Xin Lỗi, Em Chỉ Là Con Đĩ

Chương 4: Bông bồ công anh bay tan trong gió




Tôi đành quay xe lại. Tự nhủ, thôi hôm nay là sinh nhật cô ta, chiều cô nàng một lần.

Tại căn bản là tôi cũng chưa bao giờ bắt buộc được cô nàng cái gì.

Đỗ xe tại bãi xe, tôi định đi về phía nhà cô, Hạ Âu gọi tôi lại.

- Ơ, thế không phải là quay lại gặp mẹ em?

- Không phải. Bây giờ em muốn đòi anh món quà sinh nhật thứ hai - Cô ấy chớp mắt nói, như kiểu những cô học trò.

Tôi nhíu mày, giọng ỉu xuống:

- Nào, nói đi!

Trong lòng tôi nghĩ thầm, Hạ Âu, cô nghĩ cô là ai?

Đáp án làm tôi ngạc nhiên: Muốn ăn chè tôm lạnh(1) với tôi.

- Em muốn anh mời em ăn món chè tôm lạnh - Cô ấy nói xong, cười rất ranh mãnh, ánh mắt có vẻ trêu chọc, cô chắc phải thấy rõ tôi đang bất mãn cực độ.

Chè tôm lạnh, nếu tôi nhớ không nhầm, chỉ một đồng một bát.

Ngày nhỏ tôi đã từng ăn, chè làm bằng bột gạo, từng sợi nhỏ trắng bóc và tròn, bỏ trong nước đá với đường đỏ, thêm ít vừng.

Tôi nhìn cô, cái cô gái này luôn làm tôi luống cuống không biết phải làm gì, đứng giữa làn gió nhẹ đầu mùa hạ, cô cười như một bông bồ công anh thanh nhã đang tan ra trong bao la.

- Tôi không nghe nhầm chứ? Em bảo ăn cái gì?

- Đi theo em! - Rồi cô ấy kéo tay tôi chạy nhanh như thể bay.

Năm đó tôi 29 tuổi, tôi dường như đang yêu lần đầu tiên trong cơn gió thắm.

Cô ấy đi trước, thỉnh thoảng ngoái lại giục - Nhanh nào, anh già rồi à? - và mở to mắt cười hào hứng. Lần đầu tiên cô cười không còn dè dặt. Ngày trước Hạ Âu không hay cười, hoặc cũng chỉ mỉm miệng với cái nhìn lặng lẽ.

Tôi vui, để cô nắm tay kéo đi, bạn có thể tưởng tượng tôi ở trong vùng hương khi gió nhẹ thổi qua mái tóc cô dập dờn, mùi hương thiếu nữ làm Hạ Âu như biến thành cô con gái út của Biển. Ngày nhỏ đọc truyện cổ tích, Biển có mười hai cô con gái, mà cô út đẹp nhất lương thiện nhất. Chạy một chặp, Hạ Âu dừng ở một gánh quà ven đường. Cả “quán” chỉ một chiếc dù to che nắng và một chiếc bàn tứ giác, tấm biển “chè tôm lạnh năm hào” viết tay đã tróc sơn. Trước mặt, một dãy nhà cấp bốn, trẻ em phụ nữ thong thả trong ánh nắng hè, hiếu kỳ nhìn chúng tôi, hai người ăn mặc trang trọng đi ăn món quà quê.

Tôi cảm giác mình bị điên.

Hạ Âu rất vui sướng, cô lảnh lót gọi chủ quán, kêu hai phần chè.

- Hạ Âu, phải không?

Bà bán hàng trạc năm mươi, mặt đầy tàn nhang thân thiện.

- Dạ con, bác Trương! Con mang bạn đến ăn chè của bác!

Bà bán chè để ý tôi, cái nhìn hàm súc y như của mẹ Hạ Âu. Nhìn đến nỗi tôi sắp đỏ mặt. Mồ hôi tôi nhỏ giọt. Sơ mi trắng này, vét này, đứng cao và thẳng bên dưới cái dù che nắng của bà, và không biết để tay chân vào đâu.

- Ngồi đi, chàng trai! – Bà thân thiện mời, cười như hướng dương giữa núi.

Tôi nhìn Hạ Âu đang tìm ghế, tôi muốn ngồi gần cô.

Bà chủ bưng hai tô chè to tướng.

Tôi chả muốn ăn, húp ít nước rồi bỏ bát qua bên.

Hạ Âu bắt đầu ăn, một miếng một, ăn rất nhanh, loáng cái đã nhìn thấy đáy bát. Sau đó, cô ấy cười và nói, cháu muốn nữa.

Tôi không nhận ra Hạ Âu mới đêm trước ở bar Yêu Lục, uống Chivas với một vẻ yêu kiều thanh nhã.

Chân mỏi rồi, bỏ dép khỏi chân, cô ấy khoả đôi gót trần trắng nõn, kéo váy lên cao lộ cặp đùi bắt mắt xinh đẹp. Cô như con thủy yêu trong núi sâu rừng cao, chả cần điểm trang chả cần tốn công quyến rũ đã đầy mê hoặc.

Cô thấy tôi nhìn, lè lưỡi cười:

- Anh làm sao cứ nhìn em? Mắt tròn chưa kìa, trông thật ngố!

Tôi không biết trả lời sao. Cô ấy lại bắt đầu ăn, tiếng ăn đáng yêu.

- Bác Trương, món chè nhà bác sao ngon ghê! Cháu muốn thêm một bát!

- Ha ha, ngon phải không? Thế thì cháu chăm đến nhé, bao nhiêu năm không gặp cháu. Thế mẹ cháu khỏe không?

- Dạ, mẹ cháu vẫn thế.

Sau đó cô ấy lại tiếp tục ăn.

- Em à, có vẻ hồi trước em hay đến đây - Tôi không nhịn được phải hỏi.

- Vâng, anh nhìn ngôi nhà thứ ba bên trái, em lớn lên ở đấy. Em lớn bằng chè tôm lạnh của bác Trương. Hì hì - Cô ấy nói, nhìn bà chủ quán cười. Cúi xuống lại ăn.

Ngon thật thế ư? Sao tôi cảm thấy giống… giống hình vẽ một thứ côn trùng trong toa-lét. Càng nghĩ càng không dám ăn.

- Nhà em trước ở đây à? - Nơi đây nhiều cây xanh, thực ra vẫn là khu người nghèo.

- Vâng ạ, em ở đây. Mười ba năm, à thế thì quán chè này có lịch sử hơn mười năm rồi – Cô ấy nói chậm rãi, tôi tưởng tượng theo lời cô, một thiếu nữ xinh đẹp lớn lên từ xóm nhỏ.

Nghe cô ấy nhắc hồi ức là một sự dịu nhẹ, còn ngon hơn món chè tôm lạnh, ít ra tôi cảm thấy thế.

- Còn sau đó?

- Sau đó mẹ em đeo được một người đàn ông lắm tiền, rồi sau đó mẹ con em giàu theo, dọn vào khu biệt thự hoa viên cao cấp nhất trong thành phố…. Có điều từ đó em không còn có dịp ăn món chè này của bác Trương – Bát chè này cô lại ăn hết rồi, nhìn tôi hỏi – Sao anh không ăn?

- Vừa ăn no xong, không muốn ăn thêm.

- Thế để em giải quyết hộ anh.

Tôi chưa kịp phản ứng, bát chè vẽ hoa lam đã bị kéo về phía trước mặt Hạ Âu, và cô húp liền.

- Em thèm thì cứ gọi thêm vài bát nữa là được chứ việc gì… - Tôi phàn nàn.

- Lỗ chết, bác Trương chả lấy tiền mình đâu.

Ngẫm ra cũng đúng.

Hạ Âu lại bắt đầu nhìn tôi kể:

- Hồi nhỏ, nhà em nghèo cực, em không có bố, mẹ nuôi em đến năm mười tuổi. Còn nhớ mỗi lần em tan học, đều phải ăn một bát chè tôm lạnh. Hồi đó mẹ em mang cái bát to nhất trong nhà đi mua cũng không đủ cho em ăn no - Hạ Âu nói nhiều nhất từ khi quen tôi - Kể ra chè ở đây mùi vị không thay đổi, vẫn mát mát thanh thanh, vừa mềm vừa dai.

Tôi nhìn Hạ Âu. Cô ấy ăn chè như một kiểu hưởng thụ, tôi không thể tin được đây là cô gái bao của tôi.

Thì không phải Hạ Âu chỉ là một cô gái bao sao?

Tôi nhìn ngược hướng Hạ Âu, mới thấy hai bên đường toàn nhà cấp bốn, đường chỉ rộng năm mét, còn có cả đường lát đá, có một đứa bé cởi truồng mập mạp nhìn chúng tôi. Tôi nhìn nó, nó sợ hãi chạy mất.

Bát cuối cùng này Hạ Âu ăn rất chậm, có lẽ mất nửa tiếng. Tôi biết cô ấy lưu luyến.

Tôi muốn hỏi cô, vì sao không chuyên tâm học cho thật giỏi lại đi làm cái nghề này, mà chả biết hỏi thế nào.

- Mẹ em… có lẽ chả sống được đến năm sau! - Tiếng nói từ bên trời xa xăm vọng tới.

Lúc đó chúng tôi đều đang im lặng, bác Trương chạy vào nhà có tí việc, chỉ có hai đứa tôi ngồi lại. Cô ấy thốt lên một câu, như sóng dội tới, tôi bất ngờ.

Nói xong, cô ấy ngước mắt nhìn trời.

Còn nhớ ngày tôi bé, khi khóc đều nhìn lên trời, như thế, nước mắt sẽ không lăn ra.

- Vì sao?

Giọng tôi run run. Vì tôi không thể nghĩ, một bà mẹ trẻ như mẹ cô, sẽ chết. Mà tôi cũng đã vô tình dung nạp bà mẹ đáng yêu đó vào thế giới quanh tôi.

- Năm ngoái mẹ em đã chẩn đoán bị ung thư máu. Tháng nào mẹ em cũng phải đi viện hoá trị.

- Mẹ em biết không?

- Trớ trêu là chuyện này do mẹ em tự nói ra cho em biết. Khi đó mẹ em còn an ủi em đừng khóc.

Tôi không dám nhìn Hạ Âu, tôi sợ nhìn thấy giọt lệ long lanh.

- Em chưa từng khóc trước mặt mẹ em vì chuyện này. Vì mẹ sẽ đau đớn lắm…. Bân, anh làm sao thế? Em có khóc đâu, sao anh tránh mắt em nhìn? – Cô ấy bỗng cười trách nhẹ tôi.

- Ơ, anh đâu có! – Tôi gượng gạo đáp, giấu sự xót xa cho cô.

- Ừ, thế anh thử nói xem… anh nghĩ gì về…đĩ?

Cô ấy chuyển đề tài, nhưng rõ ràng cái tiếng cuối cùng kia nói ra với vẻ khó khăn.

- Không tôn trọng, cũng không khinh rẻ.

Tôi thật thà đáp.

- Thế anh thử đoán, mẹ em làm nghề gì?

Cô ấy hỏi, đáy mắt ánh lên vẻ lo sợ, mạnh mẽ, trầm tĩnh, nhưng hơi đáng thương hại.

Tôi thốt nhiên hiểu ra, lắp bắp, không thật chắc chắn:

- Mẹ em à, bác ….

- Ha ha, đoán ra rồi à, mẹ em làm đĩ!

Tôi thiếu điều muốn đập vỡ tan cái bát trước mặt!

Chữ Tôi nhân xưng, chữ Mẹ hiền hậu, chữ Đĩ nhạy cảm – tôi không thích nó nối liền với nhau, cũng không thích nó thốt ra nhẹ nhàng thế từ miệng Hạ Âu.

- Nhưng anh cũng thấy rồi đấy, nếu em không nói cho anh biết, anh không bao giờ đoán được. Vâng, bà làm đĩ, hàng trăm người đàn ông bao rồi, nhưng bà cũng là mẹ em. Thì như hôm nay anh thấy, mẹ em cười rất đẹp và mẹ em rất nhân từ, bởi vì bà rất hãnh diện khi con gái kiếm được người tình tốt, bà gọi em là baby… Cho dù bà làm gái. Em đã thề, từ nhỏ đến lớn, từ khi em hiểu nghề của mẹ, em không hề khinh thường mẹ. Bởi mẹ hy sinh là vì em.

Khi nghe nói mẹ Hạ Âu là đĩ, tôi bất ngờ, nhưng khi nghe những lời gan ruột của một cô gái bao, tôi sững sờ. Tôi như rơi vào thế giới của đĩ với khẩu hiệu: “Tuy là đĩ, nhưng là người”.

Tôi im lặng, Hạ Âu cũng không nói nữa, giữ lại bí mật trong nụ cười. Cô lại bắt đầu tiếp tục ăn chè. Ăn cho đến khi không còn một miếng thừa, như thể cất giấu tất cả những gì tốt đẹp nhất của thời thơ bé vào sâu thẳm trong cô.