Thịnh Đường

Chương 66




Lý Thế Dân kéo cương ngồi trên lưng ngựa, sau lưng dẫn theo vài tùy tùng. Ánh mắt hướng về cung thành (1), Huyền Vũ môn cao lớn đã ngày càng gần.

Trong lòng hắn hơi thấp thỏm, dù sao bước qua cánh cổng này đồng nghĩa với ra một quyết định không thể sửa đổi; mà cũng hơi nóng lòng, dù sao quyết định này cũng vì đại ca.

Cuối cùng hắn cho ngựa dừng lại trước Huyền Vũ môn, mấy thủ vệ thấy hắn liền chắp tay hành lễ rồi mở cổng thành.

Lý Thế Dân khẽ gật đầu, nhưng đúng vào lúc hắn đang định bước qua cổng, sau lưng lại truyền đến một tiếng kêu: “Nhị ca!”

Quay đầu nhìn theo hướng âm thanh, đã thấy Lý Nguyên Cát thúc ngựa chạy ra từ cánh rừng rậm rạp, đứng cách cách đó không xa. Hắn vận kính giáp, theo sát phía sau là gần trăm người lẻ tẻ.

Trong lòng Lý Thế Dân đã hiểu ra vài phần, sắc mặt trầm xuống: “Nguyên Cát, thế này là sao?”

Lý Nguyên Cát nâng chuôi kiếm đeo bên hông, gằn từng chữ: “Nhị ca, mạng ngươi phải để lại Huyền Vũ môn này.”

Lời vừa nói ra, vài gã hộ vệ sau lưng Lý Thế Dân lập tức rút kiếm ra, che chắn trước mặt hắn. Tiết Vạn Triệt đứng sau lưng Lý Nguyên Cát cũng dẫn người vòng ra phía trước hộ vệ, không khí vô cùng căng thẳng, nhưng thực lực hai bên lại không thể đánh đồng.

Nhưng bản thân Lý Thế Dân vẫn không động. Hắn nhìn Lý Nguyên Cát đăm đăm, chậm rãi hỏi: “Vì sao?”

“Nhị ca quả đúng là nhị ca, có thể bình tĩnh được như thế.” Lý Nguyên Cát bật cười, “Nhưng trong cung người mong ngươi chết nhất là ai, lẽ nào ngươi không hề hay biết? Cần gì phải hỏi ta?”

Ngực bỗng dưng thắt lại, bàn tay Lý Thế Dân nắm cương ngựa siết chặt, nhưng tuyệt không mở miệng.

Đáp án kia rõ ràng đã nổi lên trong óc, nhưng tâm trí dường như có thứ gì ngăn cản, nhất quyết không muốn chạm vào.

Mãi đến khi sau lưng vang lên tiếng vó ngựa dồn dập, thân thể Lý Thế Dân run lên, nhưng vẫn chầm chậm quay đầu nhìn lại.

Sau đó, hắn thấy Lý Kiến Thành hiện ra giữa màn sương bàng bạc.

Áo trắng giáp bạc, áo choàng đỏ thẫm phía sau sáng chói như lửa, giống như lần đầu hắn thấy ở Thái Nguyên nhiều năm về trước.

Lý Kiến Thành chầm chậm ghìm ngựa đứng lại cách đó không xa, cuối cùng cũng ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt Lý Thế Dân. Nhưng thần tình trong ánh mắt ấy, có thể nói là lạnh lẽo tựa băng sương.

Nhân mã đi theo phía sau, đã giương cung bạt kiếm.

Chạm đến ánh mắt ấy, Lý Thế Dân hình như đột ngột hiểu ra điều gì. Hắn rũ mắt cười khổ, cuối cùng chậm rãi nói: “Đúng là đại ca, trong cung ngoại trừ huynh, không còn ai khác có thể dễ dàng lấy mạng ta như thế.”

Lý Kiến Thành lặng yên nhìn hắn.

Hai người cứ nhìn nhau như thế qua một làn gió, nhất thời trong trời đất chỉ còn một khoảng không trầm lặng.

Lý Nguyên Cát đứng đằng xa nhìn hai người từ phía sau, thầm biết nếu tiếp tục dây dưa chỉ e sẽ phát sinh biến cố, liền đưa mắt ra hiệu cho Tiết Vạn Triệt. Đối phương lập tức hiểu ý, gầm lớn một tiếng, dẫn nhân mã phía sau lao lên.

Tiếng gầm này cắt ngang không trung, phá vỡ tĩnh mịch, cũng phá vỡ thế giằng co hai bên vẫn tạm thời duy trì. Hộ vệ của Lý Thế Dân tuy không nhiều, nhưng lúc này cũng nghênh đón dũng mãnh lạ thường. Hai bên lao vào giao đấu, tiếng đao kiếm va chạm không ngừng vang lên.

Lý Thế Dân quay ngựa rút kiếm, vội vàng nghênh chiến, lại phát hiện những người đó không hề muốn động vào mình. Hắn chợt hiểu ra điều gì, đưa mắt nhìn sang Lý Kiến Thành cách trùng trùng đao quang kiếm ảnh, sau đó thúc ngựa tiến về phía anh.

Lý Kiến Thành thấy hắn đến gần, lại vẫn đứng yên một chỗ, sừng sững bất động.

Cuối cùng Lý Thế Dân cho ngựa dừng lại ở vị trí cách anh không xa, chầm chậm quét mắt qua nhân mã sau lưng anh, chậm rãi cười nói: “Đại ca, cuối cùng huynh vẫn không chịu tin ta.”

Lý Kiến Thành vẫn lặng yên nhìn hắn.

Lý Thế Dân chậm rãi nói: “Đại ca, huynh muốn tự tay lấy mạng ta, phải không?”

Ánh mắt Lý Kiến Thành lạnh tựa băng giá, lại vẫn không mở miệng.

Tiếng chém giết sau lưng vẫn không ngừng nghỉ, nhưng dường như đã bị ngăn cách ngoài xa ngàn dặm, không thể xuyên thấu qua khoảng không im lặng chết chóc giữa hai người.

Ánh mắt Lý Thế Dân chầm chậm quét qua đám nhân mã đứng yên chờ lệnh sau lưng Lý Kiến Thành, thầm biết với khoảng cách này, với lực lượng chênh lệch quá xa này, hắn tuyệt đối không còn đường thoát thân. Huống chi, người muốn lấy mạng mình, là Lý Kiến Thành.

Như thế trong lòng trái lại càng thêm bình tĩnh, bình tĩnh như tro tàn.

“Nếu đằng nào cũng phải chết, chi bằng chết trong tay đại ca.” Hắn khẽ cười, lại đưa mắt nhìn anh, “Có điều…… đại ca, tính mạng này, Thế Dân chỉ nguyện dâng cho huynh.”

“Được……” Lý Kiến Thành cuối cùng cũng mở miệng, nhưng nét mặt vẫn không hề cười. Anh nhận cây trường cung thị vệ đưa đến, lại nghiêng người rút ra một mũi tên từ túi đựng.

Trong khoảnh khắc chạm vào túi tên, tay anh đột ngột run rẩy, bản năng muốn rút về đặt lên ngực, nhưng sau thoáng ngừng tay, vẫn rút tên đặt lên dây cung, nhắm thẳng vào Lý Thế Dân.

Cả quá trình rõ ràng mạch lạc như mây bay nước chảy, như chưa từng do dự nửa phần.

Nhìn theo mũi tên, thân thể Lý Thế Dân vẫn hết sức rõ ràng, nhưng gương mặt đã dần dần nhòa đi.

Cảm thấy hơi thở của mình đã trở nên hỗn loạn đến không thể ức chế, Lý Kiến Thành biết mình đã không thể chần chừ thêm chút nào.

Chỉ cần bắn ra tiễn này, kẻ kia sẽ thấu hiểu được nỗi đau đớn xuyên tim.

Chỉ cần bắn ra tiễn này, là có thể hoàn toàn chấm dứt những tâm nguyện của kiếp trước lẫn kiếp này.

Một tiễn này, quá nhẹ, mà cũng quá nặng.

Lý Thế Dân lẳng lặng nhìn anh, đột ngột mở miệng hỏi: “Đại ca có thể nói cho ta biết…… chuyện đêm qua, rốt cuộc là thật hay giả không?”

Nhưng đối phương vẫn không đáp lời.

Lý Thế Dân nở một nụ cười mỉa mai, chầm chậm nhắm mắt, nói: “Đại ca, động thủ đi.”

Gió nhẹ nhàng lướt qua bên tai, một lát sau, hắn mơ hồ nghe tiếng Lý Kiến Thành.

“Là…… thật.”

Nghe được đáp án, Lý Thế Dân mở mắt ra theo bản năng.

Cùng lúc đó, một mũi tên đã bay tới trước mắt, bay sát qua mang tai, chỉ để lại tiếng gió lạnh thấu xương.

Mà đập vào mắt hắn, lại là cảnh tượng Lý Kiến Thành phun ra một búng máu rồi ngã ngựa.

*****

Khi Ngụy Trưng đẩy cửa bước vào, Lý Thế Dân đang tựa người bên giường, rõ ràng nhận ra có người đang đến mà vẫn giữ nguyên tư thế ban đầu, không hề nhúc nhích.

Chầm chậm bước qua, Ngụy Trưng khẽ chào: “Bái kiến Tần vương.”

Lý Thế Dân nghe tiếng mới quay đầu nhìn y một cái, nhưng ánh mắt hắn thảng thốt mà trống rỗng, giống như đột ngột bị rút hết hồn phách. Khẽ gật đầu, hắn nhanh chóng quay đầu đi, ngẩn ngơ nhìn người trên giường. Tư thế này, hình như chưa bao giờ thay đổi.

Ngụy Trưng còn nhớ khi Lý Kiến Thành được đưa về cung, nét mặt lẫn cử chỉ đối phương đều có vẻ điên cuồng, từng câu từng chữ nói ra đều run rẩy. Mà giờ này khắc này, sau ba ngày trông coi một tấc cũng không rời, sự điên cuồng ấy chỉ còn lại một bầu không khí im lặng chết chóc.

Thuận theo ánh mắt hắn, Ngụy Trưng cũng nhìn sang người trên giường. Lý Kiến Thành nằm ngửa, bình lặng như đang ngủ say, nhưng sắc mặt lại nhợt nhạt như giấy, gần như không còn chút huyết sắc.

Sau lần ngã ngựa ấy, anh vẫn hôn mê bất tỉnh. Điều động tất cả ngự y trong cung, sau khi bắt mạch khám, cũng chỉ có thể lắc đầu bất đắc dĩ, không biết đây là chứng bệnh gì.

Thật ra dù không muốn thừa nhận, nhưng trong lòng Ngụy Trưng cũng đã sáng tỏ, căn cứ vào bệnh tình đang ngày càng nghiêm trọng đến mức ho ra máu, nếu điều trị chậm, có lẽ…… sẽ thật sự như lời anh nói, không chống đỡ được bao lâu nữa. Nhưng y không sao ngờ được, Lý Kiến Thành lại ngã xuống Huyền Vũ môn, đây rốt cuộc là thiên ý, hay đáy lòng anh vốn không muốn dồn Lý Thế Dân vào đường chết?

Chậm rãi đè suy nghĩ xuống, Ngụy Trưng mở miệng: “Đến hôm nay bệ hạ đã ba ngày chưa vào triều, nói là long thể không khỏe.”

Từ ngày Lý Thế Dân bước vào Đông cung, hắn chưa từng trở ra một bước, đương nhiên cũng đã mấy ngày không vào triều. Dù người của Tần vương phủ đến tìm, ban đầu hắn cũng trốn tránh không gặp, sau lại dứt khoát ra lệnh cho người trong phủ từ trên xuống dưới không được vào Đông cung quấy nhiễu, ai không tuân lệnh giết không tha.

Đến giờ mới biết Lý Uyên cũng đã ba ngày không vào triều.

Lý Thế Dân nghe vậy chậm rãi gật đầu, khẽ nói: “Chẳng trách phụ hoàng vẫn chưa đến thăm, hẳn là long thể không khỏe…… Mai này ta sẽ vào cung bồi tội.”

Giọng hắn nhẹ bẫng, giống như lẩm bẩm lại giống như đang nói với Ngụy Trưng, chỉ là trong giọng nói đã sớm mất đi khí thế giương cung bạt kiếm ngày nào.

Ngụy Trưng thở dài một hơi, thật ra y có thể đoán được đại khái, sau khi nghe tin ba con mưu hại lẫn nhau, một người sinh tử không rõ, người làm cha sẽ có tâm tình ra sao. Ngoại trừ phái người đưa thuốc tới, trong ba ngày này ông vẫn chưa tự mình đến thăm, không phải không muốn, chỉ e đúng là lực bất tòng tâm.

Đang lúc trầm ngâm, lại nghe Lý Thế Dân hỏi: “Vì sao…… lại cho ta biết chuyện này?”

“Tần vương quả nhiên đã nhìn thấu mọi việc,” Ngụy Trưng cười khẽ một tiếng, đáp, “Tần vương có lẽ không biết, lúc này văn võ trong triều đều đang âm thầm bàn tán…… Nếu hoàng thượng gặp chuyện không hay thì nên đưa ai lên kế vị.”

“Kế vị đương nhiên là thái tử.” Lý Thế Dân chậm rãi đáp, “Ngoại trừ thái tử, còn có ai nữa?”

Ngụy Trưng lẳng lặng nhìn hắn, nhưng hắn chỉ quay lưng về phía y, chung quy vẫn không nhìn rõ vẻ mặt.

Im lặng hồi lâu, Ngụy Trưng nói rành mạch từng chữ: “Nếu thái tử ngủ say không tỉnh, Tần vương định sẽ làm gì?”

“Ngụy đại nhân…… hỏi vậy là có ý gì?”

Ngụy Trưng nghiêm nghị nói: “Nếu thái tử thật sự gặp chuyện, vì giang sơn Đại Đường, điện hạ phải chuẩn bị tốt việc kế vị.”

“Vì giang sơn Đại Đường…… lời này giống y như những gì đại ca luôn tâm niệm,” Lý Thế Dân cười khẽ, thò tay vào trong chăn, tìm kiếm bàn tay Lý Kiến Thành mà siết chặt. Hồi lâu hắn mới lẩm bẩm, “Nhưng bây giờ dù có chắp tay dâng giang sơn này cho ta, ta cũng không cần.”

Ngụy Trưng nghe vậy, lại đưa mắt nhìn người nằm trên giường. Sau đó y thu ánh mắt về, thở dài một hơi: “Những lời thần nói cũng chính là tâm nguyện của thái tử, mong điện hạ cân nhắc.” Dứt lời chắp tay cáo lui.

Lý Thế Dân dường như không nghe thấy, chỉ nắm chặt bàn tay Lý Kiến Thành, cúi xuống, vùi mặt vào lớp nệm chăn bên người anh mà lẩm bẩm: “Không, tuyệt không thể có chuyện đó…… Đại ca huynh sẽ tỉnh lại, nhất định là thế……” Nét mặt khi nói lại chân thành tha thiết như quay về thời niên thiếu.

“Đại ca……”

“Đại ca……”

“Đại ca……”

Hắn hạ giọng liên tiếp gọi tên anh, cho đến khi mệt mỏi rơi vào trong mộng.

*****

“Thế Dân, chuyện hôm nay coi như chưa xảy ra, ngày sau đừng nhắc lại. Nếu không, ngươi với ta dù là huynh đệ cũng không thể làm!”

“Thế Dân, đại ca ngươi bản tính khoan hậu ôn hòa, duy chỉ thiếu một phần quyết tuyệt. Phụ hoàng mong ngươi có thể trở thành cánh tay đắc lực của nó, làm những chuyện nó không nỡ làm. Nếu được như thế, thiên hạ này sẽ vững như bàn thạch.”

“Lần viễn chinh Đột Quyết này, trong tay không tướng, phụ hoàng đã đồng ý cho ta mượn hai tướng quân Uất Trì Cung và Tần Quỳnh trong phủ nhị ca dùng tạm. Thánh chỉ đã ghi rõ, mong nhị ca đừng tiếc.”

“Điện hạ, thái tử lấy thuyết ‘Thái Bạch kiến Tần phân’ (2) để mưu hại, y đã không thể dung được người nữa, nếu xuống tay chậm sẽ không còn cơ xoay chuyển!”

“Thế Dân, những lời ngươi nói đều là thật? Vậy ngày mai trẫm sẽ triệu Kiến Thành Nguyên Cát vào cung, là thật hay giả, cứ hỏi khắc biết!”

“Huyền Vũ môn là con đường thái tử và Tề vương chắc chắn phải đi qua, thần nghĩ…… nên phục kích ở đây.”

“Mạt tướng Thường Hà, nguyện dốc sức khuyển mã vì điện hạ!”

“Thần cả gan nói một lời, nếu ngày mai không động thủ, về sau người gặp bất trắc sẽ không chỉ là điện hạ, mà người trong Thiên Sách phủ e rằng cũng không thể bảo toàn!”

“Điện hạ, chúng tôi chỉ chờ người nói một câu, thì dẫu phải vượt lửa quá sông cũng quyết không chối từ!”

“Điện hạ, không thể do dự thêm nữa!”

“Điện hạ, hãy mau quyết đoán đi!”

“Điện hạ!”

“Điện hạ!”

“Điện hạ!”

……

“Xin lỗi, đại ca.”

……

“Truyền lệnh xuống, diệt hết gia quyến của Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát, trai gái không sót một người!” (3)

“Phụ hoàng, ta giết đại ca, ta…… tự tay giết huynh ấy. Ta…… đã không còn đường lui ……”

“Ha ha ha, hôm nay ở Vị Thủy chi minh, thứ mà đường đường Hiệt Lợi Khả hãn ngươi muốn lại chỉ là một bức “Lan Đình tập tự”?! Được, trẫm cho ngươi! Chẳng qua chỉ là một bức họa, có thể đổi lại bình an cho biên giới, trẫm…… dĩ nhiên là cầu còn không được!”

“Truyền ý chỉ của trẫm, phong Lý Nguyên Cát làm Hải Lăng quận vương, thụy hiệu ‘Lạt’; phong Lý Kiến Thành làm Tức vương, thụy hiệu…… “Ẩn”.”

“Từ hôm nay trở đi, khôi phục tước phong Hoàng thái tử cho Lý Kiến Thành, hậu nhân không được sửa lại.”

“Đại ca…… đại ca…… thì ra đã qua bao nhiêu năm, mà ta một ngày cũng không thể quên ngươi?! Đại ca, ngươi đã giày vò nửa đời ta, ngươi…… hãy buông tha ta đi……”

“Đỗ tiên sinh, cuốn sử này hôm nay trẫm nhất định phải xem! Trẫm muốn xem, người kia các ngươi viết trong sử sách…… rốt cuộc trông như thế nào……” (4)

“Không, đại ca, ngươi không hề tốt đẹp như bọn họ viết, một phân cũng không! Ngươi chẳng là cái thá gì cả, trong lòng ta ngươi chẳng là cái thá gì cả, nếu không, ta làm sao có thể xuống tay giết ngươi?!”

“Chiếu cáo thiên hạ, sau khi trẫm trăm tuổi (*), “Lan Đình tập tự” tất phải chôn theo!…… Đại ca, như thế thiên hạ đều sẽ biết, thứ thuộc về ngươi, ta dù chết cũng muốn mang theo!”

(*) Người xưa ví von ước lệ một kiếp sống là trăm năm, sau trăm năm là chết.

*****

“Đại ca, người sắp chết đều nói thật. Thực không dám giấu, ta hối hận rồi, ta thật sự…… hối hận ……”

“Nếu có kiếp sau, ta không cần thiên hạ này, chỉ cần ngươi……”

Những câu nói ngổn ngang vỡ vụn lần lượt nháng lên trong óc, nhưng cảnh trong mộng cuối cùng lại quay về Huyền Vũ môn.

Một người ngồi trên lưng ngựa, giương trường cung, mũi tên nhắm thẳng vào người trước mặt. Nhìn cho kỹ, thì đúng là mình.

Mà người đối diện, lại chính là Lý Kiến Thành.

Lý Thế Dân kinh hãi, vội vàng chạy đi ngăn cản, nhưng “hắn” ngồi trên lưng ngựa đã buông dây cung.

Tên tựa sao băng, bay qua vùn vụt.

Sau đó Lý Kiến Thành rầm rầm ngã xuống ngay trước mặt mình. Áo choàng sau lưng diễm lệ như lửa, chớp mắt đã nhuộm đỏ cả Huyền Vũ môn.

……

Lý Thế Dân đột ngột bừng tỉnh, mới phát hiện ra mình vẫn giữ nguyên tư thế nằm ghé vào bên giường.

Ngước mắt lên, giật mình ngơ ngẩn, lặng lẽ nhìn Lý Kiến Thành trên giường.

Hồi lâu, hắn chợt nghiêng người ra trước, vùi mặt vào hõm vai anh. Gần như dùng hết khí lực toàn thân, run rẩy ôm chặt lấy anh.

Lời tác giả: Đoạn về giấc mộng thuần đối thoại kia, chắc tui sẽ viết riêng thành một phiên ngoại. Đồng chí nào tò mò có thể giở trước phần về Ẩn thái tử trong Tân Đường thư ~

Đại khái chương sau là có thể kết thúc. Tui tranh thủ kết thúc trong ngày mai, bởi vì từ ngày 6 -11 tui muốn ra ngoài du lịch, không cách nào up chương mới. Nếu lỡ hẹn, khụ khụ, đánh tui cũng được nhưng đừng đánh mặt……

Vì thế từ giờ tui bắt đầu nhận gợi ý cho phiên ngoại = =+

Trước mắt bước đầu xác định, trừ một phiên ngoại ngược nhị ngốc thì những cái khác đều là dạng vui vẻ thoải mái. Hoan nghênh gợi ý =3=

P.S. Có điều gợi ý chỉ để tham khảo, không thể cầu gì được nấy. Nếu tui năng lực có hạn không viết được thì chỉ biết nói thành thật xin lỗi thôi 3

———————————————–

(1) Đây là bản đồ thành Trường An, và cung thành là cái chỗ được khoanh đỏ.

隋大興城坊平面圖

(2) Chỉ sự kiện “Thái Bạch kinh thiên” xảy ra trước chính biến Huyền Vũ môn. “Kinh Châu chiêm” viết “太白昼见于午, 名曰经天, 是谓乱纪; 天下乱, 改政易王, 人民流亡, 弃其子, 去其乡里” “太白夕见, 过午亦曰经天, 有连头斩死人, 阴国兵强, 王天下; 女主用事, 阳国不利”, theo đó “Thái Bạch kinh thiên” nghĩa là sao Thái Bạch (aka sao Kim) xuất hiện vào giữa trưa hoặc buổi chiều. Đây là điềm xấu, báo trước thiên hạ sắp loạn hoặc sắp có soán quyền cải chính.

Sự kiện “Thái bạch kinh thiên” có thể tóm tắt như sau: Ngày mùng một và mùng ba tháng sáu, sao Thái Bạch hai lần hiện lên trên đất Tần giữa ban ngày. Thái sử lệnh là Phó Dịch mậu tấu lên Lý Uyên, nói đây là điềm báo Tần vương sắp đoạt thiên hạ. Lý Uyên đưa bản mật tấu này cho Lý Thế Dân xem, Lý Thế Dân lập tức tố cáo Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát tư thông với Trương Tiệp dư và Doãn Đức phi, khiến Lý Uyên hạ chỉ triệu kiến hai người, gián tiếp gây ra chính biến Huyền Vũ môn vào ngày mùng bốn tháng sáu. Hành động đưa mật tấu cho Lý Thế Dân được suy diễn là Lý Uyên muốn Lý Thế Dân phải tự sát, nhưng điều này không hợp lý vì thứ nhất Lý Uyên là người sống tình cảm, đặc biệt yêu chiều các con, khi hiểu lầm Lý Kiến Thành mưu phản cũng chỉ định giáng xuống làm Thục vương, cho nên không thể có chuyện bức con tự sát; thứ hai nếu muốn giết Lý Thế Dân thì Lý Uyên có thể làm bất cứ lúc nào, không cần phải vòng vo ám chỉ như thế. Hành động này có lẽ chỉ đơn giản là muốn cảnh cáo Lý Thế Dân nên thu bớt dã tâm lại, mày làm gì tao biết hết đấy:v Cũng có thể hoàn toàn không có việc này, sau khi lên ngôi Lý Thế Dân mới phát hiện ra bản mật tấu và dùng nó làm cớ để biến hành động nhẫn tâm đảo ngược luân thường của mình thành hợp tình hợp lý, đẩy ác danh sang Lý Uyên; dù sao những việc không có người thứ ba chứng kiến như thế này thì muốn đặt điều là hết sức dễ dàng, chẳng ai kiểm chứng được, mà cũng chẳng ai dám kiểm chứng.

Ngoài ra cũng không tìm được mối liên hệ giữa Phó Dịch và Lý Kiến Thành, bởi hai bên có nhiều ý kiến trái chiều, mà rõ ràng nhất là chuyện Phó Dịch chủ trương diệt đạo Phật còn Lý Kiến Thành thì ngược lại, nói là đồng đảng cũng hơi gượng ép. Qua bản mật tấu này, chỉ có thể kết luận Phó Dịch không phải đồng đảng của Lý Thế Dân, còn ông ta trung lập hay nghiêng về Lý Kiến Thành thì vẫn còn chưa rõ. Tất nhiên với đám thuộc hạ của Dân thì cái gì chẳng do Thành giật dây, không chấp =))

Còn cụm “Thái Bạch kiến Tần phân” lấy từ Tư trị thông giám cuốn 191: “己未, 太白復經天. 傅奕密奏: “太白見秦分, 秦王當有天下.” “Kỷ Mùi, Thái Bạch phục kinh thiên. Phó Dịch mật tấu: “Thái Bạch kiến Tần phân, Tần vương đương hữu thiên hạ.”

(3) Thực ra chỉ có con trai của hai người bị giết còn con gái thì tha, chỗ này chắc tác giả nhầm.

(4) Lý Thế Dân xem và sửa sử lại là một câu chuyện dài khác, xin được trích dẫn Tư trị thông giám và Đường hội yếu thay lời thuyết minh:v

Đường hội yếu cuốn 63, phần Sử quán tạp lục viết:

“Tháng mười năm Trinh Quán thứ chín, Gián nghị đại phu Chu Tử Xa dâng biểu viết: “Ngày 16 tháng này bệ hạ ra thánh chỉ khai đức, muốn xem khởi cư ký lục (sách ghi chép lại những sự kiện phát sinh trong cuộc sống hàng ngày của đế vương). Sách bình phẩm về đế vương xưa nay được sử quan cất giữ, quân chủ không được xem, nay bệ hạ lại muốn đích thân xem để biết lẽ thiệt hơn. Thần nghĩ nếu bệ hạ chưa từng làm chuyện gì sai lầm, sử quan tất sẽ ghi lại toàn những chuyện tốt đẹp. Bệ hạ muốn xem “Khởi cư”, tuy không mất mát gì, nhưng giả như cái lệ này truyền lại cho con cháu sẽ thành tiền lệ xấu. Đại Đường dẫu kéo dài được bảy trăm năm, nếu gặp bậc quân chủ không sáng, muốn bao che lỗi lầm, đọc được những lời lẽ thẳng thắn phân rõ thiện ác, chưa chắc đã biết tự ăn năn lỗi lầm của mình mà chỉ biết oán sử quan. Mà quân chủ tôn nghiêm, hạ thần ti tiện, nếu bị trách phạt thì làm sao thoát tội? Không phải ai cũng có thể học theo Chu Vân bẻ cột, Đổng Hồ thẳng thắn không che giấu. Cứ như thế thì sử quan ai cũng chiều theo thánh ý, tránh để bản thân bị hại, trải qua ngàn năm, lịch sử còn điểm nào tin được! Sở dĩ xưa nay không dám cho vua xem sử chính là vì thế.”

Tư trị thông giám cuốn 196, năm Trinh Quán thứ 16:

“Tháng tư năm Nhâm Tý, vua cho gọi Gián nghị đại phu Chử Toại Lương, hỏi: “Khanh viết “Khởi cư chú”, sách này có thể trình cho trẫm xem được không?” Đáp: “Sử quan có trách nhiệm ghi chép lại lời nói và việc làm của vua, thiện ác gồm đủ, khiến cho vua không dám làm chuyện sai trái, xưa nay thần chưa từng nghe có ai tự xem đoạn sử viết về mình.” Vua nói: “Có chuyện không hay, khanh cũng ghi lại hết ư?” Đáp: “Thần giữ chức này, không dám không ghi”. Hoàng môn thị lang Lưu Đỗ nói: “Nếu Toại Lương không chép trong sử, thiên hạ cũng đều khắc ghi.” Vua nói: “Quả đúng như thế.”

Tư trị thông giám cuốn 197, năm Trinh Quán thứ 17:

“Vua cho gọi Giám tu quốc sử Phòng Huyền Linh, hỏi: “Trước kia những ghi chép của sử quan đều không cho vua xem, tại sao lại như thế?” Đáp: “Sử quan không tô vẽ cho đẹp cũng không che giấu chuyện ác, sợ vua xem xong sẽ tức giận nên không dám trình lên.” Vua nói: “Tâm tư của trẫm không giống những vua đời trước. Đế vương muốn xem quốc sử, biết được những việc làm ác đã làm để hạn chế về sau. Ông soạn xong hãy trình lên cho trẫm.” Gián nghị đại phu Chu Tử Xa can: “Nếu bệ hạ thân mang thánh đức, chưa từng làm chuyện gì sai lầm, sử quan tất sẽ ghi lại toàn những chuyện tốt đẹp. Bệ hạ xem “Khởi cư”, với sử quan tuy không mất mát gì, nhưng giả như cái lệ này truyền lại cho con cháu, nếu gặp bậc quân chủ không sáng, muốn bao che lỗi lầm, sử quan tất bị đại hình hoặc tru sát. Cứ như thế thì sử quan ai cũng chiều theo thánh ý, tránh để bản thân bị hại, trải qua ngàn năm, lịch sử còn điểm nào tin được! Sở dĩ xưa nay không dám cho vua xem sử chính là vì thế.” Vua không nghe. Huyền Linh cùng Cấp sự trung Hứa Kính Tông sửa “Cao Tổ thực lục”, “Kim thượng thực lục”. Năm Quý Tỵ, sách sửa xong, trình lên vua. Vua thấy chuyện ngày mùng bốn tháng sáu ghi trên sách có nhiều chỗ ẩn ý, nói với Huyền Linh: “Chu Công giết Quản Thúc, Thái Thúc để an định triều Chu, Quý Hữu hạ độc Thúc Nha để bảo toàn nước Lỗ. Những chuyện trẫm làm, cũng cùng một loại mà thôi. Sử quan cần gì phải kiêng kị!” Lập tức ra lệnh bỏ đi những từ ngữ phù phiếm, viết lại cho đúng sự thực.”

(Kim thượng thực lục chính là Thái Tông thực lục, do Lý Thế Dân còn tại vị, chưa có miếu hiệu nên gọi là “kim thượng” aka vua hiện tại)

Về người tên Hứa Kính Tông, chính Cựu Đường thư cũng viết:

“Hai bản thực lục của Cao Tổ, Thái Tông vốn do Kính Bá soạn, có nhiều điểm thẳng thắn. Hứa Kính Tông lại lấy yêu ghét cá nhân để bẻ cong sự tình, cắt bớt và sửa chữa nhiều đoạn, bình phẩm về người khác sai sự thực.”

Vậy là đủ hiểu “Bỏ đi những từ ngữ phù phiếm, viết lại cho đúng sự thực.” nghĩa là sao rồi há:3