Lộc Môn Ca

Chương 138




Tia nắng ban mai vừa lộ ra thì bóng đêm cũng lui theo. Vào sáng sớm gió lạnh thổi quân kỳ bay phần phật.

Vương Lệnh dẫn quân Minh chạy nhanh về phía trước sau đó ngước mắt nhìn về phía xa thì quả nhiên thấy đám quân Bình Hạ và Vinh tướng quân dẫn đầu đã bày trận ở bờ sông…… Thoáng nhìn qua thì một vạn đại quân như con rồng lớn trải rộng trên thảo nguyên mang đến cảm giác áp bách dị thường.

Điều ngoài dự đoán là trận pháp đang được dùng chính là cách thức phòng thủ chính thống của quân đội, tên là “Lưu sa” trận. Trong trận ác chiến mấy trăm năm trước trận pháp này nổi lên tác dụng quan trọng. Nhìn qua thì giản dị nhưng nó là trận pháp dễ thủ khó công…… Cho dù binh lực bên này hơn hẳn nhưng cũng khó có thể tất thắng trong thời gian ngắn.

Trận pháp này thất truyền đã lâu, vốn không mấy người hiểu được. Lão cũng chỉ tình cờ biết đến khi vơ vét được chút sách về kỳ môn của người Hán mấy năm trước. Trong lúc vô ý lão đã nhìn thấy trận pháp này ở trong một cuốn sách cổ…… Không ngờ đối phương cũng biết nó.

Nhớ năm đó Tây Bình lão hầu gia suất quân đánh tan quân Nguyên cũng dùng vố số trận pháp biến ảo. Lão hiểu rõ điều này nên càng thêm hối hận vì sao không lấy mạng người nhà họ Bình.

Kỳ thật trên đường tới đây lão đã liệu trước tình hình này. Để tránh phải mang tội là loạn thần tặc tử nên đám người Bình Dục sẽ dựa vào nơi hiểm yếu để chống lại. Nhưng lão cũng biết hai cánh quân chỉ có hơn một vạn, còn quân Minh mà lão có thì lên đến mấy vạn…… Mà lão cũng đặc biệt yên tâm vì cách đó hơn mười dặm có quân của Thản Bố đã chờ từ lâu…… Chỉ cần lão vừa ra lệnh là Thản Bố sẽ lĩnh quân tiến đến cùng lão bao vây tiêu diệt đám quân Minh bị lừa đến Bắc Nguyên.

Ngoài ra còn có ở Bá Nhan Thiếp Mộc Nhi ở Cam Châu cũng sắp phá được phòng thủ nơi đó…… Quân ở Liêu Đông cũng đã ác chiến lâu ngày, thắng lợi đã nằm trong tầm tay. Nếu tin tức hoàng đế và đám triều thần bị tiêu diệt tại đây được truyền ra thì sĩ khí của quân Nguyên ở khắp nơi sẽ càng thêm hăng hái. Đến lúc đó mấy vạn thiết kỵ của quân Mông Cổ sẽ như vào chỗ không người. Chỉ một tiếng trống của bọn họ ở đây là đủ để đánh tan phòng tuyến của Trung Nguyên.

Nói cách khác ngày bọn họ lấy lại non sông Hoa Hạ bị quân Minh cướp đã tới gần! Vì thời khắc này mà lão đã ẩn nhẫn mấy chục năm, thật vất vả mới nhìn thấy ánh rạng đông thì sao có thể để kẻ khác làm hỏng việc được.

Ý nghĩ dâng lên khiến lão hận không thể mọc cánh bay đi. Nhất định lão phải đánh đòn phủ đầu, mau chóng nghiền nát mọi người liên quan trước khi Bình Dục vạch trần thân phận lão trước mặt người khác.

Nhưng lão lại không nghĩ tới vì kéo dài thời gian nên đám Bình Dục đã bày ra “Lưu sa trận”. Mắt lão dần lộ ra một màu đỏ tươi đáng sợ, sau khi phóng đi được một đoạn thì sự vật trước mắt lão càng thêm sáng rõ. Chờ lão nhìn thấy rõ thần miếu cao chót vót giữa lòng sông thì trong lòng như bị búa tạ đánh trúng. Rốt cuộc lão chẳng còn kiên nhẫn nữa mà lập tức kéo cương khiến con ngựa tung hai vó trước vì cả kinh. Lão dừng ngựa nhìn chằm chằm phía trước.

Nhưng cổ quái là lúc này cửa miếu lại trống không, căn bản không thấy bóng dáng đám người Bình Dục đâu.

Lúc này hai bên chuẩn bị đánh nhau thế nên lão cũng không rảnh nghĩ nhiều mà trừng đôi mắt đỏ ngầu nhìn mấy vị tướng quân đang do dự phía trước quát: “Phản quân ở ngay trước mắt, các ngươi còn ngây ra đó làm gì? Còn không phá trận hình kia và tấn công đám quân phản loạn này cho ta.”

Nghe xong lời này thì không nói đến đám tướng sĩ mà một vài vị lão thần đều lộ ra vẻ do dự. Bởi vì dù bọn họ hoa mắt ù tai thì cũng nhiều ít biết được phẩm hạnh của mấy người Bình Dục. Trong lòng bọn họ biết những người này đều là người có tố chất lại trung nghĩa, bọn họ tuyệt đối không thể thông đồng với kẻ địch mà đầu nhập dưới trướng Thản Bố được.

Đáng tiếc là mọi mệnh lệnh đều cần Hoàng Thượng ra, có cho mấy người Bình Dục cơ hội giải thích hay không đều phụ thuộc vào hoàng đế.

Lúc này hoàng đế nhìn tòa miếu cổ kia, trên mặt là một mảnh hững hờ, đáy mắt lại giống như có một ngọn lửa nhỏ nhảy lên. Nói đến cũng kỳ quái, tuy hắn biết rõ Bình Dục tuyệt không phải kẻ thất tín bội nghĩa nhưng ý thức lại giống như bị một lực bên ngoài chia năm xẻ bảy không thể nào tập trung được. Hắn cũng mất đi tự tin phán đoán mọi việc trước mặt.

Trong lúc hoảng hốt hắn lại như thấy có kẻ nói nhỏ bên tai mình câu gì. Hắn miễn cưỡng chống đỡ tinh thần, không chút nghĩ ngợi ra lệnh: “Tấn công!”

Vừa dứt lời thì trên lưng hắn chợt lạnh, có chút hối hận nên vội muốn ngăn cản nhưng Vương Lệnh đã lạnh giọng quát: “Ngô hoàng có lệnh lập tức chém chết phản quân, không chừa một ai!”

Đại quân tuân lệnh, đang muốn chia làm ba đường bọc đánh đối phương, bày ra thế lưỡi dao cắt đứt “bụng’ của kẻ địch. Ai ngờ binh mã còn chưa động thì phía trước đã truyền đến những tiếng xôn xao. Vương Lệnh ngưng thần nhìn thấy có không ít người tràn ra khỏi miếu, chắc cũng tầm mấy chục người. Trong tay mỗi người đều cầm một ngọn đuốc đang cháy hừng hực, mặt mày nghiêm túc.

Có người đi xuống bậc thang sau đó phất vạt áo quỳ xuống cao giọng nói với bên này: “Thần cứu giá chậm trễ, khiến bệ hạ suýt bị kẻ gian của Thát Tử ẩn núp bên người làm hại. Mong bệ hạ không trách.”

Người này đúng là Bình Dục. Một lát sau Vinh tướng quân và Bình Hạ cũng đi ra.

Vừa thấy Hoàng Thượng, Vinh tướng quân không nhịn được rơi lệ, quỳ xuống lớn tiếng nói: “Hoàng Thượng, Vương Lệnh căn bản không phải người Hán, vạn mong Hoàng Thượng minh giám, chớ để tên Thát Tử lòng lang dạ sói kia che tai che mắt.”

Lời này quá mức khó tin, mọi người sợ hãi nhìn nhau. Rõ ràng lai lịch của Vương Lệnh đã được điều tra rõ ràng, đều có tư liệu ghi lại nói lão chính là người Hán, sao giờ lại đổi thành Thát Tử được?

Nhưng dù thế thì những nghi ngờ trong lòng mọi người vẫn như măng mọc sau mưa, sôi nổi dâng lên.

Vương Lệnh thì kinh hoàng, làm sao để cho mấy người Bình Dục nói tiếp. Lão lập tức cười lạnh nói: “Phản tặc cuối cùng đã xuất hiện, các ngươi còn thất thần cái gì? Để tránh bọn chúng tổn thương Hoàng Thượng thì mau đáp cung tên giết hết cho ta!”

Đúng lúc này lại thấy Cẩm Y Vệ phía sau Bình Dục tách ra, không biết bọn họ làm gì nhưng ngọn đuốc trên tay càng sáng hơn, giống như có thể đốt cháy ngôi miếu bất kỳ lúc nào. Vương Lệnh giống như bị véo trúng tâm mạch nên dù trong lòng cực hận nhưng vẫn e sợ Bình Dục đốt ngôi miếu kia. Lão không thể không quát bảo đám binh sĩ ngừng lại, ánh mắt âm trầm nhìn Bình Dục.

Lý Du ở một bên cười trào phúng nói: “Trong miếu là người nào trong lòng ngươi rõ nhất. Hẳn ngươi không đành lòng để di thể của kẻ trong miếu bị chúng ta đốt cháy đúng không?”

Giọng hắn cũng không lớn, lại cách khá xa nhưng không hiểu sao từng câu từng chữ lại chui hết vào tai mọi người. Lúc này Lý Du lại cười nói tiếp: “Bố Nhật Cổ Đức —— không, phải nói là Bố Nha Đặc, hậu duệ dòng chính cuối cùng của Thành Cát Tư Hãn ———— làm một vị Thái Tử mất nước có dễ chịu không? Mấy năm nay ngươi giấu giếm thân phận, nằm gai nếm mật, ngủ đông ở trong kinh nên hẳn đã chẳng còn để tâm đến những chuyện vụn vặt nữa phải không? Mất công ngươi có thể ẩn nhẫn lâu như thế, hai mươi năm sau ngươi còn thật sự thành công cùng Thản Bố nội ứng ngoại hợp gây tai họa cho giang sơn Đại Minh của chúng ta …”

Mọi người nghe được lời này thì lập tức ồ lên.

……

Phó Lan Nha ở cổ trong miếu cũng nghe được rõ ràng, nhưng trong lòng nàng vẫn canh cánh một nỗi vì sao khi nhìn thấy quan tài đặt trên mặt đất trong điện vừa rồi thì ngực nàng lại cảm thấy khó chịu.

Dưới sự phân tích của Bình Dục và Lục Tử Khiêm thì thi thể nằm trong quan tài kia quả là của vị Đại Hãn trứ danh nhiều năm trước. Trong điện còn có bức họa, sau khi đối chiếu thì rất có thể Vương Lệnh chính là hậu duệ của vị Đại Hãn kia.

Nhưng nàng không hiểu vì sao càng đến gần quan tài thì cảm giác khó chịu trong lòng nàng lại càng tăng lên.