Thiên Nhai Khách

Chương 3: Miếu hoang




Chu Tử Thư bình chân như vại – trên đời này các loại chuyện tìm cái chết y đều đã làm, cũng chẳng để ý gì nữa, những lời không sạch sẽ trong miệng lão ngư tiều kia coi hết là thức ăn.

Thuyền lẳng lặng rẽ nước, bên kia sông có cô nương dẻo miệng rao to: “Củ ấu, bán củ ấu đây.” Tưởng như thời gian cùng sông nước này thong thả chảy xuôi, Chu Tử Thư nghĩ, chết ở đây thật cũng đáng.

Lúc đi ngang qua Bồng Lai y từng dò hỏi non tiên trong truyền thuyết, lúc ấy ở trên lưng chừng núi đã nghĩ như vậy, nhưng về sau lại cảm thấy Giang Nam hạnh hoa yên vũ trong truyền thuyết còn chưa du lãm tường tận, có hơi thiệt, thế là lại về nam đến Giang Nam, trước mắt y lại chợt sinh ra loại cảm khái này, cắn miếng bánh vừa khô vừa cứng trong tay, phồng miệng ra sức nhai cả buổi trời, chẳng dễ dàng gì mới nuốt xuống, lắc lư đầu, lại suy nghĩ, thấy Giang Nam rồi nhưng tam sơn ngũ nhạc còn chưa đến, vẫn thiệt.

Lại buông xuống nỗi cảm hoài cuối đời nơi đây.

Bỗng nhiên lão ngư tiều giống như bị nghẹn nước bọt, thôi chửi bới, khom lưng nghiêng đầu nhìn một phương hướng không chớp mắt.

Chu Tử Thư hơi lấy làm lạ, ló đầu khỏi thuyền nhìn theo tầm mắt lão.

Chỉ thấy lão ngư tiều đang nhìn hai người đi trên bờ – chính là nam tử áo xám và thiếu nữ mỹ mạo trên tửu lâu. Lão ngư tiều tóc tuy bạc nhưng tầm mắt như điện, nhìn kỹ thì huyệt thái dương giấu dưới mái tóc rối tung còn hơi lồi lên, bàn tay thô to, gân cốt chằng chéo, chẳng cần phải nói Chu Tử Thư, chỉ cần không phải người mù đều có thể nhận ra lão đầu này thân thủ không đơn giản.

Khiến lão đề phòng mà nhìn chằm chằm như vậy, thiết nghĩ đôi tri kỷ bèo nước xa xa kia cũng chẳng phải hạng người đơn giản.

Thiếu nữ mỹ mạo lúc này tuy rằng hoạt bát, lại thủy chung cẩn thận đi sau nam tử kia chừng một trượng, không dám mảy may đi quá giới hạn.

Chu Tử Thư nhìn lướt quabiết ngay cô nương này thân phận là hạ nhân hoặc thị thiếp gì đó của người áo xám, cô này tuy hơi điêu ngoa, tướng mạo hình dáng lại khá hợp khẩu vị y, song nói cho cùng là của người khác, cũng chẳng đánh giá nhiều, thu hồi tầm mắt, tiếp tục đối phó chiếc bánh khô queo trong tay.

Giang hồ sao, đi đến đâu cũng có thị phi, triều đường là một trường danh lợi, giang hồ thì là một trường thị phi, có người luôn không thể minh bạch chuyện này, giống như trường kiếm kỵ mã đi thiên nhai là chuyện trọng đại lắm vậy, sắp chết cũng phải nhắc mãi.

Có điều trước mắt là thị hay phi, lại liên quan gì đến một kẻ ăn no cả nhà không đói y đây?

Lão ngư tiều im miệng, Chu Tử Thư ngược lại cảm thấy hơi tịch mịch, liền rống lên một tiếng: “Lão trượng, bánh của ông thiếu chút vị mặn, không cần biết muối thô muối tinh, ông tốt xấu cũng bỏ nhiều chút chứ.”

Lão ngư tiều nổi trận lôi đình: “Con mẹ ngươi, cái bánh lớn như vậy cũng không chặn được miệng ngươi, mẹ kiếp có bánh ăn còn chê nọ chê kia, cho tên ranh con ngươi đói ba ngày, coi ngươi có khen ngon không…”

Lão vừa mở miệng là giống như có xu thế không ngừng được, Chu Tử Thư cười, cắn cái bánh khô cong cũng có sức, cảm thấy mình hơi đê tiện.

Đưa người sang sông chẳng qua mấy đồng, Chu Tử Thư vung tay quá trán cho lão ngư tiều hẳn một mẩu bạc vụn, lão ngư tiều không thấy xấu hổ chút nào, đứng dậy đi ngay, nét mặt chủ nợ kia đại khái như còn chê trả ít tiền. Mới đến bờ bên kia, lão ngư tiều không thể chờ đợi đuổi y xuống ngay: “Mau cút mau cút, đừng làm lỡ chính sự của lão tử.”

Chu Tử Thư rề rà ném miếng bánh cuối cùng vào miệng, vươn vai chui khỏi khoang thuyền, hàm hàm hồ hồ nói: “Vội đi đầu thai à?”

Lão ngư tiều trợn tròn đôi mắt chuông đồng, tư thế như rất muốn chửi ầm lên, hỏi thăm tổ tông mười tám đời người này, lại như nhớ đến điều gì, cuối cùng vẫn nuốt xuống lời sắp nói, gầm gừ khua thuyền đi.

Cũng may lão này chẳng biết ở đây làm gì, dùng thân phận giả như vậy, nếu lão thật sự sống bằng nghề đưa đò, còn không nghèo rớt mồng tơi?

Mắt thấy thuyền nhỏ lắc lư đi xa, Chu Tử Thư mới thong thả nói: “Mẹ kiếp.”

Y nửa đời chung đụng với một đám bại hoại văn nhã, vốn cũng vừa mở miệng là vòng vo Tử viết Tử nói, chưa bao giờ giữa ban ngày ban mặt nói năng vô lễ như thế, lúc này buột miệng ra một câu, lại cảm thấy cực kỳ thống khoái, giống như thứ tích tụ trong ngực đã trút ra hết thảy.

Y ngạc nhiên phát hiện, chửi đổng lại là một chuyện thoải mái như vậy, thế là cười khanh khách nhỏ giọng nói một câu: “Đồ lão quy tôn lấy tiền không làm việc đàng hoàng, ăn đếch ỉa được.”

Nói xong ngẫm nghĩ câu này một chút, chỉ cảm thấy tâm tình khoan khoái, miệng đầy dư hương, vì thế vừa lòng thỏa ý chậm rãi men bờ sông mà đi.

Chu Tử Thư dạo đông qua tây cả một ngày, mãi đến tối dạo bước tới ngoài thành, tìm cái ao nhỏ gột qua một thân hôi hám cả chính y cũng sắp không nhịn được, tốt xấu vẫn để mình giống một con người, lúc này mới cân nhắc tìm một chỗ ngủ tạm, đi thêm cả một dặm, trông thấy một ngôi miếu đổ nát, liền đi vào, trải cỏ tranh nằm cuộn người dưới chân Phật, ngáp một cái rồi ngủ mất.

Dù cho hiện tại trong lòng y không có việc gì, đầu vừa chạm cỏ là có thể đánh một giấc tận đến sáng hôm sau, vẫn phải dưới tình huống nửa đêm nửa hôm không ai quấy rầy, bị tiếng bước chân cùng tiếng người cách đó không xa đánh thức.

Ba người xuất hiện ngay cửa miếu, mùi máu tươi hất vào mặt, Chu Tử Thư mở mắt nhíu mày.

Người bị thương đầu đội mũ, chẳng biết có ý thức hay không, được một thiếu niên choai choai tầm mười bốn mười lăm đỡ, thiếu niên nọ xem ra có chút nền tảng công phu, nhưng khí lực không tốt, thở hổn hển như bò bệnh, cật lực đỡ người bị thương, bên cạnh có một lão phụ ăn mặc kiểu hạ nhân, ôm cái bao vải thất tha thất thểu chạy chầm chậm theo.

Thiếu niên vừa vào cửa miếu liền cẩn thận nhìn quét tứ xứ như một con thú nhỏ hoảng sợ, Chu Tử Thư nằm dưới bóng tượng Phật, hơi thở lại cực nhẹ, thiếu niên ban đầu cũng không lưu ý đến, nói khẽ với nam nhân đội mũ kia: “Lý bá bá, chúng ta trốn ở đây một lúc đi, ta thấy thương của ông…”

Gã còn chưa nói xong, người chỉ còn sót nửa cái mạng kia liền giãy khỏi thiếu niên, cố gắng đứng thẳng, quay về phương hướng Chu Tử Thư chắp tay nói: “Khụ… Vị bằng hữu này…”

Lão vừa ngẩng đầu, nhất thời ngừng lại, Chu Tử Thư cũng đã thấy rõ người này chính là lão ngư tiều đưa y qua sông, sau lưng có một chỗ bị thương, cả người như huyết hồ lô, lập tức ngồi ngay ngắn lại: “Là ông?”

Lão ngư tiều cười khổ một tiếng: “Mẹ kiếp, là tên ăn mày ngươi…”

Còn chưa dứt lời, cả người liền bổ về phía trước, thiếu niên kia vội đưa tay đỡ, song bản thân cũng kiệt sức, bị lão kéo cùng ngã nhào xuống đất, giọng nghẹn ngào: “Lý bá bá…”

Lão ngư tiều toàn thân co rút một thoáng, Chu Tử Thư không nhịn được nhổm dậy, thấy máu lão chảy ra kèm một chút màu tím quỷ dị, liên đới môi cũng xanh xám, liền nhíu mày.

Lão ngư tiều miễn cưỡng cười cười, thấp giọng nói: “Mẹ kiếp ngươi có còn là đàn ông không? Đâu ra lắm nước mắt vậy? Lão tử… Lão tử còn chưa chết đâu…”

Phụ nhân bên cạnh cũng gạt lệ nói: “Lý đại gia, nếu ông cũng có việc bất trắc, thiếu gia chúng ta phải trông cậy vào ai đây?”

Lão ngư tiều trừng bà ta một cái, gắng sức hít một hơi, run rẩy nói với thiếu niên kia: “Ta… Cũng là một kẻ không tiền đồ… Chỉ là năm đó chịu ơn cha ngươi, lấy mạng báo đáp, cũng không có thứ gì khác…” Lão lại ho sù sụ, ho không bao lâu thân thể liền co giật một hồi, “Tiểu tử, ngươi nhớ…”

Nhớ cái gì còn chưa nói xong, cửa miếu lại truyền đến tiếng bước chân dồn dập, một hắc y nhân rảo bước vào, người nọ không hề che mặt, trên mặt có vết sẹo đao, thấy ba người không còn lối thoát này, nhếch miệng cười cười như mèo bắt chuột: “Hay lắm, các ngươi chạy xa thật đấy.”

Thiếu niên nọ cắn răng, rút một thanh kiếm từ bên hông, bổ đến hắc y nhân: “Ta giết ngươi!”

Tiếc rằng khí thế kinh người nhưng thật sự là một thân công phu mèo quào, nhìn mày rậm mắt to rất có linh khí mà người lại vụng về, chưa sử được một chiêu đã bị người nọ nhẹ nhàng hất văng binh khí, trở tay đập ngược, vừa vặn trúng ngay bụng gã, đánh bay ra một trượng như trêu mèo.

Thiếu niên sau đó đứng dậy, mặt xám mày tro quát to một tiếng, lại chẳng thấy mảy may sợ hãi, tay không bổ lên.

Lão ngư tiều nôn nóng, dường như muốn bò dậy, nhưng bị thương quá nặng, cựa quậy một lúc lại nặng nề ngã xuống đất.

Hắc y nhân cười khẩy: “Thỏ con còn muốn cắn người hay sao?” Liền nghiêng người tránh được, gập ngón thành trảo chụp ngay hậu tâm thiếu niên kia, dưới ánh trăng bàn tay nọ lại không giống như làm từ máu thịt, phiếm ánh sáng lạnh màu xanh nhạt, muốn hạ sát thủ.

Chu Tử Thư vốn không muốn lo chuyện bao đồng, nhưng nghĩ dù sao cũng có duyên phận “cùng thuyền” với lão ngư tiều, thiếu niên này lại nhỏ, không muốn thấy gã mới tí tuổi như vậy đã chịu chết, tay đã chụp một viên đá nhỏ, mới lật tay định bắn ra, bỗng nhiên vang lên một tiếng huýt sáo, hắc y nhân nọ ánh mắt hơi hoảng, đất bằng ngã nhào, thiếu niên kia vồ hụt.

Chỗ vừa nãy hắc y nhân đứng lại ghim một ám khí hình hoa sen tầm một tấc.

Chỉ nghe một thiếu nữ nũng nịu nói: “Hay thật, đêm hôm khuya khoắt lại có kẻ không biết xấu hổ, giữa hoang giao dã ngoại ức hiếp lão phụ nhược tử như vậy.”

Chu Tử Thư giật mình, thanh âm này quen tai – bèn thu hòn đá nhỏ chưa ra tay, chậm chạp nằm lại, yên lặng xem biến.

Hắc y nhân nọ mặt thoáng co rút, mắt lồi lên – Chu Tử Thư cảm thấy là vết sẹo trên mặt kia bị thương, mặt hắn hơi cứng đờ, hệt nhưtrúng gió, trong hung ác lại có chút buồn cười, chỉ nghe hắn giận dữ nói: “Tiểu tiện nhân từ đâu đến?”

Thiếu nữ nọ cười cười, Chu Tử Thư nhìn kỹ lại, thấy một cái bóng màu tím hiện lên ngay cửa, người vào chính là tiểu cô nương hôm nay tuyên bố phải độc chết y, cảm thấy mình hôm nay ắt hẳn có kỳ ngộ, ân oán tình thù trong ngôi miếu hoang này lại có non nửa là y từng gặp.

Không biết chủ tử thiếu nữ áo tím này đi đâu rồi, nàng nghiêng đầu, vẻ mặt ngây thơ dựa cửa, dùng ngón trỏ nhẹ nhàng cọ mặt, cười nói: “Lão tiện nhân, lão thật không biết xấu hổ, ức hiếp người già trẻ nhỏ và một người sắp chết.”

Lão ngư tiều cũng chẳng biết có hơi hay không, ban ngày còn ra vẻ mắng người, lúc này nghe người ta nói lão là người “sắp chết”, lại thật sự ngã nhào xuống đất như sắp chết, chẳng đánh được phát rắm nào.

_________________