Hồ Sơ Bí Ẩn

Chương 1422: Mã số 072 – Nguyên nhân tử vong là câu đố (12)




Hai người họ hình như đã sản sinh sự khác biệt trong tư tưởng.

Nhưng Ngô Linh không hề có ý tranh cãi.

Ống kính khẽ di chuyển, có lẽ Ngô Linh đang quay qua nhìn Diệp Thanh và Lưu Miểu.

Người phụ nữ kia ngáp một cái: “Còn chuyện gì nữa không?”

“Hết rồi.” Ngô Linh đứng dậy.

Người kia cũng chẳng có ý tiễn khách.

Trên màn hình, Lưu Miểu đi trước một bước vén rèm cửa ra.

Video đến đây là kết thúc.

Ngày 19 tháng 10 năm 2011, dựa vào định vị điện thoại của Lại Tiếu Thiên, tìm được thi thể của anh ta. Báo cảnh sát tiến hành xử lý.

Ngay 20 tháng 10 năm 2011, kết thúc điều tra.

***

Xem xong bộ hồ sơ, lòng tôi thoáng bất an.

Cái chết của gã đê tiện Lại Tiếu Thiến đối với nhóm Vương Diêm là một tin tốt, còn đối với tôi thì chẳng liên quan gì.

Tuy năng lực đi vào cảnh mộng đã không còn, tôi không thể mơ thấy những người có liên quan trong vụ việc này, nhưng “lời nguyền” ấy chắc chắn vẫn còn. Không chừng tôi sẽ gặp phải người phụ nữ đó.

Tôi tự hỏi, có năng lực nào đối phó được loại người đó không.

Ngẫm một lát, tôi vẫn phải gọi điện cho Ngô Linh.

Sau khi bắt máy, Ngô Linh yên lặng lắng nghe tôi đọc tên bộ hồ sơ. Khả năng ghi nhớ của cô ấy cực kì tốt, tôi chỉ đọc tên hồ sơ, cô ấy liền nhớ ra, đồng thời đoán được câu hỏi của tôi.

“Người đó họ Kiều.” Ngô Linh nói.

Xem ra, ngoại trừ những thông tin trong hồ sơ, Thanh Diệp còn điều tra thêm về cô Kiều này.

“Kể ra thì cô ta cũng khá có liên quan đến ác ma.” Ngô Linh nói: “Ông cố nội của cô ta, hoặc tổ tiên xa hơn nữa, là nhà truyền giáo từ ngoại quốc đến, sau đó nhập tịch vào nước ta.”

“Nhà truyền giáo? Sao lại biết ma thuật hắc ám?”

“Không phải nhà truyền giáo của tôn giáo lớn. Xét dưới góc nhìn đương thời, thì thứ họ tín ngưỡng là tà giáo, tin vào tà ma.” Ngô Linh giải thích: “Chắc là đã bị bao vây càn quét ở nước ngoài, mới trốn qua nước ta, thay tên đổi họ. Theo tôi được biết, ông cố của cô ta có để lại một số di vật. Cô ta đã được khai sáng từ những thứ ấy, bắt đầu nghiên cứu về ma pháp hắc ám. Vì lý do này, nên không giống các phù thủy ở nước ngoài lắm. Cậu có thể hiểu là… thứ cô ta học tập là ma pháp hắc ám truyền thống. Có điều, nghe nói tự cô ta cũng có phát minh ra ma pháp hắc ám mới. Tôi đã chết nhiều năm rồi, nên tình trạng hiện tại của cô ta, tôi cũng không quá rõ.”

Ngô Linh nhắc đến cái chết của mình, mà nhẹ nhàng như không.

“Cô ta có thể đối phó ác ma?” Tôi phấn khích hỏi.

“Cô ta tin có ác ma tồn tại.” Ngô Linh đính chính: “Trước đây tôi có nói rồi, giới quái dị có quan điểm bất đồng về những sinh vật, thần tiên trong truyền thuyết cổ xưa. Những sinh vật ấy thực sự tồn tại, hay chỉ là linh hồn do chấp niệm của con người tạo ra, mỗi phe giữ lấy một nhận định. Xét trong tình hình hiện tại, thì phái sau chiếm ưu thế hơn. Sự biến mất của những sinh vật ấy cũng được giải thích là kết quả của việc những truyền thuyết kia bị phá bỏ, là một bằng cớ chứng minh chúng chỉ là linh hồn.”

“Cô Kiều đó tin những sinh vật ấy có tồn tại, chứ không tin có linh hồn?” Tôi lại hỏi.

“Cô ta cũng tin có linh hồn. Nhưng linh hồn là linh hồn, ác ma là ác ma.” Ngô Linh đáp: “Quan điểm của cô ta về ác ma cũng khác biệt, nên có thể sẽ có cách giải quyết đặc thù. À… lúc này mà cậu xem được bộ hồ sơ ấy… không chừng là do Ông Trời chỉ dẫn đấy.”

Tôi thấy giả thuyết của Ngô Linh quá huyễn ảo.

“Ông Trời mất đi tính người rồi.” Tôi nghi ngờ hỏi lại.

“Không còn tính người, nhưng những vận mệnh mà nó đã sắp đặt sẵn vẫn còn hoạt động. Cái này cũng giống như thuyết tất nhiên của lịch sử.” Ngô Linh lại nói ra một câu trả lời ảo hơn để đáp lại câu hỏi của tôi.

Xưa nay tôi luôn nghi ngờ là người của Thanh Diệp đã làm gì đó.

Những người tìm đến và ủy thác họ, cộng thêm những sự tình mà tôi liên tục gặp phải trong hiện tại, có lẽ đều do họ đã âm thầm làm gì đó.

Nhưng nếu nói đó là lẽ tất nhiên của lịch sử thì cũng khá có lý.

Có thế số mệnh của tôi được định đoạt phải chết bởi sự vật hay hiện tượng quái dị. Diệp Thanh cho tôi hồ sơ của họ, những sự vật quái dị tìm đến tôi, đương nhiên đều là những thứ họ đã từng đụng độ.

Tôi chỉ biết cảm thấy ngán ngẩm.

“Làm sao liên lạc được cô Kiều đó?” Tôi hỏi Ngô Linh.

Ngô Linh đã nhận lấy sự kiện này, vì người thích hợp để tiếp xúc với giới quái dị không phải là tôi, mà là cô ấy.

“Thế… chuyện Tí Còi sao rồi?” Tôi nhớ đến kế hoạch ban đầu của Ngô Linh.

“Đồ đã chuẩn bị xong. Thời gian cũng khá thích hợp rồi. Nhưng nếu cậu đã xem bộ hồ sơ ấy, thì tôi ưu tiên liên lạc với cô Kiều trước đã.”

Nói xong, Ngô Linh ngắt máy.

Tôi vì chuyện này mà thấp thỏm bất an suốt mấy ngày, lúc trao đổi với người có quyền tài sản thì không khỏi đánh mất tập trung.

Cũng may, công việc hiện tại lộn xộn cũng đã lộn xộn rồi, những thành phần đến gây chuyện không nhiều.

Người có quyền tài sản ở thôn Sáu Công Nông đều đang nôn nóng dọn khỏi cái khu dân cư xui xẻo này, nên xem như vẫn khá phối hợp với chúng tôi, yêu cầu không khắt khe lắm về phương án bồi thường, không có ai ngoan cố ở lại nữa.

Bên tổ của Tưởng Hựu thì khá phiền phức. Khu mà nhóm đó phụ trách đâu có được “ông trời ưu ái” đến thế. Người ta đã có ý kiếm chác là kiếm chác thôi, cứ luôn giở trò lưu manh.

Những tổ khác không ít thì nhiều cũng gặp phải những thành phần như vậy, chết sống gì cũng phải vắt thêm chút tiền.

Tôi đợi hai ngày, không ngờ đã thực sự nhận được tin tốt từ Ngô Linh.

Cô Kiều kia vô cùng hứng thú với ác ma, quyết định đích thân đến sào huyệt của ác ma điều tra một chuyến.

Mà chỉ mỗi mình tôi biết sào huyệt của nó ở đâu. Tôi thì chỉ thấy trong cảnh mộng, cũng chẳng mấy rành rẽ về thủ đô, chỉ có thể cung cấp một địa chỉ đại khái và hướng dẫn đường đi chung chung.

Ngô Linh đã chuyển thông tin cho cô Kiều, kế đến thì phải đợi xem thế nào.

Lần đợi này chưa thấy chỗ của cô Kiều báo tin gì, thì công tác giải tỏa đã gặp vấn đề trước.

Tôi có cảm giác như bị đánh vào mặt, lại có thêm cảm giác được trút đi gánh nặng, bom nổ cũng đã nổ rồi.

Đối tượng gây chuyện là con của Trần Gia Huy.

Trần Gia Huy là người có quyền tài sản lớn tuổi ở thôn Sáu Công Nông, ngày xưa cũng từng làm việc trong Xưởng Gang thép Số 3. Vợ ông ta đã mất, bản thân thì già lẩm cẩm, được con gái lớn là Trần Dung Hoa đưa về nhà chăm sóc. Ba người con khác cùng lắm là lui tới thăm viếng. Căn hộ ở thôn Sáu Công Nông đem cho thuê, tiền thuê giao hết cho Trần Dung Hoa. Chuyện này đều được ba người còn lại đồng ý.

Trước đây, khi tôi đến gặp, Trần Dung Hoa đã khá là khác thường, hình như muốn nuốt trọn tiền bồi thường giải tỏa.

Xét về pháp luật, chuyện này là không thể.

Người có quyền tài sản là ông Trần Gia Huy, quyền lợi lẫn nghĩa vụ đều nằm ở chỗ ông ta. Tuy ông ta đã lẩm cẩm, không còn năng lực dân sự, nhưng muốn mất đi quyền lợi trên mặt luật pháp, thì vẫn phải trải qua một tiến trình pháp lý, người thân thiết nhất của ông ta phải dựa vào một trình tự nhất định mới có được quyền giám hộ. Mà dù có được quyền giám hộ rồi, thì tài sản vẫn thuộc về ông ta. Sau khi ông ta chết, thì sẽ biến thành di sản, bốn người con không thể không chia đều, mỗi người cũng phải nhận lấy tài vật có giá trị tương đương.

Cũng giống như hầu hết các cụ già sau khi mất, không có gấp rút làm thủ tục sang tên sở hữu, mà tự gia đình tiếp tục sống trong căn hộ đó. Xét qua góc độ an toàn và chính quy, thì sang tên sớm đương nhiên sẽ tốt hơn. Nhưng từ góc độ tiện lợi, thì không nhất thiết phải giao dịch nhà ở, cái nào không cần làm thì bỏ bớt, chỉ làm những thứ cần làm. Nhưng nếu như con cái đông, căn hộ không đủ cho tất cả cùng sống, thì việc phân chia tài sản lại trở nên rắc rối.

Trước đây, lúc lấy phiếu khảo sát ý kiến và bỏ phiếu chọn phương án đền bù, các con của ông Trần Gia Huy đã từng xích mích nhau rồi. Có điều nghe nói bốn anh chị em trong nhà họ hình như đều rất hòa thuận, kinh tế ai cũng khá, không thiếu tiền, cũng không thiếu nhà ở. Nhưng trong bốn gia đình lại có ý kiến bất đồng với nhau.

Căn hộ của ông Trần chỉ có hai vợ chồng cụ đứng tên, trong sổ đỏ và cả sổ hộ khẩu cũng vậy. Gia đình họ như vậy, nên mỗi người không thể nhận được quá nhiều tiền bồi thường. Nên mới bắt đầu giằng co.

Nhưng lúc đó thì họ chỉ đóng cửa cãi cọ nhau, chủ yếu là tìm được ý kiến chung. Nhưng lần này, đã sắp sửa kí kết phương án đền bù rồi, bốn đứa con của ông Trần Gia Huy đã chính thức tranh giành ra mặt.

Trần Dung Hoa đã đưa đơn ra tòa, muốn lấy được quyền bảo hộ. Sau khi lấy được, người đến kí kết phương án đền bù đương nhiên chính là bà ta.

Ba người con còn lại đương nhiên không đồng ý.

Nhưng để đến phiên tòa đầu tiên, thì cần phải đợi không ít thời gian.

Trần Dung Hoa không muốn tiếp xúc với Phòng Di dời lắm, đứa em gái út thì thường xuyên chạy đến chỗ chúng tôi, còn vào ở hẳn trong căn hộ của ông Trần Gia Huy trong thôn Sáu Công Nông. Hành động quá nhanh, khiến không ai trở kịp trở tay.