Qua Ba Kiếp Người Mới Trải Nghiệm Nhân Sinh

Chương 2: Hoàng tử lưu vong (Thượng)




Thảo nguyên Hoa Khải, Cổ Hi Quốc.

Năm 1724

Ánh nắng nhè nhẹ chậm rãi xuyên qua những đám mây xốp trắng mềm, chiếu rọi xuống đồng cỏ mênh mông trải dài như vô tận, kéo đến tận chân trời xa xa, ngút ngát một màu xanh thanh mát.

Hoa Khải này đẹp nhất là cánh đồng Nhật Á vào cuối hạ đầu thu. Nguồn nước từ các con sông lớn kéo về nơi đây những ngày đầu hạ đã cung cấp cho đất một lượng dinh dưỡng dồi dào, thúc đẩy những mầm cây sống qua một mùa đông lạnh lẽo ngày sống lại, nuôi dưỡng cho những cánh hoa ở trên thảo nguyên từ từ rộ nở. Cuối hạ, những cánh mai hồng, mai trắng, sau một mùa chậm rãi, e lệ xòe từng cánh nhỏ bừng lên như những ngọn lửa hồng, cháy sáng rực trên thảo nguyên lạnh giá. Những triền đồi thoai thoải, nhấp nhô xanh mướt, phủ lên trên đó là màu hồng xen lẫn trắng của những cánh hoa mai khoe sắc, điểm thêm sắc màu của những bụi cây nhỏ, màu bừng lên dưới ánh nắng dịu nhẹ, tất cả tạo nên cảnh tượng thơ mộng hiếm thấy.

Lưu Hoằng lặng mình dưới nắng dịu nhẹ hiếm hoi của mùa hè trên thảo nguyên lộng gió. Hắn như nhìn thấy cảnh sắc nơi này, lúc nó thực sự trở thành một thiên đường thơ mộng. Nắng và gió, đẹp đẽ, ngọt ngào.

Rồi cái cảnh khách phương xa đến đây trong mùa mai nở, mang theo nào thẻ tre, nào bản khắc gỗ kể về những câu chuyện của Bắc Phong - quê hương mà hơn chục năm nay hắn chưa một lần được thấy.

Rồi những phiên chợ nhộn nhịp, tấp nập đầy hàng hóa từ cả đại lục địa, nào kiếm, nào bút, nào tranh, không gì không thiếu.

Một niềm vui hiếm hoi trong một năm đầy lạnh giá cùng khắc nghiệt.

Đó không đơn giản chỉ là niềm vui của một khách bộ hành mong chờ cảnh sắc đẹp đẽ của thiên nhiên, đó còn là niềm vui của đứa con xa xứ khi ngày ngày mong ngóng về quê hương khốn cùng ở phương xa, cuối cùng cũng đợi được tin tức.

Đúng vậy! Hắn thực chờ mong, chờ mùa mai để thấy hình ảnh quê hương qua những đồ vật vụn vặt được khách phương xa mang từ Bắc Phong. Một mùa mai nở, cũng gần hơn khoảnh khắc người ấy lần nữa xuất hiện, bước tới bước dài tới niềm ao ước bấy lâu. Rồi người đó sẽ lại cùng hắn tiếp tục nghiên cứu binh thư, chỉ dạy thêm cho hắn những điều mới mẻ.

Hắn vốn không phải người con của Hoa Khải, càng không xuất thân từ Cổ Hi, nhưng tình yêu hắn dành cho nơi này không kém cạnh quê hương xứ sở. Mang trong mình dòng máu cao quý của hoàng tộc Bắc Phong, là hoàng tử, chính xác hơn là đại hoàng tử, lại mang vẻ khô ngô tuấn tú của bậc đế vương, thêm vào đó lại có trí thông minh hơn người, sự quyết đoán và tự tin đến kinh ngạc, hắn đáng ra có quyền được kế thừa ngai vàng. Tiếc thay, mẹ Lưu Hoằng vốn chỉ là một cung nữ được sủng ái nhất thời mới lên được cung tần, sau vì sinh được đại hoàng tử nên mới được cân nhắc lên hàng phi, nên hắn cũng chẳng có bao hậu thuẫn. Thế nên hắn sinh ra, vị trí thái tử vốn không phải cho hắn. Không phải đó là hiển nhiên mà hắn chấp nhận, hắn đã từng nghĩ tranh đấu, hắn đã từng nghĩ cố gắng vượt trội hơn người.

Thế nhưng phụ hoàng - người mà hắn kính trọng nhất, tin tưởng nhất, lại ngay trước thành công của hắn, một đường chặn lại, triệt để cắt đứt những tháng ngày cố gắng không ngừng nghỉ của hắn. Người hạ lệnh phong vương, bỏ quyền thừa kế ngai vàng của hắn, lấy lí do nhà hắn vốn phạm trọng tội, mẹ lại là nô tỳ sung quân được lấy về cung làm cung nữ, kế thừa ngai vàng là mang ô danh cho dòng tộc, cho đất nước.

Sau này, quốc gia lao đao, nghịch thần kết bè kết cánh. Kế hậu vì muốn một dao chặt đứt triệt để hậu họa về sau, bèn gán cho hắn thêm tội danh phản nghịch, truất luôn quyền điều khiển binh mã. Danh vương gia của hắn bấy giờ chỉ là danh hão, bổng lộc chẳng đủ tiêu. Hắn phải trao lại ấn, bị giam lỏng trong Thân vương phủ liền ba năm.

Một đại hoàng tử mà còn mang danh phản nghịch, bị truất đi quyền thừa kế ngai vàng, nghĩ thôi cũng đã đủ chua chát.

Nhục nhã làm sao cho hắn, cho mẫu thân hắn!

Lưu Hoằng bất tri bất giác vươn tay tơi khóe miệng. Bản thân lại vô thức mà nhếch môi cười. Nụ cười như thế này, hắn đã cười đến trăm lần, nhưng chỉ những lúc nghĩ về quá khứ, hắn mới không điều khiển bản thân mà nhếch khóe môi.

Bình thường là cười cho người khác xem, cười cho bản thân tự giễu.

Thế nhưng nụ cười này, không phải biểu lộ vui vẻ, cũng chẳng phải là nụ cười khinh bỉ, càng không phải căm ghét. Lưu Hoằng vốn rất yêu Bắc Phong, cũng rất yêu phụ hoàng, càng yêu hơn vị cố hoàng hậu đáng kính - người duy nhất che chở hắn, yêu thương hắn sau khi mẫu thân hắn mất đi. Hắn cũng chẳng mảy may hờn oán kế hậu làm chao đảo vương triều, sụp đổ đất nước, tự bắt ép bản thân sống không được, chết không xong.

Lưu Hoằng đã vô số lần tự hỏi: Mình như thế, liệu có quá ư lương thiện?

Hắn đã từng không hiểu, tại sao bản thân lại cười trong khi đáng nhẽ phải sầu thảm khóc lóc. Rồi mãi sau này, khi trải qua rất nhiều, rất nhiều chuyện, hắn mới nghiệm ra một điều, có lẽ, tận cùng của thống hận chính là vui vẻ đi.

Sau đó, hắn không bao giờ thắc mắc nữa, chỉ là, hắn cười nhiều hơn.

Cười để thay cho nước mắt.

Khóc lóc có ích gì?

Chỉ để người ta thương cảm, chỉ toát lên hèn nhát ngu si... Vậy cớ sao không cười?

Hắn cười ai? Cười cái gì? Cười cho thân phận trớ trêu, cười cho mẫu thân đáng thương hay kế hậu ngu ngốc, hay chỉ đơn giản là bộc phát do tâm trạng đã đè nén quá lâu? Chính hắn cũng không biết. Chỉ biết, khi nghĩ về quá khứ, khi mọi âm mưu bẩn thỉu tái hiện, lúc nào nụ cười ấy cũng ẩn ẩn trên môi, kèm theo đó một ưu thương nơi đáy mắt, chút ưu thương mà Lưu Hoằng triệt để giấu kín khỏi con mắt người ngoài.

Hắn vẫn nhớ như in hồi hắn và hoàng đệ mới được đón vào hoàng cung Cổ Hi, cả kinh thành dường như dậy sóng. Trong lúc cả hai bị giam lỏng thì lời đồn về hai người không biết từ đâu tràn ra như thác dữ, chẳng bao lâu đã đến tai mọi người trong kinh thành. Vương phủ, khách điếm, tửu lâu, thanh lâu, phố xá, góc đường, nơi nào cũng có, nhiều đến chóng mặt, mà cũng loạn đến chóng mặt. Rất nhiều, rất nhiều, tỷ dụ như...

Hai người đó từ Bắc Phong đến, triều đình đang cưu mang hai vị vương tử Bắc Phong, có ý định chống đối Đế Hỏa. Có phải sắp chiến tranh không?

Vị hoàng tử giấu mặt, rất ít tiếp xúc bên ngoài nghe nói là có bệnh, không sống đến bao lâu, mà bệnh này do hoàng huynh hắn gây nên. Cái này do chính người họ hàng trong cung của ta nói, rất đáng tin.

Vị hoàng huynh kia rất thích chém giết, lại khinh bỉ Cổ Hi chúng ta, nói chúng ta mọi rợ. Một người đến mang cơm cho hắn, vô tình đụng vào bát thức ăn, hắn ta bèn đạp đổ mâm cơm vào người đó, rồi lập tức giết ngay.

Vị vương tử nhỏ hơn rất ốm yếu, chắc chắn không sống được bao lâu. Nghe nói thái y viện đã mấy ngày đổi thuốc, liều càng ngày càng nặng.

Vị hoàng huynh kia đẹp như một vị thần. Chỉ cần nhìn qua là mê mẩn rồi. Giá mà ta được thấy chàng nha!

Nghe nói vị kia rất giỏi binh pháp, thuật cưỡi ngựa phải nói là tuyệt vời, nhưng tính cách hung tàn, thịt sống cũng ăn, em trai cũng muốn giết.

Lời đồn cứ thế lan ra, càng truyền đi càng kinh dị.

Thế nhưng điều làm cho Lưu Hoằng kinh ngạc ngạc nhất chính là không một lời đồn nào có thể ra khỏi kinh thành, huống chi là đến được Đế Hỏa xa xôi. Càng bí ẩn hơn, ba tháng sau, tất cả mọi lời đồn đại đều triệt để biến mất, mọi thứ như chưa có gì xảy ra, mặc dù hắn có thể xác nhận, người dân kinh thành, không ai không biết đến sự tồn tại của hai người bọn họ.

Lời đồn vừa biến mất, hắn liền lập tức có thể tự do đi lại, tự do luyện võ, học binh thư, lại có thể được dùng đồ trân quý, được ban ân như quân vương Cổ Hi thực sự. Chỉ tiếc, sự tự do đó chỉ gói gọn bên phía Nam hoàng cung và thảo nguyên nhỏ bé.

Năm đầu, Lưu Hoằng dành hầu hết thời gian để tập hợp các loại sử sách về Cổ Hi, tìm đọc để hiểu hơn về đất nước bí ẩn này, nhưng những điều hắn tìm được chẳng khác gì con đom đóm giữa màn đêm, chỉ có thể thắp lên ánh sáng yếu ớt. Càng tìm hiểu, hắn càng hoang mang, lại càng tò mò. Cổ Hi này quá bất thường. Từ khi đại lục địa chia cắt đến giờ, mặc dù chiến tranh liên miên, nhưng không một hòn tên mũi giáo nào rơi trên nơi đây. Những tập tục thờ thần cúng thần ở Bắc Phong vốn là rất linh thiêng, nơi đây cũng chẳng mấy quan trọng. Người Cổ Hi Quốc có thờ thần, thờ tổ tiên, nhưng bàn thờ luôn đặt thấp hơn bàn thờ thờ vị tướng: Đế An tướng quân, vị tướng đã cùng vua Huyền Tông khai quốc. Còn một điều đặc biệt ở Cổ Hi, ngu trung (tôn thờ vua) vốn là đạo lí trong lịch sử, nước nào cũng phải tuân theo, thế nhưng người dân ở đây lại coi trọng vua một cách quá đáng, lệnh vua là lệnh thần, chém giết mặc vua, tô thuế là quyền của vua. Thế nhưng, ngu trung là thế, trong lịch sử Cổ Hi chưa có vị vua nào quá đến nỗi bị gọi là bạo quân, bị dân phế bỏ. Chuyển giao dòng họ, chuyển giao hoàng quyền, tất cả đều không có chiến tranh chém giết, như một sự sắp đặt từ trước, rất yên bình. Yên bình đến đáng sợ!

Kí ức mịt mờ lại lần nữa hiện về!

Lưu Hoằng chán nản thở dài. Hắn mệt mỏi nằm dọc theo thân ngựa, gối đầu lên tay, suy ngẫm về thời thế thân phận. Thật lâu sau, hắn thở một hơi dài rồi ngẩng lên, kéo căng dây cương, ý định thưởng thức hết thảo nguyên mênh mông. Ngựa mới chạy được vài bước thì đã chùng chân lại, Lưu Hoằng buông lỏng dây cương, cẩn thận nghe ngóng. Tiếng đại bàng săn mồi đâu đó vọng lại rồi ngày càng rõ hơn. Hắn ngước lên trời, nhìn kĩ bóng đen chao liệng trên bầu trời.

Sợi dây đỏ trên chân chim, là của hoàng tộc sao?

Lưu Hoằng nhếch môi, quay ngựa, thúc nó trở về, đằng sau hắn vẫn vang lên tiếng đại bàng, ngày càng xa rồi cuối cùng mất hút.

Đoàn ngựa hộ tống hắn vẫn theo đằng sau, bám sát không rời.

Từ thảo nguyên về đến hoàng cung thì cũng phải mất non nửa ngày đường. Con chim đại bàng buộc sợi chỉ màu dưới chân chính là con chim gọi người trên thảo nguyên trở về. Trừ những ngày chợ phiên hoặc tế lễ, còn không thì cửa thành sẽ được đóng lại từ sớm. Bình thường, ngay cả ban ngày, nếu không có giấy được đóng ấn thì sẽ không được vào thành, nếu là giấy của hoàng cung, thì còn phải nộp thêm lệnh bài tước vị. Cổ Hi Quốc rất đề phòng với người lạ, lối ra vào kinh thành càng được đặc biệt chú trọng. Khi tiếp sứ hay đại nhân vật, đế vương sẽ có mặt để xác nhận, chỉ lúc đó thì người được bảo hộ mới có thể đi qua khi không có giấy thông hành. Vào buổi tối, tuyệt nhiên không được vào, dù là chức cao quyền trọng đi nữa. Nếu ở thành khác, khi quá muộn thì có thể ở lại thành và xin tá túc qua đêm tại nhà dân, hay vào khách điếm. Nhưng ở thảo nguyên này hoàn toàn không được tiện như thế. Những căn nhà gỗ chỉ xuất hiện ít ỏi trên cánh đồng rộng lớn, phải may mắn lắm thì mới gặp được để có thể túc trên đường đi. Những căn nhà ấy là vật cứu sống của người du mục, bởi vì đêm đến, tuy là mùa hè, nhiệt độ vẫn giảm xuống chỉ rất thấp. Vào những ngày mát mẻ vào ban ngày thế này, nhiệt độ về đêm có thể theo đà giảm xuống làm nước đóng băng, cực kì nguy hiểm. May mắn, mùa này rời tối muộn. Phải đến khoảng giờ Hợi - giờ tính theo Bắc Phong quốc (tương đương 9 ~ 11 giờ tối) thì mặt trời mới thực sự khuất bóng, và chỉ lúc đó, cổng thành mới thực sự được đóng, lệnh giới nghiêm lúc bấy giờ mới được thi hành.

Vó ngựa khuất dần trong ánh sáng của buổi chiều tà, hòa với gió thảo nguyên là mùi cỏ man mác, bất tri bất giác Lưu Hoằng lại nhớ tới một người. Rất xa lạ, mà lại thật thân quen, mang cho hắn cảm giác rất thực, nhưng hóa ra chỉ là hư ảo. Chìm đắm trong suy tưởng về người đó, hắn trở về thành lúc nào không hay. Lưu Hoằng ghìm cương ngựa. Con tuấn mã đang phi nước đại hí lên một tiếng dài rồi huơ lên hai chân trước, rất nhanh liền vững vàng trên nền đất. Toán lính gác cổng thành nhìn thấy Lưu Hoằng từ xa liền gọi cho trưởng quan. Trưởng quan rất nhanh liền đứng ở cổng thành chờ với hắn:

- Lưu Quân hôm nay quay lại thực sớm.

- Ta thấy đại điêu nên mới cấp tốc trở về đó thôi. Trưởng quan có biết tại sao hôm nay tại sao lại là huyết xích mà không phải hoàng kim điêu?

- Lưu Quân, ngài nên sớm vào thành thì hơn. Là lệnh của bệ hạ truyền xuống, kinh thành đóng sớm hơn một canh giờ nên mới phải cho huyết xích đi gọi. Toàn bộ cửa thành chuẩn bị phải đóng cửa.

- Thực sao? - Lưu Hoằng ẩn ẩn nghi ngờ.

Đáp lại hắn, vị trưởng quan chỉ cười mà không nói. Biết không moi thêm tin gì, hắn liền thức thời chìa ra giấy thông hành:

- Phiền trưởng quan!

- Lưu Quân đa lễ rồi. - Vị trưởng quan cẩn mật soi sét giấy thông hành, thấy không có vấn đề gì mới chính thức cho người qua. - Phiền ngài rồi. Ngài nên sớm về cung, bệ hạ hẳn đợi ngài từ lâu.

Lưu Hoằng gật đầu, tỏ vẻ biết rõ. Hắn thả lỏng cương ngựa, cho tuấn mã hòa theo dòng người, đi đến hoàng cung. Hắn chẳng muốn dây dưa nhiều làm gì. Bề mặt thì tỏ ra vồn vã nhiệt tình, nhưng ở Cổ Hi này, có ai ưa bọn hắn đâu? Hoàng đế cưu mang huynh đệ hắn mà bỏ qua giao hảo với Đế Hoả, trong lòng Lưu Hoằng sớm biết, chẳng có gì là cho không cả, từ ngày đầu đến đây, hắn phải luôn cảnh giác rồi. Huống chi, bản hiệp ước đó...

Trong lòng hắn lại dấy lên dự cảm chẳng lành. Huyết xích điêu, con chim đại bàng quý giá của hoàng tộc... Cái này là gọi người trên thảo nguyên báo chuyện gấp, gọi hắn mau về hay gọi một ai khác?

Ôm tâm trạng mông lung lo lắng, Lưu Hoằng rất nhanh vào đến hoàng cung, rất nhanh ngâm mình trong dục uyển, và cũng rất nhanh để xử lí bữa cơm. Mĩ thực bày ra một bàn phong phú nhưng Lưu Hoằng chẳng có tâm trạng thưởng thức. Hắn qua loa ăn xong, phất tay ý bảo cung nữ dọn, rồi bước ra ngoài điện.

Tại sao giờ này hoàng đế còn chưa triệu kiến hắn nhỉ?