Thiếu Nữ Xinh Đẹp Chốn Khuê Phòng

Chương 1




Dịch: Trâu Lười

Huyện Vũ An, vùng sông nước Giang Nam.

Trời mưa ba bốn ngày liên tiếp cuối cùng cũng tạnh, sáng sớm vừa dậy liền thấy bầu trời trong xanh, hôm nay chắc chắn là một ngày nắng to.

Mưa thu làm thời tiết càng ngày càng lạnh, đã đến lúc cất chăn mỏng mùa hè vào hòm rồi. Vợ tú tài Kim thị vừa dậy liền tháo vỏ chăn của hai vợ chồng ra, bà vừa tháo vừa lẩm bẩm nói hôm nay phải mang vỏ chăn và quần áo bẩn ra bờ sông giặt giũ mới được.

Chu Sưởng đang đứng thắt đai lưng, ông nghe vậy thì liếc mắt nhìn vợ rồi nghiêm mặt hỏi: “Tối hôm qua bà nói hôm nay bà muốn đi chợ phía thành nam mà, bà đi chợ thì đống quần áo nhiều như vậy để ai giặt?” 

Kim thị bĩu môi, bà dùng sức tháo vỏ chăn ra rồi trừng mắt nhìn Chu Sưởng nói: “Đương nhiên là để Song Song và A Kiều giặt cùng nhau rồi. Có tý chuyện mà ông cũng hỏi, chẳng lẽ ông lại nghĩ tôi để đứa cháu gái bảo bối của ông giặt sao?”

Chu Sưởng trừng mắt nhìn lại: “Tốt nhất bà nên làm như vậy, tôi mà biết bà lại dẫn Song Song ra ngoài rồi ném hết việc cực nhọc cho A Kiều thì về sau đừng có mơ tôi đưa tiền lương dạy học cho bà.”

Kim thị cắn chặt môi, cuối cùng bà cũng không dám tiếp tục nói mạnh miệng với ông chồng.

Bà thu dọn đồ trong phòng, Chu Sưởng đi ra ngoài trước.

Cuộc sống của gia đình nhà họ Chu không được coi là giàu có, ban đầu nhà họ chỉ có ba căn phòng ở phía Bắc, về sau Chu Sưởng thi đậu tú tài có công danh, ông bắt đầu đến tư thục dạy học kiếm tiền thì cuộc sống của gia đình mới khá hơn. Lúc đó họ xây thêm phòng phía Đông và phòng phía Tây bao quanh sân. Căn phòng ở phía Đông cho con gái Chu Song Song ở, còn căn phòng ở phía Tây cho con trai Chu Thời Dụ ở.

Sau khi A Kiều từ lầu Hoa Nguyệt trở về, cô chuyển vào ở trong sương phòng của Chu Song Song.

Chu Sưởng vừa mở cửa chính ra liền thấy cháu gái A Kiều đang cầm chổi quét sân, cô mặc váy xanh đã cũ khom lưng cúi đầu quét lá rụng, mái tóc đen dài xõa xuống vai lộ ra nửa khuôn mặt nhỏ nhắn trắng nõn, lông mày đen dày, đôi môi đỏ mọng giống như đóa tường vi nở rộ trên đầu tường vào mùa hè, vẻ đẹp xinh tươi đó làm hai mắt người khác muốn tỏa sáng.

A Kiều nghe thấy tiếng mở cửa thì ngẩng đầu lên, thấy Chu Sưởng đi ra, cô mỉm cười, giọng nói mềm mại: “Bác dậy rồi ạ.”

Lúc nãy Chu Sưởng còn lạnh mặt với vợ, bây giờ lại cười như gió xuân, ánh mắt hiền từ nhìn cháu gái: “Sao Kiều Kiều dậy sớm thế, những công việc này để mợ cháu làm là được rồi, cháu không cần làm đâu.”

A Kiều vừa quét dọn tiếp vừa nói: “Mợ quản lý nhà cũng rất mệt rồi, dù sao cháu cũng nhàn rỗi, không sao đâu ạ.”

Chu Sưởng biết cháu gái mình chịu khó và hiểu chuyện, ông thuyết phục thế nào cũng vô ích nên ông không nói nữa mà đến nhà xí giải quyết nỗi buồn.

Kim thị ở trong phòng nghe thấy đoạn hội thoại của hai bác cháu, nhưng bà không nghĩ A Kiều muốn giúp đỡ mình mà con nhóc đó cố ý nịnh nọt chồng bà mới đúng.

Nghĩ đến việc chồng cảm thấy có lỗi và bảo vệ A Kiều, Kim thị lại thấy đau lòng.

Bà dừng công việc trong tay rồi nhớ về quá khứ.

Năm năm trước, ông chồng Chu Sưởng đến phủ thành tham gia kỳ thi viện, còn bà ở nhà một mình chăm sóc hai đứa bé và đứa cháu gái A Kiều khắc chết cha chết mẹ đến ở nhờ. Đúng lúc đó con trai Chu Thời Dụ đột nhiên ốm nặng, trong nhà cần ít nhất mười lượng bạc để chữa bệnh cho con.

Tiền trong nhà gần như để chồng lấy đi thi hết rồi, nhưng Kim thị không thể trơ mắt nhìn con trai chịu chết được. Bà đi vay mượn bà con lối xóm nhưng bọn họ đều coi thường nhà bà nghèo, họ không nghĩ chồng bà có thể thi đỗ tú tài, họ mà cho vay tiền thì đúng là đổ xuống sông xuống biển nên không ai chịu giúp bà. Kim thị cầu xin tất cả những người có thể cầu, bà nói đến nỗi loét miệng cũng chỉ  góp được mười mấy đồng.

Trong lúc tuyệt vọng, Kim thị bắt đầu tính toán A Kiều.

Đừng nhìn A Kiều lúc đấy chỉ mới 11 tuổi, con nhóc này vừa trắng vừa xinh, đi tìm khắp mấy con phố xung quanh cũng không có ai xinh như con bé. Lúc đấy kiếm được tiền chữa bệnh cho con trai là quan trọng nhất, Kim thị cắn răng vừa dỗ vừa lừa A Kiều đến lầu Hoa Nguyệt. Tú bà ở lầu Hoa Nguyệt rất thích A Kiều, bà ta đã trả cho bà 10 lượng bạc.

Kim thị không bao giờ quên ngày hôm đó, bầu trời mưa to, A Kiều khóc thét lên khi biết mình bị mợ bán đi, cô bé quỳ xuống trước mặt bà rồi ôm chân van xin bà đừng bán mình. Đấy là lần đầu tiên Kim thị làm người xấu, bà thấy A Kiều khóc thì khó chịu, mà càng khó chịu bà càng muốn trốn đi, thế là bà kéo tay cô bé ra, bà không cầm ô mà lao thẳng vào trong cơn mưa to.

Tiếng mưa rơi ào ào, cuối cùng bà cũng không nghe thấy tiếng khóc của A Kiều nữa.

Cứ như vậy, Kim thị dùng mười lượng bạc chữa bệnh cho con trai mình, từ đó A Kiều cũng trở thành người của lầu Hoa Nguyệt.

Không lâu sau chồng bà đi thi về, ông nghe tin bà bán A Kiều thì thẳng tay tát một phát vào mặt bà, sau đó ông túm cổ áo bà đi đến lầu Hoa Nguyệt đòi người.

Hai vợ chồng không nhìn thấy A Kiều vì tú bà của lầu Hoa Nguyệt đã gọi vài người gác cổng đến ngăn họ lại, bà cười như không cười nói: “A Kiều đã vào đây thì chính là người của lầu Hoa Nguyệt, hai người muốn cướp là chuyện không thể nào, nhưng các người có thể chuộc người về, chỉ cần đưa 1000 lượng ra đây là được. Các người lấy ra được không? “

Làm sao nhà họ Chu có nhiều tiền như vậy?

Họ muốn đi vay cũng không có chỗ để vay.

Báo quan cũng vô dụng, giấy trắng mực đen, chưa nói đến việc Chu Sưởng có đỗ tú tài hay không, dù ông trở thành cử nhân cũng vô dụng mà thôi.

Vì chuyện này mà Chu Sưởng lạnh nhạt với Kim thị hơn nửa năm, đến khi cha của Kim thị qua đời, Kim thị khóc một trận thì lúc đấy Chu Sưởng mới bỏ qua cho Kim thị.

Kim thị cứ tưởng chuyện này đã kết thúc rồi, chồng bà sẽ không bao giờ nổi giận với bà vì con nhóc A Kiều kia nữa. Nhưng mà việc đời không thể đoán trước được, năm ngoái tú bà của lầu Hoa Nguyệt dính vào một vụ án lớn, thế là bà bị quan phủ bắt lại, lầu Hoa Nguyệt cũng bị niêm phong. Sau khi xét xử một thời gian, tú bà và đồng bọn đều rơi đầu, còn những kỹ nữ không liên quan thì được quan phủ thả ra ai về nhà nấy.

Trong đó có cả A Kiều.

Nhiều năm không gặp, A Kiều gầy gò nhỏ bé hồi xưa đã thay đổi thành một người khác.

Nghe nói tất cả kỹ nữ trong lầu Hoa Nguyệt đều được dạy theo khuôn mẫu tiểu thư khuê các, tú bà còn cố ý mời ma ma già ở trong cung ra dạy quy củ lễ nghi cho các cô gái trong lầu Hoa Nguyệt. Tất cả đều biết đọc sách, viết chữ, chơi đàn và hát. Ai cũng được nuôi dưỡng trắng trẻo mịn màng để đi tiếp khách.

Khi Kim thị gặp lại A Kiều, nếu không phải chồng nắm chặt tay A Kiều, hai bác cháu khóc đến mức mắt đỏ hoe thì Kim thị còn tưởng chồng dẫn thiên kim tiểu thư nào về nhà. Dáng vẻ kia, khí chất kia lập tức chèn ép đứa con gái ngoan ngoãn của bà thành một đứa nha hoàn chuyên bưng trà đổ nước.

Suy nghĩ thứ hai sau khi Kim thị nhìn nhìn thấy A Kiều chính là một người xinh đẹp như vậy chắc chắn đã tiếp khách lâu rồi, người cũng không còn sạch sẽ nữa.

Nhưng khi bà uyển chuyển hỏi A Kiều thì mới biết A Kiều rất may mắn. Con gái ở lầu Hoa Nguyệt        được sắp xếp chờ đến lúc cập kê thì mở bao. Tú bà biết sinh nhật A Kiều, sau đó bà chọn ngày mùng 1 tháng 8 sẽ để A Kiều mở bao. Ai ngờ đúng lúc hôm mùng 1 tháng 8, Triệu bộ đầu ở sát vách dẫn nhóm bộ khoái bao vây lầu Hoa Nguyệt rồi bắt người ở bên trong lại.

Nói cách khác, A Kiều ở trong lầu Hoa Nguyệt ăn chùa học chùa nhiều năm như vậy nhưng vẫn giữ được sự trong trắng của mình, cô còn khôi phụ lại thân phận dân thường như trước.

Sau khi Chu Sưởng biết cháu gái vẫn còn trong sạch thì vội vàng quỳ gối trước bài vị của tổ tiên nhà họ Chu cảm kích của tổ tiên đã phù hộ. Sau đó ông còn hứa hẹn người làm bác này sẽ tìm một nhà chồng tốt cho cô.

Kim thị nghĩ, A Kiều đã ở chỗ như kia thì không thể lấy được gia đình tử tế, nhưng A Kiều xinh đẹp như vậy, cô gả cho một người đàn ông nghèo nàn cũng không có vấn đề gì.

Nhưng đúng lúc này, A Kiều lại cúi đầu nói một chuyện quan trọng.

Hóa ra trước khi tú bài để cô tiếp khác, bà đã bê một bát thuốc không sinh được con cho cô uống, A Kiều sợ hãi thủ đoạn của lầu Hoa Nguyệt nên không dám chống lại, cô đành phải cam chịu số phận uống sạch bát thuốc này. Bụng cô đau đớn mấy ngày liền, cô nghĩa khả năng mang thai cắt đứt hoàn toàn rồi.

Đàn ông lấy vợ đều vì mục đích nói dõi tông đường, phụ nữ mà không đẻ được trứng thì đẹp đến đâu cũng không ai thèm.

Con gái bước ra từ kỹ viện mà bảo trong sạch cũng chưa chắc có người tin, huống chi là chuyện không thể sinh con được nữa. Đây đúng là chó cắn áo rách mà.

Kim thị nhờ nhiều người mai mối giúp A Kiều nhưng không có ai nghiêm túc muốn cưới A Kiều về làm vợ cả.

Tuy nhiên có mấy vị lão gia muốn nạp A Kiều làm vợ lẽ, họ chủ yếu là ham mê sắc đẹp của A Kiều mà thôi. Chu Sưởng đi nghe ngóng một vòng, trong nhà mấy người đó nuôi rất nhiều tiểu thiếp, cả ngày chỉ đánh đánh đấu đấu. Chu Sưởng lập tức từ chối, người ta đưa bao nhiêu sinh lễ thì ông cũng không đồng ý. Ông nói cái gì mà lúc trước mình đã có lỗi với cháu gái một lần, bây giờ ông phải tìm được một người chồng đáng tin cậy cho cháu gái mình.

Kim thị không muốn nuôi một đứa rảnh rỗi ở trong nhà, nhất là khi bà có lỗi với A Kiều. Mỗi lần nhìn thấy A Kiều, Kim thị lại cảm thấy bề ngoài ngoan ngoãn của A Kiều chỉ để che giấu suy nghĩ muốn trả thù bà ở trong lòng mà thôi.

Vì nhiều lý do khác nhau, Kim thị rất muốn gả A Kiều đi nhanh, làm vợ hay làm thiếp cũng được. 

Nhưng ông chồng quá cứng đầu, Kim thị lại quay sang thuyết phục A Kiều chấp nhận làm thiếp cho mấy lão gia có tiền kia.

Ai ngờ bình thường A Kiều luôn giả bộ thành thật lại đùa giỡn bà vào thời điểm mấu chốt, cô nói mọi chuyện đều nghe theo bác của cô.

Kim thị suýt nữa bị câu nói này làm cho tức chết.

Bà nhẹ nhàng thuyết phục không có tác dụng, vậy thì Kim thị liền chuyển sang giày vò A Kiều. Giày vò độc ác, A Kiều sẽ không chịu được mà ước gì mình có thể  gả nhanh cho người nào đó để thoát khỏi người mợ xấu xa này. Nhưng Kim thị vừa sai A Kiều nấu một bữa cơm liền bị Chu Sưởng mắng cho một trận, ông không cho phép bà sai A Kiều làm việc nặng, bất cứ việc gì con gái mình không làm thì bà cũng không được ném sang cho A Kiều làm.

Kim thị vừa khóc lóc vừa thổi gió bên gối nhưng đều vô dụng, tên khốn Chu Sưởng đối xử với cháu gái còn tốt hơn mẹ ruột của ông!

Từ năm ngoái đến nay, Kim thị đã nhịn A Kiều một năm rồi!

Bây giờ A Kiều mười sáu tuổi mà chẳng có ai thèm hỏi thăm, tuổi càng lớn càng khó lấy chồng. Chẳng lẽ con bé muốn ở lại nhà họ Chu cả đời sao?

Chu Sưởng sẵn sàng chăm sóc cháu gái mình cả đời, nhưng Kim thị thì không!

Sau khi tháo vỏ chăn ra, Kim thị kìm nén bực bội rồi đi làm bữa sáng. Tối qua bà đã trộn nhân thịt và làm vỏ hoành thánh trước rồi, bây giờ chỉ cần hấp một lúc là được.

Gia đình có năm người, Kim thị đổ đầy hai bát lớn cho Chu Sưởng và con trai Chu Thời Dụ, còn bà và con gái Song Song, cháu gái A Kiều ăn bát nhỏ. Mỗi người ăn 8 cái hoành thánh, tất cả đều bằng nhau tránh cho Chu Sưởng lại mắng bà lần nữa.

Lúc Chu Sưởng ngồi xuống, ông bình tĩnh liếc nhìn ba cái bát nhỏ, thấy vợ mình không khắt khe với cháu gái, ông mới bắt đầu ăn.

A Kiều ngồi bên cạnh em họ Chu Song Song, cô bê bát lên rồi chậm rãi ăn.

Anh họ Chu Thời Dụ lén nhìn cô vài lần.

A Kiều cảm nhận được điều đó, nhưng cô coi như không biết gì.

Đột nhiên Kim thị nói: “Lát nữa mẹ sẽ đi chợ. Hôm nay thời tiết tốt, A Kiều và Song Song mang quần áo và vỏ chăn ra sông giặt đi. Mẹ để hết đồ ở trong sân rồi, mỗi người một thùng. Vỏ chăn giặt xong nhớ phơi lên. Hai đứa không được lười biếng đâu đấy, giặt sạch vào.”

A Kiều đặt bát xuống gật gật đầu.

Chu Song Song bĩu môi, cô biết cha không thích cô cãi lại nên cô không dám phàn nàn gì. 

Ăn sáng xong, Kim thị nói thầm mấy câu với Chu Song Song, sau đó bà lớn tiếng nói hai cô đi sớm đi, nếu đến muộn, chỗ giặt quần áo tốt sẽ bị người khác chiếm hết.

Lúc bà nói chuyện, Chu Song Song đã đi ra sân trước.

Khi A Kiều bước ra, cô nhìn thấy dưới mái hiên có hai thùng gỗ cao đến đầu gối, đồ bên trong chất cao tương đương nhau, nhưng vỏ chăn Chu Song Song giặt màu sáng, rõ ràng đó là chăn của cô và Song Song dùng. Vỏ chăn trong thùng còn lại đều sẫm màu, vết bẩn rất nhiều, đó là vỏ chăn của bác, mợ và anh họ.

A Kiều nhìn em họ của mình.

Mặt Chu Song Song cực kỳ hả hê.

A Kiều bình tĩnh bê thùng gỗ lên.

Chu Song Song đi trước, A Kiều đi phía sau. Khi bước ra khỏi cổng sân của nhà họ Chu, A Kiều nghiêng người đóng cửa lại, lúc cô ngẩng đầu lên thì thấy một bóng người ở nhà họ Triệu sát vách đi ra.

Đó là quan gia Triệu – Triệu Yến Bình.