Nguyên Thủy Chiến Ký

Chương 39: Xuất phát




Tuy là nghi ngờ, nhưng Thầy Mo cũng không hỏi nhiều mà tiếp tục làm những việc khác.

Không đông đúc ngàn người như hoạt động Tế Bái, mỗi lần đi săn cũng chỉ có tầm hai trăm người, những người bị thương của lần săn trước, những người sinh con, bận chăm sóc người thân, sức khỏe không tốt, hay bận những việc khác đều không bị liệt vào đội săn. Thế nên, tuy rằng ở chung một đội nhưng số người tham dự mỗi lần đi săn đều khác nhau.

Sau khi mấy người Lang Hạ vào trong đều tự giác bước vào đứng ở vị trí vốn có của họ, Thiệu Huyền đứng ngay cạnh bên. 

Đứng trước đội săn là những nhân vật quan trọng của đội, hơn mười người trong đó có Mạch.

Thầy Mo đứng bên lò sưởi, trên tay cầm một chén đá, bên trong chứa một số nguyên liệu màu thực vật, có màu xanh đen.

Đi đến bên cạnh từng chiến sĩ, vẽ hoa văn lên mặt họ. 

Hoa văn giống với hoa văn totem khi xuất hiện, Thầy Mo vừa vẽ vừa niệm gì đó trong miệng, Thiệu Huyền nghe không rõ, cho dù có nghe được thì anh cũng không hiểu nó có nghĩa gì.

Không phải người nào trong đội săn cũng được vẽ hoa văn lên mặt, những người có tư cách là những nhân vật quan trọng đứng trước mà thôi. Lúc này biểu cảm trên mặt họ rất chăm chú, nghiêm túc, dường như đang thực hiện một nghi thức thần thánh nào đó vậy.

Nhìn lại gương mặt của đám người Lang Hạ, trong mắt họ ngập tràn sự ngưỡng mộ, chắc là nghĩ thầm một ngày nào đó mình sẽ được đứng trước đội, trước khi đi săn sẽ nhận được lời chúc phúc của Thầy Mo. 

Tuy rằng trong lòng có nhiều suy nghĩ, nhưng Thiệu Huyền vẫn biểu hiện ra vẻ nghiêm túc kèm theo một chút ngưỡng mộ như những người khác.

Đợi mười mấy người đó vẽ xong trở về đội, không khí nghiêm túc cũng giảm đi phần nào, trước sự dẫn dắt của Thủ Lĩnh, mọi người bắt đầu hát “Bài Ca Đi Săn”.

Tiếc là... Thiệu Huyền không biết gì cả! 

Trước đây Thiệu Huyền đã vài lần được nghe “Bài Ca Đi Săn” nhưng anh không học. Anh cũng không biết trước khi đi săn đội săn phải hát bài này.

Chết tiệt, cảm giác giống như chào cờ mà không biết hát Quốc ca vậy, nói ra nhất định sẽ rất mất mặt!

Vấn đề là ở trong bộ lạc, “Bài Ca Đi Săn” sẽ được ba mẹ và các thế hệ đi trước dạy cho, thế nhưng Thiệu Huyền bước ra từ hang động, với cả anh vốn dĩ cũng không thuộc về nơi này, thế nên anh hoàn toàn không chú ý đến. Bọn người Lang Hạ cũng không nghĩ đến vấn đề này nên đã xảy ra sơ xuất. 

Nhưng mà Thiệu Huyền cũng không hẳn là một đứa trẻ, anh không biết “Bài Ca Đi Săn”, thế nhưng anh biết nhép lời.

Thiệu Huyền không thay đổi sắc mặt, bình tĩnh đứng đó, miệng hở ra khép vào nhưng không phát ra âm thanh, nếu không chú ý sẽ không phát hiện ra có gì khác biệt.

“Từ thời khai thiên lập địa, tổ tiên chúng ta xuất hiện, khi bộ lạc hưng thịnh, lấy săn bắt làm nghề chính, mùa xuân ấm áp đã đến, băng tuyết đã tan, muôn loài nhảy nhót vui sướng, muôn chim muôn thú hát ca, chiến sĩ đội săn xuất hành đến nơi xa...” 

Vốn dĩ Thiệu Huyền nghĩ rằng “Bài Ca Đi Săn” chỉ ca mấy câu rồi hết, kết quả đợi mãi, đợi mãi phát hiện bài hát này dài đến mức khốn nạn, cứ như đang kể một câu chuyện vậy, từ mùa xuân săn thú hát cho đến mùa hạ, rồi lại hát qua mùa thu, cuối cùng kết thúc tại mùa đông.

Không những dài, mà còn có một kết cục đau thương!

Cứ như cái chết của một nhân vật lịch sử vậy! 

Không biết là vị “ cao nhân” nào trong bộ lạc viết ra.

Tuy rằng trong bài hát kể về rất nhiều câu chuyện đi săn, còn cảnh cáo mọi người, mùa đông săn bắt rất nguy hiểm, ra ngoài phải cẩn thận. Thiệu Huyền cảm thấy cũng không phấn khích cho lắm, mà đám người ở đây hát đến nỗi mặt mủi đỏ như gà chọi vậy, có người hát đến nỗi nổi lên dấu hiệu totem, cứ như hận không thể giết chết cầm thú ngay tại chỗ tuyên thệ vậy.

Thiệu Huyền thật sự không hiểu nỗi tâm lí của mọi người, chắc là sự khác nhau của người ngoài và dân bản địa. 

Lúc Thiệu Huyền mở to miệng hát cùng mọi người trong đội, Thầy Mo cũng nhìn sang mấy lần, Thiệu Huyền biết thế nhưng ánh mắt vẫn giữ nguyên chỗ cũ rồi bắt chước theo Lang Hạ, người khác phấn khích thì anh cũng phấn khích, người khác nắm chặt giáo trong tay ngẩng lên trời hét lớn, anh cũng cầm giáo hét theo. Lang Hạ cũng nói rồi mà, anh ấy làm gì thì Thiệu Huyền cứ làm theo là được, không sai đâu.

Thầy Mo đứng cạnh lò sưởi nhìn thấy mà giật giật cơ mặt. Tất nhiên là ông có thể thấy Thiệu Huyền không biết hát “Bài Ca Đi Săn”, nhưng không ngờ Thiệu Huyền lại mặt dày đến thế, giả vờ cứ như thật vậy, nếu đổi là những đứa trẻ khác thì sẽ hoảng sợ lắm.

Hát xong “Bài Ca Đi Săn”, Thiệu Huyền cảm thấy bữa sáng như bị tiêu hóa hết. 

Sĩ khí đã được nâng cao, Thủ Lĩnh cũng không nói nhiều nữa, mà ra lệnh cho người dẫn đầu dắt đội xuất phát. Ra ngoài săn bắt cũng có thời gian quy định, nếu quá thời gian sẽ gặp phải rất nhiều rắc rối.

Thiệu Huyền cất bước theo sau Lang Hạ.

Cảm nhận ánh nhìn của ai đó, Thiệu Huyền nhìn qua thì chính là thằng nhóc Mâu. 

Mâu đang rất ngạc nhiên, nó không ngờ sau sự việc của Phi trong lần săn trước, mà người ta vẫn để chiến sĩ vừa thức tỉnh tham gia. Được biết, những đứa trẻ có biểu hiện khá ổn trong lần săn trước cũng đều không được đi theo. Tất nhiên, Mâu không hề nghĩ rằng bản thân nằm trong nhóm “chiến sĩ vừa thức tỉnh”.

Thiệu Huyền nhìn thấy là đã hiểu, để tránh xảy ra sai sót, anh theo sát Lang Hạ, làm gì có tâm trí trừng mắt qua lại với thằng nhóc đó?

Đội săn từ đỉnh núi đi xuống, người dân tập trung ở hai bên đại lộ danh vọng. Lần này trong đội săn, chỉ có Mâu và Thiệu Huyền là hai chiến sĩ thức tỉnh của năm nay, thế nên hai người trở nên rất nổi bật trong đội. 

Trên núi có rất nhiều người không quen Thiệu Huyền, sau khi nhìn thấy đứa trẻ trong đội được nhiều người nhắc lại mới biết, đứa trẻ trước mặt, chính là đứa đã thức tỉnh sớm trong lễ tế.

Một lần nữa anh khẳng định cảm giác tồn tại của mình giữa đám đông, những người lần trước không có ấn tượng mạnh với anh, bây giờ cũng đã nhớ kĩ. Có thể đi theo đội, tất nhiên phải có năng lực đi theo. Bộ lạc rất tôn trọng những người có năng lực.

Từ trên núi đi xuống, Thiệu Huyền càng bắt gặp nhiều gương mặt thân thuộc hơn, họ dứ nắm đấm với Thiệu Huyền, không phải họ muốn đánh người mà là một cách cổ vũ cho Thiệu Huyền. 

Điều làm Thiệu Huyền bất ngờ là, bọn trẻ trong hang cũng tập trung hai bên đại lộ danh vọng, sáp nhập với đoàn đưa tiễn, trong mắt họ tràn ngập sự ngưỡng mộ, dí dí nắm đấm về phía Thiệu Huyền.

Coi như mấy người có lòng, không uổng công tôi giúp mấy người. Thiệu Huyền nghĩ thầm.

Thiệu Huyền còn nhìn thấy Trại đứng phía sau đoàn tiễn đưa. 

Trại bị ba cậu lôi đến đây, sáng sớm còn định sẽ ngủ một chút, kết quả bị kéo đến đây tiễn đưa đội săn, vốn dĩ đến đây để nhìn ngắm những chiến sĩ đi săn, vừa ngáp một cái liền mở to mắt nhìn chằm chằm Thiệu Huyền đứng trong đội, sau đó từ từ quay đầu nhìn ba mình.

Quả nhiên, ba Trại sau khi nhìn thấy Thiệu Huyền trong đội, chớp mắt đã kéo Trại về quyết liệt hơn, nghĩ thầm làm sao để tăng thêm áp lực huấn luyện cho Trại.

Đi hết đại lộ danh vọng, đội săn cũng gia tăng tốc độ, người tiễn đưa cũng ở lại phía xa cho đến khi không còn nghe thấy nữa. Thiệu Huyền vác trang thiết bị trên lưng, theo sát Hạ Lang, nơi đây đã ra khỏi phạm vi của bộ lạc, phía trước còn có một bình địa nhỏ, ra khỏi bình địa họ sẽ ra khỏi hoàn toàn phạm vi bộ lạc. 

Chạy trên lớp cỏ dày, Thiệu Huyền ngẩng đầu nhìn cánh rừng phía bên bình địa.

Mây đen cuồn cuộn kéo đến đầy trời, phiêu dạt trên khoảng không, bao kín một phần lớn ngọn núi, mang đến cho người ta một áp lực rất lớn, chóp núi ẩn hiện một góc giữa lớp sương mù, cứ như một con mắt đen cực lớn nhìn xuống chúng sinh phía dưới.

Vẫn chưa bước vào mà đã phảng phất cảm nhận được sự nặng nề. 

Trước khi tiến vào rừng sâu, có một khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi, người dẫn đầu sẽ chia nhiệm vụ.

Thiệu Huyền tranh thủ hỏi Lang Hạ đang chỉnh lại dây cung: “Chốc nữa tôi sẽ làm gì?”

“Những việc khác cậu không cần nghĩ đến.” Lang Hạ cười nói: “Chỉ cần cậu không bị lạc là được rồi.”