Hồ Sơ Bí Ẩn

Chương 682: Chủ nhân thân yêu của tôi (7)




“Cẩn thận một chút!” Người đàn ông hô lớn một tiếng.

Người phụ nữ chân tay luống cuống, lại lập tức mạnh miệng trả lời: “Tôi không làm gì hết, cũng không đụng tới! Là nó tự nứt ra! Chắc là chất lượng không tốt lắm?”

Tôi cảm giác ngực mình đau đớn, khi tay của người phụ nữ lắc lư con gấu thì tôi cũng nhìn tình huống trong mắt của nó.

Ngực của gấu Teddy đã nứt ra một cái lỗ hổng lớn, bông từ bên trong rơi ra ngoài.

Đây không phải do người phụ nữ làm mà chính nó tự nứt ra.

“Những con gấu này nhìn bề ngoài thì còn tốt nhưng ai biết được bên trong đã hỏng ra sao rồi. Tôi nghĩ chúng ta không nên bán từng con mà hãy đóng gói toàn bộ rồi tìm người nào bán đi đi.” Người phụ nữ đổi giọng, một lần nữa đem con gấu Teddy ném vào trong thùng giấy.

Gấu Teddy nảy lên một cái, bông bên trong rơi ra càng nhiều. Con mắt bằng thủy tinh của nó cũng rớt xuống khe hở bên trong thùng giấy.

Xung quanh cũng có những con gấu đã bắt đầu rách ra. Trên người của bọn chúng đều xuất hiện vết thương.

Tôi nghĩ, đây có lẽ là biểu hiện cho tâm tình hiện tại của bọn chúng. Mất đi sự yêu thương của chủ nhân, một số gấu Teddy biến thành đồ chơi bình thường, hiện tại lại bị chủ nhân mình vứt bỏ, nên sự đau lòng của những con gấu Teddy này đã được thể hiện trên thân thể của chúng nó.

Thùng giấy bị khép lại, chúng nó lại phải trải qua những ngày tháng không có ánh sáng mặt trời.

Một ngày, tôi nghe thấy âm thanh phát ra từ ngoài thùng giấy. Thùng giấy bị người ta dán lại, chuyển đến một nơi khác, lại là một trận xóc nảy rồi đến tiếng dao rọc giấy cắt đứt băng dán trên thùng.

Có ánh sáng chiếu vào trong thùng giấy, người phụ nữ xa lạ cầm lấy gấu Teddy, nhíu mày quan sát.

Cô ta lấy tất cả gấu Teddy ra, sắp xếp ngay ngắn trên mặt đất rồi chụp ảnh từng con một. Những con gấu Teddy bị hỏng rồi thì ném lại vào trong thùng.

Bên ngoài có tiếng gõ bàn phím và tiếng tách tách của chuột vi tính, cuối cùng là tiếng người.

Thời gian thấm thoắt trôi qua.

Lúc ra cửa thì người phụ nữ mang theo thùng giấy, ném nó vào trong thùng rác lớn, còn có nhiều thứ khác đều bị ném vào đó.

Nơi này hẳn là một khu dân cư, trong thùng rác toàn là các loại thực phẩm đóng hộp và đồ vệ sinh. Rác rưởi bẩn thỉu đó dính lên người gấu Teddy.

Gấu Teddy vẫn không có phản ứng.

Tôi không cảm nhận được cảm giác của nó, nhưng tôi biết, nó vẫn “còn sống“.

Thùng rác lần nữa bị người ta mở ra, tia sáng yếu ớt từ phía trên chiếu vào bên trong. Túi rác lớn trong thùng bị người kéo ra, tất cả rác rưởi đều bị người đó xách ra ngoài.

Lại là một trận xóc nảy.

Lần này tôi không nhìn thấy tình huống bên ngoài nữa.

Cũng không biết đã qua bao lâu, tôi cảm giác được túi rác bị người ta lật qua lật lại.

Rác rưởi ở phía trên bị gạt ra, ánh trăng ban đêm chiếu sáng tầm mắt của tôi.

Tôi thấy được một bóng người đen sì.

Trong tình huống này, tôi nhìn không rõ bộ dáng của người đó.

Anh ta duỗi tay ra tóm lấy thùng giấy chứa gấu Teddy.

Trong nháy mắt, tôi cảm nhận được ánh sáng mặt trời.

Giấc mơ kết thúc, trời đã sáng.

Tôi ngơ ngác nằm trên giường.

Là Diệp Thanh?

Người kia hẳn là Diệp Thanh. Là anh ta đem gấu Teddy về phòng nghiên cứu.

Trong lòng tôi có một loại thất vọng buồn bực.

Những chuyện xảy ra với gấu Teddy không phải là đau đớn lớn lao gì. Tôi là con người, rất khó để có thể cảm nhận được tình cảm của đồ chơi, nhưng tôi lại cảm thấy khổ sở. Loại cảm giác đè nén khó chịu kia càng khiến tôi thấy không thoải mái.

Lữ Xảo Lam không muốn vứt gấu Teddy đi, nhưng cô ấy đã bỏ quên bọn chúng. Gia đình, sự nghiệp, cuộc sống đủ để cô ấy bận rộn, quên đi đồ chơi lúc tuổi thơ. Tình cảm của cô ấy đối với gấu Teddy to lớn hơn so với rất nhiều người và cũng kiên trì được rất lâu, không quên đi bọn chúng khi còn trẻ thơ. Nhưng cuối cùng, không còn vĩnh viễn nữa, cô ấy đã không truyền lại gấu Teddy cho con mình. Con của cô ấy nhìn thì có vẻ không thích gấu bông.

Thật ra, không chỉ là đồ chơi, đối với người cũng sẽ như thế thôi. Hàng xóm, bạn học, đồng nghiệp, bạn bè, thậm chí là người nhà, sau một khoảng thời gian dài đằng đẵng thì cũng sẽ dần dần quên mất đi.

Tôi thở dài một hơi, rời khỏi giường đi thay quần áo.

Mẹ tôi đã thức dậy, bánh chưng cũng đã được bỏ vào trong nồi hấp.

Mẹ nhìn tôi dậy, rồi có chút nghi ngờ hỏi: “Bánh chưng này hình như không đúng lắm.”

“Sao ạ?” Tôi thò đầu nhìn một chút.

Bánh chưng ở trong nước sôi nhẹ nhàng lắc lư, nhìn không ra vấn đề gì.

Mẹ mở nắp nồi, hơi nước bay lên, đồng thời còn có mùi gì đó bay ra.

Tôi nhíu mày.

“Mùi gì vậy? Hình như bánh hư mất rồi.” Mẹ tôi để nắp nồi qua một bên, đi lấy bát đũa, “Vừa rồi mẹ đã ngửi thấy có mùi gì đó, cũng không biết là do bánh chưng hay là thứ khác. Lớn tuổi rồi, mũi cũng không còn tốt như xưa nữa.”

“Hình như là bánh chưng.” Tôi cũng ngửi thấy mùi lạ.

Không tả rõ được cái mùi này là mùi gì, có chút thối, nhưng cũng không phải của đồ ăn hư.

Nhân trong bánh chưng chắc không có loại nào có mùi thối đâu. Lúc Trịnh Vĩ đem bánh chưng cho chúng tôi thì cũng đã nói rằng nhân bên trong không có cái nào thối cả.

Mẹ tôi gắp bánh chưng ra, mở dây gói và lá bánh chưng.

“Thứ gì thối như vậy?” Em gái đã dậy rồi, bịt lỗ mũi đi vào phòng bếp.

“Bánh chưng hư mất rồi.” Tôi nói.

Lá bánh chưng vừa được mở ra, mùi vị kia càng thêm mãnh liệt.

Mặc dù bánh chưng nhìn óng ánh sáng long lanh rất ngon mắt, cũng không có những thứ như nấm mốc, nhưng loại mùi này ai cũng ngửi thấy.

Tôi sờ lên đầu, “Có thể là sau khi mang về thì bị hỏng. Lúc tan làm, con cùng đồng nghiệp có một vài chuyện, khi đó bánh chưng ném ở trong xe.”

Bánh chưng đặt ở nhiệt độ trong phòng cả ngày, lại thêm vấn đề thông gió trong xe không tốt, có lẽ chính là bởi vậy mà bị hư mất.

Tôi không chắc chắn lắm, có điều, bánh chưng bị hư thì cùng lắm là có chút đáng tiếc mà thôi.

“Hôm nay chúng ta ăn cái khác vậy.” Mẹ tôi cũng thấy đáng tiếc, đem bánh chưng ném đi hết.

Cha tôi đi đến nhìn một cái, “Là đồ tự làm, hạn sử dụng ngắn, cái này cũng không còn cách nào.”

Bánh chưng làm tay chắc chắn sẽ không dùng phương thức xử lý nhiệt độ thấp của dây chuyền sản xuất công nghiệp hóa, cũng không có chất bảo quản, nên hạn sử dụng sẽ không lâu.

Chúng tôi nói huyên thuyên vài câu xong liền chuẩn bị ra ngoài ăn sáng.

Khi tôi đến văn phòng bèn cùng bọn Tí Còi nói về chuyện bánh chưng.

Gã Béo gật đầu, “Em cũng vậy, buổi sáng hôm nay chuẩn bị ăn thì mới phát hiện nó đã hư rồi, nên chỉ có thể đi ra ngoài ăn.”

Tí Còi cùng Quách Ngọc Khiết còn chưa kịp ăn, vẫn để trong tủ lạnh, sau khi nghe tôi cùng Gã Béo nói như vậy thì cả hai đều cảm thấy đáng tiếc.

“Có thể trước đó đã là loại sắp hết hạn rồi.” Tí Còi nói thầm một câu.

“Anh Trịnh không phải loại người như vậy.” Gã Béo nói.

“Mẹ anh ấy thì không chắc. Bà ấy lớn tuổi rồi mà.” Tí Còi một bộ dáng âu sầu trong lòng.

Tôi cùng Gã Béo không khỏi cười lên.

Quách Ngọc Khiết kỳ quái nhìn về phía chúng tôi.

Tí Còi tằng hắng một cái.

Tôi nói: “Bà nội cậu ấy trước kia rất tiết kiệm, hạn sử dụng gì đó đều không thèm quan tâm. Khi ấy, mỗi tuần mà cậu ta về nhà, rồi sau đó quay lại trường học thì đều mang theo một đống đồ sắp bỏ đi.”

Tí Còi xua tay, “Trước khi bà nội qua đời, cha mẹ tôi đều phải lén lút ném đi những đồ ăn sắp hết hạn từ chỗ bà, rồi gửi những đồ tươi mới đến. Bà còn vô cùng thích mua đồ giảm giá, ăn cũng đâu có hết chứ. Cha mẹ tôi nói với bà thì bà lại không nghe...”

Đề tài này chưa nói được bao lâu thì liền chuyển đến trên người Trần Hiểu Khâu.

Tôi nói ra chuyện của con gấu Teddy, sự lo lắng trước đó của chúng tôi cũng được giảm bớt ít nhiều. Quách Ngọc Khiết rất cảm động trước sự trải qua của gấu Teddy, vành mắt đều đỏ cả lên.

“Có nên nói cho Lữ Xảo Lam biết không?” Quách Ngọc Khiết bỗng nhiên nói.