Trùng Sinh Chi Nha Nội

Chương 31: Đem quà tới nhà




Lời của Liêu Khánh Khai còn cổ vũ tinh thần cho Nghiêm Ngọc Thành hơn cả của cha.

Thời gian cha từ cán bộ kỹ thuật chuyển sang làm cán bộ hành chính chưa lâu, vẫn còn giữ được thói quen thích đọc sách. Nghiêm Ngọc Thành thì khác. Cho dù học lực cao hơn cha, lại làm lãnh đạo cơ sở nhiều năm, sớm đã bỏ mất thói quen này. Ông ấy đã quen nắm quyền, lần đình chỉ công tác này, khiến ông bỗng nhiên không có việc gì làm, thực có thể rỗi rãi đến hóa điên.

Nhưng tôi cũng không thể nào ngờ rằng, ông ấy có thể nghĩ ra ý tưởng này – trời đại hàn đi câu cá!

Thấy Nghiêm Ngọc Thành khoác thêm một chiếc áo khoác rơm ngoài chiếc áo khoác quân đội, đầu đội một chiếc nón, tay cầm cần trúc lặng lẽ ngồi cạnh hồ nước, tôi suýt nữa trượt ngã.

Cha nghe tôi thuật lại những lời của Liêu Khánh Khai, phản ứng đầu tiên là đi tìm Nghiêm Ngọc Thành

Nếu nói trước đây giữa cha và Nghiêm Ngọc Thành còn có chút nể nang nhau, thì từ sau phát biểu “Coi trọng thực tế”, đã không còn bất cứ chướng ngại gì nữa, đã tề tâm tề ý rồi.

Tôi không biết mối quan hệ thân thiết như vậy, không biết liệu sẽ có ảnh hưởng gì không tốt đến tiền đồ của họ sau này không. Tôi không có kinh nghiệm gì về chốn quan trường, chỉ hiểu biết một chút sơ sài thông qua tiểu thuyết và phim ảnh. Hầu hết toàn nói trên quan trường không có kẻ địch nào là vĩnh viễn và cũng không có bằng hữu nào là mãi mãi, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn. Nhưng tôi thực sự hy vọng họ có thể phá vỡ tiền lệ này.

Cả một đời người, không cần biết làm cái gì, cho dù “Quí vi chí tôn, phú hữu thiên hạ” (Giàu có phú quý nhất trên đời) nhưng nếu không có bạn bè, thì không thể gọi là hạnh phúc.

Nghiêm Ngọc Thành hiểu đại cục, hơn nữa dám đảm đương, làm bạn với những người như thế này có thể an tâm.

“Bác Nghiêm, bác có biết câu cá không ạ?”

Tôi không kìm được lòng gọi hỏi.

Nghiêm Ngọc Thành ngoái đầu lại, mỉm cười: “Ta không biết, chẳng lẽ cháu biết sao?”

Cha đi đến trước mặt tôi, ông ấy lại tỏ ra như không nhìn thấy.

Dựa vào mối quan hệ của hai người họ, quả thực cũng không cần khách sáo nữa làm gì.

Tôi nhìn vào cái xô nhỏ bên cạnh ông ấy, quả nhiên không ngoài dự kiến, sạch sẽ bóng loáng, đừng nói đến cá, ngay cả một con tôm cũng không thấy.

“Ôi…”

Tôi như một ông cụ non thở dài một tiếng.

“Nhiệt đỗ quá cao hoặc quá thấp, cá sẽ không đi kiếm mồi. Nghiêm hàn khốc thử (Trời rét đậm hoặc trời nắng lớn), nằm yên một chỗ thích hợp hơn là chuyển động. Thời tiết thế này quả thực không phải là ngày thích hợp để đi câu cá.”

“Ai bảo tôi đang câu cá? Cái tôi câu là tuyết!”

Ha ha, “Cô châu thoa lạp ông, độc điếu hàn giang tuyết” Chủ nhiệm Nghiêm lại có nhã hứng như vậy, thực không thể ngờ tới được.

Tôi buột miệng: “Tính cách của bác quá bộc trực, câu cá lại là việc giúp ổn định lại tâm lý nóng nảy rất tốt. Thân ở chốn quan trường, có lúc thực không nên gấp gáp quá.”

Dứt lời tôi chợt hối hận.

Cho dù họ đã không còn coi tôi là một đứa trẻ tầm thường, nhưng những lời này, có chút hơi trải đời. Cho dù là những người có kinh nghiệm chốn quan trường hàng chục năm, cũng chưa chắc nghiệm ra được.

“Cháu cháu cháu…”

Nghiêm Ngọc Thành chỉ vào tôi, sắc mặt giống như gặp ma vậy. Thoáng nhìn trộm sang cha, cũng chẳng khá khẩm hơn là mấy.

Cũng may trải qua vài lần như vậy, tôi dần dần tìm ra được cách ứng phó. Đó là đánh trống lảng, chuyển chủ đề sang chuyện khác.

“Bác Nghiêm, Liêu Khánh Khai có lời muốn cháu chuyển tới bác.”

“Liêu Khánh Khai, Liêu Khánh Khai nào?”

Điều này cũng khó trách, ai lại có thể tưởng tượng được Bí Thư Tỉnh Ủy kiêm Phó chủ nhiệm Ủy ban cách mạng Tỉnh có quan hệ gì tới một cậu học sinh tiểu học huyện Hướng Dương cơ chứ!

Tôi vội vàng lắc đầu, khẽ nói trong miệng: “Bác Nghiêm, linh cảm chính trị của bác không đủ rồi. Chúng ta có N tỉnh, nhưng liệu có một ông phó chủ nhiệm ủy ban cách mạng tên là Liêu Khánh Khai thứ hai không?”

“Soạt” một tiếng, cần trúc rơi tuột xuống đất, Nghiêm Ngọc Thành vụt đứng dậy, sắc mặt đăm chiêu.

“Liêu Khánh Khai đến huyện Hướng Dương rồi sao? Ông ta có lời gì muốn truyền đạt tới ta? Tiểu Tuấn, mau nói cho bác nghe…”

Tôi cười cười đứng sang một bên.

Để cho cha tường thuật lại “Phong công vĩ tích” (Thành thích vĩ đại, lớn lao) thì thích hợp hơn. Những chuyện “Lão thử thượng thiên bình, tự xưng tự tán” không nên làm quá nhiều.

Cha dùng những lời lẽ đơn giản mộc mạc thuật lại những việc tôi đã làm tại mỏ than 71 khu Tam Thái, việc sửa động cơ chỉ kể sơ lược, trọng điểm là nội dung đối thoại giữa tôi và Liêu Khánh Khai.

Nhưng lúc này Nghiêm Ngọc Thành thể hiện ra phần tính cách hiếu kỳ cực kỳ mãnh liệt của mình, gác chuyện Liêu Khánh Khai sang một bên, hai mắt nhìn chằm chằm vào tôi: “Cháu đã sửa máy ở mỏ than số 71?”

Tôi không ngờ ông ấy để ý đến vậy, đành phải trả lời một cách đơn giản: “Chỉ là chúng bị lỏng, trục xoay lâu ngày đã bị mòn nghiêm trọng, nếu hoạt động thời gian dài sẽ bốc cháy. Bệnh vặt đơn giản, sửa chẳng mất công sức mấy. Lại được một ít đồ lặt vặt. Thuốc thì cha đem cho cháu mấy bao, thịt và bánh thì đã ăn hết rồi, rượu thì cháu giữ lại cho thầy Châu, lúc nào bác có thời gian rỗi thì qua Liễu Gia Sơn uống cũng không muộn.”

Nghiêm Ngọc Thành lắc đầu: “Xem tiểu tử nhà ngươi kìa!”

Thấy con mình có năng lực như vậy, cha cũng tự hào ra mặt, không ngăn cản Nghiêm Ngọc Thành dò hỏi, mà còn đứng bên cạnh trợ giúp.

“Đến tôi cũng không ngờ được rằng dạy nó vài hôm về nguyên lý điện công, lại dám sửa cả mô-tơ.”

Nghiêm Ngọc Thành trừng mắt nói: “Thuốc đâu, đưa cho ta."

Điệu bộ này giống như tôi đang thiếu nợ ông ấy vậy. Da mặt ông ta cũng dày thật.

Cha cười đắc chí, đưa ra mấy bao “Phi cáp” (Bồ câu trắng bay) ra.

“Khá lắm, còn nhỏ thế này mà đã biết kiếm tiền, lớn lên rồi chẳng lẽ lại không trở thành một nhà tư bản lớn sao?”

“Đừng nhắc đến nhà tư bản lớn vội, thử nghĩ xem Liêu Khánh Khai có ý gì đã?”

Cha có chút không rõ lời Liêu Khánh Khai nói là lời nói lúc bấy giờ hay còn có ý khác. Khả năng nhìn thấu của cha trên chốn quan trường còn kém xa Nghiêm Ngọc Thành.

Nghiêm Ngọc Thành nhắm hờ đôi mắt: “Ý của Liêu Khánh Khai rất đơn giản, việc này chưa thể phân rõ trắng đen.”

“Là ý gì?”

“Vương Bổn Thanh xử phạt chúng ta, trong tỉnh không chút lưu tình. Chí ít không phải tất cả các lãnh đạo ở tỉnh đều biết. Tôi ngờ là Vương Bổn Thanh nêu kiến nghị, Chu Bội Minh ở địa khu tỏ thái độ ủng hộ, lại xin chỉ thị riêng của một vị lãnh đạo nào đó trong tỉnh, mới có được quyết định đình chức.

Cách phân tích này với cách của tôi không hẹn mà gặp.

Khuôn mặt Nghiêm Ngọc Thành lộ ra nét trầm tư, chậm rãi nói: “Quyết định đình chức này, cũng rất có ý nghĩa. Nói dễ nghe một chút là tiến thì có thể công, lùi có thể thủ; nói khó nghe một chút thì là chừa sẵn cho mình một đường lui cho việc lái thuyền trong gió.”

Nói đến những chuyền này, toàn bộ sự khôn khéo và trí tuệ của ông ấy đều đã quay trở lại.

“Lái thuyền trong gió?”

Cha thấy có chút khó hiểu.

“Không sai. Một khi ngọn gió đầu đổi hướng, họ chỉ cần nói một tiếng phục hồi chức vụ cho chúng ta là được, không nhắc tới rắc rối, chí ít cũng chẳng có trở ngại gì. Cho dù thực tế chứng minh là quan điểm của chúng ta đúng đắn, ít nhất thì tội danh “vô tổ chức vô kỷ luật” vẫn ở trên đầu. Cũng không thể nói rằng đã xử sai.”

Nghe xong lời phân tích này, chưa cần nhắc đến cha, đến tôi cũng vô cùng khâm phục. Những khúc quanh co chốn quan trường thật không ít chút nào.

“Vì thế nên, Tấn Tài, anh cũng không cần lo lắng quá, thoải mái nghỉ ngơi ở nhà, chịu khó qua một vài năm nữa. Khi nào hai chúng ta phục hồi công tác, hãy xem xem ngọn gió ở trên thay đổi như thế nào.

Lời của Nghiêm Ngọc Thành khắc sâu trong tâm trí cha, sau khi về nhà tâm trạng đã ổn định hơn nhiều. Ngoài việc đọc sách, còn thường xuyên ghé thăm nhà bí thư, đại đội trưởng các đại đội gần đó. Chuyện này ở kiếp trước, quả thực khó mà tưởng tượng nổi. Cha không thích chuyện đến nhà người khác ngồi nói chuyện một chút nào. Một kỹ sư như ông, bản tính vốn không dẻo miệng, những chuyện như vậy, quả thực không thích hợp với ông ấy. Nhưng bây giờ chuyển sang làm hành chính, cũng là thay đổi tính cách. Cho dù trước mắt bị đình chức, cho phản tỉnh, chưa biết chừng ngày nào đó có văn kiện phục hồi công tác thì sao? Kết giao với cán bộ các đại đội cũng có ích cho công việc của ông sau này. Ngày trước uy tín của ông rất lớn, là người nổi tiếng khắp vùng, lại thích giúp đỡ người khác, có đình chức hay không cũng chẳng hề ảnh hưởng đến sự nhiệt tình của cán bộ các đại đội đối với ông.

Ngày hai mươi mốt tháng chạp, có một vị khách đặc biệt đột ngột tới thăm nhà.

Vị khách không mời mà đến đó, lại là tổ trưởng Trương của mỏ than số 71, ông ấy không đi một mình, mà còn mang theo một chiếc xe GAZ, trên xe chất đầy than.

Không phải tôi phát sốt vì xe hơi, mà vì chiếc xe GAZ 51 kia vẫn khiến lòng tôi xao xuyến. Chiếc xe rất tuyệt, giống hệt chiếc “Lão giải phóng”, chỉ là phần đầu hơi nhỏ hơn một chút. Thực chất thì chiếc xe tải hạng trung của quân giải phóng mô phỏng theo chiếc GAZ 51. GAZ máy khỏe, khả năng đi địa hình tuyệt vời, rất thích hợp với địa hình đồi núi vùng huyện Hướng Dương. Theo đà phát triển của xe nội, những năm cuối của thập niên 80, thật khó để tìm thấy hình bóng của GAZ. Nhưng năm 1978, xe GAZ vẫn thường xuất hiện.

Tôi hứng thú chăm chú quan sát chiếc xe, tổ trưởng Trương chỉ coi đó như việc một đứa trẻ nông thôn hiếu kỳ với ô tô, trong lòng bất giác có chút an ủi – Con trai của Liễu Tấn Tài rốt cuộc vẫn là một đứa trẻ con bình thường. Nếu không cũng chỉ là hơi sáng dạ một chút, con trai của bản thân 12 tuổi, so sánh với nó, cũng đều là trẻ con mà thôi.

Tất nhiên đây chỉ là suy đoán của tôi, tổ trưởng Trương không để lộ ra ngoài mặt một chút nào, trên mặt vẫn nở nụ cười tươi rói, vẫy chào tôi giống như gặp người quen lâu năm cùng trang lứa vậy.

“Tiểu Liễu sư phụ, Liễu sư phụ có nhà không?”

“Hả, hóa ra là tổ trưởng Trương, thật là khách quý…”

Tôi cũng tươi cười nắm tay ông ấy.

Lái xe GAZ là của mỏ, khi tôi thể hiện tay nghề ở khu Tam Thái, chắc ông ta không ở đó, thấy tổ trưởng Trương cúi mình xuống bắt tay với tôi một cách nghiêm trang, không khỏi dụi mắt, ngờ rằng mình nhìn nhầm.

Ông Trương tuy chỉ là tổ phó mới nhậm chức, nhưng cũng đã là phó Đoàn cấp huyện chính thức, không thua kém gì với lãnh đạo cấp huyện ở địa phương, không thể nào chịu khúm núm trước một đứa trẻ chứ? Nhìn căn nhà chỗ gạch xanh chỗ gạch đất này cũng không phải là nơi của nhân vật tầm cỡ cư trú.

Cha nghe tiếng, bước vội ra ngoài.

“Tổ trường Trương…”

“Liễu sư phụ…”

Họ quả thực quen nhau. Sau này tôi mới biết, tổ trưởng Trương trước kia là Khu trưởng khu Tam Thái, là người quen thân thiết của cha.

Người quen gặp mặt, tự sẽ hàn huyên đôi lời, tổ trưởng Trương quả thực khen tôi một hồi, đồng thời cũng khen sang cha tôi. Cha có một cái tật tuy không coi trọng tiền tài nhưng có chút ham hư danh, thích nghe những câu nịnh. Tổ trưởng Trương lại là tay khen cừ khôi, khiến cha tôi cười nắc nẻ đến suýt chút nữa ngã, ông cười không khép được miệng, một tiếng nói thoáng qua mời tổ trưởng Trương cùng tài xế vào trong phòng ngồi.

“Liễu sư phụ à, nếu không có tiểu Liễu sư phụ ra tay cứu giúp, hôm đó lão Trương tôi thực không biết chui đi đâu trước mặt chủ nhiệm Liêu, ha ha…”

“Trẻ con nghịch ngợm, may mắn mà sửa được thôi, tổ trưởng Trương không nên tâng bốc nó thái quá.”

“Liễu sư phụ, sắp đến Tết rồi, chúng tôi làm ở mỏ than, cũng chẳng có đồ gì tốt, chỉ được cái than nhiều. Tôi gọi người đào ở trong núi Thiên Thạch được ít than, mong Liễu sư phụ không nề hà gì.”

Cha nghe xong giật thót mình, cả xe than này là để tặng cho nhà mình sao? Một xe GAZ chở đầy ít cũng phải hơn hai tấn, bốn năm nghìn cân, thực là một món quà lớn. Bản thân với tổ trưởng Trương chỉ là quan hệ xã giao, sao dám nhận ân tình lớn đến vậy?

Tôi cũng bị ông Trương làm cho sửng sốt. Ông bác này rốt cuộc có tính toán gì? Chỉ vì sửa được mấy cái máy? Nếu tôi thực chỉ có 8 tuổi có lẽ đã tin thật rồi.

“Tổ trưởng Trương, điều này thực không đáng”.

Nếu đổi lại là trước đây, cha nhất định sẽ nhảy dựng lên, nhưng bây giờ đã trải qua nhiều sóng gió, cũng không dễ dàng kinh ngạc đến vậy nữa.

“Ôi, Liễu sư phụ, than đào đươc ở trong núi Thiên Thạch không mất một đồng tiền công nào, có gì không đáng cơ chứ? Tiểu Lý…dỡ than để xuống đây…”

Tổ trưởng Trương làm việc nhanh nhẹn, người lái xe tên tiểu Lý kia cũng không chậm trễ chút nào, không để cha kịp nói lời nào, lập tức đem than đổ hết xuống bãi phơi ở ngoài sân.

Cha là một người rộng rãi, thấy tổ trưởng Trương nhiệt tình như vậy, không cản lại nữa, cũng không nhắc gì đến những lời khách sáo về tiền bạc. Bởi ông ấy biết rõ tổ trưởng Trương sẽ không nhận, hơn nữa trên người ông căn bản cũng chẳng có nhiều tiền đến thế.

Tôi nhìn chỗ than ấy, đen sì bóng loáng, chẳng có chút gì giống với than đào lên từ trong núi Thiên Thạch, chắc chắn là than củi hạng sang ( đây là tiếng địa phương của Liễu Gia Sơn gọi loại than không khói). Một đống lớn chất cao, đủ cho cả nhà tôi dùng cả năm.

Gia đình các công nhân mỏ than đều đun than, hiển nhiên không bỏ tiền để mua, đa số đều là đào ở trong núi Thiên Thạch, nhưng muốn đem cả xe chở toàn than mới đi tặng người khác, phải là những lãnh đạo cấp cao nắm quyền lực trong tay như tổ trưởng Trương mới có thể làm được. Đầu năm 1978 vẫn chưa thịnh hành việc tặng quà, tổ trưởng Trương đã rộng rãi như vậy, quả thực có khí phách. Chỉ có điều tôi ngạc nhiên ở chỗ việc gì ông ấy phải tặng cho cha món quà lớn đến vậy. Cha không phạm “sai lầm”, cũng chỉ là phó chủ nhiệm của Công xã, so với chức tổ trưởng mỏ than, phó Huyện đoàn còn kém đến mấy bậc, thực không cần thiết đến lấy lòng như vậy.

Đổ xong than, tổ trưởng Trương nói thêm vài lời khách sáo rồi đứng dậy cáo từ.

Cha sống chết không cho, thế nào cũng phải giữ ông ấy lại ăn bữa cơm.

Tổ trưởng Trương cũng không khách sáo, cũng từ chối cho có lệ vài câu rồi ngồi xuống tiếp tục nói chuyện với cha, trong lời ông ấy nói, thực chất là để tìm hiểu mối quan hệ giữa gia đình tôi và Liêu Khánh Khai.

Tôi không khỏi ngạc nhiên, lại cảm thấy có chút buồn cười. Không ngờ chủ nhiệm Liêu nói với tôi vài câu, lại có thể khiến ông ta bỏ ra nhiều công sức đến vậy. Có khả năng những người có thái độ như thế không chỉ có một mình ông ấy.

Tuy những lời chủ nhiệm Liêu nói đều đường hoàng chính trực, không có chút tình riêng. Nhưng phó chủ nhiệm Ủy ban Cách mạng Tỉnh lại quan tâm đến phó chủ nhiệm của Công xã Hồng kỳ đến vậy, khó tránh khỏi dấy lên những suy đoán khác.

Thân tại chốn quan trường, cho dù chỉ dựa vào những lời nói bề ngoài của lãnh đạo để hiểu vấn đề, thành tựu cũng chỉ có hạn. Tổ trưởng Trương hơn ba mươi tuổi đã làm đến chức phó chủ tịch Huyện Đoàn, chỗ dựa đằng sau như thế nào tôi không rõ, nhưng cảm giác thấy nhất định phải vô cùng vững chãi. Không cần biết cha có mối quan hệ đặc biệt gì với Liêu Khánh Khai hay không, tặng cả xe than này, hẳn sẽ không chịu thiệt

Cha chỉ cười ha hả với ông ấy, nói những chuyện không liên quan tới nhau, tránh nói tới chủ đề ấy.

Vốn đã không có liên quan gì, không né tránh thì cũng có sao?

Tổ trưởng Trương thấy cha không muốn nói rõ, vẻ mặt cũng tỏ ra ngầm hiểu, không tiếp tục hỏi vào việc ấy nữa.

Tôi cười thầm, có lúc cố tình tỏ ra bí hiểm lại thu được hiệu quả ngoài sức tưởng tượng. Nói vậy phải chăng cha lại đã học thêm được một chiêu mới rồi?