Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 86: Duyên phận là phải đi tìm hay tự đến?




Cả ngày trên ghe nên ai cũng muốn dãn gân cốt, dọn dẹp đồ xong thì chạy đi làm việc của mình. Có Bảo ca và Hỉ ca vào nữa, bà nội nói hai hôm trước nhị bá vào thăm chở theo a Bảo, a Hỉ vào chơi rồi ở lại sẽ cùng về với bà nội.

A Hỉ đi theo thất thúc chăn đàn vịt mặt đỏ hực vì nắng. Lúc nãy về lấy trong rổ ra mấy cái trứng vịt nói:

– Vịt đẻ rớt nè, trong chuồng có ổ không đẻ, thiệt tình.

Miệng phàn nàn nhưng hắn rất thích lượm mấy trứng đẻ rớt này. Lần đầu tiên hắn đi chăn vịt đó. Hắn với a Phúc ngồi đếm hai rổ trứng gà, trứng vịt còn học cách lựa trứng tốt để ấp, trứng xấu để nương chiên ăn cơm chiều nay.

Bữa cơm chiều rất vui vẻ. Ăn cơm xong mọi người chia thành từng nhóm nói chuyện. Nhóm đàn ông thanh niên ra xưởng gỗ, nhóm đàn bà con gái trong bếp tán gẫu. Bà nội hỏi thăm chuyện nhà ngoại nương đều trả lời, còn mang mấy gói trà, mứt của bà ngoại gửi đưa nội.

Cúc tỷ mang qua nhà Lưu bá ít bánh mứt lạ ở nhà ngoại về thì có Lưu bá mẫu đi theo. Lại qua một hồi hỏi thăm các chuyện. Lưu bá mẫu gương mặt dàu dàu nói:

– A Tương đi chành Mỹ Tho rồi.

Mai thấy hơi lạ, không phải lần đầu Tương huynh đi chành, đâu cần bá mẫu lo lắng buồn rầu như thế. Bá mẫu nhìn ra nương Mai chưa hiểu chuyện mới tường tận kể.

Ngày cưới ở nhà ngoại cũng là ngày nhà phú hộ Từ làm tiệc đãi khách. Lẽ ra cũng không ảnh hưởng ai, chỉ là lần này là Lễ Sơ vấn của nhà phú hộ bên Tô Châu sang hỏi tiểu thơ Từ phú hộ cho thứ công tử nhà họ. Trước Tết bà mai đã qua lại xem tuổi xem tên rồi nên mới có Lễ Sơ vấn này. Lúc trước không nghe tin gì nên ai cũng có chút bất ngờ. Bất ngờ nhất là nhà Lưu bá vì Tương huynh vội về nhà nói muốn tìm bà mai đi hỏi Từ tiểu thơ.

– Hả?

Nương Mai cũng giật mình hỏi lại. Bá mẫu thở dài, nói:

– Ta cũng hết hồn. Nhà người ta là gì, nhà ta là gì mà nói chuyện hôn nhơn. Bình thường mình đến làm công người ta còn niềm nở, đến nói chuyện này còn không bị đuổi ra sao?

Lưu bá đương nhiên không đồng ý, giảng dạy Tương huynh một hồi. Ngày thường Tương huynh nghe lời nhưng lần này ngỗ nghịch vẫn muốn đến nhà phú hộ. Lưu bá giận dữ bắt huynh ấy quỳ xuống, đánh vào lưng mấy roi đến rướm máu mới thôi.

Hôm sau vết thương chưa kịp lành, bá mẫu nhờ người nhà dẫn a Tương đi theo chành. Ý là để huynh ấy vừa tránh mấy ngày vừa có cậu và ông ngoại khuyên nhủ.

Mai nhớ lại vị Từ tiểu thơ ăn mặc xinh đẹp ở chợ và hôm đi lễ chùa Tết Nguyên Tiêu. Lần đó là hẹn với nhau sao? Vậy là Từ tiểu thơ cũng có lòng với Tương huynh, nếu không thì làm sao hẹn hò. Nếu là hai người cùng có ý với nhau, bây giờ cũng không hy vọng gì rồi. Lễ Sơ vấn nghĩa là hai nhà đã đồng ý với bà mai.

Việc cưới gả là do song thân định đoạt, Từ tiểu thơ chắc cũng không thể phản đối. Huống chi hai nhà cách nhau quá xa, không môn đăng hộ đối thì Tương huynh có kiên định hơn cũng không có kết quả.

Chuyện chọn lựa giai ngẫu dựa trên ngang bằng giai cấp có chỗ lợi. Như Từ tiểu thơ không biết gieo mạ, gặt lúa; không biết là có làm bếp núc được hay không. Nếu gả về nhà Lưu bá sẽ rất vất vả, còn không chắc có chịu đựng được. Năm bữa nửa tháng thì hối hận, vợ chồng cũng khó ở đời với nhau. Tương huynh cũng vậy, nhà giàu nhiều lễ nghĩa, không giống nhà nông, huynh ấy sẽ không được bên vợ xem trọng, khó ăn khó ở.

– Cũng không nghĩ là có, từ ngày sinh ngũ Mi ta nghĩ là ngưng rồi chứ.

– Tẩu đừng lo nghĩ quá, phải giữ sức khoẻ, bồi dưỡng cơ thể mới được.

Mai bỏ qua đoạn nào sao? Không hiểu từ chuyện Tương huynh sao giờ qua đến thân thể bá mẫu rồi. Bá mẫu cũng hơi cười, đưa tay nhẹ vuốt bụng. A, bá mẫu có thai rồi. Đúng là tin vui, ai cũng biết bá mẫu muốn sinh thêm một hai đứa con trai. Tính ra Lưu bá mẫu cũng hơn ba mươi lăm rồi, mang thai bây giờ sẽ vất vả, phải dưỡng thân rất kỹ mới được.

Chạng vạng Lưu bá qua nhà chơi, hỏi thăm cha mấy câu ở nhà trên rồi đi về cùng bá mẫu. Ha, sợ bá mẫu về tối nên không yên tâm sao, Mai mỉm cười nghĩ, hai người đó cũng tình cảm quá chứ.

Nương soạn mấy gói trà, mứt kêu mấy đứa nhỏ mang qua cúng dường chùa và biếu nhà Lưu tam bá, còn kêu tụi nó đi chung nữa. Ra đến đường, Mai ngẫm nghĩ thấy lạ, là muốn đuổi hết tụi nhỏ đi sao? Có chuyện gì cần phải giấu chứ?

– Bà ngoại a Cúc nói Hồ gia, làng trên, con trai lớn mười bảy, tính tình được lắm, gia cảnh cũng khá. Nhà mình bên này vừa ý thì họ nhờ bà mai đến.

– Hôm lễ cưới có trong đám bưng mâm quả không?

– Có, là người mặc áo chàm, đội khăn xanh.

Trời, nương tả cũng như không. Hôm đó mấy thanh niên bưng quả ăn mặc gần y chang nhau. Đám nhỏ không đi đưa đồ mà nhẹ chân lén trở về, a Phúc phải bịt miệng con Mực mới giữ im lặng được. Cúc tỷ cúi đầu không có phản ứng gì, là ngại ngùng hay phản đối vậy!

– Ngoại a Cúc lên tiếng chắc là dò hỏi kỹ càng rồi, ở đó gần nhà sui gia cũng tốt.

Bà nội nói xong những người khác chưa kịp lên tiếng thì con Mực bị bịt miệng không thở được ầm ĩ rồi sủa lên. Cha đi ra hỏi sao trốn ở đây, mấy đứa con trai ùa chạy đi, Mai không chạy mà đi vào nói:

– Con không muốn tỷ gả xa vậy, tìm gần đây cũng nhiều nhà tốt mà.

Thật ra cô đã chấm một người rồi. Người ta rất có lòng với a Cúc, chỉ là chưa biết a Cúc thích hay chưa thôi.

– Con nít, con nôi.

Nương dở khóc dở cười xua xua tay cho Mai ra ngoài.

– Con không muốn tỷ gả xa, mấy năm mới về một lần. Mà chưa chắc tỷ phu đó đối xử tốt giống như cha đối với nương. Gả gần đây, có gì nhà mình còn bênh vực được.

– Con thiệt là,…

Nương chưa nói tiếp thì cha kéo Mai, vỗ vỗ vai nhỏ của cô rồi quay lại nói với nương:

– Ta cũng thấy hơi xa, a Cúc còn nhỏ, để ý tìm gần hơn đi.

Ủa, cha đồng ý hơi nhanh phải không? Là do cô khen cha sao?

Mai không để ý mấy lời sau cùng của mình làm ngũ cô hơi cúi đầu. Cả bà nội, cha và thất thúc đều nghĩ đến chuyện ngũ cô vì gả xa, không có người nhà bênh vực nên chịu đủ khổ sở. Đương nhiên là lần này sẽ không đồng ý chuyện a Cúc lấy chồng xa, vì tính tình a Cúc gần giống như ngũ cô, dịu dàng, chịu đựng.

Thấy cha đã lên tiếng, bà nội nói mềm mại hơn.

– Hay là nói bà sui thong thả hơn.

– Dạ, nương. Con sẽ nhắn ý nhà mình về đó. Đúng là mình không gấp gáp gì.

Nương Mai thấy mọi người đều có vẻ không thuận thì cũng không gấp gáp. Mấy ngày trước bà nghĩ gần nhà ngoại a Cúc sẽ không lo lắng nhiều. Hồ gia cũng có chút giao tình với nhà ngoại sẽ không bạc đãi a Cúc. Nhưng mà nếu con gái gả đi mấy năm mới về một lần thì bà cũng đau lòng.

A Cúc nãy giờ vẫn cúi đầu, thiệt là không biết ý sao, cũng không biết tranh thủ chuyện của mình. Lục cô ngồi sát bên cạnh cũng im lặng, mắt nhìn xuống, không nói gì. Lục cô lớn hơn a Cúc một tuổi, nhà nội cũng có ý tìm mối nhưng chưa nghe tin gì; không biết sẽ về đâu?

Con gái ở đây cũng quá ít lựa chọn. Lúc ở nhà thì không quen biết thanh thiếu niên nào, không có chủ ý gì, đành nghe theo người lớn xếp đặt, may nhờ rủi chịu! Có quá nhiều ngăn trở và rủi ro để hai người xa lạ có thể sống đồng sang đồng mộng.

Giống như Tương huynh có người mình thương thì cũng không toại nguyện. Vừa có gia cảnh tương xứng, vừa có tình có nghĩa để sống cả đời vui vẻ không phải dễ.

Ở thời hiện đại thì nam nữ có nhiều lựa chọn hơn nhưng cũng không thể nói sẽ có cuộc sống lứa đôi hạnh phúc hơn. Nhiều khi họ nghĩ mình có nhiều lựa chọn nên bỏ qua người “hợp duyên” mà tìm kiếm ảo ảnh nào đó.

Duyên phận giữa hai người muốn bền lâu đều cần cả hai nỗ lực gìn giữ. Mình phải tìm hay duyên tự đến?