Hội Chợ Phù Hoa

Chương 34




CÁI TẨU CỦA JAMES CRAWLEY BỊ QUẲNG ĐI

Thấy Pitt Crawley nhã nhặn, lại thấy công nương Jane tỏ ra rất lịch sự với mình, bà Briggs lấy làm hể hả lắm; cho nên lúc nhận được tấm danh thiếp của Southdown phu nhân, bà thấy mình phải nói tốt về công nương với bà Crawley. Một vị bá tước phu nhân mà lại gửi cả danh thiếp cho chính mình! Người đàn bà trơ trọi đáng thương này làm sao không cảm động cho được.

- Này, bà Briggs, Southdown phu nhân gửi danh thiếp cả cho bà, thế là nghĩa lý gì nhỉ?

Bà Crawley, người vẫn có tư tưởng cộng hòa hỏi thế. Bà Briggs ngoan ngoãn đáp, tỏ ý hy vọng rằng việc một bậc mệnh phụ chiếu cố đến một người đàn bà tầm thường không có gì đáng ngại; đoạn bà ta cất kỹ tấm danh thiếp vào chiếc hộp khâu cùng với những vật quý giá nhất. Bà Briggs còn kể lại hôm trước gặp Pitt Crawley đi chơi với cô em họ đồng thời là vị hôn thê như thế nào, những là cô thiếu nữ trông xinh đẹp, dịu dàng lắm, cô ta bận một tấm áo giản dị, nhưng không phải là xoàng xĩnh... bà Briggs tả lại từ cái mũ cho đến đôi giầy, thật đúng lối kể chuyện tỉ mỉ của đàn bà.

Bà Crawley không ngắt lời nhiều, cứ mặc cho bà Briggs thao thao bất tuyệt. Trong người thấy đã hơi khỏe, bà Crawley bắt đầu thèm tiếp khách. Ông thầy thuốc Creamer nhất định không bằng lòng cho bà trở về cuộc sống bừa bãi ở Luân-đôn như trước, cho nên bà lão già này chỉ mong sao có khách khứa đến thăm mình ngay tại Brighton thì sướng quá. Không những bà nhận tiếp gia đình Southdown ngay hôm sau mà còn có nhã ý cho gọi cả Pitt Crawley đến chơi nhân thể. Anh ta cùng đến với Southdown phu nhân và cô con gái. Bà bá tước góa chồng không hé răng nói nửa lời về tình hình tư tưởng của bà Crawley, chỉ kín đáo nói toàn những chuyện về thời tiết; về chiến tranh, về sự thất bại của con quỷ Bonaparte, nhất là những chuyện về thầy thuốc, lang băm, và tài năng đặc biệt của bác sĩ Podgers, người được bà đỡ đầu.

Trong buổi gặp gỡ hôm đó, Pitt Crawley đã chơi một miếng đòn thật lợi hại, chứng tỏ giả sử anh ta không từ bỏ làng ngoại giao quá sớm, hẳn anh ta có thể leo lên những chức vụ cao cấp trong nghề. Lúc bá tước phu nhân Southdown theo “mốt” đương thời công kích tên dân đảo Corse hãnh tiến, nhất định cho hắn ta là một con quỷ phạm đủ mọi thứ tội ác trên đời, là một thằng hèn nhát, một tên bạo chúa, không đáng được sống trên trái đất, và sự sụp đổ của hắn là do trời định v.v... thì đột nhiên Pitt Crawley đứng ngay ra biện hộ cho Napoléon: Anh ta miêu tả viên đệ nhất Tổng giám đốc, như anh ta đã gặp trong lúc ký hòa ước Amiens; hồi ấy anh ta có vinh dự được biết Fox tiên sinh một nhà chính trị đại tài, người vẫn tỏ thái độ hết sức kính trọng hoàng đế Napoléon; tuy giữa anh ta và ông Fox có nhiều điểm bất đồng ý kiến nhưng anh ta vẫn không thể không kính phục ông này. Anh ta còn lớn tiếng mạt sát thái độ hèn nhát của đồng minh trong việc đối xử với vị hoàng đế bị truất ngôi này; anh ta thấy Napoléon đã chịu đầu hàng một cách anh hùng, vậy mà bị đi đầy một cách nhục nhã, tàn tệ, trong khi kẻ thay thế nắm quyền sinh sát cả nước Pháp chỉ là một tên cuồng tín vô danh tiểu tốt thuộc phe giáo hoàng La-mã, như vậy thậm vô lý.

Công kích thái độ mê tín với La-mã, thế là tranh thủ được cảm tình của Southdown phu nhân, đồng thời ca tụng Fox và Napoléon tức là được lòng bà Crawley. Trong phần đầu cuốn truyện, chúng ta đã nói tới tình bạn thân thiết giữa bà này và nhà chính trị người Anh đã quá cố! Bà Crawley thật xứng danh là một người thuộc phái Whig (); suốt thời gian chiến tranh, bà vẫn đứng về phe đối lập.

Tuy bà chẳng vì sự sụp đổ của vị hoàng đế mà đời bà giản dị hoặc kém thoải mái đi chút nào, bà cũng thấy mát lòng mát dạ. Chỉ một câu nói, anh ta đoạt được ngay cảm tình của bà lão.

- Thế còn ý kiến của cô nương ra rao?

Bà Crawley hỏi công nương Jane. Thoạt nhìn cô thiếu nữ, bà đã có cảm tình ngay vì xưa nay bà vẫn ưa những cô gái xinh đẹp mà e lệ, tuy rằng cảm tình của bà sôi lên cũng chóng, mà nguội đi cũng nhanh.

Công nương Jane đỏ bừng mặt, đáp rằng mình không biết gì về chính trị, xin nhường cho những bậc cao minh; song cô cũng thấy ý kiến của mẹ nhất định là đúng, và Crawley nói cũng rất hay. Kết thúc buổi gặp gỡ, hai mẹ con bà khách ra về, bà Crawley ngỏ ý “hy vọng rằng Southdown phu nhân sẽ vui lòng cho phép công nương Jane thỉnh thoảng đến chơi, nếu công nương có lòng bớt chút thì giờ an ủi một người đàn bà ốm đau già yếu trơ trọi”. Bà khách vui vẻ nhận lời, hai người chia tay nhau hết sức thân mật.

Đoạn bà Crawley bảo cháu:

- Anh Pitt, lần sau đừng đưa Southdown phu nhân đến nữa. Bà ấy ngu xuẩn, và tự phụ giống cả họ bên nhà mẹ anh, tôi không sao chịu nổi. Nhưng mà cái cô Jane xinh xinh ấy thì anh cứ đưa đến chơi lúc nào cũng được.

Pitt hứa vâng lời. Anh ta không dám cho bá tước Southdown phu nhân rõ cô mình đã đánh giá bà này ra sao; trái lại, bà bá tước cứ đinh ninh rằng mình đã gây một ấn tượng rất sâu sắc và đẹp đẽ đối với bà Crawley. Công nương Jane đến thăm bà Crawley luôn; cô không thấy việc an ủi một người ốm là đáng sợ, hoặc có lẽ cô thấy thỉnh thoảng cũng nên giải thoát mình khỏi cái giọng thuyết giáo lè nhè phát ngấy của đức cha Bartholomew Irons, cũng như khỏi phải nhìn mặt một bọn nịnh hót nguy hiểm vẫn bám lấy váy cái bà bá tước là mẹ cô. Cô dong xe ngựa cùng đi chơi với bà Crawley, hoặc buổi tối cùng bà ngồi tán chuyện gẫu. Bản tính cô tốt và hiền hậu, ngay cả bà Firkin cũng không ghen ghét vào đâu được; còn bà Briggs thì nhận thấy mỗi khi công nương Jane đến chơi bà chủ tỏ ra bớt tàn nhẫn với mình. Bà Crawley tiếp đãi cô hết sức lịch sự. Bà kể lại cho cô thiếu nữ nghe bao nhiêu chuyện hồi bà còn trẻ, thân mật khác hẳn khi chuyện trò với cái cô Rebecca quỷ quái kia. Công nương Jane có cái vẻ ngây thơ đặc biệt khiến cho không ai dám nói điều gì sỗ sàng trước mặt, còn bà Crawley lại là người quá lịch thiệp, không khi nào cư xử như vậy. Bản thân công nương cũng chẳng được ai đối xử tử tế ngoài bà gái già này và cha và anh nên cô cũng đáp lại bằng một thái độ nhã nhặn và một tình bạn chân thành.

Những buổi tối mùa thu năm ấy (trong khi Rebecca đang sống huy hoàng ở Paris, nổi bật giữa những sĩ quan của quân đội chiến thắng, còn Ameia, cô Ameia đau thương của chúng ta, thì không biết ở đâu!), công nương Jane thường ngồi trong phòng khách nhà bà Crawley vào lúc hoàng hôn, dịu dàng hát cho bà này nghe những bài hát giản dị mộc mạc mà cô ưa thích, trong khi bên ngoài, mặt trời dần lặn, và sóng biển gầm thét xô vào bãi cát. Hễ tiếng hát ngừng, thì bà lão lại thức dậy đòi được nghe thêm.

Bà Briggs giả bộ ngồi đan sung sướng quá, chảy bao nhiêu là nước mắt; bà cảm động nhìn bóng đêm phủ dần xuống mặt biển, và những ngôi sao mỗi ngày một lóng lánh hơn trên bầu trời... Ai biết được bà Briggs của chúng ta đa cảm và sung sướng đến chừng nào nhỉ?

Pitt thì ngồi trong phòng ăn, đọc một cuốn sách nói về ngũ cốc, hoặc tờ báo của Hội truyền giáo; đó là thú giải trí quen thuộc của nam giới sau bữa ăn tối, dù là người lãng mạn hay không lãng mạn cũng vậy. Anh ta vừa nhấm nháp cốc rượu madera, vừa xây dựng trong đầu bao giấc mộng viển vông. Những lúc này, anh ta thấy mình đẹp trai quá, và càng thấy yêu công nương Jane hơn bao giờ hết; hai người đính ước với nhau đã bảy năm qua mà chưa khi nào Pitt tỏ ra sốt ruột; rồi anh ta ngủ một giấc dài. Đến giờ uống cà- phê, bác Bowls thường thình thịch bước vào để mời ngài Pitt ra uống thì đã thấy ngài đang vùi đầu đọc sách trong xó tối rồi.

Một buổi tối, thấy bác Bowls mang cà-phê và mấy cây nến vào bà Crawley liền bảo:

- Công nương ơi, giá có ai chơi bài Pic-kê với tôi thì hay quá; Cái bà Briggs chơi bài vụng lắm, ngu cứ như con lừa (bà già này vẫn thói quen sỉ nhục bà Briggs ngay trước mặt đầy tớ). Đánh bài xong, chắc tôi ngủ được ngon giấc.

Công nương Jane đỏ ửng từ hai tai cho đến tận mười đầu ngón tay búp măng. Chờ cho bác Bowls ra khỏi phòng, cửa đã đóng chặt cô mới đáp:

- Bà Crawley ạ, cháu cũng biết chơi qua loa. Trước cháu vẫn thỉnh thoảng đánh bài với... ba cháu...

Bà Crawley sung sướng quá, kêu lên:

- Lại đây hôn tôi đi, lại đây hôn tôi một cái ngay đi; cô bé đáng yêu quá!

Khi Pitt cầm cuốn sách lên gác đã thấy bà già và cô thiếu nữ đang chơi bài rất vui vẻ; suốt buổi tối hôm ấy cô Jane tội nghiệp kia mặt cứ đỏ bừng lên.

Đừng tưởng rằng mưu mẹo khôn ngoan của Pitt Crawley thoát khỏi được mắt thân nhân của anh ta ở nhà thờ trại Crawley Bà chúa. Hai quận Hamshire và Sussex sát ngay cạnh nhau, bà Bute Crawley có vô khối người quen ở quận bên kia sẵn sàng cung cấp cho bà tất cả mọi tin tức về những chuyện xảy ra tại nhà bà Crawley ở Brighton, còn nhiều hơn sự thực nữa là khác. Càng ngày Pitt càng năng đến Brighton. Có đến hàng mấy tháng liền, anh ta không về trại, mặc ông bố tồi tệ tha hồ say sưa bí tỷ, vui thú cùng cái gia đình Horrocks bỉ ổi. Sự thành công của Pitt khiến cho gia đình ông cha xứ phát điên; còn bà Bute Crawley thì nghĩ ngấm nghĩ ngầm mà tiếc đứt ruột; thành ra chỉ vì bà có cái lỗi lớn là đã sỉ nhục bà Briggs, quá nghiệt ngã, miệt thị Bowls và bà Firkin, nên bây giờ không có một người ở ngay trong nhà bà em chồng để đưa tin? Bà cứ nhất định đay nghiến chồng: “Chỉ tại cái xương đùi của ông cả. Nó không gãy thì tôi đâu phải bỏ về. Tôi thật khổ vì nhiệm vụ, khổ vì cái thói mê săn bắn giời đánh ấy, ông Bute ạ”.

Ông cha xứ cãi:

- Tại tôi đi săn à? Chỉ nói vớ vẩn! Tại bà làm cho họ phát hoảng lên thì có. Bà khôn ngoan lắm, nhưng tính nết bà cũng đáo để quá đáng cơ, chỉ biết ôm khư khư lấy tiền thôi, bà Bacbara ạ. Bà khôn ngoan lắm, nhưng cũng tại bà cứ muốn xỏ dây vào lỗ mũi người khác đấy.

Đoạn nhà tu hành tự an ủi bằng một cốc rượu to tướng.

Ông ta tiếp:

- Không biết bà ấy báu gì cái thằng Pitt Crawley ngốc nghếch kia nhỉ? Thằng cha nhát như cáy, không dám đuổi cả một con ngỗng. Cái thằng Rawdon ấy nó mới thực là người đàn ông; tôi còn nhớ ngày trước có cầm roi đuổi thằng Pitt chạy quanh chuồng ngựa mà quật túi bụi, thằng Pitt khóc hu hu chạy về gọi mẹ. Ha! ha! Thật đấy chứ, con mình, đứa nào cũng đủ sức quật cho nó ngã như nhái. Thằng Jim kể chuyện rằng ở Oxford, chúng nó gọi thằng Pitt là cô Pitt Crawley ...

Ngừng lại một lúc, ông ta lại bảo:

- Bacbara, tôi bảo này...

- Cái gì?

Bà vợ đang vừa cắn móng tay, vừa gõ nhịp lên mặt bàn.

- Hay là ta cho thằng Jim đến Brighton với bà lão xem có làm ăn được gì không. Nó sắp thi đỗ rồi; bà cũng biết đấy nó chỉ mới được học đại học, được ở Oxford có nhiều cái lợi lắm. Nó vẫn cầm lái trong những cuộc đua thuyền đấy; mặt mũi nom sáng sủa. Chết cha thật? Bà nó này, cứ gửi nó về với bà lão, hả? Dặn nó nếu thằng Pitt lếu láo thì cứ nện cho một trận, Ha! ha? ha?

Bà vợ thở phào đáp:

- Jim đến thăm bà ấy kể cũng được; giá ta đưa được một đứa con gái vào thì tốt hơn; nhưng bà ấy không chịu đâu, chúng nó chả đứa nào nom ra hồn người!

Hai cô thiếu nữ bất hạnh được ăn học cẩn thận này đang ở trong phòng khách ngay sát cạnh. Các cô đang nện những ngón tay cứng nhắc xuống những phím đàn dương cầm rầm rầm; suốt ngày họ phải chơi âm nhạc, đeo biển gỗ sau lưng, nếu không phải học địa lý, học lịch sử... Nhưng trong Hội chợ phù hoa, những khả năng ấy nào có giúp ích gì được cho cái cô thiếu nữ khổ người ngắn cũn cỡn, mặt xấu, da thô? bà Bute chỉ hy vọng cậu thầy lễ sẽ cưới một cô làm vợ. Giữa lúc ấy Jim từ chuồng ngựa bước vào, trên chiếc mũ bằng da dầu có gài một cái tẩu ngắn; hai bố con trao đổi với nhau về giải ngựa thi ở St. Leger, câu chuyện của hai vợ chồng ngừng lại ở đấy.

Bà Bute không hy vọng gì lắm về việc phái anh con trai là James làm sứ giả, cho nên lúc tiễn con đi mặt bà nom cứ ỉu xìu xìu. Bản thân anh chàng cũng chẳng phấn khởi lắm. Anh ta chỉ hy vọng may ra bà cô sẽ thí cho một món tiền nào đó đủ để trả ngay mấy món cần tiêu cấp bách đầu niên học sắp tới ở Oxford; thế là anh ta lên xe ngựa ở trạm Southampton, tối hôm ấy đến Brighton, mang theo cả va-ly, con chó săn Towzer yêu quý cùng một cái giỏ lớn đầy những sản vật trong trại, tức là tặng vật của những người nhà thờ gửi biếu bà Crawley. Thấy mình đến quá muộn không tiện làm phiền bà cô ốm ngay đêm ấy, anh chàng vào quán trọ nghỉ, mãi trưa hôm sau mới đến thăm bà Crawley.

Lần trước gặp James Crawley, bà cô thấy thằng cháu còn là một anh con trai mới lớn vụng về, đang tuổi dậy thì, giọng nói biến chuyển từ chỗ the thé đến cái giọng ồ ồ ...mặt thì đầy những nốt trứng cá. Ấy là thời con trai hay lấy trộm kéo may của chị để cạo râu và hễ nom thấy con gái là sợ rúm cả người lại, và cũng là thời kỳ bàn tay và cổ chân to kệch nom như thò dài ra ngoài quần áo lúc này đã trở nên quá chật. Sau bữa cơm, các bà không thích sự có mặt của hạng con trai mới lớn này; họ ưa ngồi trong phòng khách thì thầm với nhau những chuyện bí mật gì gì ấy; còn bọn đàn ông quanh bàn ăn thì hết sức khó chịu vì họ không tiện nói với nhau những chuyện lý thú trước mặt những anh chàng ngây thơ chưa nếm mùi đời. Thường, uống xong cốc rượu tráng miệng thứ hai là ông bố bảo ngay. “Jack, ra xem ngoài trời có tối lắm không ? Thế là cu cậu rời khỏi bàn tiệc, vừa sung sướng vì được tự do, lại vừa bực mình vì không được coi là người lớn. Bây giờ anh chàng James gà tồ đã là một thanh niên thực sự, được thụ hưởng một nền giáo dục đại học, có cái phong thái lịch sự đặc biệt của một sinh viên sống phóng túng trong một trường đại học nhỏ; anh ta mắc nợ đầm đìa, thi trượt, và bị đuổi.

Tuy nhiên, trông James cũng đẹp trai; lúc đến trình diện với bà cô, được bà có cảm tình ngay. Tính hay đỏ mặt và những điệu bộ lúng túng của anh ta cũng không có hại gì, vì bà Crawley cho rằng có như thế mới gọi là cậu con trai còn thơ ngây, đứng đắn.

Anh ta thưa rằng mình định ở chơi vài ngày thăm một người bạn học cùng trường và...và để thăm sức khỏe của bà cô, lại chuyển lời bố mẹ chúc cô luôn mạnh khỏe.

Lúc người nhà báo tin James đến chơi. Pitt đang có mặt trong phòng; nghe nhắc đến tên James mặt anh ta tái lại.

Bà cô thấy anh cháu bối rối lấy làm thú vị lắm. Bà hỏi thăm tất cả mọi người ở nhà thờ, và nói mình cũng dự định bữa nào tiện sẽ về chơi một buổi. Bà ta còn khen anh cháu giỏi trai, dạo này lớn trông thấy mà trông có mẽ người lắm, tiếc rằng hai cô chị mặt mũi chẳng được sáng sủa như vậy. Khi hỏi ra biết cháu trọ ở khách sạn, bà cô nhất định không nghe, bắt bác Bowls cho người đi mang hành lý của cháu về ngay lập tức. Bà còn dặn thêm: “Bowls, nhớ trả hộ cả tiền trọ cho cậu James nhé”.

Bà liếc nhìn Pitt tinh quái, làm cho nhà ngoại giao suýt chết ngất đi vì ghen tức. Anh ta khéo bợ đỡ lấy lòng bà cô đã nhiều nhưng chưa lần nào được bà giữ ngủ lại chơi trong nhà, thế mà cái thằng ranh con mới đến đã được tiếp đón nồng nhiệt gớm.

Bác Bowls tiến lên cúi rạp người xuống hỏi:

- Xin cậu tha lỗi, không rõ thằng Thomas phải đến khách sạn nào để lấy hành lý ạ?

- Ấy chết, để tôi đi.

James giật nảy mình, đáp. Bà Crawley bảo:

- Ô hay?

James đỏ mặt mũi, đành nói:

- Ở quán trọ “Con bò”.

Bà Crawley nghe nói phá ra cười. Bác Bowls cũng cười một tiếng thật to, vì bác là một người đầy tớ thân tín trong gia đình, nhưng rồi bác im bặt ngay; nhà ngoại giao chỉ mỉm cười.

James cúi mặt nói:

- Cháu... cháu không biết có khách sạn nào tốt hơn. Cháu chưa đến đây bao giờ. Thằng xà ích mách cháu đến chỗ ấy.

Cái thằng nói dối như ranh. Sự thực thì hôm trước, James gặp Tutbury Pet, là bạn cũ cùng đi trên chuyến xe ngựa Southampton; cũng đi Brighton để tỉ thí với Rottingdean Fibber. Nghe Pet tán chuyện vui tai, anh chàng theo bạn đến quán trọ này cùng nghỉ.

James lại tiếp:

- Thôi... để ... để ... cháu đến trả tiền trọ cũng được. Ai lại để cô phải trả tiền như thế.

Thấy cháu tế nhị, bà cô lại cười. Bà vẫy vẫy tay, ra lệnh cho đầy tớ: “Bowls, đi trả tiền trọ cho cậu, rồi đem hóa đơn về đây”. Thật khốn khổ, bà lão không biết mình vừa làm một việc tai hại. James cuống cả người lên, vội nói:

- Có…có con chó con đấy. Để tôi đi thì hơn. Nó hay cắn vào bắp chân bọn đầy tớ lắm.

Cả nhà phá ra cười vì câu nói ngộ nghĩnh, cả bà Briggs và công nương Jane từ nãy đến giờ vẫn ngồi yên lặng cũng vậy. Bác Bowls không nói gì, bước ra.

Bà Crawley muốn trừng phạt anh cháu lớn, cứ tiếp tục tiếp đãi thật ngọt ngào cậu sinh viên Oxford. Bà ta mà đã bắt đầu khen ai, hay nói ngọt với ai, thì không có giới hạn nào cả. Bà bảo Pitt đến tối lại ăn cơm, và bắt James phải cùng bà giong xe ngựa đi chơi; bà cho anh ta ngồi ở ghế sau, dẫn ngược dẫn xuôi dọc bờ biển...Trong buổi đi chơi hôm ấy, bà nói toàn chuyện vui; bà đọc thơ Ý, thơ Pháp làm cho cậu thanh niên cứ há hốc mồm ra mà nghe; bà nhất định cho cháu mình là một học giả cừ, thế nào cũng phải chiếm được huy chương vàng, và được xếp hạng “Senior Wrangler”().

- Ha? ha? Cửa hiệu bên kia mới có “Senior Wrangler” chứ.

- Cửa hiệu bên kia là cái gì?

- Trường Cambridges mới có lệ xếp hạng “Senior Wrangler”; bên Oxford không có.

Nhà học giả ra vẻ hiểu biết giải thích như vậy. Anh ta định tỉ mỉ giải thích thêm, thì vừa lúc ấy gặp một chiếc xe ngựa nhà nông do một con ngựa rất khỏe kẻo. Tutbury Pet, cùng Rottingdean Fibber và ba người nữa ngồi trong xe, mặc áo trắng mỏng có đính khuy ngọc trai; họ chào hỏi James cứ ồn ào lên. Cuộc gặp gỡ làm cu cậu mất hết hào hứng, suốt buổi, cho đến lúc về không hé răng nói câu gì nữa.

Về nhà, anh ta thấy phòng của mình đã sửa soạn xong, hành lý đã mang về; lúc được bác Bowls dẫn về phòng, anh ta nhận thấy mặt bác có vẻ nghiêm trang, như ngạc nhiên mà lại có ý thương hại. Nhưng anh ta không kịp hiểu. Anh ta còn đang bận than thở sao mình lại rơi ngay vào một cái nhà toàn những bà lão cứ liên liến cái mồm mà nói tiếng Ý với tiếng Pháp, và nói chuyện thơ với anh ta. Anh chàng nhút nhát phát bẳn lên: “Đem mà treo cổ cả lũ lên cho rảnh?” Khi nghe đàn bà nói chuyện với mình, anh ta không dám nhìn mặt... ngay với bà Briggs cũng thế. Nhưng nếu ra bờ bể thì anh ta có thể nói tiếng lóng, văng tục không thua bất cứ người dân chài nào.

Đến giờ ăn James phải thắt một chiếc cà-vạt trắng tưởng đến nghẹt thở. Anh ta có vinh dự được khoác tay công nương Jane xuống thang gác; bà Briggs và Pitt Crawley đi sau kèm bà lão với đủ mọi thứ phụ tùng, nào chăn, nào khăn san, nào gối. Bà Briggs phải dành đến nửa số thì giờ suốt bữa cơm để săn sóc bà lão ốm, và để cắt thịt gà cho con chó béo múp của bà chủ ăn. James nói ít, anh ta chỉ chú ý mời rượu mấy người đàn bà. Nhận lời uống thi với Pitt Crawley, anh ta nốc già nửa chai sâm-banh mà bác Bowls được lệnh mang ra để khoản đãi cu cậu. Ăn xong, mấy người đàn bà rời phòng ăn còn lại hai anh em họ ngồi với nhau. Nhà cựu ngoại giao bỗng nhiên trở thành đặc biệt thân mật, rôm chuyện. Anh ta hỏi về chuyện học hành của James... về chuyện tương lai... tỏ ý rất mong ông em họ thành công; tóm lại Pitt tỏ ra nhã nhặn và thành thực. Có hơi men trợ ứng James cũng cởi mở hơn trước; mọi chuyện về đời sống, tương lai, nợ nần, thi trượt đại học, và những vụ xích mích với ông đốc học thế nào, cu cậu kể tất với anh họ; vừa chuyện, vừa vui miệng nốc hết chai nọ đến chai kia đủ các thứ rượu.

Pitt Crawley rót rượu vào cốc của mình, nói:

- Bà Crawley thích nhất là ai đến chơi cũng cứ tự nhiên như ở nhà. Chú James ạ, đây là Điện Tự-do đấy. Chú thích gì cứ nói, muốn gì cứ làm, như thế bà Crawley bằng lòng lắm. Tôi biết ở nhà quê ai cũng chế tôi về thuộc phe Tory, thế mà bà Crawley cũng chịu được; bà phóng khoáng lắm. Về nguyên tắc, bà thuộc phái cộng hòa, rất ghét những chuyện dòng dõi, tước vị.

James hỏi:

- Vậy sao anh lại sắp cưới con gái một bá tước làm vợ?

Pitt nhã nhặn đáp:

- Anh bạn ơi, nên nhớ rằng đâu phải vì trót sinh ra là người quyền quý mà công nương Jane có tội. Không muốn cũng không được. Vả lại, tôi thuộc phái Tory cơ mà.

Jim đáp:

- À, về vấn đề ấy thì con nhà dòng dõi vẫn hơn chứ. Tôi hoàn toàn phản đối cái bọn cấp tiến các anh. Tôi hiểu thế nào là một người quý tộc lắm. Không tin, cứ xem thi thuyền hay đấu quyền sẽ thấy ngay; mà cứ xem chó săn chuột cũng rõ... Con nào thắng? Phải là chó nòi. Lão Bowls đâu rồi? Lấy thêm rượu ra đây; tớ nốc nốt chai này đã. Tôi đang nói gì nhỉ?

Pitt đưa ngay cho em chiếc cốc vại, nhẹ nhàng đáp:

- Hình như chú đang nói chuyện chó săn chuột thì phải?

- Chó săn chuột hả ? Được lắm anh Pitt, anh có ưa thể thao không? Anh có muốn xem chó thế nào thì mới săn được chuột không? Nếu anh thích, thì theo tôi đến xem con chó của Tom Corduroy trong dãy chuồng ở phố Castle, tôi sẽ cho xem một con chó nòi chuyên đào hang... úi dào! Rõ vớ vẩn!- James phá ra cười vì sự ngớ ngẩn của chính mình - Anh có bao giờ để ý đến chó với chuột. Toàn chuyện hão cả. Tôi đánh cuộc rằng anh không phân biệt nổi con gà với một con vịt khác nhau thế nào đấy ().

Pitt vẫn nói ngọt như mía lùi:

- Đúng đấy, tôi xin chịu. Chú đang nói về dòng dõi, về sinh trưởng trong một gia đình quý tộc có lợi gì. Chai rượu nguyên đây.

James nốc rượu ừng ực đáp:

- Dòng dõi, đúng lắm. Không có gì bằng con nhà nòi, ngựa, chó hay người cũng thế cả. Thí dụ, cuối kỳ tam cá nguyệt vừa qua, trước khi tôi thi trượt. .. nghĩa là trước khi tôi bị lên sởi ấy mà, ha! ha!... tôi cùng thằng Ringwood ở trường Nhà thờ, thằng Bob Ringwood là con trai bá tước Cinqbars ấy mà, ngồi uống bia trong quán “Cái chuông ở Blenheim” có thằng lính thủy Banbury thách đấu quyền với một trong hai đứa chúng tôi, ai thắng thì được uống một cốc bia. Tôi không đấu được. Tay tôi đang đau; hai ngày trước tôi bị ngã cứ tưởng mất tay. Thế là đành chịu; thằng Bob lập tức cởi phăng áo... đấu liền bốn hiệp mỗi hiệp ba phút, cho thằng kia “nốc-ao” như chơi. Tại sao thằng lính thuỷ bị ngã, anh xem? Vì nó không phải là con nhà dòng dõi... không phải là con nhà nòi.

Viên cựu tùy viên ngoại giao tiếp:

- Chú James, tửu lượng của chú xoàng quá. Hồi tôi còn học ở Oxford, anh em họ uống rượu có phần khá hơn chú cơ.

- Yên trí, yên trí. - James đưa tay bịt mũi, nháy đôi mắt lờ đờ vì say rượu- đừng có nói đùa, ông anh ơi. Anh định thử xem tửu lượng tôi ra sao chứ gì? Không ăn thua gì đâu nhé. In vino veritas() ông anh ạ. Mars, Bacchus Apollo () virotum hả? Giá bà cô gửi mấy chai rượu này cho ba tôi thì hay quá. Rượu thế mới gọi là rượu chứ.

Anh chàng Machiavel tiếp tục:

- Chú cứ hỏi xem; bây giờ hãy uống cho thích cái đã. Có câu thơ thế nào nhỉ: ‘Nunc vino pellite curas, Cras ingens iterabimus aequor’ (). Và người học trò của thần Bacchus sau khi long trọng dẫn câu nói trên y như giữa nghị viện, giơ thật cao cốc rượu rồi chỉ nhấp một ngụm rất nhỏ.

Ở nhà thờ, sau bữa cơm tối, khi mở rượu port thì mỗi cô con gái cũng được uống một cốc rượu thường. Bà Bute uống một cốc port. Thường thường James uống hai cốc, nếu cu cậu tỏ ý muốn xơi thêm, lập tức ông bố cau mặt lại; anh chàng đành nuốt nước bọt, xuống chuồng ngựa uống rượu thường, hay rượu rum pha nước lã, đánh bạn với bác xà-ích và cái tẩu. Ở Oxford rượu thì tha hồ uống, nhưng không có rượu ngon. Khi đủ cả số lượng chất lượng song toàn, thí dụ như ở nhà bà cô, thì James cũng tỏ ra là tay sành sỏi. Không cần ông anh họ khuyến khích, anh ta cũng nốc cạn chai rượu bác Bowls vừa tiếp thêm.

Đến giờ uống cà-phê, hai anh em trở lại với mấy người đàn bà; James thấy rất ngại. Tính hay chuyện của cu cậu tự nhiên biến mất, anh chàng lại nhút nhát như cũ chỉ biết vâng vâng dạ dạ; anh ta cứ gườm gườm nhìn công nương Jane, và có lần luýnh quýnh đánh đổ cả tách cà phê.

Tuy nói ít nhưng anh ta luôn luôn ngáp một cách thảm hại; sự có mặt của anh chàng làm cho buổi tối kém vui: bà Crawley và công nương Jane đang chơi bài Pic-kê cũng như bà Briggs đang đan, đều cảm thấy khó chịu vì đôi mắt lờ đờ của anh ta cứ nhìn vào mặt họ.

Bà Crawley bảo Pitt:

- Thằng bé tính ít nói, vụng về, mà lại nhút nhát nhỉ?

- Không có đàn bà thì chú nó cũng hót được như khướu đấy Machiavel đáp xẵng; có lẽ anh chàng đang cáu vì chai rượu port không làm cho James mở miệng nói thêm được mấy tý.

Sáng hôm sau, James dậy sớm, hí hửng viết thư cho mẹ kể lại bà Crawley thết đãi mình hậu hĩ thế nào. Anh ta có biết đâu ngày hôm ấy sắp gặp tai họa, mà cái địa vị con cưng của mình cũng sắp sụp đổ đến nơi. Cu cậu quên khuấy mất một chuyện - câu chuyện rất tầm thường mà hóa ra cực kỳ tai hại - đã xảy ra tại quán trọ “Con bò” đêm hôm trước, James quen tính hào phóng đặc biệt, hễ rượu vào là bất cần thiên hạ, thết đãi tất; đêm hôm ấy anh ta đãi hai nhà vô địch Tutbury, Rottingdean và mấy người bạn ba bốn chầu rượu liền, tất cả có đến mười tám cốc, cứ tính tám xu một cốc, ghi vào hóa đơn, James Crawley phải trả. Tiền không đáng bao nhiêu, nhưng cái số mười tám cốc rượu này đã làm hại James khi bác Bowls theo lệnh chủ đến thanh toán tiền trọ cho anh chàng. Ông chủ quán sợ mất món tiền rượu, bèn long trọng thề rằng chính cậu thanh niên đã uống tất cả ngần ấy cốc rượu không sót một giọt. Bowls trả tiền, rồi mang hóa đơn về đưa cho bà Firkin xem. Thấy cu cậu uống ngần ấy rượu, bà này phát hoảng, rồi trao tờ hóa đơn cho bà Briggs để ghi vào sổ chi tiêu. Bà Briggs tự thấy có nhiệm vụ phải trình lại với bà Crawley.

Nếu James có uống hàng tá chai rượu vang, bà cô già cũng sẵn sàng tha thứ. Xưa kia, ông Fox, ông Sheridan cũng uống rượu vang. Người quý phái, ai cũng uống rượu vang.

Nhưng đàn đúm với một bọn đánh võ vai u thịt bắp, uống đến mười tám cốc rượu trắng trong một quán rượu bần tiện thì quả là một trọng tội không thể tha thứ được. Họa vô đơn chí: cu cậu lại vừa xuống chuồng ngựa thăm con chó Towzer, lúc lên nhà khắp người sặc sụa mùi phân ngựa; anh ta định đưa con chó quý đi hóng gió một chút thì gặp ngay bà Crawley cũng dắt con chó Blenheim của bà đi chơi.

Con Towzer suýt cắn chết con chó quý của bà cô; con Blenheim quắp đuôi chạy biến ra chỗ bà Briggs. Ấy thế mà ông chủ tàn nhẫn của con Towzer còn đứng nhìn cái cảnh khốc hại đó mà cười hô hố lên được.

Ngày hôm ấy, hình như chàng thanh nhiên đang vận rủi ấy quên khuấy cái tính khiêm tốn thường ngày của mình. Suốt bữa ăn tối, anh ta tỏ ra rất rôm chuyện, và lại hay pha trò. Có một hai lần anh ta bỡn cợt cả Pitt Crawley; anh ta uống nhiều rượu không kém hôm trước, lại lừ lừ đi sang phòng khách đem những chuyện lý thú ở trường đại học Oxford ra tán với mấy người đàn bà.

Anh ta kể những là Molyneux và Dutch Sam và tài nghệ đấu quyền của họ thế nào, rồi thách công nương Jane đánh cuộc với mình xem Tutbury Pet đấu với Rottingdean thì ai được; cuối cùng, anh ta thách ông anh họ Pitt đánh “bốc” với mình, đánh tay không hay có đeo găng tùy ý. Anh ta đập mạnh vào vai Pitt, cười hô hố lên mà nói: “Chơi thẳng thắn đấy nhé, ông anh ạ. Ở nhà bà tôi cũng dặn tôi thách anh đấu một trận. Ông cụ cũng dự phần cược đấy, ha, ha!”.

Nói đoạn, James còn láu lỉnh nháy mắt với bà Briggs, hất ngón tay qua vai chỉ về phía Pitt Crawley, có vẻ khoái trí và hỗn ra mặt.

Có lẽ Pitt không hoàn toàn hài hòng, nhưng về cơ bản cũng không đến nỗi buồn lắm. Anh chàng James tội nghiệp cười thật thỏa; lúc mấy người đàn bà đi nghỉ, anh ta với ngay lấy cây nến của bà cô, chệnh choạng bước qua phòng, cúi chào bà Crawley với nụ cười tươi tỉnh nhất của một bác lưu linh. Đoạn anh ta về phòng riêng, rất hài lòng về mình, chắc mẩm trong bụng phen này gia tài của bà cô phải chui tọt vào túi, bố cũng đừng hòng, mà cả họ cũng đừng xơ múi. Con người ta khi đã ngồi một mình trong phòng ngủ thường yên trí mình chẳng thể làm điều gì bậy bạ thêm. Anh chàng James bất hạnh của chúng ta cũng nghĩ vậy.

Ngoài trời ánh trăng chiếu lấp lánh trên mặt biển; James thấy phong cảnh hữu tình, ra tựa cửa sổ nhìn, trong đầu nảy ngay ý nghĩ nên hút điếu thuốc cho thêm khoan khoái, “Mình mở tung cửa sổ thò đầu ra ngoài mà hút thuốc, thì ai ngửi thấy mùi khói mà sợ”.

Nghĩ sao làm vậy. Song đang lúc say sưa, anh chàng quên khuấy rằng suốt thời gian ấy cửa ra vào vẫn mở; gió bể hiu hiu thổi vào, lùa khói thuốc lá xuống dưới nhà đến tận chỗ bà Crawley và bà Briggs ngồi, mùi cứ sực lên.

Chiếc tẩu thuốc lá làm cho mọi sự hỏng bét. Gia đình nhà Bute Crawley đâu ngờ rằng mất toi hàng chục vạn đồng vì nó. Bà Firkin hộc tốc lao xuống thang gác đi tìm Bowls; bác này đang ngồi lên tiếng ông ổng đọc cuốn “Lửa và chảo rán” cho anh phụ bếp nghe. Bà Firkin kể lại câu chuyện bí mật khủng khiếp vừa xảy ra, dáng điệu vô cùng kinh hoảng, làm cho mới đầu hai thầy trò bác Bowls cứ nghĩ rằng trong nhà có trộm, và bà Firkin hẳn vừa nhìn thấy đôi chân thằng kẻ trộm ở gậm giường của Bà Crawley thò ra ngoài. Nghe thủng câu chuyện, bác Bowls nhảy choàng lên cầu thang ba bước một, xông vào phòng James kêu lên, giọng nghẹn đi vì sợ hãi:

- Cậu James, trời đất ơi? Đừng hút thuốc nữa.

Bác ta giật ngay lấy chiếc tẩu quẳng ra ngoài cửa sổ, nói tiếp, giọng thật bi đát:

- Cậu James ơi, cậu làm gì thế? Bà nhà không chịu được khói thuốc đâu.

- Thì bà đừng hút, có sao.

James đáp thế, và cười một cách rất ngốc nghếch không đúng chỗ, yên trí câu chuyện là vô cùng lý thú. Nhưng sáng hôm sau anh ta nghĩ khác hẳn.

Người phụ việc của bác Bowls cọ rửa đôi bốt của James và mang nước nóng vào để anh ta cạo cái bộ râu mà cu cậu vẫn cố “nuôi” rồi người này đưa cho James mẩu giấy, chữ bà Briggs viết:

- Thưa cậu, đêm qua bà Crawley không sao ngủ được vì khói thuốc lá sặc sụa khắp nhà. Bà bảo tôi thưa với cậu rằng bà mệt, rất tiếc không gặp được cậu trước khi cậu ra về. Đáng tiếc hơn cả là bà đã khuyên cậu rời khỏi quán trọ, vì trong thời gian ở Brighton bà chắc ở đó cậu sẽ thấy thoải mái hơn.

Vậy là chấm dứt câu chuyện James “săn” cảm tình của bà cô. Trong thực tế, anh ta đã vô tình thực hiện điều vẫn dọa làm: anh ta đã xỏ găng đánh “bốc” với ông anh họ, nhưng chính mình bị đo ván.

Thế còn kẻ đã từng được chú ý đầu tiên trong cuộc chạy đua theo đồng tiền này thì hiện ra ở đâu? Chúng ta đã biết, sau trận Waterloo, Becky và Rawdon lại đoàn tụ; mùa đông năm 1815, hai vợ chồng sống một đời sống cực kỳ xa hoa vui thú ở Paris. Rebecca vốn khéo tằn tiện; với món tiền bán cặp ngựa cho Joe Sedley, hai vợ chồng đủ sống ung dung ít nhất là một năm, thành ra cũng không có dịp mang phát mại “đôi súng lúc mà anh đã dùng để giết đại úy Marker” mà cũng chẳng cần phải để lại chiếc hộp bằng vàng đựng đồ trang điểm cùng tấm áo choàng viền da thú làm gì. Becky đem chữa thành một tấm áo khoác ngắn cho mình, mặc cưỡi ngựa đi chơi ở rừng Boulogne, ai cũng tấm tắc khen đẹp. Lúc tìm đến đơn vị gặp chồng sau khi quân đội đã vào thành phố Cambray, Rebecca tháo chỉ khâu ở áo, dốc ra nào đồng hồ, nào đồ trang sức, rồi giấy bạc, ngân phiếu cùng nhiều vật quý giá khác giấu tận trong lần mền bông, từ hồi định bỏ Brussels đi trốn. Tufto lấy làm thú vị lắm. Rawdon thì cứ lăn bò ra mà cười, cho là một trò khôi hài lý thú nhất đời. Lúc nghe vợ lấy điệu bộ khôi hài để lại chuyện đã xỏ Joe một vố ra sao, anh ta khoái quá, tưởng phát điên lên được. Anh chồng tin tưởng vào chị vợ, y như lính Pháp tin tưởng vào Napoléon vậy.

Sống ở Paris, Rebecca rất được chú ý: các phu nhân người Pháp đồng thanh khen cô ta đẹp. Rebecca nói tiếng Pháp rất thạo, lại khéo bắt chước ngay cái duyên dáng, cái nhí nhảnh cung cách cử chỉ của họ. Phải cái anh chồng hơi thộn, đàn bà có một anh chồng thộn lại càng dễ “nổi”; chồng cô ta là người thừa kế của bà Crawley, con người giầu nứt đố đổ vách và rất trí xảo. Cửa nhà bà ta đã từng mở rộng tiếp đón giới quý tộc Pháp hồi họ còn lưu vong ở Anh. Cho nên họ tiếp bà trung tá tại lâu đài riêng. Sau khi Cách mạng Pháp vừa nổ ra, trong thời buổi khó khăn, có một bà công tước người Pháp đã được bà Crawley bỏ tiền ra mua không mà cả tất cả đồ trang sức và đăng ten, lại được mời đến nhà, ăn uống luôn. Bà này viết thư cho bà Crawley nói:

-Thế nào? Sao bà chị không sang Paris thăm hai vợ chồng ông cháu, bà gặp lại bè bạn cũ một tý? Thiên hạ ai cũng ngất lên () vì cái vẻ đẹp tinh nghịch () của bà Rawdon. Thật thế chúng tôi thấy đúng là cái duyên dáng, cái thông minh của bà Crawley, bạn quý của chúng tôi? Hôm qua ở điện Tuileries, Hoàng thượng có chú ý đến bà trung tá và chúng tôi ai cũng phải phát ghen lên, vì thấy Đức ông săn sóc đến bà ấy ghê quá. Lúc nữ công tước Angouleme, thuộc dòng dõi hoàng tộc, biết bà ấy chính là cháu dâu yêu quý của bà chị, muốn được giới thiệu để thay mặt nước Pháp cảm tạ tấm thịnh tình của bà chị đối với những kẻ bất hạnh trong thời kỳ lưu vong, thì có một bà Bareacres ngớ ngẩn nào đó tỏ ý bực mình ra mặt, rõ lạ quá? (bà này có cái mũi diều hâu, và chiếc mũ cao có túp lông chim cứ vươn ngất ngưởng trên đầu mọi người). Bà trung tá có mặt tại mọi cuộc hội họp, mọi buổi dạ hội...Bà ấy chỉ dự hội thôi, chứ không nhảy mấy khi. Con người xinh đẹp thế, đàn ông cứ quấn lấy mà ca tụng, cứ trông cũng đủ có cảm tình; mà đã sắp có con rồi cơ đấy. Nghe bà trung tá nói về bà chị, coi là người đỡ đầu, là người mẹ của mình, kẻ sắt đá đến đâu cũng phải cảm động rơi nước mắt. Bà trung tá quý bà chị như vàng. Chúng tôi quý mến bà chị vô cùng.”

Hình như lá thư của bà quý tộc người Pari không khiến được bà cô đáng kính, đáng mến, yêu quý Rebecca thêm chút nào thì phải. Trái lại, đọc hết lá thư bà lão già bèn nổi cơn tam bành lên, vì thấy Rebecca có địa vị, lại cả gan dám lợi dụng tên tuổi của mình để len lỏi vào giới thượng lưu quý tộc ở Paris. Bà Crawley giận run người, không đủ bình tĩnh để tự tay viết một bức thư bằng tiếng Pháp trả lời: bà đành đọc cho bà Briggs viết một lá thư đầy giận dữ bằng tiếng mẹ đẻ, trong đó bà không nhận có họ hàng gì với “bà Rawdon Crawley”, đồng thời khuyên mọi người nên cẩn thận đề phòng con người xảo quyệt nguy hiểm nhất đời ấy. Song, vì công tước phu nhân X... chỉ lưu trú ở Anh có hai mươi năm, cho nên một tiếng Anh bẻ đôi không biết: lần họp mặt sau, phu nhân đành chỉ nhận được của bà Rawdon Crawley biết rằng mình vừa nhận được của bà bạn quý một bức thư đầy những lời lẽ ân cần đối với cháu dâu. Rebecca bắt đầu thực sự hy vọng là bà lão đã hồi tâm.

Trong khi ấy Rebecca vẫn là người phụ nữ Anh được ca tụng nhất, được chiều chuộng nhất. Những buổi tối tiếp khách ở nhà cô ta thật một cuộc tiểu hội nghị của toàn châu Âu. Người Phổ, người Cossack, người Tây-ban-nha, người Anh... mùa đông năm ấy ở Pari có đủ các dân tộc. Trong phòng khách của Rebecca đầy những vị ngực đeo huy chương san sát chỉ nhìn mà cả giới quý tộc Anh cũng đủ ghen tức. Vô khối nhà quân sự đại danh cưỡi ngựa kèm cô ta đi chơi ở rừng Boulogne, hoặc chen chúc nhau ngồi đầy lô, ghế riêng của cô ta ở Opera. Chưa bao giờ Rawdon phấn khởi như vậy. Ở Paris không có ai là chủ nợ; ngày nào ở nhà Beauvilliers’cũng có đánh bạc; anh ta chơi thả cửa, mà lại gặp lúc vận may nên phất to. Riêng Tufto thì hơi cáu, vì bà Tufto không ai mời cũng mò sang Paris.

Nào đã đủ đâu, bây giờ lúc nào cũng có đến nửa tá tướng lính quây quanh ghế của Becky; lúc đi xem hát cô ta có thể tùy thích chọn một trong số hàng tá bó hoa đưa tặng, Bareacres phu nhân và các mệnh phụ người Anh là những người đần độn nhưng đứng đắn, thấy cái con bé Becky hãnh tiến thành công quá, họ cứ lồng lộn lên vì ghen tức. Rebecca trả miếng bằng những câu châm chọc sâu cay đầy nọc độc.

Rebecca còn có tất cả đàn ông đứng về phe mình. Cô ta ngang nhiên ra mặt đối phó với mấy mụ quý tộc này. Bọn họ đành chỉ dám dùng tiếng mẹ đẻ để nói xấu Rebecca cho sướng miệng.

Bà Rawdon Crawley chỉ những hội hè, giải trí mà hết cả mùa đông năm 1815-1816. Rebecca thích ứng với đời sống thượng lưu rất tài, như thể đã hàng thế kỷ nay, tổ tiên cô ta đều thuộc dòng dõi quý tộc ... Kể ra thông minh như thế, lại có tài và sẵn nghị lực, cô ta cũng đáng được có một địa vị trong Hội chợ phù hoa.

Đầu mùa xuân năm 1816, trên mặt báo Galignani thấy có đăng tin: “Ngày 26 tháng ba, trung tá Crawley phu nhân, thuộc đội Ngự lâm quân, sinh hạ một con trai”.

Các báo ở Luân-đôn đều đăng lại tin trên. Ở Brighton lúc ăn sáng, bà Briggs mang đọc tin ấy cho bà Crawley nghe.

Tuy ai cũng đã biết việc sẽ xảy ra, nhưng tin này cũng gây nên một sự xáo trộn trong gia đình Crawley. Bà lão giận quá lập tức cho gọi Pitt, anh cháu trai, lại mời cả Southdown phu nhân ở công viên Brunswick về, yêu cầu tổ chức ngay hôn lễ đã dự định từ lâu. Bà tuyên bố sẽ trợ cấp cho đôi vợ chồng mới cưới mỗi năm một nghìn đồng cho đến khi bà chết; sau đó, phần lớn gia tài của bà sẽ trao cho anh cháu trai, và cô cháu dâu yêu quý hóa là Jane Crawley. Luật sư Waxy được triệu đến để chứng thực... bá tước Southdown dẫn em gái đến trước bàn thờ Chúa làm lễ... một vị giám mục đứng ra làm phép cưới, chứ không phải là đức cha Bartholomew Irons; ông cố đạo “nửa mùa” này lấy làm thất vọng lắm.

Cưới xong, Pitt định tổ chức một cuộc du lịch trăng mật với cô vợ mới cho xứng với địa vị của mình; nhưng bà cô già cứ quấn quít lấy người cháu dâu làm cho công nương Jane thú thực không sao rời bà cô chồng quí mến mà đi được. Hai vợ chồng Pitt đành dọn đến ở chung với bà Crawley. Southdown phu nhân, nhà gần ngay đây, thực tế cai quản cả gia đình, gồm có Pitt, công nương Jane, bà Crawley, bà Briggs, bà Firkin và gia nhân; Pitt anh chàng đáng thương, rất đau khổ vì bị giằng co giữa một bên là bà cô một bên là mẹ vợ, cả hai cùng đáo để. Bà mẹ vợ không thương xót, bắt anh ta đọc đủ mọi thứ sách và uống đủ mọi thứ thuốc; bà đuổi ông Creamer thay bằng ông Rodgers; dần dần bà tước cả cái vỏ quyền hành của bà Crawley. Bà lão này đâm ra nhút nhát quá, đến nỗi mất cả thói quen nhiếc móc bà Briggs như cũ; đành cứ bám lấy cô cháu dâu, và mỗi ngày nỗi lo chết lại thêm ám ảnh. Hãy yên nghỉ, hỡi bà già ngoại đạo vừa tốt bụng vừa ích kỷ, vừa rộng lượng lại vừa phù phiếm kia. Chúng ta sẽ không còn gặp lại con người ấy nữa. Hy vọng rằng công nương Jane sẽ kiên tâm chịu đựng nổi bà cô chồng và nắm tay bà ta nhẹ nhàng dắt được ra khỏi cái Hội chợ phù hoa ồn ào hỗn độn này.

TẬP HAI