Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 230: Lửa thiêu Đổng hoạn (1)




Tùng Giang tri phủ Hoàng Quốc Đỉnh đợi sau khi các sinh đồ giải tán về hết, bèn nhanh chóng ngồi kiệu đến Đổng phủ thăm thầy Đổng. Hôm trước Hoàng Quốc Đỉnh vẫn còn đi ngang qua Đổng phủ, vậy mà chỉ cách có hai ngày cảnh tượng đã có sự thay đổi lớn đến như vậy. Ngày trước nô bộc đông đúc, thật đúng là cảnh tượng của một gia đình quyền quý; bây giờ thì lạnh lẽo như thể miếu hoang vậy. Trời đã tối đen đến lúc phải thắp đèn lên rồi, nhưng trong phủ đèn đóm le lói, Đổng phủ rộng lớn là thế mà giờ đây tựa như vườn hoang nhà trống.

Con trai thứ ba của Đổng Kỳ Xương là Đổng Tổ Hòa ra đón Hoàng Quốc Đỉnh vào. Đổng Tổ Hòa vốn không biết ăn nói, gương mặt hiện rõ sự lo lắng. Đổng Tổ Hòa rước Hoàng Quốc Đỉnh vào trong phủ gặp cha gã đang ở trong phòng ngủ. Hoàng Quốc Đỉnh nhìn thấy Đổng Kỳ Xương đang nửa nằm nửa ngồi trên một chiếc giường khảm đồi mồi, bên cạnh ngoài hai tỳ nữ ra còn có đường huynh (anh họ) của Đổng Kỳ Xương tên là Đổng Càn Am. Đổng Kỳ Xương mặt mũi xám ngoét vừa nhìn thấy Hoàng Quốc Đỉnh liền nước mắt lưng tròng, bi thương nói:

- Đôn trụ huynh, Đổng mỗ nào có tội tình gì, sao lại phải chịu cái họa này? Con ta cho dù có mắc chút sai lầm, nhưng đều là có công danh cả, nay lại phải bị bắt trói đến gặp quan, Đổng mỗ chết không nhắm được mắt! Hoàng Quốc Đỉnh vội vã chạy đến nắm lấy tay của Đổng Kỳ Xương, ngồi xuống chiếc đôn bên cạnh giường, an ủi nói:

- Xin thầy đừng quá lo lắng, trước mắt hai thế huynh vẫn ổn cả, cũng chưa bị tống giam vào ngục, đều ở trong nhà giam chờ xét hỏi thôi. Học trò đã dặn dò rồi, đám sai dịch không được phép vô lễ.

Đổng Kỳ Xương không thể nghe thêm được nữa, tức giận nói:

- Tên Trương Nguyên vùng Sơn Âm thực là độc ác, chỉ vì có hiềm khích cũ với Tổ Thường mà hắn cổ động sinh đồ và dân chúng vu cáo cho Đổng mỗ là ác nhân của ba huyện, khuấy động dân chúng, bắt ép quan phủ, người như hắn lẽ nào không đáng bị bắt sao?

Hoàng Quốc Đỉnh khó xử nói:

- Thưa thầy, cái tên Trương Nguyên đó cực kỳ giảo hoạt, hắn không để lại chút sơ sẩy nào. Hai người Lưu Đồng tri, Tưởng Thông phán hồ đồ, bị Trương Nguyên lợi dụng. Học trò không thể định tội Trương Nguyên được, hơn nữa hắn lại là sinh đồ của Chiết Giang.

Đổng Kỳ Xương phẫn nộ tột độ:

- Trương Nguyễn đã hủy hoại cả nhà Đổng thị rồi! Hai đứa con trai của ta bị bắt nhốt, đám tiện nô tiện tì kia cho rằng Đổng thị đã lâm vào cảnh đường cùng nghèo khó, bèn nổi lòng tham, chúng ăn trộm của cải rồi lén lút trốn đi, đã có đến mấy chục tên rồi. Còn nữa, ta vừa lệnh cho người đi kéo con thuyền bị chìm lên bờ thì mới biết mười hai hòm gỗ lớn trên thuyền đã không cánh mà bay, toàn bộ sưu tập và quá nửa gia tài của Đổng mỗ đều ở trong đó. Thế này thì có khác gì soát nhà đâu? Đôn Trụ huynh, Đổng mỗ phạm tội gì mà đến nỗi bị soát nhà, quốc pháp ở đâu? Thiên lý ở đâu?

Hoàng Quốc Đỉnh ngậm ngùi không nói lời nào, đối với thầy Đổng y đúng là lực bất tòng tâm. Đừng nói là bắt Trương Nguyên, cho dù là hai người Đổng Tổ Nguyên và Đổng Tổ Thường y cũng không dám bao che. Cái chết của Phạm Sưởng khiến cho dân chúng vô cùng phẫn nộ, không xử lý khéo thì cảnh tượng dân chúng bao vây Đổng thị sẽ lại tái diễn tại nha môn phủ Tùng Giang . Đường huynh của Đổng Kỳ Hưng, Đổng Càn Am nói:

- Hoàng phủ tôn, Tổ Nguyên, Tổ Thường xin Hoàng phủ tôn quan tâm chiếu cố hơn.

Hoàng Quốc Đỉnh nói:

- Nếu hai vị thế huynh chịu thẩm vấn ở Tùng Giang thì sẽ rất bất lợi, học trò cho rằng, đưa hai vị thế huynh tới Nam Kinh chắc hẳn sẽ tốt hơn.

Đưa tới Nam Kinh có nghĩa là áp giải bọn chúng đến Bộ hình tại Nam Kinh để thẩm vấn. Hoàng Quốc Đỉnh là muốn trốn tránh trách nhiệm. Nếu như Đổng Tổ Nguyên và Đổng Tổ Thường chịu thẩm vấn tại Tùng Giang, y không thể xử nặng, xử nhẹ thì y lại không dám, tiến thoái lưỡng nan. Nhưng đối với Đổng Kỳ Xương mà nói, áp giải hai đứa con trai đến Nam Trực Lệ thẩm án thì bất luận phán quyết như thế nào cũng sẽ khiến cho thanh danh của lão bị hủy hoại, hổ thẹn với sĩ tử trong thiên hạ.

Đổng phủ rất tĩnh lặng, mấy người trong phòng ngủ đều trầm ngâm không nói, chỉ có tiếng thở dốc dồn dập của Đổng Kỳ Xương. Đổng Kỳ Xương nói:

- Đôn Trụ huynh, chẳng nhẽ không còn cách nào sao?

Hoàng Quốc Đỉnh nói:

- Thưa thầy, không phải là học trò không tận tâm, đám sinh đồ kia chúng tuyên bố rằng sẽ ngày ngày theo dõi vụ án này, khắp ba huyện Tùng Giang, đến cả đàn bà con nít cũng đều biết chuyện. Hơn nữa những người đến tố cáo quý phủ ngày càng đông, điều này là rất bất lợi cho hai vị thế huynh.

Đổng Càn Am nói:

- Bọn sinh đồ kia can dự vào việc công, Hoàng phủ tôn có thể dựa vào văn bia của Thái tổ để phạt bọn chúng, ắt hẳn chúng sẽ không dám làm loạn.

Hoàng Quốc Đỉnh thầm nghĩ: “Ngươi nói thật dễ dàng, bọn sinh đồ đó không phải chỉ một hai tên mà là hàng chục tên, lại còn thêm cả đám đông dân chúng đang theo dõi vụ án này. Khổ chủ cũng không phải chỉ có thân quyến của Phạm Sưởng mà còn có Thanh Phổ Lục thị, hàng chục hộ dân ở Cầu Trường Sinh Hoa Đình, sinh đồ Thượng Hải, sinh đồ Kim Sơn Vệ, tất cả đều đoàn kết lại tố cáo Đổng thị”, y bèn nói:

- Càn Am công, hiện giờ chuyện sinh đồ can dự công sự là rất phổ biến rồi, muốn trừng trị bọn chúng thì phải có chứng cớ, có lý lẽ. Chuyện ngày hôm nay, vì do người nhà của Phạm Sưởng cầm đầu, tên quan hồ đồ Lưu Đồng Tri cũng tham gia, hơn nữa sinh đồ và bách tính lại chưa có hành động quá khích, thật là khó trị tội bọn chúng.

Đổng Kỳ Xương trầm ngâm một lúc rồi đột nhiên nói:

- Nếu bọn chúng có những hành động quá khích, thì Đôn Trụ huynh có thể trị tội chúng được đúng không?

Hoàng Quốc Đỉnh không hiểu rõ ý của Đổng Kỳ Xương nên không dám đồng ý.

Đổng Càn Am nói:

- Hôm nay ở giữa sông, thuyền đu bị rò nước, sắp chìm đến nơi. Bọn điêu dân đó ném đá như mưa, không cho thuyền cập bờ, đó chẳng phải là muốn ép chết cha con Huyền Tể hay sao? Đó chẳng phải là hành động quá khích ư?

Đổng Kỳ Xương xua xua tay, cười nham hiểm nói:

- Ta nói không phải là chuyện này, việc chìm thuyền nếu như có án mạng mới được coi là quá khích, Đôn Trụ huynh, huynh nói phải vậy không?

Hoàng Quốc Đỉnh ậm ừ.

Đổng Kỳ Xương lệnh cho thị tỳ đứng bên cạnh ra ngoài, Đổng Tổ Hòa cũng ra ngoài. Trong phòng chỉ còn có ba người: lão, Hoàng Quốc Đỉnh và đường huynh Đổng Càn Am. Đổng Kỳ Xương nói:

- Đôn Trụ huynh, đây là Chiết Đảng của phe Trương Nhữ Lâm muốn dồn ta vào chỗ chết, Chiết Đảng lo lắng rằng một khi Đông cung kế ngôi thì Chiết Đảng bọn chúng sẽ thất thế. Giờ đây Vạn Lịch Hoàng đế tuổi đã cao, các đảng phái trong triều tranh đấu nhau ngày càng khốc liệt. Bọn chúng muốn đối phó với Đổng Kỳ Xương ta để thăm dò, nếu như chúng ta bất lực không phản kích lại được, thì ắt hẳn thế lực của Chiết Đảng sẽ ngày càng khoa trương.

Hoàng Quốc Đỉnh không dám ngắt lời, trong lòng nghĩ: “Thầy Đổng nói vậy là ý gì? Chẳng nhẽ lại muốn cầu viện Đông cung. Đông cung vì không được hoàng thượng sủng ái nên những năm gần đây luôn cư xử hết sức cẩn thận, chỉ lo sợ có sơ sẩy gì thì cũng không khá hơn việc đưa Bồ Tát bùn qua sông là mấy. Chỉ đợi chờ cho đến ngày được kế vị mới có thể có ngày được rạng rỡ quyền uy. Hiện tại chắc chắn là lực bất tòng tâm.” Chợt nghe thấy Đổng Kỳ Xương hào hứng nói:

- Ngày hôm nay nếu như không có quyết tâm tráng sĩ tự chặt cổ tay, thì thật khó để thoát khỏi cảnh khốn quẫn này. Đợi cho đến nửa đêm, phủ đệ của ta sẽ bị đám điêu dân do Trương Nguyên cầm đầu phóng hỏa thiêu rụi, ha ha, đó chắc chắn được coi là hành động quá khích rồi đúng không? Gia tài, nô bộc của Đổng thị đã bị mất quá nửa, thế thì hãy cho nó bốn bề thiêu rụi, cháy sạch sành sanh luôn đi.

Hoàng Quốc Đỉnh rùng mình, trong lòng nghĩ đây quả là một kế hay có thể xoay chuyển tình thế biến bại thành thắng, chỉ có điều chuyện bùng nổ ra thì rất bất lợi cho tiếng tăm chính trị của Tùng Giang tri phủ là y. Nhưng sự việc đã náo loạn lên rồi, việc xử lý vụ án hai thiếu gia Đổng thị như thế nào khiến y rất đau đầu. Nếu mượn chuyện phóng hỏa thiêu rụi Đổng phủ để thẳng tay trừng trị những sinh đồ và điêu dân có liên quan thì sau này khi hành sự sẽ không bị những sinh đồ này cản trở, y bèn nói:

- Vậy học trò xin về trước chuẩn bị, đợi cho bên Đổng phủ bị cháy sẽ lập tức truyền lệnh cho nha dịch đi bắt bọn Trương Nguyên, ít nhất cũng phải tước được công danh của Trương Nguyên.

Đổng Kỳ Xương bảo đường huynh Đổng Càn Am tiễn Hoàng Quốc Đỉnh ra khỏi phủ, lúc này đã trống canh hai. Đổng Kỳ Xương đau ốm nhưng vẫn gắng gượng triệu tập người nhà thân cận, lệnh cho bọn chúng thu dọn những thư họa và đồ cổ cất giữ trong Huyền Thưởng Trai và Họa Thiền thất chờ mệnh lệnh. Gạo thóc, lúa mì cất giấu ở kho gạo phía tây chuyển đến tòa nhà phía đông, chuẩn bị dùng chiếu lau châm lửa đốt cháy kho gạo, đốt lửa từ hướng tây sang hướng đông, như vậy có thể thuận tiện cho việc di chuyển của cải đồ đạc quý giá và thóc gạo sang bên dinh thự của Đổng Tổ Hòa ở phía đối diện. Đổng Càn Am lo lắng nhiều người biết sẽ làm lộ chuyện, Đổng Kỳ Xương cười nham hiểm nói:

- Lúc này là lúc nào rồi, dù cho có bị lộ chuyện thì đã sao, chỉ cần lửa cháy, bọn Trương Nguyên sẽ khó đường chối cãi, ta cần bằng chứng thép là nhà cửa đã bị thiêu rụi.

Lão nghĩ một lúc rồi nói nhỏ:

- Nếu như không có người thương vong thì sự tình không coi là lớn được, cẩn tắc vô áy náy, hãy cho người đi trói Tông Dực Thiện và cha mẹ hắn, vứt vào trong kho gạo. Tên nô bộc đó đã làm xấu mặt ta, nhân cơ hội này mà thanh toán hắn.