Thập Niên 60: Làm Giàu, Dạy Con

Chương 177: Trời trở rét




30 cân lúa mì này là để nhà ăn. Năm nay cô không nhờ cậu ba thu mua lương thực bán nữa.

Vì cô đã có công tác nên nhất định nhà họ Lâm bên kia sẽ theo dõi sát sao nhất cử nhất động của cô. Cho nên để tránh rắc rối, cô chỉ bảo cậu ba đưa một ít qua đây, coi như có cái dễ ăn dễ nói với bà mẹ chồng.

Hơn 40 ngày ròng rã dãi nắng dầm sương, Chu Thanh Bách bị phơi đen dòn người. Ông Chu cũng mệt thở không ra hơi.

Dù sao cũng có tuổi rồi, sức khoẻ mỗi năm sẽ một kém đi, không thể so với đám thanh niên trai tráng được.

Bao năm qua ông đều đặn lấy 10 phần công điểm, giờ bớt đi 2 phần cũng không đến mức người ta nói ra nói vào. Với lại còn có bà Chu mà, tuy bà không xuống ruộng cấy cầy nhưng mấy việc như lột vỏ, tách hạt bắp bà vẫn tham gia đủ. Còn có mấy thằng cháu trai nữa. Cứ bỏ công sức là sẽ đổi được công điểm.

Tiểu Tô Tốn thì nhờ Lâm Thanh Hoà trông giúp vì trường học vẫn đang cho nghỉ buổi chiều.

Lại nói thằng nhóc này được cái nết y chang thằng anh, chỉ cần ăn uống no bụng, tã lót khô ráo là ngoan như cục đất, tự nằm chơi một mình, chơi chán là lật ra ngủ, chả khóc chả nháo gì hết.

Rốt cuộc thì đoàn người cũng đi được tới cuối chặng đường. Ngày gặt cuối cùng kết thúc, ai cũng nhẹ nhàng thờ phào một hơi.

Kế tiếp là cân đong, phơi phóng, hiến lương rồi phân lương.

Liên tiếp mấy ngày sau, sân phơi đại đội không lúc nào ngơi nghỉ. Giống như năm rồi, năm nay trời thương nên mùa màng bội thu. Các thôn nữ vừa luôn tay phơi lúa vừa tíu tít bàn bạc xem hôm nào rảnh hẹn nhau cùng đi lên huyện thành mua ít vải về may bộ quần áo mới cho người thân.

Chị hai Chu có vẻ muốn hoà hoãn quan hệ hay sao ấy. Hôm nay giáp mặt, chị ta chủ động tiến lên bắt chuyện hỏi Lâm Thanh Hoà năm nay có mua vải may quần áo không, chị ta định đi huyện thành, nếu cô muốn mua thì chị ta sẽ mua giúp.

Tự nhiên chị dâu chủ động, Lâm Thanh Hoà mới đầu hơi giật mình nhưng cũng nhanh hồi phục tinh thần, cô tỏ ý từ chối.

Không phải cô làm kiêu mà sự thật nhà cô vẫn còn vải dư chưa dùng hết. Với lại năm nay chỉ cần may 1 bộ dài tay mặc trong cho Nhị Oa thôi, còn lại những người khác không cần.

À, may thêm đôi quần lót cho Đại Oa và Nhị Oa nữa là xong.

Tam Oa chưa chịu mặc, nó la hét ầm trời kêu khó chịu.

Hôm nay tan làm, Lâm Thanh Hoà từ trường học trở về, sau xe còn đèo theo một túi lương thực.

Đây là trợ cấp giáo viên, mỗi người được 30 cân hạt bắp.

Kể ra thì hơi tiếc nửa phần tiền lương và công điểm bị khấu trừ nhưng được cho không lương thực dại gì không nhận.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, đại đội tiến hành phân lương cho xã viên.

Lương thực được phân theo số công điểm của từng hộ gia đình. Bây giờ, chắc nỗi sợ hãi lớn nhất của người dân là sợ chết đói bởi không còn giống như những năm 50 trước kia cả đại đội ăn chung một nồi cơm, cho nên ai cũng dốc sức làm việc hy vọng nhà mình sẽ có nhiều lương thực hơn.

Vẫn giống như mọi năm, Lâm Thanh Hoà lại mượn xe đẩy tay của Chu Đông Chu Tây để đẩy lương thực về nhà.

Năm nay, vì có thêm phần công điểm giáo viên cho nên số lượng lương thực nhà cô tăng hơn năm ngoái. Thế nhưng cô vẫn bỏ tiền ra mua thêm.

Tranh thủ lúc đông đảo bà còn, cô còn cố tình lầm bầm oán trách ba thằng nhóc càng lớn càng tốn cơm tốn gạo, ăn thôi cũng muốn nghèo.

Thanh danh cô giáo Lâm đã khác với Lâm Thanh Hoà trước kia, cho nên cần phải có lời giải thích cho hợp lý một chút.

Có người dân đáp lời cô, ý nói mỗi bữa cho chúng nó ăn ít đi một chút cũng không sợ đói chết.

Lâm Thanh Hoà liền bảo: “Bọn nhỏ đang tuổi phát triển chiều cao. Nghèo thế nào thì cũng phải cố cho tụi nó ăn no 9 phần. Nếu để chúng nó đói, sau này lùn tịt thì biết làm sao bây giờ?”

Tán gẫu bâng quơ một hồi, Lâm Thanh Hoà điềm nhiên chất rất nhiều bao lúa mì, hạt bắp, khoai lang…lên xe đẩy.

Ngày hôm sau, Lâm Thanh Hoà đi vào thành bán lương thực không may gặp người quen. Tình huống này cô đã chuẩn bị từ trước nên ứng phó vô cùng trôi chảy, chỉ cần nói đơn giản là đi đưa lương thực cho cô em chồng là được. Cả cái thôn này ai mà không biết Lâm Thanh Hoà thân thiết với Chu Hiểu Mai. Hơn nữa hai đứa con nhỏ nhà Chu Hiểu Mai vẫn đang gửi ở quê nhờ bên ngoại chăm sóc. Thế nên lời này nói ra đảm bảo không có bất cứ nghi vấn gì.

Thời điểm cậu ba Lâm xách 30 cân lúa mì sang, Lâm Thanh Hoà không có nhà, chỉ có Chu Thanh Bách tiếp đón.

Nghe nói vợ dặn cho nên Chu Thanh Bách mới nhận lấy bọc lúa mì.

Sau đó cậu ba Lâm lấy từ trong túi áo ra 100 đồng tiền, nói: “Anh rể, đây là 100 đồng, trước đây em mượn của chị Thanh Hoà. Anh cầm giúp em.”

1 cọc tiền có tờ chẵn tờ lẻ nhưng vừa vặn đủ 100 đồng.

Hồi cậu ba Lâm xây nhà, Lâm Thanh Hoà cho mượn 100 đồng nhưng thật ra cậu không dùng hết. Vì cất 1 cái nhà ngói nho nhỏ không tốn bao nhiêu với lại lúc phân gia khỏi nhà họ Lâm, vợ chồng cậu cũng được chia 1 ít tiền mặt.

Mấy năm nay vợ chồng con cái chi tiêu tiết kiệm từng đồng từng cắc mới gom đủ số tiền trả nợ. Ở chỗ này là toàn bộ gia tài nhà cậu ba Lâm.

Được cái năm nay được mùa, dựa vào công điểm nhà cậu lãnh được tương đối nhiều lương thực, đảm bảo đủ ăn qua năm, thế nên cậu gom hết tiền trong nhà lại để mang đi trả nợ.

Chu Thanh Bách: “Đây là việc của Thanh Hoà. Hôm nào cậu đưa trực tiếp cho chị đi chứ đừng đưa cho anh.”

Anh sẽ không nhận tiền thay vợ. Cái này để cô tự quyết, nhận hay không nhận là quyền quyết định của cô.

Cậu ba Lâm ít nhiều cũng hiểu tính cách anh rể cho nên không miễn cưỡng. Anh cáo biệt anh rể cầm tiền ra về.

Gieo hạt vụ đông xong xuôi, cậu ba Lâm lại cầm tiền sang, lần này còn xách theo 1 con gà rừng.

Hôm nay Lâm Thanh Hoà ở nhà.

Mấy ngày trước cô đã tranh thủ bán hết lương thực vụ này, bán trao tay mà lời những hơn 100 đồng.

Cậu ba Lâm trả tiền cho chị gái. Lâm Thanh Hoà đếm tiền, giữ lại một nửa, đặt một nửa vào tay em trai.

“Cái gì mà tận 100 đồng. Tiền vốn mấy lần nhờ cậu thu mua lương thực thôn bên đó chị vẫn chưa trả cậu mà.”

“Chị….” Cậu ba Lâm giật nảy mình.

Lâm Thanh Hoà: “Được rồi, cầm lấy đi. À, chị cho thêm 2 phiếu vải. Năm nay chắc nhà cậu cũng được phát phiếu vải chứ hả? Bảo vợ may cho hai đứa lớn mỗi đứa một bộ quần áo mới cho tụi nhỏ nó mừng.”

Con gà rừng, Lâm Thanh Hoà nhận nhưng lúc cậu ba Lâm ra về cô cũng đưa cho cậu 1 cái túi trong đó đựng 1 cân táo đỏ.

Lâm Thanh Hoà: “Hai ngày nữa đại đội giết heo rồi nên chị không cho cậu thịt. Ở đây có bọc táo đỏ mang về cho mấy mẹ con nó ăn.”

Cậu ba Lâm vô cùng bất đắc dĩ, lần nào sang đây chị cũng cho bao nhiêu đồ xách về.

Sau khi tiễn em trai ra khỏi cửa, Lâm Thanh Hoà quay vào nhà bắt đầu đun nước vặt lông gà.

Bà Chu ôm Tiểu Tô Tốn sang tới nơi, thấy con dâu đang ngồi làm gà thì rất bất ngờ: “Trời, con gà rừng này ở đâu đấy?”

Lâm Thanh Hoà cười nói: “Vừa nãy thằng ba mới mang sang đấy mẹ. Lần trước vợ nó đẻ, con tới thăm có cho ít đồ để vợ nó ở cữ. Chẳng hiểu suy nghĩ thế nào, bắt được con gà không để ở nhà mà ăn lại còn mang sang đây làm gì không biết.”

Bà Lâm không nói gì nhưng trong bụng thầm đánh giá, cả cái nhà họ Lâm chỉ có mình thằng út này là còn biết điều, có thể giữ quan hệ.

Lâm Thanh Hoà chia con gà ra làm đôi, một nửa kho, một nửa hầm canh.

Nhà đông người cho nên một ngày là ăn hết sạch sành sanh cả hai món.

May quá, gieo xong lúa mì vụ đông trời mới trở rét. Đổi gió một cái là Chu Thanh Bách ráo riết đạp xe đi đốn củi chuẩn bị nghênh đón một mùa đông đang tới gần.