Năm Tháng Huy Hoàng

Chương 36: Chương 36: Nguyệt dung các (3)




Sáng hôm sau, A Diệu đang đứng trên bậc thang, mặt trời mọc chiếu vào khuôn mặt tuấn tú của chàng, quét sạch những u ám của ngày hôm qua. Chàng loay hoay với tấm biển treo trên gian phòng và ngoảnh mặt xuống dưới hỏi: “Đặt như thế này đã được chưa?”

A Lạc quơ tay ra hiệu: “Sang trái một chút, sang phải một chút. Đúng rồi, đặt như vậy mới đúng.”

A Diệu chỉnh lại tấm biển rồi leo xuống bậc thang, thỏa mãn nhìn dòng chữ của mình: “Thấy chữ viết thế nào? Đây là lần đầu tiên ta đặt tên cho nơi ở của mình đấy.” Chàng đã viết rất nhiều, nhưng chỉ chọn ra duy nhất bức này trong số đó. Chàng biết lối viết thư pháp của mình không được đẹp, nhưng ở đây rất ít khách khứa ghé thăm, nên chàng chỉ đơn giản là làm theo ý mình, học hỏi phong cách của các danh sĩ nho nhã một chút.

A Lạc nhìn chung quanh, ngạc nhiên chỉ vào chính mình: “Đệ có chắc là đang hỏi ta không đấy?”

A Diệu mỉm cười: "Ta không có người khác để hỏi.”

A Lạc khịt khịt mũi: “Ta chỉ biết từ một đến mười. Chữ đệ viết có hơn ba ký tự ta không biết, làm sao ta đọc được?”

A Diệu chỉ vào ba chữ trên tấm biển và đọc chúng lần lượt cho A Lạc nghe: “Nguyệt, Dung, Các.” Trông thấy vẻ mặt mờ mịt của A Lạc, chàng kiên nhẫn giải thích: “Tuy rằng ánh trăng không sáng chói bằng ánh mặt trời, song nó có thể soi sáng vào đêm khuya. Vì vậy, huynh có thể tìm thấy ánh sáng từ trong bóng tối, có ánh sáng thì sẽ có hy vọng.”

A Lạc lè lưỡi: “Ra vẻ nho nhã trưởng giả gì chứ, ta không hiểu đệ đang nói gì hết. Nhưng ta lại thấy kỳ quái, chúng ta chỉ ở tạm nơi này thôi, tại sao đột nhiên đệ lại có nhã hứng viết chữ thế?”

“Không dễ dàng gì chúng ta được sống trong một căn nhà lớn như vậy, dù sao cũng nên sửa sang mọi thứ cho tươm tất.”

A Lạc không có tâm tình tiếp tục giả bộ tao nhã cùng người huynh đệ của mình, hắn nhún vai nói: “Tùy đệ muốn làm gì thì làm, bây giờ ta phải đi theo dõi Dương Hiến Dung rồi.”

Nhìn thấy A Lạc rời đi, khuôn mặt tươi cười vốn có của A Diệu trầm xuống, chàng rất muốn đi theo A Lạc nhưng chàng buộc phải nén nhịn. Hiện giờ vết thương còn chưa lành hẳn, hành động hấp tấp là không thích hợp.

A Diệu dưỡng thương ở Liễu phủ nhưng tâm trạng lại bồn chồn không yên, mãi cho đến khi A Lạc quay trở về vào buổi tối và báo cáo hành tung nguyên một ngày của Hiến Dung cho hai người: “Ban ngày, cô nương ấy ở trong một ngôi nhà hoang ở phía nam thị trấn để chữa bệnh không lấy tiền cho những người ăn xin và còn cho họ tiền để mua thuốc. Vào buổi chiều, Dương Hiến Dung quay về Dương phủ và không thấy trở ra nữa.”

Cổ Li cười như không cười, xoay đầu nhìn A Diệu: “Thật sự là một cô nương tốt bụng, đáng tiếc là……”

A Diệu ngoảnh đầu sang nơi khác, không lên tiếng.

Cổ Li hỏi A Lạc: “Cô nương ấy có cài cây trâm trên đầu không?”

A Lạc lắc đầu.

Cổ Li dặn dò A Lạc lần nữa: “Một ngày nào đó, nếu huynh nhìn thấy Hiến Dung cài cây trâm ấy lên tóc, phải nhớ theo sát cô nương ấy, không được lơi lỏng dù chỉ trong phút chốc.”

Mí mắt A Diệu bất giác giật giật.

*****

Vầng trăng sáng lấp ló trên ngọn cây dương rọi sáng bóng hình cô đơn trên mặt đất. A Diệu đang dựa lưng vào trụ cột bên ngoài hiên Nguyệt Dung Các, ánh trăng phác họa nên sườn mặt góc cạnh của chàng, mang dáng vẻ trầm ngâm như một chú sói đơn độc lang thang trong vùng đất hoang vu vắng vẻ. Thanh âm của tiếng Hồ Già văng vẳng kéo dài, tuôn trào lay động, tựa như nỗi buồn của mùa xuân, tản mát trong không gian tĩnh lặng giữa trời và đất, càng tăng thêm chút phiền muộn khó nói thành lời.

Có bóng người đi tới, A Diệu ngừng chơi và nhìn người đang đến, thì ra là A Lạc.

“Ca khúc gì thế? Nghe vô cùng êm tai, nhưng mà bi thương quá.”

A Diệu vỗ vỗ vào Hồ Già: “Đây là khúc [Hồ già thập bát phách] do Thái Văn Cơ sáng tác nên.”

A Lạc gãi gãi đầu, ngốc nghếch hỏi: “Thái Văn Cơ? Là ai vậy? Người Hán à?”

“Là người Hán, trăm năm trước được biết đến là một trong những tài nữ, thời còn trẻ, bà bị bắt đến Hung Nô do chiến tranh và bị ép gả làm thê thiếp cho Tả Hiền Vương, bà sinh được hai người con, một nam một nữ. Về sau, Tào Tháo bỏ nhiều tiền ra chuộc bà về nên bà đã bỏ lại con mình để về Trung Nguyên tái giá. Bà đã học cách chơi Hồ Già khi còn ở Hung Nô, sau đó viết nên bài [Hồ già thập bát phách] này và sau này được người đời truyền nhau hát.”

A Diệu đã không nói với A Lạc nguyên do vì sao chàng lại học chơi Hồ Già, cũng chính là vì Dương Yên.

Khi đó, chàng cùng tiểu cô nương đi phơi đồ, rồi cả hai cùng đi bộ về ngôi miếu bỏ hoang. Tâm trạng của tiểu cô nương đã khá hơn, dọc đường còn nói chuyện phiếm với cậu: “Ngươi có biết chơi Hồ Già không?”

A Diệu lắc đầu: “Không biết. Ta chỉ trông thấy người khác chơi thôi.”

“Ta còn tưởng rằng hết thảy người Hung Nô đều biết chơi Hồ Già chứ. Âm thanh của Hồ Già rất hay, vừa bi ai uyển chuyển, vừa lay động lòng người, còn thấm đượm cả sự thê lương và hoang vắng của sa mạc cát vàng nữa. Ta thực sự rất thích nghe nó.”

A Diệu suy nghĩ một chút, xong cậu ngập ngừng nói: “Vậy thì......sau này ta sẽ học để chơi cho cô nương nghe.”

Tiểu cô nương vui vẻ gật đầu: “Vậy thì ngươi nhớ học khúc [Hồ già thập bát phách] của Thái Văn Cơ nhé, vì đây là ca khúc mẫu thân ta yêu thích nhất.”

A Diệu thầm ghi nhớ tên người và bài hát, việc đầu tiên sau khi chàng trở về Hung Nô là tìm người dạy và học cách chơi Hồ Già. Cho đến mãi về sau, khi đọc sách và tập viết, chàng mới biết đằng sau bài hát và người sáng tác còn có một câu chuyện bi thương như thế.

Bỗng nhiên A Lạc trở nên hứng thú, hắn ngồi xuống bên cạnh A Diệu: “Đệ đọc cho ta nghe vài câu đi.”

A Diệu dựa đầu vào cột nhà, trầm giọng đọc:

“Ngã sinh chi sơ thượng vô vi.

Ngã sinh chi hậu Hán tộ suy.

Thiên bất nhân hề giáng loạn ly.

Địa bất nhân hề ngã phùng thử thì!

Thiên qua nhật tầm hề đạo lộ nguy.

Dân tốt lưu vong hề cộng ai bi.

Yên trần tế dã hề Hồ Lỗ thịnh.

Chí ý thừa hề tiết nghĩa khuy.

Đối thù tục hề phi ngã nghi.

Tao ô nhục hề đương cáo thùy?

Già nhất hội hề cầm nhất phách.

Tâm phẫn oán hề vô nhân tri!”

*Dịch thơ:

"Ta sinh ra không làm gì nên tội.

Ta bước vào đời nhà Hán suy vong.

Trời không có lòng nhân, giáng xuống tao loạn chia cách.

Đất cũng độc ác, sinh ta ra gặp thời loạn.

Ngàn giáo mác gặp hàng ngày, đường sá nguy hiểm.

Dân chúng lưu vong, cùng chung nỗi buồn sợ.

Khói bụi che lấp, người Hồ Lỗ thịnh.

Ý chí dư thừa, tình nghĩa không có.

Tục lạ xứ người, ta không thích hợp.

Gặp điều ô nhục, than thở cùng ai.

Sáo nổi một hồi, đàn một phách.

Nỗi lòng buồn oán, không ai biết cho!"

Mặc dù A Lạc không biết chữ, nhưng khi nghe được những câu từ bi phẫn thê lương ấy hắn không khỏi thương cảm xót xa: “Thật sự rất đáng thương, sinh ra trong thời buổi loạn lạc, lại là phận nữ nhân yếu đuối thì lo liệu được gì chứ. Một bên là quê hương, một bên là con cái, vứt bỏ bên nào cũng đều đau như cắt thịt.”

Đôi mắt A Diệu trầm xuống, như có bóng tối vô tận nằm sâu trong đáy mắt, một luồng khí ngột ngạt bừng lên khắp người chàng. Nhìn Hồ Già trong tay, khóe miệng chàng lộ ra một tia cười khẩy: “Chính bà ấy đã lựa chọn vứt bỏ con cái mình. Sáng tác thêm những ca khúc buồn bã, ai oán như thế này thì có ích lợi gì? Tại sao bà ấy không nghĩ đến việc, một khi ném những đứa con thơ dại của mình vào người Hung Nô thì bọn chúng sẽ sống cuộc đời ra sao? Sau này trở về quê hương thì đã hối hận, ta thấy bà ấy đáng phải sống trong nỗi ân hận đó cả đời!”

A Lạc cảm thấy kỳ quái: “Bà ấy không có thù oán gì với đệ, tại sao đệ lại tức giận bất bình như vậy?”

A Diệu đột ngột đứng lên, lạnh giọng nói: “Khuya rồi, đi ngủ thôi.”

A Diệu bỏ A Lạc lại một mình mà trở về phòng. A Lạc nhìn chằm chằm bóng lưng hiu quạnh biến mất đằng sau cánh cửa kia, hắn gãi gãi đầu tự hỏi mình: “Ta đã đắc tội gì với đệ ấy à?”

*****

*Chú thích:

- 胡笳: Hồ Già: là cây sáo (loại sáo giống sáo ngang của các dân tộc phương Bắc Trung Quốc thời xưa.)

)

- Thái Văn Cơ: Thái Diễm, cũng đọc là Sái Diễm, tự Chiêu Cơ, nhưng sau trùng huý với Tư Mã Chiêu nên người đời sau đổi thành Văn Cơ

- Thái Văn Cơ: Thái Diễm, cũng đọc là Sái Diễm, tự Chiêu Cơ, nhưng sau trùng huý với Tư Mã Chiêu nên người đời sau đổi thành Văn Cơ. Bà là một trong những nữ văn nhân đầu tiên của Trung Hoa và là nữ thi nhân duy nhất trong những văn sĩ trứ danh thời kì Kiến An, Hán Hiến Đế Lưu Hiệp.

Một nữ sĩ tài hoa mà bạc phận, bà là tác giả của Bi phần thi (悲憤詩), một thi phẩm được coi là một kiệt tác thể loại thơ tự sự của văn học Kiến An và của thơ ca cổ điển Trung Quốc. Ngoài ra, bà còn giỏi lý số, thơ phú, hùng biện và âm luật.

- Hồ già thập bát phách và câu chuyện của Thái Văn Cơ, bạn nào muốn biết nhiều hơn cứ tìm trên Google nhé!