Cửu Dung

Quyển 3 - Chương 3: Gặp lại nơi đường hẹp (1)




Sáng sớm hôm sau, lúc vấn an Lão phu nhân, Thẩm Tề liền bẩm báo với Lão phu nhân về chuyện của phu nhân tướng quân. Nghe nói, vị này là người kinh thành, đường đường là nghĩa nữ của Kinh triệu doãn tam phẩm Hoàng Hoài Nghĩa, tên là Hoàng Yên Mạch. Về phần trước khi trở thành nghĩa nữ của Kinh triệu doãn, không ai biết thân thế nàng ra sao.

Lão phu nhân nghe xong, nhất thời khó tránh khỏi nghĩ mà thấy sợ, sợ là sợ Hoàng Yến Mạch kia chính là Liễu Vũ Tương chưa chết, đến đây trả thù, trong dạ lại càng thêm hoảng. Cứ vậy, mấy hôm sau, không ngờ Lão phu nhân đổ bệnh.

Dạo gần đây, thần sắc Thẩm Hồng ngược lại đã khá lên. Sức khoẻ chàng vẫn còn yếu nhưng tư duy rất tỉnh táo, có thể lưu loát chuyện trò dăm câu. Trong lòng tôi cũng nguôi ngoai không ngớt.

Trong những ngày Lão phu nhân hoảng hồn lo sợ, lại càng đối xử với Đỗ Linh Nhược tốt hơn. Trong tâm tưởng, bà sợ Liễu Vũ Tương đến đây trả thù, Đỗ Linh Nhược vốn là con gái của Tri phủ Sơn Đông, nói không chừng có thể giúp đỡ Thẩm gia. Song song với việc đó, bà cũng đối đãi với tôi tử tế hơn hẳn. Thứ nhất vì thẹn trong lòng, thứ hai vì cảm thấy tôi với Tiết vương gia xem trọng lẫn nhau, nếu Thẩm gia thật sự xảy ra chuyện gì, điều Tiết vương gia có thể làm, không biết còn nhiều hơn Tri phủ Đỗ Diên Sùng bao nhiêu lần.

Hôm đó, trời trong mây lành, Minh Nguyệt Hân Nhi và Bảo Bảo, Băng Ngưng cùng đến tìm tôi bảo: "Thiếu phu nhân, nghe nói chữ "Thọ" trên núi Vân Môn vừa mới khắc xong, chúng ta ngại gì đến đó cầu Thần bái Phật, cầu cho bệnh của Đại công tử sớm bình phục".

Tôi nghĩ ngợi một chút, nói: "Việc này cũng tốt, nhưng bệnh của tướng công thật sự khiến ta không thể yên lòng".

Bảo Bảo cười nói: "Chuyện cũng có gì đâu mà, ba người cứ yên tâm đi đi, để em trong nom Đại công tử là được rồi". Mỗi lần như thế, người chủ động ở lại đều là Bảo Bảo. Minh Nguyệt Hân Nhi nghe thế bèn vỗ tay khen hay. Cứ như vậy, chúng tôi quyết định đi đến núi Vân Môn bái Phật.

Núi Vân Môn ở Thanh Châu, cũng không cách Duy huyện bao nhiêu xa. Tiêu Tiếu đánh xe ngựa, chưa đến một canh giờ đã tới nơi.

Sườn phía nam núi Vân Môn có một nơi gọi là "Vân Quật", vào mùa hạ và mùa thu, mây trắng bay vọt lên vòm không, lúc ngang qua động Vân Môn thì từ từ thả mình lên trời, bởi thế mà đặt tên là núi Vân Môn. Đắm mình nơi đỉnh núi, ngắm nhìn biển mây thoáng ẩn thoáng hiện, đất lục liền kề với non xanh, tầng tầng núi non điệp trùng quấn quýt, tiên cảnh Vân Môn lúc nào cũng khiến cho rất nhiều kẻ trời nam đất bắc quyến luyến quên về.

Tại sườn bắc Vân Môn, có một bức ma nhai thạch (1) to lớn hiếm thấy trong bốn bể, trên viết mọt chử "Thọ" thật to, người ta gọi đó là "Vân Môn hiến Thọ", do nội chưởng ty (2) phủ Hành là Chu Toàn, người vùng Ký Dương viết ngày mùng Chín tháng Chín năm Ba mươi chín vương triều Gia Tĩnh nhà Bắc Minh. Người thời đó phỏng theo chữ viết của ông, điêu khắc thành ma nhai thạch. Trải qua trăm năm nắng chiếu gió hong, dấu vết điêu khắc kia đã phôi phai đi, vì thế Tri phủ Sơn Đông Đỗ Diên Sùng hạ lệnh cho thợ thủ công khắc lại một lần nữa, vừa mới hoàn thành cách đây chưa lâu.

(1) Tức chữ viết và tượng Phật được khắc ngay trên đá núi.

(2) Một chức quan quản lý việc ăn uống trong vương phủ.

Tới núi Vân Môn, lạy chữ "Thọ" xong, ý tôi là muốn về luôn, Minh Nguyệt Hân Nhi lại dẩu môi nói: "Thiếu phu nhân, cô đã đến núi Vân Môn mấy lần rồi, người ta mới đến đây lần đầu. Phong cảnh đẹp thế này, chẳng lẽ ngay cả ngắm cảnh mà cô cũng không chịu cho người ta ngắm sao? Nếu mà thế thật, cô thật sự là nhẫn tâm quá đỗi rồi đấy".

Tôi thấy Minh Nguyệt Hân Nhi đáng thương như thế, cười bảo: "Thôi cũng được, em đã muốn đi dạo thì chúng ta cũng đi ngắm nghía xung quanh vậy. Có điều phải về sớm một chút, trong lòng ta vẫn còn đang lo lắng cho tướng công đây".

Minh Nguyệt Hân Nhi hoan hô ầm lên, chạy tót về phía trước, Tiêu Tiếu vội vã đuổi theo. Tôi và Băng Ngưng cũng rất mau chóng hoà vào dòng người, cùng những thiện nam tín nữ khác đi lên theo bậc thềm.

Từ xa xưa núi Vân Môn đã được danh nhân các triều đại coi trọng, trên sườn dốc nứt gãy và vách núi cheo leo phủ đầy những chữ khắc và bia đá của văn nhân danh sĩ bao nhiêu thế hệ. Du ngoạn trên đỉnh núi có thể đọc đã mắt "Đà lĩnh thiên tầm", "Phách phong tịch chiếu" và "Tam sơn liên thuỷ, chướng thành như hoạ". Ngắm các danh lam thắng cảnh di tích cổ như cung điện của "Đông Nhạc đại đế", Vọng Thọ các, mấy người chúng tôi đều vui vẻ thoải mái, không khỏi thán phục rằng sơn hà đẹp đẽ, tạo hoá lạ lùng.

Tới xế chiều, vì lo lắng bệnh tình của tướng công, tôi liền gọi mấy người Minh Nguyệt Hân Nhi xuống núi cho sớm. Đi trên đường núi, tôi kể mấy ngươi họ nghe một số điều mắt thấy tai nghe. Mấy cô bé nghe đến xuất thần, đột nhiên Minh Nguyệt Hân Nhi kêu to một tiếng: "Đẹp quá!".

Tôi ngẩng đầu lên, thấy một nữ tử thân vận váy dài như liễu rủ màu vàng, trên cổ tay áo thêu hoa mẫu đơn xanh bích, sợi tơ vàng dệt thành mấy mảnh hoa văn tường thuỵ, vạt áo dưới kết dày đặc một loạt phượng hoàng cưỡi mây màu tím, trước ngực là dải áo yếm xanh lơ bằng gấm thít chặt, thân mình nhẹ nhàng chuyển động làm vạt váy dài bay lên, giơ tay nhấc chân như gió, dáng thướt tha mềm mại như dương liễu la đà, loại khí chất lộng lẫy này tựa như một phi tử của thần tiên vậy.

Nữ tử như vậy, ngay cả cùng là phận gái cũng không có cách nào không thích, huống chi là nam nhân? Trên đường, già thì cụ già tóc bạc tám mươi tuổi, trẻ thì nhi đồng lên tám lên mười đều trợn mắt há miệng ra mà ngắm nhìn nàng. Tiêu Tiếu cũng là nam nhân, hiển nhiên không thể ngoại lệ. Minh Nguyệt Hân Nhi thấy thế, trong lòng không thích, xoắn lấy vành tai y, cùng y la hét ầm ĩ.

Giờ này khắc này, nữ tử ấy đang xoay người kiểm kê đồ đạc, đúng lúc đó, từ phía sau có một bé gái chừng mười ba mười bốn tuổi vội vã vượt qua người nàng, chúng tôi thấy rõ ràng, bé gái kia thuận tay lấy đi miếng ngọc bội đeo bên hông nàng, tiếc rằng nàng vẫn chưa phát hiện ra.

Băng Ngưng là cô gái xuất thân chốn giang hồ, hiển nhiên sẽ không để cho chuyện như vậy xảy ra ngay trong tầm mắt mình. Lập tức, cô mau mắn nhảy đến bé gái mười ba mười bốn tuổi kia, nắm lấy tay bé gái, hét lên: "Lấy đồ ngươi vừa trộm của vị cô nương kia ra đây! Nếu còn không đưa ra, bản nữ hiệp sẽ lấy mạng của ngươi!". Ngay sau đó, Băng Ngưng khẽ rút cây kiếm trong tay, doạ nạt bé gái.

Tiểu cô nương kia chắc là con gái của gia đình thôn dã, nhìn quần áo con bé rách nát tả tơi, hiển nhiên là bần cùng khốn khổ không chịu nổi nên mới đi trộm đồ. Con bé làm sao đã gặp phải cục diện như Băng Ngưng, trong lúc nhất thời dị doạ đến trắng bệch mặt mày, song vẫn cố chấp nói: "Tỷ... tỷ muốn gì hả? Tôi đâu có trộm đồ gì đâu, tỷ... tỷ mới là trộm thì có".

Băng Ngưng quắc mắt lên, quát to: "Nhỏ tuổi như vậy đã dám đi trộm đồ, lớn lên thì không biết còn thế nào nữa? Nếu ngươi nhất quyết không lấy ra, ngay bây giờ ta đưa ngươi lên gặp quan".

Nghe thấy quan, bé gái kia mới sợ hãi, quỳ xuống nói với Băng Ngưng: "Bà cô ơi, tôi van xin tỷ, ngàn vạn lần đừng bắt tôi lên gặp quan, cha mẹ tôi đều bị tên cẩu quan hám tiền đó hại chết. Tôi trả đồ lại cho tỷ, tỷ hãy tha cho tôi đi". Nói xong, bé gái liền giao ngọc bội ra. Miếng ngọc bội đó trong suốt óng ánh, vừa nhìn đã biết ngay là hàng thượng đẳng.