Đại Tấn Đẹp Đến Như Vậy (Đổi Nữ Thành Phượng)

Chương 150




Lưu Diệu lấy thế sét đánh không kịp bưng tai tiêu diệt kẻ gây họa cho đất nước là Quốc trượng Cận Chuẩn.

Vị sát thần này có danh xưng dũng mãnh kiệt xuất, thế nhưng xưng đế không phải bằng vũ lực mà bằng trí tuệ.

Lại nói Cận Chuẩn vì muốn củng cố chính quyền, đã chủ động qua lại thân thiết với Đại Tấn vừa tái sinh ở Giang Nam, cùng nhau chống lại Lưu Diệu. Trong lúc không ngừng có đại thần trong triều chạy đến Trường An đầu quân cho Lưu Diệu, trong số đó có Đại tướng Hô Diên Yến năm đó cùng tấn công thành Lạc Dương với Lưu Diệu —— chính là người bị Đại tướng Vương Di bẻ gãy hai ngón tay chỉ vì tranh đoạt tài sản của Lạc Dương.

Lúc ấy sau khi Hô Diên Yến bị bẻ gãy ngón tay đã xúi giục Lưu Diệu tranh chấp nội bộ với Vương Di, còn mình thì rút ra ngoài thành quan sát, làm ngư ông đắc lợi, là một nhân vật mưu mô xảo quyệt. Để bảo hộ Dương Hiến Dung, Lưu Diệu đã đánh nhau với Vương Di, cả hai bên đều chết hơn một nghìn người —— lúc bọn họ tấn công Lạc Dương cũng không chết nhiều người như vậy.

Hô Diên Yến là chú họ của Hoàng Đế Lưu Xán, hoàng thất Lưu thị bị Cận Chuẩn tàn sát hầu như không còn người nào, hắn nhìn tình huống không ổn nên vội vàng rút lui, Lưu Diệu biết rõ tính cách quanh co gian xảo của Hô Diên Yến, hỏi ngay hắn: “Cận Chuẩn giết toàn bộ hoàng thất Lưu thị, ngay cả tỷ tỷ, nữ nhi và cháu ngoại ruột đều giết, những người khác trong Cận gia không có ý kiến trái chiều nào sao?”

Hô Diên Yến nói: “Đường đệ Cận Lượng của Cận Chuẩn đã cầu xin cho Cận Thái Hậu và Cận Hoàng Hậu, cùng với Thái Tử, nói bọn họ đều là huyết mạch Cận gia, đề xuất Cận Chuẩn lập Thái Tử làm Hoàng Đế, hắn là ông ngoại của Thái Tử, ép thiên tử hiệu lệnh thiên hạ là được, như thế sẽ không cần gây thù chuốc oán quá nhiều, ầm ĩ đến mức người nào người nấy đều cảm thấy lo lắng không yên. Nhưng Cận Chuẩn không đồng ý, kiên quyết muốn nhổ cỏ tận gốc.”

Lưu Diệu nghe mâu thuẫn nội bộ của Cận gia, nói: “Ngươi âm thầm liên lạc với Cận Lượng, cứ nói ta chỉ giết kẻ đầu sỏ gây tội Cận Chuẩn để báo mối thù hắn phá hủy hoàng lăng và làm nhục di hài của nghĩa phụ ta, còn những người khác sẽ không bị truy cứu.”

Hô Diên Yến ở giữa truyền lời, quả nhiên thuyết phục được Cận Lượng, Cận Lượng mở yến hội, chiêu đãi Cận Chuẩn, trong bữa tiệc ném chén ra hiệu, các tay đao phủ mai phục ở góc tường xuất hiện, chém đầu Cận Chuẩn.

Cận Lượng mang theo đầu Cận Chuẩn đầu hàng Lưu Diệu, Lưu Diệu mở tiệc lớn, tổ chức nghi thức chiêu hàng long trọng, đến khi rượu đã nồng, người đã say, Lưu Diệu nâng chén khóc lớn, nói nhà Hán bị tiêu diệt, dòng họ Lưu thị bị tàn sát hầu hết, di hài của cha nuôi Lưu Uyên cũng bị đào lên chém đầu quất xác, thân là con nuôi, cho dù phải đối mặt với tiếng xấu nghìn đời khi giết thần tử đã đầu hàng, cũng nhất định phải báo thù cho cha nuôi và người Lưu gia.

Lưu Diệu ném chén rượu, cung thủ ngồi xổm trên nóc nhà giương cung bắn tên, tất cả người nhà Cận gia có mặt ở đây, kể cả Cận Lượng mang theo đầu Cận Chuẩn tới đầu hàng đều bị loạn tiễn bắn chết.

Cứ như vậy, Lưu Diệu chiến đấu cả nửa đời, mà trận chiến đưa ông lên ngôi vị Hoàng Đế lại là trận chiến bằng trí tuệ và mưu lược.

Ba người Vương Duyệt, Thái Tử và Chu Phủ nghe vậy chỉ trố mắt nhìn mà không nói nên lời, bọn họ ngàn dặm xa xôi chạy tới Bình Dương để thiết lập quan hệ ngoại giao với tân quân Cận Chuẩn, nhưng người đã tới rồi, mà đất nước muốn thiết lập quan hệ ngoại giao lại không còn.

Nhưng hung thần ác sát Lưu Diệu trong truyền thuyết lại rất khách sáo với sứ đoàn Trung Nguyên, không hề làm khó hay giam giữ, còn giao quan tài của Hoài Đế và Mẫn Đế do Cận Chuẩn đã chuẩn bị từ trước mà không cần điều kiện gì.

Dẫu sao, tới cũng tới rồi, đúng không.

Thái Tử vội vàng ném quốc thư thiết lập quan hệ ngoại giao của Đại Tấn vào chậu than, “Đa tạ bệ hạ.”

Lưu Diệu đã xưng đế, quốc hiệu là Triệu, cho nên Thái Tử xưng là bệ hạ, còn việc vì sao phải đốt quốc thư thiết lập quan hệ ngoại giao —— trong quốc thư viết, Đại Tấn và Cận Chuẩn liên kết chống lại Lưu Diệu, cho nên cần phải tiêu hủy ngay lập tức, chẳng may Lưu Diệu nhìn thấy rồi nổi điên, cưỡng ép tạm giam sứ đoàn Đại Tấn thì làm sao? Nghe nói vị này chính là đại ma đầu giết người không chớp mắt!

Vương Duyệt và Chu Phủ âm thầm vỗ tay cho sự nhanh nhạy của Thái Tử. Ở trước mặt đại quân của Lưu Diệu, sứ đoàn hai nghìn người của bọn họ cũng không đủ nhét kẽ răng!

Lưu Diệu nói: “Các ngươi mau chóng mang quan tài của Hoài Đế Mẫn Đế rời khỏi Bình Dương, Bình Dương đã chịu đựng đủ tàn phá trong chiến tranh, đã không còn dáng vẻ, trẫm đã quyết định dời đô đến Trường An, sẽ rút ngay khỏi Bình Dương, nơi này cũng không an toàn.”

Lưu Diệu nói với Thái Tử Tư Mã Thiệu: “Trẫm là người Hung Nô, Thái Tử là người Hán, chúng ta sinh ra đã như vậy, không thể nào thay đổi huyết thống, chúng ta trời sinh đã đối địch.”

“Mâu thuẫn vẫn luôn tồn tại, sau này cũng thế. Nhưng nếu trấm đã xưng đế, vậy người Trung Nguyên đều là con dân của trẫm, cho dù người Hung Nô hay người Hán cũng đều được đối xử bình đẳng. Mấy năm qua trẫm ở Trường An đã luôn phổ biến Nho học, học lễ nghi Hán, thành lập trường học, những danh sĩ sĩ tộc Trung Nguyên trước kia được trẫm mời về dạy ở trường học, dung hợp Hồ Hán, bắt đầu từ văn hóa. Ngoài ra, trẫm còn noi theo nước Tấn các ngươi trong việc thi hành chế độ thu thuế ruộng đất, xóa bỏ nô lệ, từ du mục (*) sang canh tác nông nghiệp, trăm nghìn năm sau, chúng ta sẽ hòa làm một thể, tuy hai mà một.”

(*) Du mục: chăn nuôi gia súc lưu động, từ nơi này qua nơi khác, không có địa điểm cố định

“Đại Triệu cố ý thiết lập quan hệ ngoại giao với Đại Tấn, mong rằng Thái Tử chuyển lời của trẫm cho Hoàng Đế nước Tấn.”

Lưu Diệu đã đồng ý với Dương Hiến Dung rằng cả đời này sẽ không bước vào Giang Nam nửa bước, ông có thể làm được, nhưng nếu Đại Tấn vượt qua Trường Giang, đánh tới Trung Nguyên, ông tuyệt đối sẽ dẫn binh đánh Đại Tấn về Giang Nam, đến lúc đó hai nước khai chiến, ông thì không có vấn đề gì, nhưng Dương Hiến Dung sẽ khổ sở.

Cho nên, vì kế hoạch trước mắt, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, đổi lấy hòa bình tạm thời là biện pháp tốt nhất.

Thái Tử là người kế vị, lúc hắn còn ở thành Kiến Khang đã từng ảo tưởng đánh tới Trung Nguyên, giành lại non sông, nhưng sau khi qua sông, nhìn thấy những dân lưu lạc có tiếng tăm và khí thế lớn ở Giang Bắc, hắn mới hiểu được bản thân mình đã ngây thơ cỡ nào, quân đội Đại Tấn đừng nói tới chuyện giành lại Trung Nguyên, mà có lẽ tới Giang Bắc có lẽ đã bị dân chạy nạn như sói đói cướp sạch quân lương và ngựa chiến, thậm chí quần cũng bị cướp mất.

Thái Tử nhìn nhận rõ hiện thực, từ bỏ ảo tưởng, nói: “Ta sẽ nói ý tứ của bệ hạ cho phụ hoàng.”

Đây là lần đầu tiên Chu Phủ nhìn thấy sát thần Lưu Diệu trong truyền thuyết, nghe nói ông sinh ra đã có một đôi lông mày trắng, con ngươi chuyển màu đỏ, một mũi tên có thể bắn thủng ván sắt, cứ tưởng ông là hung thần ác sát, nhưng sau khi nhìn thấy người thật, nhất là nghe Lưu Diệu lên kế hoạch cho tương lai nước Triệu thì hoàn toàn không phải hạng người đầu óc đơn giản, tứ chi phát triển như trong lời đồn.

Chu Phủ thành thật, hỏi thẳng: “Tại sao bệ hạ lại thúc đẩy Nho học?” Ở Đại Tấn, nho học là bàng môn tà đạo, tư tưởng học thuật chủ đạo từ trước đến giờ đều là Huyền học.

Chu Phủ không hiểu nổi Huyền học, mỗi lần tham dự các buổi tụ họp tao nhã của cha vợ Tuân Tung, chỉ có nghe người khác nói suông, bàn luận viển vông, mà hắn chỉ có thể lắng tai nghe —— đã thế nghe còn không hiểu.

Lưu Diệu càng thẳng thắn hơn, cười nói: “Bởi vì Nho học là đơn giản nhất, cũng có nhiều sách cổ nhất, chỉ cần học thuộc lòng là có thể hiểu được một ít da lông bên ngoài —— ví dụ như bây giờ trẫm cũng nghe hiểu phu tử nói cái gì. Huyền học quá khó, vừa huyền diệu khó giải thích lại luôn nói những thứ rỗng tuếch khó hiểu, chủ yếu dựa vào nhận thức của môn sinh và sự chỉ dạy của danh sư, Trường An chúng ta không có nhiều danh sĩ như vậy, thi hành Nho học vẫn thực tế hơn.”

Ngắn ngủi mấy năm không gặp, Lưu Diệu lại có thể thay đổi lớn như vậy, từ một vũ phu trở thành một đế vương có sách lược trị quốc rõ ràng, Vương Duyệt rất bất ngờ. Kẻ sĩ ba ngày không gặp phải nhìn bằng con mắt khác, kiến thức hiện giờ của Lưu Diệu đã không thua gì cha Vương Đạo của hắn.

Vương Duyệt nói: “Bệ hạ nhận thức chính xác và rõ ràng, ngoại thần thật sự khâm phục.”

Lưu Diệu cười nói: “Trẫm sinh ra trong quân ngũ, sao hiểu được những thứ này. Đều là chịu ảnh hưởng từ Hoàng Hậu. Hoàng hậu của trẫm là người Hán, Hoàng Hậu vừa mới sinh nhi tử cho trẫm, trẫm đã lập nó làm Thái Tử. Thái Tử của trẫm một nửa là người Hung Nô, một nửa là người Hán. Giang sơn mà trẫm gây dựng cho nó, đương nhiên muốn phải dùng kinh tế và văn hóa hòa làm một thể, mà không phải để sau này Thái Tử kế thừa một đất nước chia năm xẻ bảy.”

Cái gì?

Thái Tử, Vương Duyệt, Chu Phủ ba mặt nhìn nhau: Dương Hiến Dung được phong hậu lần nữa?

Nhất là Vương Duyệt, mẹ đẻ trở thành Hoàng Hậu của hai đất nước, thật sự là chuyện mới nghe lần đầu, có một không hai trong lịch sử.

Thái Tử thật sự không dám tin vào tai mình, “Chúng ta vừa mới đến Bình Dương, gần như không biết gì về quý quốc, xin hỏi bệ hạ, Hoàng Hậu nước Triệu là ai?”

Lưu Diệu tự hào nói: “Hoàng hậu của trẫm xuất thân danh môn thế gia Thái Sơn Dương thị, tổ tiên là thần tử nổi danh Dương Hỗ, phụ thân Hoàng Hậu là Hưng Tấn Huyện Công Dương Huyền Chi.”

Dương Huyền Chi chỉ có một con gái là Dương Hiến Dung. Là kế Hậu của Tấn Huệ Đế, cho nên gọi bà là Huệ Hoàng Hậu.

Đầu óc Chu Phủ sắp nổ tung, “Hoàng Hậu nước Triệu chính là Huệ Hoàng Hậu của Đại Tấn chúng ta?”

Lưu Diệu gật đầu, nói: “Đúng vậy. Huệ Đế đã chết từ lâu, nàng ấy là quả phụ, trẫm cưới nàng làm vợ, trẫm làm Hoàng Đế, thê bằng phu quý, nàng đương nhiên là Hoàng Hậu.”

Chu Phủ thầm nghĩ: Trời ạ, chúng ta mang tin tức Huệ Hoàng Hậu lại được phong Hậu một lần nữa về, chẳng phải triều đình sẽ nổ tung sao?

Thái Tử bị chấn động sâu sắc: Cùng là Hoàng Đế, tại sao Lưu Diệu là có thể cưới một quả phụ đã tái giá vào cung một cách quang minh chính đại, còn phong làm Hoàng Hậu. Mà phụ hoàng lại ghét bỏ tiếng tái giá của mẹ, cho dù biết rõ cuộc hôn nhân lần thứ hai chỉ là ngụy trang nhưng ông ta vẫn không chấp nhận mẹ, không cho mẹ bước vào Đài Thành, ngay cả một danh phận phi tần cũng không chịu cho bà?

Vương Duyệt thì lén đi gặp Dương Hiến Dung được phong Hậu một lần nữa vào ban đêm.

Phan mỹ nhân ra đón Vương Duyệt, yêu thương không dứt với hắn, “Thế tử cao hơn rồi, đã thật sự trở thành người lớn. Công chúa Thanh Hà khỏe không? Tào tỷ tỷ có khỏe không?”

Vương Duyệt đương nhiên đều nói khỏe, Phan mỹ nhân càng nhìn càng thích, “Hoàng Hậu vẫn luôn chờ thế tử, mau đi cùng ta.”

Dương Hiến Dung đã hết ở cữ, gương mặt đầy đặn, thần sắc tươi tắn, không gầy yếu giống như trước kia, bà đã hơn ba mươi tuổi mà vẫn giống như thiếu nữ, khi nhìn thấy Vương Duyệt, bà kích động tiếp đón, nắm chặt tay hắn.

Con trai ruột của bà đã cao đến mức bà phải nhìn lên mới có thể thấy rõ mặt hắn.

Bà duỗi tay sờ mặt Vương Duyệt theo phản xạ, nhưng đột nhiên ý thức được mình không khống chế được cảm xúc, trên danh nghĩa Vương Duyệt là con trai của Tào Thục, bà không thể chạm vào hắn, vì thế rụt tay về ngay.

Vương Duyệt lại bất ngờ bắt lấy cánh tay đang giơ lên giữa không trung của bà rồi đặt khẽ lên má mình.

Trong nháy mắt, Dương Hiến Dung hiểu ra: “Con… Tào tỷ tỷ đã nói cho con biết thân thế của mình?”

Ở dưới sự bảo vệ của Lưu Diệu, đến bây giờ Dương Hiến Dung vẫn chưa biết Thanh Hà gặp phải cảnh ly tán, mất tích và mất trí nhớ.

Vương Duyệt nhìn mẹ đẻ hoàn toàn không biết gì, tìm được hình bóng mình từ trên mặt bà, thật ra tướng mạo hắn giống mẹ.

Số phận Dương Hiến Dung nhiều chông gai, gặp được Lưu Diệu, vì bà mà chống đỡ một mảnh đất trời, bảo vệ bà đến độ kín không còn một khe hở, không chịu một chút tổn thương để bù đắp cho những đớn đau áp bức và khuất nhục trong quá khứ.

Mà Thanh Hà bị tráo đổi cũng hoàn toàn đi lại con đường nửa đời gian khổ của Dương Hiến Dung, chịu hết mọi đau khổ, thậm chí còn một lần bị lừa bán làm thiếp.

Tất cả những gì hai người phụ nữ này gặp phải đều vì bảo vệ hắn có thể sống sót.

Vương Duyệt khổ sở nói: “Đêm nay con tới đây là để nói cho Hoàng Hậu biết những khó khăn mà lẽ ra con phải chịu đựng đều đã đẩy lên người Thanh Hà. Nếu cho con cơ hội tự lựa chọn số phận của mình, còn thà rằng tự mình hủy diệt, cũng không hề muốn Thanh Hà gánh vác nỗi đau thay con, nàng ấy thật sự quá khó khăn.”

“Chuyện trước kia đã không thể nào thay đổi. Ở trong lòng con, mẫu thân mãi mãi là Tào Thục, con không thể nào gọi Hoàng Hậu là mẫu thân. Thanh Hà vẫn chưa biết thân thế, nhưng với tính cách của nàng ấy, cho dù biết được thì ở trong lòng nàng, Hoàng Hậu mãi mãi là mẫu thân của nàng, nàng sẽ mãi bận tâm về người. Để không làm tăng thêm phiền phức cho nàng, con và mẫu thân đều dự định sẽ mãi giữ bí mật này. Nếu đã đổi, thì cứ đổi đến cuối cùng.”

Vương Duyệt bái Dương Hiến Dung, “Chúc mừng Hoàng Hậu được phong Hậu một lần nữa, ngoài Thanh Hà ra, Hoàng Hậu không nợ ai hết, cũng không nợ Đại Tấn. Từ nay về sau, Hoàng Hậu là Hoàng Hậu nước Triệu. Một khi tin tức Hoàng Hậu được phong Hậu một lần nữa truyền tới Giang Nam, e rằng chỉ có một mình nàng ấy vui mừng cho Hoàng Hậu. Những lời đồn đại vớ vẩn sẽ không làm tổn thương được nàng ấy, xin Hoàng Hậu giữ gìn sức khỏe, chỉ khi Hoàng Hậu sống tốt mới không phụ sự kiên cường của Thanh Hà.”

- -----oOo------