Thanh Vân Đài

Chương 219: Ngoại truyện 9: Lòng ở tứ bề




Trời âm u, ngoài cửa sổ mưa rơi rả rích. 

Tạ Dung Dữ ra khỏi phòng, Triêu Thiên đứng gác ở đầu hành lang lập tức bước lên đón: “Công tử, thiếu phu nhân…” 

Thanh Duy ngủ rồi. 

Tạ Dung Dữ làm dấu im lặng, bước mấy bước: “Sai người đi Đông An, điều tra xem ông cháu Diệp thị ở trang viên phía Tây thành Thượng Khê đang tìm dược liệu gì.”  

Vì để bắt con ma áo xám đêm qua, bọn họ cũng giả ma rồi tình cờ gặp lại Thanh Duy. Triêu Thiên biết thiếu phu nhân đã cấp manh mối này, không hề nghi ngờ mà đáp tiếng “dạ” rồi lui xuống ngay. 

Liền sau đó Tạ Dung Dữ cho gọi hội Chương Lộc Chi tới, căn dặn những việc còn thừa, đến khi quay về phòng, trời đã gần trưa. Y thức trắng một đêm, giờ lại không chút buồn ngủ, xốc dậy tinh thần, nghiền ngẫm thật kỹ tình hình trong thành. 

Thực ra Tạ Dung Dữ không ngạc nhiên khi sẽ gặp lại Thanh Duy ở Lăng Xuyên. Y có thể nghĩ ra còn lý do khác khiến Từ Thuật Bạch chạy lên kinh, Tiểu Dã thông minh, ắt hẳn cũng sẽ nghĩ tới. Y vừa mong nàng đến, vừa mong nàng đừng đến. Tả Kiêu Vệ Ngũ Thông phát hiện tung tích nàng, nha huyện Thượng Khê không phải chốn sạch sẽ, nàng là con gái của Ôn Thiên, cứ tiếp tục lún sâu vào bể thị phi này không phải chuyện tốt. Song, thấy nàng lang bạt đây đó ngoài kia, nay lại hốc hác tiều tụy ra nông nỗi này, thế thì chẳng bằng đi theo bên y.   

Mưa càng lúc càng nặng hạt, Thanh Duy đã ngủ say. 

Nàng ngủ hết sức yên bình, con tim lơ lửng của Tạ Dung Dữ cũng dần dần thả lỏng. Hơn nửa năm nay, từ khi nhận được thư của Triệu Sơ cho đến lúc lật đổ Hà Hồng Vân; từ lúc bệnh cũ tái phát cho đến khi chạy tới Lăng Xuyên, ít có lúc nào y được nửa ngày buông lơi nhàn hạ thế này. Y ngồi vào bàn vuốt thẳng giấy viết thư, lúc đặt bút tay hơi khựng, giữa lúc bất giác, ngòi bút đã tự hạ: “Phụ thân kính yêu.” 

***

Tạ Trinh qua đời vào năm Hàm Hòa thứ mười bảy. 

Nay hồi tưởng lại, có lẽ vào năm gieo mình xuống dòng Thương Lãng, tuổi Tạ Trinh cũng bằng Tạ Dung Dữ hiện giờ. 

Bao năm trôi qua, những hình ảnh về Tạ Trinh trong ký ức của Tạ Dung Dữ đã dần phai nhạt, chỉ nhớ rằng tổ mẫu từng nói: y và phụ thân giống nhau như đúc, sinh ra đã mang đậm tính cách người nhà họ Tạ.  

Tính cách người Tạ gia là thế nào nhỉ? 

Thế gia sừng sững trăm năm trên đất Trung Châu không tồn tại khuôn phép khắc nghiệt như những dòng họ khác, mà luôn thương yêu bao dung cháu con trong tộc. Con em Tạ gia ngoài những người theo thầy trong nhà học vỡ lòng, tương lai mai sau tùy thuộc vào mình, thì còn lại không nhất định sẽ đi đường làm quan; trong đồng lứa, có người làm kinh doanh, có người chuyên nghiên cứu một môn nghệ thuật, cũng có người phóng túng bất tuân sống một đời tự tại. 

Năm mười hai tuổi Tạ Trinh đi xa học hành, Đông vượt trùng dương sang Lưu Cầu, đến Bắc đi qua bảy bộ Thương Nỗ. Chu du hơn nửa bức họa giang sơn, lại nhìn cảnh dân rày đây mai đó, khốn khổ kiếm kế sinh nhai, cuối cùng Tạ Trinh quyết định làm quan, không phải chỉ vì biết nhiều học cao, mà bởi ông thực sự ôm lòng những mong phụng sự đất nước, cứu rỗi nhân dân. 

Họa chăng chịu ảnh hưởng từ nề nếp Tạ gia, sau khi Tạ Trinh làm quan, ông vẫn giữ dáng điệu của quý công tử phong lưu kiệt xuất. 

Năm Hàm Hòa thứ mười hai, ông thi đỗ trạng nguyên, trong bữa tiệc Quỳnh Lâm cười nói dịu dàng kính Vinh Hoa trưởng công chúa một chén rượu, mấy ngày sau có ngay ân chỉ, ông thành phò mã cưới công chúa. 

Người về sau khi nhắc đến chuyện này, kháo nhau rằng Vinh Hoa trưởng công chúa vừa gặp đã đem lòng yên mến Tạ Trinh. 

Thực ra không phải vậy. 

“… Năm ta vào kinh, tình cờ gặp mẫu thân con tại chùa Đại Từ Ân. Khi ấy lưu dân từ khắp các nơi đổ về kinh đô, sân chùa trở thành nơi cứu tế. Mẫu thân con vào chùa lễ Phật, đi đường né trái tránh phải, vẫn bị lưu dân làm bẩn váy. Bà ấy rất bực mình, gọi trụ trì ra chất vấn nguyên do… Nhưng khi bà lễ Phật xong đi ra, lại chỉ sai tì nữ đem bánh ngọt và áo Nho mang theo đặt dưới tán cây bạch quả trong chùa, không nói gì thêm.” 

Từ khi Tạ Dung Dữ có thể ghi nhớ được những việc trên đời, Tạ Trinh đứng ngoài ban công trước cửa sổ trên lầu Túy Tiên, đã kể với y như thế. 

“Sau đó trong bữa tiệc Quỳnh Lâm, mẫu thân con mặc trang phục sĩ tử, giả nam vào dự tiệc, lúc đó ta mới biết cô nương tình cờ gặp ở chùa Đại Từ Ân chính là bà ấy. Từ lâu đã nghe chuyện thánh thượng muốn chọn rể cho công chúa, nên ta đã cố ý đưa bà ấy chén rượu hoa đào ngự ban ngay trước mặt mọi người.” 

Trong ký ức của Tạ Dung Dữ, hầu như y luôn ở cạnh cha trong suốt quãng thời thơ bé. 

Bất kể đi đâu, Tạ Trinh vẫn thích dẫn y đi theo. Thi thoảng Tạ Trinh nhấp mấy chén rượu, nói nhiều hơn bình thường, cũng không kiêng nể gì, kể tất tần tật nào chuyện quốc gia thiên hạ, chuyện tình cảm gái trai cho cậu con thơ. May thay con trai Tạ gia thông tuệ từ sớm, tuy Tạ Dung Dữ nhỏ tuổi nhưng vẫn nghe lọt đôi phần, y cảm thấy mình đã hiểu con người phụ thân. 

Vì vậy vào năm Hàm Hòa thứ mười bảy, tin tức sĩ tử trầm mình xuống sống truyền khắp, y dù đau buồn, nhưng cũng không quá bất ngờ. 

Y hiểu chí nguyện làm quan của Tạ Trinh, từng chứng kiến cảnh ông tranh cãi với phe chủ chiến thế nào trên lầu Xuân Nhật, cũng biết vì sao ông thao thức thâu đêm không ngủ, đổ lệ máu viết thư can. Nhưng Tạ Dung Dữ vẫn không tránh khỏi trầm lặng, sự trầm lặng này không đơn giản chỉ xuất phát từ nỗi bi thương vì mất cha ở tuổi thơ dại, một người trời sinh mẫn tuệ như y, nhạy bén cảm nhận được rằng số phận của mình sẽ thay đổi từ sau ngày sĩ tử nhảy sông. Từ đây gông cùm đã buộc lấy y, sẽ không còn người nào tự do thanh nhàn, đứng trên lầu cao chỉ về dòng Giang Lưu đổ ra biển khơi ở nơi xa vời vợi, nói câu: “Nam nhi Tạ gia, thân đi khắp nơi, lòng ở tứ bề” như Tạ Trinh nữa. 

Nửa năm sau vụ sĩ tử nhảy sông, thánh chỉ sắc phong Chiêu vương đến đúng như đã hẹn. Tổ mẫu ở Trung Châu xa xôi lên kinh thăm Tạ Dung Dữ, trông đứa cháu trở nên lầm lũi kiệm lời, liền bảo: “Thiếu thời phụ thân cháu đi khắp bốn phương, cháu cứ xem như nó đang dạo chơi ở chốn xa, nếu trong lòng có tâm sự hay gặp phải trở ngại gì, hãy cứ viết ra thư.” 

Ngồi trong điện Chiêu Doãn rộng lớn, Tạ Dung Dữ trải một tờ giấy, viết một câu “Phụ thân kính yêu”, rồi không đưa bút nữa. 

Y không biết phải viết gì. 

Nỗi nhớ nhung con trai dành cho cha mà âm dương cách biệt gây ra khiến đầu bút không tài nào hạ xuống, ngày qua ngày sống trong cung buồn tẻ không có gì đáng nhắc, chẳng sánh bằng những câu chuyện lý thú Tạ Trinh từng kể trên lầu Xuân Nhật. 

Tạ Dung Dữ trăn trở bao suy nghĩ, muôn lời vạn chữ hiện trên trang giấy, lại thành ra một câu cụt lủn chẳng đến nơi đến chốn, nhạt thếch như chính cuộc sống của y trong cung. 

“… Nghe nói độ mười hai phụ thân xa nhà cầu học, mà Dung Dữ bị cung cấm kìm chân, không biết ngày nào mới được dạo khắp tứ phương.” 



Lúc Tạ Dung Dữ viết lá thư thứ hai cho Tạ Trinh là năm Chiêu Hóa thứ mười hai. 

Y lớn lên trong cung, bảy tuổi học văn cùng Chiêu Hóa đế, chín tuổi soạn sách ở Hàn lâm, mười hai tuổi đã theo chân lão thái phó đến Hàn lâm dạy học, tranh biện với người. 

Năm mười bốn tuổi lần đầu tiên y tham chính, ban đầu cũng rất ngây ngô, nhưng y  trưởng thành rất nhanh, chỉ mất hơn một năm đã dần thuận buồm xuôi gió. 

Năm Chiêu Hóa thứ mười hai, Chiêu Hóa đế quyết định sửa đền Tiển Khâm thành Tiển Khâm Đài, cho triệu Tạ Dung Dữ đến: “Việc xây dựng Tiển Khâm Đài, trẫm giao cho khanh phụ trách.” 

Tạ Dung Dữ chợt ngẩng đầu: “Bệ hạ giao cho thần?” 

“Sao, không muốn à?” Chiêu Hóa đế hỏi. 

Không phải Tạ Dung Dữ không muốn, y chỉ thấy ngạc nhiên. 

Mười bảy năm qua, y chưa bao giờ rời khỏi kinh thành, cứ ngỡ sẽ bị vây hãm mãi trong bốn bức tường thành cho đến hết cuộc đời. 

Y nhanh chóng viết thư cho Ôn Thiên, sau đó khởi hành lên đường. 

Khi tới Thần Dương, y mới phát hiện Ôn Thiên mất vợ, đang khẩn trương về quê nhà trông linh cữu vong thê, nhẽ ra y không nên đến làm phiền vào lúc này. 

Tạ Dung Dữ thành khách không mời mà tới, mắt mở trân trân nhìn Ôn Tiểu Dã bỏ nhà ra đi mà không cách nào can ngăn. Y chạy theo ra khỏi căn nhà, cất tiếng gọi: “Cô nương.” 

Nàng chỉ ngoảnh đầu thoáng nhìn qua y, rồi cầm thanh kiếm chậm rãi bước xa, biến mất giữa miền sơn dã. 

Đằng sau vang một tiếng thở dài: “Đó là Tiểu Dã con gái ta.” 

Nói đoạn, như thấy được vẻ ngượng ngùng trong mắt Tạ Dung Dữ, bèn khuyên: “Tính nó là vậy đấy, hồi bé lang bạt ở ngoài với sư phụ quen rồi, nói đi là đi luôn. Điện hạ đừng để bụng, nó đi nhiều nơi lắm, cũng có mấy ngón võ trong người, không gặp nguy hiểm đâu.”

Nam nhi độ thiếu niên ra ngoài du học là chuyện thường ở Đại Chu, nhưng nữ nhi dẫu sao vẫn nên ở trong chốn khuê phòng, có lẽ cả đời cũng không được bước ra ngoài cửa lớn. 

Trông tiểu cô nương kia cùng lắm là mươi ba tuổi, Tạ Dung Dữ rất đỗi kinh ngạc khi nàng có thể tùy ý đi muôn nơi. 

Về sau y nhớ lại, sở dĩ bóng hình áo xanh  trong núi Thần Dương in dấu đậm sâu trong lòng y như thế, ban đầu là vì áy náy, đi cùng với đó là khiếp sợ; dần về sau khi y đến núi Bách Dương, nghe Ôn Thiên kể vô vàn câu chuyện ít ai được biết của Ôn Tiểu Dã, dần dà lại chuyển thành tò mò.  

Đầu đông năm Chiêu Hóa thứ mười hai, Tạ Dung Dữ ngồi trong phòng sách nơi trông coi núi Bách Dương, nhấc bút viết thư. 

“Phụ thân kính yêu.” 

“… Con ngẫu nhiên gặp một cô gái trong núi Thần Dương, thuở bé được cha dạy học, sau theo Nhạc tiểu tướng quân luyện võ, rất có bản lĩnh, chân đi muôn phương, thân tâm vô ưu, bởi vậy thích đi khắp nơi. Dung Dữ bèn tự ngẫm, những năm nay mình vùi trong cung cấm, phải chăng là tự mình xích mình, mà cứ lầm rằng ngựa xe trói buộc. Phụ thân thường bảo Dung Dữ: lòng ở tứ bề, thân đi bốn phương, chữ tâm đặt trước nghĩa là nhân, chữ thân để sau nghĩa là quả. Giờ đây Dung Dữ đã giác ngộ, đợi khi xây dựng Tiển Khâm Đài, hoặc khi cáo biệt thánh thượng, rời khỏi kinh thành…” 



Tiếc thay Tạ Dung Dữ không được toại nguyện. 

Mồng chín tháng bảy năm Chiêu Hóa thứ mười ba, một tiếng “tháo dỡ” trở thành cơn ác mộng từ ấy về sau bủa vây y.

Y mắc tâm bệnh, ngày nào cũng gặp ác mộng, không dám ngửa mặt nhìn thẳng lên trời xanh. 

Nếu nói gông xiềng trên người Tạ Dung Dữ trước đây là sĩ tử nhảy sông quàng lên người y, vậy thì hôm nay, chính tay y lại đeo gông lên người mình. 

Dù y có đeo thêm mặt nạ, biến thành Giang Từ Chu, thì chẳng qua cũng chỉ là trốn tránh. 

May thay thời gian chầm chậm trôi đi, bệnh tình thuyên giảm phần nào, Tạ Dung Dữ biết mình còn chuyện chưa hoàn thành, mùa thu năm Gia Ninh thứ ba, y nhận được lá thư Chiêu Hóa đế để lại cho y từ tay Triệu Sơ. 

Mùa thu năm Gia Ninh thứ ba là một mùa rối ren, Tiển Khâm Đài dự tính sẽ được xây lại, triều đình lần nữa tra rõ nguyên nhân đài sụp đổ, Đại Lý Tự truy bắt một đám nghi phạm, trong số đó có Thôi Hoằng Nghĩa. 

Tạ Dung Dữ nghĩ tới tình hữu nghị của Ôn Thiên, Thôi Hoằng Nghĩa cùng những thợ khác, nhân hôn ước giữa Giang Từ Chu và Thôi Chi Vân, lén cứu Thôi thị một mạng. 

Vậy mà đến đêm tân hôn, y uống say chuếnh choáng, lúc vén khăn voan, giương mắt nhìn kỹ, lại nhìn thấy nàng. 

Là tiểu cô nương y từng gặp một lần trong núi Thần Dương. 

Là người con gái được y khoanh vòng đỏ chói trên công văn truy nã. 

Biết bao năm trôi qua, hình bóng nàng vò võ mặc váy xanh ngoảnh đầu lại vẫn ghi tạc nguyên vẹn trong lòng y. 

Tạ Dung Dữ đã thôi nghĩ suy miên man về quá khứ và hiện tại từ lâu lắm rồi. 

Nhưng giờ khắc này, như định mệnh sắp đặt, y bỗng nhớ đến trước khi Tiển Khâm Đài sụp đổ, nhớ đến lá thư y viết cho Tạ Trinh lúc trong núi Bách Dương cùng với lời cầu mong bé nhỏ muốn rời kinh đô khi ấy. Thậm chí y còn nhớ đến ngày xưa hơn, trên lầu Xuân Nhật, Tạ Trinh chỉ tay về phương xa nói: “Nam nhi Tạ gia, lòng ở tứ bề, thân đi bốn phương.” 

Số mệnh đang chạy theo vòng tuần hoàn, gặp Tiểu Dã, y bỗng có thêm can đảm vùng khỏi xích xiềng. 

Hơn nửa tháng sau khi Tiểu Dã được gả vào Giang phủ, bệnh cũ của Tạ Dung Dữ có tái phát một lần. 

Y đứng ngoài Chiết Chi Cư, muốn thử xem mình có đối mặt được với sụp đổ trong quá khứ hay không, tiếc thay, y thất bại. 

Ba ngày ba đêm ngụp lặn trong mộng, lúc y quay về với ác mộng cũ, song cũng có lúc cũng được mơ những giấc bình yên. 

Trong mơ, y ngồi trước bàn viết thư cho Tạ Trinh, tiếc là sau câu “Phụ thân kính yêu”, y lại lưỡng lự không viết tiếp được nữa. 

Trong cơn mơ hồ, có một bóng người bước lại gần y, bất cần như một cơn gió: “Nghe mẫu thân con nói, con mới vừa thành thân gần đây, còn lĩnh hàm Đô Ngu hầu Huyền Ưng Ti, bao nhiêu là chuyện trọng đại, sao không kể cha nghe?” 

Tạ Dung Dữ ngần ngừ chốc lát: “Con không rõ rốt cuộc mình đang nghĩ gì.”

Tạ Trinh cười: “Đừng nóng vội, có lẽ ngay cả chính con cũng không biết, rằng con cháu Tạ gia có một thiên phú rất đặc biệt, đó là xưa nay luôn tỏ tường lòng mình. Đến khi con bước về phía trước, tự khắc sẽ tìm thấy ánh sáng hy vọng. Khi ấy, con hẵng viết thư cho cha, cha sẽ đợi.” 



Hoàng hôn buông, mưa ngoài cửa sổ dần thưa hạt, ở trên bàn, một lá thư đã viết xong. 

Tạ Dung Dữ chấm mực, cất bút viết đoạn cuối cùng: “Phụ thân, nửa năm trôi qua trong chớp mắt, Hà thị đã đổ, thánh thượng nhân dịp tốt này trải đường lui cho con. Con đường trước mắt tuy gian hiểm, cũng may xa cách nửa năm được ngày trùng phùng, lận đận bôn ba, lòng con đã định, đợi khi mây vén thấy mặt trời, tất sẽ đưa thê tử trở về quê nhà, bái lạy mồ phần.” 

Trên giường vang lên tiếng Thanh Duy nói mớ, đúng lúng ngoài phòng có tiếng gõ cửa, Triêu Thiên nói: “Công tử, đã tra được dược liệu ông cháu Diệp thị tìm là gì rồi, là Hải phiêu tiêu ạ.” 

Vậy là Tạ Dung Dữ gác bút, bước ra cửa. Ngoài khung cửa sau lưng, mưa tan mây hé, rợp ráng chiều soi. 

KẾT THÚC