Ngõ Ô Y

Chương 77: Ngoại truyện 3: Đến rồi lại đi, tuyết trên nền tuyết




Từ nhỏ Điềm Nhi đã không thích tên mình, trong nhà đông anh chị em ai cũng có tên nghe rất đàng hoàng, nhưng đến lượt nàng là lại bị gọi Cục Đường Cục Đường, hễ nhắc đến đồ ngọt là luôn kèm theo một câu: chắc chắn thứ này Cục Đường quen lắm, vì đều ngọt cả mà.

Điều ấy khiến cô bé rất sầu, càng lớn càng buồn, bảy tám tuổi đã léo nhéo đòi mẹ đổi tên, nhưng mẫu thân bảo đấy là tên tổ mẫu đặt. Nàng đi tìm tổ mẫu, tổ mẫu nghễnh ngãng, nói với bà chuyện này bà lại nghe ra chuyện khác, nói với bà muốn đổi tên, bà lại nói hoa hồng nở ngoài cửa, tóm lại là không đổi tên được.

Sau đó cha đến thư viện quận Đông dạy học, nàng cùng các anh chị theo mẹ dọn đến quận Đông, không còn cơ hội tìm tổ mẫu đòi đổi tên nữa.

Năm Điềm Nhi chín tuổi, Ngũ thúc đến quận Đông du học, ở nhà cô bé mấy ngày, đi theo chú ấy ngoài một tiểu đồng tên Thanh Tùng thì còn có một thiếu niên khoảng mười ba mười bốn tuổi, Ngũ thúc nói đó là học trò của mình, lúc giới thiệu gọi cậu ấy là Lý Hằng.

Chính cái người tên Lý Hằng này đã đem đến cuộc đời cô bé một biệt danh có xóa cũng không phai – Sỏa Bạch Điềm*.

(*Cụm từ để chỉ những người ngây ngô ngốc nghếch mà vẫn đáng yêu.)

“Đói chết ta mất, nha đầu, nhanh đem bánh cuốn lên đây, cũng lấy thêm ít dưa muối lần trước nữa.” Lý Hằng chà xát hai tay, ngồi xuống cạnh Bạch Nhuận Triết, thấy tiểu nha đầu một bên không phản ứng, cậu lập tức duỗi chân đạp vào băng ghế.

Điềm Nhi bực mình thở hắt ra, phớt lờ cậu ta, cúi đầu tiếp tục ăn uống, người ta ăn cơm xong còn phải may giày cho cháu gái nữa, chị gái với anh rể sắp từ Lục Thương đến, nếu không làm nhanh thì không kịp mất.

“Sao vẫn chưa đi?” Nhân lúc nói chuyện với Bạch Nhuận Triết, Lý Hắng ngẩng đầu nhìn tiểu nha đầu bên cạnh.

Vì băng ghế cứ bị đá quá phiền, Điềm Nhi hung dữ trợn mắt, người này phiền chết đi được, từ năm ngoái vào quân đội Đông phủ, hễ được nghỉ là lại mò đến nhà nàng ăn chùa uống chùa, nói chuyện trời đất với Đại ca cũng được thôi, đằng này cứ thường xuyên sai khiến mình, không phải bưng trà rót nước thì cũng là lấy bát lấy đũa, phiền phức quá!

“Muội ăn xong rồi.” Đặt đũa xuống, nàng thưa với Đại ca một tiếng, đây là quy định của nhà bọn họ, cơm nước xong nhất định phải thưa với trưởng bối rồi mới được rời bàn, cha mẹ không có ở nhà thì anh trai là lớn nhất, dĩ nhiên sẽ thưa với huynh trưởng.

“Muội xới cơm giúp Tuyết Thành đi.” Bạch Nhuận Triết dặn em gái.

Tuyết Thành là tên tự của Lý Hằng.

Điềm Nhi phồng má, “ò” một tiếng rất bé từ trong họng, nàng rất kính nể Đại ca, vì Đại ca tri thư hiểu lễ, học vấn lại cao, trong nhà vẫn luôn lấy học vấn để “luận anh hùng”, nên nàng chưa bao giờ làm trái ý Đại ca, nhưng Đại ca cứ toàn xưng huynh gọi đệ với cái gã Lý Hằng này, còn cực kỳ thân thiết.

Xách làn trúc xuống bếp lấy ít bánh cuốn nóng, lại lấy nấm ngâm tương mới làm từ trong hũ ra, bưng lên phòng ăn, không muốn đưa thẳng cho gã kia nên nàng chỉ định đặt xuống góc bàn, nhưng hắn ta như có mắt mọc sau gáy, vừa nói chuyện với Đại ca vừa vươn tay nhận đồ – hình như hắn lại cao thêm rồi, tay chân dài thật đấy.

“Chiều nay bên Trương gia sẽ có người đến, có nữ quyến, mẫu thân không ở nhà, muội nhớ ra phụ đấy.” Điềm Nhi xoay người toan đi thì Bạch Nhuận Triết gọi nàng lại.

Trương gia? “Trương gia nào?” Điềm Nhi hỏi.

“Trương gia ở huyện Triển Bình.” Bạch Nhuận Triết trả lời em gái một cách “ý tứ”.

“Muội không rảnh!” Dẫu có là Đại ca đáng kính đến mấy thì nàng cũng không đồng ý chuyện này, xoay gót đi thẳng ra cửa.

Lý Hằng nhìn bóng lưng cô nhóc rời đi, cười nói, “Còn có người khiến con bé ghét hơn cả ta à?”

Bạch Nhuận Triết cười lắc đầu, “Con gái trong nhà lớn rồi, chắc là xấu hổ ấy mà.”

Lý Hằng không hiểu.

Bạch Nhuận Triết mới giải thích, “Trương Thục Ngân ở Triển Bình là đồng môn của phụ thân ta, ngày xưa từng đùa, nói sau này muốn làm thông gia, năm ngoái bà thím nhà ông ấy đến làm khách, cảm thấy tiểu muội điềm đạm, thế là bảo muốn để nó đính hôn với Nhị lang nhà bà.”

Lý Hằng gật đầu, lại nhìn ra cửa đầy thâm ý.

***

Còn nửa tháng nữa là nàng sẽ tròn mười hai, Điềm Nhi tựa bên khung cửa thở dài… Đại tỷ đính hôn cũng năm mười hai tuổi, mấy chị họ cũng có chồng lúc mười hai mười ba tuổi, hình như con gái nhà họ Bạch không một ai tránh được “lời nguyền” này cả.

Có điều… Nàng không cam tâm chút nào, chị gái với anh rể là thanh mai trúc mã, từ nhỏ đã có tình cảm nên lúc đính hôn mới có thể vui vẻ như thế, còn mình ngay tới Nhị lang nhà họ Trương tròn dẹt ra sao cũng không biết. Chỉ có mẹ với em trai là từng gặp người kia, mẹ bảo bảo dáng dấp không tệ, nhưng em trai lại nói người đó trông giống cá nheo*… Lại nghĩ ngay đến Đại lang nhà Tiền phu tử bên cạnh mà mẹ cũng khen luôn mồm, nàng có cảm giác lời của em trai đáng tin hơn, chí ít cả hai đứa đều thống nhất cảm thấy Tiền Đại lang nhà bên trông giống khỉ đột!

(*Cá nheo là loại cá da trơn rất giống cá trê, tuy nhiên cá nheo chỉ có 2 râu, cá trê có đến 4-6 râu.)

Sau lần thứ ba bị kim đâm vào tay, nàng ném phứt kim chỉ vào rổ, lấy ra một tờ giấy lớn sau tủ, vuốt tật phẳng, bắt đầu cầm bút luyện chữ, đây là một trong những cách giúp nàng có thể ổn định tâm trạng.

Đang viết thì bỗng thấy ngoài cửa tối mù, ngẩng đầu lên, trông thấy gã Lý Hằng ăn cơm chùa đang nằm trên bệ cửa cười cười, thấy nàng ngẩng đầu nhìn mình, hắn ló đầu tới nhìn nàng viết chữ, “Bắt đầu tập cuồng thảo rồi đấy à?”

Cuồng thảo cái gì! Rõ ràng là Hành thư! Có điều, có điều hơi tháu tí thôi, vì nàng đang buồn bực mà!

“Quá nắn nót.” Hắn đánh giá về chữ viết “cuồng thảo” của nàng, “Bài “Lị Dương hành” được Bạch Trường Thị sáng tác lúc quan sát chiến trường trên Việt Sơn lâu, cho nên phải viết phóng khoáng vào, chữ của muội sắc quá.”

“Nói cứ như thấy bản gốc rồi không bằng.” Nàng lẩm bẩm, đặt bút xuống, định vứt tờ giấy đã viết nửa kia đi.

Nhưng hắn đã thò tay vào giật lấy bút của nàng, đồng thời xoay hướng giấy trên bàn lại, viết tiếp nửa còn lại của bài thơ. Quả đúng là cuồng thảo, nước chảy mây trôi, hùng tâm tráng khí, qua từng con chữ còn có thể loáng thoáng cảm nhận khói lửa nổi lên.

Nàng không nén nổi liếc hắn một cái, luôn cảm thấy người này là công tử nhà giàu, không quan tâm thế sự, nghe nói trong nhà đưa hắn nhập ngũ là để bào mòn sự kiêu ngạo trên người, không ngờ thế mà cũng có ưu điểm, chí ít là chữ viết không tệ, “Ngũ thúc nhà ta không thích Thảo Thư.” Hắn là học trò của Ngũ thúc thì sao lại có thể giỏi Thảo thư như vậy được?

“Ông ấy đúng là sư phụ giỏi, nhưng hai ta là hai cá nhân riêng biệt, điều ông ấy không thích không có nghĩa là ta cũng ghét.” Lý Hằng cho rằng nha đầu này đã có hiểu nhầm về định nghĩa “sở thích”.

“Nếu Ngũ thúc không thích thì sẽ không dạy người khác.” Nàng trả lời.

“Thứ đã muốn, tất nhiên phải tự đạt được.” Hắn nói đầy thâm ý.

“… Nói thế, tức là huynh tự học?” Nàng chỉ vào chữ cuồng thảo trên giấy.

Hắn nhướn mày, ngầm chấp nhận cách nói của nàng.

Điều này khiến nàng không khỏi xúc động, nên biết nàng đã bắt đầu luyện chữ từ năm sáu tuổi, cho tới nay đã năm năm mà cũng chỉ mới đạt chút thành tựu về thư pháp, hắn theo Ngũ thúc chắc chắn không chỉ suốt ngày luyện chữ, hơn nữa còn phục vụ trong quân đội, lấy đâu ra thời gian luyện tập thứ khác? “Huynh còn biết kiểu chữ gì nữa?”

Tiếp sau đấy, Lý Hằng viết lại bài thơ “Lị Dương hành” bằng kiểu chữ đẹp nhất của mình, cuối cùng còn đề cả tên.

Có lẽ do hắn có tài viết chữ nên từ đó trở đi, nàng không ghét hắn như trước nữa, chỉ cần hắn không gọi nàng là Sỏa Bạch Điềm thì nàng vẫn có thể nói chuyện vài câu với hắn.

Năm Điềm Nhi mười ba tuổi, Trương gia Triển Bình vốn hẹn sẽ tìm bà mai đến cửa cầu hôn, nhưng mùa Xuân còn chưa qua, bỗng từ đâu nhảy ra một Lý gia ở biên thành cho bà mai đem lễ đến cửa cầu hôn.

Phu nhân Bạch gia không hiểu chuyện gì đang xảy ra, lập tức sai con út đến thư viện gọi trượng phu về, cả nhà nhìn tấm thiệp của Lý gia biên thành mà lấy làm khó hiểu.

Có phải đưa nhầm không? Nhà bọn họ chẳng quen ai là Lý gia ở biên thành cả.

Rồi Ngũ thúc Bạch Cư Thiền tới, qua chú ấy mới biết được lai lịch của Lý gia này.

Vợ chồng Bạch thị bàn bạc với nhau, cuối cùng vẫn từ chối lời cầu hôn, vì bọn họ cảm thấy con gái nhà mình không hợp với kiểu gia cảnh như nhà họ Lý…

***

Cuối mùa Xuân năm Bính Tuất, Nhị công tử của phủ Đô hộ Bắc quận tổ chức lễ thành hôn, biên thành ngập trong hỉ sự.

Lý Diệc Hằng thân là huynh trưởng cũng tham dự hôn lễ của em trai, xong xuôi thì ghé thư viện quận Đông quận thăm hỏi sức khỏe của nàng dâu tương lai nhà hắn – đành chịu rồi, vợ còn nhỏ quá, nhà ngoại không chịu thả người.

Năm ấy, Điềm Nhi vẫn chưa tròn mười sáu.

Từ sau mùa Đông cùng viết bài thơ “Lị Dương hành”, Lý Hằng đã rời khỏi quận Đông, mấy năm sau đó chỉ ra vào quân đội phương Bắc, nên đây là lần đầu Bạch Điềm Nhi gặp lại hắn trong bốn năm qua.

Khác với thiếu niên mặc quân phục lấm bẩn trong trí nhớ, Lý Hằng của ngày hôm nay đã là chàng trai hai mươi tuổi cao lớn, thậm chí còn cao hơn Bạch Nhuận Triết nửa cái đầu, ngồi đằng đấy không khác gì pho tượng.

Hắn và nàng vẫn chưa thành thân, đáng nhẽ không nên gặp nhau, nhưng ai bảo Lý Hằng là học trò của Bạch Cư Thiền nào, huống hồ còn thân thiết với Bạch Nhuận Triết đến thế, nên cuối cùng hắn vẫn gặp được hôn thê nhà mình.

Dưới gốc cây quế đằng sau thư viện.

Nàng chỉ mới tắm xong, lúc em trai đến tóc nàng vẫn còn chưa khô, đành bảo nha đầu tết thành bím tóc đuôi sam, cứ tưởng Đại ca và tiểu đệ cũng có mặt, nào ngờ tới rồi mới thấy chỉ có mỗi Lý Hằng.

Khó xử quá…

“Nghe nói Đông Sơn đang mở phiên chợ đêm…” Hắn lên tiếng, xua đi bầu không khí lúng túng, “Không phải ngày trước muội vẫn thích đi lắm sao?”

“…” Nàng không trả lời, nhưng hai mắt đã sáng bừng.

***

Mùa Đông năm Mậu Tử, Tam lang Lý gia thuận lợi thành hôn.

Kể từ đấy, cả ba cô con dâu nhà họ Lý đã mã đáo thành công.

Giờ Tý đêm ba mươi, sau khi đốt pháo, Điềm Nhi lúc ấy đã hoài thai bốn tháng khoác tay chồng trở về phòng. Đi qua đường tắt ở vườn sau, vì sợ trời tuyết đường trơn, Lý Diệc Hằng duỗi tay ôm lấy vai vợ, thuận thế hôn trộm một cái lên tóc mai nàng, làm nàng vui vẻ bật cười, bỗng lúc này lại nghe thấy tiếng trò chuyện ở phía trước.

“Sao nàng biết những chữ đó?” Người hỏi là phụ thân hắn.

“Biết thì biết thôi.” Trả lời là mẫu thân hắn.

“Ngày trước đâu nghe nàng nói gì?” Phụ thân lại hỏi.

“Thế sao ngày trước cũng có nghe nói chàng từng đính hôn trước khi thành thân đâu.” Mẫu thân nói.

“Là ai dạy nàng?” Phụ thân tránh lời vấn trách của mẫu thân, tập trung câu hỏi của mình.

“Là biểu tiểu thư nào đó ở Hắc gia từng đính hôn với chàng?” Mẫu thân cũng tập trung vào vấn đề mình.

Sau một hồi im lặng, ngay lúc đôi vợ chồng mới cưới cho rằng cặp vợ chồng già phía trước sẽ giận dỗi nhau thì…

Nghe thấy vị phụ thân kia nói, “Ta nói với nàng thì nàng cũng phải nói với ta.”

“Được, chàng nói trước đi!” Chủ mẫu Lý gia đã có ba người con dâu nhưng vẫn còn trẻ trung lắm, không hề thấy xấu hổ chút nào.

Một lúc sau, phụ thân sẵng giọng nói, “Không có.”

Rồi mẫu thân cũng hắng giọng đáp, “Ta nói với chàng một bí mật đã giấu mấy chục năm qua, thật ra ta không phải người ở thế giới này…”

Chưa đợi vợ nói hết câu, phụ thân đã cắt ngang, “Ừ, người ở chỗ nàng có thể bay lên trời, thuyền có thể lặn xuống nước, còn gì mới mẻ hơn không?”

“Có, người ta còn có thể lên cả mặt trăng kia kìa.” Mẫu thân đáp.

“Vậy nàng còn đến đây làm gì?” Phụ thân tức giận.

“Có nhẽ ông trời cảm thấy đấng nam nhi như chàng thê thảm quá, nên phái tiên nữ đến cứu rỗi chăng?” Mẫu thân đáp.

Sau đấy, đôi vợ chồng già nhìn nhau bật cười, ánh đèn hắt lên sợi tóc, phản chiếu lấp lánh.

Đợi hai người đi xa, Điềm Nhi mới ngẩng đầu nhìn phu quân nhà mình, hỏi hắn, “Sau này chúng ta cũng sẽ giống như cha mẹ chứ?”

“Đương nhiên sẽ giống, đấy là truyền thống nhà ta mà!” Lý Diệc Hằng ôm siết vai vợ.

“Được, vậy chàng kể về tiểu thư Ngụy gia kia đi.” Điềm Nhi cười lạnh nhìn hắn.

“Tiểu thư NGỤY gia đâu ra! Cha ta chỉ bảo trong anh em ta nhất định phải có một người cưới biểu muội MẠC gia, nàng xem, không phải Nhị đệ đã nghe lời rồi đấy sao?” Chuyện này liên quan gì tới hắn!

“Sao chàng không bảo do Nhị đệ đẹp trai hơn chàng đi!” Nàng đã nghe mẹ chồng nói chuyện này rồi, vốn dĩ hứa gả Tịch Ngôn cho hắn, nhưng hồi bé hỏi Tịch Ngôn muốn gả cho biểu ca nào thì người ta lập tức ôm lấy Nhị đệ Diệc Hiên, hỏi cô bé vì sao, cô bé mới nói vì Diệc Hiên đẹp trai!

“Ta, ta còn chả thèm nhìn muội ấy, nói chuyện cứ líu nha líu nhíu, khác gì muỗi đâu.” Nào có ưa nhìn như vợ hắn, mới gặp lần đầu mà đã mang lại cảm giác thân quen, có lẽ vì nàng là người vợ ông trời dành riêng cho hắn.

“Đại ca, chàng nói ai là muỗi đấy?” Mạc Tịch Ngôn chim sẻ chực sẵn đằng sau, điềm đạm hỏi người anh chồng kiêm anh họ.

“Mùa đông thế này đâu ra muỗi, muội nghe nhầm rồi!” Lý Diệc Hằng ngoái đầu nháy mắt với Nhị đệ, ra hiệu đệ mau mau quản vợ mình đi.

Diệc Hiên vốn đã như công tử như ngọc, mỗi khi cười lại khiến người khác phải nhìn lâu thêm, biết bao nhiêu người bên ngoài đều bị bộ dạng công tử điềm đạm của đệ ta lừa đảo, thực chất trong bụng toàn một bồ ý xấu! “Nghe ý Đại ca, có vẻ đang trách đệ đệ đây chiếm đoạt nhân duyên của huynh nhỉ. Gán tội danh không có bằng chứng thì đành gánh vậy, ai bảo chúng ta là anh em ruột, nhưng huynh nói thế không thấy có lỗi với tẩu à?”

Lý Diệc Hằng chậm rãi buông vai vợ ra, siết nắm đấm kêu răng rắc, “Lý Tuyết Phong, hơn một năm không gặp, ngứa đòn rồi phải không? Lại đây, để Đại ca giúp đệ thư giãn gân cốt.”

Nói đoạn, hai anh em bắt đầu rượt đuổi trong tuyết…

Còn lại hai nàng dâu, một thong thả đứng bên hóng mát, một nhảy lên vung tay cổ vũ chồng mình – đương nhiên người này chính là Tịch Ngôn.

Vợ lão Tam mới đến trông mà ngơ ngác, sao chuyện này khác với tưởng tượng trước khi vào cửa của nàng thế? Lúc nghe nói sẽ được gả vào phủ Quốc công, nàng còn tưởng là chốn Hầu môn sâu tựa biển.

“Đừng căng thẳng, hai người họ thích giỡn với nhau như thế từ nhỏ rồi.” Lão Tam Lý Diệc Nam vội giải thích hành động không chín chắn của hai người anh với vợ mình, vừa định bày tỏ mình không võ dũng như họ thì đã bị một quả cầu tuyết đập vào mặt, “… Hai huynh đã đủ chưa!” Lại một người xông tới – giả vờ cái nỗi gì, rõ ràng đứa thích gây chuyện nhất là Lý lão Tam nhà đệ!

Chẳng mấy chốc, ba anh em đã diễn lại cảnh phá nhà hồi nhỏ…

“Nên ta mới nói với ba nha đầu đó, sinh con gái có thưởng, sinh con trai thì tự mà nuôi! Ôi ôi hoa mộc hương của ta… Khó khăn lắm mới chăm được mấy gốc!” Ở đằng xa, chủ mẫu Lý gia nhìn ba người con đang quần nhau ẩu đả, miệng lẩm nhẩm.

“Có hề gì, sáng mai lập tức bảo chúng cút đi.” Gia chủ Lý gia vỗ vào tay vợ như muốn trấn an.

Trời lấp lánh muôn ngàn tinh tú, tuyết lại rơi ngập cõi tinh không.

KẾT THÚC