Tiểu Oan Gia

Chương 2




Những mùa hè nóng bức cứ từng năm từng năm trôi qua, đến tháng 9 năm 1990, Tống Trạch cùng Lâm Kính Tổ vào học chung ở một ngôi trường tiểu học nào đó, là bạn học cùng lớp của nhau.

Lúc xếp hàng tập thể dục buổi sáng, Lâm Kính Tổ cao cao tráng tráng đứng hàng đầu, Tống Trạch thấp thấp gầy gầy đứng hàng cuối.

Lúc đi học, Lâm Kính Tổ đang ngồi trước bàn học ngủ gà ngủ gật thì bị thầy giáo dùng thước gõ gõ bàn học đánh thức, cả lớp cười vang, Tống Trạch cười vui vẻ nhất, đôi môi cánh hoa phấn hồng cong lên; Tống Trạch lúc trả lời câu hỏi của thầy nói ra một đáp án chuẩn xác, ngồi xuống ghế trước những ánh mắt khâm phục của các bạn, chỉ có Lâm Kính Tổ trừng mắt với tấm lưng của cậu, hận không thể dùng mắt mình đâm thủng hai cái lỗ trên đó.

Lúc học thể dục, Lâm Kính Tổ là người đầu tiên đạt điểm mười, cũng là người cao điểm nhất, nhìn Tống Trạch còn đang thở hồng hộc chạy cách mình quá xa, liền hướng cậu chĩa chĩa ngón tay cái xuống dưới.

Tống Trạch vinh quang trở thành một trong những thiếu niên đầu tiên đeo khăn quàng đỏ trên cổ, Lâm Kính Tổ vì hay gây sự, nên bị đuổi ra sau lớp đứng quay mặt vào tường.

Thầy giáo viết bài tập về nhà ở góc bảng, bọn nhỏ phải viết từng đề vào vở của mình, về nhà mở ra làm. Lâm Kính Tổ vừa tan học liền chạy thẳng ra ngoài, đến giờ cơm tối về nhà mới nhớ đến mình còn bài tập quên làm, bị lão ba nhà mình đánh vào mông:

“Cái tên nhãi con hiếu thắng còn hơn thỏ, sao không học Tống Trạch nhà người ta chứ?”

Sau đó lại bị lão mẹ xách lỗ tai ném ra cửa, “Nhanh đi tìm Tống Trạch học hỏi đi.”

Thời ấy điện thoại không quá thông dụng, nhà giáo sư không phải ai cũng đều có, bên khu Tây càng không ai, muốn hỏi chuyện gì, phải tự mình đi qua. Bạn học cùng lớp và gần nhà Lâm Kính Tổ chỉ có mình Tống Trạch, Lâm Kính Tổ đành ủ rủ đi đến khu trung tâm, rẽ lên căn phòng mang tấm biển bạc, cửa tự động mở ra, trong tay Tống Trạch là quyển vở bài tập, đang nhìn nó cười đến sáng lạn.

Chuốc xong bút chì, tính xong các bài toán, rồi lại viết bài tập làm văn, sau đó chính là thời gian hoạt động tự do. Từ sau khi tan học cho đến trước khi ăn cơm, từ lúc làm xong bài tập đến trước lúc đi ngủ, còn có cả một ngày cuối tuần, cũng đều là thời gian bọn họ đánh nhau.

Lâm Kính Tổ hoàn toàn là vua của những đứa nhỏ vùng này. Nó có bộ dáng cường tráng, cơ bắp cũng nhiều hơn, thả diều thì thả cao nhất, thổi trúc cũng thổi xa nhất, lên núi hái quả, xuống sông bắt cá, chỉ cần hà hơi một cái, là có một đám đứa nhỏ đi theo nó xung quanh gây sự, sống cuộc sống như một con hầu tử vương. Tống Trạch thì im lặng làm một ông già, xong bài tập thì mở sách ra xem, có thể mấy tiếng cũng không cần đổi tư thế.

Mẹ của Tống Trạch là cô giáo Vương, không có chuyện gì làm thì liền dạy học cho con. Trên sách có viết, tiểu học là thời kỳ quan trọng trong việc giáo dục tính cách con trẻ, phải để con mình tiếp xúc nhiều với những sự vật mới mẻ xung quanh. Nàng nhìn đứa con sắp biến thành ông già của mình thì thấy lo lắng, vừa tới cuối tuần liền kéo Tống Trạch ra ngoài, đẩy vào người Lâm Kính Tổ đang chơi đánh bao cát với một đám trẻ con bên sườn núi:

“Kính Tổ ơi, mang Tống Trạch nhà cô đi chơi với nhé!”

Lâm Kính Tổ lễ phép “Dạ” một tiếng, cô giáo Vương vừa đi liền khoanh tay khinh thường đánh giá Tống Trạch:

“Cậu biết chơi cái gì?”

Tống Trạch cùng các bạn chơi đánh bao cát, dùng hết sức cũng không thể làm lay động nó. Tống Trạch cùng các bạn chơi cảnh sát bắt cướp, lúc làm cướp thì chưa chạy được hai bước đã bị bắt, làm cảnh sát thì chưa chạy được hai bước đã không thấy cướp đâu. Tống Trạch cùng các bạn chơi chuồn chuồn trúc, chơi đến tróc da lòng bàn tay, một mảnh trúc nhỏ chỉ có thể xoay vòng vòng tại chỗ, không thể bay lên như các bạn khác.

Lâm Kính Tổ gãi cằm cười lớn, mắt liếc về tụi con gái đang ngồi xổm trên đất chơi trò gia đình:

“Tống Trạch, cậu hẳn là nên đến bên kia chơi.”