Đồng Thoại Văn Lang

Chương 35: Nàng thương




Hồng Hạc bay trên lãnh thổ Văn Lang một ngày một đêm thì nữ quỷ kia tỉnh dậy.

Tuấn Cương cứ nghĩ, ả nhất định sẽ gào khóc tức tưởi, căn cứ vào những việc chàng đã chứng kiến ả trải qua một đêm trước.

Song đối diện với chàng lại là sự bình lặng đến vô tình.

Họ cứ thế trải qua nửa ngày lượn bay trong sự thanh tĩnh, cuối cùng chàng cho Mười Ba đáp xuống một lầu trúc ven sông.

“Cậu có thể biến Mười Ba quay về hình dáng cũ không?” Lạc Cơ bất giác nói, tay vẫn vuốt đầu con hồng hạc.

Gã sơn hầu lắc đầu. Chàng làm sao có thể đảo ngược chú thuật của một đấng thủy thánh?

“Thôi vậy, mày cứ tạm thời làm gà đi. Chờ tao khỏe lại, sẽ tìm cách biến mày trở về thành khoai sọ.”

Con hồng hạc “kíu kíu” vài tiếng, đoạn ì ạch đến dưới gốc pơ lang ngồi phịch xuống, nhắm mắt lại không thèm quan tâm đến nữ quỷ nọ. Trước khi họ vào nhà, nó còn dùng vuốt gỡ túi vải choàng trên cổ ra ném về phía nàng.

Vừa thấy vật bên trong, Tuấn Cương đã ngẩn ra.

“Nó tha theo thứ này làm gì?”

Đấy chẳng phải là những mảnh vỡ của cốc trà Trương Chi sao?

“Dù gì vật này cũng được làm từ máu Xương Cuồng, Mười Ba đối với thánh quân của nó rất tôn thờ, dĩ nhiên sẽ không bỏ vật này lại Ba Vì,” nói đoạn, Lạc Cơ lẳng lặng buộc lại túi vải.

“Cái gì? Nó… nó là thuộc hạ của Xương Cuồng?”

“Ừ.”

“Vậy sao nó lại theo chị?”

“Tôi được Xương Cuồng tạo ra.”

“À,” gã sơn hầu bừng tỉnh, lúc bấy giờ mới nhớ ra lạc nữ này chính là kẻ sở hữu quả tim bị thiên hạ truy lùng. Xem ra, trước đây anh trai chàng đã che chở cho nàng quá kỹ, khiến đôi lúc chàng cũng quên mất chị dâu của mình vốn là yêu tinh tộc Mộc.

Quét mắt lên túi vải bên hông nàng lần cuối, chàng cố đẩy cảm giác bất an ra khỏi đầu.

Rút ngọn giáo cắm gần ụ rơm ra vẽ một hình bùa lên mảnh đất trước sân, chàng lượm một số đá rải xung quanh tòa lầu, sau đó yểm một chú thuật nhỏ che mắt lên toàn khu. Mọi việc xong xuôi, chàng hồ hởi lôi tay chị dâu vào nhà.

“Chị vào đi, tôi đưa vợ ra mắt chị.”

Lạc Cơ nếu vẫn còn khả năng thể hiện cảm xúc, hẳn giờ đã há hốc miệng trước cái tin bất ngờ này.

Đêm đó, ba người họ quây quần quanh mâm đồ ăn đơn giản, Tuấn Cương cười nói liên miên với vợ, còn Lạc Cơ thì không ngừng nhìn chằm chằm đối tuợng chàng dồn hết sức chú ý vào.

Gã sơn hầu có hơi chột dạ, nàng Thương vợ chàng nói gì đi nữa cũng mang một vết sẹo rất to trên má, bình thường dù không tự ti vì dung mạo của mình, song cứ bị nhìn chằm chặp như thế, ai mà chẳng sinh ra khó chịu? Chàng không muốn vợ mình bị tổn thương, bèn quay sang bảo vợ ra sân đào rượu, phần mình nghiêm mặt với chị dâu.

“Tôi biết Thương không phải là lạc nữ đẹp nhất, nhưng là người vợ tôi yêu nhất. Chị cứ nhìn chằm chặp vết sẹo trên má nàng như thế sẽ làm nàng không thoải mái.”

Lạc Cơ “à” một tiếng như đang hỏi, đoạn lại “à” một tiếng nữa, tựa hồ vỡ lẽ điều gì đó. Nàng cúi đầu, chầm chậm ăn tiếp phần cơm nếp gói trong lá chuối trên tay.

“Cậu cưới nàng Thương khi nào? Sao không ai biết gì hết?”

Tuấn Cương gãi đầu, nụ cười phóng khoáng đã quay lại trên môi. “Chị biết đó, mẹ rất đặt nặng vấn đề thân thế con dâu, Thương lại chỉ là một lạc nữ bình thường, gia thế không có, lại là con người, tôi sợ bà sẽ khó dễ nàng.”

Nhắc đến mẹ, lòng chàng lại cảm thấy bứt rứt vì đã không thể cứu bà trốn theo mình. Song dù gì Ma Thị cũng là một sơn mẫu đức cao vọng trọng. Chàng biết, đối với một người tôn thờ Đạo Trời như anh mình, cả đời này bà sẽ an toàn – dẫu bà đã gây ra lỗi lầm lớn lao gì đi nữa.

Huống hồ, chàng thừa biết bà thà chết chứ sẽ không chịu sống đời thanh tịnh của một nông dân – cuộc sống mà chàng đã chọn sẽ cùng vợ mình chung hưởng đến già. Vài cái mười năm đối với bà chẳng qua cũng như hành trình du xuân, nhưng với nàng Thương lại là một đời một kiếp. Chàng tuy không thể cùng nàng già đi, lại không mong nửa đời sau nàng phải sống trong đơn độc, cô lẻ.

Lạc Cơ nhìn quanh tòa lầu trúc, ánh mắt dừng lại trên vầng trăng tròn vành vạch ngoài cửa sổ.

“Đây là lạc nữ đã cứu cậu trong câu chuyện ngày đó?”

“À, đúng.”

“Tôi nhớ không lầm thì cậu bảo đã không nảy sinh cảm tình với người cứu cậu lúc đó?”

“Cái đó…”

Gã sơn hầu không biết giải thích thế nào, bèn chậm chạp kể lại câu chuyện của mình, thỉnh thoảng còn lộ ra vài nụ cười nghễnh ngãng.

Sau trận chiến cùng con cọp tinh, cả Tuấn Cương và nó đều bị thương nghiêm trọng. Sơn binh bên người bị giết sạch, chàng không còn cách nào, bèn tháo chạy khỏi rừng trúc, tìm một chỗ ẩn nấp để duỡng lại sức lực. Sáng hôm sau, chàng vừa xuống đến sườn núi thì bắt gặp một lạc nữ bị đám thợ săn vây quanh, chân và mặt đều mang vết thương còn rỉ máu. Lạc nữ nọ tuy không phải tuyệt sắc, song đối với bọn đàn ông nơi miền hoang sơ, cũng được xem như mồi ngon dâng đến cửa miệng.

Thế rồi, chuyện gì nên xảy ra cũng đã xảy ra. Chàng cứu nàng ta.

Lạc nữ này là một người câm, mất cả ngày cũng không khiến chàng hiểu được nàng tên gì, ở đâu. Chàng đành dùng chút sức lực cuối cùng cõng nàng xuống núi, hy vọng gần đó sẽ có dân chiềng nhận ra nàng.

Tuấn Cương trời sinh đã phong lưu thành thói, cho dù đang bị thương nặng nề, cũng không thể kiềm được mà chọc ghẹo cô gái câm nọ. Dọc đường, nhìn thấy hoa, chàng hỏi có phải tên nàng không, nhìn thấy lá, lại hỏi có phải tên nàng không. Đến cả con thỏ chạy vụt qua cũng bị chàng đuổi theo chỉ trỏ để hỏi.

Lần nào nàng cũng lắc đầu.

“Thế thôi, ta gọi nàng là Thương vậy.”

“…?”

“Vì vừa nhìn thấy nàng, ta đã thấy thương rồi.”

Hoàng hôn hun đỏ cả bầu trời rộng mở, gã sơn hầu đào hoa nào có ngờ, lời đùa vô ý của mình đã vô tình khơi dậy bình minh trong lòng lạc nữ nọ.

Những ngày sau đó, nàng Thương vì trả ơn cho Tuấn Cương mà giữ chàng lại chăm sóc tại nhà mình – một lầu trúc cạnh sông, cách biệt hoàn toàn với cái chiềng gần đó. Chàng không hỏi nàng lý do, bởi dường như cũng đã tự đoán ra. Nàng Thương yếu đuối như thế, lại bị câm từ nhỏ, hẳn đã chịu nhiều uất ức nên không muốn sống gần dân chiềng. Sự dịu dàng bất chấp bi thương của nàng khiến chàng thương cảm, nên đã dùng hết lòng đối đãi, nâng niu.

Pơ lang vào xuân rực đỏ một góc sân, Tuấn Cương bế nàng lên bẻ xuống vài nhánh đỏ thẫm. Đêm đến, hai người ngồi chụm đầu lại dưới màn trời đen sẫm, treo ngược mấy đóa pơ lang đỏ tươi để dẫn dụ đom đóm, tạo thành những chiếc đèn lồng nho nhỏ lập lòe như lửa ma trơi.

“Dân miền sông nước thường gọi ‘cây pơ lang’ là ‘cây gạo.’ Nàng có biết vì sao đom đóm tự bu lại nhụy hoa gạo không?”

Nàng lắc đầu, mắt mở to đầy háo hức.

“Có câu ‘Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề.’ Đom đóm là loài bị linh hồn hấp dẫn. Cây gạo này nhất định có rất nhiều ma ẩn trú bên trong.”

Những tưởng ai đó sẽ xanh mặt vì sợ, ngờ đâu nàng Thương lại cười đến híp cả mắt, gật gật đầu ra vẻ đúng lắm. Tuấn Cương phì cười, đoạn xoa đầu nàng mắng nàng quá ngây thơ. Lạc nữ này chẳng biết điều này chứng tỏ xung quanh nàng có rất nhiều hồn ma vất vưỡng hay sao, còn gật đầu đồng ý?

Gỗ đẽo thành tượng để diễn lại chuyện tình cảm động của nàng Âu và chàng Lạc, gã sơn hầu xứ núi thề, mình chẳng thể hiểu nỗi tính khí các lạc nữ miền đồng bằng. Nghe đến ma quái chẳng biết sợ, đối với sự chia lìa đôi lứa lại khóc đến sưng mày đỏ mặt. Lúc bấy giờ tiết trời vẫn còn se lạnh, muốn để nàng nguôi ngoai, chàng lôi nàng ra sân nhìn chàng nấu rượu. Chôn gần hết rượu xuống đất, quay đầu thì nhìn thấy nàng lại tựa vào gốc cây ngó hai tượng gỗ Âu Lạc mà đỏ mắt. Cầm hũ rượu cuối cùng đưa đến trước mặt nàng, chàng thuận miệng đùa.

“Thấy nàng thích khóc như vậy, nếu đêm nào nàng cũng nhỏ vài giọt nước mắt vào đây, kéo dài một tháng, rồi đem vùi xuống gốc pơ lang trong ba năm, lúc đào lên sẽ có được loại rượu uống vào khiến người cười mãi.”

Nàng tròn mắt nhìn chàng một lúc, đoạn ôm hũ rượu lăng xăng chạy về phòng.

Tuấn Cương toét miệng cười, lắc đầu một cách bất lực. Lạc nữ này dễ cười, dễ khóc, dễ tin. Con người nói đây là kẻ ngốc, thần lại dạy đấy là người hiền. Chỉ có thể sở hữu một tâm hồn thuần khiết như trẻ nhỏ, mới có được ba chữ “dễ” nối liền nêu trên.

Và với chàng, nàng Thương cứ là trẻ nhỏ như vậy đấy, mang lại cho chàng tiếng cười và sự bình an nơi tâm khảm.

Cho đến một ngày, nàng tháo vuông khăn duyên trên tóc của mình buộc lên cổ tay chàng, Tuấn Cương mới biết, bản thân đã vô tình kéo nàng ra khỏi sự thơ ngây mất rồi.

Khắp Ba Vì, có sơn nữ nào mà chẳng biết Sơn hầu Tuấn Cương là một gã đào hoa? Vì thế, dẫu có bừa bãi đưa đẩy với chàng, cũng không có ai thật lòng tin tưởng. Nhưng lạc nữ câm này lại khác. Không lời nói hoa mỹ, chẳng hò hát đẩy đưa, ánh mắt bộc trực và hành động thẳng thắn của nàng còn lớn tiếng hơn cả lời tỏ tình táo bạo nhất. Chàng không biết đối mặt với loại tình cảm thuần phác này ra sao, bởi chàng không muốn tổn thương người từng có ơn với mình.

Vậy là – Tuấn Cương lúc bấy giờ nghĩ – cũng đã đến lúc về lại Ba Vì rồi.

Hôm chàng khăn gói rời khỏi, đột nhiên phát hiện ra mình bị bao vây bởi dân chiềng gần đó. Họ nói chàng là quỷ, từ ngày chàng xuất hiện không biết đã có bao nhiêu dân chiềng đột nhiên biến mất, quy tất cả tội lên đầu chàng. Người mang dao, kẻ vác cuốc, còn dắt theo một đám thầy mo mũ áo lông gà để bắt chàng đem thiêu.

Tuấn Cương thấy hài hước, còn chưa kịp quyết định nên biến lớn để hù dọa bọn vô tri này hay chỉ đơn thuần đánh ngất, thân hình nhỏ bé quen thuộc đã lao ra che chắn trước mặt mình.

Mắt nhìn đăm đăm hai cánh tay gầy gò mỏng manh đang dang ra che chở, lòng chàng đột nhiên có gì đó ngọ nguậy. Lạc nữ này sợ con người đến vậy, hằng ngày thấy có người đi ngang là chui rúc vào trốn trong nhà, thế mà vì mình lại có thể lộ mặt… bảo vệ?

Đứa trẻ ngây ngô, khờ dại, lại có thể một ngày sở hữu sự can đảm cường đại cỡ này?

Tần ngần một hồi, chàng cũng đánh ngất bọn người nọ, đoạn dùng phép đẩy hết họ về chiềng. Lúc quay đầu, chàng có chút e ngại sẽ trông thấy sự sợ hãi trong đôi mắt to tròn kia. May mắn thay, hoàn toàn không có.

“Nàng không sợ ta sao?”

Lắc đầu.

“Nhỡ đâu đúng theo lời họ nói, ta là yêu quái ăn thịt người, ta sẽ ăn nàng thì sao?”

Gật đầu.

“Gật là thế nào? Đồng ý chịu để ta ăn thịt?”

Lại gật.

Tuấn Cương thở dài, rụt rè đưa tay khẽ vuốt mái tóc dài đen bóng.

“Ta… không phải không hiểu lòng nàng, nhưng ta… ta không biết ‘thích’ là gì, hoặc có thể nói, với ai ta cũng ‘thích’. Với nàng cũng vậy, nhưng ta biết đây không phải là loại tình cảm nàng muốn có.”

Kéo cằm nàng lên, chàng mơn nhẹ ngón tay mình lên vết sẹo kinh khủng trên má đối phương, mày hơi nhíu lại.

“Đối với những sơn nữ kia, ta không ngại việc làm họ lỡ dỡ duyên phận. Nhưng còn nàng, ta lại chỉ muốn nàng hạnh phúc. Ta không phải người thường, chỉ cần nàng gật đầu, ta có thể dùng phép trả lại cho nàng gương mặt xinh đẹp như xưa. Sau đó, hãy quên ta đi, tìm một người đàn ông thật sự yêu nàng, che chở cho nàng, trân trọng nàng suốt đời. Nàng xứng đáng có một người đàn ông như thế.”

Nàng Thương chững lại, mắt láy lên chút khờ dại lụy tình, sự thất vọng sau đó ùa về như mây đen mùa lũ.

Còn có, nỗi bất lực bao phủ tâm hồn.

Nhưng rồi, nàng chỉ bình thản gật đầu, một bên tay đưa lên che lấy vết sẹo gồ ghề, xoay người bước vào trong tòa lầu trúc.

Hết xuân rồi, pơ lang lặng lẽ rơi, gọi đến những chia ly rất đỗi bình dị trong đời.

Gã sơn hầu lúc đó không hề lý giải được, bản thân vì sao có thể đứng sững ra đó như trời trồng nhìn theo nàng. Lâu lắm.

Mãi đến mười ngày sau khi trở về núi Tản, khi đang đứng giữa một đám cưới nhộn nhịp, linh đình, ngắm lạc nương từng là người thề nguyện yêu chàng cả đời cả kiếp tươi cười mãn nguyện bên cạnh một gã trai làng khờ khạo; Tuấn Cương mới đột ngột tự hỏi, không biết nàng Thương có làm theo lời khuyên tìm chồng của mình không.

Nhận thức đến với chàng không ào ạt như vũ bão, mà như nước rỉ qua phễu đá, từ từ, tích tụ và ngày càng trong lắng. Chàng bắt đầu nhớ đến đường cong của miệng khi nàng cười, nhớ đến độ ấm áp của đôi tay áp sát vào da đầu khi nàng giúp chàng cắt tóc, nhớ cả nhịp thở nhè nhẹ phả vào ót mình khi cõng nàng trên lưng. Chàng cứ mãi nhớ và nhớ, sau đó lại không kiềm được mà bất giác hối hận lời khuyên cuối cùng mình để lại. Nàng là một người giản đơn, ai nói gì tin đó, nhỡ đâu sẽ thật sự nghe lời chàng, đã đi tìm một lạc nam bình thường để kết tóc se duyên?

Thu qua, đông về, xuân lại đến, pơ lang dọc đường lên điện thờ Hoàng Hạ nở rộ tưng bừng, nhuộm đỏ cả một góc Tản Cung. Đâu đó giữa muôn trùng màu sắc, có chàng trai lặng lẽ cúi người nhặt lên một đóa hoa tựa đốm lửa nhà trời, miệng bật ra tiếng cười rộn ràng, tưởng chừng đã ngộ ra chân lý thế gian.

Chàng còn phải tiếp tục tự hỏi, loại cảm giác dày vò mình cả năm qua – là gì sao?

Ngước đầu, ánh mắt dịu dàng trìu mến, lại ẩn chứa bất lực chông chênh.

“Biết làm sao đây? Ta đã thật sự thấy thương nàng mất rồi.”

Châm thêm mỡ lợn vào chén đồng, Tuấn Cương cúi xuống thổi nhẹ lớp bụi mờ đóng trên thân đèn hình chim diệc; nụ cười nở ra an bình, mãn nguyện.

“Thật ra, lúc đó tôi cũng chưa chắc mình đã yêu Thương, chỉ cảm thấy muốn gặp lại nàng lần nữa. Sau này khi về đến đây ở thêm một thời gian, lại cùng nhau ngày ngày đối mặt, mới phát hiện ra thứ tình cảm này, thì ra chỉ có khả năng tăng dần mà thôi.”

“Vậy bây giờ cậu đã quyết định sẽ cùng nàng ta sống đời thanh đạm tại vùng quê hoang dã này?”

Chàng gật đầu, ánh sáng từ đốm lửa lập lòe chiếu lên gương mặt như tạc những khoảng sáng tối rõ nét. Trong phút chốc, Lạc Cơ dường như sinh ra ảo giác con người trước mặt đã tách thành hai.

“Đã từng bỏ lỡ gần tám năm, tuổi thọ con người lại có hạn, tôi cần phải quý trọng giờ khắc hiện tại.”

“Tám năm?” mày không nhướng, thanh không đổi, Lạc Cơ đều đều nêu ra nghi vấn. “Chẳng phải cậu vừa kể chỉ một năm sau cậu đã quyết định quay về gặp nàng ta?”

“Đúng là thế… Chẳng may trời lại không thuận lòng người, ngay thời điểm xuống núi lại để tôi bắt gặp con cọp tinh kia. Kể ra cũng thật nể phục con vật đó, thù tôi đến nỗi bất chấp bị rút kiệt yêu lực, cố xông vào nơi linh khí cực thịnh để giết tôi. Dĩ nhiên, chuyện sau đó chị cũng biết, tôi và đám sơn binh đánh bại nó. Chúng tôi vì trả thù cho đám anh em mất dưới vuốt cọp nên đã cho mở lễ tế máu, xẻ thịt. Cuối cùng lại không ngờ nó với tôi kiếp trước có mối nghiệt duyên sâu nặng, ăn thịt nó vào liền khiến tôi lâm vào tình trạng sầu bi, để nàng Thương chờ đợi hết tám năm ròng rã…”

Lạc Cơ trầm lặng không nói gì, đôi mắt vô hồn dưới ảnh huởng của ánh lửa leo lét, bỗng có chút mông lung.

“Thôi, không nói nữa, tôi ra sân giúp Thương đào rượu đây. Hẳn là nàng ta lại quên mất chỗ chôn rồi,” chàng vừa cười vừa sốt sắng đứng lên, lát sau quay về với hũ rượu màu đen bọc vải thô dính đầy bùn đất. “Hình như năm nay chỉ còn mỗi một hũ rượu dưới gốc pơ lang. Con bé khờ khạo này thật sự nghe lời tôi, chị dâu xem, cả tháng cố khóc lóc để dùng nước mắt ủ rượu cơ đấy.”

Đêm đó, họ uống vơi hơn nửa hũ rượu lệ. Mãi đến lúc bị vợ thúc hối vào nghỉ, Tuấn Cương mới choạng choạng đứng lên, vừa cười to vừa hát vang bài đồng dao hoa gạo, nghiêng ngã trở về phòng.

Ánh trăng bàng bạc cố gắng luồn mình qua khe hở giữa những tấm phên dày, đưa đẩy tình nồng ý thơ vào trong cảnh đêm se lạnh. Gã trai miền núi xoay lưng về phía cửa sổ, mơ màng nhìn mặt người vợ đang giúp mình cắt tóc qua phản chiếu trên tấm gương đồng vàng vọt, đột nhiên cảm thấy ấm áp lấn che cả buốt giá ngoài trời.

Nắm lấy đôi bàn tay bé nhỏ kéo mạnh để người phía sau ngã ào lên lưng mình, chàng hơi ngửa đầu, mắt nhắm, má áp má thở ra nhè nhẹ.

“Nàng Thương của ta, tim của ta, ruột của ta…”

Tay ôm hũ rượu cay nồng, xuyên qua những đóa pơ lang rực rỡ như sao lửa giữa đêm đông, nữ quỷ dưới sân nhìn lên cảnh tượng trên lầu trúc bằng cặp mắt nhuốm đỏ.

Gió động, tóc bay, hoa rơi rớt, nàng đột nhiên chao đảo.

Rượu, đã bắt đầu ngấm. Nỗi đau của người con gái đó đang chầm chậm thấm vào da thịt. Xót như bị kim châm.

Tay vịn vào thân cây đồ sộ để chống đỡ bản thân, Lạc Cơ thở ra nặng nhọc, âm thanh rộn rã cười đùa của đàn ông cứ không ngừng đâm vào tâm thức. Đây là… ký ức của lạc nữ đó.

Hũ rượu từ trên tay rơi xuống đất, vỡ tan. Lạc Cơ nhắm mắt, thở dài, không kịp vào nhà nữa rồi.

Nàng dang tay ôm lấy thân cây, từ từ hòa thân vào nó, bên tai vẫn còn vẳng lại giọng hát ru dịu dàng của gã sơn hầu núi Tản.

Pơ lang ơi hỡi,

Nàng đợi ai nào?

Cho áo bạc màu

Cho đầu trắng tóc

Cho ngọc vỡ đôi


Cho tôi rơi lệ

Chấp mê bất ngộ

Dù mộ đã xanh

Pơ lang, thôi đành