Một Nét Son Tình

Chương 30: Cùng nhau trò chuyện




Thật ra Đông Cô đã lầm.

Không phải là An Kình không quan tâm đến bức tranh này, y đặc biệt quan tâm đến nó. Đêm qua, y đã cầm bức tranh vẽ Phật ấy ngồi suy nghĩ suốt một đêm.

Đây là cơ hội của y, một cơ hội duy nhất. Tuy mẫu thân cưng chiều y, nhưng tuyệt đối sẽ không cho phép y trao tim cho một người phụ nữ đã kết hôn. Hoàn cảnh hạn chế, thân phận hạn chế, gần như không một ai trong phủ có thể ủng hộ y. Nếu như mẫu thân không đồng ý, thì chuyện này căn bản sẽ không còn chỗ để thương lượng.

Trừ phi lão phu nhân lên tiếng.

Đã bao đêm An Kình ngủ không yên giấc, y nghĩ trước nghĩ sau, chỉ có mỗi cách này có thể thử. Lão phu nhân đã rũ bỏ thế sự làm bạn với đèn sách kinh Phật, nhưng ai ai cũng biết, bà cụ vẫn là người mang địa vị tôn quý nhất trong phủ, mẫu thân rất hiếu thảo, chỉ có bà cụ mới có thể ảnh hưởng đến quyết định của mẫu thân. Mà hơn nữa, điểm quan trọng nhất là, trừ việc thiền học và Phật học ra, lão phu nhân không quan tâm đến bất cứ gì khác, danh lợi địa vị đều bị cụ coi nhẹ. Chỉ có cụ mới có thể không để ý đến xuất thân, có thể chỉ nhìn vào con người hoàn chỉnh của Đông Cô để đánh giá.

Lòng dạ An Kình như thuỷ triều dâng, chỉ dám dùng bóng đêm để giấu đi cảm xúc thực thụ của mình, không dám nói với bất cứ một ai. Đông Cô thì cứ ngồi ngay trước mắt y, bình thản nói chuyện với y. Trái tim An Kình vừa vui sướng vừa đau khổ; vui sướng vì có thể nhìn thấy nàng, có thể luận thơ văn luận hội hoạ, nếm rượu thưởng thức trà; đau khổ vì bản thân y đã phải chôn dấu nỗi đau, bỏ biết bao nhiêu công sức, nhưng nàng không hề hay biết, trong y là tình dâng lai láng, nhưng không mở miệng nói ra được.

Từ khi sinh ra, cuộc đời An Kình luôn thuận buồm xuôi gió, bề trên ai ai cũng khen y xinh đẹp ngoan hiền chín chắn, bởi vì những gì y muốn, thật sự không nhiều. Từ lúc y bắt đầu có ký ức, y luôn không thích tranh quyền tranh thế, mỗi lần gặp tranh chấp, y liền trốn vào trong phòng của mình để đọc sách vẽ tranh, chưa từng nghĩ đến việc theo mẫu thân và các chị vào đấu đá trong triều đình. Hai người anh lớn của y đã được gả đi. Y nhìn họ trở thành người của gia đình người dưng, bắt đầu cuộc sống chẳng khác xưa là bao, trong lòng không vui không buồn. Từ nhỏ mẫu thân đã yêu thương y, bà đã từng hỏi y muốn được gả cho loại người như thế nào. An Kình nhớ lúc ấy y đã nói, tuỳ theo sắp xếp của mẫu thân. An Kình lặng lẽ nhìn người con gái trước mặt mình. Mẫu thân, nếu như con nói con muốn gả cho nàng, liệu người có đồng ý không.

Dùng xong bữa trưa, An Kình mời Đông Cô vào trong thư phòng ngồi.

"Thành phẩm tuy không ít, nhưng chưa từng được thấy cô thật sự vẽ, hôm nay cô cho ta được học hỏi một phen nhé."

Đông Cô bật cười, "Sao lại chưa thấy chứ, lúc dâng lễ vật ngài không tin tôi, lần đầu gặp mặt bảo tôi phải vẽ ngay tại chỗ một bức tranh, ngài quên rồi sao?"

"Đông Cô nói oan cho ta rồi." An Kình dẫn Đông Cô vào thư phòng trong viện, "Hôm ấy là công tử của Chương gia đề nghị khảo nghiệm cô, ta không nói một câu nào."

"Không nói không phải là ngầm đồng ý sao?"

An Kình quay đầu, "Không phải, là đang nghĩ cách gạt bỏ như thế nào."

Cái quay đầu ngước mắt này khiến cho Đông Cô thấy được một vẻ tinh nghịch hiếm hoi trên con người của y. Thật ra nếu tính theo tuổi, thì ở thế giới của Đông Cô, An Kình vẫn còn là một đứa trẻ cơ mà. Nghĩ đến đây, Đông Cô cảm thấy thoải mái trong lòng, trở nên nhẹ nhõm hơn nhiều.

Thư phòng được bài trí thoáng đãng, nhỏ nhưng nhã. An Kình mở cửa sổ của thư phòng ra, nói với Đông Cô, "Đây là nơi ta đọc sách và luyện chữ khi còn nhỏ."

"Không gian yên vắng, thanh tịnh và trang nhã, là một nơi tốt để học tập."

An Kình cười nhạt, "Phải, từ nhỏ ta đã thích căn phòng này, mỗi ngày phần lớn thời gian đều ở đây. Những ký ức của tuổi thơ đại đa số đều thuộc về nơi này." Y bước đến trước chiếc bàn, chuẩn bị giấy bút, "Khi lớn rồi cũng vẫn vậy, nghĩ cho cùng thì chỉ có nơi này mới làm lòng ta yên lắng, bố trí của căn phòng cũng nhiều năm rồi chưa từng thay đổi."

"Không ngờ Yến Quân tuổi còn nhỏ mà lại là người rất hoài cựu."

An Kình cười cười, trải giấy ra, "Những gì cũ, chỉ cũ ở bên ngoài, tình cảm bên trong luôn trở lại như mới mỗi ngày, càng thêm nồng đậm." Y phết nhẹ đầu bút lên nghiên mực cổ, "Đông Cô, Quân Nhi mạo muội vẽ trước một bức hoạ mong được nàng chỉ bảo thêm nhé."

Y vừa tự xưng "Quân Nhi" xong, khoảng cách giữa họ vô hình trung bị thu ngắn lại. Đông Cô hơi đỏ mặt, như không quen với cách xưng hô thân mật này. "Yến Quân bằng lòng vẽ, Đông Cô đương nhiên sẵn sàng đón xem."

Toàn bộ vẻ mặt của nàng đều lọt hết vào mắt An Kình, y hơi mỉm cười, rũ mắt, bút nhẹ nhàng chuyển động.

Một nhánh phong lan nhanh chóng xuất hiện trên mặt giấy.

Đông Cô khen: "Phóng bút vẽ phong lan, trong tĩnh có động, rất thú vị. Lá lan phất theo gió nhưng không mất đi sự mềm mại, nét cứng và mềm giao tranh tạo nên vẻ tao nhã. Trước đây tôi luôn thầm đoán chắc Yến Quân vẽ rất khá. Hôm hay được chứng kiến, nào chỉ có "khá," quả thật so với những danh gia bậc thầy cũng không hề thua kém."

"Đông Cô đừng bêu riếu ta, chỉ là múa rìu qua mắt thợ mà thôi."

"Tự hạ thấp bản thân không hay đâu." Đông Cô tiến lên, cầm lấy cây bút, nói với An Kình, "Yến Quân cho phép tôi được bổ sung vài nét chứ?"

"Ồ, có Đông Cô chỉ bảo, Quân Nhi cầu còn không được."

Đông Cô chấm mực, nhìn bức tranh ấy. Nét vẽ uyển chuyển sống động, có thể thấy người vẽ rất có thiên phú, chỉ hơi bị non tay, bố cục chưa được ổn lắm. Đông Cô đặt bút vẽ một tảng đá nhàn nhạt, để cho nhánh lan vốn không nơi cắm xuyên qua kẽ nứt của đá mà thành, rồi lại thêm rêu phong điểm xuyến, chỉ trong vài nét bút, bức hoạ rõ ràng trở nên tinh tế hơn trước.

"Nàng xem, vừa mới khen ta vẽ khá xong, kết quả bây giờ chỉ với vài nét bút mà đã khiến cho nó đẹp hơn hẳn, Đông Cô, nàng còn nói là nàng không cười ta." An Kình miệng thì oán trách, nhưng mặt không hề bất mãn, y hơi mím khoé mép nhìn bức tranh. "Nhánh lan trên đá, xinh tươi sống động, ung dung và thanh nhã. Ý hoạ và kỹ thuật của Đông Cô rất tuyệt."

"Yến Quân quá khen." Đông Cô đặt bút xuống, "Tuổi Yến Quân còn nhỏ mà đã vẽ được như thế này, đã là một kỳ tài hiếm có rồi."

"Nàng muốn khen ta thì cứ khen, hà tất phải lợi dụng cơ hội khen luôn bản thân mình." Mắt của An Kình cong cong, giọng trêu đùa, "Nàng chỉ lớn hơn ta có vài tuổi, nói ta là một kỳ tài, há chẳng phải đang nói bản thân nàng càng cao siêu hơn sao. Đông Cô, như vầy không tốt đâu."

Đông Cô đổ mồ hôi hột, nghĩ bụng, cả hai kiếp của tôi gom lại đủ làm mẹ anh rồi đấy, còn bảo chỉ mới hơn có vài tuổi.......

An Kình: "Đông Cô thích vẽ lan ư?"

Đông Cô nghĩ một chút, "Tôi không đặc biệt thích vẽ một thứ gì đó, cũng không có thứ gì tuyệt đối không vẽ được."

"Ồ?" An Kình nói, "Ta thường nghe nói rất nhiều danh hoạ đều có sở thích riêng, ví dụ như chỉ thích vẽ lan, hoặc chỉ thích vẽ trúc, còn không thì chỉ thích một loại giấy, một loại bút. Đông Cô không có ưa chuộng đặc biệt nào sao?"

Đông Cô hơi trầm ngâm, "Vạn vật sinh ra trong đất trời đều có lý lẽ riêng của chúng. Lan hay trúc, thật ra không khác nhau mấy."

"Lan ngụ ý cao sang, trúc ngụ ý khí tiết, sao không có sự khác biệt chứ."

Đông Cô cười, "Lan chỉ là lan, trúc chỉ là trúc, thiên nhiên là thứ duy nhất thật sự liên quan đến sự sinh tồn của chúng. Những phẩm chất kia, chẳng qua là kỳ vọng do con người khoác thêm cho chúng mà thôi."

"Kỳ vọng khoác thêm?"

"Đúng vậy." Đông Cô chỉ ra ngoài cửa sổ, An Kình nhìn theo tay nàng, là một cây bách mọc bên ngoài sân viện, trông rất tầm thường.

"Yến Quân thấy cây bách ấy thế nào?"

An Kình nhìn nó, "Chỉ là một gốc cây bình thường mà thôi, nào có gì hay ho."

"Đúng rồi." Đông Cô nói, "Bất kể là gốc cây đó, hay là gốc lan trong bức tranh của ngài, hay là cây trúc được trồng trong ngự viên của hoàng gia, chúng đều chỉ là chính mình, phẩm cách như thế nào hoàn toàn không quan trọng, chúng chỉ lo sinh tồn mà thôi."

An Kình nhìn gốc cây nọ, đứng trơ trọi trong một góc xó, y hơi chau mày, "Hoa lan dù sao cũng phải thanh cao hơn cái cây đó chứ......."

Đông Cô cười cười, không tranh cãi nữa, "Có lẽ vậy."

Dù sao An Kình cũng được sinh ra lớn lên trong một hoàn cảnh ưu việt, y chưa từng phải trải qua những khó khăn và cực khổ ngoài đời, không hiểu được cái khó của sinh tồn. Luôn no ấm thì dễ mơ mộng gió trăng, dễ hát vì mai, thở dài vì cúc. Kiếp trước Đông Cô cũng đã từng như vậy, khi còn sống, tuy sức khoẻ của nàng không tốt, nhưng gia cảnh rất khá giả, không phải sầu lo cái ăn cái mặc. Lúc ấy nàng đã từng ngồi ngắm một khóm bách hợp hết nguyên một buổi chiều, ngắm đến khi tịch dương khuất đàng tây, ráng đỏ ngập trời, sau đó cảm thán về sinh mệnh và linh hồn của một đoá hoa.

Kiếp này, hoàn toàn khác. Nàng nào còn có thời gian để ngồi ngắm một đoá hoa hết buổi chiều, ngày nào cũng tất tả lo kiếm tiền. Nhất là sau khi đã kết hôn, nàng không chỉ bận lo nghĩ đến một mình nàng, mà còn có thêm La Hầu. Ngày ngày hễ có chút thời gian rảnh rỗi, nàng liền suy nghĩ đến cuộc sống sau này, phải làm thế nào mới giúp cho cả hai sống khá hơn. Cuộc sống mơ mộng gió trăng như An Kình, đã sớm rời nàng xa rất xa rồi. Rất khó nói giữa hai lối sống, kiểu nào hay ho hơn, mỗi người đều có quan điểm riêng. Đông Cô chỉ có thể nói, đối với nàng, nàng chưa từng hối hận đã ở bên La Hầu. Nàng nhìn An Kình, chàng trai này như đoá lan y yêu thích, không bị thời gian lưu vết, hững hờ nở dưới ánh mắt đầy hâm mộ của vạn người. Mà........ Đông Cô nhìn phía xa xa, cây bách trong xó vườn kia....... La Hầu giống như cây bách ấy, cằn cỗi xấu xí, vô cùng tầm thường, chỉ biết ra sức sinh tồn.

Ở bên An Kình, thời gian trôi rất nhanh. An Kình là một người thông minh, ở bên người thông minh luôn rất vui vẻ, bởi vì người thông minh biết cách nói chuyện, biết lúc nào nên nói gì. Mà khi một người thông minh cố ý muốn lấy lòng một ai đó, thì thời gian càng trôi qua mau hơn. Sắc trời muộn dần, tối nay hình như An Kình có công chuyện, không hỏi Đông Cô có muốn dùng chung bữa tối. Trước khi đi, y nói với Đông Cô, "Sáng mai ta sẽ đến tìm nàng sau, ta sẽ kêu người đưa bữa tối lên phòng của nàng."

Đông Cô gật đầu.

Sau khi cáo biệt, Đông Cô về phòng mình ăn bữa tối. Trời đã tối hẳn, vốn là lúc nên rửa ráy nghỉ ngơi, nhưng Đông Cô sửa soạn áo quần rồi ra ngoài. Nàng muốn thử một phen. Ban ngày nàng quan sát người phụ nữ kia, cô ta đến chỗ phủ của An Nam Vương, Đông Cô đoán là cô ta muốn điều tra chuyện gì. Giữa ban ngày tới đó, chắc chỉ quan sát địa điểm, không điều tra được bao nhiêu. Nếu như giống với những gì Đông Cô nghĩ, thì ban đêm mới là mấu chốt. Đeo tấm thẻ ngọc của An Kình, Đông Cô thật sự có thể muốn đi đâu thì đi, ra vào phủ không ai cản.

Đường phố vắng tanh không một tiếng động. Gió rét buốt xương, Đông Cô bị lạnh run lên bần bật. Không chỉ có cơ thể đang lạnh, mà tim nàng cũng đang lạnh như băng. Dẫu biết rõ đang ở gần phủ của An Nam Vương thì sẽ không xảy ra chuyện gì quá nguy hiểm, nhưng nàng vẫn không khỏi hồi hộp. Nàng chưa bao giờ làm những chuyện như thế này, chủ động tiếp xúc nguy hiểm, dò la điều chưa biết rõ.

Ánh trăng lạnh lẽo chiếu trên mặt đất, Đông Cô dán mình vào một bên đường, đi về phía trước. Hàng quán đã đóng cửa tắt đèn, cả một con phố lặng ngắt. Đi hơi xa xa một chút, lính gác của phủ An Nam Vương cũng dần dần không thấy đâu, gió rét đẫm vẻ khôn lường của những bí mật. Tim của Đông Cô sắp sửa rớt ra ngoài, nàng rảo bước, dán người vào một bên đường, quan sát tình hình xung quanh. Vừa đi nàng vừa tự giễu bản thân, câu dân gian nói rất đúng, thầy nghề này chưa chắc làm nổi thợ nghề nọ. Mình đúng là không có tiềm năng để làm đặc công. Mà như vậy cũng tốt, vừa khéo chứng tỏ Tề Đông Cô ta đây là một con người quang minh chính đại, không phải vụng—–

Câu chưa nghĩ hết, từ trong một con hẻm nhỏ bất chợt thò ra một cánh tay, bịt miệng nàng lại. Một cánh tay khác tóm lấy thắt lưng của nàng. Sức của cánh tay vô cùng mạnh mẽ, Đông Cô gần như bị tóm gọn trong tíc tắc. Hồn nàng bị doạ xém bay mất.

hết chương 30

Hoa lan mà An Kình vẽ là giống "lan kiếm tàu" — Cymbidium sinense