Trường An Thái Bình

Chương 5: 5: Thi Đình





Một tháng sau, kỳ thi Đình.
Về nguyên tắc, đã có tên trên bảng hạnh thì sẽ không bị cắt giảm, chẳng qua sắp xếp thứ hạng xong còn công bố chủ nhân của nhất giáp[1] và vị trí Trạng nguyên được người người quan tâm.
[1] Nhất giáp là ba vị trí đỗ đầu.
Thể chế thi Đình là thi vấn đáp, ba trăm Cống sĩ tập trung tại cung Đại minh, lần lượt bước lên theo thứ tự gọi tên.

Các Cống sĩ sẽ quỳ trước cửa điện Hàm Nguyên, Thiên tử đặt câu hỏi và trả lời tại chỗ.

Khi đáp đề, các Cống sĩ phải cúi đầu, không được nhìn thẳng vào diện mạo của Thiên tử.
Tô Sầm và loạt các sĩ tử được quan viên Hồng Lư tự dẫn từ Hoàng Thành và Cung Thành, trên đường đi qua Thái Thường tự, Hồng Lư tự, Thượng thư tỉnh, rồi mới đi qua cổng Đan Phượng vào cung Đại Minh, đến "dưới chân Thiên tử" đích thực.
Đoàn người xếp hàng theo thứ tự thi Hội, Tô Sầm đứng đầu hàng.

Suốt đường đi, Tô Sầm thầm cảm thán cung điện này quả là hùng vĩ khí phách, vừa vào cổng Đan Phượng cậu đã khựng lại, bước chân chợt dừng khiến cả hàng người phía sau cũng dừng theo.
Quan viên Hồng Lư tự cười bảo: "Tô tài tử, đi mau, Hoàng thượng đang chờ đấy."
Lúc này, Tô Sầm mới gật đầu đi theo.
Trước mắt cậu là ba lối đuôi rồng vươn lên từ mặt đất, từng nấc thang bạch ngọc đều thấy rõ cả đường vân, tay vịn bằng đá hai bên khắc đầu li ở trên, dưới là sen ngọc, khí thế hào hùng như lối lên thiên cung.

Còn điện Hàm Nguyên thì chễm chệ trên lối đi ấy, hai bên trái phải là hai gác Tường Loan và Tê Phượng đối nhau, tựa như hùng ưng sải cánh, ứng với núi Đầu Rồng ngoài xa, lưng tựa nền trời, cúi nhìn vạn vật, uy nghiêm đến mức chẳng dám nhìn thẳng.
[2] Lối đuôi rồng chỉ mấy cái cầu thang siêu siêu siêu dài trước cùng điện đó.
Chín cổng trời cao cung điện mở, vạn quốc trăm quan vái bệ rồng.
Chẳng trách có những kẻ dốc sức cả đời muốn bước vào cánh cổng này, uy nghi hoàng gia ngút ngàn cùng khí khái ngạo nghễ cúi nhìn chúng sinh này quả là có sức hút chết người.
Lối đuôi rồng chia thành ba tầng, ba trăm người đứng tại khoảng sân nằm giữa tầng giữa và tầng trên.


Để kỳ thi được công bằng, thứ tự thi Đình sẽ được quyết định do bốc thăm, trong đình có sẵn quan viên cầm bút ghi lại những gì sĩ tử nói hòng sau này xem lại.
Giờ đã vào tháng Ba, vốn là lúc đầu xuân trời đẹp chẳng nóng chẳng lạnh, trong ba trăm người ở đây có kẻ mồ hôi đầy đầu, cũng có người run lập cập, thậm chí còn có người ngất đi vì kích động khi được gọi tên, ba năm cố gắng thế là công cốc.
Tô Sầm hơi nghiêng đầu.

Đứng ngang hàng với cậu là nhị bảng bảng hạnh, từ khi vào cổng Đan Phượng cậu đã nhận ra người này đang quan sát mình, cậu đã quen với việc bị soi xét từ nhỏ, chưa từng để ý đến ánh mắt của người khác, nhưng khi bị người này nhìn cậu cứ có cảm giác khó chịu.
Người đó mặc bộ gấm với họa tiết lan kiếm tàu đơn giản, khí chất khoan thai khí phách, thấy Tô Sầm nhìn sang y cũng không né tránh mà cười với cậu: "Tô huynh, ngưỡng mộ đã lâu."
Vì phép lịch sự Tô Sầm cũng chắp tay lại với người nọ, chẳng qua người này nhận ra cậu, cậu lại không biết người ta.

Cả lúc xem bảng cũng là A Phúc đi xem giúp cậu, ngoài biết mình là đầu bảng ra thì Tô Sầm chẳng biết gì khác, đành bất đắc dĩ đáp: "Hạnh ngộ."
"Huynh không biết tôi à?" Người kia thoáng ngạc nhiên, sau đó lại cười: "Người tài hoa thường coi nhẹ những chuyện nhỏ thế này, tôi đã đọc bài văn của Tô huynh rồi, thật sự rất sắc sảo, lý lẽ câu từ đều tuyệt diệu, người thường khó lòng bì kịp.

Tôi lấy làm ngưỡng mộ."
"Huynh từng đọc bài văn của tôi?" Tô Sầm không khỏi nhíu mày, bài thi Hội luôn được dán tên, thư lại sẽ chép lại một lượt rồi mới đưa cho bộ Lễ đọc chấm một lượt, trong thời gian ấy, quan viên bộ Lễ sẽ ăn, nghỉ cùng một chỗ, người ngoài không được ra ngoài.

Vậy thì đây là ai mà dám nói đã đọc bài viết của cậu?
"Tô huynh đừng hiểu lầm." Người kia cũng nhận ra lời nói của mình dễ khiến người khác nghĩ lung tung, cười nói: "Tô huynh có biết tại sao bảng hạnh năm nay lại ra muộn nửa canh giờ không?" Không đợi cậu trả lời y đã nói tiếp: "Bộ Lễ với Hàn Lâm viện suýt đánh nhau vì chúng ta đấy, ban đầu tôi còn thấy không phục, nhưng yết bảng xong cậu tôi mang bài văn của huynh đến cho tôi xem, xem mới biết mình thật sự không bằng, thua tâm phục khẩu phục."
"Cậu huynh?" Tô Sầm càng nghe càng khó hiểu.
"Cậu tôi cũng rất có hứng với huynh đấy." Người kia cười với Tô Sầm, nhưng trông nụ cười còn ẩn chứa điều gì đó sâu xa hơn.
Đúng lúc này thì quan gọi đáp bước lên, hành lễ với người kia và nói: "Thế tử, đến lượt ngài."
Với người khác, quan gọi đáp chỉ đứng trước bậc thềm gọi số, nhưng đến người này thì lại đích thân bước xuống, mà hình như vừa rồi quan gọi đáp còn gọi y là "thế tử".

Ngoài số ít những Vương gia có công trạng, nắm thực quyền như Ninh Vương, đa số Vương phủ triều đại này tuy được hưởng đặc quyền truyền đời, bên ngoài vinh quang nhưng thực chất chỉ là một cách gọi vô thưởng vô phạt, không có quyền lực thực tế.

Nếu muốn nhập sĩ vào nhiều chỉ có thể tham gia khoa cử với các sĩ tử bình thường.
Xem ra người này cũng là một hoàng thân quốc thích không cam lòng ăn không ngồi rồi.
Người kia đi theo quan gọi đáp vài bước rồi quay lại cười với cậu: "Tôi là Trịnh Dương, sau này mong được Tô huynh chiếu cố nhiều hơn."
"Oai không?" Thấy người đã đi xa, một người đứng sau Tô Sầm thò đầu lên nói: "Hoàng thân quốc thích họ Trịnh đương triều chỉ có thể là Anh Quốc công Trịnh Đàm, ba mươi năm trước, Trịnh Đàm hãy còn là An Khánh hầu kết hôn với Thái Ninh đại trưởng công chúa[3], vậy anh có biết người cậu mà y nói là ai không?"
[3] Đại trưởng công chúa là cô của Hoàng đế.
Tô Sầm nhíu mày, cậu không có hứng nghe ngóng chuyện riêng tư của người khác, nhưng người này đang nói rất vui vẻ, tuy là hỏi cậu, nhưng hoàn toàn không cần cậu trả lời.
Người đó nói tiếp: "Thái Ninh đại trưởng công chúa này với Ninh Vương lấn quyền triều chính là cùng một mẫu phi hạ sinh, vậy nên người cậu mà y nói đến..." Hắn ta cười ẩn ý: "Chính là Nhiếp Chính Vương đương triều!"
Tô Sầm ngẩng đầu nhìn lên, người kia sừng sững trên thềm cao, vạt áo tung bay, rực rỡ đón nắng, dáng vẻ bệ vệ ấy một trời một vực so với những người đứng dưới sân này.
"Vậy nên dù lúc thi Hội anh có đáp hay thế nào cũng có bì được với dòng dõi thân thế của người ta không? Anh nói xem loại người này chạy đến đây góp vui làm gì chứ?"
Sau đó người nọ còn muốn nói gì đó nữa, nhưng Tô Sầm đã nghiêng người, bước lên nửa bước, nhắm mắt suy nghĩ, nhẩm lại kinh nghĩa.

Đối phương hậm hực há miệng, biết điều lùi lại nói với người bên cạnh mình.
Đến khi quan Hồng Lư tự đằng trước gọi tên, Tô Sầm mới mở mắt, đôi mắt được tài học kim cổ gột rửa trong veo và sạch sẽ, cậu khoan thai bước lên, khí phách hiên ngang không nói nên lời.
Cúi đầu trước điện, cậu nghe thấy tiếng trẻ con giòn giã cất tiếng hỏi như học thuộc: "Trẫm là Vua, cậy có ơn trời thừa hưởng Đế nghiệp, thi hành lễ nhạc khắp thiên hạ.

Là bậc Quân vương, ắt phải khiến muôn dân vui sống, được an lành, làm tròn trách nhiệm của phụ mẫu trong thiên hạ.

Song tình thế có lúc khó khăn, lưu dân đói rét nhiều vô kể, bánh xe chạy dài ngoài biên cảnh, chiến tranh liên miên chẳng ngày dừng.

Nay Trẫm có ý hỏi về trị lý, tạm dừng binh hình, trả lại ánh sáng cho giang sơn, để muôn dân được yên giấc, ngươi có kế sách gì?"
Ý hỏi tới đạo trị nước yên dân hoãn binh, giữa chừng còn ngập ngừng vài chỗ, có người nhắc nhỏ bên cạnh, vừa nghe là biết có người chuẩn bị câu hỏi trước, vị Thiên tử này chỉ cần đọc theo.
E là người muốn nghe cũng không phải vị Thiên tử này.
Vì không được ngẩng đầu, Tô Sầm cũng không biết trên đình còn có ai khác, cậu suy nghĩ một chốc, sau đó trả lời dõng dạc: "Thảo dân vốn chẳng thông minh, tài học có hạn, thẹn nghe Thiên tử hỏi, lòng mang kính sợ, xin được đáp thẳng.

Theo thảo dân, trị quốc cũng như trị bệnh, cũng có những cách nhìn, nghe, hỏi, chạm, nên cả gan nhắc đến luận "chữa nước".

Cái gọi là "nhìn", một là nhìn kinh tế dân sinh, hai là nhìn non sông vạn dặm, được nuôi dưỡng bởi gió xuân, tắm trong mưa hạ, thu sang thu hoạch, đông có cái ăn.

Với nhân dân, quốc an tức có thể tự cung tự cấp, chia đều ruộng đất, thủy lợi thuận tiện, hạn hán có nước dùng, lũ lụt có chỗ thoát, khai khẩn ruộng đất, khi đó dân sẽ đủ ăn đủ mặc, không lo đói rét.

"Nghe" là, trăm dặm không có đau thương, ngàn dặm không có chiến tranh, gửi tiễn thư xuống phiên thần, thổi sáo Hồ hoàn kẻ địch.

Là bậc Quân chủ, hãy phóng tai mắt ra xa, mắt nhìn sáu đường, tai nghe tám hướng, không chỉ hạn chế trong một thành, ngửi thấy khói lửa Giao Chỉ, biết được cái rét của mạc bắc, cử thêm ngự sử tới các nơi, dù ở kinh thành cũng nghe được gió thổi cỏ lay.

"Hỏi" là cần tự nghe ý dân, không để cái đẹp che mắt, nhạc phủ bịt tai, mà không nghe thấy tiếng kêu than và ước nguyện của dân, giảm những điều xa hoa, biết nỗi khổ của dân, không chỉ nghe lời hay, trên nghe dưới nói, không cả vú lấp miệng em.

"Chạm" cần cẩn thận nhất, cần nhìn vào cái cốt lõi, bỏ qua vỏ ngoài, chạm thẳng vào chỗ hiểm.

Nước ta bệnh nặng đã lâu, vừa là bệnh tạp, vừa là bệnh trầm kha, nếu cứ làm bậy sẽ chỉ tăng không giảm.

Triều thần ngông cuồng độc đoán, thiên hạ bây giờ chỉ còn là vỏ bọc, bên trong tranh đấu, chia cắt, tài nguyên quốc gia có hạn mà lòng tham thì không đáy, uống máu ăn tủy, khiến đất nước chỉ được vẻ ngoài mà không có thực, ngoài hào nhoáng song bên trong mục rữa.

Nhìn vào thánh nhân bao đời, Tần Hoàng Hán Vũ, tổ tiên Thái tông, không ai không dẹp loạn dựng nước, trên dưới một lòng, đưa thiên hạ bốn bể về một mối.


Thảo dân mong bệ hạ kế thừa chí của người xưa, trả lại sự thanh sạch chốn triều đường, thương xót muôn dân, đó là may mắn của thiên hạ."
"Vậy theo ngươi, căn bệnh trầm kha của nước ta là bệnh gì?"
Tô Sầm ngẩng phắt đầu lên!
Giọng nói ấy trầm thấp và dày dặn, quẩn quanh mãi giữa những thanh xà trong đại điện.
Lần trước cậu nghe thấy giọng nói này là ở trong quán trà, Tô Sầm ngước mắt nhìn, người kia bước từ trên cao xuống, khí chất sang quý khó gần.
Lần này cậu quỳ gối trước đình, người kia lại ngồi dưới long án, áo đen xiêm đỏ, trên áo bào thêu hoa văn rồng bốn móng như ẩn như hiện bằng chỉ vàng, đôi mắt lạnh như đầm đông ngàn thước lẳng lặng nhìn cậu.

Vốn là chẳng có cảm xúc gì, nhưng cậu vẫn cảm nhận được trong đôi mắt sắc sảo ấy vẻ châm biếm.
Và xem thường.
Hóa ra đây chính là Ninh Vương Lý Thích công trạng lẫy lừng, thay lời Thiên tử lệnh khắp chư hầu, là người cậu trong miệng Trịnh Dương, là người đầu tiên không thể đắc tội trong triều.
Mà cậu thì đã đắc tội với người ta từ lần đầu gặp mặt rồi.
Tô Sầm cũng không rõ tại sao vừa rồi mình vẫn còn bình tĩnh đứng đây dõng dạc nói chuyện, mà vừa nhìn vào đôi mắt kia đã cảm thấy ngực mình bị nện một cú đau điếng, hơi thở nghẹn lại nơi lồ ng ngực khiến cậu nhức nhối.
Đến khi thái giám ngự tiền gọi tên, nhắc cậu không được nhìn thẳng vào Thánh thượng, cậu mới đờ đẫn hoàn hồn, lúc cúi đầu xuống không hiểu sao mắt lại cay cay.
Lại thảm hại thế này.
Lại rơi vào trong tay cùng một người.
"Bài luận "chữa nước" ngươi vừa làm rất trôi chảy, chỉ thẳng tật xấu đương thời, nhưng có một điều, căn bệnh trầm kha cần "chạm" cuối cùng ngươi nói là chỉ điều gì?"
Người trên đình hỏi lại lần nữa.
"Hoàng thúc, ý hắn là..." Giọng trẻ con yếu ớt vang lên, không biết tại sao cuối cùng lại im bặt.
Tô Sầm siết chặt tay, người này đang cố ý làm khó cậu.

Cậu đã nói rất rõ ràng, chỉ cần có tâm thì đến Thiên tử còn nhỏ trên đình cũng hiểu được cậu đang nói gì, vậy mà người này nhất quyết phải hỏi lại.
Đinh ninh cậu không dám nói ra mấy chữ này đây.
Tô Sầm cắn chặt răng, đáp: "Tranh đấu đảng phái.".