thanh Kỳ lệnh chủ trao cho, tuy không bị chất độc hoành hành, nhưng chất độc trong người vẫn tiềm ẩn không trừ hẳn được, thể chất vẫn yếu đuối như người bệnh hoạn, đi đứng đều phải có người vịn đỡ, chỉ có điều tinh thần quả nhiên thanh tĩnh, không suốt ngày hôn mê như trước nữa, việc nói năng bàn bạc trở lại bình thường.

Hạn kỳ ba tháng thắm thoát đã tới rồi, đến nay thì chỉ còn đúng mười ngày.

Lý Duy Năng không dám nói thật với cha mình những điều kiện mà đối phương đã buộc, nhưng khi thấy hạn kỳ sắp hết trong lòng như lửa đốt ngồi đứng không yên.

Trong vòng ba tháng nay, nhiều chuyện bất tường xảy ra liên tiếp. Chẳng những Thiên Phong đạo trưởng ở Hiệp Sơn mất tích luôn, mà luôn cả đồ đệ chân truyền của ông ta là Thần Biến Tử đã ẩn cư mười mấy năm nay tại Tích Thúy Phong cũng bị mất tích luôn.

Lý Duy Năng mấy bận đến Tích Thúy Phong nhưng cũng đều không gặp.

Vào giờ Mùi ngày hôm ấy, Lý Duy Năng mang cả một tâm sự nặng nề như treo đá, chầm chậm bước lên lầu.

Hai tên tiểu hoàn vừa thấy đã vội chắp tay :

- Tiểu kỳ khấu bái Đại công tử!

Lý Duy Năng hỏi :

- Cha ta đã tỉnh chưa?

- Lão gia đã tỉnh rồi, xin mời Đại công tử vào trong!

Vừa nói, hai cô vừa mở rộng cửa giữa.

Lý Duy Năng đi thẳng vào phòng.

Hắn thấy cha mình đang dựa hơi trên sạp gụ, tinh thần cũng như sắc diện cằn cỗi quá nhiều. Lý Duy Năng chợt thấy lòng chua xót, hắn bước tới thấp giọng :

- Con xin tham kiến gia gia!

Lý Quang Trí nhướng đôi mắt và khẽ gật đầu :

- Hài tử, con đã đến đấy à?

Trầm di nương cũng vội đứng lên khép nép mỉm cười :

- Xin thỉnh công tử ngồi tạm nơi đây!

Lý Duy Năng mang nặng lòng ưu tư, hắn cứ nhìn chăm chăm vào mặt cha thật lâu không nói một lời.

Vì cha, hắn mấy lần muốn theo điều kiện của địch nhân, bao nhiêu lần muốn đem chuyện ấy thưa lại với cha, nhưng hắn lại rất biết tính tình của cha mình, tính tình của một con người quật cường chứ không hề biết khuất phục. Hắn sợ một khi nói ra thì có thể vì đang sẵn mang trọng bệnh, cha hắn sẽ uất ức mà mệnh một...

Cho nên bao lần định nói, nhưng rồi cũng phải lặng thinh.

Lý Quang Trí tuy đã thấy con mình vào, nhưng vì mệt quá nên cứ dựa nghiêng thở cầm hơi, chứ không nói được tiếng nào.

Trầm di nương dùng bàn tay mềm mại của mình vuốt nhè nhẹ lên ngực chồng, mặt thì quay qua nói khẽ với Lý Duy Năng :

- Đại công tử, hãy ngồi tạm xuống đây đi, đứng hoài như thế mỏi lắm.

Giọng nói của người thiếu phụ và cử chỉ của bà ta thật bộc lộ sự chiếu cố lo lắng cho đứa con chồng.

Lý Duy Năng khẽ thở ra :

- Đa tạ Di nương.

Và hắn lại cau mày thấp giọng :

- Gia gia tôi hình như lại không được khỏe nữa rồi đó ư?

Trầm di nương mỉm miệng gật đầu :

- Hôm nay lại đến ngày uống thuốc, nhưng vì chưa đến giờ, nên bệnh lại có vẻ nặng nề...

Giọng người thiếu phụ chìm hẳn xuống, cộng với vẻ mặt đã rầu càng làm cho không khí thêm ray rức.

Lý Quang Trí mở mắt nói hơi đứt quảng :

- Duyên Ỷ, nàng...nàng, hình như nàng nói chỉ còn một hoàn thuốc chót... phải không? Mau... mau lấy đem đây...

“Còn một hoàn thuốc chót”!!!

Mấy tiếng lọt vào tai Lý Duy Năng y như một trái chùy ngàn cân rớt xuống, hắn cảm thấy choáng váng tối tăm...

Hắn đã từng căn dặn Trầm Duyên Ỷ, người mẹ kế của hắn rằng đừng bao giờ cho cha hắn nghe chuyện ấy, thế mà người Di Nương này lại quá nhiều lời thố lộ...

Trầm Duyên Ỷ nhăn mặt lộ vẻ khó chịu :

- Lão gia, tối nay mới đến giờ uống thuốc mà. Thôi, để tiện thiếp xoa lưng cho lão gia đỡ mệt.

Lý Quang Trí khẽ lắc đầu :

- Không, mau... mau... đi lấy đem đây... Ta... ta không thể chịu thấu nữa rồi...

Không còn cách nào hơn, Trầm Duyên Ỷ đành phải chậm chậm đứng lên, bước lại tủ lấy chiếc hộp nhỏ, trút ra vỏn vẹn một hoàn thuốc màu đen, và rót một chén nước bưng lại trước mặt Lý Quang Trí dịu giọng :

- Lão gia đã không khỏe thì thôi uống sớm đi vậy!

Lý Quan Trí há miệng nuốt hoàn thuốc vô khỏi cổ thì thần sắc con người thay đổi lập tức.

Ông ta nằm xuống từ từ nhắm mắt và hơi thở đã điều hòa.

Kéo mình chăn nhẹ đắp lên mình chồng, Trầm Duyên Ỷ đứng thẳng nơi đầu giường không dám gây tiếng động.

Lý Duy Năng nhè nhẹ bước lại chiếc ghế xa xa ngồi xuống.

Hắn biết chỉ trong phút chốc đây, cha hắn sẽ thanh tĩnh trở lại, và hắn bấn loạn không biết nên nói với cha mình như thế nào cho ổn...

Bởi vì đây là chuyện đại sự của Hà Bắc Lý gia, một khi hắn muốn chấp thuận điều kiện của đối phương thì cũng phải có sự đồng ý của cha và sau đó là những người rường cột của gia trang.

Không khí trong phòng thật là lặng lẽ, có thể một cây kim rơi xuống cũng nghe thấy dễ dàng.

Quả nhiên, chỉ mấy giây sau, Lý Quang Trí từ từ mở mắt thở một hơi dài khỏe khoắn, ông ta nói bằng một giọng tuy cũng yếu nhưng đã rõ ràng :

- Duyên Ỷ, nàng hãy đỡ ta ngồi dậy!

Trầm Duyên Ỷ dịu giọng :

- Lão gia, xin lão gia hãy nằm tịnh dưỡng...

Lý Quang Trí lắc đầu :

- Không, ta đã khỏe hẳn rồi. Ta có chuyện cần nói với Duy Năng.

Lý Duy Năng đứng dậy đi lại :

- Cha hãy nằm nghĩ. Cha cứ nằm nói cười cũng được rồi!

Lý Quang Trí lắc đầu :

- Không, cha cần ngồi dậy!

Lý Duy Năng thở ra.

Trầm Duyên Ỷ đành phải đỡ ông ta ngồi dậy.

Lý Quang Trí nhìn Lý Duy Năng bằng đôi mắt bất thần và giọng ông ta yếu ớt :

- Hài tử, có khá nhiều việc mà con vẫn cứ giấu cha...

Lý Duy Năng hoảng hốt :

- Xin gia gia hãy yên tâm tịnh dưỡng, gia trang của chúng ta không có chuyện gì cả đâu!

Lý Quang Trí nở nụ cười khô héo :

- Hài tử, con không nên giấu cha nữa, chính Di nương của con đã cho cha biết được là cha đã trúng phải chất kỳ độc của Ngũ Phượng môn...

Lý Duy Năng tái mặt :

- Chuyện này...

Lý Quang Trí khoát tay :

- Con không nên có sự khó chịu trong lòng, cho dầu giang sơn của Hoàng Đế thì cũng có ngày bại vong, chứ đừng nói chi ta. Cha đã dày công khai sáng gia Hà Bắc này, có được cơ sở vững chắc trong giang hồ đến ngày nay cũng không phải là chuyện dễ dàng, nhưng không vì thế mà có thể nó là đời đời kiếp kiếp trường tồn vĩnh viễn, cho nên cha cảm thấy rằng đến lúc tuổi già như cha nếu thoái xuất giang hồ thì cũng là một điều phải lắm!

Lý Duy Năng kích động :

- Cha...

Lý Quang Trí khoát khoát tay :

- Người ta thường hay nói: “Tướng quân bất kiến hạnh đầu”. Bao nhiêu năm nay cha đã rất thông suốt điều ấy, cha đã thông suốt rằng người trong giang hồ chúng ta cứ luôn luôn bám lấy hư danh...

Ngưng một hồi, ông ta nói tiếp :

- Bắt đầu từ ngày hôm nay, cái gánh của Bắc Lý chúng ta, con phải kê vai lo lắng. Cha không khi nào hỏi tới chuyện gì, nhưng bây giờ thì có một điều mà cha muốn con phải ghi nhớ, cha vẫn biết sáng nghiệp nay “Thủ thành bất di”, nhưng dầu sao cha cũng không muốn cơ nghiệp này bị hủy hoại vào tay con.

Vầng trán cao rộng của Lý Duy Năng lấm tấm mồ hôi...

Thử hỏi hạn kỳ của Ngũ Phượng môn đã tới sát bên rồi, thuốc của cha mình chỉ còn một viên, mà viên đó cũng đã uống rồi, nếu mình cự tuyệt không chịu tiếp nhận điều kiện của đối phương thì chất độc kỳ lạ trong người của cha mình làm sao giải được?

Còn bằng như tiếp nhận điều kiện của Ngũ Phượng môn thì hẳn ra chính mình tự trao cơ nghiệp của cha mình vào tay kẻ khác hay sao?

Tấn thối lưỡng nan, Lý Duy Năng nhìn cha khẽ hỏi :

- Cha, có phải cha muốn nói...

Lý Quang Trí vụt bừng bừng nỗi giận. Ông ta dằng mạnh tay xuống mặt phản, giọng của ông ta tuy yếu nhưng bộc lộ cả một sự căm hờn :

- Đông Hứa, Nam Giang, Tây Tần, và Bắc Lý trong giang hồ đã mệnh danh là Tứ đại thế gia, nhưng trong chín đại môn phái, trừ Nam Giang ra, còn thì có ai nhìn ba nhà còn lại vào đâu. Thật tình mà nói, số người mệnh danh là chính phái, họ đều xem ba nhà còn lại gần giống như Hắc đạo giang hồ. Họ xem ba nhà còn lại chỉ là những kẻ nhất phương hùng chiếm, chính Nam Giang cũng chưa có lúc nào xem chúng ta là đồng đạo.

Lý Duy Năng im lặng không dám chen vào một lời nào...

Trầm Duyên Ỷ vội cười mơn trớn :

- Lão gia mới vừa khỏe lại, sao lại nói đến chuyện hờn giận mà làm chi...

Lý Quang Trí đưa mắt nhìn nàng, hình như ông ta có giảm phần nào cơn tức tối.

Ông ta dựa mình vào gối và nói chẫm rãi :

- Ta muốn nói cho Duy Năng biết rằng chúng ta nguyên không phải là Bạch đạo giang hồ như cách nói của những người mệnh danh là Bạch đạo.

Lý Duy Năng thầm nghĩ có lẽ cha mình vì đau bịnh quá lâu, cao hỏa công tâm nên lời lẽ có nhiều biến đổi, chính những lời đó từ trước đến nay, ông ta không hề nói như thế bao giờ.

Trầm Duyên Ỷ nói :

- Chúng ta sống bằng sức của chúng ta, không cầu cạnh kẻ khác thì hơi đâu mà nghe tiếng bấc tiếng chì của họ làm chi!

Lý Quang Trí lừ mắt :

- Chuyện giang hồ nàng biết chi mà nói?

Trầm Duyên Ỷ dịu giọng :

- Chứ lão gia không phải đang cơn nóng giận đấy sao? Những chuyện đó cứ mặc nó, sau khi lành bệnh rồi hãy tính tới không được hay sao?

Lý Quang Trí lại thở dài :

- Lão phu muốn cho Duy Năng biết nếu cơ nghiệp của Lý gia mà muốn bảo tồn thì không có cách nào hơn là hợp tác với Ngũ Phượng môn.

Lý Duy Năng cũng thở phào, giọng nói của hắn không giấu được như đã vứt xong gánh nặng :

- Hài tử chính cũng có ý như thế!

Trầm Duyên Ỷ chớp mắt :

- Đại công tử đã nhận chịu với họ rồi ư?

Lý Duy Năng nói :

- Chưa, nhi tử đang muốn thưa lại cùng với gia gia về chuyện ấy!

Vì chỉ nhờ vào hiệu năng của thuốc để duy trì sức lực, nên nói chuyện một lúc lâu Lý Quang Trí thấm mệt, ông ta chống tay dựa nghiêng bên gối thở dốc, nhưng có lẽ vì câu chuyện quá quan trọng nên vẫn cố gắng nói tiếp :

- Cha rất biết con vốn là một con người khí tiết. Câu chuyện vừa rồi chẳng qua là cho con thấy tình đời mà thôi... Cha đã già rồi, đã đến lúc phải yên dưỡng phước trời.

Tất cả những gì của Lý gia trang, cha giao quyền cho con, con hãy cố gắng làm chủ sự nghiệp này...

Trầm Duyên Ỷ khuyên giải :

- Lão gia, bữa nay nói chuyện nhiều quá... Lão gia nên nghỉ cho khỏe.

Quả thật Lý Quang Trí đã mệt nhiều, ông ta chầm chậm gật đầu để yên cho người thị thiếp đỡ nằm xuống.

Lý Duy Năng đứng lên :

- Cha hãy nghỉ cho khỏe, hài tử xin lui.

Nói xong, hắn nhẹ bước ra ngoài.

Vừa đến tiền viện thì gặp ngay Tổng quản Khang Văn Huy chờ thưa việc :

- Thưa Đại công tử, ngoài cửa có hai người khách xa đang chờ diện kiến!

Lý Duy Năng hỏi :

- Khách từ đâu đến?

Khang Văn Huy nói :

- Họ từ Thái Bình bảo, một người là cháu của Hồng Điểm Phán Quan tên là Thiết thư sinh Nghiêm Tú Hiệp, một người nữa tuổi khoảng sáu mươi xưng là họ Cồ.

Biết Hồng Điểm Phán Quan với cha mình vốn là bạn thâm giao đã mấy mươi năm. Bây giờ nghe nói là cháu của Nghiêm Hữu Tam đến viếng, bắn lật đật vẫy tay :

- Tổng quản hãy ra đón họ, tôi sẽ ra tiếp kiến sau!