Khom Lưng

Chương 68




Trong đại hội Lộc Ly ngày hôm qua, nếu bàn về người khỏe mạnh nhất thì thuộc về Kiều Từ. Không chỉ dũng cảm đoạt được Lộc khôi, phong phạm của cậu rất thuyết phục lòng người, hình ảnh chàng thiếu niên tuấn tú lanh lợi trong tà áo trắng cưỡi ngựa bắn cung giữa đấu trường đã truyền khắp Ngư Dương chỉ trong vòng một đêm. Lúc đoàn người đi ngang qua phố lớn rời thành, nghe phong thanh hôm nay đệ đệ của Nữ quân đã giành được Lộc khôi ngày hôm qua rời đi, vô số nữ tử ranh nhau chen lên đoạn đầu đường, chỉ để liếc mắt nhìn phong thái mỹ thiếu niên Kiều Từ một chút. Cả đoạn đường bị người ta vây xem dòm ngó, thậm chí danh tiếng của Kiều Từ còn vượt trên cả Quân hầu tỷ phu.


Lúc ra khỏi cửa thành, Ngụy Thiệu bèn dừng lại. Chờ Dương Phụng sứ giả Duyện Châu nói xong một đống lời khách sáo, cảm kích chủ nhân đã tiếp đãi chu đáo những ngày qua, Kiều Từ cũng tỏ lòng biết ơn với Ngụy Thiệu. Tuy nhiên đối với vị tỷ phu này, cậu khó mà sinh ra được cảm giác thân mật, hơn nữa nhìn thái độ của người đó với mình cũng khá là thờ ơ, giống như có một lớp ngăn cách giữa hai người, sau khi tỏ lòng biết ơn xong thì cũng không có chuyện gì để nói. Trong lòng cậu lại nghĩ tới Ngụy Nghiễm. Hôm qua sau đại hội Lộc Ly, trong buổi yến tiệc cậu cũng không thấy hắn. Thế là Kiều Từ bất giác nhìn về phía cửa thành thêm mấy bận.


Ngụy Thiệu cũng đoán là cậu ta đang tìm Ngụy Nghiễm, vẻ mặt không có biểu hiện gì, hắn chỉ nói một tiếng lên đường bảo trọng với Kiều Từ rồi quay đầu lên ngựa. Đoàn người rời khỏi Ngư Dương, trên con đường xuôi nam hướng về phía Duyện Châu.


...


Ngụy Thiệu đi rồi, Từ phu nhân mới cho người gọi Chu Quyền tới, hỏi về tung tích của Ngụy Nghiễm. Nghe ông ta nói ngày hôm qua cũng không gặp Ngụy Nghiễm, bà hỏi tiếp: "Mấy ngày gần đây ông hầu hạ nó có thấy có điểm gì bất thường không?"


Chu Quyền đáp: "Bẩm lão phu nhân. Mấy hôm trước nô cũng định tới đây bẩm một tiếng. Đúng là dạo này Quận công không giống như trước kia."


"Khác chỗ nào? Nói hết ta nghe, không được để sót."


"Gần đây Quận công không hay thân mật với cơ thiếp, nô thấy hình như ngài ấy có điều phải bận lòng. Mấy ngày trước trước khi đi Đại Quận, ngài ấy còn đuổi ba cơ thiếp trong nhà. Sau đó vào phòng ngủ khóa trái cửa, còn nghiêm lệnh không ai được tự tiện bước vào."


"Ông có biết vì sao lại khác như thế không?"


"Nô thực lòng không biết." Chu Quyền lắc đầu, "Nhưng mà trùng hợp là mấy ngày sau nhà lại cháy."


Từ phu nhân trầm ngâm một lúc: "Ngoài điểm này ra thì còn có gì bất thường nữa không? Ví dụ như hay giao du với những người kì lạ?"


"Gần đây Quận công ít giao du bên ngoài. Nô không thấy có gì khác thường cả. Ban đêm lúc trở về ngài ấy chỉ uống rượu một mình."


"Bình thường nó hay tới chỗ nào? Ông đã đi hỏi chưa, có ai từng nhìn thấy nó không?"


Chu Quyền đáp: "Bẩm lão phu nhân, nô thấy Quận công cả đêm không về, nhớ lúc trước ngài ấy thường hay tới La Chung phường, sáng nay nô cũng tìm tới thử. Sau đó có nghe nói một chuyện..."


Vẻ mặt ông thoáng chần chừ, ngừng lại.


"Chuyện gì?" Con mắt duy nhất của Từ phu nhân nhìn tới.


"Nô nghe người giữ cửa nói, tối hôm qua Quân hầu tới đó tìm Quận công. Theo người kia nói, lúc đó hình như Quân hầu cũng say rồi, ngài ấy xông thẳng vào, đá văng cả cửa, có lẽ là có xung đột với Quận công. Sau đó Quân hầu và Quận công cùng đi ra ngoài, chuyện tiếp theo thì người kia không biết."


Từ phu nhân nhíu mày thật chặt. Chu Quyền cũng nín thở đợi chờ. Một lát sau, Từ phu nhân nói: "Ta hiểu rồi, ông đi xuống trước đi."


Chu Quyền đáp lời rồi lui ra. Một mình Từ phu nhân xuất thần trong chốc lát, sau đó lại cho người gọi Chu phu nhân tới đây.


Đêm qua nhất thời kích động nên Chu thị mới nói chuyện đó cho nhi tử, mặc dù lúc đầu bà ta thấy khoái trá lắm, nhưng sau khi nghĩ lại, bà ta lại thấy hơi kinh hoàng. Một đêm ngủ không ngon giấc. Sáng sớm lại bị Từ phu nhân gọi qua, lúc về chưa ngồi được nóng mông, bên kia lại tới gọi lần nữa, bà lo lắng không biết có phải Từ phu nhân đã biết chuyện tối qua không nên càng thêm hoảng sợ, sau một hồi do dự, dù có trốn cũng không thể tránh thoát, Chu thị đành nhắm mắt đi sang, bái lạy rồi hỏi: "Bà mẫu gọi con đến có chuyện gì vậy ạ?"


Từ phu nhân nói: "Đêm qua cô tới Tây phòng gọi Thiệu Nhi, thằng bé trả lời chuyện vết thương trên mặt như thế nào?"


Thấy hỏi chuyện này, Chu phu nhân cũng thở phào nhẹ nhõm, bà thuật lại lời của Ngụy Thiệu lần nữa rồi tức giận nói: "Con cũng không tin. Nhìn vết thương trên mặt nó rõ ràng là bị người ta đánh! Con hỏi mà nó nhất quyết không nói gì, cứ một mực khăng khăng là mình ngã ngựa nên bị thế. Không biết là đứa nào ăn gan hùm mật báo mà dám làm nhi tử của con bị thương, nếu để cho con biết, nhất định sẽ không tha cho nó."


Hình như Từ phu nhân không nghe thấy chút nào, bà hỏi tiếp: "Sau đó Thiệu Nhi đưa cô về, hai người còn nói gì nữa không?"


Trong lòng Chu phu nhân giật nảy lên, đối diện với con mắt duy nhất Từ phu nhân nhìn tới, bà cố trấn định rồi đáp lại: "Không có ạ. Thiệu Nhi đưa con về rồi về luôn." Mặc dù ngoài miệng thì nói thế, nhưng ánh mắt bà vô thức lại toát lên vẻ chột dạ. Không dám nhìn thẳng Từ phu nhân mà buông tầm mắt xuống.


Trong phòng chỉ có mỗi hai người, yên tĩnh đến mức chỉ một cây kim rơi xuống cũng nghe thấy tiếng động.


Chu phu nhân biết Từ phu nhân vẫn đang dõi theo mình, bà ngừng thở, miệng mở to mà cũng không dám hít. Một lát sau, giọng nói lạnh lùng của Từ phu nhân vang lên: "Đêm qua cô là người cuối cùng nhìn thấy Thiệu Nhi. Sáng sớm nay ta đã nghe cháu dâu nói rồi, trước khi bị cô gọi ra ngoài tâm trạng thằng bé vẫn rất tốt. Tại sao đưa cô về một chuyến lại mất dạng cả đêm? Ta nói thẳng, ta đã biết cả rồi! Có phải cô đã nói cho nó biết chuyện của Nghiễm Nhi không?"


Đôi vai của Chu phu nhân hơi run lên, bà ngước mắt lên từ từ đón lấy cái nhìn chằm chằm từ con mắt duy nhất của Từ phu nhân, vẻ mặt đầy lạnh lẽo. Bà nghĩ ngay tới chuyện sáng nay nhi tử cũng đã tới Bắc phòng, có lẽ nó không nhớ tới lời dặn dò của mình tối hôm qua, kể hết cho Từ phu nhân nghe rồi. Tim bà lại càng đập loạn hơn, Chu thị kinh hoàng cứng cả họng không nói được một lời.


Thực ra Từ phu nhân cũng chỉ nghi ngờ như vậy thôi. Sáng sớm lúc mới gọi Chu thị tới, bà đã thấy ánh mắt bà ta hơi bất định. Sau mấy chục năm ở với nhau, vừa nhìn bà đã biết người này đang có điều che giấu. Thế nên mới cho gọi lần nữa. Nhìn phản ứng của bà ta như vậy, trong lòng bà cũng có suy đoán rồi. Từ phu nhân giận tím mặt, thình lình vỗ bàn một cái, rồi lớn tiếng quát: "Ngươi to gan quá đấy! Dám trái lời ta, nói năng linh tinh ở trước mặt Thiệu Nhi, li gián huynh đệ nó."


Mấy chục năm qua, mặc dù Từ phu nhân không thích Chu thị lắm, nhưng chắc chắn lúc bình thường bà cũng không lớn tiếng quát tháo như thế này. Còn trước mặt người ngoài thì vẫn giữ thể diện cho người kia rất nhiều. Chu thị sợ đến mức tái cả mặt, suýt chút nữa đã quỳ ngồi không yên, mắt bà đẫm lên quỳ rạp xuống đất giải thích: "Bà mẫu bớt giận, cho con giải thích đã. Không phải con có ý ly gián huynh đệ nó. Chuyện này cũng gần ba mươi năm rồi, nếu muốn nói con đã nói từ lâu chứ không phải chờ cho tới bây giờ. Bà mẫu không biết đó, thực ra con cũng lo lắng lắm, Thiệu Nhi là một người trung thực, ít khi đề phòng ai. Nếu là chuyện khác thì không sao, nhưng lai lịch của Ngụy Nghiễm lại phức tạp, Ngụy gia ta nuôi một đứa Hung Nô, đã thế còn nuôi suốt ba mươi năm, sớm muộn cũng trở thành mối họa. Vậy mà Thiệu Nhi chẳng mảy may hay biết, con sợ sau này nó sẽ chịu thiệt..."


"Rầm." Từ phu nhân không nhịn nổi lật cả chiếc bàn trà bằng gỗ hương nặng trịch ngay phía trước, đồ vật trên bàn đều đổ hết, bình trà li tách vỡ vụn trên mặt đất. Tiếng vang đó cũng kinh động cả Chung bà bà đứng ngoài cửa, bà cuống quýt đi vào, nhìn thấy Chu thị nằm rạp trên mặt đất, Từ phu nhân bên kia thì mặt mày trắng trợt, đầu ngón tay chỉ tới Chu thị ở bên kia, giống như hít thở rất khó khăn, bà kinh hãi tới mức biến sắc, vội vàng xông về phía trước đỡ Từ phu nhân, vỗ lưng bà một lúc Từ phu nhân mới thở ra được một hơi thật dài, run giọng nói: "Đuổi nó ra ngoài."


Chung bà bà nhìn sang Chu thị, thấy bà ta đã sợ hãi tới mức run lẩy bẩy, vội mời bà ta ra. Chu thị đã mềm nhũn tay chân, miễn cưỡng lắm mới bò dậy từ dưới đất được, thẹn thùng hốt hoảng rời đi ngay. Chung bà bà và một vú già khác đỡ Từ phu nhân nằm xuống giường. Sau khi cho vú già ra ngoài, bà hầu hạ một bên. Một lúc lâu, sắc mặt trắng bệch của Từ phu nhân mới dần có sắc máu, lúc này bà mới yên tâm được. Đang định hỏi bà có muốn uống gì không, Từ phu nhân đã từ từ mở mắt, nói: "Chuẩn bị xe, ta muốn đi ra ngoài."


Mặc dù giọng nói của bà vẫn còn hơi mệt mỏi, nhưng đã trở về vẻ bình tĩnh xưa kia.


Chung bà bà đáp lại.


...


Ngụy Thiệu đưa Kiều Từ ra khỏi thành, khi trở về cũng đã qua giờ Ngọ, hắn đi thẳng tới La Chung phường.


Ban ngày, La Chung phường không có đông người lắm. Hắn đi vào từ cửa sau, bước qua dãy hành lang cây cối che bóng xanh um tùm rồi dừng lại trước cửa phòng trang nhã và thanh tịnh nhất, đẩy cánh cửa khép hờ ra, bước vào.


Đêm qua Ngụy Nghiễm đã nghỉ lại ở đây. Cửa sổ trong phòng mở một cánh, gió Nam Bắc ùa vào qua ô cửa. Hắn khoanh chân ngồi trên một cái sạp nhỏ, tóc còn chưa chải, trên người chỉ mặc một bộ trung y màu trắng buộc qua loa, vạt áo mở rộng, hai mắt nhằm nghiền, trên cằm lổm nhổm mớ râu ngắn cũn, trông vô cùng tàn tạ, hoàn toàn không còn phong thái phong lưu tiêu sái cưỡi ngựa nghiêng nghiêng bóng, trên lầu áo đỏ bay[1] ngày nào.


[1] Cưỡi ngựa nghiêng nghiêng bóng, trên lầu áo đỏ bay: trích từ Bồ Tát Mạn, thi nhân cuối đời Đường. Nguyên văn: Như kim khước ức giang nam nhạc, đương thì niên thiểu xuân sam bạc. Kỵ mã ỷ tà kiều, mãn lâu hồng tụ chiêu. Thúy bình kim khuất khúc, túy nhập hoa tùng túc. Thử độ kiến hoa chi, bạch đầu thệ bất quy| Câu kỵ mã ỷ tà kiều, mãn lâu hồng tụ chiêu, tả về cảnh nam nữ gặp nhau, "cưỡi ngựa" vừa anh hùng uy vũ, "ỷ tà kiều" là phong lưu tiêu sái, "mãn lâu hồng tụ chiêu" là chỉ người con gái trên lầu vì thế mà khuynh đảo, tay áo đỏ vẫy theo.


Nghe thấy tiếng bước chân của Ngụy Thiệu tới gần, hắn từ từ mở mắt ra. Trước mắt là một cơ thể cao lớn khôi ngô trong bộ chư hầu càng toát lên vẻ uy nghiêm lẫm liệt, hắn nhìn một lúc rồi chợt nói: "Đệ đã biết chuyện ta âm thầm liên lạc với Hung Nô, vậy mà còn để ta ở lại nơi này, không sợ ta trốn mất sao?"


Ngụy Thiệu đứng đối diện với hắn, ngồi xuống cách chiếc án, đáp lời: "Nếu huynh đã có lòng chạy trốn, ta cũng không cần tình huynh đệ hai mươi năm nay nữa."


Ngụy Nghiễm không nói gì.


Ngụy Thiệu nói tiếp: "Ta chỉ cần một câu của huynh thôi, từ đây phải chặt đứt quan hệ không liên lạc với người Hung Nô nữa. Trước kia thế nào thì sau này thế ấy."


"Trước kia thế nào, sau này thế ấy..."


Ngụy Nghiễm lẩm bẩm một lần nữa, hắn ngước mắt lên dừng lại trên khuôn mặt người kia, gương mặt bỗng toát lên một thần thái lạ kì.


"Ngay cả cái tội ta khinh nhờn thê tử của đệ, đệ cũng có thể bỏ qua được hay sao?"


Hắn nhìn Ngụy Thiệu chăm chú, từ từ nói.


Đôi mắt Ngụy Thiệu toát lên vẻ âm trầm, nhưng biểu hiện vẫn bình thản như trước.


"Người trong thiên hạ đắc tội ta, chẳng lẽ ta có thể giết chết hết được sao?"


Hắn khẽ nói.


Ngụy Nghiễm ngẩn ra rồi bỗng ha ha cười lớn, thậm chí còn nghiêng nghiêng ngả ngả: "Nhị đệ à, mặc dù trước đây ta vẫn xem đệ là Quân hầu, nhưng trong lòng chưa bao giờ phục đệ. Vậy mà bây giờ ta mới biết, khi đệ có thể nói được câu nói này, vị trí gia chủ nhà họ Ngụy ngoài đệ ra thì không còn ai khác!"


Hắn cứ cười như vậy, dáng vẻ phóng đãng, cười đến mức như chảy cả nước mắt.


Ngụy Thiệu vẫn nhìn hắn. Chờ hắn ngừng lại rồi mới nói: "Sao rồi? Huynh đã nghĩ xong chưa?"


Ý cười trên mặt Ngụy Nghiễm dần mất đi, hắn quay đầu nhìn bóng cây loang lổ ngoài ô cửa phía nam, bàng hoàng chốc lát, sau đó mới quay đầu lại chậm rãi đáp: "Nhị đệ, đệ có thể không so đo chuyện ta mạo phạm thê tử đệ, đệ cũng có thể không bận tâm đến huyết thốngHung Nô đê hèn bẩm sinh trong người ta, nhưng mà ta muốn nói đệ nghe, ta không thể quay trở về được nữa, cũng không thể phò tá đệ với danh nghĩa huynh trưởng như mệnh trời. Trừ khi đệ giết ta đi, nếu không ta sẽ..."


"Nếu không sẽ thế nào?"


Ngoài cửa bỗng vang lên một giọng nói già nua, ngay sau đó là tiếng cửa mở ra.


Ngụy Thiệu, Ngụy Nghiễm cùng quay lại, không biết Từ phu nhân đã chống gậy đứng ngoài cửa bao giờ. Hai người đều giật thót.


Ngụy Thiệu phản ứng lại rất nhanh, hắn vội vàng đứng dậy ra đón, vẻ mặt hơi căng thẳng.


"Tổ mẫu, sao người lại tới đây..."


Từ phu nhân lại không hề nhìn hắn. Bà bước thẳng vào thư phòng, lướt qua người Ngụy Thiệu, con mắt độc nhất vẫn nhìn chằm chằm Ngụy Nghiễm với vẻ mặt cứng đờ đang ngồi trên sạp nhỏ, bà đi tới chỗ hắn rồi dừng ngay trước mặt.


"Nếu không cháu sẽ làm thế nào?"


Từ phu nhân dựng cây gậy xuống, hỏi lại một lần nữa, con mắt độc nhất toát ra ý lạnh, khiến cho người ta không dám nhìn thẳng vào nó.


Rốt cuộc Ngụy Nghiễm cũng từ từ đứng dậy. Đột nhiên hắn quỳ xuống làm đại lễ, đập trán xuống đất mãi không chịu ngẩng lên.


"Ngoại tôn Nghiễm Nhi bất hiếu, cả gan khẩn cầu ngoại tổ mẫu đồng ý thả con đi."


Hắn nói rõ từng chữ một.


Ngụy Thiệu giận dữ, gân xanh bên thái dương cũng nổi lên rần rần.


Từ phu nhân nhìn chằm chằm Ngụy Nghiễm đang quỳ thẳng trước mặt mình, lúc đầu bà cũng thấy giận lắm, bàn tay cầm quải trượng dường như hơi run rẩy.


Một lúc sau, vẻ giận dữ trên mặt bà dần mất.


"Nói hay lắm." Bà bảo, "Cháu nói ta tác thành cho cháu. Ta đồng ý cho cháu rồi thì ai tác thành cho tim của ta đây?"


Giọng nói của bà mang theo vẻ mệt mỏi, còn cả chút bất đắc dĩ và đau thương.


Ngụy Nghiễm từ từ ngẩng đầu lên, đối mặt với ánh mắt của Từ phu nhân.


"Cả đời này, sai lầm lớn nhất của ngoại tổ mẫu chính là cháu đấy, Nghiễm Nhi. Sai lầm của ta không phải là đã nuôi nấng cháu, mà là không dạy cháu nên người."


Ngụy Nghiễm trầm mặc.


Từ phu nhân như rơi vào hồi ức. Một lát sau bà nói: "Nghiễm Nhi, mẫu thân của cháu là nữ nhi duy nhất của ta. Ta thương nó như ngọc quý trên tay. Thế mà nó lại bất hạnh bị Hung Nô vương bắt mất, ba năm sau trở về, trong bụng nó đã mang thai cháu rồi, sau khi sinh cháu thì nó mất. Ta biết phụ thân cháu chính là kẻ địch, ta cũng biết sau này thân thế của cháu có thể sẽ trở thành mầm họa, nhưng ta vẫn quyết định giữ cháu lại nuôi nấng. Đây không phải là sai lầm gì cả. Nếu quay lại một khắc trước lúc mẫu thân cháu sinh con, ta cũng vẫn sẽ quyết định như thế. Cháu là cốt nhục duy nhất mà mẫu thân cháu để lại trên đời, cho dù phụ thân cháu là ai, cháu vẫn là ngoại tôn của ta đây, chắc chắn ta sẽ không bỏ cháu. Sai lầm của ta là ở chỗ không dạy dỗ cháu đàng hoàng".


Bà hít một hơi dài.


"Người Hán và tộc Hung Nô cùng tồn tại, cho tới nay vẫn thảo phạt không ngừng. Vô số oan hồn người Hán chết dưới móng sắt tộc Hung Nô. Số dân du mục tộc Hung Nô bị người Hán tru diệt cũng ngang ngửa. Ta vẫn luôn lo lắng, nếu để cho cháu biết thân phận của mình thì cháu sẽ sao đây, thậm chí trong lòng ta còn lo cháu sẽ trở nên như bây giờ, bởi vậy ta mới giấu chuyện này. Ta định chờ tới khi cháu lớn hơn chút nữa, ta sẽ nói lại cho cháu biết. Nhưng rồi đợi tới khi cháu lớn, ta thấy cháu luôn vui vẻ, không buồn không lo, ta lại không đành lòng mở lời quấy nhiễu cháu. Đợi lớn hơn chút nữa, tới khi mười bốn mười lăm tuổi, cháu đã theo cữu phụ [cậu] của mình chém giết tộc Hung Nô. Khi đó ta lại càng không nói được với cháu, cháu và những người Hung Nô từng bị cháu chặt đầu kia lại là cùng một tộc. Ngày qua ngày, năm này qua năm khác, ngoại tổ mẫu vẫn chần chừ như vậy, và rồi cháu lớn lên cho đến ngày hôm nay."


"Nghiễm Nhi, ta không nên dạy sai cho cháu, khiến cháu lầm tưởng mình là người Hán. Ta nên nói sớm cho cháu biết, mặc dù cháu có một nửa huyết thống là dị tộc, nhưng cháu vĩnh viễn là người Ngụy gia nhà ta. Tất cả mọi chuyện ngày hôm nay đều là sai lầm của tổ mẫu cả. Nếu bây giờ cháu phải đi, chẳng lẽ là để trừng phạt ngoại tổ mẫu đã sai lầm rồi sao?"


Từ phu nhân càng nói càng xúc động, nước mắt cũng tuôn rơi.


Đôi mắt Ngụy Nghiễm cũng rưng rưng nước mắt.


"Ngoại tổ mẫu! Không phải vì người dạy sai đâu, là cháu phản bội lại công ơn nuôi dưỡng của người. Cháu biết người thương cháu ra sao, bởi vậy mới rề rà không nói cho cháu biết. Cháu cảm ơn người còn không kịp, sao có thể có chuyện trừng phạt gì ở đây? Sai lầm hôm nay đều vì cháu cả! Không liên quan gì tới ngoại tổ mẫu hết!"


Từ phu nhân nói: "Cháu không trách ta thì sao lại khư khư cố chấp như thế này?"


Ngụy Nghiễm nhắm hai mắt lại rồi mới nói: "Tất cả lỗi sai đều tại cháu! Trong người cháu có dòng máu tà ác và rắp tâm trời sinh. Có lẽ ngoại tổ mẫu không biết, từ khi cháu hiểu chuyện tới nay, cháu đã luôn muốn biết tại sao cháu và nhị đệ đều cùng là họ Ngụy, cháu còn lớn tuổi hơn nhị đệ, tài năng của cháu cũng được người khác tán dương, vậy vì sao trời sinh nhị đệ nhất định sẽ trở thành gia chủ, trong khi cháu chỉ có thể là gia thần ở bên? Cháu đã nghĩ như thế mười mấy năm qua, nó giống như một con rắn len lỏi vào lòng cháu, dù cháu chán ghét như thế nào cũng không sao đuổi được! Trước kia cháu vẫn luôn kìm nén. Nhưng mà ba năm trước, khi cháu nghe được thân thế của mình từ miệng của người Hung Nô, ác niệm này lại càng lúc càng sinh sôi, cháu không còn cách nào thoát khỏi nó!"


Từ phu nhân lộ ra vẻ khiếp sợ. Ngụy Thiệu đang bình tĩnh đứng nhìn Ngụy Nghiễm một bên cũng hơi cứng cả người.


"Cháu đố kị với nhị đệ, cháu cũng hận sao tạo hóa bất công! Nhị đệ trời sinh là gia chủ, tài cán xuất chúng, cưới vợ giai nhân, còn cháu thì có cái gì?"


Vẻ mặt Ngụy Nghiễm hơi kì lạ, như cười lại như không, "Ngoại tổ mẫu, từ nhỏ người đã mời tiến sĩ thái học viện ở Lạc Dương tới đây chỉ dạy cháu. Nhưng mà cháu chỉ nhớ một câu, thà làm gà không đầu, chứ không được làm phượng không đuôi. Ngoại tổ mẫu, là tôn nhi đã phụ lòng người. Trong người cháu đang chảy huyết mạch tà ác của phụ thân, cháu không còn cách nào tiếp tục thân phận gia thần ở Ngụy gia thêm nữa! Cháu cũng không phải là quân tử. Mưu đồ của cháu xưa nay cũng không có cái gì gọi là quân tử! Giờ việc đã tới nước này, dù ngoại tổ mẫu và nhị đệ có thể không quan tâm tới hiềm khích lúc trước, nhưng cháu cũng không còn mặt mũi mà ở lại. Dù miễn cưỡng ở đây, cháu cũng khó có thể trở về là Ngụy Nghiễm của trước kia được nữa. Rồi sẽ phải đau khổ giày vò ngày lẫn đêm. Ngoại tổ mẫu, tôn nhi cầu xin người, không bằng người hãy thả cháu đi, xem như là giải phóng cho cháu."


"Huynh trưởng!" Ngụy Thiệu quát lớn một tiếng, "Huynh dám phát ngôn bừa bãi trước mặt tổ mẫu sao?"


Ngụy Nghiễm quay đầu nhìn Ngụy Thiệu, cười khổ: "Nhị đệ, ta và đệ không hề giống nhau, đệ có phong thái của thế gia vọng tộc. Còn ta trời sinh đã là hung đồ, không thể theo con đường quân tử."


Hắn chuyển sang Từ phu nhân, dập đầu thật mạnh: "Con xin ngoại tổ mẫu đồng ý."


Trong đôi mắt trắng trợt của Từ phu nhân lúc này cũng phủ mờ nước mắt, bà nhìn Ngụy Nghiễm dập đầu về phía mình: "Cháu nghĩ đi tới dị tộc thì mọi chuyện sẽ như cháu mong muốn, thích làm gì thì làm, có thể xưng vương sao?"


"Nếu được là may mắn của cháu, còn nếu không cũng là mệnh của con. Dù chết cũng không hối tiếc." Ngụy Nghiễm nói.


Đột nhiên Ngụy Thiệu rút trường kiếm ra, mũi kiếm chỉa vào yết hầu của Ngụy Nghiễm, hai mắt hắn đỏ ngầu, gằn ra từng chữ: "Huynh tưởng ta sẽ thả huynh về với tộc Hung Nô sao?"


Ngụy Nghiễm nhắm mắt như muốn chết.


Ngụy Thiệu càng hít thở nhanh hơn, mũi kiếm kề sát vào yết hầu của Ngụy Nghiễm cũng run lên.


Từ phu nhân yên lặng nhìn Ngụy Nghiễm, đột nhiên bà nói: "Thôi được rồi, con người rồi sẽ có chí riêng. Nếu nó đã một lòng muốn đi cũng không thể ép được."


Ngụy Thiệu bỗng quay đầu, nhìn Từ phu nhân.


Trong mắt bà vẫn rưng rưng nước mắt, sắc mặt như lạnh cứng, bà nhìn chằm chằm Ngụy Nghiễm rồi từ từ nói: "Nếu cháu muốn đi ta cũng không ngăn lại. Sống trên đời mà u sầu thất bại thì đúng là có sống không bằng chết. Nếu sau này cháu vẫn đồng ý nhận ta, ta vẫn sẽ là ngoại tổ mẫu của cháu. Nhưng mà có mấy lời ta muốn nói rõ ràng với cháu. Nếu như có một ngày cháu quay sang giúp người Hung Nô chém giết người Hán, dù ta có hóa thành quỷ cũng nhất quyết không bao giờ tha thứ cho cháu nữa."


Tay trái Ngụy Nghiễm đặt lên bàn, năm ngón tay mở ra, tay phải rút một thanh đoản kiếm trong giày ra, ánh sáng lóe lên, hắn chặt đứt ngón tay út của mình.


Sắc mặt trắng trợt đi, chỗ ngón tay út bị đứt máu tuôn ra như suối, nhưng vẻ mặt Ngụy Nghiễm lại không hề thay đổi, hắn nói: "Nghiễm Nhi xin lấy ngón tay út này để thề rằng, nếu ngoại tổ mẫu còn sống, Nghiễm Nhi sẽ không đụng tới bất cứ người Hán nào. Sau này nếu tổ mẫu tròn trăm tuổi, Nghiễm Nhi có thể may mắn hoàn thành chí hướng, nếu người Hán không đụng vào cháu, cháu sẽ không đụng tới."


Từ phu nhân đứng im một lúc rồi xoay người chậm rãi đi ra cửa.


Bước chân của bà đi rất chậm, chỉ trong chớp mắt đó, bóng lưng của bà như khom xuống rất nhiều.


Ngụy Thiệu yên lặng nhìn Ngụy Nghiễm, bỗng nhiên hắn gầm lên tức giận, vung kiếm chém xuống đầu Ngụy Nghiễm.


Ngụy Nghiễm vẫn bất động như trước.


Mũi kiếm chết qua đầu hắn, chém đứt một góc bàn trà trước người Ngụy Nghiễm, một lọn tóc từ từ bay xuống đất.


"Choang" một tiếng, Ngụy Thiệu vất kiếm xuống, xoay người bước nhanh.