Hồ Sơ Bí Ẩn

Chương 805: Bất công




So sánh với phương thức bỏ phiếu quy mô lớn khác mà nói thì việc bỏ phiếu bồi thường giải tỏa di dời này thực tế cũng không phải là một phương thức chính quy.

Sự không chính quy lớn nhất chính là ở trước thời hạn chót thì người có quyền tài sản đã bỏ phiếu có thể quay lại và thay đổi nội dung bỏ phiếu của mình.

Nói ra thì tiêu điểm của mâu thuẫn đã chuyển đổi rồi.

Từ Quang Tông đề ra yêu cầu này cũng là việc thường hay gặp trong quá trình di dời trước đó và bây giờ cũng vậy.

Quyền sở hữu tài sản của người trong nhà không ngang bằng, nhưng lại chưa đến mức phải xé rách quan hệ, mọi người ngoài việc dựa vào gia quy để quyết định thì có thể làm gì? Chỉ có thể đẩy trách nhiệm lên đầu Phòng Di dời mà thôi.

Bồi thường giải tỏa di dời có một căn nhà, nhưng trong nhà có ba người con, nếu cho con cả mà không cho con thứ hay con út thì đó là do sự bất công của cha mẹ, không bất công thì còn có cách nào khác đâu. Ai bảo chính phủ không cho ba căn nhà đây?

Đương nhiên, người con đã trưởng thành không thể thật sự ngu ngốc như vậy, cha mẹ nói như thế liền tức giận lên chính phủ, để cho anh em mình lấy được chỗ tốt, còn mình thì không được cái gì.

Từ Quang Tông nói: “Khi công bố kết quả bỏ phiếu cuối cùng thì nó cũng sẽ không biết tôi đã bỏ phiếu gì. Kết quả cũng chưa nhất định là sẽ đúng theo phiếu mà tôi đã bầu. Điều tôi muốn là được an lòng thôi. Tuổi tôi cũng đã cao rồi, không nghĩ rằng đến lúc già mà còn phải chứng kiến cảnh hai đứa con trai trong nhà vì tài sản mà đánh nhau. Haiz…”

Từ Quang Tông thở dài, mang theo nét mặt âu lo tuổi già, thật sự là cũng có chút đồng tình.

Tôi chỉ có thể nói: “Quy định của Phòng Di dời đã định ra là như vậy. Tôi là một nhân viên nhỏ, chỉ có thể làm theo quy tắc mà thôi, nếu vi phạm thì tôi chắc chắn sẽ bị phạt.”

“Chúng ta đều không nói ra thì có gì mà vi phạm hay không vi phạm chứ?” Từ Quang Tông ỷ mình lớn tuổi, khi nói còn mang theo vài phần ra lệnh.

“Ông Từ, chuyện ở đây không phải là do chúng tôi nói là được. Kết quả cuối cùng của việc bầu phiếu được đưa ra thì sẽ phải công bố. Ai bầu phiếu nào đều được ghi lại thật rõ ràng. Nội dung của tất cả phiếu bầu cũng sẽ được lưu giữ. Ông cứ như thế thì chúng tôi không thể làm việc được đâu.” Tôi giải thích.

Văn bản toàn bộ quá trình giải tỏa di dời sẽ được công khai. Có người không xem là một chuyện, có người sau khi xem rồi tìm ra “kẻ đầu sỏ” thì đó lại là chuyện khác.

Dường như chủ ý này của Từ Quang Tông là muốn nhắm vào Phòng Di dời. Có lúc thói quen sẽ trở thành điều đương nhiên. Giống như tiền nhà mình ít hơn tiền nhà người khác thì nhất định là do Phòng Di dời giở trò vậy. Nhưng đa số tình huống trong thực tế lấy tiền nhiều hay ít thì đều có căn cứ rõ ràng, có văn bản chính sách làm chứng cứ. Sự giở trò đó không phải tồn tại trong suy nghĩ chủ quan, cho dù nhà người ta có nghiên cứu ra được lỗ hổng trong văn bản chính sách, tìm được lý do để lấy tiền.

Điều này cũng giống như việc đầu tư chứng khoán cá nhân. Không hiểu được đường kẻ trên biểu đồ, vì thế chỉ có thể kiếm tiền dựa vào may mắn. Lẽ nào các chuyên viên tài chính chuyên nghiệp kiếm nhiều kiếm tiền hơn thì nhất định là do làm giao dịch nội bộ hay sao?

Lời buộc tội này tôi không nói được với Từ Quang Tông, nên chỉ có thể giải thích phương án bồi thường.

“… Trong các phương án, số tiền bồi thường trong hạch toán cuối cùng là bao nhiêu, thì thực ra cũng gần giống nhau cả thôi. Ông chọn phương án B là hi vọng diện tích sẽ nhiều hơn một chút cùng với thời hạn ở cũng nhiều hơn một chút, phương án A tính theo đầu người, thì trong nhà ông cũng sẽ chiếm được chỗ tốt mà.” Tôi nói với Từ Quang Tông.

Từ Quang Tông không lung lay: “Điều tôi hi vọng là kết quả cuối cùng không lấy nhà, chỉ cần tiền bồi thường thôi.”

Ý tưởng này có chút riêng biệt.

“Phương án A, B kia cũng giống nhau, cuối cùng thì nhà cũng là do ông dùng tiền bồi thường để mua…” Tôi giả vờ không hiểu.

Từ Quang Tông lắc đầu: “ Phương án B này, gia đình tôi nhiều nhất là mua được một ngôi nhà, cái này thì con út của tôi cũng có phần.” Từ Quang Tông thở ra một hơi, vỗ đùi, “Là do tôi không giáo dục tốt, để cho nó lớn đến tuổi này rồi mà còn dựa dẫm vào cha mẹ sống qua ngày. Đứa cháu nội kia cũng vậy, không nên người giống thằng cha nó. Bây giờ tôi nhân cơ hội này để cho chúng nó biết cách tự lo cho mình. Đừng có hòng moi chỗ tốt từ tôi nữa. Phần tiền bồi thường di dời này, đứa con trai lớn một đồng cũng không cần, số tiền này tôi cũng không cần, tất cả đều cho nó hết. Đây là lần cuối cùng tôi cho nó một cái gì đó. Sau này ấy mà, nó đừng nghĩ đến chuyện lấy của tôi một đồng tiền nào.”

“Theo ông nói thì cho nhà cũng giống nhau thôi.” Tí Còi chen mồm nói một câu.

Từ Quang Tông hừ một tiếng: “Nếu cho nó nhà thì nó sẽ không nghĩ đến sống qua ngày đâu. Tôi còn không hiểu nó hay sao? Nó có được một nơi ở rồi, một tháng có được mấy nghìn tệ trong tay, tiêu xài cho đã rồi đợi chết cũng được. Con trai nó đến lúc có chuyện gì, kết hôn mua nhà, đều sẽ đến tìm thằng lớn. Đến lúc đó…”

Nói đến đây thì Từ Quang Tông ngập ngừng.

Tôi nhận ra rằng Từ Quang Tông không phải là muốn cắt đứt mối quan hệ với Từ Thiết, mà là muốn kích thích ông ta, để ông ta biết tự lực phấn đấu.

Từ Thiết không phải là một anh chàng nhỏ tuổi gì, con trai ông ta cũng đã đi làm rồi, cái loại kích thích này còn có ý nghĩa gì không?

Phần tiền này mà đưa cho Từ Thiết, nói không chừng đều bị phung phí hết sạch.

Tôi có chút không hiểu, nhìn sang Từ Cương.

Từ Cương vẫn hút thuốc, không hề lên tiếng.

Chuyện này hình như có chút kỳ lạ.

Từ Quang Tông lại nói về vấn đề bỏ phiếu.

Chúng tôi không thể giúp ông ta nói dối con mình được, ngay cả khi có bằng chứng chứng minh Từ Quang Tông ủy quyền thì đó cũng là hành vi bất hợp pháp. Huống hồ loại chứng cứ này có tác dụng gì? Hai người họ là cha con. Đến lúc đó Từ Thiết muốn gây rối thì cũng là tìm đến Phòng Di dời.

Từ Quang Tông rất thất vọng, tựa hồ trải qua một thời gian suy nghĩ thì ông ta vẫn hạ quyết tâm, đem phiếu bầu bầu rồi.

Từ Cương không nói gì, dìu Từ Quang Tông trở về.

Quách Ngọc Khiết thì thầm một câu: “Ông Từ này sao đột nhiên lại nghĩ đến việc dạy con mình?”

Chủ nhiệm Mao ở bên cạnh cười một tiếng.

“Chủ nhiệm Mao, dì biết chuyện gì sao?” Quách Ngọc Khiết hỏi.

Chủ nhiệm Mao nhìn ra phía ngoài thấy không có ai đi vào, liền nói với chúng tôi: “Mọi người nghĩ là ông ấy đang muốn dạy con sao? Ông ta chỉ là đang thiên vị đứa con trai út thôi.”

Tôi nghĩ đến một chuyện, chỉ có thể gượng cười.

Quách Ngọc Khiết không suy nghĩ, mà tiếp tục truy hỏi.

Chủ nhiệm Mao chầm chậm nói: “Cháu nghĩ xem, kết quả cuộc bỏ phiếu này có thể được quyết định chỉ bằng một phiếu của ông ta không? Ông ta làm cái dáng vẻ để cho Từ Cương xem thôi. Nói là hướng về Từ Cương, nhưng cho dù là phương án bồi thường nào thì cũng sẽ đều không thiếu phần của Từ Thiết. Từ Thiết không lấy được căn nhà thì cũng có thể lấy được tiền. Số tiền đó cũng đủ để trang trải cuộc sống rồi không phải sao? Sau đó nữa, ông ta không lấy một xu, mà dựa vào số tiền lương hưu sống trong viện dưỡng lão, Từ Cương cũng còn phải trợ cấp nữa mà đúng không?”

Một nhân viên trong ủy ban khu dân cư nói xen vào: “Tôi xem hai cha con ông ta đã bàn tính xong rồi, đến lúc đó ông Từ sẽ sống ở nhà Từ Cương, khi ấy tiền nghỉ hưu không cần tiêu đồng nào, rồi toàn bộ đều đem cho thằng con út mua nhà hết.”

Chủ nhiệm Mao xua xua tay, nói: “Mọi người không sống ở đây nên không biết. Những thứ Từ Cương hiếu kính biếu cho ông ấy, cuối cùng cũng đều rơi vào tay của Từ Thiết hết. Trước mặt người khác ông ấy khen con trai lớn, mắng con trai nhỏ, nhưng không phải là ông ấy vẫn chung sống một nhà với con trai nhỏ hay sao? Vấn đề này phân tích không rõ ràng được. Trong lòng Từ Cương cũng biết rõ đấy, nhưng đối với cha của mình thì còn có thể làm gì?”

Trong lòng tôi nghĩ Từ Quang Tông trên mặt ngoài thì biểu hiện công bằng nên cho dù Từ Cương trong lòng có giận thì cũng chỉ biết kìm nén, sẽ không thật sự xé rách mặt với cha và em trai mình, và cũng chỉ có thể tiếp tục nhường nhịn cái hố không đáy là nhà em trai mình mà thôi.

Nói đi cũng phải nói lại, Từ Quang Tông cũng coi là có chút hiểu biết. Nghe nói ông ta vốn là một lãnh đạo trong ở xưởng Gang Thép Số Ba trong thành phố. Ở trong việc xử lý mối quan hệ như thế này, so với những người cha mẹ thiên vị con cái đến mức không nói lý thì còn làm tốt hơn.

Người lúc nãy nói xen vào lại nói tiếp: “Ông Từ cố ý vì con trai út tính toán mọi bề nhưng mà người ta lại không hiểu cho. Các cậu cứ chờ xem, sau này thế nào cũng quậy trận lớn nữa.”