Năm Tháng Vội Vã

Quyển 7 - Chương 1




Về đến Bắc Kinh, phải mất một thời gian tôi mới thích nghi được với cuộc sống mới, thỉnh thoảng ngủ vẫn giữ thói quen tìm kiếm bóng dáng Phương Hồi, sau khi đối chiếu tỉ mỉ căn phòng của tôi với căn phòng nhỏ ở Australia, tôi mới hiểu ra rằng, tôi và cô đã ở hai bán cầu khác nhau.

Tôi nghỉ ở nhà mấy ngày rồi bắt tay vào làm hồ sơ xin việc. Xét cho cùng thì tôi sang Australia không phải là kiếm người yêu, mục đích quan trọng nhất vẫn là lấy được tấm bằng nước ngoài, về nước tìm một công việc tàm tạm. Chỉ tiếc rằng tôi có vẻ như sinh không gặp thời, khi người ta đi du học, du học sinh còn được cưng như trứng mỏng, đến lượt tôi du học về, thì cứ dưới một tấm biển tuyển dụng lại có nửa anh du học sinh. Khái niệm nửa anh du học sinh là người mà sau khi đi du học chỉ sống chung với người nước mình, thi cử gần như chỉ quay cóp, đi học thì toàn ngủ gật, mua đồ thì toàn ra hiệu bằng tay chân, tìm việc chủ yếu dựa vào vận may. Chính vì có những đối tượng này trà trộn trong du học sinh mới khiến cho chúng tôi bị trượt giá nặng. Thế nên khi tôi cầm tấm bằng tốt nghiệp in chữ vàng đi xin việc, các ông các chú các cô các bà ở phòng nhân sự đã không còn nhìn tôi bằng ánh mắt tôn sùng nữa, mà thay vào đó là một thái độ thờ ơ, câu hỏi được đưa ra cũng rất coi thường, chỉ còn thiếu nước là hỏi thẳng gia đình các cậu đã phải bỏ ra bao nhiêu tiền để mua tấm bằng này.

Ngành tôi học ở Australia là kế toán, không phải vì tôi theo đuổi và yêu thích chuyên ngành này đến mức nào, mà chỉ đơn thuần là do dễ qua, dễ tốt nghiệp. Mẹ tôi đã làm cả đời ngành này, thế nên cũng rất hiểu, trước khi tôi đi xin việc, bà đã nói với tôi về độ nhạy cảm của cái nghề này, tổng kết lại là tốn công, tốn sức, dễ bị ghét, rủi ro cao. Làm sổ sách giả chắc chắn không ổn, sớm muộn rồi cũng bị cơ quan công an sờ gáy; làm sổ sách chuẩn cũng không ổn, sớm muộn gì cũng bị ông chủ cho thôi việc. Thế nên tốt nhất là không nên làm. Tôi nghĩ bụng thế con làm gì? Ngành tự động hóa mà tôi học hồi đại học đã gần như quên sạch. Mẹ tôi liền bảo ta có thể đi đường vòng để cứu nước, làm những nghề có liên quan, ví dụ làm trong văn phòng công ti tư vấn chứng khoán, việc nào làm được đều thử xem. Không phải có rất nhiều người như vậy sao? Học xây dựng lại làm về quảng cáo, học môi trường lại làm về bất động sản, người đông quá nên khó phân công, xã hội cho các con cơ hội tìm kiếm tương lai còn gì, con trai, ngày mai đến ngân hàng nộp hồ sơ đi.

Trước lời khuyên nhủ, định hướng của mẹ, tôi đã cậy cục nhờ người giúp để được đi phỏng vấn ở một ngân hàng nọ có tên viết tắt bằng tiếng Anh rất oai. Lúc đó trong phòng hội nghị, những kẻ xin việc như chúng tôi chẳng khác gì những chú cừu non chuẩn bị lên thớt, bị họ vây quanh. Rõ ràng là cô nàng ngồi bên cạnh tôi có vẻ căng thẳng, liên tục chọc ngón tay vào chiếc tất giấy dưới bộ váy của mình, tôi nhìn thấy chỗ đó thủng hẳn một lỗ.

“Xin mời các bạn giới thiệu sơ qua về mình, nói về hoàn cảnh gia đình, định hướng trong tương lai và lí do tại sao lựa chọn ngân hàng của chúng tôi. Bắt đầu từ bên trái nhé”.

Cô nàng đi tất giấy giật nảy mình, giọng run run nói: “Chào... chào các anh chị, em tên là Phó Vũ Anh, tốt nghiệp trường X, à... nghiên cứu sinh tốt nghiệp trường X... gia đình em có ba mẹ và còn... bà nội... ba em là quản đốc phân xưởng sản xuất cao su, mẹ em...

Nghe đến đây tôi chỉ muốn bật cười, đây có phải là báo cáo thành phần gia đình đâu, nhắc đến bà nội làm gì? Cô nàng này ngờ nghệch quá. Giám thị cũng suy nghĩ giống như tôi nên ngắt lời Phó Vũ Anh, cô nàng mới chuyển sang đọc thuộc bài phát biểu và tài liệu đã chuẩn bị từ trước. Mặc dù rất lưu loát, nhưng vừa nghe là biết đã học thuc lòng, vì trong quá trình nói, cô nàng còn nhìn lên trời theo thói quen.

Rõ ràng là giám thị không có hứng thú với cô nàng, sau khi nhắc thời gian không hỏi thêm gì nữa. Người trình bày tiếp theo là tôi, vì thắt caravat hơi chặt nên tôi cất lời khá khó khăn: “Chào các anh chị, em là Trương Nam, tốt nghiệp trường đại học X của Australia. Em đến đây xin tuyển dụng vì tiếng tăm và văn hóa của quý ngân hàng đã thu hút em, em hi vọng những kiến thức tiên tiến mà mình đã học sẽ được phát huy trong quý ngân hàng”.

Mặc dù miệng thì nói như vậy, nhưng bụng lại nghĩ, tại sao đến đây xin việc, là vì mẹ tôi quen giám đốc chi nhánh của các anh!

“Em nghĩ em có thế mạnh ở lĩnh vực nào? Hoặc giả nói em muốn phát huy thế mạnh trong mảng nào?”. Giám thị nhìn hồ sơ của tôi hỏi.

Bộ phận nào? Vấn đề này đúng là tôi chưa hề nghĩ tới, tóm lại theo lời mẹ tôi thì không làm sổ sách là được.

“Dạ... em cảm thấy mình có khả năng giao tiếp nhất định, có thể phát triển ở mảng tín dụng, khi học nghiên cứu sinh, em có học về đầu tư, ngoài ra em cũng có thể làm việc ở mảng đầu tư tài chính”.

“Ờ. Thế mảng tiết kiệm thì sao? Thông thường nhân viên mới vào ngân hàng thường được chúng tôi bố trí công việc ở phòng tiết kiệm để rèn luyện một thời gian, được tiếp xúc trực tiếp với khách hàng ở quầy, việc này em có làm được không?”. Giám thị ngẩng đầu lên hỏi.

M.kiếp! Dĩ nhiên là không thể chấp nhận rồi! Tôi từ Australia xa xôi trở về là để giữ tiền, trả tiền cho thiên hạ ư? Những kiến thức mà tôi đã học vứt đi hết à.

“Dĩ nhiên được rèn luyện ở quầy cũng là cần thiết”. Miệng tôi thì cười, nhưng bụng thì gầm lên.

“Em nhắc đến phòng tín dụng thì em có nguồn tài nguyên gì không? Có kéo được khách hàng không?”. Một giám thị khác hỏi.

“Em nghĩ nếu dựa vào sự nỗ lực của em, em làm được...” Tôi còn chưa nói hết thì đã bị anh ta ngắt lời.

“Không phải bảo em, mà là nói em có nguồn tài nguyên gì có thể lợi dụng không? Anh thấy trong hồ sơ em có viết mẹ em là trưởng phòng tài vụ, liệu bà có thể giúp em trong việc gửi tiền không?”.

M.kiếp! Tôi đi xin việc hay mẹ tôi đi xin việc! Thật quá thực dụng!

“Nếu cần thì mẹ em có thể ủng hộ em một góc độ nhất định!”. Tôi tiếp tục cười, bụng thì lại gào lên.

“Được rồi. Người tiếp theo”. Giám thị không đếm xỉa gì đến tôi nữa mà gác hồ sơ của tôi sang bên cạnh. Xem ra mối quan hệ của mẹ tôi vẫn chưa ăn thua, rõ ràng không đủ để họ phải chú ý, sau đó nghe thấy mấy vị tiếp theo trình bày về gia đình hiển hách của họ, tôi càng hiểu thêm được rằng, lần này tôi lại công toi rồi.

Ra khỏi phòng hội nghị, tôi liền cởi ngay caravat ra, Phó Vũ Anh đi trước tôi, nhìn cũng rất chán nản. Tôi nhìn giữa hai chân cô nàng... loáng thoáng... có lỗ thủng của tất, bèn vỗ vai rất hào hiệp nói: “Ờ... Em là Phó Vũ Anh đúng không? Tất của em... rách rồi”.

Phó Vũ Anh liền cúi đầu xuống ngó rồi kêu lên một tiếng, mặt đỏ bừng nói: “Cảm ơn anh!”.

“Không có gì”. Tôi bấm thang máy nói: “Ai căng thẳng mà chẳng như vậy”.

“Vừa nãy em căng thẳng quá, lần này chắc chắn không ăn thua”. Cô nàng nói với vẻ rầu rĩ.

“Cũng không hẳn là vấn đề căng thẳng, ba người đằng sau em, người nhà không là giám đốc thì cũng là tổng giám đốc, chắc chắn đều có quan hệ cả, như bọn mình, dù căng thẳng hay không cũng chẳng làm được gì”. Tôi nói một cách chán chường.

“Đúng vậy! Thật chẳng công bằng tí nào! Em cũng không trông chờ gì vào đám ngân hàng này, thà là đi nộp hồ sơ vào văn phòng còn hơn! Buổi chiều em sẽ đi! Đúng là hơi mệt nhưng không nhiều người chạy cửa sau như thế này!”. Phó Vũ Anh bất bình nói.

“Em đến văn phòng nào?”. Tôi hỏi cô nàng, nghĩ bụng nếu ổn thì tôi cũng nộp một bộ hồ sơ, đằng nào thì tôi cũng chẳng có hi vọng gì.

“Vĩnh An. Em có một chị bạn làm ở đó, hôm nay bảo em đến nộp hồ sơ”. Phó Vũ Anh nói.

Vĩnh An là văn phòng quốc tế rất có tiếng, ngay từ hồi tôi đã biết, dĩ nhiên là tôi sẽ không bỏ qua cơ hội trước mắt, đúng lúc thang máy đến nơi, tôi vội hào hiệp bước lên một bước và giữ cửa, nhường cho Phó Vũ Anh vào trước. Cô nàng mỉm cười duyên dáng và nói lời cảm ơn, tôi liền khua tay nói: “Đừng khách khí! Quan tâm phụ nữ là điều nên làm!”.

“Buổi chiều anh phải phỏng vấn không?”. Phó Vũ Anh hỏi.

“Không. Nếu anh mà có chị bạn ở Vĩnh An thì chắc chắn anh cũng đi, tiếc thật, bạn bè của anh ở khắp thế giới mà chẳng có ai nộp hồ sơ giúp anh cả!”. Tôi cố tình nói với vẻ buồn bã.

“Anh có còn hồ sơ không? Hay là em nộp giúp anh một bộ nhé”. Phó Vũ Anh nhìn tôi bằng ánh mắt thông cảm nói.

“Thật hả? Thế thì cảm ơn em quá! Em tốt bụng ghê, thời buổi này hiếm người tốt bụng lắm!”. Tôi đưa bộ hồ sơ của mình cho cô nàng với vẻ vô cùng biết ơn.

Phó Vũ Anh liền mím môi cười nói: “Có gì đâu, thì chỉ nộp giúp hộ anh hồ sơ thôi mà, chị bạn em nói hồ sơ nộp vào chỗ họ nhiều vô kể, cứ từng chồng từng chồng cao ngất, em chỉ tiện thể nộp giúp thôi”.

“Thế cũng vẫn phải cảm ơn em! Anh cho em số điện thoại di động của anh nhé! Sau này thỉnh thoảng bọn mình nhớ liên lạc!”. Tôi tiễn Phó Vũ Anh ra cổng, móc điện thoại ra chờ đợi nói.