Kim Sơn Hồ Điệp

Chương 88: Đỉnh Vàng (5)




“Năm 1580, hai năm sau khi Sartresmere phát hiện ra vàng, những người da màu từ khắp nơi trên thế giới đều đổ xô đến California. Hai năm sau, nơi này đã trở thành một tiểu bang. Cùng năm đó, Leland Stanford trở thành thống đốc bang California. Trong bài phát biểu nhậm chức của mình, ông ta nói: ‘Châu Á có dân số đông đảo lại đưa cặn bã trong số bọn họ đến bờ biển của chúng ta. Chúng ta phải sử dụng tất cả mọi thủ đoạn hợp pháp để ngăn chặn chủng tộc thấp kém này định cư trên đất của chúng ta – về điểm này trong lòng tôi rất rõ ràng.’.. Nhưng sau khi trở thành chủ tịch Công ty Đường sắt Trung ương Thái Bình Dương, ông ta lại đổi ý. Quảng cáo về Đường sắt Trung ương Thái Bình Dương trên bờ biển phía đông nam đã đưa 3.000 công nhân gốc Hoa đến đất nước này. Bọn họ sử dụng chất nổ giữa núi non thung lũng để tạo ra đường hầm, những chiếc sọt đa lát treo bọn họ chông chênh trên vách núi thẳng đứng, dùng cái đục để đào đá hoa cương và nham thạch hòng đặt đường ray…”

“… Tôi (Huệ Đương) thường thấy có người được đặt trong giỏ tre, lúc đi xuống từ vách đá thẳng đứng thì người kia đã chết. Có lúc sợi dây kéo giỏ bị đứt, cơ thể của công nhân rơi từ mấy trăm feet xuống dưới, đập thẳng vào đá tảng mà chết. Lại có khi, những người trong giỏ tự hất mình ra khỏi núi cao chót vót hòng né tránh thuốc nổ, nhưng không ngờ dây thừng lại  bắn ngược về quá sớm. Đối với những người bị nổ cụt mất tay mất chân, còn có những người máu thịt mơ hồ, lộ ra mảng xương trắng hếu, tôi có thể làm gì được đây? Trong hòm thuốc của tôi chỉ có thuốc hạ sốt, tiêu đờm chống nôn, chống say nắng và đuổi côn trùng cắn chích mà thôi. Tôi cùng một vài bà con lo liệu hậu sự cho bọn họ, đánh dấu địa điểm mai táng, để một mai có ngày đào hài cốt lên, lau dọn sạch sẽ đưa “họ về Trung Quốc, chính thức an táng.”

Nói thật, chính Hoài Chân cũng không muốn từ bỏ cơ hội đến bờ Đông. Nhất là khi đọc bản viết tay do cha của Huệ đại phu để lại, cô cảm thấy không cam lòng. Cảm giác này cũng như một cô bé vốn hát rất hay, nhưng cuối cùng lại phải “nhường” cơ hội đứng trên sân khấu hát cho con gái hiệu trưởng vốn không biết ca hát là gì, thế là cô ra sức tranh thủ cho mình, cho giáo viên xem nhật ký, mổ xẻ tâm sự của mình, sự thật được phơi bày nguyên vẹn, muốn chứng minh mình có thể làm tốt mọi thứ. Nhưng vô ích mà thôi, bởi vì từ lúc còn rất sớm cô đã bị gạt ra ngoài nguyên tắc rồi.

Cô chỉ là một con người bé nhỏ, sao có thể chống đối thế giới chặn cô ở ngoài cửa đây?

Mỗi khi không cam lòng dâng lên là lại bị sự bất lực xóa nhòa từng chút một, Hoài Chân lại càng thất vọng. Thất vọng về thế giới bất công, cũng thất vọng về mình.

Lê Hồng rất tức giận vì chuyện cô bị nhật báo đả kích, không chỉ đến văn phòng học vụ trường cấp ba Công nghệ hỏi lý do xin nghỉ thay cô, mà còn nhờ công ty du lịch Trung Quốc hỏi thăm vé đến sân bay Jose Marti ở Havana, Colombia.

Trưởng phòng học vụ nói thế này: “Dĩ nhiên xin nghỉ không có vấn đề gì, chỉ cần sau khi em về vẫn bắt kịp học kỳ trước khi thi đại học là được.” Bởi vì học sinh gốc châu Á được chuyển lên từ trung học ở phố người Hoa sẽ trực tiếp bước vào hai năm học cuối cùng của trường trung học Công nghệ. Hầu hết các học sinh Trung Hoa cần cù sẽ học liền bốn kỳ trong một năm học, vào đại học sớm hơn so với những người chỉ học hai học kỳ trong một năm.

Hiệu trưởng cũng nói với Hoài Chân thế này: “Thành tích hai môn Nhân văn và Xã hội của em thật sự rất xuất sắc, nhưng kết quả Vật lý và Toán học thì… Ý cô là, cô rất lo em không theo kịp tiến độ của bạn học.”

Còn Lê Hồng, cô đã bị công ty du lịch yêu cầu xuất trình thư giới thiệu, giấy chứng nhận sức khỏe và mức giá gần hai trăm đô la cần thiết cho tuyến hàng không xuyên lục địa nước Mỹ đập vỡ ý định. Cô ấy báo cho Hoài Chân biết, các chuyến bay dân sự thông thường của hãng hàng không Pan American, bay từ Oakland đến sân bay quốc tế Marti nhanh nhất cũng mất 13 tiếng, trừ khi có chuyến bay tư nhân của máy bay Hercules. Nghe nói bình thường hành khách sẽ nôn liên tục trên bầu trời trong 13 tiếng đồng hồ – “Cậu thử nghĩ đến cảnh mọi hành khách trên máy bay đều đang nôn mà xem.”

Điều khiến cho việc di chuyển bằng máy bay càng trở nên phi thực tế là cơn bão Samanson cấp bốn sắp đổ bộ từ Texas, và sẽ đi qua khu vực Vịnh San Francisco vào đầu tháng 10. Hoa Kỳ nổi tiếng là vùng đất của những cơn bão, đối với cư dân phố người Hoa đã sinh sống trên mảnh đất này hơn 80 năm mà nói thì đã không còn gì lạ lẫm. Trong một tuần trước khi bão đến, San Francisco càng ngày càng đẹp, bầu trời trong xanh, khắp nơi không có mây mù, thỉnh thoảng lại có những cơn gió hây hây thổi đến. Chủ nhật Hoài Chân về nhà, bắt gặp cảnh người lớn trẻ con đang thả diều trên phố Sacramento, trong đó có một con diều giấy phượng hoàng đỏ rực đang bay lượn dưới vòm trời xanh biếc, đẹp tới nỗi làm du khách trầm trồ liên hồi.

Lại cẩn thận nhìn người đang thả diều giữa đám đông vây quanh, thì ra là Hồng Lương Sinh. Người thanh niên gốc Hoa mặt mũi trong trẻo, có khí chất ngông cuồng tự cao tự đại. Mà ngồi xổm trong ngực anh ta là một bé gái người Hoa chừng sáu bảy tuổi, mặc váy hoa trắng ngần, đang được anh ta hướng dẫn thả diều. Khó mà bắt gặp được hình ảnh như thế này, lúc Hoài Chân đi qua đám đông bên cạnh, nhìn thấy có không dưới bốn năm người da trắng cầm máy ảnh chụp hình Hồng Lương Sinh.

Anh ta nhìn thấy Hoài Chân đi qua, từ đằng xa gọi cô lại hỏi: “Nhóc con, cuối tuần mà còn đi học à?”

Cô nói đi chứ, hôm nay Chủ nhật, tối vẫn phải đi.

Anh ta bảo, “Sắp có bão rồi, anh có nhờ người đưa đồ đến nhà cô, cô đừng quên đem theo đấy.”

Vừa dứt lời, mấy người da trắng cầm máy ảnh kia xoay đầu lại, nhìn thấy một cô gái người Hoa thì lại muốn chụp ảnh.

Cô theo bản năng che mặt mình đi, lại nghe Hồng Lương Sinh dùng tiếng Anh nói với mấy người ở đằng sau, “Chụp hình con gái ở phố người Hoa, một tấm 100 đô la.”

Không có gì hiệu quả hơn tiền phạt. Vừa dứt lời, quả nhiên mấy người kia do dự dừng tay.

Hồng Lương Sinh giống cô, cũng sợ mấy người này đăng ảnh lên báo, bị người ở Vancouver nhìn thấy. Hoài Chân ngẩng đầu cười cảm kích anh ta, sau đó ôm cặp sách vội vã về nhà.

Mấy hôm nay, trên những mái nhà ở phố người Nhật đều treo cờ cá chép – Hoài Chân tình cờ trông thấy khi ngồi xe cáp đi ngang qua. Cô về nói lại chuyện này với Vân Hà, vậy mà cô ấy chỉ liếc một cái rồi không nói gì. Về sau cô mới biết hai người họ cãi nhau, nguyên nhân cũng là do Huệ đại phu rời khỏi phố người Hoa, khiến cô ấy vô cùng đau lòng.

Vậy mà Hayakawa lại nói, ông ấy nên đi sớm mới phải, nếu chậm chút nữa thì không biết đã chậm trễ bao nhiêu tính mạng người ta.

Vân Hà kinh hãi ngây người, nói vì sao cậu lại phát biểu như thế?

Hayakawa vô cùng thiết thực trả lời, đây là sự thật. Sớm muộn gì y học truyền thống gì cũng bị y học hiện đại thay thế, phương Tây đã trải qua việc đó một lần rồi.

Vân Hà lại châm chọc, dân tộc trải qua sự kiện Minh Trị Duy tân đúng là thực dụng hơn hẳn dân tộc bị thua trong biến pháp Mậu Tuất*, phải bỏ chạy đến Bắc Mỹ.

(*Biến pháp Mậu Tuất: cuộc cải cách năm Mậu Tuất, theo đường lối tư bản chủ nghĩa do Khang Hữu Vi đề xướng dưới thời vua Quang Tự nhà Thanh, năm Mậu Tuất 1898.)

Hayakawa nói, chỉ bàn về chuyện này thôi, đừng có kéo mâu thuẫn dân tộc vào, như thế không tốt cho ai đâu.

Vân Hà càng nói càng tức, lời nói ra càng không được cân nhắc kỹ càng: Rốt cuộc có phải cậu định khen ngợi Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á* nổi tiếng của các cậu không?

(*Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á là một khẩu hiệu được chính phủ và quân đội Đế quốc Nhật Bản đề xướng trong thời kỳ Chiêu Hòa, thể hiện khát vọng tạo ra một “khối các quốc gia châu Á do Nhật Bản lãnh đạo và không phụ thuộc sức mạnh phương Tây”.)

Hayakawa tự biết giờ nói gì thêm cũng sai, bèn im lặng.

Vì chút chuyện này mà hai người cãi nhau, suốt cả một tuần không gặp nhau, cũng không ai để ý đến ai.

Con người cô ấy không giận thì thôi, một khi đã giận thì chẳng thèm để ý tới ai. Lấy cớ ở trường có tiết học buổi chiều nên cuối tuần cũng không về nhà.

Hoài Chân ở nhà hai hôm, tới chiều Chủ nhật lúc rời đi, A Phúc và La Văn đã chuẩn bị sẵn cho cô hai túi to, đựng đầy cải trắng cải xoăn được vận chuyển từ trong nước đến.

La Văn không ngừng nhét đồ vào túi, luôn miệng nói: “Tự hai đứa lo liệu việc nhà được không? Thịt thà trứng cá ở siêu thị khá rẻ, sáu quả trứng là mười lăm cent, dầu là ba mươi cent một kg, thịt cũng không đắt, nhưng các con phải nhớ rửa kỹ trước khi ăn đấy. Còn rau vừa không tươi lại còn đắt, một bó cải trắng những tám xu. Người Mỹ không thích ăn rau, thói quen này đúng là xấu. Thịt có thể ăn ít, nhưng không thể không ăn nhiều rau được.”

Hoài Chân luôn miệng vâng dạ, thấy mấy thứ này thì cảm thấy khó khăn, bởi vì hôm nay cô không đi xe cáp quay về, mà là Lê Hồng đạp xe đến đón cô. Cô ấy không thi đậu vào trường cấp ba, cho nên nghỉ hè đã về Việt Nam một chuyến, tới khi trở lại thì vào trường y tá, lúc rảnh rỗi có thể chạy việc vặt cho nhà, thế nên cô ấy mới mua xe đạp, thường xuyên đến trường tìm Hoài Chân, sau đó cùng đến đại học Nghệ thuật tìm Seol Rae. Hễ có giờ học phác họa cơ thể người là Seol Rae sẽ gọi hai cô đến lớp, cùng ngắm nghía người mẫu nam khỏa thân đứng trên bục giảng tạo dáng cho giáo sư giảng bài, hoặc là để sinh viên ngồi dưới vẽ theo. Cuối tuần này cô ấy cũng đến đây, bởi vì trường y tá được nghỉ do bão, mọi người đã hẹn sẽ về nhà trọ nấu lẩu bò viên ăn.

Hoài Chân nghĩ, xách nhiều đồ thế này mà lại để Lê Hồng cưỡi xe đạp chở cô lên xuống dốc ở thành phố San Francisco, không biết sẽ mệt thế nào nữa, thế là cô bảo dì Quý đừng cho thêm đồ vào nữa, nói thứ bảy sẽ về đem đi.

A Phúc nghe cô nói thứ bảy mới về, thì lập tức lấy một con diều giấy cao cỡ một người khí thế như thật ra, nói là của Tiểu Lục gia làm, bảo cô nhớ đem theo. Vì nghe nói tối thứ năm cơn bão sẽ đổ bộ, treo con diều đầu rồng khảm răng cá mập này lên cửa sổ thì có thể trừ tà trấn sát.

Ngày trước nghe già Huệ nói, lúc Hồng gia còn sống từng mời người quẻ que cho sáu cậu con trai, năm người đầu đều có mạng giàu sang, chỉ có mỗi cậu sáu là người kỳ lạ có mạng côn bằng, trong mệnh có kiếp. Chân long đã qua, như rồng bay trên trời, như vì sao di động.

Còn nói lúc trước Hồng gia quyết định cứu Tiểu Lục gia cũng là vì lời nói này —— Không được giết người kỳ lạ, giết sẽ thành người trời.

Hoài Chân nhớ lại cái hôm Hồng Lương Sinh thả diều ở đầu đường, trong sự tùy tiện có khí phách càn khôn, đúng là cũng ứng với kiếp đấy chứ.

Trước khi ra ngoài, A Phúc sực nhớ ra điều gì đấy, vội vã đuổi theo hỏi cô thứ sáu này có thể về được không, bởi vì thím Lục nói Trần Thiếu Công ở đội thủy quân lục chiến xin nghỉ về, thứ sáu sẽ tới thành phố San Francisco.

Hoài Chân hỏi, không đi có được không? Đến con còn không tự lo xong đây, muốn học hành nghiêm túc đã.

A Phúc lại bảo, chàng trai kia về tìm con, con có thể nói như vậy sao?

Hoài Chân bất đắc dĩ, nói chú Quý à, chú đừng nói nữa…

A Phúc cười, giấu ai được chứ không giấu được chú Quý đâu, có ai không biết cuối tuần nào cũng về, nhiều lần không chịu hỏi, thế con không muốn hỏi chú dì có nhận được cuộc gọi nào tìm con không hả?

A Phúc thấy cô giận thì bảo, người ta đến cũng đến rồi, chỉ đi ăn bữa cơm thôi mà, không có chuyện gì đâu. Đến lúc đó chú sẽ bảo cậu ấy tới phố Lombard tìm con, nói là nhà có treo đầu rồng kia. Con gọi Vân Hà đi cùng đi. Không hợp thì làm bạn cũng được.

Hoài Chân không đồng ý cũng không từ chối. A Phúc giúp cô ôm một đống đồ đi ra khỏi phố người Hoa, nhìn Hoài Chân ngồi lên xe đạp mới yên tâm.

Lê Hồng thấy cái đầu rồng to đùng kia thì dọc đường đi cứ cười ngất, nói nếu để người da trắng nhìn thấy rồng dữ phương Đông, không biết có bị dọa chết không?