Kim Loan Khải Hoàn Ca

Chương 36





Thế nhưng chưa đầy nửa canh giờ sau, nha hoàn ở Liễu Hòa cung lại trở lại.

Trời vẫn mưa mà nàng ta phải gấp gáp đội mưa đi, một thân váy áo đã ướt hơn phân nửa.

Lý hoàng hậu thấy thế thì quở trách: “Ăn mặc như thế còn ra thể thống gì?”
“Nương nương, thỉnh nương nương tha tội.

Nô tỳ thật sự không còn cách nào khác, buột phải chạy sang đây làm phiền.” Nô tỳ ấy dập đầu, cả người run rẩy vì lạnh.

Di Nguyệt buông bút nhìn nàng ta, hoàng hậu lại hỏi: “Sao ngươi lại chạy sang chỗ này? Đã sắp xếp xong cho nương nương nhà ngươi chưa?”
“Bẩm bệ hạ… Bẩm nương nương… Hiền phi nương nương, nương nương không đồng ý tự nuôi hài tử.” Nàng ta run run đáp.

Tức thì, sắc mặt Quang Thuận đế liền đen lại, lớn tiếng quát: “To gan! Nàng ta dám kháng chỉ sao? Có phải không cần phi vị này nữa không?”
“Bệ hạ, bệ hạ bớt giận.” Nô tỳ kia sợ hãi dập đầu.


Nàng ấy cũng đâu có muốn Hiền phi không muốn cho công chúa dùng sữa mẹ.

Chỉ là nữ nhân kia cứng đầu, nhất quyết muốn bảo dưỡng thân thể cho tốt, mặc kệ ai năn nỉ ỉ ôi thế nào cũng không đồng ý cho công chúa bú sữa mẹ.
“Bệ hạ bớt giận.” Lý hoàng hậu nhẹ nhàng nói.

Hiền phi này cũng thật không biết điều.

Hoàng thượng vốn đã không vui vì thai nhi, nay lại còn không an phận, còn muốn nháo đến mức nào?
Hoàng hậu quay sang nô tỳ kia, nói: “Về nói lại với chủ tử của ngươi, không chịu tự nuôi hài tử, vậy Thập công chúa mới sinh phải làm sao đây? Để công chúa đói chết, há chẳng phải là mưu hại hoàng tự sao? Tội này nàng ta gánh nổi không?”
“Vâng… nô tỳ rõ rồi.” Nô tỳ kia vội vàng lui xuống.

Di Nguyệt bỗng chạy sang ôm mẫu hậu nhà mình, than nhẹ: “Thật may Nguyệt nhi là nhi nữ của mẫu hậu, nếu không sợ là đã bị bỏ đói chết.”
Cả hai người vì câu nói này của nàng mà bật cười.

Quang Thuận đế xoa đầu nàng: “Làm sao trẫm để con đói chết được?”
“Thế tiểu hoàng muội thì phải làm sao ạ? Nhỡ Hiền phi nương nương vẫn không cho muội ấy ăn thì sao đây?”
Quang Thuận đế và Lý hoàng hậu nhìn nhau.

Lý hoàng hậu nói: “Để thần thiếp sang Liễu Hòa cung xem tình hình một chút.”
“Không cần.

Trời đang mưa lớn, nàng ta cũng không phải lần đầu làm nương thân.

Chuyện này không lẽ không tự lo được sao?” Quang Thuận đế khó chịu lên tiếng.
“Vâng, thần thiếp nghe theo sắp xếp của bệ hạ.”
Vậy là dưới sự cưỡng chế của hai người, Hiền phi vẫn phải tự nuôi công chúa.

Mà kì lạ thay, từ ngày sinh công chúa, mưa lớn cứ kéo dài liên tục không dứt.


Vài ba ngày còn được chứ tình trạng này đã kéo dài mười ngày, đời sống dân chúng vô cùng khó khăn.

Cũng vì chuyện này mà tấu sớ trình lên liên tục.

Quang Thuận đế cũng đang đau đầu tìm cách giải quyết.
“Công chúa điện hạ, người vào trong đừng để ướt mưa.” Đông Ca nhắc nhở Di Nguyệt đang đứng bên cửa sổ, bàn tay trắng ngần vươn ra nghịch nước.

Nàng không chỉ nghịch nước mà còn đang suy tính.
Mặc dù trọng sinh nhưng nàng cũng không thể hoàn toàn nhớ hết mọi chuyện, đặc biệt là mấy chuyện cỏn con như cơn mưa này đến bao giờ sẽ kết thúc.

Nhưng có một điều chắc chắn rằng nó sẽ kết thúc trước tiệc đầy tháng của Thập công chúa.

Sở dĩ nàng nhớ là do Hiền phi đã muốn tổ chức thật lớn để ăn mừng, vênh váo trong khi người dân ngoài kia đang vô cùng khó khăn vì mưa lũ.
“Nói với nội vụ phủ y phục mùa đông sắp tới của ta không cần nhiều, cứ để ngân khố ở đấy, sẽ có lúc cần tới.” Di Nguyệt phân phó.

Trời còn chưa sang đông nhưng do địa vị của nàng đặc biệt, là tâm sủng bảo bối của hoàng thượng nên dạo này phía nội vụ phủ đã chuẩn bị y phục mùa đông cho nàng.

Nào là áo lông thú, rồi thay chăn bông mới, rồi áo choàng này nọ rất nhiều, hầu như năm nào nàng cũng mặc chưa tới mấy lần.


Đương nhiên nàng hoàn toàn có thể thoải mái nhận những ân sủng đó, nhưng ít nhất không phải là năm nay,
“Vâng.” Đông Ca vâng dạ rồi lui đi.
Đông tới, đầy tháng của Thập công chúa, chắc chắn sẽ rất thú vị.
Mà chuyện thú vị đã lan truyền trong cung từ mấy ngày trước, đó là Hiền phi sau mấy tháng vênh váo lại sinh ra một tiểu công chúa.

Mà tiểu công chúa kia lại không phải phượng hoàng được sủng ái như Di Nguyệt, chỉ là một con chim sẻ nhỏ thất sủng không được phụ hoàng để ý.

Còn về tên của nàng ấy, Quang Thuận đế nghĩ cũng lười nghĩ, chỉ ban cho một chữ “An”, chính là an trong an ổn.

Thế nhưng không biết Hiền phi nghĩ thành nghĩa gì, lại đặt tên cho nàng ấy là Khởi An, nghĩa là khởi đầu của sự an lành.
Tống Khởi An tuy trên danh nghĩa là sinh đủ ngày đủ tháng nhưng không hiểu sao lại yếu ớt vô cùng, còn thường xuyên quấy khóc cả đêm, báo hại trên dưới Liễu Hòa Cung mấy đêm mất ngủ, ngay cả Hiền phi cũng không được yên.

Có người ác ý còn bảo rằng đấy là nghiệp báo mà Hiền phi đáng phải chịu.

Hẳn nhiên, mấy tin đồn đó đều được mẫu hậu nàng ép xuống..