Khom Lưng

Chương 22: Không có tiêu đề




Buổi sáng hôm sau, trời còn chưa hửng sáng, Ngụy Thiệu đã thức dậy định đi. Hắn muốn đi tới thành Vô Chung tự mình đón tổ mẩu Từ phu nhân quay trở về Ngư Dương. Thời gian vừa đi vừa về ước chừng cũng khoảng ba bốn ngày.


Ngụy Thiệu tự dậy đương nhiên cũng là vì không muốn để Tiểu Kiều hầu hạ hắn làm gì.


Nhưng mà Tiểu Kiều cũng đứng lên cùng hắn. Không còn giống như lúc ở thành Tín Đô, một mình nàng chẳng khác nào thiên tử, có thể ngủ một giấc đến muộn mới rời giường.


Chăm nom phụng dưỡng có thể làm giản lược, nhưng chỉ giảm đối với thân nam nhi bận rộn đủ thứ chuyện mà thôi, còn phận làm con dâu thì không có cớ gì mà né tránh. Dù nàng biết rõ mẫu thân của Ngụy Thiệu ghét cay ghét đắng mình đi nữa, nàng cũng không thể hời hợt cho xong chuyện.


Sau khi trang điểm xong xuôi, Tiểu Kiều chuẩn bị tới Đông phòng, khi ra tới cửa phòng, nàng bất giác nhìn sang vị trí chiếc hộp mà Ngụy Thiệu cầm hỏi nàng tối qua, đã không còn ở đó.


Tiểu Kiều đi tới nhà chính ở Đông phòng vừa đúng lúc giờ mão, chờ giữa hành lang cho tới khi Chu phu nhân gọi vào, thực ra toàn bộ hạ nhân ở Ngụy gia đã nghe kể về chuyện tối hôm qua.


Có người nói, phu nhân sai người hầu đứng nghe lén trước cửa phòng của nam quân với nữ quân, kết quả bị nam quân phát hiện, sau đó nam quân nổi trận lôi đình ngay tại chỗ, đến mức còn rút kiếm ra chém đứt cả khung cửa.


Nhân duyên thường ngày của Chu phu nhân vốn đã chả ra sao. Cho nên bây giờ gây ra một chuyện lớn đến vậy, đương nhiên nhóm người hầu sẽ bàn tán xôn xao ở sau lưng.


Tiểu Kiều và mấy vú già phục vụ trước cửa Đông phòng mắt to mắt nhỏ đứng nhìn nhau một lúc, ngay lúc này quản sự họ Khương luôn hầu hạ bên cạnh Chu phu nhân nghiêm mặt đi ra, nói nàng có thể tiến vào.


Tiều Kiều đi vào chính phòng thì thấy vẫn như ngày hôm qua, Chu phu nhân vẫn ngồi ngay ngắn trên giường nhỏ. Chẳng qua bên cạnh bà không còn nhìn thấy vị Trịnh Sở Ngọc kia nữa.


Sắc mặt của Chu phu nhân rất khó nhìn, Tiểu Kiều vừa vào phòng đã hành lễ vấn an, Chu phu nhân chỉ hơi nghiêng đầu qua một bên, không nói thêm lời nào.


Khương bà bà lạnh lùng nói: "Thân là phụ nhân ở Ngụy gia, có một số quy củ người nào cũng phải biết. Hôm qua phu nhân chưa kịp dạy dỗ Nữ quân, bây giờ tỳ thay mặt phu nhân nói lại mấy điều sau. Nữ quân nghe cho kỹ."


Tiểu Kiều cung kính đáp: "Kính xin mẫu thân dạy dỗ chỉ bảo, Tiểu Kiều không dám không tuân theo."


"Thân là phụ nhân ở Ngụy gia, phụ lễ phải nằm lòng, nữ tắc phải tuân theo nghiêm ngặt, hiếu phụng ba mẹ chồng, hòa thuận trong gia tộc, đức dung ngôn hạnh, kính cẩn nghe lời, không được làm trái lại, không lo việc riêng, không bàn ngoại sự. Nữ quân có thể nhớ rõ những điều trên?"


Tiểu Kiều lập lại một lần, trả lời vô cùng chính xác.


"Tốt lắm. Hôm nay phu nhân dậy sớm còn chưa dùng bữa sáng, Nữ quân có thể tự mình xuống bếp, làm cho phu nhân một chén canh không?"


Tiểu Kiều hơi ngước mắt, nhìn về phía Chu phu nhân.


Chu phu nhân khép hờ nửa mắt.


Làm gì có chuyện chưa ăn bữa sáng muốn mình làm cho bà ấy ăn. Rõ ràng người ta cố ý kiếm việc cho nàng làm thì có, sau đó sẽ có dịp giày vò. Tiểu Kiều không dám nói không làm, nhưng giả sử nàng xuống bếp nấu thật, chờ lát nữa nấu xong dọn đồ lên, chắc chắn Chu phu nhân sẽ dùng mọi cách bắt bẻ nàng, để cho nàng làm lại, làm đi làm lại thì còn nhẹ, chưa kể nhỡ bà ấy ăn phải cái gì gây đau bụng rồi thượng thổ hạ tả, hay thậm chí là trúng độc liệt giường không thể nào dậy nổi, thế thì cũng xui xẻo nàng rồi.


Khương bà bà thấy Tiểu Kiều bất động, trên mặt lộ ra ý cười gằn: "Sao vậy, Nữ quân không muốn làm?"


Tiểu Kiều đã có sẵn cớ để từ chối. Bây giờ cứ dùng lí do đó để từ chối là được, nàng nói: "Tiểu Kiều không dám. Vì mẫu thân xuống bếp nấu canh vốn là bổn phận của con, sao con có thể từ chối được cơ chứ? Chẳng qua có phần hơi bất tiện. Do sắp tới đại thọ sáu mươi tuổi của tổ mẫu. Sau khi con biết được tin này, ngày hôm đó con khấn cầu trước Phật, nguyện chép tay một quyển kinh Vô lượng thọ mong tổ mẫu được sống lâu trăm tuổi. Kinh văn phồn hạo [1], đại thọ tổ mẫu lại càng lúc càng gần, mặc dù ngày ngày con đều chịu khó chép kinh, nhưng tiến triển cũng không được là bao, con đang cố đẩy nhanh tốc độ, không dám lười biếng một khắc nào. Nếu ngày đại thọ của tổ mẫu thọ tới mà còn chưa viết xong, vậy thì tâm nguyện con cầu trước Phật Tổ cũng không thành hiện thực, chỉ sợ trái ước nguyện bao đầu, không còn viên mãn."


[1] phồn hạo: phong phú, phức tạp


"Ngoài ra còn một lí do khác." Tiểu Kiều dừng lại một chút, rồi tiếp tục nói: "Thật lòng con chỉ muốn thành tâm, cho nên lúc ấy con còn hứa, nếu kinh thư chưa xong, trong thời gian sao chép con cũng sẽ ăn chay, trên người không đụng vào đồ mặn. Mà trong nhà bếp trước giờ chỉ nấu toàn mặn, bây giờ con vào đó, chỉ sợ không sạch sẽ. Tiểu Kiều khẩn cầu mẫu thân có thể lượng thứ cho Tiểu Kiều lần này. Chờ sau khi Tiểu Kiều gấp rút chép xong kinh thư, con lại tới bên cạnh mẫu thân để được hầu hạ ngài."


Tiểu Kiều nói xong thì lập tức cúi đầu.


Nàng chắc chắn, nếu mình đã mang pho tượng Phật sống là Từ phu nhân ra, Chu phu nhân sẽ không thể ép buộc nàng được nữa.


Bây giờ đạo Phật hưng thịnh ở Lạc Dương. Theo như tin tức Xuân Nương hỏi thăm được, Từ lão phu nhân cũng là một người bái Phật. Nàng vì lão phu nhân sao chép kinh Vô lượng thọ mỗi ngày, cầu phúc cho lão phu nhân, còn có chuyện gì quan trọng hơn so với chuyện này nữa?


Quả nhiên, sắc mặt Chu phu nhân càng trở nên khó coi.


Trong phòng im lặng không một tiếng. Một lát sau, cuối cùng Tiểu Kiều cũng nghe Khương bà bà miễn cưỡng trả lời: "Nếu đã như thế, mời Nữ quân cứ lui xuống trước đi."


Tiểu Kiều dập đầu với Chu phu nhân lần nữa rồi đứng dậy xin phép cáo lui. Trở lại phòng của mình, chuyện đầu tiên nàng làm là đổi lại một bộ xiêm y rộng rãi hơn cho thoải mái, nằm sấp trên giường, nhớ lại sắc mặt của mẫu thân Ngụy Thiệu mới vừa rồi, cảm thấy hơi buồn cười, sau đó lại có phần phiền muộn.


Chuyện khiến nàng u sầu ngược lại không phải chuyện kinh thư.


Đời trước, kinh thư cũng có thể xem là sở trường của nàng, cha mẹ là giáo sư đại học, mưa dầm thấm đất, về sau chính nàng cũng bắt đầu học thư pháp, kiên trì mười mấy năm mới có thể bắt chước theo nét chữ nhỏ của Triệu Mạnh Phủ. Bởi vì từ khi sinh ra cơ thể nàng đã yếu ớt nhiều bệnh, cho tới năm hai mươi, rốt cuộc không chữa trị được nữa, không biết vì sao tỉnh lại đã thấy bản thân trở thành Tiểu Kiều bây giờ rồi. Ngày trước ở Đông Quận, bình thường nàng vẫn sao chép kinh thư để giết thời gian, cứ thế cứ thế, nàng lấy một tấm lụa trắng thượng hạng sao chép từng quyển kinh, bây giờ nhớ lại quả nhiên hồi đó nàng đã sao chép được rất nhiều kinh thư Vô lượng thọ chưa có dịp dùng tới. Thư tịch đương thời rất quý giá, lúc nàng xuất giá, hôm thu dọn đồ đạc cũng thuận tay mang theo một ít đi cùng mình. Bây giờ đúng lúc có thể lấy ra làm quà chúc thọ lão phu nhân, qua hai ngày nữa nàng cầm đi sửa sang lại chút là được.


Chuyện khiến nàng buồn rầu thực ra là việc sáng nay Chu phu nhân bắt đầu gây khó khăn với mình, mặc dù nàng đã lấy cớ mừng đại thọ lão phu nhân ngăn lại, nhưng lí do này chỉ có thể sử dụng trong vài ngày mà thôi. Chờ đại thọ của Từ phu nhân qua đi, đến lúc đó có khi mẫu thân Ngụy Thiệu lại muốn tìm mình gây khó dễ, khi đó phải ứng đối làm sao?


Nghĩ đến sau này, những ngày kế tiếp phải sống chung dưới một mái nhà như thế cùng mẫu thân Ngụy Thiệu, nhất thời Tiểu Kiều lại thấy cuộc sống không thú vị chút nào, trước mắt chỉ toàn là đen tối.


.....


Mấy ngày sau, Tiểu Kiều đi ra ngoài một chuyến, tới một cửa hàng dán giấy đỏ trong thành.


Thật ra thì với địa vị của Ngụy gia, nàng hoàn toàn có thể kêu người từ cửa hàng tới phủ, nhưng đây là quà tặng mừng thọ tặng cho Từ phu nhân, dù làm xong cũng xác định Từ phu nhân có thể sẽ không thích, nhưng Tiểu Kiều vẫn mong có thể cố gắng làm món quà trở nên hoàn mỹ hơn, vì vậy nàng muốn đích thân tới cửa hàng để chọn, dù là hoa văn hay phối màu cũng có nhiều lựa chọn, cho nên hôm nay ngay sau giờ ngọ, nàng đã phái người đi qua khu nhà phía Đông bên kia nói một tiếng, rồi dặn dò chuẩn bị xe ngựa, một mình ra khỏi phủ.


Đây là lần đầu tiên Tiểu Kiều tự ra ngoài.


Thành Ngư Dương khá lớn, qua mấy thập niên ba đời Ngụy gia luôn bảo vệ ở đây, trong thành ước chừng có hơn mười ngàn hộ khẩu, dân số tới mấy chục vạn người. Hai bên đường phố nhà cửa san sát nhau, xe ngựa dòng người trên phố nối liền nườm nượp, hàng hóa từ nam vào bắc không gì là không có.


Trong thành có một cửa hàng dán giấy đỏ có tay nghề rất tốt, nhưng muốn đi tới cửa hàng này thì phải băng qua một con phố thành đông. Bởi vì lòng đường chật hẹp, người đi đường lại đông, vì vậy Tiểu Kiều cho xe ngựa dừng cách cửa hàng mấy chục bước ở đầu phố, còn mình cùng Xuân Nương và một số thị nữ khác xuống xe ngựa đi bộ vào cửa hàng.


Dung mạo của nàng quả thực rất bắt mắt, chỉ đi có mấy chục bước trên đường cũng hấp dẫn bao ánh mắt nhìn sang, những người đi qua đều tới tấp quay đầu lại nhìn nàng, có người đã đi qua rồi còn muốn vòng trở lại nhìn nàng thêm lần nữa.


Tiểu Kiều vừa đi vào cửa hàng, mặc dù chưởng quỹ không rõ thân phận nàng ra sao, nhưng vốn làm ăn buôn bán đã lâu cho nên ông cũng biết nhìn người, thấy tuổi nàng không lớn chỉ tầm mười bốn, mười lăm tuổi, nhưng nàng lại ăn mặc theo lối của phụ nhân, nghiêm túc mà mỹ lệ, khuôn mặt đó khiến người ta không dám nhìn trực diện, theo như suy đoán của ông, có lẽ nàng ấy là thê tử của nhà giàu trong thành, cho nên thái độ của chưởng quỹ với nàng cũng mười phần cung kính. Chờ Tiểu Kiều lấy một cuộn lụa trắng đã chép kinh thư ra, chưởng quỹ vừa nhìn nét chữ, ánh mắt đã sáng lên, khen không dứt lời: "Cả đời tiểu nhân đã dán vô số xấp lụa rồi, đây là lần đầu tiên nhìn thấy nét chữ ưu nhã tuyệt đẹp đến bậc này, không biết phu nhân có thể nói cho tiểu nhân là người nào viết không?"


Người thời này chưa từng gặp Triệu Thể, hơn nữa Tiểu Kiều cũng chỉ bắt chước tập mà thôi. Nàng đáp lại qua loa, rồi nói rõ ý mình. Chưởng quỹ vừa nghe là muốn dùng để chúc thọ lão phu nhân của Ngụy gia, ngay lập tức ông không dám thất lễ, vội vàng bày ra rất nhiều hoa văn và màu sắc.


Tiểu Kiều từ từ chọn lựa, cuối cùng chọn được một kiểu hoa văn lụa đỏ điểm vàng, không ngờ chưởng quỹ lại lắc đầu tiếc nuối: "Không may rồi, tấm lụa đỏ điểm vàng này đã có khách chọn trước, chỉ còn một tấm duy nhất mà thôi, nếu phu nhân cần dùng gấp, có thể chọn mẫu khác được không?"


"Nếu nàng muốn mẫu đó, ta có thể nhường lại cho nàng! Ta đổi sang mẫu khác cũng được thôi."


Ngoài cửa bỗng vang lên một âm thanh vang dội.


Tiểu Kiều ngẩng đầu, thấy một nam nhân khoảng hai mươi bảy hai mươi tám tuổi đang xoay mình nhảy từ lưng ngựa xuống, vất dây cương lại cho tùy tùng rồi sải bước đi vào trong tiệm.


Nam nhân này hết sức cường tráng, tướng mạo cũng đầy chất anh hùng. Tuy hắn mặc bộ thường phục trên người, nhưng thái độ lại vô cùng phóng túng, không coi ai ra gì, nhìn cũng biết đây là người có thân có phận. Cho đến khi tới gần, vừa nhìn thấy Tiểu Kiều hai mắt hắn đã lấp lánh nhìn nàng, lóe lên tia kinh ngạc.


Vốn Tiểu Kiều bị nam nhân để mắt mãi thành quen. Nhưng nam nhân này mới vừa gặp mặt đã nhìn nàng bằng ánh mắt như có phần thúc ép, đã thế còn khá là quái đản.


Trực giác của nàng thấy không vui, cho nên quay người sang chỗ khác.


Chưởng quỹ vừa thấy đã nhận ra người này ngay lập tức, trên mặt nở nụ cười nịnh nọt, ông vội vàng khom người nghênh đón rồi nói: "Ngụy Sứ Quân, bức thọ mà ngài đặt ngày mai sẽ chuẩn bị xong rồi, đến lúc đó tiểu nhân sẽ đích thân đưa tới phủ của ngài, sao dám làm phiền Sứ Quân đích thân tới lấy?"


Nam tử họ Ngụy nói: "Hôm nay ta mới từ Đại Quận trở về, đi ngang qua đây nhớ ra nên mới thuận đường tạt vào tiệm, hỏi một tiếng thôi mà."Miệng hắn thì nói chuyện, nhưng ánh mắt lại chưa từng dời mắt khỏi bóng lưng Tiểu Kiều.


Chưởng quỹ cười nói: "Bức thọ ngài dùng để chúc thọ lão phu nhân, tiểu nhân sao dám chậm được chứ? Sứ Quân cứ yên tâm!"


Nam tử họ Ngụy khẽ cười cười, không lên tiếng, tỏ ý cho chưởng quỹ bắt chuyện với Tiểu Kiều.


Chưởng quỹ hơi sững sờ như lập tức hiểu ngay, ông quay sang chỗ Tiểu Kiều cười nói: "Bức vẽ phu nhân vừa chọn được chính là do vị Ngụy Sứ Quân này chọn trước. Nhưng mà bây giờ Sử Quân đã nói rồi, nếu phu nhân thích thì Sứ Quân có thể nhường lại cho."


Nam tử này cũng mang họ Ngụy, lại nhắc tới cái gì mà dùng để chúc thọ cho lão phu nhân.


Tiểu Kiều vô thức quay đầu lại, nhìn hắn một cái, vừa quay đầu đã chạm ngay ánh mắt của hắn vẫn nhìn mình như cũ. Nàng không nhịn được nhíu mày.


"Không cần phiền phức vậy đâu, ta sẽ chọn một mẫu khác."


Nàng thờ ơ nói. Chọn một tấm hoa văn khác, xác định ngày để lấy rồi để tiền đặt cọc, nàng không nhìn nam tử kia thêm một lần nào nữa, xoay người đi thẳng.


Nam tử nọ đưa mắt nhìn theo bóng lưng của Tiểu Kiều, rồi lại nhìn về phía chiếc xe ngựa đang dừng bên đầu phố mà nàng vừa leo lên, hơi xuất thần một lúc, chưởng quỹ đi theo sau tới bên cạnh nói rằng: "Nhắc tới cũng đúng dịp, phu nhân này cũng muốn dán giấy đỏ lên lụa trắng để làm quà tặng cho lễ đại thọ của lão phu nhân trong phủ. Chỉ có điều không nghe nàng nói mình từ nhà nào tới".


Trên mặt nam tử nọ lộ rõ vẻ kinh ngạc, chần chờ một lúc, hắn tiện tay cầm dây cương từ trong tay tùy tùng,phóng lên lưng ngựa rời đi.


Tiểu Kiều trở về Ngụy gia, nàng cũng nhanh quên đi đoạn nhạc đệm vừa rồi. Đến chạng vạng tối, có người đến truyền lời, Ngụy Thiệu đã đón lão phu nhân về phủ.