Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 233-2: Họa quạt xếp (2)




Trời chập tối, ba mươi chư sinh Hoa Đình ra mặt thỉnh ba huynh đệ Trương thị đến Vọng Hải lầu dự yến tiệc. Trương Nguyên trổ tài giao tế, gặp và nghe tên người nào hắn cũng nhớ rõ, khiến những người tiếp xúc với hắn cảm thấy Trương Nguyên rất xem trọng mình. Đây không chỉ là khách sáo có lệ, ma lực giao tế của Trương Nguyên quả thực khuynh đảo người khác.

Ở tửu lầu, chư sinh đàm tiếu chuyện hôm nay, kể rằng buổi sáng có một lão sinh Thượng Hải đến Hoa Đình. Vị này vẫn chưa biết chuyện đảo Đổng, tay cầm phiến quạt giơ lên che nắng, trên mặt có đề tự của Đổng Kỳ Xương. Đột nhiên có kẻ đoạt đi rồi xé rách quạt, vị này nổi giận muốn tóm kẻ nọ đến gặp quan, kẻ nọ la hét sinh đồ Thượng Hải này là thân thích của Đổng Kỳ Xương, lập tức có người vây quanh vị này đánh tơi tả, còn xé nát cả y phục. Qua đó có thể thấy danh tiếng của Đổng Kỳ Xương thối đến mức nào, hiện nay cáo trạng phụ tử Đỏng thị ở phủ nha Tùng Giang và huyện nha Hoa Đình đã chất chồng thành đống, thù cũ hận mới phải cùng thanh toán triệt để.

Sinh đồ Thượng Hải Phan Nhược Phủ ngồi đó, bật cười nói:

- Thượng Hải hẻo lánh, còn đem cả chữ của Đổng Kỳ Xương làm bảo vật.

Phan Nhược Phủ mời bọn người Trương Nguyên đến Thượng Hải một chuyến, cùng gặp gỡ với chư sinh ở đó. Phan Nhược Phủ là con cháu danh môn, tổ phụ Phan Doãn Đoan của y từng nhậm chức Bố chính xứ Tứ Xuyên, sở hữu lâm viên “ Dự Viên” có tiếng nhất Tùng Giang. Trương Nguyên nghe thấy Dự Viên liền đáp ứng lời mời, hắn còn dò hỏi có thể mở một buổi nhã giao với chư sinh ở Dự Viên hay không, Phan Nhược Phủ vui vẻ đồng ý, hẹn ngày hai mươi ba tháng này tụ hội tại Dự Viên.

Sáng sớm ngày hai mươi mốt tháng năm, Trương Nguyên lệnh cho Lục Đại Hữu và Mục Kính Nham dùng thuyền chở mười chiếc hòm gỗ bị khóa đó trở về Thanh Phổ, giao cho tỷ tỷ Trương Nhược Hi bảo quản. Trương Nguyên đương nhiên không khách khí tự coi mười chiếc hòm bảo vật này là của riêng. Chẳng lẽ biết rõ ràng trong chiếc thuyền bị chìm đó có tiền của mà lại để mặc cho người khác vớt lấy hay đợi cho Đổng thị đến mà vớt lên mang về?

Trương Nguyên cũng để cho phụ mẫu của Tông Dực Thiện đi cùng với Lục Đại Hữu tới tạm trú ở Lục gia tại Thanh Phổ. Lục Thao còn có bức thư gửi cho phụ thân Lục Triệu Thân, nội dung chắc hẳn là thông báo cho lão phu biết rằng việc cứu nhị đệ Lục Dưỡng Phương đã có hy vọng, mong cao đường yên lòng.

Hai ngày hôm nay ở Tùng Giang phủ nha và Hoa Đình huyện nha cáo trạng ngút trời, những người tố cáo tội ác của Đổng thị ùn ùn kéo đến. Hoa Đình Đổng thị hiện giờ như con chuột chạy trên đường phố, đi đến đâu cũng bị người ta hò hét đánh đuổi, hoàn toàn không có bất cứ một biện pháp phản kháng nào. Bởi lẽ Đổng thị không có người tâm phúc. Đổng Tổ Thường và Đổng Tổ Nguyên bị bắt giam trong nhà lao bất lực chờ đợi phụ thân đến giải cứu. Hơn nữa theo như bọn nô bộc trốn thoát khỏi Đổng phủ nói, Đổng Kỳ Xương từ cái đêm bị ngã kiệu cho đến nay vẫn nằm bất động trên giường, vẫn đang mời thầy lang đến trị bệnh, có giữ được mạng sống hay không vẫn còn khó nói. Con trai thứ ba của Đổng Kỳ Xương là Đổng Tổ Hòa thì ru rú trong nhà, đóng cửa trốn tránh tai họa. Còn về những người họ hàng thân cận khác trong Đổng phủ, Đổng Kỳ Xương đã nằm liệt giường rồi, bọn họ còn có thể làm được trò trống gì nữa? Ngay cả bọn nô bộc trong nhà ra đường mua sắm đều bị người dân châm chọc khiêu khích, thậm chí còn bị đánh chửi. Điều này khiến cho đám nô bộc của Đổng thị cảm thấy vô cùng uất ức, mới có vài ngày mà khác biệt một trời một vực. Trước kia làm nô bộc của Đổng phủ thì diễu võ dương oai ỷ thế hiếp người, bây giờ thì giấu đầu thụt đuôi mặc cho người khác bắt nạt, thế này thì ai chịu được, bởi thế bọn nô bộc bỏ trốn ra ngoài rất nhiều...

Trương Nguyên hôm nay vẫn rất bận rộn, ban sáng cùng với chư sinh huyện Hoa Đình và Thanh Phổ tới Phạm phủ phúng viếng Phạm Sưởng. Buổi chiều phải đi gặp những hộ dân ở bên cầu Trường Sinh đã bị Đổng Tổ Nguyên chiếm nhà. Những hộ dân này mang theo con cái đến kể nghèo kể khổ. Trương Nguyên lệnh cho Lai Phúc và Vũ Lăng căn cứ theo mức độ nghèo khó của họ mà cấp phát mười lượng, hai mươi lượng bạc tiền cứu tế. Trong cuốn tiểu thuyết của Phùng Mộng Long “ Tỉnh Thế Hằng Ngôn “ có nhân vật người bán dầu tên là Tần Trọng, đã dùng ba lượng bạc làm vốn mà có thể xây dựng được một cơ ngơi bán dầu, cho nên những hộ dân này được phát cho mười lượng, hai mươi lượng bạc làm vốn là cũng đủ để buôn bán nhỏ nuôi sống cả nhà rồi.

Lai Phúc mua một ít lương thực và thịt, rau mang đến biếu mẫu thân của Uông Đại Chùy, còn để lại cho bà năm lượng bạc, hơn nữa còn nói với bà con láng giềng không được bắt nạt Uông mẫu, rằng đó là Sơn Âm Trương công tử nói vậy. Niệm tình Uông Đại Chùy hiếu thảo, nên muốn chăm sóc cho Uông mẫu một chút, bà con láng giềng xung quanh tất nhiên là liên tục nói: “Không dám, không dám”, trong lòng nghĩ Uông Đại Chùy đã thành thật khai báo chắc hẳn sẽ sớm được tha, bọn họ sao dám bắt nạt ức hiếp Uông mẫu.

Ban tối rỗi rãi, Trương Nguyên còn phải bình luận bát cổ văn. Trương Đại, Dương Thạch Hương và Tông Dực Thiện từ năm trăm quyển đã chọn ra được một trăm hai mươi quyển. Trương Nguyên mời Tông Dực Thiện cùng hắn mỗi người bình luận sáu mươi quyển. Trong lúc Trương Nguyên làm việc, liên tục có chư sinh đến thăm hỏi, Trương Nguyên tai thì nghe khách nói, tay thì tiếp tục viết bình luận, giao tiếp sôi nổi, không có một chút sai xót nào, điều này khiến cho đám Dương Thạch Hương vô cùng khâm phục.

Sáng ngày hai mươi ba tháng năm, ngoại trừ một số ít chư sinh như Lục Thao, Kim Lang Chi và Lục Điều Dương phải có mặt ở phủ nha để theo dõi việc thẩm án, còn lại hai mươi chín sinh đồ Thanh Phổ, bốn mươi chín sinh đồ Hoa Đình và ba huynh đệ Sơn Âm Trương thị, tính người hầu kẻ hạ nữa là hơn hai trăm người, lần lượt lên sáu chiếc thuyền đu tại bến tàu Nam thành Hoa Đình, thuận theo khúc ngoặt sông Đại Hoàng Phố xuôi xuống phía đông, cuối giờ mão xuất phát. Chưa đầy một canh giờ đã tới huyện Thượng Hải, cập bến bờ trái lên bờ. Chủ nhân của Dự Viên là Phan Nhược Phủ cùng với hơn hai mươi sinh đồ Thượng Hải đang đứng chờ ở đó. Hôm nay bến thuyền Thượng Hải Đại Hoàng Phố có thể nói là vô cùng nhộn nhịp, khăn vẫy cờ bay, ngoại trừ khi Huyện phủ nho học hoặc thi hương, rất ít khi thấy có nhiều sinh đồ tập trung đến như vậy.

Từng vò từng vò rượu trắng Tô Châu được mang từ dưới thuyền lên, lại còn cả số lượng lớn những hoa quả, thức ăn và hàng chục hoàn chiếu, những thứ này đều là do Trương Nguyên nhờ người chuẩn bị. Bởi lẽ hắn nghe nói rằng Phan Nhược Phủ mặc dù là con nhà thế gia danh môn, nhưng những năm gần đây gia cảnh suy tàn, phải sống dựa vào ngân lượng có được do bán đất. Hôm nay tổ chức Dự Viên thịnh hội, tính cả người hầu thì tổng số người tham dự lên tới hàng trăm người, chỉ đơn thuần ăn uống nghỉ ngơi thôi cũng là một khoản tiền lớn, sao lại có thể để cho Phan Nhược Phủ một mình gánh chịu. Trương Nguyên gần đây có được chiếc hòm đựng tiền bạc của Đổng thị, ngoài việc cứu tế cho người dân bên cầu Trường Sinh ở Hoa Đình hết mấy trăm lượng bạc ra, vẫn còn lại hơn nghìn lượng, hắn lấy ra ba mươi lượng để tổ chức cho buổi tiệc này. Cho nên nói rằng bữa tiệc tại Dự Viên lần này là do Đổng Kỳ Xương tài trợ, Đổng Kỳ Xương mà biết chuyện ắt hẳn sẽ lại thêm uất hận.

Dự Viên được bắt đầu xây dựng vào năm Gia Tĩnh thứ ba mươi tám. Tổ phụ của Phan Nhược Phủ là Phan Doãn Đoan bị rớt thi hội, về quê xây dựng Dự Viên để chăm sóc vui vầy bên song thân. Khu vườn này mất hai mươi năm xây dựng, đến năm Vạn Lịch thứ mười mới coi như cơ bản xây dựng xong. Công trình này chiếm tổng diện tích là bảy mươi mẫu, đình đài lầu các, hành lang uốn khúc, kỳ phong sừng sững, có những hòn đá lạ kỳ xếp lởm chởm, ao suối róc rách cùng với hoa cỏ và cây cổ thụ thấp thoáng, quy mô rộng rãi, cảnh sắc quyến rũ. Dự Viên cùng với Chuyết Chính Viên của Vương Hiến Thần ở Tô Châu và Yểm Sơn Viên của Vương Thế Trinh ở Thái Thương được gọi là Đông Nam tam đại danh viện (ba khu vườn to đẹp và nổi tiếng ở Đông Nam).

Hơn một trăm chư sinh đi trên cây cầu gấp chín khúc, nhìn xuống dưới cầu hồ nước trong suốt và những bông sen nở sớm đầu tháng năm, nhìn bốn phía những đình đài lầu các mà khen ngợi không dứt. Trương Nguyên còn hơn vậy, tưởng tượng thời gian lùi về xưa bốn trăm năm, hắn mơ màng thấy mình đang dạo chơi Dự Viên, cảm giác ấy chẳng khác gì lúc này đây.

Phan Nhược Phủ dẫn chư sinh đi thăm quan xong, cuối cùng dừng chân ở Tam Tuệ Đường. Tam Tuệ Đường phía nam giáp với hồ lớn, trước mặt trồng cây tùng cối, gió ngoài hồ thổi vào mát mẻ. Nơi đây có năm phòng khách lớn, có thể chứa hàng trăm người trải chiếu ngồi, ngồi trong phòng có thể ngắm được ngôi đình ở giữa lòng hồ mịt mùng thoắt ẩn thoắt hiện như nổi bồng bềnh trên mặt hồ. Chư sinh đều khen không ngớt lời nói đây là một nơi lý tưởng để tổ chức những buổi tiệc như thế này. Bọn họ bàn bạc thời sự và văn bát cổ. Thời sự tất nhiên là nói về việc đánh đổ Đổng thị lần này. Chư sinh bàn bạc sôi nổi, đối với việc Trương Nguyên dự đoán được Đổng Kỳ Xương sẽ phóng hỏa đốt nhà hòng vu oan giáng họa cảm thấy hết sức kỳ diệu, thật đúng là tính toán nhiều thì thắng, tính toán ít thì thua.