Lương Ngôn Ác Ngữ

Chương 3: Hoàn




9

Tôi tỉnh lại khi

đang ở trên xe, xe đang đi trên một con đường xóc nảy.

Tay chân tôi bị trói, bị trùm trong một cái bao tải, ánh sáng từ bên ngoài hắt vào thành hình ô vuông, chiếu lên người trong xe.

Ngồi ở ghế trước là hai người đàn ông, một người lái xe và người kia ngồi ở ghế lái phụ.

Ở ghế sau là ba bao tải.

Khi tôi bị nảy lên rồi lại ngã trở lại chỗ ngồi của mình, tôi nghe thấy tiếng khóc thút thít của hai bao tải kia.

Tôi bị bán thật rồi.

Tôi nhanh chóng chạm vào cổ tay, chiếc đồng hồ đã biến mất.

Túi xách và điện thoại di động chắc chắn cũng không có trên người.

Cũng không biết bây giờ đang đi đâu, nhưng dù có đi đâu thì cũng đều là kết quả tồi tệ nhất.

Cơ hội tốt nhất để trốn thoát là trên đường đi.

Tôi không giãy giụa mà chỉ nằm im lặng nghĩ cách giải quyết.

Hai cô gái kia chắc là vừa mới ngủ dậy, còn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra nên vừa vùng vẫy vừa khóc.

Miệng tôi bị dán băng dính và tôi nghĩ họ cũng vậy.

Dù không nói được ra lời nhưng vẫn người phía trước vẫn cảnh giác: “Mẹ kiếp, tỉnh lại sớm vậy.”

“Đường còn dài, lại cho chúng thêm ít thuốc.”

Xe dừng lại, bao tải được cởi ra.

Người đàn ông phụ lái lắc lắc chai nước khoáng, túm tóc một trong hai cô gái rồi đổ vào miệng cô ấy.

Cô gái không chịu uống mà ra sức lắc đầu, hắn ta liền tát một phát vào mặt cô ấy.

Tôi nằm ngoan ngoãn và tiếp tục ngất.

Tuy thế, hắn vẫn rót cho tôi một chút, nhưng tôi đã kìm lại không nuốt.

Đợi hắn ta quay lại ghế trước, tôi lập tức nhổ nước ra.

Đi một lúc lâu, xe đi vào thị trấn, có thể nghe thấy tiếng ồn bên ngoài.

Trước khi xuống xe, bọn chúng lại ghé qua để kiểm tra xem chúng tôi đã tỉnh chưa.

Thấy không ai động đậy, chúng mới khóa cửa xe rời đi.

Đợi bọn chúng đi khuất, tôi thử gọi hai cô gái kia nhưng họ không động đậy chút nào.

Nút thắt trên tay và chân là nút thắt chết, càng giãy giụa càng bị siết chặt.

Tôi chỉ có thể úp mặt vào bao tải, ra sức ma sát để băng dính tách ra.

Mặt bị cọ sát đến tê dại nhưng băng dính chỉ bị bong một chút.

Lúc này bên ngoài lại có động tĩnh, hình như là một nhóm đàn ông.

Tôi nhanh chóng ngừng cử động và nằm xuống.

Những người đó càng ngày càng gần, chẳng mấy chốc đã ở trước xe.

Họ bắt đầu gõ cửa xe.

Có một tấm màng đen dán trên kính xe, bên ngoài không thể nhìn thấy bên trong, nhưng tôi có thể nhìn thấy họ một cách rõ ràng.

Họ đội những chiếc mũ màu xanh đậm với quốc huy màu vàng ngay trước mặt.

Tôi bật ngay dậy, ra sức đập đầu vào cửa kính xe, dùng hết sức phát ra tiếng để báo cho họ biết bên trong có người.

Kính xe bị đập bể, ba cái bao tải được lôi ra ngoài.

Khoảnh khắc tôi nhìn thấy bầu trời lần nữa, nước mắt của tôi chợt rơi xuống.

Kiếp trước cho đến khi chết tôi cũng chưa từng liên lạc với cảnh sát, khi bị La Minh chém vào mắt, trong lòng vẫn đang nghĩ, nếu có ai giúp tôi gọi cảnh sát thì tốt biết mấy.

Đời này sống lại, tôi thường xuyên tìm kiếm sự giúp đỡ của họ.

Sự thật đã chứng minh rằng họ thực sự có thể bảo vệ tôi.

Chúng tôi đã được giải cứu, xung quanh đều có camera, người lái xe chắc chắn không thể trốn thoát, dù Kiều Lôi có cách xa vạn dặm tôi cũng không thể lại bỏ qua cho hắn.

Tôi căng thẳng túm lấy một người nói: "Còn có một người..."

"Ý cô là Khương Sí phải không, cậu ấy không xảy ra chuyện gì."

10

Tôi bị đưa lên xe cảnh sát và được đưa đến một bệnh viện gần đó.

Sau khi kiểm tra cơ thể, tôi thực sự nhìn thấy Khương Sí.

Đầu tóc anh ấy rối bù, quần áo nhăn nhúm và đôi mắt vẫn đỏ hoe.

Anh ấy nhìn tôi chằm chằm hai giây rồi bật dậy từ dưới đất, lao tới ôm tôi vào lòng trước mặt rất nhiều người trong bệnh viện.

“Em không xảy ra chuyện gì, thật tốt quá, dọa chết anh rồi.”

Tôi cứng đờ tay, một lúc sau mới vỗ vỗ lưng anh, “Không ngờ anh đã thoát ra trước.”

“Anh lại hy vọng em có thể thoát ra trước, không, hy vọng em sẽ không bao giờ gặp nguy hiểm như vậy nữa.”

….

Chúng tôi đến đồn cảnh sát để khai báo.

Trên đường đi, tôi hỏi Khương Sí: "Chú cảnh sát nói, anh dẫn họ đến bắt Kiều Lôi?"

"Đúng vậy, khi ra khỏi thị trấn của em anh đã tỉnh rồi."

"Tại sao? Chúng ta đều cùng bị trúng độc mà."

Nói đến đây, tôi hỏi anh ấy, "Rốt cuộc là khí than có độc hay nước có độc?"

“Em ngốc thế, chúng ta lại không uống nước, chẳng lẽ ngửi chút mà có thể trúng độc à, chính là khí than có độc, sau đó cảnh sát đã kiểm tra ra trong xỉ than đá có một lượng lớn chất gây hôn mê.”

Căn phòng đó hoàn toàn không phải là nhà của ông lão nào, mà là của Khương Sí.

Mọi thứ bên trong đều được hắn chuẩn bị từ trước.

Trừ phi chúng ta không đi vào, nếu không hắn có rất nhiều cách để làm cho chúng ta không đi ra được.

Khương Sí nói: “Nếu hai chúng ta không bị ngất đi, phỏng chừng cũng sẽ bị hắn đánh bất tỉnh, dù sao hắn cũng sẽ không thả chúng ta đi.”

Tôi lại xin lỗi anh ấy: “Xin lỗi anh.”

“Không sao.” Anh ấy trả lời rất nghiêm túc: “Dù sao anh cũng đã ghi nợ rồi.”

Sau đó nói: “Không phải anh tự tỉnh, em quên rằng lúc quay về chúng ta đã lắp định vị trên người sao?”

Đúng vậy, lúc rời khỏi thành phố đang học, chúng tôi đã lắp định vị vào trong giày và điện thoại di động.

Vốn là để đề phòng bất trắc và có thể liên lạc với nhau, nhưng không ngờ Khương Sí còn đưa định vị cho một người anh em của mình.

Khi tôi đang nói chuyện với bạn học nữ trong căn phòng, anh ấy đã dùng điện thoại để gửi tin nhắn cho đối phương, nói rằng chúng tôi có thể sẽ gặp nguy hiểm, anh ấy sẽ gửi tin nhắn cho đối phương nửa tiếng một lần, nếu quá nửa tiếng mà không gửi nữa đối phương liền có thể báo cảnh sát.

Chỉ là anh ấy không ngờ rằng tôi và anh ấy sẽ bị tách ra đem đi.

Nửa giờ sau, cảnh sát thông qua định vị tìm được anh ấy trước.

Nhưng khi đang tìm tôi, phát hiện ra định vị của tôi chỉ được kết nối với điện thoại của Khương Sí, mà điện thoại của anh ấy đã sớm bị Kiều Lôi ném xuống sông bên ngoài thành phố.

Lúc tôi đang ở trong xe cố gắng tìm cách thoát ra, chú cảnh sát cũng chia thành hai nhóm, một bên thì thẩm vấn Kiều Lôi và bạn học nữ, một bên thì tìm cách giải quyết vấn đề định vị.

Vì vậy, việc tôi được cứu ở thị trấn không phải ngẫu nhiên, mà là họ đã đuổi theo tôi suốt chặng đường.

Khương Sí sờ vết thương bị dây thừng siết chặt đã bôi thuốc trên cổ tay tôi: "Nghĩ lại cũng sợ, về sau chuyện như thế này em không thể đi, cứ giao cho anh xử lý."

“Vẫn còn loại chuyện này nữa ư? Chẳng lẽ lần này Kiều Lôi vẫn có thể đi ra sao?"

11

Khi chúng tôi trở lại thị trấn, cuộc thẩm vấn Kiều Lôi đã kết thúc.

Tôi nghe chú cảnh sát nói rằng hắn đã khai báo mọi chuyện, hắn làm thế nào để lừa chúng tôi vào căn phòng, dùng phương pháp gì để làm chúng tôi hôn mê, và có bao nhiêu người mai phục ở dưới tầng.

Còn nói vì sao hắn hận tôi.

"Hắn nói là bởi vì em gái cô, hắn đối xử em gái cô rất tốt, hắn rất tức giận vì sau khi cô lên đại học liền không quan tâm em gái mình, cho nên mới nhất thời nông nổi."

Vậy ư?

Thế kiếp trước thì sao? Kiếp trước tôi nuôi con cho bọn họ, nhường cơ hội học đại học cho em gái tôi, không phải cuối cùng hắn vẫn giết tôi sao?

Cảnh sát cũng nói: "Hắn ta rõ ràng đã lảng tránh khi nói những lời này, các đồng nghiệp phụ trách thẩm vấn chỗ chúng tôi cũng đang điều tra nguyên nhân cuối cùng."

Tôi hỏi họ: "Tôi có thể gặp hắn ta không?"

Tôi đã gặp Kiều Lôi.

Trong phòng thẩm vấn, ngăn cách bằng một cánh cửa sắt.

Hắn ngồi trên một chiếc ghế đặc biệt, trên tay và chân đều đeo còng bạc.

Tôi đứng ngoài lạnh lùng nhìn hắn.

"Tôi đã nếm thử cảm giác bị bán. Đầu tôi bị chiếc bao tải trùm kín, tay chân cũng bị trói, sợi dây rất mảnh và nút thắt được thắt rất khéo léo, càng vùng vẫy thì nó càng siết chặt hơn, không bao giờ cởi được."

Kiều Lôi nở một nụ cười bi3n thái.

Cười xong, hắn đột nhiên thay đổi sắc mặt: "Mày làm sao có thể quay lại, mày đáng lẽ phải bị bọn chúng tra tấn, giày vò đến nỗi người không ra người quỷ không ra quỷ, bản thân không muốn sống nữa nhưng lại không thể chết nổi."

“Chắc vì tôi là một người tốt, vì vậy ông trời không nỡ để tôi chết."

Chiếc còng tay trong phòng thẩm vấn phát ra âm thanh leng keng.

Kiều Lôi muốn đứng lên, đáng tiếc ngay cả đứng cũng không đứng thẳng được, chỉ có thể cong người, giống như dã thú gầm gừ về phía cửa.

“Tao sẽ giết mày, La Tiểu Hoan, tao sẽ giết mày con đ ĩ đê tiện này.”

Tôi cắn chặt răng, móng tay c ắm vào lòng bàn tay.

Tôi phải bình tĩnh, không thể bị hắn ảnh hưởng, tôi phải biết nguyên nhân thực sự khiến hắn ta hận mình.

Kiều Lôi bị mắc kẹt, bị tôi kích động lẫn trào phúng, cuối cùng hắn ta không thể kìm nén được, nói ra lý do tại sao hắn ta nhất định phải giết tôi.

Hắn ta không chỉ muốn giết tôi mà còn muốn xem tôi và em gái tôi giết lẫn nhau, cuối cùng cho dù là ai sống sót, hắn sẽ ra tay thêm lần nữa.

12

Năm tám tuổi, tôi đang học lớp ba.

Là đứa trẻ có điểm số cao nhất trong lớp, về cơ bản mỗi lần kiểm tra toán và văn đều được điểm tuyệt đối.

Bạn cùng bàn của tôi là một bé gái giống như tôi, nhưng cô ấy rất thảm, lần nào cũng thi trượt.

Thầy của chúng tôi là một ông lão đã có tuổi, bình thường có thể coi là hiền lành nhưng lại thích đặt biệt danh cho học sinh, nhất là những bạn học kém, ông ấy còn có thể âm dương quái khí gieo vần chế giễu họ.

Em gái Kiều Lôi là Kiều Tiểu Hồng, là bạn cùng bàn với tôi.

Có một lần trong lớp, không biết là vì lý do gì, tôi và Kiều Tiểu Hồng xích mích với nhau.

Chỉ đẩy nhau trên bàn hai cái, chẳng có gì to tát cả.

Nhưng vẫn bị thầy nhìn thấy.

Tôi không nhớ ai là người có lỗi, nhưng giáo viên chỉ yêu cầu Kiều Tiểu Hồng đứng lên một mình.

Thầy nói trước mặt cả lớp: “Kiều Tiểu Hồng, tôi thấy em không ra cái thể thống gì, học thì không giỏi còn làm ảnh hưởng đến học sinh khác, sau này em đừng tên là Tiểu Hồng nữa mà đổi thành Tiểu Trùng đi. "

Từ đó, Kiều Tiểu Hồng liền bị cả lớp gọi là Kiều Tiểu Trùng.

Gọi như thế một khoảng thời gian, có học sinh cảm thấy không đã ghiền, bắt đầu nhét sâu bọ vào ngăn bàn của cô, còn viết ghi chú dán sau lưng cô.

Sau đó, có người chặn cô ấy trên đường đi học về.

Lúc ban đầu có lẽ cô ấy cũng phản kháng, nhưng có quá nhiều người muốn bắt nạt cô ấy, và giáo viên cũng không quan tâm.

Vì vậy sự phản kháng của cô ấy không những vô ích mà còn càng k1ch thích hứng thú từ những người đó.

Rồi đến một ngày, những người đó vậy mà lại đẩy cô xuống hồ nước bên ngoài trường.

Kiều Tiểu Hồng suýt bị chết đuối, cô không dám quay lại trường nữa mà cả người ướt đầm đìa trở về nhà.

Nhưng cô ấy lại không về được đến nhà.

Kiều Lôi nói: "Mày có biết em ấy đáng thương biết bao, em ấy chỉ mới tám tuổi. Em ấy ngoan ngoãn đi học, đã trêu chọc gì chúng mày? Nhưng em ấy lại bị đẩy xuống nước, em ấy ngoan ngoãn trở về nhà, nhưng lại bị bọn buôn người đem đi bán. La Tiểu Hoan, mày có dám nói rằng chuyện này không phải do mày không? Nếu không phải do mày thì làm sao em tao bị bạn học và giáo viên nhắm vào?"

Hắn đập mạnh xuống bàn, vặn người trên chiếc ghế chật hẹp.

Hắn gấp đến đỏ mắt, bộ dạng chỉ chực lao ra cắn tôi bất cứ lúc nào.

Nhưng hắn cuối cùng cũng không thể ra ngoài.

Sau khi Kiều Tiểu Hồng biến mất, Kiều Lôi, người 16 tuổi đã học nghề và làm công ở bên ngoài đã vội vã về nhà tìm kiếm cô ấy khắp nơi.

Để tìm được em gái, hắn bôn ba ở bên ngoài mấy năm trời, cứ nghe nói chỗ nào có bé gái tương tự liền vội vã chạy đến, bố mẹ hắn không những không giúp đỡ mà còn nói hắn vô công rồi nghề, cả nhà dứt khoát đi nơi khác làm ăn rồi đẻ con mới, không bao giờ liên lạc với hắn nữa.

Tôi không biết hắn đã chịu khổ và bị dày vò đến mức nào.

Chỉ biết khi hắn tìm được em gái, Kiều Tiểu Hồng đã bị cắt mất gân tay gân chân, làm hỏng mắt, biến cô thành người ngốc, cả ngày ngồi ăn xin trên con phố sầm uất.

Kiều Lôi đã không thể đưa cô ấy về nhà vì hắn còn chưa kịp báo cảnh sát những người đó đã giết cô ấy ngay trong đêm.

13

Khi tôi ra khỏi đồn cảnh sát, tay chân tôi bủn rủn.

Mặt trời mùa đông ảm đạm treo trên không trung, bầu trời xám xịt và ngột ngạt.

Khương Sí đến đỡ tôi, bị tôi hất tay ra.

Tôi trở về làng, hỏi các cụ già mới biết người thầy đã từng dạy chúng tôi đã qua đời vì bệnh từ lâu.

Ông ấy có lẽ cả đời cũng sẽ không bao giờ nghĩ rằng, ông đã làm tổn thương lũ trẻ chỉ bằng một câu nói.

Em gái tôi nghe nói Kiều Lôi ngồi tù và có thể sẽ không ra tù trong vài chục năm tới hoặc thậm chí cả đời, vì vậy cô ta đã ôm đứa trẻ đến tìm tôi tính sổ.

Tôi nói với cô ta rằng nếu cô ta muốn sống tốt, về sau đừng đến làm phiền tôi, tôi sẵn sàng bỏ tiền chu cấp cho mẹ con cô ta.

Cô ta cười như một kẻ điên: “La Tiểu Hoan, chị không cần dùng ánh mắt đáng thương đó nhìn tôi, chị có tư cách gì, chị là một tên trộm, chị đã lấy những thứ lẽ ra thuộc về tôi, bây giờ còn phải giả vờ như người tốt..."

Tôi không nghe cô ta nói hết, liền quay người bỏ đi.

Cô ta phát điên sau lưng tôi.

Vì động tác quá lớn của cô ta, đứa trẻ trong lòng cô ta ngã xuống đất, phát ra tiếng khóc rất lớn.

Không lâu sau khi tôi trở lại trường học, trưởng thôn gọi cho tôi và nói rằng em gái tôi đã làm một người bị thương trong thành phố và thậm chí còn cào vào mặt một cảnh sát khi cô ta bị bắt.

Sau đó, người ta phát hiện ra rằng cô ta có vấn đề về thần kinh, cô ta đã bị cưỡng chế đưa đến bệnh viện tâm thần.

Trưởng thôn hỏi tôi: “Đứa bé kia rất thông minh, cháu có muốn nhận…”

“Gửi nó vào cô nhi viện đi, cháu không có sức nuôi nó.”

Tôi sợ nuôi nó mười tám năm, sau đó sẽ lại chết dưới lưỡi dao của nó.

14

Trong suốt thời gian học đại học, tôi đã ủ rũ không vui vì chuyện của em gái mình và Kiều Lôi.

May mắn có giáo sư và bạn học giúp đỡ, tôi đã nhẹ nhõm hơn chút.

Trong khoảng thời gian này, người đã trả giá nhiều nhất chính là Khương Sí.

Thỏa thuận của tôi với anh ấy chưa bao giờ được hoàn thành.

Tôi chưa từng làm bạn gái anh ấy.

Nhưng khi tôi tốt nghiệp đại học, tôi nói với anh ấy: "Nếu anh không ghét bỏ em lòng dạ độc ác, em có thể cùng anh kết hôn."

Anh ấy sửng sốt một lúc, đột nhiên nắm lấy tay tôi: “Đi thôi, bây giờ đi đăng ký ngay lập tức.”

Tôi cười: “Gấp cái gì, anh nghiêm túc suy nghĩ một chút, em là người mà ngay cả em gái ruột và cháu trai ruột cũng không cần.”

“Đừng có nói nhảm với anh, lập tức đi đăng ký, sổ hộ khẩu của em đâu?”

Đăng kí xong, anh ấy vui đến mức ôm tôi xoay vòng vòng, một chân lại đá trúng giáo sư của tôi.

Giáo sư Tô có dáng vẻ hận sắt không thành thép: “Hai cái đứa này, chuyện lớn như vậy không nói cho người nhà biết sao?”

Khương Sí bế tôi chạy: “Cùng cô nói làm gì, cô không đồng ý à?”

Giọng nói của giáo sư Tô truyền đến từ xa: “Cô phải tổ chức hôn lễ cho các em, phải hồi vốn lại chút quà mừng gửi trước kia đã gửi cho người khác…”