Đại Tranh Chi Thế

Quyển 3 - Chương 200-2: Đang đêm tập kích (Trung)




Khánh Kỵ thành công đánh bại âm mưu của Ngũ Tử Tư, chẳng những đoạt lại Na Xứ thành, hơn nữa còn chiêu hàng được toàn bộ binh sĩ quân Ngô đã hết đường lui. Ngô Vương Hạp Lư ở trong thành Dĩnh Đô nghe được tin thì vô cùng giận dữ, lập tức muốn lãnh binh thân chinh, lại bị Ngũ Tử Tư tận lực can ngăn.

Quân Sở ở sông La vốn là đối tượng mà quân Ngô đánh nghi binh, bởi vậy tổn thất cũng không quá nghiêm trọng. Quân Sở thoát khỏi đại nạn, như chim sợ cành cong không dám lưu lại ở gần Dĩnh Đô, bọn họ dời đi về phía Tây Nam, cuối cùng ở Tân Ấp gặp được đại quân cần vương, hai quân hội hợp, cho nên mới đóng quân ở Tân Ấp.

Tử Tây dẫn đại quân ba đường từ Tùy quốc mà tới, chiếm cứ Tân Ấp, Tuyển thành, Chương Vu ba chỗ trọng yếu, bao vây một nửa Dĩnh Đô, liên tiếp giao thủ vài lần với tiên phong quân Ngô có thắng có bại, nhất thời quân tâm dần dần ổn định. Nhưng mà ba địa phương này đều ở phía Bắc Dĩnh Đô, cũng không có tác dụng nếu Cơ Quang chạy về phía Nam.

Khánh Kỵ biết đây là do người Sở sợ hắn muốn ngăn cản Cơ Quang ở lại Sở quốc, lợi dụng người Sở làm hao hết lực lượng của Cơ Quang, cho nên trái lại lại lợi dụng hắn để cản đường Cơ Quang, khiến cho hắn phải gánh chịu áp lực cường đại đến từ quân Ngô.

Lúc này hắn đã có chiến thuyền với cánh buồm và bánh lái, chắc chắn sẽ trở về nước sớm hơn Cơ Quang. Chỉ có điều cần có thời gian để đóng thêm chiến thuyền và để binh lính quen thuộc với việc điều khiển, thứ hai là nội tình Ngô quốc như thế nào hiện nay hắn hoàn toàn không biết gì cả, vẫn chờ đợi tin tức của Chúc Dung, Tôn Vũ. Vì không để chủ soái song phương Ngô Sở là Phí Vô Cực và Ngũ Tử Tư sinh nghi, hắn liền tương kế tựu kế, không ngừng phát binh tấn công Ngư Phản, làm ra vẻ muốn chiếm cứ Ngư Phản, lát sau lại dẫn quân xuống phía Nam, làm bộ ngăn trở con đường duy nhất mà ba cánh quân Ngô ở Dã Phụ, Chử Cung, Chương Hoa Thai có thể đi xuống phía Nam.

Người Ngô ở Dĩnh Đô cũng không kinh hoảng, một là Dĩnh Đô lương thảo sung túc, chỉ cần thành không bị phá, không thì thủ thành tới ba năm cũng không thành vấn đề. Thứ hai, từ đường sông Trường Giang quay về nước Ngô nhất định phải đi qua hai con đường là Na Xứ thành và cửa ngõ Ngư Phản, từ đường bộ đi về Ngô có ba con đường, một là đi qua Chương Hoa Thai hoặc Dã Phụ, xuyên qua Vân Mộng trạch (trạch: đầm), một đường khác là đi từ Chử Cung theo hướng Đông Nam, đi qua con đường Hoa Dung nổi danh hậu thế, từ chỗ giao giới Ngô Việt mà về.

Na Xứ thành đã rơi vào tay Khánh Kỵ, từ Ngư Cô muốn quay về bằng đường thủy cũng phải suy xét tới việc mấy vạn đại quân từ Sở về Ngô sẽ có rất nhiều con thuyền trên sông Trường Giang, trong quá trình đi thuyền việc Khánh Kỵ có dẫn binh tập kích hay không lại là vấn đề, nhưng mà đi đường bộ về nước thì lại không có vấn đề mấy, bởi vậy quân Ngô cứ tử thủ ở Ngư Cô. Khánh Kỵ mỗi lần xuất binh tấn công Ngư Phản, Quyền Ấp quân Ngô lại tập kích quấy rối ở đằng sau, quân ở Dĩnh Đô cũng sẽ xuất binh viện trợ, Khánh Kỵ nhân đó mà làm ra vẻ không biết làm thế nào đành lui về Na Xứ thành, cuộc chiến song phương cứ diễn ra dai dẳng không xong.

Trong lúc đó, quân Sở cũng xuất binh tập kích phía sau quân Ngô, nhưng quân Ngô thủ thành Dĩnh Đô rất kiên cố, lại do Ngô Vương Hạp Lư cùng tướng quốc Ngũ Viên tự mình tọa trấn, cho nên quân Ngô trên dưới đều phục vụ quên mình, bọn họ căn bản là không có cơ hội đắc thủ. Khánh Kỵ nhiều lần gửi thư sai sứ sang khiển trách Tử Tây, bảo là làm hỏng việc quân cơ, một cây làm chẳng nên non, Tử Tây tướng quân cũng là cực chẳng nói lên được, hắn tuy là chủ tướng tiền quân, nhưng mà quyền hành trong quân lại là do Phí Vô Cực điều khiển. Hắn mặc dù muốn thay đổi chiến lược, phối hợp với Khánh Kỵ để làm một trận chiến toàn lực, nhưng mà vấn đề là không làm chủ được.

Khánh Kỵ làm ra hành động như vậy chẳng qua là để sau này khi mình thoát ly khỏi chiến trường Sở mà quay về Ngô thì cũng có chút đạo nghĩa mà thôi. Tuy nói rằng mình làm ra vẻ khổ tâm thù địch, nhưng căn bản là không mong muốn hắn mang quân đến phối hợp, Phí Vô Cực bành trướng tư tâm, chính là lại hợp với ý hắn.

Chiến sự địch ta song phương cứ giằng co như vậy, Cơ Quang cũng thúc đẩy nhanh hơn tiến độ vận chuyển tài phú nước Sở, đồng thời bắt đầu thu xếp cuộc đại rút lui phản hồi Ngô quốc. Đúng lúc này, Bá dẫn dắt một nhánh quân đơn độc xâm nhập vào Tùy quốc áp sát Cửu Phượng cốc, ba ngàn tinh binh tiến vào vùng trống phía sau trận doanh của người Sở, đánh cho quân Sở đại bại.

Các thượng khanh, trung khanh, quan lớn địa phương Sở quốc đều tập hợp trong Cửu Phượng cốc. Văn Chủng, Phạm Lãi một là hạ tướng quân, một là huyện tư mã, chức quan chỉ như hạt vừng hạt đậu, ở trong Cửu Phượng cốc lại trở thành hai gã sai vặt. Vậy mà thời khắc mấu chốt lại chính là họ mang theo thân binh của mình xông vào sơn động của Sở Vương, cõng tiểu Sở Vương đào tẩu vào trong rừng sâu rậm rạp.

Bá đến chậm một bước chỉ biết nhìn biển rừng mênh mông mà dậm chân thở dài, cuối cùng đành bắt một đống lớn các thượng khanh, trung khanh bụng to não nhỏ, cùng với những quan viên mục thủ địa phương tới cần vương hộ giá cấp tốc lui khỏi Cửu Phượng cốc, theo đường cũ về Dĩnh Đô. Phí Vô Cực đang khoan thai suất lĩnh trung quân tới Dĩnh Đô nghe nói Cửu Phượng cốc bị tập kích, Sở Vương sống chết ra sao không biết, không khỏi cực kì sợ hãi, lập tức tản nhân mã ra chặn đường lui của Bá, tự dẫn quân chạy về Cửu Phượng cốc, cho nên chuyện Phí Vô Cực tiếp viện Dĩnh Đô đành phải trì hoãn lại. Tử Tây đợi không thấy Phí Vô Cực, đối với mấy lộ quân đã hành quân tới phụ cận Dĩnh Đô lại không có quyền điều động để bố trí một cuộc tiến công đại quy mô, áp lực lên phía Khánh Kỵ lại càng lớn hơn nữa.

Bá chạy về Dĩnh Đô, Cơ Quang đối với chiến quả của hắn rất là tán thưởng. Ngũ Tử Tư đưa ra phán đoán, người Sở nóng lòng vì an nguy của Sở Vương, tạm thời sẽ không phát động tiến công với Dĩnh Đô, vì thế thừa dịp này tự mình lãnh binh tấn công Na Xứ thành. Lộ tuyến quay về Ngô quốc của bọn họ đã được xác định là đi qua Chương Hoa Thai hoặc đi về Chử Cung phía Nam, cũng không cần phải cướp cửa ải hiểm yếu Na Xứ thành, đây chỉ là muốn trước khi về nước tận lực đả kích lực lượng của Khánh Kỵ mà thôi.

Ngũ Tử Tư tập trung quân phòng thủ Ngư Phản, Quyền Ấp, ba đường đại quân hợp công Na Xứ thành, đồng thời bên trong thành Dĩnh Đô cũng đã làm xong chuẩn bị cuối cùng cho việc rút lui. Khánh Kỵ biết Na Xứ thành căn bản không chịu nổi sự công phạt của đại quân, cho nên chủ động tấn công trước, triệu tập trọng binh bảo vệ hai sườn sơn cốc bên ngoài Na Xứ thành, dựa vào địa lợi mà dựng doanh trại quân đội, quyết chiến với quân Ngô, song phương đại chiến ba ngày, tổn thương lẫn nhau đều cực kỳ nghiêm trọng.

Nhá nhem ngày hôm đó, lại chấm dứt một hồi đại chiến, ánh tà dương đỏ tươi chiếu lên mảnh đất, chiến xa vỡ nát, chiến kỳ trơ trọi, thi thể nằm ngang dọc, cùng với kiếm kích trường mâu dựng đứng trong trận giống như cỏ dại, cấu thành một hình ảnh yên lặng thảm thiết. Ngẫu nhiên, ở trong hình ảnh đó sẽ có một vài sĩ tốt tỉnh lại, trong vũng máu bò đi vài bước, run rẩy phát ra tiếng kêu gọi, ở trong gió đêm tựa như tiếng nghẹn ngào của chó hoang.

Đại quân của Ngũ Tử Tư đã lui về phía sau, quay về doanh trại. Đại doanh của Ngũ Viên hình tam giác chia làm ba tòa, trung quân của hắn là lều lớn ở phía sau, bên trái bên phải là hai đạo nhân mã của Quyền Ấp và Ngư Phản, như một đôi sừng thú chỉa ra ngoài, kìm chặt ngọn núi của Khánh Kỵ.

Bố trí như vậy, nếu Khánh Kỵ điều động đại quân tiến công, có thể tránh được hai mặt thụ địch, cũng có thể đồng thời phát động lệnh tiến công tới hai tòa đại doanh, mà trung quân của Ngũ Tử Tư vẫn có thể chiếm thế chủ động, lúc nào cũng có thể cứu viện cho hai tòa quân doanh. Hoặc là hậu doanh trực tiếp tiến lên trước, còn hai tòa quân doanh trái phải từ quân tiên phong biến thành phối hợp tác chiến, từ đó biến thành chủ công.

Trong chủ doanh quân Ngô, dưới lá cờ lớn có chữ Ngũ, Ngũ Tử Tư đang ngắm nhìn ngọn núi xa xa. Mặt trời chiều ngả về Tây, trên mặt đất cũng có những cái bóng kéo dài, nhưng mà phía trên sườn núi vẫn rất sáng rõ, phía bên phải sườn núi, là cờ hiệu và cờ soái của Khánh Kỵ đứng sừng sững.

Nhưng mà Ngũ Tử Tư cũng không nghĩ rằng Khánh Kỵ nhất định sẽ ở sườn núi bên phải. Trải qua một thời gian đánh giá, hắn đã phát hiện ra phương pháp tác chiến của Ngô quốc đệ nhất dũng sĩ Khánh Kỵ hiện giờ so với Khánh Kỵ hắn vốn hiểu rõ là hoàn toàn khác nhau. Trước kia Khánh Kỵ dụng binh, phong cách chính là 'đại khai đại hợp' (mở là mở hợp là hợp), xưa nay thích lấy quân đường đường chính chính quyết chiến. Hắn khi chỉnh đốn binh mã xuất binh đánh về Ngô quốc, cũng là một đường phất cờ phấp phới, trống trận rền vang, chỉ sợ người khác không biết quân đội của hắn đang ở chỗ nào, người Ngô có thể dễ dàng nắm giữ được lộ tuyến hành quân của hắn.