Khom Lưng

Chương 137




Duyện Châu.


Chỉ khoảng hơn một tháng, địch thủ cũ Chu Quần tới trước rồi lại đến Chu Quần liên binh.


Duyện Châu gặp phải hai đợt đại quân tiến tới thảo phạt.


Kiều Bình dẫn Kiều Từ và một nhóm gia tướng binh nhì cùng bày trận, toàn lực chống lại.


Lần đầu tiên, Chu Quần bại trận, bị đánh lui.


Quân dân Duyện Châu vừa mới thở phào nhẹ nhõm, không ngờ Chu Quần lại chỉnh đốn binh mã, tiến quân xâm lấn lần thứ hai.


Lần này hắn tiến hành liên quân, thanh thế còn lớn hơn lần trước, lao thẳng tới Cự Dã ở bên ngoài Duyện Châu, quyết tâm không bỏ qua cho Duyện Châu lần nữa.


Lúc đó Kiều Việt vô cùng sợ hãi, hắn cho rằng nhất định Duyện Châu không thể may mắn đẩy lùi xâm lấn như lần trước.


Sau khi bàn bạc với mưu sĩ Trương Phổ, hắn quyết định dâng thư xin hàng, cúi đầu xưng thần với Hạnh Tốn để đổi lấy an bình.


Năm ngoái Hạnh Tốn vừa xưng đế, lấy hiệu là Khương, gửi chiếu thư đến khắp cửu châu trong thiên hạ, ra lệnh chư hầu thứ sử các nơi phải vào cung hành lễ.


Lúc đó người hưởng ứng rất ít.


Thứ sử chư hầu trong thiên hạ có người khiếp sợ trước dâm uy, có người thì xem xét thời thế, có kẻ lại có tính toán khác.


Vì vậy không có ai vung cờ chống đối, cũng không ai nguyện lòng làm theo chiếu thư kia, chỉ sợ gánh cái danh là loạn thần tặc tử.


Thành Duyện Châu cũng vậy.


Nhưng tình thế lại thay đổi nhanh chóng đến mức này.


Rốt cuộc Kiều Việt không chịu nổi áp lực, đành phải đưa ra quyết định đó.


Tuy nhiên Kiều Bình lại hết sức phản đối.


Ở Duyện Châu bây giờ, danh tiếng của Kiều Bình đã lừng lẫy hơn xưa, rất nhiều gia tướng nghe lệnh ông.


Đương lúc tranh chấp với Kiều Việt, Kiều Bình lại nhận được tin báo, Lục Mâu tướng quân ở Linh Bích nguyện lòng đưa quân tới đây để cứu viện.


Kiều Việt bán tín bán nghi nhưng chỉ có thể miễn cưỡng đồng ý vậy.


Sau một hồi loạn chiến, ngay ngày hôm qua, không chỉ đại quân của Chu Quần bị đánh bại hoàn toàn, mà chính hắn cũng chết cùng loạn quân. Trong một thời gian ngắn, Hạnh Tốn không thể phát động tiến công tới Duyện Châu lần nữa.


Quân dân Duyện Châu hãnh diện không thôi.


Nếu bàn về công lao thì người đứng đầu chính là Lục Mâu tướng quân.


Giữa thiên quân vạn mã mà cứ như ra vào chỗ không người.


Chu Quần là kẻ thù cũ của Duyện Châu nhiều năm nay, sở dĩ bỏ mạng ở Cự Dã cũng là vì thua trận bỏ chạy, gặp phải binh lính mà Lục Mâu tướng quân sắp xếp, cuối cùng thì bị giết.


Nếu không có sự giúp đỡ của hắn, trận chiến lần này khó có thể đạt được thành quả huy hoàng như vậy.


Quân dân Duyện Châu không ngừng lan truyền tên tuổi của Lục Mâu tướng quân trên sa trường, ngóng trông có thể chứng kiến phong thái của hắn lúc khải hoàn.



Ngày ấy, cha con Kiều Bình trở về từ Cự Dã, lúc cưỡi ngựa vào thành, họ được dân chúng đứng chật kín hai bên hoan nghênh nhiệt liệt.


Tuy nhiên không được thấy vị tướng quân Lục Mâu trong tin đồn cùng đồng hành với họ, dân chúng cũng có phần thất vọng.


Kiều Việt dẫn người ra trước phủ đệ nghênh đón Kiều Bình khải hoàn về.


Trên mặt hắn niềm nở ý cười, nhưng nhìn kĩ có vẻ hơi miễn cưỡng.


Đón Kiều Bình vào phủ, Kiều Việt hỏi ngay: “Sao hôm nay vị Lục Mâu tướng quân đó không vào thành cùng đệ? Ta đã từng nghe danh hắn trước đây, mặc dù cầm đầu lưu dân rồi lập nghiệp, xuất thân hơi thấp kém nhưng anh hùng không cần biết ở đâu[1], lần này Duyện Châu ta nhận được sự trợ lực của hắn, ta cũng nên tự mình nói cảm ơn”.


[1] Anh hùng không hỏi xuất xứ


Kiều Bình mời ông vào thư phòng, đắn đo một lúc rồi mới nói: “Đệ đang định nói chuyện này với huynh. Không dám giấu gì huynh, Lục Mâu tướng quân không phải là người ngoài. Huynh trưởng cũng biết hắn đấy”.


Kiều Việt không rõ: “Ai?”


“Là Bỉ Trệ”.


Lúc đầu Kiều Việt còn chưa phản ứng được, ông tỏ vẻ nghi ngờ: “Bỉ Trệ là ai?”


Sau khi dừng một lúc, hình như ông cũng đã nhớ ra, hai mắt trợn tròn như không thể tin nổi: “Đệ nói, là cái tên giữ ngựa Bỉ Trệ dụ nữ nhi nhà ta sao?”


Kiều Bình gật đầu: “Đúng thế”.


Kiều Việt cứng đờ.


“Bây giờ Bỉ Trệ vẫn đang đứng ngoài thành. Hắn muốn gặp huynh trưởng, chịu đòn nhận lỗi”.


Thấy Kiều Việt không nói gì, ông bèn khuyên nhủ: “Huynh trưởng cũng mới nói đó thôi, anh hùng không cần biết ở đâu. Lúc đầu Bỉ Trệ không nên tự ý dẫn chất nữ rời nhà, hai người chưa được phụ mẫu đồng ý đã kết làm phu thê, luân lý làm người, lễ pháp đều không hợp. Nhưng hắn và chất nữ lại tâm đầu ý hợp, lúc đó cũng là hành động bất đắc dĩ. Huống hồ bây giờ chất nữ đã sinh được nhi tử, huynh trưởng lại có thêm đứa cháu, hắn cũng đã vượt xa quá khứ, tự có binh quyền, từng mấy lần giúp đỡ Duyện Châu ta ở trong cơn nguy khốn. Mong huynh trưởng có thể bỏ qua hiềm khích trước kia, đón nhận hắn. Được vậy cũng là may mắn của Kiều gia ta, cũng là may mắn của Duyện Châu!”


“Hắn từng giúp Duyện Châu mấy lần?”


“Lần trước lúc Tiết Thái tấn công Duyện Châu, hai quân bày trận ở Cự Dã, lúc đấy đệ có gặp nguy hiểm, cũng là khi hắn vừa lúc xuất hiện và ra tay cứu giúp, nhờ đó mới thoát được một kiếp. Lúc ấy đệ cũng không biết ân nhân của mình là Bỉ Trệ. Mãi sau này mới biết, vì không tiện nói rõ nên mới chưa kịp kể lại với huynh trưởng. Mong huynh trưởng đừng trách”.


Kiều Việt cảm thấy buồn bực lòng rối ren.


Tin tức đột nhiên xuất hiện này khiến cho ông không biết phải làm sao.


Mỗi khi nhớ tới ngày hôm đó, ông chỉ hận không thể bắt được tên giữ ngựa thấp hèn kia để lột da lóc thịt, bây giờ hắn lại bay thẳng đến trời xanh, chuyển mình thay đổi, lấy danh nghĩa ân nhân của Duyện Châu xuất hiện trước mặt mình.


Theo lý mà nói, ông cũng biết là Kiều Bình nói đúng.


Gặp lúc sinh thời loạn lạc, có được giúp đỡ càng nhiều thì càng tốt.


Huống hồ với thực lực tên giữ ngựa đó ngày hôm nay, đúng là rất đáng để lôi kéo.


Tuy nhiên nếu chấp nhận một tên giữ ngựa làm nữ tế[2], ông lại cảm thấy rất uất ức.


[2] Nữ tế: con rể.


Thấy Kiều Bình như còn muốn khuyên nữa, ông phiền não xua tay: “Đệ cũng mệt rồi nhỉ, đi về nghỉ ngơi trước đi đã. Chuyện này để ta suy nghĩ thêm”.


Kiều Bình cũng biết tin tức này là một chấn động không nhỏ đối với huynh, vì vậy ông cũng không ép nữa, cáo lui.


Đợi đến khi Kiều Bình vừa đi, Kiều Việt gọi Trương Phổ vào ngay, kể lại chuyện mình mới biết cho hắn nghe lần nữa, ông cau mày hỏi: “Ngươi nói xem ta phải làm sao đây? Có nên nhận tên Bỉ Trệ hay không?”


Trương Phổ cũng kinh ngạc không thôi, sau vài câu than thở, hắn trầm ngâm một lúc rồi mới nói: “Có đôi lời không biết chúa công có cho ta nói không?”


“Nói đi!”


Trương Phổ mở cửa ra quan sát, thấy không có người mới đóng cửa thật chặt, quay người sang thấp giọng nói: “Theo góc nhìn của ta, chúa công không thể dẫn tên Bỉ Trệ này vào Duyện Châu mình được”.


“Tại sao?”


“Chúa công là người đứng đầu của Duyện Châu, tuy nhiên trong hai ba năm nay, người Duyện Châu lại chỉ biết đến tên của Quận Công Đông Quận Kiều Bình, tên của chúa công có ai đề cập tới? Tám chín phần mười người dân ở Duyện Châu, mỗi khi gặp chuyện họ sẽ nghĩ đến Quận công trước hết. Chúa công nhân hậu lại nặng tình nặng nghĩa, không buồn để ý đến hư danh thế tục, tuy nhiên ta lại thấy sầu lo vì chúa công. Nếu còn tiếp tục như vậy, chỉ sợ địa vị của ngài khó bảo toàn”.


Kiều Việt biến sắc nhưng không nói lời nào.


“Không phải ta đa nghi, mà chuyện này có quá nhiều manh mối. Chúa công còn nhớ không, lần trước Nữ quân về Đông Quận một chuyến, sau khi đi Quận công lại quyết định chiêu binh mãi mã mà không buồn quan tâm tới sự phản đối của chúa công. Ý là sao? Ở trước mặt chúa công, Quận công nói là để bản thân mạnh mẽ mới chống được ngoại xâm, nhưng duới cái nhìn của ta, chỉ sợ suy tính của Quận công không đơn giản như vậy! Bây giờ hiệu quả mới hiện ra, Quận công còn muốn dẫn Bỉ Trệ trở về. Ta vừa nghe chúa công nói vậy thì không khó mà đoán ra, Quận công đã lén lút qua lại với Bỉ Trệ từ lâu. Mặc dù trên danh nghĩa hắn là nữ tế của chúa công, nhưng thực ra lại là người của Quận công. Duyện Châu có một Quận công giờ còn thêm Bỉ Trệ, sau này địa vị của chúa công sẽ sao đây? Chúa công cần cân nhắc!”


Mấy câu Trương Phổ nói đã chạm trúng vào tâm bệnh khó nói ra trong lòng Kiều Việt mấy năm qua.


Ông nghe xong mà toát mồ hôi lạnh: “May mà có hỏi ngươi một tiếng! Bằng không suýt chút nữa ta đã dẫn sói vào nhà! Ngươi nói rất có lý. Tên Bỉ Trệ này chỉ là đồ giữ ngựa, Kiều gia ta sao có thể có nữ tế thế này! Còn nữ nhi của ta dám bỏ cha bỏ tổ, ta đã không xem nó là nữ nhi mình nữa, không có nữ nhi thì còn đâu nữ tế! Chỉ có điều….”


Ông ngừng lại.


“Sao chúa công lại mặt mày ủ dột?” Trương Phổ ở bên đoán ý.


“Ta cứ tưởng chất nữ được gả cho Ngụy Thiệu thì sau này Duyện Châu ta đã có chỗ dựa vào. Không ngờ bây giờ Ngụy Thiệu muốn lo cho hắn còn không xong, nói gì tới chuyện bảo vệ Duyện Châu ta? Kiều gia ta và Hạnh Tốn vốn không phạm vào nhau. Lúc Hạnh Tốn xưng đế, khắp cửu châu thiên hạ không phải chỉ có mỗi Duyện Châu không hưởng ứng lại hắn. Lúc đó nhị đệ không chịu nghe ta nói, cứ bày đặt vạch rõ quan hệ với Hạnh Tốn. Cho dù bây giờ may mắn thoát khỏi hai lần đánh, nhưng chưa biết chừng sau này Hạnh Tốn lại khó dễ chúng ta. Nếu bây giờ ta không nhận Bỉ Trệ, nếu ngày sau Hạnh Tốn lại dẫn binh xâm lấn, Duyện Châu ta nên chống lại thế nào?”


Ông thở dài một hơi: “Lần trước thông gia với Ngụy gia để có nơi dựa dẫm, không ngờ bây giờ lại bị liên lụy, rước họa vào thân, khiến mình lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, khó xử như thế này!”


Trương Phổ đáp: “Chúa công lo lắng rất đúng, sau khi Hạnh Tốn xưng đế, hắn đã dẫn binh hùng tướng mạnh đi chinh phạt Ngụy Thiệu. Ngụy Thiệu đang ở trong thế yếu. Huống hồ bây giờ Nhạc Chính Công lại sẵn lòng góp sức, Hạnh Tốn như hổ chắp thêm cánh. Dù hai bên đang giằng co ở hai tuyến Hoàng Hà, chưa giao đấu với nhau, nhưng nếu ai có mắt đều nhìn thấy, kết cục thất bại của Ngụy Thiệu đã hiện rõ rành rành. Chẳng qua tên chưa ra khỏi nỏ, cố gắng giãy giụa đó mà thôi”.


Kiều Việt càng lo lắng, đến ngồi cũng không yên. Ông đứng dậy đi lui đi tới ở trong phòng, thở dài than ngắn.


Trương Phổ đứng bên nhìn rồi chợt nói: “Chúa công không cần phải lo lắng như vậy. Hiện tại có một cơ hội có thể giúp chúa công xoay chuyển tình thế”.


Kiều Việt dừng lại, quay đầu hỏi: “Cơ hội nào?”


Trương Phổ bước nhanh ra trước án, cầm bút viết vài chữ.


Kiều Việt đi qua nhìn.


“Lưu Diễm?”


Ông giật mình không thôi.


“Đúng thế”. Trương Phổ gật đầu, “Đây là thế tử Lang Gia trước kia từng chịu ơn Kiều gia, bây giờ hắn lại được thiên hạ ủng hộ để leo lên đế vị, có lẽ chúa công từng nghe nói”.


Kiều Việt cau mày: “Đương nhiên là ta biết. Nhưng thế này là sao? Chuyện có liên quan gì tới ta?”


Trương Phổ ghé tai lại nói: “Không dám giấu giếm ngài. Năm đó Lưu Diễm ở Đông Quận cũng tính là quen biết với ta. Mấy ngày trước hắn có cho người đưa tới một phong thư, dặn ta đưa lại cho chúa công”.


Dứt lời, trước ánh mắt kinh ngạc của Kiều Việt, hắn lấy một bức thư lụa vàng trong tay áo ra, cung kính dâng hai tay đưa tới.


Kiều Việt vội vàng nhận lấy mở ra đọc thật nhanh.


Nhất thời, lòng ông chấn động, đến nỗi ngón tay cầm thư cũng trở nên run rẩy.


Trương Phổ đứng bên thẳng thắn nói: “Hạnh Tốn mang cái danh ác độc, dù có xưng đế cũng danh không chính ngôn không thuận, sớm muộn thiên hạ cũng vùng dậy tấn công. Lưu Diễm lại chiếm hết thiên thời địa lợi nhân hòa. Văn có Vương Bá, Đổng Thành, Đậu Vũ, Đặng Huân, đều là các trọng thần lão làng có tên tuổi lớn. Võ có các thái thú từ khắp nơi quy phục, ngay cả Viên Giả cũng ủng hộ hắn xưng đế, binh cường ngựa thịnh. Trận chiến ở Hoàng Hà lần này cũng là để phân định tình hình thiên hạ. Cửu châu sau này có thể chia làm hai. Hạnh Tốn, Nhạc Chính Công chiếm đóng nghịch đô, Lưu Diễm với thân phận Hán đế chính thống có được lòng thiên hạ. Bây giờ vì Ngụy Thiệu mà chúa công đắc tội với Hạnh Tốn, không còn đường lui nữa, nhưng Lưu Diễm lại cảm động, nhớ tới ơn cứu giúp, còn tự tay viết ngự sách để trống quan cao hậu tước cho chúa công. Đây là cơ hội mà ta vừa nói tới, chúa công nói xem có sai không?”


Ánh mắt Kiều Việt lóe ra thứ ánh sáng khác thường, hai tay chắp sau lưng, kích động đi mấy vòng quanh phòng, hắn chợt nghĩ ra rồi đột nhiên ngừng lại, chần chừ nói: “Chỉ là, chỗ nhị đệ của ta…”


“Chúa công đã quên ta vừa nói gì sao? Ngụy Thiệu là nữ tế của Quận công, Quận công lại chèn ép chúa công như vậy, chỉ sợ đã có lòng dạ khác, sao chúa công còn hi vọng Quận công có thể đồng tâm tận lực với mình đây?”


Sắc mặt Kiều Việt hơi khó coi. Ông bàng hoàng một lúc mới nói: “Ngươi cũng biết đó, nếu hắn không gật đầu, gia tướng bộ khúc[3] cũng không chịu nghe ta”.


[3] Bộ khúc: ban lãnh đạo, chỉ huy


Trương Phổ nói tiếp: “Ta có một kế này. Chúa công cứ đuổi Bỉ Trệ trước, chuyện này là tùy ở chúa công. Cho dù Quận công không muốn cũng không thể phản bác. Sau khi đuổi Bỉ Trệ rồi, chúa công hãy chọn một số người thân tín, nhân lúc Quận công không phòng bị phải quản thúc ông ta, nói với bên ngoài là Quận công bệnh nặng không thể bàn chính sự, đoạt hết binh quyền ở trong tay Quận công. Khi đó Duyện Châu sẽ quay về trong tay của chúa công. Đến lúc đó làm mưa gọi gió, tất cả đều là do chúa công quyết định!”


Kiều Việt do dự không quyết.


“Chúa công! Nhân từ sẽ không nắm được binh, không ác không phải là nam tử. Chẳng lẽ chúa công còn chưa rút kinh nghiệm từ những lần lòng dạ yếu mềm đến mức khó giữ được địa vị kia sao? Trận chiến này chắn chắn Ngụy Thiệu sẽ thất bại. Một khi Hạnh Tốn giết được Ngụy Thiệu, hắn sẽ chuyển tới Duyện Châu. Nếu chúa công vẫn còn do dự thì sẽ bỏ qua cơ hội nương nhờ Lưu Diễm, trăm năm cơ nghiệp ở Duyện Châu có thể hủy hoại trong một ngày. Huống hồ chúa công đâu có lấy đi tính mạng của Quận công, chẳng qua là quản thúc thôi mà. sao chúa công không quyết?”


Kiều Việt rùng mình ớn lạnh, ông cắn răng hạ quyết tâm, gật đầu nói: “Ta nghe theo ý ngươi”.


Trương Phổ mừng rỡ, quỳ lạy: “Chúa công anh minh! Lưu Diễm là anh tài mưu lược, thiên hạ một lòng phục hưng lại triều Hán. Chúa công sẽ có công ủng hộ, vinh hoa phú quý dễ như trở bàn tay!”



Mồng một tháng ba, trăng lưỡi liềm như câu.


Giữa bình nguyên hoang vu Mục Dã mênh mông vô bờ bến, xuân hàn vẫn se lạnh như trước, mùa đông lạnh mang theo màn tuyết bao trùm cả một vùng dằng dặc, mãi chẳng chịu tan.


Nhưng lúc đó ở khe đá và mỏm núi, rêu xanh đã lặng lẽ mướt màu.


Giữa trời đêm gió rít từng cơn nơi hoang dã, ngân nga nhưng không lạnh thấu xương, nếu nhắm hai mắt lại còn có thể ngửi được mùi gió xuân đong đưa và thoải mái.


Tuy rằng mùa xuân này đến với Mục Dã khá muộn màng, nhưng rốt cuộc nó cũng tới nơi đây.


Sau khi Nhạc Chính Công lui binh mấy ngày, Ngụy Thiệu đối mặt với Hạnh Tốn mấy tháng đã không kiềm chế nổi. Giữa trời đêm mù mịt tờ mờ sáng, hắn chia quân thành ba hướng, dọc theo dòng sông Hoàng Hà, với khí thế mạnh mẽ xông thẳng tới trại địch đối diện, tiến công toàn diện.


Toàn quân Ngụy Thiệu đều đã được trang bị áo giáp và thương, giáo, trận địa sẵn sàng ngăn đón địch.


Tiếng sừng trâu trầm thấp lại chấn động lòng người.


Nhất định sắp tới đây sẽ là một cuộc đại chiến đều máu chảy thành sông, chuẩn bị mở màn.


Đại chiến ngắt quãng, kéo dài khoảng ba ngày.


Hơn một năm trước, cũng ở vùng đất có tên là Mục Dã này đây, từng xảy ra một cuộc chiến tranh đến đất trời đổi sắc, trời trăng ảm đạm.


Sau khi cuộc chiến đó qua đi, có người nhận lấy cái danh là thánh quân một đời, xây dựng nên giang sơn thịnh thế tám trăm năm, người thắng được mỹ danh huy hoàng là thế.


Có người lại không được vẻ vang như vậy, sách sử cũng chẳng lời cảm ơn.


Cứ mỗi trận chiến qua đi là vạn người đổ xuống, huống hồ là là vì giang sơn xã tắc, vạn dặm non sông?


Dưới mặt đất chôn cất chiến hồn hơn một ngàn năm trước, dường như họ đã thức tỉnh vì máu tươi đao kích, những âm thanh r.ên rỉ, kêu khóc, tất cả chui lên từ lòng đất tối tăm.


Long chiến vu dã, kỳ huyết huyền hoàng[4]


Gió mây thét giận, thần quỷ khóc than.


[4] Trích trong quẻ Khôn thứ sáu: ý là âm dương giao chiến, máu chảy thành sông.


Quân sĩ phấn khởi tiến công, đi đầu uống máu.


Cơ thể đã không còn là cơ thể nữa.


Chỉ còn duy nhất một suy nghĩ trong đầu, đó là đôi mắt đỏ bao phủ bởi máu tươi, nắm lấy đao thương kiếm kích, giữ chặt chiến xa ầm ầm như nước chảy, đi theo sau lá cờ.


Giết, giết, giết.



Nhạc Chính Công thống lĩnh đại quân, lấy thuyền kiều vượt qua sông Hoàng Hà tan băng, sau đó ngày đêm cấp tốc, hận không thể mọc thêm hai cánh để chạy về Lương Châu.


Sau mấy ngày hành quân rốt cuộc cũng đi đến Hoa Sơn, hắn ta bỗng thấy có điều gì không đúng.


Cả đường đi qua không thấy dấu vết mà một đại quân thường để lại.


Hỏi mấy người đi đường ở thôn trang thị trấn, họ cũng mờ mịt không biết đại quân đã từng đi qua đây.


Nhạc Chính Quân chần chừ, đúng lúc đó thám tử được cử đi trước thám thính tình hình cưỡi khoái mã quay về, báo tin trưởng tử của hắn Nhạc Chính Khải lại đưa bức thư khác.


Đại công tử nói, sau khi kiểm tra tin tình báo lần trước, hóa ra chỉ là sợ bóng sợ gió mà thôi. Dương Tín, Quách Thuyên chỉ dẫn năm ngàn binh mã, đến cử ải phô trương thanh thế, giả vờ tiến công. Mấy ngày trước nhi tử đã dẫn quân đánh bại, không cần lo lắng nữa. Xin phụ thân không cần lui binh, cứ chuyên tâm thảo phạt Ngụy Thiệu.


Nhạc Chính Công sợ đến ngây người.


Hắn xoay người sai quân gọi Vinh Diên tới đây.


Nhưng lại nghe tin báo không biết Vinh Diên đi đâu rồi.


Rốt cuộc Nhạc Chính Công cũng hiểu, hắn bị mắc mưu rồi. Vội vàng ra lệnh quay đầu lại, hỏa tốc lui binh về Mục Dã.


Nhưng mà tất cả đều đã quá muộn rồi.


Sau ba ngày, khi hắn mới đi đến nửa đường Hoàng Hà thì nhận được tin báo làm tan nát tâm can, đau không nói nổi.


Mồng một tháng ba, Ngụy Thiệu đánh tan Hạnh Tốn ở Mục Dã.


Cuối năm ngoái, lúc Hạnh Tốn bắt đầu vượt sông Hoàng Hà để Bắc phạt, thống lĩnh một đội quân năm trăm ngàn nhân mã cuồn cuộn mênh mông.


Sau một trận Mục Dã lại biến thành tro bụi.


Khi hắn trốn về đến Lạc Dương, tàn binh còn không đủ mười vạn.


Những người ngựa còn lại, có kẻ bị thương, có người tán loạn, có nhóm đầu hàng.


Ngụy Thiệu thắng.


Không chỉ thắng được hoàng đế Đại Khương, hắn còn thắng cả Nhạc Chính Công.


Nhạc Chính Công ngồi trên lưng ngựa, mở to mắt nhìn thẳng về phía Mục Dã ở phía Bắc Hoàng Hà, mãi không nói một lời.


Cả người như biến thành tượng đá.


Nhi tử của hắn Nhạc Chính Tuấn dẫn một nhóm quan lại quỳ gối trước ngựa hắn, thấp thỏm bất an.


Cả đời này Nhạc Chính Tuấn chưa từng thấy phụ thân của mình có vẻ mặt lạ lùng như vậy.


Vừa như đau thương, vừa như căm phẫn, vừa khóc, lại giống như đang cười.


Từ trước tới nay, cho dù có bị thua những trận lớn hơn thế, chắc chắn hắn cũng không thế này, khiến cho người ta càng bỡ ngỡ.


“Phụ thân”.


Hắn gọi thử.


Rốt cuộc Nhạc Chính Công cũng định thần.


Hắn thu hồi tầm mắt nhìn phía Bắc.


“Về Hán Trung”.


Bình tĩnh ra lệnh rồi quay đầu ngựa lại, từ từ phóng ngựa về phía trước.


Đi được mười mấy bước, đột nhiên Nhạc Chính Công phun một ngụm máu tươi, ngã khỏi lưng ngựa ngất xỉu tại chỗ.



Ngư Dương, cuối xuân, gió mát ấm áp và dễ chịu, cỏ mọc én bay.


Vạn vật đều bừng bừng sức sống.


Sáng sớm, khi ánh bình minh đầu tiên rọi vào ô cửa sổ của phòng sinh, một tiếng trẻ con khóc oa oa vang vọng bên trong phòng, Tiểu Kiều sinh thuận lợi.



Tháng mười một năm ngoái, Ngụy Thiệu dẫn quân tới Hoàng Hà, không lâu sau Tiểu Kiều cũng đã an thai, ổn thỏa quay trở về Ngư Dương.


Chờ đến khi gần sinh, nàng mới biết được tin tức về tình hình tác chiến của Ngụy Thiệu dọc theo sông Hoàng Hà.


Chưa bao giờ Từ phu nhân giấu giếm nàng chút gì về tình hình chiến sự, cho dù nàng mang thai đi nữa. Bất kể tin tốt hay tin xấu.


Nam nhân của nàng không bằng lòng làm một người tầm thường, thế thì là thê tử của hắn, nàng phải chuẩn bị tâm lí dù là tin tốt hay tin xấu.


Mặc dù Từ phu nhân không nói vậy với nàng, nhưng Tiểu Kiều vẫn hiểu rõ điều đó.


Lão phụ nhân đã trải qua nửa cuộc đời mới có được sự sáng suốt thế này.


Đối với chuyện lần này Tiểu Kiều cũng vô cùng cảm kích.


Bởi vì nàng cũng muốn biết tin.


Lần đầu tiên trong đời, nàng và đứa bé trong bụng cùng ngóng trông Ngụy Thiệu, chờ hắn trải qua một trận chiến dài đằng đẵng, không phải bình thường.


Lúc bắt đầu còn có phần bất lợi, thế trận lại từng bước chuyển dời, mãi đến cuối cùng, rốt cuộc cũng hướng tới Lạc Dương.


Sau khi đánh xong Lạc Dương, Ngụy Thiệu có thể quay về rồi.


Chờ hắn trở về, nghênh đón hắn là nữ nhi vừa chào đời của họ.



Từ phu nhân cẩn thận đón lấy cơ thể nhỏ bé được bọc lại trong tã lót từ tay bà đỡ, bà nhìn khuôn mặt bé xíu vẫn nhắm chặt mắt một lúc lâu.


Tuy rằng vừa mới rời xa cơ thể mẹ, nhưng cô bé đã đó hàng lông mi thật dài, tóc máu đen nhánh, làn da non nớt mịn màng như mỹ ngọc, lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời.


“Đáng yêu quá, đúng là một bé con xinh xắn”.


Từ phu nhân ôm cháu, giọng nói vui vẻ xuất phát từ sự hoan hỉ và vui thích trong lòng.


“Trên Hoắc Sơn thượng cổ có một linh thú tên là Phì Phì, nó giúp người ta xua đi phiền muộn. Đặt cho cô bé nhũ danh là Phì Phì nhé”.


Từ phu nhân cười nói với Tiểu Kiều.