Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 82: Dọn cưới




Buổi sáng ở đây không có tiếng gà, Trần bá nhìn trăng sao mà đoán thời gian. Cha cảm ơn Trương bá, Lý thúc; chào từ biệt huynh đệ Trần bá rồi xuôi ghe về hướng Trấn Giang. Hai chiếc ghe kia ngược về Giá Khê và Đông Hồ.

Tối qua Trần bá đã chỉ đường rất cẩn thận. Dù hơn hai năm nay nương không về nhà ngoại nhưng hướng đi cũng nhớ rõ, cảnh vật hai bên cũng không thay đổi nhiều. Những rừng cây tràm, cây đước vẫn sinh sôi xanh mát. Chỉ có những ngôi làng hay chợ ven sông thay đổi, nương chỉ vào ngôi làng phía trong rừng cây thưa.

– Mấy năm trước ở đây chỉ có ba ngôi nhà, bây giờ nhiều hơn rồi.

– Phía trong kia có ngôi chùa rất linh thiêng. Mấy nhà phú hộ ở trấn năm nào cũng đến Lễ Phật cầu an.

Nương giống như đang nhớ lại ký ức thời con gái, càng gần đến nhà ngoại nương càng vui vẻ kể rất nhiều chuyện xưa. Chuyện năm lũ về ngập lênh láng, trấn trên cũng ngập sâu. Chuyện lúc tám tuổi cậu hai lạc trong rừng gần một tháng không về, tìm không thấy. Bà ngoại khóc cạn nước mắt định lén lập bàn thờ cho cậu (trẻ con yểu mạng không được thờ). Đến lúc cậu về quần áo rách bươm nhưng rất khỏe mạnh còn gánh theo gà rừng, thỏ rừng về nhà.

Nương rất nhớ quê! Dù đang sống vui vẻ với chồng con nhưng nương vẫn dành riêng trong lòng nỗi nhớ về quê mình. Có lẽ ai cũng vậy, ai cũng có riêng một khoảng trời tuổi thơ trong ký ức, trong tim.

Mặt trời gần xuống biển, ánh nắng gay gắt nhuộm đỏ mấy đám mây phía chân trời. Nương chỉ phía trước nói:

– Đến ngã này rẽ là đến nhà ngoại rồi, phía trước mặt sông rộng là ngã bảy sông đó. Ông ngoại con nói tất cả sông lớn đều chảy về đó, thấy không?

Nhìn theo hướng nương chỉ là mặt sông mênh mông, chỉ thấy mảng xanh ở bên kia bờ, ghe nhỏ chắc không dám sang bên kia. Nếu vào mùa nước lũ sẽ mênh mông cỡ nào? Có phải không nhìn thấy bờ luôn?

Ngôi làng nhà ngoại gần giống làng Đông Hồ. Nhà cửa cách nhau xa, bước chân xuống sau nhà là ruộng lúa, phía trước sân lớn, trước nữa là đường đất ven bờ sông. Không cần nương chỉ, cha và Bình ca đều cập vào một ngôi nhà gần giữa làng. Thật ra dễ nhận ra sự khác biệt vì cầu ván nhà ngoại đã đậu ba chiếc ghe. Hai chiếc trong đó là của cậu và dì dượng năm. Hơn nữa nếu đến gần hơn sẽ thấy hàng cột trước hiên có dán chữ Hỷ đỏ tươi, trong nhà cũng truyền ra tiếng trò chuyện vui vẻ.

Bước qua mấy che ghe đậu trước, An ca dẫn đầu đi lên cầu ván. A Phúc luồn qua chạy vào sân kêu lớn:

– Bà ngoại, bà ngoại,

Trong nhà nghe tiếng im lặng một chút rồi có mấy người đi ra.

– Nhà tỷ phu đến rồi, nương ơi.

Là dì năm ra trước, báo vào trong. Tiếp sau là tiếng chào hỏi, đón tiếp rộn ràng, mang đồ từ ghe lên nhà. Lúc vào nhà thì thấy ông ngoại, cậu hai và Sinh ca vẫn ở nhà trên. Hình như cậu đang dạy Sinh ca các nghi thức đón dâu, quỳ lạy bàn thờ tổ tiên trong lễ thành thân.

Ông bà ngoại có bốn người con, nương Mai là thứ ba, cậu tư vắng số năm lên bốn tuổi, chỉ có nhà cậu hai ở cùng ông bà. Cậu hai có bốn con trai, thật ra là năm, đặt tên rất có vần là Nhân Sinh Hữu Cơ Duyên. Nhân ca bệnh mất lúc chưa tròn một tuổi. Do vậy Sinh ca là cháu nội đầu tiên lập gia thất nên tổ chức trọng hơn bình thường.

Ngày mốt là Lễ đón dâu nên hôm nay cũng chưa có khách. Mâm quả được phủ vải điều xếp trên bộ ván nhà trên. Mợ hai đang nấu cơm nhà bếp, lên chào đón nhà Mai mà tay còn cầm đôi đũa bếp.

Cha và dượng năm bước lên nhà trên thưa ông ngoại, còn lại đều xuống nhà dưới với bà ngoại và dì năm. Dẹp xong đồ thì nương và Cúc tỷ vào bếp phụ nấu nướng. Dì năm thấy quài cau và thúng lá trầu xnh thì tấm tắc khen rồi nói:

– Nương ơi, cau nhà tỷ phu mang đến nhìn ngon hơn, con sắp mâm cau trầu được không?

– Ừ, con chọn đi, trầu để ngày mai dì ba Tầm qua têm.

– Dạ,

Nhà ngoại rộng gần bằng nhà nội, lại ít người nên không ngăn vách nhiều phòng. Nhà sau xếp hai bộ sạp tre lớn, một cái bàn tròn đã cũ nước gỗ lên đen bóng loáng. Bà nội kêu Hữu ca:

– Con lên thưa ông nội nghỉ ăn cơm chiều.

Hai bàn cơm được dọn lên, bụng Mai đã kêu đói từ xế. Vì đi gấp cho kịp nên bữa sáng và bữa trưa đều ăn vội trên ghe. Bà ngoại cười vuốt đầu a Phúc nói:

– Thấy mấy đứa đến giờ này là ta biết không dừng lại nấu cơm. Ba ngày nay ăn nguội uống lạnh phải không?

– Dạ.

A Phúc thật thà gật đầu, bị nương nhéo ngay hông, hắn ngồi sát vào bà ngoại. Nhà ngoại có con Vàng to lớn, làm con Mực từ lúc đến đây hơi lép vế, im lặng theo sau đuôi a Phúc. Nó thấy bắt đầu ăn cơm cũng mừng quýnh, vẫy đuôi rối rít.

Bữa cơm chiều ăn sớm nên ăn xong trời còn sáng rỡ. Nhóm đàn ông con trai lo sắp xếp nhà trên. Nhóm đàn bà con gái lo nhà dưới, thức ăn nấu món gì, ai làm.

– Ta có nhờ mấy dì mấy cháu gái qua phụ, sáng mai mới qua. Giờ nhà mình làm được gì thì cứ làm. Đãi chín mâm, coi đủ chưa, sáng mai đi chợ nhớ mua cho đủ.

– Dạ,

Mợ hai đáp lời ngoại rồi kéo nương, dì năm ngồi xuống sạp tre bàn tính. Mai nói: – Mợ nói các món ăn ra đi, cháu ghi lại sẽ không quên.

Mai kêu An ca, Vĩnh ca đi làm nhanh bảng đất sét, bắt đầu công việc ‘thư ký’.

– Hai món khai vị, ba món chính sau đó là trà rượu trái cây,…

Tiếp theo là nhìn xem mỗi món cần nguyên liệu gì, ở nhà có chưa, cần mua bao nhiêu. Đúng là không dễ dàng chút nào. Ba đứa nhỏ chỉ biết vài chữ, làm sao ghi được. Nhiều lần Mai bí quá xém chút viết chữ Quốc Ngữ xuống bảng.

Ba đứa nhỏ thì không nhớ nhưng người lớn nhớ rất nhanh. Nói một lát đã tự phân ra ai mua gì, bao nhiêu, không cần ghi chép gì cả. Cuối cùng bảng đất được tụi nhỏ dùng chơi ca rô. Hữu ca bằng tuổi Bình ca nên theo nhóm đàn ông lo chuyện nhà trên. Chỉ còn a Cơ và a Duyên thấy trò chơi mới lạ nên ngồi chơi rất hứng thú. Trời gần tối cũng không còn nhiều việc, người lớn cũng để mặc mẫy đứa nhỏ chơi đùa vui vẻ. Còn mang bảng ra gần đống lửa ngoài sân tiếp tục ‘chiến đấu’ đến khi đi ngủ mới thôi.

Sáng hôm sau, mợ hai và dì năm đi chợ rất sớm. Mấy bà, mấy thím nhà gần đó lần lượt qua làm giúp hái rau, làm gà, vịt, làm bánh kẹo. Nhà sau nhộn nhịp, nhà trước cũng không thua kém. Tối qua ông ngoại nói mượn ghe nhà Mai đi rước dâu nên sáng nay bắt đầu thắt lá dừa trang trí, dán chữ hỷ đỏ trên ghe. Nhóm đàn ông trong làng cũng đều đến giúp dọn bàn ghế. Mai không thấy dựng rạp làm mái che, có lẽ là mùa nắng nên không cần. Bàn cũng không phải chín cái cho chín mâm đãi khách mà là bốn cái bàn xếp ở hiên trước, cái bàn dài chính trước bàn thờ.

Bà làm mai và người lớn đại diện đàng trai đã đến, ông bà ngoại lên nhà trên tiếp khách. Cậu mợ hai và Sinh ca đứng sau nghe nói chuyện ngày lễ ngày mai. Mấy đứa nhỏ rón rén rình nghe đều bị Bình ca nhéo lỗ tai xách đi ra.

Ăn cơm trưa xong có sáu thiếu niên cỡ tuổi Sinh ca bắt đầu được cậu hai hướng dẫn cách bưng mâm quả, còn có một thiếu niên sáng láng làm rể phụ nữa. Chú rể Sinh ca sẽ mặc quần áo vải đỏ, đầu quấn khăn. Có dải lụa đỏ thêu mấy chữ Nôm đang được bà mai xem, bà thắt thành dạng hoa rất cẩn thận. Quần áo của Trưởng họ ông ngoại cũng là màu đỏ, nhưng sậm hơn cũng được mang ra hong nóng, làm thẳng.

Bên kia mấy thiếu niên đang xem quần áo, khăn giày. Bên này Trưởng họ hỏi bà mai:

– Nhà gái là ai đại diện vây?

– Thưa, là ông cố nội cô dâu, cũng là trưởng họ Lâm miệt này.

Ông có vẻ hài lòng gật đầu, ngang vai vế với ông. Theo Mai biết ông là thúc phụ ông ngoại, cũng đang là trưởng họ Nguyễn ở nơi này. Mai là cháu ngoại chắt của ông. Lúc hai mâm trầu cau mang lên bà mai xin phép đến xem. Cau tươi, trái đều đặn còn giữ nhánh mập mạp, trầu được têm khéo léo làm bà hài lòng, đậy nắp rồi phủ khăn đỏ lên. Cặp đèn cầy đỏ lớn được đắp hoa văn giống hình chữ hỷ mà không phải khắc rồng phượng như hiện đại. Thời này rồng phượng là đại biểu của hoàng tộc; giống như màu vàng không được dùng phổ biến vì sẽ phạm huý kỵ

Đến chiều mọi việc đã gần xong, ông bà ngoại dọn mâm cơm mời mọi người. Mấy đứa nhỏ không được ngồi bàn như ngày thường mà đợi khách dùng xong mới ngồi ăn ở sạp tre. Còn nghe người lớn dặn dò ngày mai không được lên nhà trên làm rộn.

Nhà gái cách đây mấy con rạch nhỏ, đi bộ chừng nửa canh giờ, đi ghe khoảng hơn hai khắc là đến, là ở cùng làng của mợ hai. Theo tục lệ thì hôm nay nhà gái đang đãi tiệc họ hàng, bà mai ngồi ăn trầu với bà ngoại nói:

– Chút nữa ta qua bên đó báo là nhà trai chuẩn bị chu đáo rồi. Sáng mai ta qua sớm, đến giờ lành mình khởi hành.

– Đa tạ thím.

– Khách khí cái gì, hai nhà đúng là môn đăng hộ đối, là do Nguyệt lão se duyên. Thôi ta đi đây.

Bà ngoại đứng dậy, kêu Hữu ca mượn ghe đưa bà mai đi. Sở dĩ phải mượn ghe vì năm chiếc dùng đi rước dâu ngày mai đã cột vải đỏ không thể dùng được. Tân phòng của Sinh ca cũng bị khoá lại. Mấy đứa nhỏ bị răn đe không được lén nhìn vào, là kiêng kỵ rất nghiêm.

Lúc Hữu ca về, bà ngoại kéo ca ấy hỏi tình hình nhà gái. Hữu ca nói nhà gái đang đãi khách. Hiên nhà có ba bàn, trong nhà trên cũng có nhiều người lớn trong họ.

– Con không nhìn lâu.

– Ừ, vậy mới phải.

Bà ngoại gật đầu, chỉ là tò mò hỏi cho biết vậy thôi. Có bà mai ở giữa qua lại nên cũng biết đôi chút tình hình hai nhà.

– Nương ơi, tối nay nấu nồi cháo vịt lớn để cha mời khách phải không?

– Ừ, làm thêm mấy con cá lóc nướng để cha con mời rượu hàng xóm. Nhớ nấu bình nước nóng pha trà.

– Dạ.

Nghe bà ngoại sắp xếp thì nương Mai, Cúc tỷ xuống bếp chuẩn bị. Mợ hai đang hong quần áo cho ông bà ngoại, cậu mợ để mặc vào ngày mai. Quần áo vải gai mặc ngày thường thì không cần hong. Hơn nữa nhà nông tay lắm chân bùn cũng không để ý cái này. Nhưng quần áo vải hoặc lụa mặc trong các dịp lễ quan trọng phải được phun nước rồi hong nóng cho thẳng thớm. Lúc trước nhà Mai làm mấy cái móc gỗ cho nhà ông bà ngoại dùng rất thích. Quần áo tốt, ít mặc được treo lên sẽ không bị nhăn nhúm, giờ mang ra hong rất nhanh.

– Mang khăn đầu ra đây nương vấn.

Bà ngoại nói với mợ. Mai tò mò đi lại ngồi gần xem ngoại làm. Công việc này không dễ dàng, cần có sự khéo léo, nương, dì năm và Cúc tỷ đều đứng gần đó xem.