Quốc Sắc Sinh Kiêu

Chương 1111: Lan Dịch




Trong bốn châu thuộc Tây Quan, diện tích lớn nhất tất nhiên Việt Châu, nơi có thành Sóc Tuyền, mà diện tích nhỏ nhất là Kim Châu ở phía bắc.

Kim Châu là châu ở sát phía bắc nhất trong vùng Tây Bắc, nam giáp Hạ Châu, mặt bắc chính là Nhạn Môn Quan, sau khi vó ngựa Tây Lương giẫm qua Nhạn Môn Quan, Kim Châu là nơi thiệt hại nặng nhất.

Năm đó quân Tây Lương công phá Nhạn Môn Quan, vừa mới là đặt chân lên Kim Châu của Đại Tần, liền cướp đốt giết hiếp, khiến cho sinh linh đồ thán, Kim Châu trải qua một trận đại kiếp, đặc biệt là huyện Hoàng Sa thuộc Kim Châu, mười người bị giết hết chín người.

Diện tích Kim Châu không lớn, trong ba huyện bên dưới, huyện Hoàng Sa ở sát phía bắc, trên thực tế, Nhạn Môn Quan chính là nằm trong địa phận huyện Hoàng Sa. Quân Tây Lương vừa vào đến đã phóng tay tàn sát, khi Nhạn Môn Quan nguy trong sớm tối, quan binh huyện Hoàng Sa trắng trợn rút lui, nhưng dân chúng bỏ chạy không kịp liền gặp họa dưới vó sắt và loan đao Tây Lương.

Huyện Hoàng Sa sau chiến tranh, thây phơi đầy đồng, dân chúng lầm than, người sống thưa thớt, cả một vùng thảm không nỡ nhìn, nhưng là đất lành cho kền kền và linh cẩu, thi thể khắp nơi thành bữa tiệc cho chúng ăn no.

Khi đó, mùi xác thối phảng phất, khiến người ta buồn nôn.

Sau khi binh Tây Lương rút đi, tuy dân chúng nhiều người trở về quê cũ, các phủ huyện ở Kim Châu đều có một lượng lớn bá tánh quay về, nhưng số người trở về huyện Hoàng Sa, chẳng qua chỉ một hai phần mười, hầu hết ruộng đồng hoang vu, cũng may quân Tây Bắc trở lại Nhạn Môn Quan, một mặt cố hết sức tu sửa quan ải, mặt khác thì xử lý mớ hỗn độn sau chiến tranh ở huyện Hoàng Sa.

Phần lớn hài cốt được chôn cất, ở vùng giáp ranh với Nhạn Môn Quan của huyện Hoàng Sa, quân Tây Bắc xây dựng ba mươi sáu khu nhà có tường đá bảo vệ, hơn nữa khai khẩn đất hoang, đóng quân làm ruộng. Một phần lớn trong số quân lương phát cho quân Tây Bắc được dùng để làm hạt giống. Quân lương của quân Tây Bắc vốn rất ít, miễn cưỡng mới có thể tiếp tục chống đỡ, trong bão cát biên quan, điều kiện của quân Tây Bắc so với trước chiến tranh càng thêm tồi tệ.

Ba huyện ở Kim Châu, bởi vì huyện Hoàng Sa người ở thưa thớt, nên cả nha môn quan phủ cũng không được mấy người. Quân Tây Bắc đóng quân làm ruộng tại huyện Hoàng Sa, nên trên thực tế, quyền khống chế huyện Hoàng Sa đã nằm trong tay quân Tây Bắc.

Phòng thủ của thành Lan Dịch ở Kim Châu so với thành Hạ Châu đương nhiên kém xa, nhưng thành Lan Dịch nằm ở nơi hiểm yếu nhất Kim Châu, sa mạc rất nhiều, đường đi gập ghềnh, muốn tới gần thành Lan Dịch, buộc phải đi qua Lang Nha cốc. Đường qua Lang Nha cốc chật hẹp, bình thường muốn qua đã không dễ dàng, đừng nói hiện nay ở Lang Nha cốc còn có binh mã của Trương Thúc Nghiêm đóng giữ.

Trương Thúc Nghiêm hơn năm mươi tuổi, càng già càng dẻo dai, y và Đông Phương Tín có quan hệ thông gia, con y cưới cháu gái của Đông Phương Tín, sau khi hai nhà kết thân, quan hệ tất nhiên vô cùng thân mật. Đông Phương Tín đem doanh chữ Cấn giao cho Trương Thúc Nghiêm, cho y trấn thủ Kim Châu, điều này rõ ràng là muốn đem Kim Châu đặt dưới quyền khống chế của Chu đảng, nhưng vẫn còn một nguyên nhân quan trọng khác khiến Đông Phương Tín giao Kim Châu cho Trương Thúc Nghiêm trấn thủ.

Kim Châu là châu có diện tích nhỏ nhất Tây Quan, phần lớn là đất cát, diện tích đất canh tác rất nhỏ, lương thực ở đây, chủ yếu là được cung cấp từ bên ngoài, các loại tài nguyên thật ra đều rất ít ỏi.

Nhưng, trong địa phận Kim Châu, lại một diện tích đất cát không nhỏ, từ rất sớm, ở đây đã có truyền thống đãi vàng.

Mỏ vàng hình thành ở chỗ trũng, là do nham thạch có chứa quặng vàng hoặc những vỉa vàng ở thượng du, trải qua năm tháng, bị bào mòn, di chuyển, rồi lắng xuống tạo thành mỏ vàng sa khoáng.

Đây là một quá trình rất dài, nhưng không thể phủ nhận, vàng ở Hoàng Sa, từ khi được phát hiện đến nay, liền thành mục tiêu của mọi người.

Vàng sa khoáng đương nhiên là thuộc sở hữu của quan phủ, nghề mưu sinh quan trọng nhất của dân chúng Kim Châu chính là đãi vàng sa khoáng cho quan phủ, nhận tiền công duy trì cuộc sống.

Công nhân đãi vàng sa khoáng sẽ gạt bỏ lớp đất trên mặt, đào xuống đến tầng cát sỏi, sau đó dùng thau đãi vàng, đãi ở trong nước, vì trọng lượng của vàng nặng hơn, nên sẽ lắng xuống bên dưới, thứ lấp lánh ánh vàng kia chính là vàng sa khoáng. Loại phương pháp này chủ yếu dựa vào sức người, từng người đơn lẻ, thật ra hiệu suất không cao, nhưng nếu tập hợp tạo thành một đội ngũ đãi vàng khổng lồ, chuyên môn làm công việc đãi vàng như thế, lượng vàng sa khoáng lấy được, cũng không phải là con số nhỏ.

Cho tới nay, quan phủ Kim Châu cũng không nhốt tội phạm trong nhà lao, mà đưa đến bãi vàng, để bọn họ đãi vàng cho quan phủ. Dân chúng bình thường làm thuê cho quan phủ, đãi vàng xong sẽ nhận tiền công tương ứng, mà tội phạm chỉ có thể đãi vàng không công cho quan phủ. Thuế má Kim Châu nộp lên triều đình, vẫn đều dùng vàng sa khoáng để nộp.

Tây Bắc trải qua chiến hỏa, triều đình cũng đã hạ chỉ miễn thuế ba năm. Sau khi người Tây Lương rút lui, Chu đảng liền khống chế Tây Quan. Tuy nói Kim Châu đất đai cằn cỗi, nhưng là nơi sản xuất vàng quan trọng, Đông Phương Tín tất nhiên muốn phái thân gia Trương Thúc Nghiêm của mình đi trấn thủ Kim Châu, mà Trương Thúc Nghiêm cũng hiểu rõ ý Đông Phương Tín, đóng binh ở Kim Châu xong, ngay lập tức tìm người bắt đầu đãi vàng, lượng vàng sa khoáng này, đương nhiên không có giao cho triều đình.

Chỉ là y thật không ngờ, sau khi triều đình phái đến một vị tổng đốc mới, trong thời gian ngắn, tình thế Tây Quan liền thay đổi hoàn toàn.

Chỗ dựa lớn nhất là Sơn Đông Phương Tín đột nhiên sụp đổ, hơn nữa tổng đốc mới đúng là tốc độ sấm sét, mấy chiêu liên tiếp, đem quan viên thuộc Chu đảng ở Sóc Tuyền hầu như một mẻ hốt gọn.

Hạ Châu và Kim Châu cùng lúc khởi binh, Trương Thúc Nghiêm đã từng nghĩ tới, Sở Hoan nhất định sẽ phát binh chinh phạt. Y vẫn đang suy nghĩ, mục tiêu thứ nhất của Sở Hoan, là Hồ Tông Mậu hay là bản thân y?

Khi biết Sở Hoan đánh Hạ Châu, Trương Thúc Nghiêm lúc này mới thở phào nhẹ nhõm.

Tuy nói y và Hồ Tông Mậu trước sau khởi binh, đều giương cờ hiệu là phản đối Sở Hoan, nhưng mà quan hệ cá nhân giữa hai người thật rất bình thường. Chuyện Sở Hoan đánh Hạ Châu, đối với Trương Thúc Nghiêm mà nói, cũng chưa hẳn là tin xấu gì.

Dù xem thường tính tình Hồ Tông Mậu, nhưng đối với khả năng thủ thành của Hồ Tông Mậu, Trương Thúc Nghiêm ngược lại vẫn có mấy phần thưởng thức. Hai người đều từng làm việc dưới trướng Chu Lăng Nhạc, hai bên cũng biết ưu thế của nhau, đối với trận đánh Hạ Châu, Trương Thúc Nghiêm cũng từng thận trọng nghiên cứu, cuối cùng y kết luận là, nếu không có bất ngờ gì xảy ra, với thế lực tham chiến của hai bên, ít nhất trong vòng một tháng, Sở Hoan sẽ không lấy được thành Hạ Châu.

Trên thực tế, lương thảo của Sở Hoan không thể chịu được quá lâu, hơn nữa, Trương Thúc Nghiêm biết rất rõ, thành Hạ Châu cũng không phải đơn độc chiến đấu, chỉ cần bên đó có thể chống đỡ đủ lâu, thì sẽ có rất nhiều thế lực ra tay. Đến lúc đó, Sở Hoan gặp phải, tuyệt đối không chỉ là doanh chữ Tốn ở Hạ Châu, tính kết quả tệ nhất là thành Hạ Châu cuối cùng thật sự thất thủ, thì quân Sở cũng tổn thương nguyên khí trầm trọng, muốn tiếp tục đánh Kim Châu, sẽ chật vật vô cùng.

Trương Thúc Nghiêm càng hiểu rõ, nếu Hạ Châu thật sự rơi vào tay Sở Hoan, người sốt ruột tuyệt đối không phải chính mình, mà có người còn gấp hơn nhiều, đến lúc đó Sở Hoan đánh Kim Châu, gặp phải cản trở, binh lực của hắn sẽ yếu hơn khi đánh thành Hạ Châu.

Hơn nữa, lúc trước Đông Phương Tín để cho y trấn thủ Kim Châu, đã giao cho y doanh chữ Cấn, là doanh tinh nhuệ nhất trong tám doanh của Bình Tây quân. Đông Phương Tín và y là thân gia, đương nhiên sẽ chiếu cố ít nhiều, cho nên số lượng kỵ binh trong doanh chữ Cấn đứng đầu tám doanh, có hơn tám trăm người. Dù so với mấy vạn kỵ binh của Tây Lương, con số tám trăm có hơi buồn cười, nhưng trong các nhánh quân đội ở Tây Bắc, tám trăm kỵ binh cũng không phải là con số nhỏ.

Cho nên, thành Lan Dịch tuy không thể so với Hạ Châu tường dày thành cao, nhưng có Lang Nha cốc làm lá chắn, trong tay có tám trăm kỵ binh tinh nhuệ, Trương Thúc Nghiêm đối với chuyện thủ vững Kim Châu vẫn có lòng tin tràn trề.

Y không quá sợ Sở Hoan, ngược lại rất kiêng kỵ quân Tây Bắc sau lưng.

Nói ra cũng lạ, Lang Nha cốc nằm ở phía nam thành Lan Dịch, từ Kim Châu đi Nhạn Môn Quan thì không nhất thiết phải qua thành Lan Dịch, mà có thể đi vòng hướng khác, nhưng từ phía nam muốn đến thành Lan Dịch, bắt buộc phải đi qua Lang Nha cốc, tuy nói ngoại trừ đường qua Lang Nha cốc, từ phía đông đi theo sông Thạch Câu Tử cũng có thể đến thành Lan Dịch, nhưng sông Thạch Câu Tử vừa rộng vừa sâu, muốn qua sông, nhất định phải có đội thuyền, mà đội thuyền trên sông, sớm đã bị Trương Thúc Nghiêm kéo hết qua bờ tây, lại còn hạ lệnh cấm thuyền đi trên sông, nếu ai phạm phải, lập tức giết ngay.

Sở Hoan tiến quân, không thể mang theo lượng lớn thuyền bè, cho nên chỉ có thể đi qua Lang Nha cốc. Y đã sớm phái quân đóng ở đó. Y biết, với binh lực của Sở Hoan, nếu cố sức, cuối cùng vẫn có thể vượt qua Lang Nha cốc, nhưng hắn cũng khẳng định, chỉ cần một trận ở Lang Nha cốc, là có thể khiến quân Sở đại thương nguyên khí, cuối cùng đến dưới thành Lan Dịch, chẳng qua chỉ là một đội quân thương tích đầy mình.

Hầu như mỗi ngà đều lên đầu phía bắc tường thành Lan Dịch nghiêng ngó một phen, nhìn một chút tình huống thực tế, không phải y sợ quân Sở kéo đến dưới thành, mà là sợ quân Tây Bắc đột nhiên xuất hiện.

Quân Tây Bắc đã không còn oai phong lẫm liệt như hồi Phong Hàn Tiếu thống lĩnh. Thời đó, quân Tây Bắc quân kỷ nghiêm khắc, tinh binh mười vạn, mãnh tướng như mây, Thập Tam Thái Bảo lại càng nổi danh thiên hạ.

Bây giờ quân Tây Bắc trú đóng ở Nhạn Môn Quan, chẳng qua chỉ mấy vạn người, hơn nữa, trang bị và sĩ khí đã sớm không bằng lúc trước, quan trọng hơn là, mặc dù thống soái quân Tây Bắc hiện nay từng là mãnh tướng dưới tay Phong Hàn Tiếu, nhưng Phong Hàn Tiếu vĩnh viễn là Phong Hàn Tiếu, thân là một trong bốn đại thượng tướng quân của đế quốc Đại Tần, Phong Hàn Tiếu qua đời, liền không ai có thể thay thế.

Thống soái quân Tây Bắc hiện nay, người ngoài đặt cho danh hiệu "Á tướng", trước đây khi Phong Hàn Tiếu còn tại thế, y đã có danh hiệu đó rồi. Cũng không phải vị chỉ huy này bị câm, mà vì y xưa nay trầm mặc ít nói, tiếc chữ như vàng, khiến người khác rất khó nhìn thấu tâm tư của y.

Lúc Phong Hàn Tiếu thống soái mười vạn quân Tây Bắc, mười hai chỉ huy sứ dưới trướng, đều là người kiêu dũng thiện chiến, đến khi Phong Hàn Tiếu bị hại, hầu như tất cả mọi người đều biết, quyền thống lĩnh quân Tây Bắc, nhất định sẽ được giao cho một trong mười hai chỉ huy sứ này, cho nên mười hai chỉ huy sứ không ít người kéo bè kết đảng, vì vị trí đại tướng quân Tây Bắc mà minh tranh ám đấu.

Quân Tây Bắc dưới thời Phong Hàn Tiếu, chưa hẳn không có tranh giành bè phái, nhưng bị Phong Hàn Tiếu trấn áp, nên cao thấp coi như đồng lòng. Phong Hàn Tiếu vừa đi, quân Tây Bắc lập tức phân bè phái rõ ràng, nội đấu nghiêm trọng, thế lực giảm mạnh. Mười vạn thiết kỵ Tây Lương đột nhiên đánh vào, quân Tây Bắc vốn đang lo nội đấu liền sụp đổ trong phút chốc. Thậm chí có thể nói, lúc chống cự với thiết kỵ Tây Lương, quân Tây Bắc còn không có một thống soái đúng nghĩa, các doanh muốn đánh sao thì đánh, đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến quân Tây Bắc tan tác.

Mười hai đại chỉ huy sứ, hơn phân nửa chết trên chiến trường, mà quân đội của "Á Tướng" Liễu Phượng Quân, lại là đội quân có biểu hiện tốt nhất trong cuộc chiến chống Tây Lương, thậm chí còn đánh thắng mấy trận, trong lúc toàn quân Tây Bắc đều lo bỏ chạy, mấy trận thắng này đúng là đáng quý. Vị tướng lĩnh ‘ít nói’ này liền được mọi người biết đến, uy vọng trong quân cũng tăng lên rất cao. Quân Tây Bắc quay lại đóng ở Nhạn Môn Quan, Dư Bất Khuất ở thời khắc cuối cùng, tiến cử với triều đình để Liễu Phượng Quân đảm nhiệm thống soái. Liễu Phượng Quân suất lĩnh mấy vạn quân Tây Bắc còn sót lại, quay về Nhạn Môn Quan, khẩn đất làm ruộng, xây dựng ba mươi sáu khu nhà, canh giữ biên quan.

Trương Thúc Nghiêm tất nhiên đã nghe qua danh tiếng của Liễu Phượng Quân, nhưng tính tình của Liễu Phượng Quân thì y thật sự không biết. Mặc dù có người cam đoan với y, quân Tây Bắc tuyệt sẽ không có hành động gì, nhưng từ ngày khởi binh, Trương Thúc Nghiêm không lúc nào không lo lắng phía sau tự nhiên xuất hiện bóng dáng quân Tây Bắc, y sợ quân Tây Bắc còn hơn sợ Sở Hoan.