Thuyết Đường

Chương 5: Xem hoa đăng, Quốc Viễn đốt Tràng An




Dương Việt Công thấy các quan tứ xứ cho người đem lễ vật đến nhiều quá, nên giữa canh hai, sai mở cửa thành, hạ lệnh cho quan Tuần thị kiểm soát mới đệ vào trong phủ Việt công.

Quan Tuần thị là Võ Văn Thành Đô, sức khỏe như sư tử một ngọn lưu kim sang địch được muôn người, thiên hạ xếp đặt Võ Văn Thành Đô là anh hùng thứ hai trong triều Tùy đế. Đó là con trai lớn của Võ Văn Thuật đang ngồi ghế đại thần trong triều.

Hồi canh năm, bá quan văn võ vào yết kiến Dương Việt công, chúc mừng thượng thọ. Việt công đội mũ thất bảo, ngồi trên ghế cao bọc gấm, tỳ thiếp đứng hầu sau lưng đẹp như tiên nga giáng thế.

Bên Dương Việt công có một người họ Lý tên Tĩnh, hiệu là Dược Sư, vốn là đồ đệ đức Lâm Thiều Nhiên, có tài hô phong đảo vũ, cưỡi mây đạp gió, đoán biết hết việc trước sau.

Các quan được Dương Việt Công đãi yến, ca nhạc múa hát vang lừng. Ba trăm mỹ nhân ra chuốc rượu, cuộc vui kéo dài tới sáng. Việt công đã cắt môn hạ mỗi người nhận lễ vật của các quan từng quận một.

Lý Tịnh nhận lễ vật miền Sơn Đông.

Tần Thúc Bảo đem lễ vật đệ trình. Lý Tịnh thấy Thúc Bảo tướng mạo anh hùng, biết là một sao Thiên Bồng hạ giới, Lý Tịnh cung kính kéo ghế mời Thúc Bảo ngồi.

Xem thủ bản biết là Tần Quỳnh, bèn sai đặt tiệc khoản đãi. Giữa tiệc Lý Tịnh buông chén hỏi :

- Ông đi với mấy người nữa tới đây?

Thúc Bảo nói trái đi :

- Chúng tôi thừa lệnh quan trên, chỉ có hai hầu gánh lễ vật mà thôi.

Lý Tịnh mỉm cười :

- Tôi ngồi đây nhưng mắt nhìn ngàn dặm, biết rằng ông đi với bốn người bạn nữa. Quân hầu cả thảy mười hai tên.

Thúc Bảo giật mình đứng dậy vái Lý Tịnh mà rằng :

- Quả như tiên sinh nói, chúng tôi xin bái phục. Nhưng mong tiên sinh giữ kín cho.

Lý Tịnh nói :

- Việc đó không can hệ. Có điều can hệ hơn là ông sắp mắc tai vạ lớn. Đêm nay ông chớ cùng bạn đi xem hội. Sớm mai nên về Sơn Đông là hơn hết.

Thúc Bảo nói :

- Nhưng chưa được giấy chứng nhận của Dương đại nhân thì chúng tôi không dám về phục mệnh Lý Tịnh nói :

- Điều đó do tôi quyết định.

Bèn viết giấy, thay Dương Việt công, trả lời Đương Bích là Tần Thúc Bảo đã nộp trình đủ lễ vật rồi. Thúc Bảo nhận giấy sụp lạy lui ra.

Tiễn theo ra tận cửa, Lý Tịnh lại ân cần dặn chớ đi xem hội.

Thúc Bảo đi được dăm bước, Lý Tịnh lại gọi quay trở lại nói rằng :

- Hảo hán ra đi tôi vẫn không được yên tâm, vì dầu sao hảo hán cũng khó tránh được tai vạ lớn. Nay vì chút duyên nợ với nhau nên vì ông mà tôi bảo vệ cho qua vận hạn. Đây, ông giữ cái túi này, chờ khi nguy cấp lấy túi mở ra tung lên trời mà niệm chú: “Lý, anh mau giải cứu” bấy giờ sẽ tai qua nạn khỏi.

Thúc Bảo nhận túi, lại sụp lạy rồi rảo bước đi. Ra đến tửu quán, cho Đào Dung năm lạng bạc, đoạn ngồi ăn cơm uống rượu, Bảo nghĩ thầm :

- Khi lên sơn trại, vì việc muộn xem hoa đăng Tràng An mà bọn Tề Quốc Viễn theo đi. Nay tới đây bảo họ mà lén lút về, sao gọi là trượng phu, hảo hán. Thà gặp tai nạn rồi sau sẽ liệu, chứ không nên lừa dối bạn mà mang điều thất tín. Cái danh trong sạch của ta sẽ vì thế mà bị chúng coi thường mất!

Ăn xong, trả tiền chủ quán, Thúc Bảo lên ngựa về chùa, thấy bọn Vương Bá Dương đã sửa soạn áo quần sắp vào thành. Thấy Bảo về, chúng reo mừng nói :

- Có thế chứ, một lời của Tần nghĩa sĩ nói ra, khác gì dao chém đá.

Nay đại ca về đón chúng mình đi xem hội đấy, ta cùng đi kẻo muộn.

Mọi người kéo Thúc Bảo ra, sắp lên ngựa thì Bá Dương nói :

- Chúng ta đi xem hội sẽ la cà, ca lâu tửu quán cho thỏa thích, nay vướng ngựa thì phiền nhiễu lắm, vậy xem trẩy bộ, các ông nghĩ nên chăng?

Mọi người bằng lòng. Duy có Thúc Bảo Chợt nhớ tới lời Lý Tịnh thì thế nào mình cũng bị vạ to, nên Bảo nghĩ: “Việc tiên đoán của Lý Tịnh ta nên tin một nửa, ngờ một nửa. Nếu quả đúng thì khi đó đi chân chay sao thoát? Âu là đi ngựa để phòng lúc tháo thân”.

Vì vậy Bảo nói nên đi ngựa. Bá Dương thì đi chân. Hai ngươi không ai nhường ai cả. Lý Như Khuê nói :

- Theo ý ngu đệ thì ta cứ cưỡi ngựa tới cổng thành, sẽ giao hành lý và ngựa cho hàng quán, như thế thì không bận bịu gì mà lại đỡ mỏi chân.

Mọi người đồng lòng theo cách ấy. Năm ngựa phi như gió. Một lát tới cổng thành, tìm một khách điếm rộng nhất mà uống rượu và gửi ngựa. Thúc Bảo phòng bất trắc, đưa thư trả lời của Lý Tịnh cho hai tên theo hầu giữ hộ, và dặn nhỏ :

- Ngựa của ta cứ để yên cương rồi chờ sẩm tối đem đến sát cổng thành mà chờ ta. Phải nên ghi nhớ đó.

Rượu xong, Bảo cùng bọn Bá Dương giắt đoản đao vào mình phòng thân, đem hai kẻ thân tín theo hầu, kéo cả vào thành xem hội.

Tới nơi thấy cửa nhà tráng lệ đèn treo lá kết ngựa xe tấp nập, người chen chúc ngược xuôi như nước, chỗ này tửu quán nam nữ thanh tú nô đùa, chỗ nọ ca lâu tài tử giai nhân đàn hát.

Bọn Thúc Bảo cười nói vui vẻ lắm, qua cổng đại dinh Tư Mã là Võ Văn Thuật, thấy lâu đài nguy nga, ngoài sân có cỏ rộng thêng thang dựng một nhà chòi lớn trên đề chữ “Thái hài lâu” bất cứ sang nghèo đều được mời lên để đánh cầu.

Lầu đó được dựng lên do ý của công tử con út của Võ Văn Thuật là Võ Văn Hóa Cập. Hóa Cập xưa nay cậy thế cha chơi bời lêu lổng, quanh hắn có một lũ a dua nịnh hót.

Hóa Cập ngồi trên đài cao, sau lưng có bọn đầu trâu mặt ngựa. Hóa Cập ra lệnh rằng hễ ai đá được quả cầu ngũ sắc qua cầu đài thì được thưởng bạc năm thoi lụa năm tấm, hễ ai đá cầu qua biển Thái hài môn thì được thưởng ngân bài và vải lụa, kẻ nào đá không trúng thì bị đày tớ của bọn đầu trâu đứng sau Hóa Cập kia múc nước bẩn hắt vào mặt cho công chúng cười vang chế giễu.

Thấy lạ, năm hảo hán bước vào coi. Trong số năm người, duy có Tề Quốc Viền tự thuở nhỏ đã làm nghề lạc thảo lục lâm nên không biết trò chơi ấy, còn như Lý Như Khuê vốn xưa là tay hào phú phong lưu, Thúc Bảo vốn người từng trải chốn kinh thành. Bá Dương vốn là một võ quan Sà Phò mã thì có mùi chơi gì là chưa nếm. Bốn người không cho lối đá cầu là lạ duy có Quốc Viễn cứ đứng tròn mắt ngẩn ra xem.

Viễn níu áo giục Sài Thiêu vào chơi thử. Sài Thiệu vốn xưa nay thích đá cầu. Tên lính hầu đứng gần đấy bung quả cầu ngũ sắc ra nói với Sài Thiệu :

- Xin Phò mã đá cầu tiêu khiển.

Sài Thiệu hỏi :

- Bên cạnh công tử kia có hai mỹ nữ, chẳng hay ả đó có biết chơi cầu hay không?

Tên lính đáp :

- Công tủ tôi mua hai nàng đó ở xóm nhà hát, mới mang về. Một nàng là Thái Bài Phi, một nàng là Kim Phượng Vũ cả hai cùng giỏi đàn ca, mà nghề đá cầu lại càng giỏi lắm.

Sài Thiệu cao hứng nói :

- Ta muốn cùng hai nàng đó dạo chơi một ván cầu ngươi vào hỏi dò xem.

Tên lính đáp :

- Điều đó chẳng khó chị, miễn tướng công cho tôi một món tiền uống rượu.

Sài Thiệu quen thói phong lưu móc túi cho ngay năm lạng. Tên lính híp cả mắt, chạy ngay lên lầu nói to :

- Có một người coi bộ rất hào hoa muốn xin phép công tử cho hai mỹ nhân xuống dạo cầu mua vui.

Võ Văn Hóa Cập vui vẻ bảo hai mỹ nhân xuống thi tài. Hai nàng gót sen yểu diệu tiến đến theo sau là hai hầu gái bưng quả cầu ngũ sắc.

Chào hỏi nhau xong, hai người đứng hai bên, thị nữ tung cầu lên cho hai bên vào cuộc. Hóa Cập cùng thủ hạ đứng tựa lan can nguyệt đài xem đá cầu. Sài Thiệu nhân lúc cao hứng đem hết nghề chơi tài tử ra thi thố đá luôn ba lần quả cầu vượt biển “Thái hài môn”.

Công tử Hóa Cập sai ném bạc và lụa xuống như mưa. Mấy tên hầu của bọn Thúc Bảo ra công nhặt. Quốc Viễn vốn quê mùa thích quá gào múa ầm lên :

- Phò mã hay quá, mỹ nữ thua rồi!

Bên kia, người đẹp không sao đá được trúng đích, đến nỗi mắt mờ, tóc sổ, má hồng thấm ướt mồ hôi, hài thêu lầm bụi, hơi thở rộn ràng cùng thẹn nhìn nhau giữa tiếng cười la ó của người xem.

Hai mỹ nhân thẹn quá xin thôi. Thúc Bảo toan lấy hai chục lạng bạc và lụa gấm kia tặng lại mỹ nhân, nhưng hai nàng thẹn quá vén xiêm mà chạy lên lầu.

Bọn Thúc Bảo vào tửu lầu sang trọng nhất, tìm một cái bàn to giáp cửa sổ trông xuống dưới đường, rồi gọi lấy rượu ngon. Rượu đã ngon, thực phẩm tốt, lại quanh lầu réo rắt tiếng đàn ca và bóng xiêm, hương phấn mỹ nhân trước mắt, khiến cùng say sưa. Mãi tới khi trăg mọc, lại cùng nhau la đà cầm tay dắt nhau ra phố xem hoa đăng.

Đèn sáng như một trời sao đảo ngược, ánh sáng bốc lên như bể lửa, người đi trong ánh sáng đông hàng muôn vạn, toàn là gài lịch, trai thanh.

Ở cửa dinh quan Tư Mã, nhiều đèn và hoa lá nhất, người xem lóa mắt nhức đầu. Một con kỳ lân to như một con voi kết bằng lụa năm màu và dát kim cương vàng bạc, dưới móng kỳ lân căng tấm lụa thêu mấy chữ “Vạn phúc lai trào”. Trên lầu ánh đèn soi rực rỡ câu đối vàng son :

“Châu lộ chinh tướng hiển thánh giáng phàm bang hữu đạo.

Tùy trao hiển thị nhân Quân trị thế thọ vô cương”.

Tạm dịch nôm là :

“Đời Chu hiển thánh ra đời nước có đạo.

Triều Tùy vua nhân thọ khôn cùng”

Hai bên kỳ lân khổng lồ đó có hai người kết bằng bông nhuộm đủ màu cưỡi hai mãnh thú cũng bằng bông. Lại có câu đối rằng :

“Tử Đồng đế quân thừa bạch xà, hạ phàm thế,

Ngọc Thanh lão tử khóa thanh ngưu, tây xuất Dương quan”

Tạm dịch nôm là :

“Đế quân tử đồng cưỡi rắn trắng xuống trần gian,

Lão tử Ngọc Thanh cưỡi trâu xanh ra Dương quan”.

Bọn hảo hán lại dắt tay nhau ra cửa đông nam, qua phủ Dương Việt công, thấy cổng đại dinh đèn sáng cờ bay, lính gác các nhà trước phủ đều đặt bài vị Thiên tử, đốt trầm, tỏ ý vua tôi cùng vui. Trong phủ thỉnh thoảng lại bắn súng, ngoài nhà thường dân thì cứ súng nổ người ta lại bảo nhau đốt pháo theo. Người đi đường vỗ tay nhau mà hò hét và ca hát.

Ở cổng lớn bên trong, đèn, đuốc sáng tựa ban ngày. Có hình nhân cỡi điểu thú, và có câu đối chữ như rồng như phượng.

Tây phương Vương mẫu tọa thanh loan Giao Trì phó yến, Nam cực Thọ tinh kỵ bạch hạc hái ốc thiêm chù”

Tạm dịch nôm là :

Vương mẫu Tây phương cưỡi loan xanh Giao Trì phó yến.

Thọ tinh Nam cực cưỡi hạc trắng phù hộ nhân gian”.

Bọn Thúc Bảo lại dắt nhau đi. Quốc Viễn quanh năm ở sơn lâm làm giặc giết người lấy của, nay mới thấy đế đô nhộn nhịp hào hoa, thì vui thích ăn nhiều uống khỏe, say túy lúy. Cả bọn vui chân vào thành vua.

Ở đây thật là một thế giới hoa đăng, phần lịch sự gấp ngàn lần đại phủ Dương Việt công. Bao nhiêu trái gái sắc tài rủ nhau cả vào đây để hẹn hò tình tứ. Ngươi ta vào đây để ghẹo nguyệt trêu hoa, mà người ta vào đây cũng là để chịu một tai vạ lớn. Trong số đó có mụ Vương lão bà cùng con gái là Uyển Nhi đẹp như Hằng nga xuống trần tả không sao xiết. Mẹ con Uyển Nhi đi đến đâu là các công tử bám theo đến đấy như ruồi bâu nhặng đuổi. Lúc đi qua cổng thành, các cậu thừa lúc đông người thi nhau kéo xiêm, níu áo sờ tóc ôm lưng. Mẹ con Uyển Nhi kêu sợ không còn hồn vía.

Có kẻ đầu trâu thấy có mồi ngon chạy ngay về mách Võ Văn Hóa Cập. Cập ba chân bốn cẳng tới nơi, trông thấy Uyển Nhi thì cứ như là chết đứng, mắt hoa, tay nhũn, chân mềm chỉ toan ngã xuống. Một lát định thần, công tử Hóa Cập chạy tới ôm lấy nàng ẵm lên tay như người ta bẻ một cành dương liễu. Công tử vừa ôm ẵm vừa hôn hít giữa đám đông người, không còn biết giữ danh diện là chi nữa.

Vương lão bà sợ quá hóa tức, tức dĩ dâm liều, và cũng không biết đó là con chó sói Võ Văn Hóa Cập, bèn nổi giận một tay gỡ con ra, một tay bấu cào, tát đánh nát cả mặt công tử Cập.

Cập kêu vang như cơn chó bị thương :

- A con mụ này dám đánh ta! Chúng bay đâu trói đem cả mẹ con nó về ngay phủ. Mẹ con Uyển Nhi gào khóc, cầu mọi người cứu giúp.

Nhưng thiên hạ còn ai lạ con chó sói, đành rẽ ra xa nhòm lũ đầu trâu trói mẹ con người đàn bà vô tội. Chốc lát, tới phủ, chúng nhốt người mẹ vào một phòng gần cửa, còn Uyển Nhì thì nhốt vào phòng riêng của công tử.

Cập đuổi liễu hoàn ra, rồi ẵm uyển Nhi lên giường. Nàng vốn còn nguyệt sáng gương trong, hoa phong kín nhụy, chưa hề gần đàn ông, nay thấy Cập công tử sỗ sàng thì run cầm cập, vừa che đỡ vừa gào khóc gọi mẫu thân. Nhưng sức liễu hình hoa, chịu làm sao được bàn tay cường bạo loài lang sói nên chỉ chớp mắt xiêm rách y tơi, cành thiên hương ấy tan tành trong cơn gió bão.

Thỏa mây mưa rồi, Cập công tử lại sửa soạn mũ áo, giao Uyển Nhi cho liễu hoàn canh giữ, ra phố tìm gái khác.

Khi hắn đi qua gian phòng ngoài cửa, Vương lão bà thò đầu ra kêu khóc đòi con gái.

Hắn quát to :

- Con gái mụ ta đá hưởng tiết trinh rồi, còn đòi làm chi nữa. Muốn sống thì câm miệng.

Mụ Vương càng gào khóc nói :

- Tôi đã trót hẹn gả nó cho người ta, xin công tử buông tha nó ra.

Nếu không tôi đành đập đầu chết ở bức tường này.

Hóa Cập vốn nhát, bèn quát đầu trâu mặt ngựa kéo mụ ra đường.

Đoan cùng môn hạ đi tìm gái.

Mụ Vương bị đẩy ngã giúi xuống, cứ nằm mà kêu khóc gọi con, nghe thật ảo não, thương tâm.

Vừa hay, bọn Tần Thúc Bảo dắt tay nhau đi tới. Thấy người đàn bà già nua gào khóc, Vương Bá Dương hỏi mấy kẻ đứng xem. Chúng bèn thuật rõ việc công tử Hóa Cập xưa nay vẫn cậy thế cha bắt đàn bà con gái mà hãm hiếp rất nhiều. Lại kể cái cảnh mẹ con Uyển Nhi vừa bị hắn uy hiếp đánh mẹ đuổi ra, bắt con vào làm điều ô trọc.

Thúc Bảo quên bẵng lời Lý Tịnh, bất bình dẫm chân mà hỏi lớn :

- Vậy thằng chó chết bây giờ ở chỗ nào?

Chúng kinh hãi nói :

- Ông chớ trêu vào con quỷ ấy mà toi mạng đó!

Thúc Bảo nói lảng đi :

- Chúng tôi đâu dám sinh sư. Chỉ vì chúng tôi nơi xa đến, muốn biết người ấy ghê gớm đến thế nào để lánh mặt cho khỏi sinh tai vạ đó thôi.

Chúng nói :

- Đã vậy thì chúng tôi nói cũng chẳng hề chi. Số là công tư Võ Văn Hóa Cập, nuôi nhiều môn hạ lắm. Mỗi khi ra đường, công tử cưỡi ngựa đi giữa, dọn đường là năm mươi thủ hạ cầm côn, đi trước ngựa là năm mươi võ sĩ, gươm trần giáo dựng, đi sau ngựa là mấy tay vỡ nghệ cao cường lắm. Trong thành này công tử biết ai có võ, sai gọi đến, hễ kẻ ấy quả có võ nghệ tinh thông thì được trọng thưởng, võ nghệ kém thì bị thủ hạ cầm côn lại đập vỡ óc chết tươi ngay. Giết người xong ném xác vào vào một cái hầm trong đó chứa hàng ngàn đầu lâu oan uổng. Các ông ở xa có gặp thì mau tránh kẻo nguy hiểm đó.

Thúc Bảo mỉm cười, cám ơn rồi cùng nhau hăm hở vén gọn áo quần, tay thủ binh khí, đi tìm công tử Cập.

Tìm tới cửa tây, thấy tiếng hò hét oai nghiêm, bọn Thúc Bảo rẽ đám đông tiến vào thấy Hóa Cấp cưỡi ngựa lớn mặc áo bào, mặt mũi choắt cheo, môi thâm, mắt xếch, lưng gù, tay vượn, đi trước theo sau chắc đến trăm tên giáo dựng gươm trần, đứa vào cũng vênh váo, đầu sưng, mặt sẹo, nói cười khả ố.

Bọn Thúc Bảo chỉ chờ cơ hạ thủ. Bỗng tên quân chạy đến báo :

- Bẩm công tử, có bọn xả hỏa xi diễn võ để xin công tử cho ít tiền uống rượu.

Hóa Cập gật đầu nói :

- Hỏi xem chúng nó múa tích gì.

Tên quân bẩm :

- Chúng xin múa tích “Lã Bố ở Hổ Lão quan”

Hóa Cập cười vang :

- Thế thì được lắm, Tài kích của Lã Bố đâu phải tầm thường mà chúng dám bắt chước, hễ vụng về ta sai đánh chết.

Tên quân vừa đi khỏi. Thúc Bảo không sao nén được lòng giận ghét tiến lên trước ngựa Hóa Cập mà rằng :

- Lũ xả hỏa chúng tôi vốn có lòng tôn kính công tử, chờ đợi đã lâu, xin cho diễn trước.

Cập hài lòng nói :

- Ta cho phép, giỏi thì ta thưởng, kém thì ta sai đánh chết. Các ngươi diễn tích gì?

Thúc Bảo nói :

- Xin hiến tích Ngũ mã phá Tào.

Đoạn, năm hảo hán xông vào. Thúc Bảo sử dụng kim giản, Bá Dương múa đôi bảo kiếm, Quốc Viễn múa kim chùy, Lý Như Khuê múa đồng tiên, Sài Tử Lượng múa song kiếm.

Giản, kiếm, chuỳ va chạm nhau kêu xoang xoảng, ánh thép ngời như sao rụng, trăng rơi. Vòng trong bọn công tử Hóa Cập tấm tắc khen, vòng ngoài dân chúng xúm đông hò hét.

Quốc Viễn vừa múa vừa thầm nghĩ :

- Chi bằng ta nhân cơ hộ này phóng hỏa lầu hoa kia, thiên hạ đi chữa cháy, ta sẽ giết hắn, khi đó dễ đường tẩu thoát.

Bèn rình lúc nhiều người xô vào xem, Quốc Viễn thu chùy nhảy lên mái lầu phóng hỏa. Giây phút lửa ngất trời, hàng vạn con người la hò ầm ĩ, xô nhau chạy.

Thúc Bảo biết trong bọn mình gây hỏa, sự thế không lui được, liền phóng kim giản phi người lên như con én đánh rụng đầu Võ Văn Hóa Cập, cái mình rẫy trên lưng ngựa, máu phun ngược lên trời. Lũ võ sĩ, giáo sư, thét vang lên, rồi kẻ thương, người kiếm xúm vào đành bốn ngươi. Quốc Viễn đốt xong, cũng phi thân nhảy xuống, chân chưa tới đất, đôi chùy đã đánh vỡ luôn hai cái sọ. Bá Dương, Thúc Bảo tả xung hữu đột, ngót trăm kẻ đầu trâu đứa chết, đứa chạy tơi bời như chuột nhắt.

Quốc Viễn say máu, đánh giết cả nhân dân, xác chất cao, máu chảy lụt, thật là thảm thiết.

Năm ngươi mở đường ra phía cửa Minh Đức.

Quan Tuần thi kinh doanh là Võ Văn Thành Đô nghe báo giật mình, thét vang như hổ đói, nhảy lên ngụa ô truy, cầm lưu kim đang, xông ra đuổi bắt bọn Bá Dương.

Thấy một chàng to như La hán, oai phong lẫm liệt mạnh hơn hùm xám, mắt sáng, râu thép, mặt nửa đen nửa xanh, múa tít vũ khí lao ngựa tới, Thúc Bảo biết không phải tay vừa, vội giơ kim giản đánh. Võ Văn Thành Đô đón đánh. Đôi kim giản của Thúc Bảo lóe lửa kêu choang một tiếng, cánh tay Thúc Bảo bật hẳn lại dại tê, rời rã, đau nhức, Bảo chỉ còn kịp kêu một tiếng “Ôi chao!” rồi quay đầu chạy. Bọn Bá Dương, Sài Thiệu, Quốc Viễn, Như Khuê, bị Võ Văn Thành Đô đánh suýt bị thương. Bá Dương chay trước, theo sau Thúc Bảo.

Chợt nhớ tới cái túi của Lý Tịnh, mở ra thấy năm hạt đậu đỏ, tung lên trời nói “Lý Tịnh mau cứu chúng tôi”.

Bỗng văng vẳng trên không có tiếng gọi :

- Bọn Thúc Bảo mau chạy về phía đông. Có ta che mắt Võ Văn Thành Đô cho mà trốn.

Bảo nghe lời nhắm phía đông mà chạy. Võ Văn Thành Đô đang đuổi, tự nhiên thấy trước mắt như có mây phủ sương che, mồ hôi toát đẫm áo, phóng thêm quãng nữa, nhìn sau trước chỉ thấy một bãi tha ma, bên tường thành bèn thúc ngựa quay trở lại.

Trong khi đó, bọn Thúc Bảo đã chạy về phía cửa Mạnh Đức rồi. Tới nơi, thấy lũ thủ hạ đã giữ năm con ngựa yên cương sẵn, năm hảo hán nhảy phắt lên, quay lại dặn :

- Các ngươi cứ lững thững về sơn trại sau, chúng ta đi trước. Cấm không được tiết lộ tung tích đó.

Đoạn năm người phi như gió. Đến chùa Bảo Đức, Thúc Bảo nói với Sài Thiệu nên bỏ chùa rồi về ngay Thái Nguyên, rồi bái biệt Sài Thiệu, bốn người phi thẳng về sơn trại Thiếu Hoa Sơn. Tới nơi, Thúc Bảo gò ngựa nói :

- Nhớ đúng ngày hai mươi ba tháng chín sang năm, là ngày thọ đản bảy mươi của mẹ già tôi, xin mời chư huynh đến Tế Nam uống rượu mừng cho.

Bọn Vương Bá Dương vái lạy mà nhận lời. Thúc Bảo không lên sơn trại, phòng ngựa đi thẳng về Tế Nam.

Thành Tràng An ngập xương đầy máu, cửa nhà lầy lụa cháy không biết bao nhiêu mà kể. Võ Văn Thành Đô đuổi năm người không thấy, hầm hầm quay về dinh. Vỡ Văn Thuật thấy con bị đánh chết thì ngất đi hồi lâu mới tỉnh, hỏi đầu đuôi tại sao lại có người hạ sát. Chúng thủ hạ kể việc công tử hãm hiếp ả Uyển Nhi. Võ Văn Thành Đô nổi giận, sai dẫn Uyển Nhi ra, vớ cái côn ném vỡ đôi đầu, thương thay gái hồng nhan nào có làm gì nên tội mà chết thảm như vậy đó! Lại sai bắt cả nhà Vương bà giết hết.

Sau đó hỏi hình dạng tên đầu thủ. Chúng tả rằng người ấy mình cao, tướng mao đường đường, mặt vuông, mắt sáng cầm dôi kim giản.

Võ Văn Thuật sai vẽ phỏng hình kẻ phá kinh đô, truyền dán các nơi, truy nã Tần Thúc Bảo ráo riết.

Đây thuật chuyện Thái tử Dương Quảng tức Tấn vương đã đoạt ngôi Đông Cung của anh là Dương Dũng, lại đã bức Đường công Lý Uyên đi nốt, chỉ còn ngại có bà Độc Cô chánh cung, sau bà Độc Cô tạ thế, Dương Quảng không còn sợ ai nữa, sinh hoang dâm vô độ bỏ vàng bạc kết giao với lũ gian thần làm vây cánh.

Bấy giờ, Tùy Văn Đế cũng đang say mê hai mỹ nhân, một là Trần phu nhân, một là Sái phu nhân. Văn Đế ngày một yếu già, vì tửu sắc quá độ mà thụ bệnh.

Trước kia Văn Đế có sai Dương Tố dựng cung nhân thọ, cung đã dựng xong, Văn Đế vào đó nằm dưỡng bệnh. Bệnh một môi ngày thêm nặng. Thượng thư bộc sạ Dương Tố, Lễ bộ Thượng thư Liêu Thuật, Hoàng môn nhị lang là Nguyên Nham, thay nhau chầu chực trong cung sớm tối.

Thái tử Dương Quảng chầu chực trong đền Thái Bảo.

Còn bên long sàng thì luôn luôn có Trần và Sái phu nhân. Cách hai ngày, Thái tử lại xin vào thăm bệnh, Thái tử thấy Sái phu nhân đã đẹp lại thấy Trần phu nhân lại dòng dõi vương giả, (nàng là con gái vua Cao Tôn nước Trần) từ thuở bé quen màn the trướng gấm, nên nhan sắc thực sánh ngang với Đắc Kỷ, Tây Thi.

Thái tử tuổi trẻ lòng xuân, mỗi lần vào, thấy hai người không những không lảng tránh lại còn liếc mắt đong đưa, bỗng đem lòng say đắm.

Có một buồi chiều, Thái tử vào thăm bệnh Văn Đế. Khi đi ngang qua hành lang vắng vẻ, thấy lẫn trong hoa viên một bóng xiêm trắng bay theo gió. Thái tử rảo bước đuổi theo. Người đàn bà ấy biết có người đuổi theo bèn ung dung bước chậm, rồi rẻ vào một góc vườn vắng, ngồi bên hồ bán nguyệt.

Thái tử đến, đứng im nhìn say sưa bóng Trần phu nhân in xuống nước lẫn vớt bóng hoa. Như thế một hồi lâu, hai bên cùng ngắm nhau, cười với nhau dưới gương nước hồ trong. Rồi không cầm được lòng xuân, Thái tử cúi xuống, đặt tay lên vai nàng. Trần phu nhân vờ nghiêm mặt nói :

- Thái tử sao dám đường đột vào cấm viên này. Thế là vô phép đó.

Thái tử quỳ xuống nói :

- Tôi biết tội đã nhiều, nhưng chỉ mong được chết dưới bàn tay ngà ngọc của mỹ nhân.

Trần phu nhân dịu giọng nói :

- Tôi đã trót gửi thân cho thánh thương. Vây nên giữ lễ quân thần phụ tử, sao lại thế?

Thái tử biết rằng Trần phu nhân bấy lâu nay đối với mình đã ý gửi tình đưa, đó là lời nói giả vờ bèn ôm chầm lấy mà rằng :

- Tôi sao lại không biết thế, cho nên muốn chết dưới bàn tay ngà ngọc của mỹ nhân. Phu nhân ơi, có đành lòng để cho kẻ bạc hạnh này phải chết không? Nếu không thì hãy cùng nhau thỏa tình khao khát.

Nói rồi càng ghì chặt. Thốt nhiên có tiếng giày xào xạc, và có tiếng nói trên hành lang :

- Thánh thương vời phu nhân, xin đến ngay cho.

Hai người hoảng hốt bỏ nhau ra, nhìn lên thấy một kẻ cung nữ đang mỉm cười quay gót sen thoăn thoắt. Trần phu nhân vội về ngự phòng, nét mặt còn ngơ ngác, tóc còn xõa rối.

Văn Đế có lòng ngờ tra hỏi. Bị tra hỏi mãi, Trần phu nhân không dám chối sợ khiên Văn Đế phẫn uất mà bệnh nặng, đành thở dài nói :

- Thái tử vô lễ lắm!

Văn Đế đập mạnh tay xuống long sàng :

- Ta đã biết mà! Thằng súc sinh vờ vào thăm ta, chính là vì việc này, thế nào nó cũng đầu độc ta mất thôi!

Tức thì truyền gọi Liễu Thuật và Nguyên Nham vào chầu. Khi đó, Thái tử sợ hãi chờ Trần phu nhân đi một lát, cũng men theo chân tường hành lang mà đến cửa cung, nấp một chỗ nghe.

Nghe trộm thấy Văn Đế nổi giận, sai vời Nguyên Nham, Liễu Thuật chư không vời Dương Tố, biết có cơ nguy, vội lén ra tìm bọn Trương Hành, kể rõ việc Trần phu nhân, và hỏi kế.

Trương Hành nói :

- Có kế này, phải làm ngay mới kịp.

Rồi ghe tai Thái tử nói thầm. Đang lục đó Dương Tố hoảng hốt chạy vào nói :

- Nguy cấp đến nơi rồi. Không hiểu ai xúi giục mà tự nhên thánh thương vời Liễu Thuật, Nguyên Nham viết chiếu chỉ triệu Thái tử Dương Dũng về. Liễu và Nguyên đã làm xong chiếu chỉ, sắp cho đưa về Tế Ninh. Mai kia Dương Dũng đến, tất Thái tử bị truất mà bọn chúng tôi cũng bị bỏ có khi còn nguy cho tính mạng nữa chứ không chơi!

Thái tử nói :

- Ông không lo, đã có kế của Trương Hành rồi.

Ngay lúc đó, Hành làm giả thánh chỉ sai Võ Văn Thành Đô đem quân đến tòa soạn chiếu bắt Liễu Thuận, Nguyên Nham lấy cớ là Liễu, Nguyên làm việc chậm trái ý Thánh thượng, bắt giam vào ngục Đại lý tự.

Sau lại truyền cho quân lính gác cửa cung khó nhọc, được tạm ra ngoài nghỉ ngơi. Trương Hành tự đem quân của mình vào giữ, cấm không cho ai ra vào hết. Đoạn nhổ cỏ nhổ cả gốc, làm chiếu giả cho đòi vời Thái tử cũ là Dương Dũng về cung để tìm cách giết đi.

Lúc đó, Văn Đế đã gần mê man, gọi :

- Liễu Thuật, Nguyên Nham đã thảo xong chiếu chỉ chưa?

Trần phu nhân đáp rằng chưa. Chợt có nội thì tâu rằng :

- Quan Trương Hành xin vào hầu hạ thuốc thang.

Không cần chờ lệnh, Trương Hành cứ tự tiện dẫn hơn hai mươi tên thân tín vào cung, cho những nội thị cũ ra ngoài.

Bọn nội thị đã từ lâu hầu hạ đêm hôm, thấy được có người thay cho nghỉ thì vui mừng ra hết.

Trương Hành vào thấy Văn Đế nằm lim dim, chẳng cần giữ lễ vua tôi chi cả, bảo Sái và Trần phu nhân rằng :

- Xin hai phu nhân tạm ra ngoài kia cho tôi được tâu xin Thánh thượng.

Hai nàng thấy Trương Hành dữ tợn, không dám trái ý, rón rén lui ra, nhưng sai cung nhân đứng núp nhìn qua khe cửa nghe ngóng. Chỉ một lát, Trương Hành hốt hoảng chạy ra nói :

- Thánh thượng băng hà rồi. Xin hãy cứ giữ kín cho, đừng bảo Thái tử biết vội, mà các bà cung tần, cũng đừng khóc lóc vội.

Trần, Sái phu nhân đều nghi Trương Hành giết chúa, nhưng sợ mà không dám nói ra. Trương Hành lên xe về dinh, cười bảo Thái tử đang ngồi đợi rằng :

- Tôi xin kính mừng Thái tử. Thái tử mừng lắm, sai ngay em Dương Tố là đề đốc Dương Uớc, giữ chắc mười cửa thành cho nghiêm mật.

Quách Diễn được phong ngay làm hữu linh vệ đại vệ tướng quân, giữ việc hộ vệ loan giá. Võ Văn Thành Đô thăng chức Vô địch đại tướng quân, chỉ huy hết cả các đề đốc từ kinh sư sang các tỉnh. Trương hành giữ kín việc Văn Đế băng hà. Trong dân gian chưa ai biết!

Ba ngày hôm sau, Dương Thông, đai tướng quân ở Tế Ninh, phò Thái tử cũ là Dương Dũng vào kinh đô, trước hết hãy đóng dinh ở ngoài thành, Thái tử Dương Quảng bàn mưu với Trương Hành làm chiếu chỉ giả vời cả gia quyến, vợ chồng cha con Thái tử Dương Dũng vào cung, nha tướng không được ai theo cả.

Thái tử Dương Dũng không ngờ bị mắc mưu. Vào tới nơi Thái tử Dương Quảng uy hiếp bắt cha con Dương Dũng thắt cổ chết, còn vợ là Tiêu Phi có nhan sắc, Quảng bắt làm vợ.

Sau đó, Thái tử Quảng cùng Dương Tố lại bàn nhau thảo chiếu cho thiên hạ biết việc Văn Đế mất, để cho làm lễ phát tang.

Quảng gọi văn thần Ngữ Kiến Chương vào bảo làm chiếu. Chương vốn nổi tiếng là cương trực không bao giờ giao du với lũ gian thần, hôm ấy nghe tin Hoàng thượng băng hà, Đông Cung bị gọi về triều cũng chết nốt, bèn khóc rống lên.

Có nội giám đến vời, Ngữ Kiến Chương vào mặc tang phục, thắp hương cáo tổ tiên, sụp lay mẹ già, từ biệt phu nhân rồi đi bộ vào triều, Thái tử Quảng đưa giấy bút nói :

- Ông viết chiếu đi, ta sẽ phong cho tước lớn.

Kiến Chương cầm bút, hạ bút viết rằng :

“Hoàng thượng băng hà không minh bạch. Thái tử Dương Dũng bị bách mà thắt cổ, việc này trời đất sẽ tru diệt kẻ bất hiếu và bất nghĩa”.

Viết xong ném bút vào mặt Quảng.

Quảng nồi giận thét to :

- Thằng thất phu vô lễ ta phải lấy đầu mày.

Kiến Chương quát lại :

- Mày đầu độc cha, thắt cổ anh, hiếp chị dâu, giết cháu nhỏ, tội mày chật ngang trời đất. Tao chết đi sẽ làm quỷ bóp cổ mày.

Quảng thét tả hữu lôi Kiến Chương ra chém.

Sau đó, Dương Tố tự làm chiếu giả nói rằng Tùy Văn Đế để ngôi cho Thái tử Dương Quảng, ban cho triều thần thiên hạ biết. Ngay tối ấy, Quảng lại động tình nghĩ đến Trần phu nhân, vào nội cung cùng người đàn bà thỏa tình trăng gió. Cuộc ái ân kéo dài sang tháng tám, bên cái xác Văn Đế còn quàn nơi chính điện.

Đến ngày làm lễ an táng, Dương Tố phò Thái tử Quảng mặc đồ tang phục, cử ai trước linh cữu Tùy Văn Để. Đoạn mặc các phục: mũ bình thiên, áo long bào, lên ngai vàng. Triều thần phục lạy, tung hô vạn tuế.

Hết thảy đều được tước lớn, lộc cao.

Tùy Dạng Đế mới lên ngôi được một hôm đã sai Võ Văn Thành Đô đem quân vây nhà Ngữ Kiến Trương, giết hết trẻ già, tịch thu gia sản.

Gia quyến Kiến Trương không sót một mạng nào, duy có tên chăn ngựa tên là Ngữ Bảo, mau chân chui qua giậu, ngày đêm về Nam Dương báo cho Ngữ Vân Thiệu biết tin dữ dội này.

Che đậy muu gian, Dạng Đế lại vờ nhân đức truy phong cho Thái tử Dũng làm Phong Lang vương, lập miếu thờ, thấy thế thiên hạ càng bàn tán.

Võ Văn Thuật và Dương Tố sợ rằng Ngư Vân Thiệu ở Nam Dương là con Ngũ Kiến Trương (vốn có sức mạnh địch muôn người) biết tin cha bị giết sẽ đem quân về kinh đô hỏi tội. Bèn đem việc ấy tâu với Tùy Dạng Đế.

Dạng Đế có ý sợ, sai Hàn Cầm Hổ là Trấn nam đại liên soát. Mã Thúc Mưu làm tiên phong. Vô địch tướng quân Võ Văn Thành Đô đi tập hậu, sáu mươi vạn hùng binh khởi hành ngay hôm đó.

Đây nói Ngữ Vân Thiệu, con kiến Trương, mặt như ngọc tia mắt sáng như sao, tiếng nói sang sảng, sức cử đỉnh ngang Hạng Vũ, vào chỗ muôn quân như chỗ không người, trong tay có muời vạn hùng binh giữ Nam Dương. người ta xếp Ngữ Văn Thiệu vào bậc anh hùng thứ năm thời ấy. Vợ là Đậu Thị, mới sinh được một con trai, còn bé lắm.

Một hôm, Vân Thiệu cùng mười nha tướng đến Thái hoành sơn săn bắn, quân lính căng lưới, thả chó, sục tìm hươu nai.

Trên núi có một Đại vương, họ Hùng tên Khoát Hải. Hải là một hảo hán lưng to vai ôm, đầu hổ, mặt beo, tiếng nổi như sấm hai cánh tay mang nổi nghìn cân. Đã từ lâu Khoát Hải xưng vương trên núi, cùng ba nghìn lâu la chuyên giết người lấy của, hành khách sợ hãi Thái Hoành sơn mà phải tìm đường đi tắt.

Khoát Hải một buổi sáng xuống núi, thấy hai con hổ lớn xông tới, bèn túm lấy cổ đôi hổ ấn xuống rồi hai chân đá hai cái, đôi hổ vỡ óc ra mà chết.

Khi đó Ngữ Vân Thiệu đang săn ở ngọn núi trên này trông thấy một hảo hán hai tay bóp chết hổ, liền sai gia tướng đến mời lên nói chuyện. Khoát Hải hỏi :

- Chủ mày là ai?

Gia tướng đáp :

- Là Nam Dương Ngữ Hầu Vân Thiệu.

Nghe tên Khoát Hải thầm nghĩ :

- Đây là một tay anh hùng danh tiếng, nhân dịp này, ta yết kiến xem sao.

Một lát tới nơi, Khoát Hải thấy Vân Thiệu tướng oai phong thì vái mà xưng tên tuổi.

Vân Thiệu nói :

- Bản soái thấy hảo hán hai chân đá hai hổ có lòng kính yêu, nay muốn mời hảo hán về làm tôi triều đình, đứng trong hàng đại tướng, hảo hán có ưng không?

Khoát Hải không có ý ở mãi chốn lục lâm, mừng lắm, nói :

- Được vậy chúng tôi không dám quên ơn Nguyên soái.

Vân Thiệu lại cùng Khoát Hải kết làm anh em. Thiệu hơn tuổi làm anh. Thiệu nói :

- Hiền đệ hãy lên núi đợi ít ngày, ta sẽ đưa biểu về triều đình chiêu an đã.

Khoát Hải vái lạy rồi xuống hai tay xách hai xác hổ lớn lên sơn trại.

Vân Thiệu về tới hậu dinh, Đậu phu nhân hỏi :

- Phu tướng đi săn có được gì không?

Vân Thiệu cười đáp :

- Ta săn được một tay hào kiệt, có người ấy bên cạnh, còn lo gì nữa.

Đoạn đem chuyện Khoát Hải đánh hổ, rồi chuyện cùng nhau kết nghĩa, kể cho phu nhân nghe. Đậu phu nhân rất vui mừng.

Nhắc lại tên mã phu Ngữ Bảo trốn được, đang ngày đêm thẳng tới Nam Dương thì dọc đường lại nghe tin Dạng Đế sai Hàn Cầm Hổ làm Đại nguyên soái đem quân đánh Vân Thiệu, hắn lại càng ra sức, bỏ cả ăn uống để mau chóng tới Nam Dương. Vào đến Nam môn, Ngữ Bảo cầm dùi trống đánh liên chi hồ điệp như trống cướp. Đánh xong, mệt quá ngã lăn ra bất tỉnh.

Quân canh bắt đem vào trong dinh. Đến khi tỉnh dậy, mở mắt ra nhòm thấy Vân Thiệu, Ngữ Bảo òa lên khóc rồi sụp lạy :

- Nguyên soái bình tĩnh ngồi đây, có ngờ đâu cả gia quyến họ Ngữ nhà ta đã bị bọn gian thần Dương Tố âm muu giết chúa thượng rồi giết luôn cả dòng dõi họ Ngữ rồi.

Vân Thiệu cả kinh vội hỏi đầu đuôi. Ngữ Bảo thuật rõ việc Thái tử Dương Quảng lập mưu giết Văn Đế, sau lại ép Ngữ tướng công làm chiếu giả, Ngữ tướng công không nghe nên bị chúng giết nốt, lại đem cả nhà họ Ngữ ra tru diệt.

Vân Thiệu thét to một tiếng, ngã gục xuống đất. Đậu phu nhân và các tướng xúm lại cứu chữa. Vân Thiêu khóc rống lên. Phu nhân cũng nước mắt chứa chan, hồi lâu mới tìm lời an ủi chồng, Vân Thiệu nghiến răng nói :

- Dòng dõi họ Ngữ này từ tổ phụ đến ta một lòng gánh giang sơn thờ chúa, không quản gì da ngựa bọc thây, nay hôn quân vô đạo giết phụ thân, lại chém sạch cả nhà, ta nguôi làm sao được!

Ngữ Bảo nói :

- Hiện nay, triều đình đã sai Hàn Cầm Hổ đem đại binh sắp đến vây Nam Dương bắt Nguyên soái, xin lão gia định liệu.

Vân Thiệu lại giận uất thét to lên :

- Nếu vậy thì chúng bách ta quá lắm. Ta thề cùng chúng không đội trời chung.

Bèn sai đánh trống, triệu tập ba quân. Ngữ Vân Thiệu mặc tang phục, kéo cờ trắng, bước ra giáo trường nói to rằng :

“Lão Thái sư ta ở triều làm quan Bộc sạ đã có công đánh đông dẹp bắc, bình định Trung Nguyên. Ngày nay Thái tử Dương Quảng giết cha, giết em để đoạt ngôi, lại giết thân phụ ta và tru diệt toàn gia họ Ngữ, như vậy chưa hả, lại cử đại binh đến dây hòng bắt ta mà giết nốt. Ta tự nghĩ triều đình đã bất công ghét bỏ, ta muốn bỏ Nam Dương trốn đi nơi khác, chư tướng quân nghĩ có nên chăng?”

Hỏi dứt lời, một dũng tướng tên gọi Tư Mã Siêu, mắt xanh râu đỏ, cầm đại đao bước ra nói :

- Nguyên soái sao lại trốn. Dương Quảng giết cha cướp ngôi lại hãm hại Thái sư, chúa đã vô đạo kẻ bề tồi có quyền thí bỏ để rửa cái thù huyết mạch. Nay Nguyên soái bỏ đi, tức là nhu nhược mà hương hồn lão Thái sư tất ngậm ngùi nơi chín suối. Xin cho chúng tướng ba quân hết thảy mặc đồ tang, quyết chiến.

Vân Thiệu nói :

- Tướng quân có lòng khảng khái, ta rất cám ơn, song còn các tướng nghĩ thế nào?

Hỏi chưa dút lời, thống chế Tiêu Phương, mặt trắng râu dài, quen sử ngọn trường thương, sức địch muôn người, bước ra nói to :

- Nuôi quân tướng mười năm mới có một ngày dùng tới. Ngày nay lũ mạt tướng chúng tôi xin cùng Nguyên soái trả thù huyết hận.

Các tướng khác cũng quả quyết xin ra đánh.

Ngữ Vân Thiệu hài lòng nói :

- Đã vậy, sớm mai ra giáo trường luyên tập lại binh mã.

Hôm sau, một mặt dự bị binh lương cho người ngựa, một mặt lại sai Tiêu Phong cầm lệnh tiễn đi các nơi đốc thúc nộp lương thảo, chở vào thành ngày đêm không ngớt.