Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 98: Thức uống nhà quê




Thấy cậu nói xong chuyện ghe xuồng, nương hỏi:

– Sao bắt ba con heo, nương có để lại nuôi không?

– Có, nương giữ lại nuôi hai con heo cò. Con heo bông là mua thêm chỗ thương lái, nghe nói là từ trong sóc mé trên. Giống heo bông này khoẻ mạnh, ít bệnh tật mà ăn tạp, rất dễ nuôi.

– Nương mua hết bao nhiêu tiền vậy ca.

– Không biết, nương không nói.

– Vậy sao được, lần trước đã cho hai chục con gà rồi.

Nghe cậu nói không nhận tiền, cha chen lời. Đúng là không thể nhận không ba con heo nhà ngoại được, cũng không ít tiền đâu.

– Nội nói đổi gà con vịt con về cho cháu và Cơ ca nuôi.

A Duyên không nhịn được lên tiếng, mọi người ngớ ra rồi bật cười.

– Con sao,

Cậu hai buồn cười vỗ đầu hắn. Nương vui vẻ nói:

– Được, cô đổi cho a Duyên gà con, vịt con đem về nuôi.

Xem ra. Cơ ca, Duyên ca nghe a Phúc khoe khoang hắn nuôi gà vịt rất hâm mộ nên cũng muốn nuôi. Đây là chuyện tốt, trong đó rất thích hợp nuôi gà vịt, sợ là sau này còn phát triển hơn ở đây nhiều.

– Trứng gà vịt ấp lần này sắp nở rồi, ca ở lại xem đi.

A Phúc nói với Duyên ca, hắn còn nhìn ngũ cô như hỏi ý.

– Lẽ ra hôm nay là gà con nở. Bây giờ chưa thấy chắc trong mai mốt sẽ nở.

– Thật?

A Duyên hưng phấn hỏi, hắn chưa thấy gà con nở bao giờ.

– Sáng mai ta về rồi, lần sau con xem đi.

A Duyên chỉ còn biết gật đầu đồng ý. Cha phải về lo ruộng đất, ngâm giống nữa.

– Ca, lúc về ghé nhà Lý đệ nghỉ cho khoẻ. Sau này đệ ấy đi Trấn Giang cũng đến thăm nhà mình. Đi lại hai bên đều thuận.

Cậu hai nghĩ nghĩ rồi gật đầu. Đúng là nếu có thể nghỉ ở Giá Khê một đêm, ở chợ Đầm Sen ngủ một đêm thì đường đi về Trấn Giang – Đông Hồ sẽ thuận tiện hơn nhiều.

– Được, vậy thuận tiện hơn.

Cha chỉ cậu ngã vào nhà Lý thúc, còn nói chuyện Trương bá hay đi Trấn Giang bán đặc sản Giá Khê. Mấy đứa nhỏ ăn xong cơm đã đứng dậy. Ngũ cô và a Cúc dọn dẹp xong thì ra xem ba con heo con. Bọn chúng ăn no nằm ì, không thấy lạ chỗ mới lạ gì cả, chỉ cái mũi hếch lên hịt hịt rồi thôi, thiệt là hết nói.

Lưu bá biết cậu hai đến nên xách theo mấy con cá lóc sang, là muốn nhậu lai rai nói chuyện. Nương dọn một bàn rượu và nướng cá để ba người đàn ông còn có Vinh ca, Sinh ca ngồi nói chuyện.

– Lúc chiều nhà ta mới tát đìa, năm nay chắc mưa sớm.

Cha gật đầu kêu phải rồi nói chuyện ông ngoại dự đoán mùa lũ năm nay đến sớm. Lưu bá có vẻ lo lắng nói:

– Ta định mấy ngày này sẽ làm cỏ chỗ đất trũng gần rừng, bây giờ sợ không kịp.

– Nhà đệ cuốc gần xong rồi, vài ngày nữa sẽ qua phụ. – Chưa cần đâu, nhà đệ cũng quá nhiều việc rồi. Mai ta nhắn nhà nội a Tương vào.

– A Tương có tin gì không?

– Không, ta xem hắn mà không về trước khi sạ lúa thì ta cũng chẳng cần đứa con này, ngỗ nghịch!

Lưu bá giận dữ nói.

– Từ từ, huynh đừng giận, vài ngày nữa nó về. A Tương là đứa hiểu chuyện.

Chuyện a Tương cha cũng chỉ có thể khuyên giải như thế. Nhà Lưu bá thời gian này đúng là không lo nổi năm mẫu đất. Bá mẫu đang mang thai không thể cuốc đất, tam Mi lớn nhất nhà cũng phụ một tay, nhưng sức con gái không thể cuốc đất lâu.

Trăng đã lên từ lúc nào, đêm mười ba trăng thật đẹp. Lúc mấy đứa nhỏ đã về buồng ngủ, cha nương còn ngồi nói chuyện với cậu ở nhà trên. Ngũ cô xong việc đi vào buồng thấy hai đứa đang lén nghe chuyện thì lắc đầu. Ngũ cô xua tay không cho, kêu về ngủ. Mai liếc a Cúc cười ha ha đi về giường mình, là đang nói chuyện của Cúc tỷ.

Đỗ bà mai nói, là ngày mười chín này La gia sẽ mang lễ qua. Cha nương đã nhắn ông bà nội vào vì bà nội của Hùng huynh sẽ đến nên bên nhà Mai cũng cần có ông bà nội mới đúng lễ. Bây giờ chắc nương kể cậu hai biết để báo nhà ngoại.

Lúc ngũ cô vào đây ở, buồng này được nới rộng hơn. Hai chị em Mai ngủ một giường lớn, ngũ cô ở giường nhỏ hơn chút. Ngũ cô xua hai đứa đi ngủ, còn mình thì vẫn thức canh chừng lò ấp trứng.

Lần này trứng gà nở không đúng ngày làm cô lo lắng, mùa nóng lẽ ra gà con nở sớm hơn chứ. Mai cũng không biết tại sao, hay do trời nóng khi phun nước dễ bay hơi nên độ ẩm thấp làm gà nở chậm? Ở đây chưa có khái niệm độ ẩm nên Mai không nói, mà cũng chưa chắc đó là nguyên nhân.

‘Chip, chip’ tiếng gà con nhỏ xíu làm ngũ cô mừng rỡ chạy qua lò ấp ở chái nhà sau. Haiz,… làm mọi người lo lắng quá chừng. A Phúc bên kia cũng nghe thấy kéo a Duyên chạy vào. Ba người lớn nhà trên không nói chuyện nữa mà xuống xem. Lần này ấp bốn khay trứng được hơn bốn mươi con. Có mấy con gà lai gà nhà và gà rừng nên màu lông nhạt hơn, không vàng ươm như gà nhà thuần chủng.

A Duyên lần đầu tiên thấy đám gà con nở không khỏi vui vẻ sờ đầu, sờ cánh chúng.

Hắn quay sang nói với cậu:

– Cha, nhà mình cũng làm lò ấp đi.

Cậu lắc đầu nói:

– Không dễ ấp đâu, mai mốt nương và tẩu con xuống đây học mới được. Không phải ai cũng ấp được.

Cậu nói đúng rồi, cách làm không khó nhưng muốn làm không dễ. Người canh lò phải chịu cực khổ ngày đêm, không được quên vẫy nước, độ nóng cũng phải canh chuẩn. Còn tỉ mỉ chọn trứng tốt, soi trứng có phôi; suốt ngày quanh quẩn ở lò ấp theo dõi mới được. Cho nên mới nói ngũ cô rất vất vả, mà cũng khéo léo, kiên trì mới ấp được mấy đàn gà vịt này.

Bốn khay trứng nở hết cũng gần một canh giờ sau, a Duyên ngủ gật bị cậu ẵm sang chái nhà ngủ. A Phúc mắt mở không lên nhưng vẫn kiên trì đến con cuối cùng nở rồi mới đi ngủ. Nương và ngũ cô lo chỗ cho bầy gà mới ổn thoả mới lên giường. Mặt trăng tròn đã lên quá ngọn tre rồi.

Vì sẽ ghé nhà Lý thúc ngủ lại nên cậu hai không vội đi sớm. Buổi sáng dậy sớm còn giúp cha cưa mấy khúc gỗ, ăn sáng rồi mới bắt ba chục gà, ba chục vịt vào lồng tre. Ngũ cô nói với Sinh ca:

– Vịt này thích lội nước, cháu nói mấy đứa nhỏ lùa nó ra rạch hay ao mỗi ngày. Ba chục con này được hơn tháng rồi, nuôi thêm hơn ba tháng là rớt hột.

– Dạ, cảm ơn cô.

– Không có gì, mấy con gà này cháu để ý lông cánh nó ra dài thì cắt đi, để nó khỏi bay ra rào đi mất.

Gà con vừa nở hôm qua còn yếu ớt, nương và ngũ cô chọn mấy con hơi lớn, khỏe mạnh cho nhà ngoại. Hai ba ngày đường sương gió, gà dễ bệnh hơn. Cái lồng tre được lót rơm, bện vành thật kỹ mới được.

Sáng nay Mai và a Vĩnh dậy sớm chạy ra ao sen gom lá trà hôm qua ướp, hương sen lưu trong trà nhè nhẹ. Ao sen mới nở một góc, đợi mấy ngày nữa sẽ ướp thêm, còn gửi cho Đỗ lang y, nhà nội ngoại nữa.

Mai thấy người dân ở đây ít khi uống trà, có lẽ tầng lớp nho sĩ, quan lại mới uống. Nhà nông để dành trà trong nhà cúng tổ tiên và đãi khách. Nhưng mà uống nước trắng cũng nhạt miệng nên Mai luôn pha ít mật ong và gừng. Những nhà khác hay uống nước lá tre, nước gừng hoặc nước nấu trái nhàu.

Nước lá tre rất thơm, mấy đứa nhỏ chạy ra bụi tre hái lá tre non về, rửa sạch rồi bỏ vào ấm nấu cùng với nước. Nước uống sẽ có mùi thơm nhẹ nhẹ, thanh thanh rất dễ chịu. Mấy đứa nhỏ sẽ bỏ thêm ít đường vào ngọt ngọt uống càng ngon.

Nước trái nhàu khó uống hơn, do Mai không thích mùi trái nhàu, hôi hôi. Người lớn lại rất thích, trái nhàu phơi khô, cắt lát nhỏ rồi nấu nước sôi giống trà. Uống nước trái nhàu rất tốt làm giảm đau lưng, mỏi chân tay nhất là những lúc vào mùa gặt lúa. Vĩnh ca đã xin Đỗ lang y hai cây nhàu về trồng trong vườn, nó lớn thật nhanh, lá cũng rất to. Hết mùa mưa này nhà cô chắc sẽ có trái phơi khô rồi.

Còn nước lá sen non phơi khô nữa, uống có vị đắng nhưng ngọt hậu. A Vĩnh đã phơi, sao khô để dành, cách hai ba ngày uống một chén sẽ ít bị nổi mụn sảy mùa nóng này. Giao mùa như thời điểm này, người già con nít dễ sanh bệnh. Nhờ Đỗ lang y chỉ dẫn, hai đứa nhỏ trồng mấy cây cỏ làm thuốc trong vườn, quanh nhà. Người ta nói rất đúng: phòng bệnh hơn chữa bệnh.