Thiên Hạ Hữu Địch [Luận Anh Hùng]

Chương 30: Cùng múa với sói




Thiên Hạ Đệ Thất lướt ra ngoài, giống như một con nghiệt long.

Phía sau hắn lại có một con phi long, phi long một tay vắt ngang trời.

Phi long nổi giận công kích Thiên Hạ Đệ Thất.

Thiên Hạ Đệ Thất vội quay đầu ứng chiến. Lúc này vụ nổ đã xảy ra, hai người bị ảnh hưởng, vẫn vừa giao thủ vừa rơi xuống.

Bọn họ rơi xuống theo tro bụi mảnh vụn, vừa rơi vừa giao chiến. Lúc này Thiên Hạ Đệ Thất chật vật giống như một con sói bị thương, còn Thích Thiếu Thương lại giống như một con báo giận dữ truy sát, áo trắng phất phơ, ra tay chiêu chiêu tàn nhẫn, nhìn từ xa giống như cùng múa với sói, thật ra là cùng múa với sát thủ số một trong kinh thành hiện nay, tranh đấu sinh tử tồn vong.

Ngay lúc này, ánh kiếm chợt lóe lên.

Ánh kiếm lạnh và sáng, độc và ác.

Ánh kiếm vô cùng thê lương mỹ lệ, nhưng kiếm pháp lại hết sức dị thường.

Bởi vì dù là từ góc độ, từ thế công hay là từ kỹ xảo, nếu dùng tay phát kiếm đều không thể có được thủ pháp như vậy, cũng quyết không có hiệu quả này.

Đích xác, đây không phải thủ pháp, mà là cước pháp.

Cũng không chỉ là kiếm pháp minh mẫn chuẩn xác, mà là kiếm thuật như ác mộng khiến người ta mê ảo mê hoặc.

Đó là “Mộng Trung kiếm”.

La Hán Quả không rời đi.

Hắn đã bị thương, mọi người đều cho rằng hắn đã rời đi, thực ra hắn lại như ma nhân bí mật trở lại, nấp ở trên mái hiên, chờ Thích Thiếu Thương ra ngoài tiếp tục phục giết.

Hắn đang bị thương, còn bị thương rất nặng.

Nhưng hắn chưa chết, đấu chí cũng chưa chết.

Hắn vẫn có thể xuất kiếm, “Mộng Trung kiếm” của hắn.

Kiếm của hắn đâm về phía Thích Thiếu Thương, chí nguyện phải thành, ý nguyện phải giết.

Một kiếm này còn mạnh, còn độc, còn đáng sợ hơn so với một kiếm sau bình phong trong Tam Hợp lâu.

Thích Thiếu Thương đang toàn tâm toàn ý, toàn lực toàn thân truy kích Thiên Hạ Đệ Thất. Y có nằm mơ cũng không ngờ “Mộng Trung Kiếm” vẫn còn trốn ở đây chờ đợi, muốn cho y một kích tất sát.

Một kiếm này như mộng như ảo, đã không thể kiêng dè, cũng không thể chống đỡ, càng không kịp né tránh.

Thích Thiếu Thương đã sắp trúng kiếm, trúng chiêu.

Thế nhưng một vệt kiếm xanh lạnh lẽo lại “quét” lên.

Một kiếm này vừa xuất ra, chiếu lên gương mặt tuấn tú của La Thụy Giác đang nhắm mắt sử kiếm, mi mắt đều xanh lá.

Màu xanh biếc xâm nhập, cũng xâm người.

Người xuất kiếm là Tôn Thanh Hà.

Hắn tuy cũng bị thương, nhưng vẫn đang nghe, đang chờ, đang nghỉ ngơi lấy sức, quên đi sống chết, xả thân chờ đợi, toàn lực ứng phó, muốn phát ra một kiếm này với “Mộng Trung kiếm”.

La Thụy Giác “nổ” ra.

Uy lực của một kiếm này, so với Hỏa Hổ có lẽ còn không thể ngăn cản, thế không sánh được, mạnh không bì được.

Thế sự vốn không có công bình tuyệt đối.

Nếu thật sự có công bình, người sẽ không được giết chim, chim không được ăn sâu, sâu không được ăn lá cây, cây cối không được hút chất dinh dưỡng của đất.

Nếu là công bình, mèo không được bắt chuột, chuột không được ăn trộm, như vậy ai nuôi mèo, ai ăn chuột? Nếu vì công bình, chuột không thể ăn vụng, như vậy ai nuôi chuột? Sư tử, hổ, thú vật sẽ ăn gì? Nếu như muốn công bình, người không thể ăn thịt, càng không thể thương tổn bất cứ sinh vật nào, như vậy chẳng phải người đã sớm chết đói, tuyệt chủng rồi?

Người sống trên đời có cao quý cũng có thấp hèn, mặc dù bọn họ có thể dựa vào cố gắng và phấn đấu của từng người, thay đổi và cải thiện vận mệnh của mình, nhưng dù sao xuất thân khác nhau, mức độ phấn đấu cũng sẽ khác nhau. Huống hồ, có người may mắn cũng có người bất hạnh, thiên phú tài năng của mỗi người lại khác nhau, bề ngoài khỏe mạnh cũng là bẩm sinh, lại tạo thành thay đổi có tính quyết định. Ai nói thế sự có thể công bình.

Ít nhất cũng không có công bình tuyệt đối.

Có lẽ, tinh thần hiệp giả là bênh vực kẻ yếu, thiên hạ có bao nhiêu chuyện bất bình, hắn đều muốn đòi lại công đạo cho những người bị hàm oan.

Là công đạo chứ không phải công bình.

Mặc dù không giống nhau, nhưng cảm thấy hợp tình hợp lý hơn một chút, như vậy cũng đã tốt hơn nhiều, cũng khiến người ta bình thản hơn.

Cho nên, khi có một số người vô ý chỉ trích những người có chí hành hiệp là “không công bằng”, bọn họ cũng không biết, trong lúc vô tình đã thương tổn nghiêm trọng đến tâm tình của hắn, càng “khó chịu” hơn so với ngàn câu công kích. Bọn họ chiến đấu vì công bình, mặc dù biết rõ sẽ không có kết quả tốt.

Đối với người bình thường đã xem việc bị ức hiếp là chuyện đương nhiên, làm một hiệp giả càng muốn trả lại cho hắn một cái công đạo, điều này cũng là đặc tính của hiệp sĩ, “biết không thể làm nhưng vẫn cứ làm”.

Nhưng có một số người, trời sinh giống như đối địch.

Mọi người sống trên đời, giống như không đối lập thì không thể tồn tại được.

Chẳng hạn như sư tử và hổ, chim ưng và rắn, tân đảng và cựu đảng đương triều, không liều mạng một mất một còn thì không được.

Bọn họ lại không giống như mèo và chó, trâu và dê, Thái Kinh và Chu Lệ, Thích Thiếu Thương và Lôi Quyển, đôi khi vẫn có thể sống chung với nhau, cùng nhau liên thủ tìm một lối ra cho mọi người.

Có lẽ, bọn nó (hắn) bọn đều quá cường hãn, đến nỗi không thể chứa chấp đối phương, không thể cùng tồn tại trên đời?

Thế nhưng, Thích Thiếu Thương cũng rất cường hãn, Tôn Thanh Hà vẫn trợ giúp y, nhiều lần đối phó với La Thụy Giác. Chẳng lẽ đây cũng là oan nghiệt kiếp trước không hóa giải được? Mà từng kiếm của La Thụy Giác chém vào Thích Thiếu Thương, chẳng lẽ cũng là thù hận của đời trước?

Ai biết?

Mọi người chỉ biết La Thụy Giác đã xuất kiếm chém Thích Thiếu Thương.

Một kiếm kinh diễn như cái liếc mắt dịu dàng, công kích bất ngờ.

Nhưng Tôn Thanh Hà cũng phát ra một kiếm với La Thụy Giác.

Phát sau mà tới trước, tấn công để cứu.

Đường kiếm này rất rõ ràng.

Nếu La Thụy Giác kiên quyết muốn giết chết Thích Thiếu Thương, cho dù có thành công, cũng sẽ không kịp ngăn cản một kiếm này của Tôn Thanh Hà.

Hắn chắc chắn sẽ chết.

Thế nhưng Thích Thiếu Thương căn bản không để ý đến một kiếm kia, chỉ truy kích Thiên Hạ Đệ Thất.

Y giống như đã nhận định một kiếm kia của La Thụy Giác sẽ không thương tổn được y, cũng nhận định sẽ có một kiếm kia của Tôn Thanh Hà đến cứu y.

Vụ đánh cuộc này rất mạo hiểm.

Nếu La Thụy Giác tàn nhẫn một chút, xuất kiếm nhanh một chút, Tôn Thanh Hà chậm một chút, do dự một chút, y sẽ phải bỏ mạng giữa trời.

Thế nhưng lòng y đã không còn tạp niệm.

Y chuyên tâm nhất trí, truy sát Thiên Hạ Đệ Thất.

Loại người như y, chỉ cần đã quyết định một chuyện, cho rằng có thể mạo hiểm, đáng giá, vậy thì sẽ không sợ gian khổ, không sợ khó khăn, đặt hết một lần, toàn lực một kích.

Làm việc nghĩa không chùn bước, đặt sống chết ở bên ngoài.

Lúc này người “tiếp ứng” rất quan trọng.

Trước kia Thích Thiếu Thương từng tin lầm Cố Tích Triều, đến nỗi gần như thua không còn manh giáp.

Trong trận chiến này, y trước tiên đã ủy thác cho Tôn Ngư, sau đó lại phó thác cho Tôn Thanh Hà.

Y có tin lầm người nữa không?

Không có.

Tôn Thanh Hà đã phát ra kiếm của hắn, kiếm thế còn ác liệt hơn vừa rồi hắn giao chiến với La Thụy Giác trong Tam Hợp lâu.

Vừa nãy ở trong lâu, La Thụy Giác phá bình phong phát kiếm, Tôn Thanh Hà phát sau mà đến, kết quả hắn bị trúng một kiếm, hiện giờ còn chảy máu.

Lúc này, hắn trên không đụng trời, dưới không đụng đất, thương thế bởi vì vọt lên mà bắn ra máu tươi. Nhưng kiếm pháp của hắn lại càng thê lương, thê thảm, thậm chí bầu trời cũng chấn động thành tiếng ong ong, gió lớn hoành hoành.

Một kiếm này của hắn còn nhanh hơn vừa rồi, cho nên phát sau mà tới trước. 

Chẳng lẽ con người hắn càng bị thương thì càng dũng cảm, càng áp chế thì càng dũng mãnh sao?

Bọn họ hai người hai kiếm, lại gặp nhau, lại đối đầu, giống như hai con sói trên đất hay hai con rồng trên trời, liều mạng với nhau, trên đất cắn xé khiến cho trời trăng không ánh sáng, trên trời cũng náo động đến mức trời rung đất chuyển.

Tình hình rất rõ ràng.

Nếu La Thụy Giác muốn giết Thích Thiếu Thương, Tôn Thanh Hà sẽ giết hắn.

Tôn Thanh Hà đã tìm đến người đứng đầu Thất Tuyệt Thần Kiếm.

Hắn đã “vừa ý” La Thụy Giác.

Hắn đã nhìn chằm chằm vào Kiếm.

Hắn đóng đinh vào đối phương.