Vị Vương Công Cuối Cùng

Chương 16: Số kiếp (2)




Tháng Chín năm ấy, con gái của Hiển Sướng và Thải Châu ra đời. Đạo trưởng chân nhân ở Bồng Lai xa xôi cử người mang thiếp tới, trong đó là cái tên ông tỉ mỉ tính ra: Hách Kỳ. Cả phủ ai cũng khen tên này hay, vừa uy nghi long trọng vừa lộng lẫy đường hoàng, chỉ có Hiển Sướng là chê bai: Quá nhiều nét, viết mệt. Thải Châu cười bảo: “Vậy chàng lấy một cái tên dễ viết làm nhũ danh cho con đi.” Lúc nói câu này, đứa trẻ đang được vú em ôm trong lòng duỗi cánh tay như ống ngải cứu (*) vươn ra ngoài, ra sức quơ quẫy làm rơi một cái cốc sứ từ trên bàn xuống. Cái cốc rơi xuống mặt đất vỡ tan tành, tiếng rất vang, Hiển Sướng lập tức nảy ra một ý, ôm con lại, nhìn cặp mắt sáng ngời của đứa nhỏ, nói: “Binh Binh. Gọi là Binh Binh đi.”

“Băng của băng tuyết ấy ạ?”

“Không phải, Binh trong binh lính ấy.” (**)

“Đó đâu phải tên con gái.”

“Nó không phải đứa con gái bình thường, nó là con gái ta.”

(*) Ngải cứu là một phương pháp trị liệu trong châm cứu Đông y, dùng lá ngải chế biến thành ống thuốc, đốt ống hơ lên huyệt vị hoặc đặt lên những bộ vị đặc biệt, dùng hơi nóng kích thích và điều chỉnh các rối loạn sinh lý trong cơ thể.

Ống ngải cứu

(**) Chữ “binh ()” và chữ “băng ()” tiếng Trung đồng âm [bīng].

Thải Châu mong chờ một đứa con trai, sinh ra lại là con gái, bất kể thế nào, cô cũng cảm thấy có phần thất vọng. Nhưng sự cưng chiều của Hiển Sướng và bản thân đứa trẻ lại khiến cô ngày một vui vẻ. Đứa con gái thân thể khỏe mạnh, dồi dào sinh lực, không khóc không quấy, lại chăm tập thể dục từ sớm. Mỗi ngày nó đều nằm trên giường giơ hai cái chân bọc trong tã lót lên thật cao, tạo thành một góc vuông rõ ràng. Binh Binh có khuôn mặt cực kì giống Hiển Sướng, đường nét mắt, mũi, miệng, gương mặt, mép tóc đều rất đẹp, da còn trắng như men sứ nữa, đem so với ảnh cha nó khi còn nhỏ chỉ thấy giống nhau như đúc. Phúc tấn bệnh tật đã lâu, sức khỏe suy yếu vực dậy được tinh thần, ôm cháu gái vào lòng, nhìn trái nhìn phải, ngắm nghía thế nào cũng thấy không đủ. Lúc đứa nhỏ có một nốt ruồi son sau gáy này vừa mới bắt đầu biết lẫy trên giường, Hiển Sướng đã sai người tìm một con ngựa nhỏ quý giá tướng tá đẹp đẽ, huyết thống thuần khiết ở Mông Cổ cho nó.

Vậy nhưng, trong lòng Thải Châu, tất cả đều không có ý nghĩa trọng đại bằng việc mà Binh Binh làm lúc lên hai.

Đó là một buổi chiều hè, Minh Nguyệt mang một món quà nhỏ tới phòng cô chơi với Binh Binh. Đó là một con ếch đồ chơi màu xanh biếc, sống lưng thêu vài sợi chỉ đỏ, lúc lên dây cót có thể bật nhảy. Binh Binh trông thấy thích cực kỳ, chơi cùng Minh Nguyệt một lúc, tự học được cách lên dây, bàn tay bụ bẫm vặn dây cót mấy vòng, đặt xuống đất, con ếch lập tức nhảy bật lên, nhảy từng bước tới trước mặt Minh Nguyệt. Binh Binh cũng đi theo, cùng con ếch nhảy vào lòng Minh Nguyệt, cười khanh khách. Minh Nguyệt cũng thích nó, ôm trong lòng thơm tho mềm mại, muốn thơm cô bé một cái, lại có chút không dám, chỉ cười nhìn nó, hai người bốn mắt nhìn nhau.

Lúc đó trong phòng có không ít người. Có phúc tấn, có trắc phúc tấn, đại cách cách Hiển Du sắp xuất giá và hai cô em gái cũng có mặt, trong phòng có tiếng nói chuyện và tiếng cắn hạt dưa, không ai chú ý tới Minh Nguyệt và Binh Binh đang chơi đùa trên thảm trải sàn.

Nhưng, một giọng nói non nớt vô cùng rõ ràng đã lọt vào tai của tất cả mọi người, hai chữ: “Hồ ly.”

Tiếng nói chuyện và cắn hạt dưa dừng bặt, trong phòng thoáng chốc lặng phắt như tờ. Ánh mắt đám phụ nữ rơi xuống đứa trẻ bé nhỏ đáng yêu, nhìn nó nằm trong lòng Minh Nguyệt, con ngươi đen láy sáng ngời, khóe miệng nở một nụ cười tươi rói ngây thơ, ngón trỏ chỉ vào chóp mũi cao cao của Minh Nguyệt cô nương, dường như đợi cho sự chú ý của tất cả mọi người cuối cùng cũng tập trung hết lại đây mới lặp lại thật rành rọt: “Hồ ly.”

Đêm khuya, Thải Châu đứng bên giường Binh Binh nhìn khuôn mặt ngủ say của con gái, bản thân cô cũng rất ngỡ ngàng: Là ai dạy con bé nói “hồ ly”?

Trước nay nó chưa từng trông thấy hồ ly, cũng chưa từng biết tới hai chữ này, nói cách khác, trong đầu đứa nhỏ căn bản là không tồn tại hình tượng và khái niệm về “hồ ly”. Nhưng sao nó lại có thể chỉ vào mặt Minh Nguyệt, nghiêm túc chắc nịch thốt lên hai chữ đó như thế? Thật bất thường.

Nghe nói, mắt trẻ con có thể thấy được những thứ người lớn không thấy, lẽ nào Binh Binh thực sự thấy được nguyên hình yêu nghiệt dưới lớp da của Minh Nguyệt? Thải Châu nhớ tới chuyện con cáo trắng đã nhảy vào căn nhà của Minh Nguyệt sau tiệc mừng thọ phúc tấn hơn hai năm trước. Đó rốt cuộc là trùng hợp vừa khéo hay chân tướng xác thực?

Người khác sẽ nói thế nào đây?

Bà cụ sẽ lo lắng, sẽ càng căm ghét hoặc kiêng dè con bé kia hơn.

Miệng lưỡi đám tôi tớ sẽ lấy Minh Nguyệt ra làm truyền thuyết và trò cười, nhưng cũng khó đảm bảo rằng họ không châm biếm mình. Họ sẽ nghĩ, thiếu phu nhân nhịn nhục nhiều năm đã nói xấu thế nào về người phụ nữ khác với con gái mình, bởi vậy nên đứa trẻ thành thật đã phun hết ra ngoài miệng. Nhưng có trời mới biết, cô chẳng thèm làm cái chuyện bẩn thỉu vô vị đó bao giờ.

Nhưng bất kể thế nào, lời đứa trẻ nói cũng là lời cô muốn nói. Đứa con gái hai tuổi của cô đã dùng sự vô tri và can đảm của nó để trả thù con đàn bà đã chiếm đoạt Hiển Sướng, bảo vệ mẹ mình. Chuyện khiến Thải Châu kinh ngạc, song nghĩ ngợi một hồi lại cảm thấy hả dạ và biết ơn. Cô cầm bàn tay nắm hờ trong lúc ngủ mơ của con gái lên, hôn nhẹ một cái, thủ thỉ: “Con bảo vệ ngạch cát, ngạch cát cũng sẽ bảo vệ con.” Thải Châu đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần chiến đấu, nếu Minh Nguyệt khóc lóc kể lể với Hiển Sướng thì phải làm sao? Hiển Sướng tìm cô gây sự, bắt cô phải tự quản bản thân và con mình cho tử tế thì phải làm sao? Cô không sợ phải đối chọi quyết liệt với bất kì ai, kể cả tiểu vương gia. Lúc cô chỉ có một mình còn chưa từng sợ, huống chi lúc này còn có cả con gái?

Nhưng chuyện lại ngừng bặt ở đó, sau đó không có bất kì chuyện gì tiếp tục và phong ba nào khác. Giống như một đốm lửa nhỏ bị vùi ngập vào cát, như tàn hương mỏng manh bị gió thổi tan. Minh Nguyệt một mình chịu đựng hết nỗi tủi nhục ấy, hoàn toàn không truyền đến tai Hiển Sướng. Do đó mà Thải Châu càng thêm cảm thấy con bé trẻ tuổi này u ám và đáng sợ, không biết nó sẽ trả thù lại thế nào, bao giờ thì bùng nổ.

Sự tẩy chay và phản cảm của một người đối với một người khác đôi lúc không cần phải nhen nhóm bằng cãi cọ và xung đột.

Chỉ cần cô ta không yên lòng là đủ.

Minh Nguyệt ở nhà càng ngày càng không thích nói chuyện, cả ngày chỉ đọc sách viết chữ, hoặc là ngẩn người nhìn ra ngoài cửa sổ. Hiển Sướng nói với nàng ba câu, nàng mới đáp lại một tiếng, cũng chỉ là những tiếng “ừ”, “ồ”, “vâng” không chút ý nghĩa. Thân thể thì lại rất tốt, mềm mại ngọt ngào, nhưng lúc làm tình lại thường xuyên giương mắt nhìn sang chỗ khác, chân thẳng đơ, tay cũng không vòng ra sau vuốt ve lưng và tóc chàng nữa, hệt như một khúc gỗ. Chàng bóp cằm nàng hỏi: “Muốn ăn đòn hử?”, nàng cười cười, lật người lại, xây lưng về phía chàng. Tư thế này rất tuyệt, cả hai đều thích, Hiển Sướng vào được sâu hơn, nàng thì hoàn toàn không cần phải phối hợp, đếm đếm một hồi rồi ngủ mất: Một cái, hai cái, ba cái…

Người nếu muốn bị chán ghét sẽ nảy ra vô số ý tưởng, dễ dàng hơn muốn được yêu thích nhiều.

Một ngày nọ, Minh Nguyệt chơi bóng rổ ở trường rất muộn, phòng tắm trong trường bị hỏng chưa kịp sửa, Minh Nguyệt cũng không thay quần áo gì mà cứ thế về nhà, đầu tóc, toàn thân đều là mùi mồ hôi nóng nực. Nàng vào phòng, vừa cởi giày chơi bóng ra đã trông thấy Hiển Sướng bịt mũi, trong lòng lập tức ghi nhớ: Ồ, chàng ghét cái này.

Không lâu sau, trường học tổ chức cho đi đồng ruộng học làm nông. Trọn hai ngày, Minh Nguyệt ra sức xới đất nhặt phân, làm cả người dơ dáy nhếch nhác rồi trở về, ban đêm vào phòng cởi giày, không cởi quần áo mà đi thẳng vào giường, vừa nghiêng người nằm xuống mép giường, một cẳng chân đã thò ra đạp nàng xuống đất.

Lúc đó, Hiển Sướng thực ra chưa ngủ hẳn, mùi hôi xú uế hỗn tạp tỏa ra từ người Minh Nguyệt xộc thẳng vào mũi, nhất thời khiến chàng tỉnh táo lại. Chàng lấy chăn che mũi, trong lòng cảm thấy ghét bỏ vô cùng, chân nhắm vào mông nàng đạp nhẹ một cái, Minh Nguyệt theo lực đá ngã xuống đất. Giường cũng không cao, bên dưới còn trải thảm dày dặn, dù có đạp mạnh hơn nữa ngã xuống cũng bị thương thế nào được? Nhưng Minh Nguyệt nằm dưới đó thật lâu mà chẳng thấy có động tĩnh gì, Hiển Sướng bò ra mép giường nhìn xuống, nàng úp sấp mặt, một tay chống eo, không nhúc nhích.

“Sao thế?”

“Eo…eo đau.”

Chàng định bế nàng lên giường, Minh Nguyệt lại la lối xuýt xoa than đau, không cho chàng đụng vào. Thế là nửa đêm gọi bác sĩ Đông y và chuyên gia chữa trị thương tích do bị ngã bị đánh tới, kê thuốc uống và cao dán, lại dặn dò phải nghỉ ngơi thật tốt, không được cử động linh tinh. Nhờ đó, Minh Nguyệt đạt được mong muốn, vớt được hơn một tháng nhàn hạ ngủ, không cần tiếp tục trải thân mình ra với người khác, đếm từng cái chìm vào giấc ngủ nữa.

Cảm giác này kỳ quái thì đã đành, không những thế còn rất gàn bướng. Nàng cảm nhận được trong lòng mình tích tụ rất nhiều rất nhiều bất mãn, oán khí tuôn ra theo từng hơi thở, có thể giết chết thực vật đang khỏe mạnh tươi tốt. Chậu lan trồng năm, sáu năm nay của nàng khả năng cao đã chết vì lẽ đó.

Thứ oán khí này không nhằm vào bất kỳ ai, nàng không hận Thải Châu, không hận vị phúc tấn đã già cả hay đám tôi tớ thích buôn dưa lê bán dưa chuột, lại càng không hận Binh Binh bé nhỏ đã trỏ thẳng vào mũi gọi nàng là “Hồ ly”. Phúc tấn có ơn với nàng, mà nàng thì có lỗi với Thải Châu. Chỉ có điều chính nàng cũng không phải là kẻ đầu sỏ, nếu có thể lựa chọn, nàng đã chẳng có lỗi với bất kì ai trong số họ.

Cho nên, rốt cuộc là ai chưa thèm hỏi nàng có bằng lòng hay không đã tước đoạt quyền lựa chọn của nàng?

Ai đã khiến nàng bị coi là hồ ly, đã dùng phương thức sỉ nhục, không đàng hoàng biến nàng thành đối tượng bị mọi người căm hận đố kị?

Ai đã làm đau cơ thể ban sơ của nàng, tìm kiếm khoái cảm và vui thích trong nỗi đau đớn của nàng?

Xét cho cùng, ai đã khiến nàng mất đi người thân, vùi thân trong lồng cũi, tàn nhẫn bóc lột tuổi thanh xuân và sinh mệnh của nàng như bóc lột mồ hôi xương máu của mỗi công nhân, lại cho rằng đó là lẽ đương nhiên, không một chút áy náy?

Bất mãn và oán hận của nàng đối với người này càng chất càng nhiều, càng tích càng sâu, bởi vậy nên lúc nào cũng tìm mọi cách xa lánh, bị ghét, rồi lại cảm thấy những điều nhỏ nhặt này chẳng đau chẳng ngứa, dần trở nên tẻ nhạt tột cùng. Giống như tất cả những đứa trẻ đến thời kỳ phản nghịch, nàng cũng bị oán hận và hoóc-môn hò reo cổ động. Muốn phát tiết. Muốn gây họa.