Tướng Quân Ở trên, Ta Ở Dưới

Chương 24: Quyết định khó khăn




Hạ Ngọc Cẩn đưa ra một quyết định khó khăn.

Cậu ta lật mình trăn trở, đến nỗi hai mắt thâm quầng. Dường như phải đi ngược lại với lương tâm của mình mới tìm ra được những điểm ở Diệp Chiêu phù hợp với tiêu chuẩn của người vợ.

Ví dụ như cô ta không hay đố kỵ. Không giống như phu nhân của Từ Thị Lang, thấy chồng đi uống rượu ở lầu xanh liền cầm ngay hai cái chày cán bột đuổi đánh chồng chạy khắp năm con phố. Còn việc Diệp Chiêu liệu có đến tìm mình thương lượng xem rượu ở lầu xanh nào ngon hơn, mông của mỹ nữ lầu xanh nào to hơn thì tốt nhất không nên nghĩ thêm làm gì.

Lại ví dụ An Thái Phi vốn dĩ có chút chê bai con dâu cả là An Vương Phi xuất thân thấp kém, tính tình nhỏ mọn, lại hay kén cá chọn canh, cho dù cô ta có nịnh nọt thế nào cũng vô ích. Từ sau khi Diệp Chiêu về, so sánh hai bên, thì thái độ của An Thái Phi với con dâu trưởng lập tức thay đổi. Cảm thấy bất luận nhìn thế nào cũng thấy cô ta thuận mắt hơn, là con dâu tốt nhất hiền đức nhất trong thiên hạ. Sự hòa hợp trong quan hệ mẹ chồng nàng dâu như hiện nay làm ai cũng đều ngưỡng mộ, có thể nói là một hình mẫu của Thượng Kinh.

Lại ví dụ anh trai của cậu ta do có tật ở chân nên tính cách có phần u uất. Bây giờ ngày nào vợ và gia nhân cũng kể chuyện cười trong nhà cho nghe, nụ cười trên mặt cũng xuất hiện nhiều hơn…

Cuộc đời của con người đầy ắp sự bất lực, cũng nên có tinh thần hi sinh cống hiến.

Chỉ cần anh ta cắn chặt răng, mặt dày một chút, đứng vững trước những lời đồn đại. Sau đó giấu kín tờ giấy ly hôn trong tay đi, rồi bàn bạc cụ thể với Diệp Chiêu, dạy dỗ cô ta cẩn thận, ít nhất cũng cho cô ta hiểu một chút đạo lý làm phụ nữ là thế nào, đừng có lúc nào cũng như đàn ông làm cho người khác khó chịu, thì vẫn có thể miễn cưỡng không cần ly hôn.

Hạ Ngọc Cẩn nói là làm, anh ta lấy hết các quyển “Nữ tắc”, “Nữ nhi kinh”, “Hiền phụ truyện”, “Liệt nữ truyện”, “Khuê các nữ tứ thư tập chú”, “ Nội huấn” trong thư phòng ra, lật giở một lượt, mang theo ảo tưởng đọc sách đêm khuya tay áo còn vương hương thơm của người đẹp, chạy đi tìm Diệp Chiêu lúc này đã tan triều trở về.

Khi anh ta chạy vào phòng ngủ của mình mà đã lâu lắm rồi không bước chân vào, thì thấy trên tường treo một cây chùy và vài cái cung nỏ cỡ lớn. Trong chiếc bình hoa có chạm khắc hoa văn xung quanh cắm mấy thanh bảo kiếm bảo đao, còn trên bàn đặt nào là rìu, nào là roi dài, nào là côn nhị khúc, nào là côn tam khúc đủ cả. Trên chiếc giá vốn dùng để các đồ quý giá bây giờ đặt toàn ám khí.

Đây là kho vũ khí của Bộ binh hay sao?

Hạ Ngọc Cẩn vội vàng lùi ra ngoài cửa, dụi mắt, lấy hết sức chăm chăm nhìn bức hoành phi treo bên ngoài phòng không biết bao nhiêu lần, xác định đúng là mình không đi nhầm mới lặng lẽ bước vào trong. Đằng hắng một tiếng lớn nhìn về phía Diệp Chiêu đang vắt chân, ngồi trên ghế Thái sư, bộ dạng không hề nho nhã chút nào, chăm chú nghịch thanh đao Phục Tang mới có được.

Diệp Chiêu thấy anh ta hiếm lắm mới đến, rất thích thú, đích thân đứng dậy đón tiếp.

Hạ Ngọc Cẩn tạm thời cho qua việc phòng ngủ của mình bị sắp xếp lại, không so đo nữa. Chỉ đặt một đống sách lên trên bàn, nói rõ ý định đến đây của mình, rằng mình sẽ đích thân đảm nhiệm việc giảng giải cuốn “Nữ giới”.

Hai người trước tiên trao đổi một chút về trình độ văn hóa của bản thân, xác định mức độ văn không hay cày không biết.

Hạ Ngọc Cẩn từ nhỏ thân thể yếu đuối, không thể tập trung lâu được. Đọc sách một ngày phải nghỉ ba ngày. Nhưng tư chất thông minh, lại được Thái hậu yêu quý, cho nên những thầy được mời đến dạy toàn là bậc nhà nho lớn đương thời học cao biết rộng. Thêm ra bớt vào vài chữ cuối cùng Hạ Ngọc Cẩn cũng có trình độ của một tú tài thi rớt, dạy một chút như “Tam tự kinh” thì hoàn toàn không thành vấn đề.

Còn Diệp Chiêu từ nhỏ học võ, hễ xem sách là thấy đau đầu. Thêm vào đó, tính cách ngạo mạn, tính khí thô lỗ, quá trình đi học có thể tạo thành lịch sử rơi huyết lệ cho các thầy. Bắt đầu từ năm tám tuổi đến nay, trung bình mỗi năm làm cho năm thầy giáo tức quá bỏ đi. Cuối cùng, do cha của Hồ Thanh vì gia đình nghèo quá, lại muốn nhờ vào mối quan hệ giúp con trai có tiền đồ tốt, nên dưới sự khẩn cầu của Diệp lão tướng quân, với tinh thần nghiến răng chịu khổ, chịu khó chịu nhục mới ở lại được. Tốn hai năm với nghìn vạn khổ hạnh, dùng cạn các biện pháp, mới coi như đổ vào đầu Diệp Chiêu được cuốn “Thiên tự văn”, để cô ta không đến nỗi thành kẻ mù chữ. Cho đến tận khi dẫn quân chinh chiến, Diệp Chiêu mới phát hiện ra mình biết quá ít chữ nghĩa. Trong tình cảnh không còn cách nào khác, đành bắt Hồ Thanh nối nghiệp cha, làm thầy dạy, trong thời gian rảnh rỗi cố gắng bổ sung thêm những kiến thức lịch sử quân sự.

Nếu so sánh với Hồ tiên sinh nói chuyện hài hước hấp dẫn, giảng bài dễ hiểu thì năng lực dạy học của Hạ Ngọc Cẩn đúng là một trời một vực. Cho dù anh ta đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, với thái độ giảng bài rất chăm chú, thì cũng chỉ là nói theo trong sách mà thôi, không biết dẫn dắt điển cố, cách chọn đề tài cũng vô cùng nhàm chán. Diệp Chiêu vốn đã không phải kẻ kiên nhẫn đọc sách, những việc của con gái cô lại càng không hứng thú, nghe giảng mà cứ ngáp trộm. Chỉ nể thầy giáo có phần xinh đẹp bắt mắt, cắn đầu bút, cố gắng kiềm chế, vừa giả vờ làm bộ dạng chăm chỉ, vừa liếc trộm thanh Phục Tang đao mình mới lấy được, rồi nghĩ xem lát nữa sẽ đi đâu để thử đao.

Hạ Ngọc Cẩn giảng chăm chú đến nỗi miệng khô khốc, gõ bàn, rồi nghiêm mặt nói: “Cái gì là công dung ngôn hạnh, cô đã hiểu chưa? Nói lại một lần xem”.

Đầu óc của cô học trò Diệp Chiêu còn đang lang thang ở tận đấu tận đâu, nghe hỏi nhưng mặt cứ nghệt ra, nhìn sững cậu ta một lúc lâu rồi như vừa chợt tỉnh, lưỡng lự hỏi: “Công à? Công gì cơ? Việc thêu thùa tôi không làm được đâu, hay là… hàng ngày tôi sẽ dọn dẹp phòng cho anh?”.

Cái đồ đáng ghét này không hề lắng nghe gì hết!

Hạ Ngọc Cẩn tức gần chết, nếu không phải sợ vì không cẩn thận mà đập vào chân thì đã lấy cái chùy treo trên tường xuống ném vào đầu cô ta.

“Đừng giận, khi học là tôi hay bị sao nhãng”. Diệp Chiêu có chút áy náy, vội vàng rót trà rồi mài mực để làm giảm bớt sự tức giận của cậu ta. Thậm chí còn lấy thanh kiếm Bích Thủy mình sưu tập được đưa cho anh ta xem, nịnh nọt nói: “Đừng nghĩ nữa, sách không phải một lúc mà học hết được. Thanh kiếm này đúng là ngàn vàng khó kiếm, biết bao nhiêu người học võ thậm chí tình nguyện lấy tính mạng ra để có được nó, anh có chơi thử không?”.

Hạ Ngọc Cẩn sờ một lúc, thẫn thờ hỏi: “Có chém chết được cô không?”.

“Anh ấy hả?”. Diệp Chiêu lắc đầu không chút do dự.

Hạ Ngọc Cẩn gục luôn lên trên bàn, không thèm nhúc nhích nữa.

Sự si mê vũ khí của vợ đúng là hết thuốc chữa.

Hạ Ngọc Cẩn sợ mình bị chọc tức đến mức chết non, cuối cùng chỉ cần cô ta nhớ kỹ một điều: “Trước mặt mọi người phải giữ thể diện cho phu quân”, sau đó bỏ hoàn toàn kế hoạch dạy học.

Hơn nửa tháng sau, phủ Nam Bình Quận Vương sửa chữa xong, An Vương phủ tiến hành chia nhà.

An Thái Phi tuy rất yêu cậu con trai bé nhỏ, nhưng sống chết cũng không muốn ở cùng với cô con dâu để đỡ phải chịu bực tức. Thế là dù có đau lòng bà cũng đành ở lại với con trai lớn. Bà chọn khá nhiều tâm phúc trung thành năng nổ trong đám người hầu kẻ hạ để đưa sang Quận Vương phủ cho con trai sai bảo, tránh cho anh ta khỏi bị vợ bắt nạt.

Hạ Ngọc Cẩn không chắc chắn sau này có ly hôn với vợ hay không, nên không có ý định ở cùng phòng với cô ta. Nhưng gần đây tình cảm của hai người có vẻ tốt lên, liền chọn hai khu vực cạnh nhau, mỗi người ở một khu. Từ đây một bên là binh khí như rừng, bóng đao ánh kiếm, còn một bên là dế kêu lục lạc, chim hót hoa thơm, nhìn có vẻ rất kỳ dị. Dương Thị chọn một khu cách xa cả tướng quân và Quận Vương, một lòng chăm sóc việc bếp núc. My Nương và Huyên Nhi vì muốn tranh giành Thính Hoa Tiểu Viện gần nhất với Lăng Sương Các mà tướng quân ở nên gần như cãi nhau ầm ĩ. Người này mắng người kia là hồ ly, người kia thì mắng người này là ngực to óc bé, suýt nữa thì hai bên đánh nhau to. Cuối cùng bị Hạ Ngọc Cẩn phát hiện ngăn lại, rồi cùng bị chuyển đến U Nguyệt Hiên cách Lăng Sương Các xa nhất…

Tình cảnh chiến tranh loạn lạc, bận đến mức hiếm thấy.

Sau khi chuyển nhà xong, quan phục của Hạ Ngọc Cẩn cũng được phát xuống, tay nghề của các tú nương trong cung thật giỏi. Trên nền gấm màu xanh lục rất mới có thêu hoa màu vàng, nhưng lại rất nhã nhặn đặc biệt, mặc lên trông rất phong độ.

Diệp Chiêu khen: “Mặc lên trông rất đẹp, có dáng của quan lớn”.

“Đi đi, ai tin vào con mắt của cô?!”, Hạ Ngọc Cẩn tuy miệng nói phản đối, nhưng trong lòng lại rất thích lời khen ấy. Cậu ta đi đi lại lại trong sân, vừa khéo đi đến trước mặt của Thu Hoa và Thu Thủy, liền hỏi bọn họ xem thấy thế nào.

Thu Hoa và Thu Thủy do có lệnh của tướng quân, không dám nói lời lạnh nhạt với anh ta, nên cùng nhau nỗ lực tán dương.

Thu Hoa: “Quận Vương khác hẳn so với trước đây, bây giờ có dáng người rồi, đúng là rất đẹp!”.

Thu Thủy: “Có cần mấy cô thợ thêu làm thêm một cái đai thắt trên đầu màu xanh lá cây không ạ? Đem viên minh châu lớn mà tướng quân có chạm lên trên, thành một bộ nhất định sẽ đẹp!”.

Hạ Ngọc Cẩn tự thề.

Cậu ta mà còn nói chuyện với bọn người bên cạnh Diệp Chiêu nữa, cậu ta sẽ biến thành con lợn!