Toàn Gia Hắc Đạo: Cha Hồ Ly, Mẹ Phúc Hắc, Song Sinh Bảo Bảo

Chương 31: Mâu thuẫn




Thực tế, mấy năm nay ở Canada, các bé đã tiếp thu học vấn từ Thủy Thiên Phong. Không hổ là nho gia danh môn, dù cô không theo nghề nhà giáo, thế nhưng có lẽ do di truyền, Thủy Thiên Phong đối với việc dạy học chẳng chút khó khăn. Cô thậm chí không cần chuẩn bị giáo án, mỗi khi bước vào vai cô giáo trẻ, cô cần phải làm gì, cần phải nói gì cứ như một hệ thống tự động hiện ra trong đầu. Và cô rất tự nhiên bắt đầu bài giảng của mình.

Có một trí tuệ hơn hẳn đồng lứa, lại có giáo viên xuất sắc chỉ dạy, lại thêm sự chăm chỉ học tập, với trình độ hiện nay của hai anh em Vân Thiên đã không cần tiếp thu giáo trình cấp bậc tiểu học.

Tuy nhiên cả hai bé đều không có ý tưởng khiến mình trở thành thiên tài nổi tiếng. Các bé muốn có trải nghiệm vui vẻ ở tuổi thơ chứ không phải những tháng ngày cô độc.

Vân Thần tán đồng: "Ngày mai gặp mẹ sẽ nói. Mẹ chắc chắn sẽ đáp ứng!"

"Sao ngươi biết?" Vân Thiên nghi hoặc.

Vân Thần lơ đãng đáp: "Ta vô tình nghe được." Nói xong thì đôi mắt của bé đã nhắm lại. "Ngủ ngon!"

Vân Thiên đưa tay che miệng ngáp, cả ngày vất vả, bé cũng buồn ngủ rồi. Với tay tắt bớt đèn, bé cũng chúc em trai ngủ ngon rồi đi vào giấc ngủ.

Đợi khi các bé đã ngủ say, cánh cửa phòng chợt mở, một người nhẹ nhàng bước vào, nhẹ nhàng bước đến giường hai anh em đang ngủ, nhẹ nhàng ngồi xuống.

Nhìn hai gương mặt giống nhau như đúc đang ngủ say, Vân Nhàn bất giác nở nụ cười ấm áp. Cô rất cảm ơn ông trời đã mang hai tiểu thiên thần đến bên cô. Mặc dù khi sinh con là quá trình cửu tử nhất sinh, cũng vì vậy mà sau khi sinh xong, thể lực của cô kém hẳn đi, không còn dẻo dai như trước; nhưng cô không hề hối hận.

Cuộc đời trước khi có hai tiểu bảo bảo của Vân Nhàn không ngoài hai chữ: nhạt nhẽo! Mẹ mất sớm, bà nội không thương, cha có vợ kế, em khác mẹ không để người chị như cô vào mắt, thường xuyên gây sự với cô. Những ngày lễ tết, ba đi công tác xa, bà nội mang mẹ kế cùng 2 em ra ngoài chơi vui vẻ, bỏ mặc cô một mình trong căn biệt thự rộng lớn. Một đứa trẻ chỉ mới mấy tuổi đầu, sống trong 'gia đình' của mình, thế nhưng chẳng khác nào bị bỏ rơi.Những buổi tiệc dành cho tầng lớp thượng lưu, nếu không có ba thì chắc hẳn sẽ chẳng ai đưa cô đi, dù vậy, tại nơi đó, đối với cô cũng chỉ có cô độc.

Cô lạnh nhạt, cô lạnh nhạt, cô thờ ơ.

Bởi, trái tim cô cũng như vậy, sống trong một căn nhà như người vô hình, muốn cô hoạt bát vui vẻ, thực khó hơn lên trời. Trong tâm trí non nớt của đứa bé 10 tuổi, sau khi mẹ biến mất, ngoài tình thương hết mực của ba thì tất cả đối với cô, đều là một màu xám xịt.

Không phải cô không mở lòng, mà là chẳng ai đón nhận cô.

Bởi vậy, Vân Nhàn không đưa con trở về Vân gia, vì cô biết nơi đó không hề chào đón cô. Cô không muốn tuổi thơ của con cũng u ám giống mình khi xưa.

Vân Nhàn tin tưởng bản thân cô sẽ mang đến cho các con cuộc sống đầy đủ nhất mà không phải dựa vào tài lực của bất kỳ ai. Cô muốn chính tay mình nuôi dưỡng con, đồng thời cũng dạy cho con bài học tự lập. Vì thế cô trở về thành phố K, quyết định làm một nhân viên công sở, một bên đi làm, một bên chăm sóc con như các bà mẹ đơn thân khác.

Phải nói, mục tiêu của Vân Nhàn rất cụ thể, kế hoạch càng cụ thể hóa. Nhưng mà, thế sự khó lường. Ngày nào đó trong tương lai, Vân Nhàn khóc không ra nước mắt – Tại sao khi đó lại có suy nghĩ ấu trĩ như vậy để bây giờ muốn quay lại đã muộn .

Chỉnh lại tư thế ngủ cho hai tiểu bảo bảo, Vân Nhàn suy tư. Hiện tại cô khá phân vân. Rốt cuộc nên cho các con học trường nào?

Lúc đầu, Vân Nhàn định chọn một trường bất kỳ nào đó, dù là trường phổ thông (= đại trà) cũng được, dù sao con của cô thông minh như vậy, đến nơi nào cũng sẽ trở thành ngôi sao sáng chói thôi. Về điểm này, cô vô cùng tin tưởng.

Không thể phủ nhận, bản tính tự kỷ của hai bé cũng được di truyền từ Vân Nhàn.

Nhưng mà, Thủy Thiên Phong đã nói qua, giáo dục tiểu học hết sức quan trọng. Vì trong thời gian này hoàn cảnh bên ngoài có tác động rất lớn đến việc hình thành thế giới quan, nhận thức, tính cách, thói quen, khí chất,... của bé. Đây là giai điệu chồi non phát triển thành hình dáng của loài cây, vươn cành, mọc lá; cũng là thời điểm dễ uốn nắn nhất.

Với tư cách là truyền nhân thư hương thế gia ngàn năm, chuyên tâm 'trồng người' mà nói, Thủy Thiên Phong không cho phép bất kỳ yếu tố nào gây tổn hại cho sự trưởng thành của hai tiểu thiên thần. Vì thế cô đã đề nghị để anh em Vân Thiên nhập học tại ngôi trường tốt nhất tại Nam Thành - Học viện Thiên Tinh.

Thành phố K được chia làm 4 khu vực Đông- Tây- Nam- Bắc và khu vực trung tâm, tương ứng với tứ đại thế gian lũng đoạn kinh tế là Thần - Hàn - Cung - Vân và trụ sở chính trị thành phố. Tại thành phố này, người ta có thể thấy sự phân chia lĩnh vực rõ ràng. Tại mỗi khu vực sẽ có một học viện, nơi mà vẫn thường được nhắc đến như một ngôi trường quý tộc. Một phần bởi vì hầu hết học viên của các trường này đều thuộc những thế gia nổi tiếng; một phần khi đã vào học viện, dù bạn sinh ra trong gia đình bình thường thì bạn đều được học tập theo cung cách giáo dục quý tộc. Đây cũng là ngôi trường mơ ước của rất nhiều học sinh.

Đừng nghĩ cứ là con cháu thế gia sẽ được ưu tiên, có không ít trường hợp học viên bị đình chỉ thôi học hay 'bị đuổi' khỏi học viện. Các học viện quý tộc đều có chung một quy định: học viện chỉ bồi dưỡng nhân tài, chỉ đào tạo những người có chí cầu tiến, chỉ khuyến khích học viên chăm chỉ học tập; còn nếu như học viên xem thường việc học, lười biếng ăn chơi, ỷ là 'nhị thế tổ' không cần học làm gì thì nhất định sẽ được 'mời ra' khỏi học viện.

Chất lượng giảng dạy tại học viện quý tộc đương nhiên được đảm bảo rồi, nếu không làm sao nhân tài lại lớp lớp xuất hiện, tiếp nối thế hệ trước xây dựng và phát triển thành phố K và cả nước N phồn thịnh? Thật không hổ danh là “vườn ươm tốt nhất thành phố”.

Vân Nhàn cũng đã từng là học viên của một trong 5 học viện quý tộc, cho nên cô hiểu rõ lợi ích khi học ở đây, nó là bàn đạp tốt nhất cho tương lai. Nhưng những mâu thuẫn trong đó cô cũng tường tận (=rõ ràng), bên trong học viện không hề bình lặng và hòa hợp như bề ngoài. Thiên tài, không thể nào chỉ xuất hiện trong tầng lớp quý tộc, mà trong giới 'thường dân' cũng tồn tại. Những đứa trẻ thiên tài này sẽ được đưa đến học tập tại học viện. Trải qua thời gian lâu dài, trong học viện thường chia làm hai phe: thuần quý tộc gồm các thiên tài thuộc con cháu thế gia và tân quý tộc gồm các thiên tài được nhận vào học viện. Giữa hai phe phái này vẫn thường so đấu với nhau, hội đồng học viện cũng không ngăn cản (chỉ cần không quá giới hạn), có cạnh tranh mới có tiến lên.

Tuy ngày xưa Vân Nhàn không có trực tiếp gia nhập nhóm thuần quý tộc nhưng cô vẫn hiểu rõ. Nếu như hai tiểu thiên thần tiến vào học viện, bỏ qua thân phận tôn tử Vân gia, dù không có người tiến cử thì với tư chất của hai bé, chắc chắn sẽ thành trọng điểm bồi dưỡng. Như vậy, vô hình trung các bé đã trở thành tân quý tộc, và tiếp theo sẽ diễn ra một chặng đường tranh đấu. Vân Nhàn không sợ con của mình thua bất kể người nào, nhưng hai bé quá xuất sắc sẽ đưa đến sự chú ý của nhiều người. Và rồi sẽ có ai đó tra được hai bé là con của đại tiểu thư Vân gia. Cô sợ, cô rất sợ khi đó các con sẽ bị tổn thương, đây là chuyện cô không bao giờ muốn xảy ra. Cho nên cô thà chọn một ngôi trường bình thường mà tại đó các con ít bị thương tổn hơn. Đối với Vân Nhàn, hai bé tựa như sinh mạng của cô, nếu các con xảy ra chuyện gì, sức sống của cô có lẽ sẽ bị rút sạch.

Huống chi, hiện tại lại nhảy ra một người tựa như 'phiên bản lớn' của hai tiểu bảo bối, Vân Nhàn không dám chắc hắn ta còn nhớ cô hay không, nếu hắn hoàn toàn quên cô càng tốt. Từ người đàn ông đó, cô cảm nhận được sự áp lực, như một tòa núi cao chắn ngang ngăn trở đường đi của cô. Nên nhớ, Vân Nhàn lớn lên trong hoàn cảnh nào. Lúc cô còn nhỏ, khi đối diện với những nhân vật hàng đầu của thành phố K, cô cũng chẳng có chút tâm lý e ngại nào. Vậy mà chỉ tiếp xúc với hắn không quá 10 phút, trực giác nói cho cô biết người đàn ông này rất nguy hiểm. Bản thân cô không sợ, nhưng áp lực như vậy khiến cô không thoải mái, đấu với hắn, chắc chắn sẽ bị thua thiệt.