Tùy Đường Diễn Nghĩa

Chương 92: Đóng Linh Vũ, thái tử lên ngôi, Chiếm Trường An, loạn thần làm ác.






Từ rằng:
Xe rồng phải ruổi về tây
Bầu trời phía Bắc, sao bay sáng ngời
Vẫn là trăm sự tại trời
Mà trong tai biến đổi lời quên cha
Lại quên ruột thịt một nhà
Truân chiên nếm đủ xấu xa nhọc nhằn
Trai gian ác, gái lăng loàn
Vạ thân, vạ cả xóm làng gần xa
Theo điệu "Ô dạ đề"
Nước nhà thái bình có đạo, kẻ sĩ đứng ở triều đình, tôi ra phận tôi, chúa nên ngôi chúa. Còn ở trong nội cung, cha ra đạo cha, con đủ phận con, đấy chính là những điều cơ bản của luân thường, để rồi từ đó mà có trăm họ muôn dân, nên nghĩa lớn của trời đất, chẳng chỗ nào là không yên ổn, chẳng người nào là không được ơn hưởng đức lớn.
Đến khi vận đã suy, vua cũng chẳng giữ được nên đạo vua, thần chuyên nghĩ cách mê hoặc làm hư thân chúa, nên mới sinh sủng ái khác thường. Giặc giã bên ngoài nhiều như nấm, một sớm biến loạn, dẫn đến chín châu tranh giành, may mà mệnh trời chưa đổi, lòng người còn đó. Thiên tử tuy không khỏi "mông trần tại ngoại", phải bỏ cung khuyết lặn lội trong đám bụi đời ở bên ngoài, thái tử phải tòng quyền mà lên ngôi. Nhưng thế sự còn nên, Huyền Tông nhường ngôi làm thái thượng hoàng. Nếu không công nghiệp sẽ đi đến đâu, còn đó thế nguy kẻ nghịch tặc, còn đó tôn miếu xã tắc trong tay phản thần, dẫu thân thiết cũng phải bỏ mà chạy, chỉ bảo toàn được một hai kẻ thân người thích, còn đâu đành bỏ mặc, khiến cho bậc vương tôn công tử gặp nước lưu ly, cành vàng lá ngọc rơi vào tay giặc làm nhục, giết hại. Những việc cuối đời Thiên Bảo, nghĩ lại thật đáng giận mà cũng đáng thương, đáng buộc tóc vào tay để mà nhớ mãi vậy.
° ° °
Lại nhắc chuyện Huyền Tông ngự giá đến Mã Ngôi, chúng quân sĩ giết Dương Quốc Trung cùng Hàn Quốc, Quắc Quốc phu nhân. Huyền Tông không biết làm thế nào, đành để Quý Phi chịu chết. Trần Nguyên Lễ mới khuyến khích được quân sĩ, mời xa giá lên đường. Quân sĩ thấy bộ tướng tay chân Dương Quốc Trung đều ở Thục, lại không chịu đi về Tây, kẻ xin về Hà Lũng, người bàn đi Thái Nguyên, cũng có ý xin quay về kinh đô, mạnh ai nấy nói. Huyền Tông ý vẫn muốn vào Thục, nhưng lại sợ trái ý quân sĩ, đành chỉ cúi đầu nghĩ ngợi, không nói rõ ý định đi đâu. Vi Ngạc tâu:
- Thái Nguyên, Hà Lũng đều không phải là nơi dung thân của bậc thiên tử. Nếu về kinh sư tất phải có cách phòng ngự chu đáo. Người ngựa nay rất ít, không phải việc dễ. Cứ như ngu kiến của thần, chi bằng đi Phù Phong, rồi sẽ liệu chuyện lui sau vậy.
Huyền Tông bằng lòng gật đầu, sai đem ý này của mình truyền dụ quân sĩ, ai nấy đều nghe theo. Ngày hôm ấy người ngựa từ Mã Ngôi lên đường. Đến mãi lúc đi, mới thấy rất nhiều dân chúng, già trẻ cản đường giữ lại, cảnh thật nhốn nháo, người người đều thưa:
- Cung khuyết là nhà, là người thân của bệ hạ, là phần mộ của bệ hạ, nay bỏ mà đi, định còn đến đâu nữa?
Huyền Tông đành ngọt ngào phủ dụ, nói rõ thánh ý rồi vẫn đi, nhưng trăm họ càng kéo đến nhiều hơn. Huyền Tông phải sai thái tử đứng ra khuyên bảo dân chúng. Mọi người liền túm lấy ngựa của thái tử mà thưa:
- Phụ hoàng đã không muốn dùng ngựa xe, chúng thần xin dẫn con em, cùng thái tử về đông đánh giặc, bảo vệ Trường An.
Thái tử đáp:
- Đấng chí tôn phải vất vả dặm dài, là phận làm con, làm sao mà dám xa rời một ngày cho được.
Trăm họ lại thưa:
- Thái tử cùng phụ hoàng đều đi Tây Thục cả, bách tính ở Trung Nguyên lấy ai mà làm chủ?
Thái tử đáp lại:
- Các ngươi nếu muốn giữ, ta cũng không lòng nào mà chối từ, nhưng cũng phải thưa với phụ hoàng đã, rồi mới có thể nói chuyện tiến lui.
Nói xong, lại định giục ngựa đi, nhưng vẫn bị trăm họ cản chặt cả đường, ngựa không thể nào bước được. Lúc này con của thái tử là Quảng Bình Vương Thục, Kiến Ninh Vương Đạm, đang theo sau ngựa, cả hai vương đều rất có trí dũng. Kiến Ninh Vương thấy lòng người như thế, liền lại níu yên thái tử mà thưa rằng:
- Quân giặc xâm phạm cung khuyết, bốn biển nát tan, chẳng nhân tình người thế này lo chuyện hưng phục, còn đợi đến bao giờ. Nay điện hạ theo đấng chí tôn vào Thục, nếu quân giặc đốt sạch sạn đạo 1, quả là chắp tay mà dâng Trung Nguyên cho giặc. Lúc ấy, lòng người ly tán khó mà phục hồi, mai nay dẫu muốn cũng không sao kịp nữa. Chi bằng bây giờ, thu nhập binh lính phía tây bắc, triệu Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật lại, cùng nhau đánh sang đông, khôi phục hai kinh, rồi bình định chín châu, quét sạch cung khuyết, đón đấng chí tôn, khiến xã tắc nguy thành yên, tôn miếu mất mà lại còn. Đó phải chăng là điều hiếu lớn nhất không? Hà tất cứ phải khư khư một bước không rời, sớm hôm chiều chuộng mới tỏ được sự kính yêu của kẻ nhi nữ thường tình sao?
Quảng Bình Vương cũng đứng bên thưa thêm rằng:
- Lòng người không thể để mất, Kiến Ninh Vương nói rất đúng, xin điện hạ hãy soi xét kỹ cho.
Đông cung thị vệ Lý Phụ Quốc cũng đến trước thái tử, cúi lạy xin thái tử ở lại. Trăm họ reo hò không ngớt. Thái tử bèn sai Quảng Bình Vương ruổi ngựa đến ngay xa giá khởi tấu, chờ ý Huyền Tông định đoạt.

Lúc này Huyền Tông cũng vừa truyền dừng xe để đợi Thái tử, đang định sai người quay lại xem sao thì vừa lúc Quảng Bình Vương tới thuật rõ chuyện trăm họ giữ lại. Huyền Tông phán:
- Lòng người như thế, cũng chính là ý trời vậy. Trẫm sở dĩ không đốt cầu, là ý cùng với trăm họ đánh giặc, không dám để mất lòng dân. Nay lòng dân đã theo thái tử, quả là điều may mắn cho trẫm vậy!
Liền truyền mệnh đem hai nghìn hậu quân, cùng ngựa Phi Long chia cho thái tử, lại phủ dụ tướng sĩ:
- Thái tử nhân hiếu, có thể phò yên xã tắc, các khanh nên theo đúng đạo thần tử mà thờ thái tử.
Lại truyền lời cho thái tử rằng:
- Các bộ lạc ở tây bắc, trẫm vẫn phủ dụ rất ân cần, nay có thể dùng được. Đông cung hãy cố sức. Trẫm rồi sẽ truyền ngôi cho Đông cung một ngày gần đây.
Thái tử nghe chiếu, nhìn về hướng tây mà kêu khóc, Quảng Bình Vương liền truyền dụ trăm họ:
- Thái tử đã vâng chiếu ở lại, để vỗ yên trăm họ vậy!
Dân chúng đều reo hò ầm ĩ:
- Vạn tuế!
Rồi hăm hở mà tan. Thái tử chưa rõ nên ở đâu cho tốt. Lý Phụ Quốc hỏi:
- Trời mỗi lúc một nắng to, nơi này không thể ở lâu, nay ý mọi người thấy nên về đâu?
Binh lính đều yên lặng không đáp. Kiến Ninh Vương cất tiếng:
- Điện hạ ngày trước đã từng làm Sóc Phương Tiết độ sứ, quan tướng vùng ấy giờ vẫn còn nhớ rõ họ tên, thư từ đi lại. Nay vùng Hà Lũng, rất nhiều lũ bại trận theo giặc, người ngựa nhiều, Hà Tây Hành quân tư mã Bùi Miện hiện đang ở đó, người này vốn dòng danh giá áo mũ, tất chẳng bao giờ hai lòng, có thể cùng đến đó, rồi mưu đồ việc lớn. Giặc mới vào Trường An, tất bỏ trống vùng này, thừa cơ hội mà đi ngay, mới là thượng sách vậy.
Ai nấy thấy phải lẽ, liền theo phương Bắc, thành đoàn mà đi. Tới bến Vị Thủy, gặp người ngựa thua chạy từ Đông Quan về, nhận nhầm là quân giặc, cùng nhau đâm chém một hồi, chết rất nhiều, mới lại thu tập tàn binh. Định qua sông, nhưng thuyền bè chẳng có, phải tìm chỗ nước nông, ôm ngựa mà bơi sang, những binh lính không có ngựa, đều đành khóc lóc mà quay lại. Tới Tân Bình, suốt ngày đêm đã đi hơn ba trăm dặm, binh sĩ, khí giới mất mát đến hơn một nửa, chỉ còn cả thảy mấy trăm người mà thôi.
Chính là:
Ngôi thái tử ngồi coi việc nước
Lo việc quân trong bước gian nguy
Hiện giờ vận nước lưu ly
Danh tuy thái tử, thực thì rỗng không!
Chuyện chia hai mối, hãy nói Huyền Tông để thái tử ở lại rồi, xa giá hướng về tây mà đi. Tới Kỳ Sơn, nghe đồn quân giặc đã kéo tới gần, Huyền Tông vội đốc thúc tướng sĩ, ngày đêm gấp về Phù Phong để nghỉ ngơi. Sĩ tốt mấy ngày liền mỏi mệt, đói khát, đều ngầm có ý bỏ trốn cả, thì thầm to nhỏ, toàn những lời bất kính. Trần Nguyên Lễ chẳng biết làm gì được, Huyền Tông lấy làm lo lắng. Tần Quốc Trinh tâu:
- Trong khi lòng chúng nao núng thế này, không thể uy thế bức bách được, phải lấy tình lấy lý khuyên dụ khiến cho họ cảm động mới xong.
Huyền Tông nghe theo. Vừa may đoàn người tiến cống hàng năm của thái thú Thành Đô theo lệ đem mười vạn tấm lụa mầu mùa xuân đến Phù Phong. Huyền Tông sai bày cả ra sân, gọi tướng sĩ vào, thân đứng ngoài hiên mà phủ dụ:
- Trẫm gần đây đến tuổi lẩm cẩm, lại dựa phải lũ người chẳng tốt đến nỗi nghịch tặc làm loạn, thế thậm hung dữ, không thể không tạm tránh lúc mạnh của chúng. Các khanh vất vả theo đi, chẳng kịp từ biệt cha mẹ, vợ con, lặn lội tới đây, lao khổ cũng nhiều rồi. Bởi trẫm ở ngôi không chính mà dẫn đến thế, lòng thật hổ thẹn. Nay vào Thục, đường còn dài, người ngựa đều mỏi mệt, đi xa không dễ. Các khanh tự quay về nhà, trẫm sẽ cùng con cháu, cùng các quan viên nội cũng gắng sức mà đi. Các khanh cùng trẫm chia tay, hãy lấy một phần lụa xuân này, đổi lấy lương thảo. Về gặp cha mẹ, vợ con phụ lão ở Trường An, chuyển lời của trẫm, gắng giữ gìn, không cần phải nghĩ tới trẫm làm gì.
Nói xong, nước mắt tuôn ướt cả hoàng bào. Binh sĩ nghe thương tâm, ai nấy đều khóc, cúi đầu mà tâu:
- Chúng thần dẫu sống dẫu chết cũng đi theo bệ hạ, không bao giờ dám hai lòng.
Huyền Tông chùi nước mắt rồi mới vào trong, nhưng vẫn còn ngoái lại mà nói với mọi người:
- Đi hay ở là tùy các khanh, trẫm không dám cưỡng ép vậy.
Tần Quốc Mô đứng ở phía sau lên tiếng:
- Thiên tử đã nhân ái như vậy, chúng thần há không biết động lòng hay sao?

Binh sĩ đều khóc mà quay ra. Huyền Tông sai Trần Nguyên Lễ đem hết cả lụa cấp cho quân sĩ, từ đó những lời bàn tán mới thực hết.
Chính là:
Ba quân xôn xao muốn làm loạn
Phút chốc dẫu vua cũng mất mạng
Chẳng dùng uy thế dẹp ba quân
Mà chỉ lòng nhân mới cứu đặng.
Lòng quân đã định, ngày hôm sau Huyền Tông lại lên đường, đi đến Hà Trì. Thục Quận trưởng sử là Thôi Viên tới đón xa giá, tâu rõ đất Thục giàu có, quân sĩ khỏe mạnh, Huyền Tông rất vui, sai đi trước dẫn đường. Thế là đã vào đất Thục. Qua một cầu lớn, Huyền Tông hỏi tên cầu, Thôi Viên thưa:
- Đây là cầu Vạn Lý!
Huyền Tông nghe nói, sực tỉnh gật đầu mà phán:
- Thế là lời nhà sư Nhất Hạnh đã nghiệm rồi. Trẫm chẳng còn sợ gì nữa!
Nguyên là nhà đường có một thần tăng, tên gọi Nhất Hạnh, tinh thông thiên văn, lịch pháp, từng chế được cả "Hỗn thiên nghi" và "Phúc củ đô" 2, cực kỳ thần diệu. Còn về số so với Viên Thiên Cơ, Lý Thuần Phong chẳng thua kém gì. Huyền Tông thường đi Đông Đô, cùng Nhất Hạnh lên lầu tây của chùa Thiên Cung, ngắm nhìn trời sao, bâng khuâng mà than:
- Trẫm coi sóc sông núi như thế này, tất là sẽ được hưởng mãi cảnh yên vui vậy!
Nhân đó mới hỏi Nhất Hạnh:
- Trẫm may ra có thoát khỏi tai họa cả đời chăng?
Nhất Hạnh thưa:
- Bệ hạ "du hành Vạn Lý", tuổi thánh không có điều gì đáng lo.
Lúc ấy Huyền Tông cũng nghe vậy, chỉ nghĩ đó là lời ngợi ca, nào ngờ có ngày đi mãi vào Tây Thục, qua cầu này, cũng tên là Vạn Lý, nhân đó lại nhớ tới lời Nhất Hạnh, mới thấy nghiệm. Nghĩ tới câu sau, biết rằng mình không gặp điều gì nguy hiểm nữa, cho nên trong lòng thoải mái mà phán:
- Trẫm chẳng còn gì sợ nữa!
Chính là:
Đi xa Vạn Lý khéo lên cầu
Lời sấm nhà sư thật nhiệm mầu
"Thánh thọ vô cương" may mắn lắm
Đường xa rong ruổi bớt lo âu.
Huyền Tông giục quân sĩ đi nhanh, chỉ mấy ngày sau, đã tới trạm dịch Thành Đô. Từ điện đình, cung thất cho tới các vật dụng tuy đều là tranh cỏ dân dã, nhưng rất đầy đủ, tề chỉnh. Lại thêm núi cao sông sâu, thành quách gọn gàng, có thể tạm yên ổn. Chỉ có điều người sủng ái năm xưa không còn trước mặt, nghĩ lại chuyện mới ngày nào ở Mã Ngôi, không nén nổi đau xót. Cao Lực Sĩ phải nhiều lần khuyên giải. Vi Kiến Tố, Vi Ngạc, Tần Quốc Mô, Quốc Trinh đều dâng biểu bàn kế chống giặc, Huyền Tông giáng chiếu, phong cho thái tử làm Tống tiết chế, sai người đi các nơi lo liệu. Đặc sai Vĩnh Vương Lý Lân làm Sơn Nam đông đạo Lĩnh Nam, Kiền Trung, Giang Nam Tây đạo tiết độ sứ. Lấy Thiếu phủ tây giám Đậu Thiệu, Trường Sa Thái thú Lý Hiện làm Phó đô đại sứ. Ngày hôm sau lên đường đi Giang Lăng để nhận việc. Lại xuống chiếu lấy thái tử làm Thiên hạ binh mã Đại nguyên soái, lãnh Sóc Phương, Hà Bắc, Bình Lư Tiết độ sứ để thu phục Trường An, Lạc Dương.
Nào ngờ chiếu chưa xuống đến nơi, thì thái tử đã tự mình lên ngôi chính vị thiên tử. Nguyên là thái tử ngày ấy qua sông Vị Thủy, đi đến Bành Thành, thái thú Lý Đôn ra đón, đem y phục cùng lương thực dâng lên. Đến Bình Lương xem ngựa, đến mấy vạn con, lại chiêu mộ dũng sĩ được tới hơn ba nghìn người. Vì vậy quân thanh ngày một vang động. Lúc này có Sóc Phương lưu hậu Đỗ Hồng Tiện, Lục Thành thủy lực vận sứ Ngụy Thiếu Du, Tiết độ phán quan Thôi Y, Độ chi phán quan Lư Giản Kim, giám trì phán quan Lý Hàm, cả bọn năm người, cùng bàn với nhau.
- Thái tử nay ở Bình Lương, nhưng Bình Lương là đất bằng phẳng, không phải là nơi đóng quân tốt. Vùng Linh Vũ, binh lính, lương thảo đều giàu, chi bằng đón thái tử tới đó, gom các thành quách cùng binh lính phía bắc, phía tây thì thu phục được quân kỵ mã hùng mạnh, quay về nam mà định Trung Nguyên. Quả là tính chuyện một lúc cho vạn đời sau vậy!
Bàn bạc xong xuôi, Lý Hàm đem sổ sách dâng thái tử, trình rõ số người ngựa, giáp trụ, lương thảo của cải Sóc Phương. Đỗ Hồng Tiện, Thôi Y thân tới tận Bình Lương, tâu với thái tử:
- Sóc Phương lâu nay là nơi binh cường ngựa mạnh của thiên hạ, lại giao hảo với Thổ Phồn, Hồi Hột, bốn bễ quận huyện đều kiên trì chống giặc, đợi ngày hưng phục. Điện hạ nếu đóng quân ở Linh Vũ đưa hịch đi khắp nơi, thu thập kẻ trung nghĩa, giữ chắc lấy dãy đất này, không những kẻ thù chẳng đụng đến được, chúng thần đã cử Ngụy Thiếu Du, Lư Giản Kim xây dựng cung thất ở đó, tích trữ lương thảo, chờ điện hạ xa giá tận nơi xem xét.
Quảng Bình Vương, Kiến Ninh Vương đều tán đồng, vì vậy thái tử liền dẫn người ngựa tới Linh Vũ.

Mấy ngày sau, Hà Tây tư mã Bùi Miện làm Ngự sử trung thừa, nhân tới Linh Vũ ra mắt, cùng bọn Đỗ Hồng Tiệm bàn bạc, thưa với thái tử, nhắc lại lời Huyền Tông ngày còn ở Mã Ngôi, định truyền ngôi cho thái tử, nay là lúc nên định vị, để yên lòng mọi người. Thái tử không nghe :
- Phụ hoàng vất vả đường dài, ta đâu dám tự chuyên lên ngôi báu?
Bọn Bùi Miện lại thưa;
- Tướng sĩ đều là người Quan Trung, ai mà không ngày đêm nhớ nhà muốn về, nhưng không ngại đường xa gập ghềnh, đi đến tận vùng sa mạc, biên tái xa xôi, những mong để dựa mình rồng, vịn cảnh phượng, kiến công lập nghiệp với đời. Nếu điện hạ cứ khư khư theo thói thường, mà không quyền biến, khiến cho lòng người một sớm ly tán, thì công huân lớn chẳng mong thành. Xin hãy nghĩ đến lòng chúng, lo đến kế lâu dài của xã tắc.
Thái tử vẫn do dự, xung quanh phải nhiều lần khuyên giải mới nghe theo lời xin.
Tháng bảy mùa thu, năm thứ mười lăm, đời Thiên Bảo 3, thái tử lên ngôi ở Linh Vũ, lấy hiệu là Túc Tông Hoàng đế, đổi làm năm Chí Đức Nguyên niên, dao tôn 4 Huyền Tông làm thượng hoàng Thiên đế, Bùi Miện, Đỗ Hồng Tiệm, cùng các quan đều được gia quan tiến trật.
Định dâng biểu tâu Minh Hoàng, thì vừa lúc chiếu thư của Minh Hoàng phong thái tử làm nguyên soái cũng tới. Lúc này Túc Tông mới biết là xa giá của Minh Hoàng đã tới Thành Đô, liền sai sứ giả dâng biểu vào Thục, đem việc lên ngôi tâu rõ. Minh Hoàng xem biểu mừng mà rằng:
- Con ta theo đúng mệnh trời lòng người, "ứng thiên thuận nhân", ta còn lo gì nữa!
Liền hạ chiếu:
"Từ nay các tấu chương đều xưng là thái thượng hoàng. Các việc quân việc nước quan trọng, trước tiên phải tâu với hoàng đế để xem xét rồi sau đó tâu cho thái thượng hoàng biết. Đợi đến khi nào khôi phục được hai kinh, thì thượng hoàng sẽ không tham dự việc triều chính nữa. "
Lại sai thị lang bình chương sự Phòng Quán, cùng với Vi Kiến Tố, Tần Quốc Mô, Quốc Trinh đem ngọc sách, ngọc tỷ tới Linh Vũ làm lễ truyền vị, lại ban cho các quan không phải quay về, phục mệnh của tân quân.
Túc Tông khóc mà vái lạy, đem những thứ này để thờ một điện riêng, chưa dám làm lễ nhận ngay.
Chính là:
Ngôi báu đà lên trước
Chiếu truyền mới đến sau
Việc làm dù có phải
Sau trước nghĩ thế nào?
Về sau này các nhà nho đời Tống đều phần nhiều lấy việc Túc Tông chưa nhận được chiếu truyền của Minh Hoàng, mà đã tự mình lên ngôi báu, đổ cho là thừa lúc nguy cấp mà thoán vị, là làm việc phản cha. Nhưng cứ theo tình thế bây giờ mà nói, còn mất, nguy cấp khôn lường, phải giữ lấy lòng người, bất đắc dĩ phải làm. Huống chi Minh Hoàng bao nhiêu lần muốn nhường ngôi, đã nói ra miệng với nhiều người. Nay Túc Tông lên ngôi ở Linh Vũ cùng là đã theo mệnh trước, nên có thể châm chước ít nhiễu, nói rằng thoán vị, nói rằng phản cha, thì tựa hồ thái quá chăng! Nếu bàn đến lầm lỗi của Túc Tông thì là ở chỗ, sau khi tức vị, quá yêu thương em gái Trương Lương, đương lúc việc quân bận rộn, mà vẫn nghĩ tới chuyện vui hưởng khoái lạc, thì thật đáng cười.
Chính là:
Không lo ngôi báu, chơi cho thỏa
Con hiếu là mong chuộc lỗi cha.
Đã như vậy, chuyện lên ngôi cũng có thể chấp nhận được, nhưng còn việc thay đổi niên hiệu rõ ràng là không coi cha ra gì nữa. Giả sử lúc bấy giờ mà Nghiệp Hầu Lý Bí sớm đã ở ngay cạnh, tất công việc không đến nỗi như vậy.
Về sau có người làm thơ than:
Linh Vũ lên ngôi cao
Thác rằng nhiều việc khó
Cải niên hiệu tức thì
Thật là một chuyện dở
Các quan bàn việc này
Không biết sửa tầm lỡ
Tiếc rằng Lý Nghiệp Hầu
Có ở triều chậm quá!
Ngày nhàn, nói chuyện dông dài, hãy kể lúc này các thái tử, có người đi phía tây, có người đi tuần phía Bắc. Nguyên do là An Lộc Sơn không ngờ xa giá đã lên đường ngay, nên lệnh cho quân sĩ ở Đồng Quan không được coi thường mà tiến quân vào Trường An, vì vậy tướng giặc là Thôi Càn Hựu đành đóng binh để xem xét. Chờ đến khi xa giá đã đi được mấy ngày, Lộc Sơn nghe báo, mới sai bộ tướng Tôn Hiếu Triết, dẫn quân vào Trường An.
Quân giặc vào kinh sư, thấy Tả Tạng đầy ắp lương thảo, của cải, tranh nhau mà cướp. Ngay đêm đó bày tiệc rượu ăn mừng, một mặt sai người đi Lạc Dương báo tin thắng trận, chờ Lộc Sơn vào kinh, nên cũng chẳng nghĩ tới việc đuổi theo xa giá, vì vậy Minh Hoàng được an toàn mà vào Thục. Túc Tông quay lên Sóc Phương cũng chẳng có gì trở ngại lớn. Đó âu cũng là lòng trời.
Chính là:
Rút quân chẳng đốt kho tàng

Nhử giặc cướp của, không màng đuổi theo
Rảnh đường vua thẳng một lèo...
Lộc Sơn tới Trường An, nghe chuyện binh biến ở Mã Ngôi, Dương Quốc Trung bị giết, Quý Phi phải tự thắt cổ, Hàn Quốc, Quắc Quốc phu nhân bị giết, khóc lớn mà than:
- Dương Quốc Trung quả là đáng chém, nhưng sao lại giết cả chị em Ngọc Hoàn của ta? Ta đến đây chính là để cùng các phu nhân hoan lạc. Nay thì hết cả mong chờ rồi, hận này bao nguôi?
Lại nhớ tới vợ con An Khánh Tôn bị triều đình giết, nhất thời nổi cơn căm giận, liền ra lệnh cho Tôn Hiếu Triết tìm bằng hết trong kinh sư tôn thất, hoàng thân, chẳng kể hoàng tử, hoàng tôn, quận chúa, huyện chúa, cho đến các phò mã, quận mã cùng quốc thích đều bị chém một loạt. Lại lệnh khoét tim đàn ông, đàn bà bị giết để tế Khánh Tôn, Lộc Sơn thân đứng tế. Hôm ấy, Sùng Nhân điện đều treo trường gấm đặt bài vị Khánh Tôn, các tay đao phủ dồn thây người chết chém lại, chờ đến lúc tế mới moi tim.
Chuyện cũng kỳ quái, khó tin, nhưng quả là bỗng trời tối sầm, đất bụi mù, sấm nổi đùng đùng, chớp giật sáng lòe, gió lớn thổi mạnh, những con dao của đao phủ gió cuốn bay biến, đài cao đắp lên, sét đánh tan nát cùng với bài vị của Khánh Tôn, các màn nhung trướng gấm đều bị thiêu ra tro. Lộc Sơn hoảng sợ, phải ngẩng nhìn trời mà lạy tội, không dám tiếp tục làm lễ nữa, lệnh cho quân sĩ đem các tử thi chôn lấp tất cả.
Chính là:
Trị loạn là bởi lòng trời
Hung tàn là trái đạo người
Sấm sét răn đe đứa ác
Một phen hồn phách tơi bời!
Trước đây Minh Hoàng xuất bôn, nguyên ý muốn tôn thất, hoàng thân cùng chạy, bởi Dương Quốc Trung ngăn trở, nay bọn này đều bị giết cả. Tội ở Quốc Trung, thằng giặc này chết vẫn chưa hết gây họa vậy.
Chính là:
Bàn ngang gây hại lớn
Tùng xẻo tột chưa đang.
Hôm ấy các tử thi miễn được vạ moi tim, nhưng những người mà lâu nay Lộc Sơn thù oán, đều bị truy tìm giết cả. Lộc Sơn còn quát nạt:
- Lý Thái Bạch thuở trước mượn cớ say rượu chửi ta, nay mà có đây nhất định phải giết ngay.
Phàm những người thân tín của Quốc Trung, của Cao Lực Sĩ cũng đều đem giết. Những quan viên theo giá mà gia quyến còn ở kinh, đều đem chém cả. Chỉ có gia quyến Tần Quốc Mô, Quốc Trinh đã bỏ trốn từ trước, nên không bị hại. Nội thị Biên Lệnh Thành đầu hàng, đem chìa khóa của lục cung dâng lên. Lộc Sơn liền sai người lục soát khắp nơi, đến cung của Mai Phi Giang Thái Tần, thấy một thây cung nữ đã rữa nát, liền cho rằng Mai Phi đã chết rồi đây, nên không truy tìm nữa. May thay vì thế mà Mai Phi không bị giặc bắt, đến khi hoàng thượng trở về, lại cùng được bách niên giai lão đoàn viên vậy.
Đáng cười thay là Dương Quý Phi, bị nạn thình lình, cũng chẳng qua là quá ngang ngược, ngăn trở nhà vua, không cho Mai Phi cùng đi, không ngờ có binh biến Mã Ngôi, đến nỗi tính mạng cũng không giữ nổi, phải chết trước. Người đời sau có thơ:
Một họ anh em kéo cả đi
Theo vua lại cấm cả Mai Phi
Mã Ngôi bị giết toàn gia đó
Cười ngất không ghen một chút chi!
Lộc Sơn hạ lệnh, phàm các quan viên ở Trường An, không ra hàng ngay, lập tức xử tử. Vì vậy Kinh triệu doãn Thôi Quang Viễn, tể tướng đã về hưu Trần Hy Liệt, hình bộ thượng thư Trương Quân, Thái thường khanh Trương Tự đều ra hàng giặc. Trương Quân cùng Trương Tự đều là con của Yên Quốc Công Trương Duyệt. Trương Tự lại còn là phò mã, lấy Ninh Thân công chúa, là quốc thích mấy đời chịu ơn dày của quốc gia, lại là dòng dõi danh thần, không ngờ bại hoại cả gia phong đến thế.
Cha tước Yên Quốc Công
Con thờ Yên Đế ngụy
Nhục nhã cho giống dòng
Thật "nan huynh nan đệ".
Lộc Sơn lấy Trần Hy Liệt, Trương Tự làm tả hữu thừa tướng, lại đem Thôi Quang Viễn làm kinh triệu doãn, các quan lại khác đều chịu chức mới của triều ngụy đầy vẻ hăm hở. Nhưng lũ giặc đều là phường thô lỗ, tham bạo, chẳng nghĩ gì đến việc mai sau, mới chiếm được Trường An, thì ý chí đã thỏa, ăn uống vét của, chơi bời, không hề bàn đến chuyện chinh tây. Lộc Sơn nhớ Phạm Dương cùng Đông Kinh, không thích ở Tây Kinh.
Chính là:
Rõ ràng bộ mặt tham tàn thế
Sao cũng đòi xưng Thánh Vũ đây!
Không rõ sự thể ra sao, xin xem hồi sau phân giải.--------------------------------
1Sạn đạo: đường đi ở vùng núi non rất hiểm trở, dùng gỗ cây và ván lát như thang, như cầu mới đi được. 2Tên các dụng cụ để đo mặt trời, trăng sao, đo động đất thời cổ Trung Quốc. 3Tức năm 756 sau công nguyên, Việt Nam vẫn là thuộc Đường. 4Dao Tôn: tôn từ xa, vì lúc này Huyền Tông vẫn ở mãi Thành Đô.