Truy Tìm Dracula

Chương 80




Một vài năm trước đây, một cơ hội kỳ lạ đã tự bày ra trước mắt tôi lúc tôi đang ở Philadelphia tham dự một hội nghị quốc tế quy tụ các nhà sử học chuyên về thời Trung cổ. Trước đó, tôi chưa bao giờ đến Philadelphia nên đã rất ngạc nhiên về sự tương phản giữa những cuộc họp của chúng tôi - chỉ chuyên nghiên cứu đào sâu vào tận cái quá khứ phong kiến và đầy những tu viện - và cái đô thị sinh động xung quanh chúng tôi, với một lịch sử mới toanh về chủ nghĩa cộng hòa Khai sáng và Cách mạng. Quang cảnh nhìn xuống từ tầng mười bốn của khách sạn nơi tôi lưu lại cho thấy một hình ảnh pha tạp kỳ dị giữa những tòa nhà chọc trời và những khối nhà thế kỷ mười bảy và mười tám trông như ngôi nhà thu nhỏ bên cạnh những ngôi nhà chọc trời kia.

Suốt một vài giờ rảnh rỗi, tôi chuồn khỏi cuộc thảo luận lê thê về những món đồ tạo tác thời Byzantine để đi xem những hiện vật có thật trong viện bảo tàng nghệ thuật tráng lệ của thành phố. Ở đó, tôi đã cầm lên một tập sách mỏng quảng cáo về một viện bảo tàng văn học nhỏ và cũng là một thư viện ở dưới phố, tôi đã nghe cha nhắc đến tên nơi đó, còn bộ sưu tập của nó thì tôi có lý do để biết. Đó là một địa điểm cũng quan trọng như nhiều trung tâm lưu trữ tư liệu khác ở Âu châu đối với các học giả chuyên nghiên cứu về Dracula - dĩ nhiên số lượng các học giả này đã tăng lên đáng kể từ những cuộc điều tra đầu tiên của cha tôi. Ở đó, tôi nhớ lại, một nhà nhiên cứu có thể xem đọc những ghi chép của Bram Stoker về Dacula, được chọn lọc từ Thư viện Bảo tàng Anh quốc, cũng như một tập sách mỏng quan trọng từ thời Trung cổ. Cơ hội này thật hấp dẫn khôn cưỡng. Cha luôn mong muốn được xem bộ sưu tập này; tôi sẽ bỏ ra một tiếng đồng hồ vì ước muốn đó của cha. Cha đã mất ở Sarajevo vì một quả mìn chôn dưới đất trong khi làm nhiệm vụ trung gian hòa giải một cuộc xung đột tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua ở châu Âu. Gần một tuần sau tôi vẫn không hay biết gì; tin ấy, khi đến với tôi, đã làm tôi bơ vơ trong câm lặng cả năm trời. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ cha từng ngày, đôi khi từng giờ khôn nguôi.

Đó là nguyên nhân vì sao tôi nhận thấy mình đang ở trong một phòng nhỏ có gắn máy điều hòa không khí của một tòa nhà xây dựng bằng đá cát kết nâu, đang chứa giữ những tài liệu mang hơi thở không chỉ của một quá khứ xa xăm mà còn cả của sự cấp bách trong các công trình nghiên cứu của cha mình. Những cánh cửa sổ trông ra một vài cành cây lơ thơ dọc đường phố và một vài tòa nhà đá nâu khác bên đường, mặt tiền thanh lịch của chúng vẫn chưa bị hoen ố bởi bất kỳ một thứ hiện đại nào gắn thêm lên. Sáng hôm đó, chỉ có một độc giả duy nhất trong cái thư viện nhỏ bé đó, một phụ nữ Ý đang thì thào vào máy điện thoại di động của mình vài phút trước khi mở những cuốn nhật ký viết tay của ai đó ra và bắt đầu đọc - tôi phải cố không nghển cổ nhòm trộm chúng. Khi đã yên vị với một cuốn sổ tay và áo len mỏng dài tay để bớt lạnh, tôi được người thủ thư mang ra trước tiên là những trang ghi chép của Stoker và sau đó là một hộp nhỏ làm bằng giấy bìa cứng được cột lại bằng dây ruy băng.

Những ghi chú của Stoker quả là kiểu mẫu thú vị của sự lạc đề, một nghiên cứu dưới dạng những ghi chép hỗn độn. Một số được viết tay rất khó đọc, một số được đánh máy trên loại giấy vỏ hành cổ lỗ sĩ. Giữa các trang giấy đó là những bài cắt ra từ báo viết về những sự kiện bí ẩn và những trang từ cuốn lịch cá nhân của Stoker. Tôi nghĩ hẳn cha sẽ thích thú món này lắm đây, cha sẽ mỉm cười về hiểu biết nông cạn và ngây thơ của Stoker về sự huyền bí. Sau nửa tiếng tôi dẹp mớ giấy má đó qua một bên và quay sang chiếc hộp kia. Tôi cầm lên một cuốn sách mỏng, bọc trong cái bìa trang nhã, chắc hẳn là thế kỷ mười chín - bốn mươi trang in trên loại giấy da thế kỷ mười lăm hầu như không một vết ố, một kho báu thời Trung cổ, một phép lạ của kỹ thuật in sắp chữ. Trang đầu là một bức tranh khắc gỗ, một khuôn mặt mà tôi đã quen thuộc sau những trải nghiệm khó khăn dài dặc của chính bản thân, đôi mắt to, mở rộng tuy nhiên không hiểu vì sao vẫn toát lên vẻ ranh mãnh quỷ quyệt, nhìn như xoáy vào tôi, một bộ râu mép rậm rịt quặp xuống một quai hàm bạnh, mũi dài đẹp nhưng đầy vẻ dữ dằn, cặp môi dày hiện rõ vẻ nhục dục.

Đó là một tập sách mỏng xuất xứ từ thành phố Nuremberg, in năm 1491, nói về những tội ác của Dracole Waida, tính tàn bạo và những bữa tiệc khát máu của hắn. Tôi có thể hiểu được, vì tôi đã biết khá rõ những điều đó, những dòng đầu tiên của thứ tiếng Đức thời Trung cổ: “Năm Dương lịch 1456, Drakula đã làm nhiều việc khủng khiếp và kỳ dị.” Thực ra, thư viện cũng cung cấp một bản dịch, và tôi đã rùng mình đọc lại trong đó những tội ác chống lại nhân loại của Dracula. Hắn đã cho nướng sống nhân dân của mình, lột da và tùng xẻo từng miếng thịt, chôn người trong đất đến tận cổ, đã cho xiên cọc những đứa bé ngay trên vú mẹ chúng. Dĩ nhiên, cha đã xem những tập sách mỏng khác như thế này, nhưng hẳn cha sẽ đánh giá cao tập sách này vì hình thức mới mẻ đáng ngạc nhiên, sự tinh tươm trên các trang giấy da, tình trạng gần như hoàn hảo của nó. Sau năm thế kỷ, trông nó vẫn như vừa mới được in. Vẻ thuần khiết của tập sách làm tôi cảm thấy khó chịu, một lát sau tôi thầm cảm thấy vui khi cất nó lại vào hộp và buộc dây cột lại, hơi ngạc nhiên tự hỏi hà cớ gì mà mình cứ muốn đích thân xem thứ đó. Cái ánh mắt nhìn chòng chọc ngạo mạn kia như cứ dán vào tôi cho đến lúc tôi gấp sách lại.

Sau đó, tôi thu xếp đồ đạc và với cảm giác vừa hoàn thành một chuyến hành hương, tôi cảm ơn bà thủ thư hiền hậu. Bà có vẻ vui với cuộc viếng thăm của tôi; cuốn sách mỏng đó là một trong mấy món ưa thích của bà trong số những thứ mà họ sở hữu; chính bà đã viết một bài báo về nó. Chúng tôi chia tay nhau sau những lời thân mật và cái bắt tay, tôi đi xuống gian hàng bán quà lưu niệm và từ đó bước ra ngoài con phố ấm áp, cùng với mùi khói xe và đi ăn trưa đâu đó gần đấy. Sự tương phản quá xa giữa bầu không khí thanh khiết trong viện bảo tàng và sự hối hả ồn ào của thành phố bên ngoài khiến cánh cửa gỗ sồi đằng sau tôi có vẻ như đã bị niêm kín lại đầy ngăn cách, đến mức tôi đã giật bắn mình khi nhìn thấy bà thủ thư hấp tấp chạy ra khỏi cánh cửa đó. “Tôi nghĩ cô đã bỏ quên những thứ này,” bà nói. “May mà tôi bắt kịp cô.” Bà nở với tôi nụ cười ngượng ngập như của một người vừa trao lại cho bạn một kho báu mà chính bà cũng không muốn đánh mất - một chiếc ví, chùm chìa khóa, một chiếc vòng tay xinh đẹp.

Tôi cám ơn bà, cầm lại cuốn sách và sổ ghi chép bà trao, không chút thắc mắc, lại giật mình khi bà lại biến mất vào tòa nhà cũ kỹ, chóng vánh chẳng khác gì lúc chạy xuống tìm tôi. Cuốn sổ ghi chép đúng là của tôi, mặc dù tôi nhớ mình đã cẩn thận bọc nó lại bỏ vào túi xách trước khi rời khỏi đó. Cuốn sách là - hiện tại tôi không thể nói ngay khoảnh khắc đầu tiên ấy mình thực sự nghĩ nó là gì, chỉ biết bìa sách bằng nhung cũ kỹ đã xơ rách, rất, rất cũ, và cuốn sách vừa quen thuộc vừa xa lạ trên tay tôi. Những tờ giấy da bên trong, không còn tờ nào có vẻ tươi mới như cuốn sách mỏng mà tôi vừa xem trong thư viện - mặc dù nó rất mỏng nhưng vẫn bốc lên cái mùi khó chịu của hàng thế kỷ từ tay người này đến tay người khác. Hình ảnh dữ tợn duy nhất ở giữa cuốn sách bật mở trên tay tôi trước khi tôi kịp ngăn mình lại, và đóng ập lại trước khi tôi kịp nhìn lâu vào nó.

Tôi đứng hoàn toàn bất động trên con phố đó, trong khi một cảm giác mơ hồ siêu thực bùng nổ tràn ngập trong tôi; những chiếc xe, vẫn chạy qua chạy lại, liên tục như trước, một tiếng còi xe vang lên đâu đó, một người đàn ông đang cố dắt một chú chó đến gần chỗ tôi, giữa tôi và cây bạch quả. Nghĩ đến bà thủ thư, tôi vội liếc nhìn lên các cánh cửa sổ viện bảo tàng, chỉ có hình ảnh phản chiếu của những tòa nhà đối diện. Ở đấy, chẳng có tấm rèm cửa nào lay động, cũng chẳng có cánh cửa nào lặng lẽ khép lại khi tôi nhìn xung quanh. Chẳng có gì khả nghi trên con phố đó.

Trong phòng khách sạn, tôi đi rửa ráy sau khi để cuốn sách của mình lên chiếc bàn mặt kính. Rồi đến bên cửa sổ, tôi đứng nhìn xuống quang cảnh toàn thành phố. Ngay dưới khối nhà này, tôi có thể nhìn thấy vẻ quý phái xấu xí của Tòa Thị chính Philadelphia, với bức tượng của con người yêu chuộng hòa bình William Penn_(1) uy nghi trên mái. Từ nơi đây, công viên là những ô vuông xanh đầy những ngọn cây. Ánh nắng phản chiếu hắt tới từ những tòa tháp ngân hàng. Xa xa phía bên trái, tôi có thể nhận ra tòa nhà liên bang vừa mới bị đánh bom tháng trước, những cần cẩu hai màu vàng đỏ đang vật lộn với đống đổ nát ở trung tâm, và tôi có thể nghe được tiếng huyên náo của sự tái thiết.

Nhưng đó không phải là quang cảnh chiếm trọn cái nhìn đăm đăm của tôi. Tôi còn đang hình dung, dù không muốn, đến một khung cảnh khác, một khung cảnh dường như tôi đã chứng kiến rồi. Dựa vào cửa sổ, tôi cảm nhận ánh mặt trời mùa hè, cảm thấy an toàn kỳ lạ bất chấp khoảng cách cao vời vợi từ mặt đất lên đến chỗ tôi, tựa như sự nguy hiểm chỉ đang nằm chờ đợi tôi trong một vương quốc hoàn toàn khác hẳn.

Tôi đang hình dung về một buổi sáng mùa thu trong trẻo năm 1476, một buổi sáng chỉ vừa đủ lạnh để cho sương mù lan tỏa là là trên mặt hồ. Một chiếc thuyền cập mép đảo, bên dưới những bức tường thành và mái vòm có những cây thánh giá sắt. Có tiếng gõ nhẹ nhàng của mái chèo gỗ lên đá, hai tu sĩ vội vàng ra khỏi vị trí dưới chòm cây để kéo thuyền lên bờ. Chỉ có một người đàn ông ra khỏi thuyền, đôi chân hắn đặt trên kè đá nằm gọn trong đôi ủng da màu đỏ tinh xảo, mỗi chiếc ủng gắn một đinh thúc ngựa nhọn hoắt. Hắn thấp hơn cả hai tu sĩ trẻ nhưng dường như lấn át hẳn họ. Hắn mặc áo lụa Đa-mát hai màu tím và đỏ bên dưới một áo choàng nhung không tay màu đen, một móc cài kiểu dáng phức tạp ghim chiếc áo choàng vào phía trước bộ ngực nở rộng. Mũ hắn kiểu chóp nón có gắn lông chim màu đỏ phía trước. Bàn tay hắn, đầy sẹo trên mu, đặt hờ hững trên thanh đoản kiếm mang ở thắt lưng. Mắt màu xanh lá, to và mở thao láo một cách kỳ dị, cả miệng lẫn mũi đều toát lên vẻ ác hiểm, mái tóc đen và bộ râu mép trông có vẻ thô lỗ với những chỗ lốm đốm bạc.

Cha tu viện trưởng được báo trước nên đã vội vã ra gặp hắn dưới những tàn cây. “Rất vinh hạnh được đón tiếp, thưa chủ soái,” ông thốt lên, dang rộng đôi tay. Dracula hôn lên chiếc nhẫn của ông và cha tu viện trưởng làm dấu ban phước lành cho hắn. “Cầu Chúa ban phước cho con, con trai của ta.” Cha tu viện trưởng nói thêm, tựa như để đồng thời tỏ lòng biết ơn. Ông biết sự xuất hiện của ông hoàng chẳng có gì thần kỳ; có lẽ hắn đã vượt qua những vùng bị quân Thổ chiếm đóng để đến đây. Đây không phải là lần đầu tiên vị khách quen thuộc của cha tu viện trưởng xuất hiện tựa như bằng một phương tiện đi lại thần thánh nào đó. Cha tu viện trưởng đã nghe nói chẳng bao lâu nữa đức tổng giám mục tại Curtea de Argeş sẽ tấn phong Dracula lên ngôi lãnh chúa xứ Wallachia, và khi ấy, không nghi ngờ gì nữa, Giáo đoàn Rồng sẽ giành lại toàn bộ Wallachia từ tay quân Thổ. Ông cha cố chạm các ngón tay vào vầng trán rộng của ông hoàng để ban phước. “Chúng ta đã nghĩ đến điều tệ hại nhất khi con không đến được vào mùa xuân. Vinh danh Chúa.”

Dracula mỉm cười nhưng không nói gì, chỉ nhìn ông cha cố một lúc lâu. Trước đây, cả hai đã từng tranh luận về cái chết, cha tu viện trưởng nhớ lại; trong lúc xưng tội Dracula đã nhiều lần hỏi ông, một người của Chúa, liệu có đúng chăng khi hắn nghĩ mọi kẻ tội lỗi sẽ được chấp nhận lên thiên đường nếu thực sự ăn năn. Cha tu viện trưởng chỉ quan tâm đến việc làm lễ rửa tội cuối cùng cho hắn khi đến lúc, dù vậy ông vẫn ngại ngần không dám nói ra với Dracula. Tuy nhiên, trước sự khăng khăng nhẹ nhàng của cha tu viện trưởng, Dracula đã để họ rửa tội lại cho mình với một đức tin chân thành để bày tỏ sự ăn năn vì đã một thời cải đạo theo một giáo hội dị giáo ở phương Tây. Cha tu viện trưởng đã xá tất cả tội lỗi cho Dracula, một cách bí mật - tất cả. Chẳng phải Dracula đã cống hiến cả đời mình để chống lại những kẻ vô đạo, chống lại tên Quốc vương Hồi giáo gớm ghiếc vẫn đang hạ bệ các thành trì của thế giới Cơ Đốc giáo hay sao? Nhưng ông cũng băn khoăn thầm hỏi riêng mình liệu Thượng đế sẽ ban phát được gì cho con người kỳ lạ này. Ông hy vọng Dracula sẽ không khơi lên cái chủ đề thiên đường và cảm thấy nhẹ cả lòng khi hắn yêu cầu được xem những gì họ làm được trong thời gian hắn vắng mặt. Họ cùng đi với nhau quanh rìa sân tu viện, lũ gà đang bươi đất phía trước. Dracula ngắm nghía những công trình mới hoàn thành, những vườn rau đang đâm chồi nảy lộc với vẻ mặt hài lòng, cha tu viện trưởng vội vàng chỉ cho hắn xem lối đi mà họ đã làm xong từ lần thăm viếng gần đây nhất của hắn.

Họ uống trà trong phòng riêng của cha tu viện trưởng, rồi Dracula đặt một chiếc túi vải nhung trước mặt ông cha cố. “Cha mở nó ra đi,” hắn vừa nói vừa vuốt bộ râu mép, đôi chân vạm vỡ đầy cơ bắp chàng hảng trên ghế; thanh kiếm bất ly thân lủng lẳng bên hông. Cha viện trưởng ước gì Dracula sẽ trao quà một cách khiêm tốn hơn nhưng ông vẫn im lặng mở cái túi. “Đồ châu báu của bọn Thổ,” Dracula nói, toét miệng cười. Hàm dưới gã thiếu một chiếc răng, nhưng những cái còn lại trông rất chắc và trắng bóng. Cha tu viện trưởng nhìn thấy bên trong chiếc túi những món trang sức đẹp vô ngần, hàng mớ hồng ngọc và lục bảo, những chiếc nhẫn và trâm cài bằng vàng nặng trịch kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, và trong số của cải đó còn có nhiều thứ khác, bao gồm cả một cây thánh giá bằng vàng được chạm trổ và nạm sapphire đen. Cha tu viện trưởng không muốn biết những món đồ này từ đâu đến. “Chúng ta sẽ trang bị cho phòng để đồ thờ và thêm một bình đựng nước thánh,” Dracula nói. “Ta muốn cha thuê được nghệ nhân ở bất kỳ nơi nào Cha muốn. Khoản này sẽ thanh toán dễ dàng cho mấy việc đó, số dư còn lại là dành cho phần hầm mộ của ta.”

“Mộ của ngài?” Cha tu viện trưởng nhìn xuống nền nhà, vẻ kính cẩn.

“Đúng vậy, Đức Cha ạ.” Bàn tay hắn lại nắm vào chuôi kiếm. “Ta nghĩ đến điều đó đã lâu và ta muốn được đặt trước bệ thờ, cùng với một phiến đá cẩm thạch làm nắp. Dĩ nhiên, Cha sẽ tổ chức cho ta những buổi lễ trang trọng nhất, vang ắp những bài Thánh ca. Hãy mời thêm một dàn đồng ca cho buổi lễ đó.” Cha tu viện trưởng cúi đầu, nhưng cảm thấy khó chịu vì gương mặt người đàn ông kia, vẻ tính toán trong đôi mắt xanh của hắn. “Ngoài ra, ta còn có một vài yêu cầu nữa, xin Cha ghi nhớ cẩn thận. Ta muốn vẽ chân dung của mình trên bia mộ, chứ không phải thánh giá.”

Cha viện trưởng ngẩng lên, sửng sốt. “Không có thánh giá sao, thưa ngài?”

“Không thánh giá,” ông hoàng đáp lại, giọng kiên quyết. Hắn nhìn thẳng vào mặt ông cha cố, và mãi một lúc lâu ông vẫn không dám hỏi gì thêm. Nhưng ông vốn là cố vấn tinh thần cho con người kia, nên một lúc sau ông lại lên tiếng. “Mọi ngôi mộ đều được đánh dấu bằng sự thống khổ của Đấng Cứu thế, và ngôi mộ của ngài cũng phải có niềm vinh dự đó.”

Mặt Dracula sầm lại. “Ta không định để bản thân chịu khuất phục lâu dài trước cái chết,” hắn trầm giọng.

“Chỉ có một con đường duy nhất tránh thoát được cái chết,” cha tu viện trưởng mạnh bạo đáp lại, “và đó là con đường thông qua Đấng Cứu chuộc, Chúa Jesus, nếu Người ban ân sủng cho chúng ta.”

Dracula nhìn chằm chằm ông ta một lúc lâu, còn ông cha cố thì cố đừng ngoảnh mặt đi. “Có lẽ,” cuối cùng hắn đành lên tiếng. “Nhưng mới đây ta có gặp một người, một thương nhân đã từng đến một tu viện ở phương Tây. Hắn nói, tại Gaul(2)_, tại một nhà thờ cổ xưa nhất trong khu vực thế giới đó, đám thầy tu Latin đã đánh lừa được Thần Chết bằng những phương pháp bí truyền. Hắn đề nghị bán cho ta những bí mật mà hắn đã ghi lại trong một cuốn sách.”

Ông tu viện trưởng nhún vai. “Chúa bảo vệ chúng ta tránh xa những điều tà mị như vậy,” ông vội nói. “Ta chắc chắn, ngài nên từ bỏ tham vọng đó.”

Dracula mỉm cười. “Cha biết ta vốn rất mê sách mà.”

“Chỉ có duy nhất một cuốn Sách đích thực, và đó là cuốn sách mà chúng ta phải yêu mến bằng tất cả trái tim và tâm hồn mình,” cha tu viện trưởng đáp lại, nhưng lúc đó ông cũng không thể rời mắt khỏi bàn tay sứt sẹo của ông hoàng đang ngọ nguậy trên cái chuôi kiếm chạm khảm. Dracula mang một chiếc nhẫn trên ngón tay út; không cần nhìn gần hơn cha viện trưởng cũng biết rất rõ cái biểu tượng dữ tợn đang cuộn mình trên chiếc nhẫn đó.

“Thôi được.” Cha tu viện trưởng cảm thấy khuây khỏa khi Dracula dường như cũng đã mệt mỏi vì cuộc tranh luận, đột ngột đứng lên, đầy sinh lực. “Ta muốn gặp những người chuyên sao chép của Cha. Ta sắp có một công việc đặc biệt cho họ.”

Cả hai cùng bước vào căn phòng viết nho nhỏ, ở đó ba tu sĩ đang ngồi chép các bản thảo, theo đúng phương pháp cổ xưa, một tu sĩ khác đang khắc những con chữ để in một trang về cuộc đời của Thánh Anthony. Cỗ máy in đứng chơ vơ trong góc phòng. Đó là chiếc máy in đầu tiên ở Wallachia, Dracula đặt bàn tay hãnh diện lên chiếc máy, một bàn tay vuông bè, nặng nề. Vị tu sĩ lớn tuổi nhất trong phòng viết đứng cạnh cái bàn gần máy in, đang đục chạm một khối gỗ. Dracula chồm tới. “Và nó sẽ thành cái gì vậy Cha?”

“Thánh Mikhail đang giết một con rồng, thưa ngài,” ông thầy tu già thì thào. Ông nhướng đôi mắt mờ đục lên, đôi hàng lông mày bạc trắng rủ xuống gần như che mất mắt.

“Lẽ ra nên để con rồng tiêu diệt bọn vô đạo chứ,” Dracula nói, cười tủm tỉm.

Ông thầy tu gật đầu nhưng cha tu viện trưởng lại nhún vai thầm ngao ngán.

“Ta có một nhiệm vụ đặc biệt cho Cha,” Dracula nói với ông thầy tu già. “Ta sẽ để bản phác thảo lại cho Cha tu viện trưởng.”

Hắn dừng lại trong khoảnh sân đầy ánh nắng. “Ta sẽ ở lại dự lễ, rồi sẽ trao đổi với Cha. Hắn nở một nụ cười với cha tu viện trưởng. “Tối nay Cha dành cho ta chiếc giường trong một ô nào đó chứ?”

“Bao giờ cũng vậy, thưa ngài. Ngôi nhà của Chúa này cũng là nhà của ngài.”

“Còn bây giờ chúng ta lên tháp chứ.” Cha tu viện trưởng quá rành thói quen này của hắn. Bao giờ Dracula cũng muốn quan sát mặt hồ và khu vực bờ hồ xung quanh từ điểm cao nhất của nhà thờ, tựa như để ngăn chặn kẻ thù. Hắn có lý do chính đáng, cha tu viện trưởng nghĩ. Quân Thổ Nhĩ Kỳ săn lùng cái đầu của hắn từ năm này qua năm khác, vua Hungary cũng không kém phần ác tâm với hắn, các chủ điền và tầng lớp quý tộc địa phương cũng căm hận và sợ hãi hắn. Còn ai không phải là kẻ thù của hắn ngoài những cư dân trên hòn đảo này? Cha tu viện trưởng chậm rãi theo sau hắn đi lên chiếc cầu thang xoắn, sẵn sàng tinh thần nghe những hồi chuông chẳng mấy chốc nữa sẽ bắt đầu vang lên rất to từ chính nơi này.

Mái vòm bao quanh ngọn tháp có những lỗ trống mở ra tứ phía. Khi cha tu viện trưởng lên đến đỉnh, Dracula đã đứng ở vị trí ưa thích của hắn, chăm chăm nhìn qua mặt hồ, tay chắp sau lưng ra dáng như đang suy tư, đang hoạch định. Cha tu viện trưởng đã từng nhìn thấy hắn đứng như vậy trước những chiến binh của hắn, chỉ dẫn chiến lược cho cuộc đột kích ngày hôm sau. Trông hắn chẳng có vẻ như một con người sống thường trực trong hiểm nguy - một thủ lĩnh mà cái chết có thể đến bất cứ giờ nào, một kẻ mà từng giây từng phút không ngơi băn khoăn suy nghĩ về sự cứu rỗi của chính mình. Thay vì vậy, cha tu viện trưởng thầm nghĩ, dường như cả thế giới hãy còn đang ở phía trước hắn.

Chú thích:

1. William Penn: (1644 - 1718)L nhà cải cách của giáo phái Quaker, Anh; sau khi bị khủng bố về tôn giáo ở Anh, ông ta di cư đến Bắc Mỹ và thành lập philadelphia vào năm 1681.

2. Gaul: từ cổ để chỉ người Pháp hoặc nước Pháp xưa (bao gồm gần hết miền Tây châu Âu trong đó có cả lãnh thổ hiện nay cả Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức và một phần nước Ý).