Trọng Sinh Chi Nghiệt Nô Ngược Bạo Quân

Chương 90: Phong vân lại biến




Bắc Yến rút quân, Vân Quan đại thắng.

Tin chiến thắng truyền vào kinh thành, vua và dân đều mừng rỡ.

Hưng Võ đế trọng thưởng quần thần có công, trong đó Liễu Ngộ Sinh bị đẩy lên làm công thần hàng đầu.

Liễu Ngộ Sinh đối với chuyện này mờ mịt không hiểu tại sao, hắn sao lại trở thành người có công đầu? Mà Long Huyền và Liễu Song Sĩ lại càng bất an, thực sự đoán không ra Hưng Võ đế có dụng ý gì.

La Duy trở lại kinh, liền tới điện Trường Minh.

Hưng Võ đế nhìn La Duy mất đi một ngón tay, đau lòng không thôi: “Còn đau không?” Ngài hỏi La Duy.

“Miệng vết thương đều đã khép rồi ạ.” La Duy cười với Hưng Võ đế: “Tiểu thần không đau.”

Hưng Võ đế giận dữ: “Duy nhi, ngươi đang thầm trách trẫm phải không?”

La Duy nói: “Tiểu thần không dám, bệ hạ bất động với Liễu gia nhất định có lý do.”

Hưng Võ đế xoa đầu La Duy: “Sự nhẫn nại của trẫm cũng có giới hạn thôi.”

La Duy nhìn Hưng Võ đế: “Bệ hạ?”

Hưng Võ đế lại cúi đầu nhìn ngòn tay bị thiếu của La Duy, miệng vết thương đã đóng vảy, còn nhìn thấy chút thịt hồng hồng. “Duy nhi.” Hưng Võ đế nói với La Duy: “Ngươi không yêu quý bản thân sao?”

La Duy ánh mắt trong trẻo nhưng lạnh lùng, Hưng Võ đế giờ đã có thật nhiều tóc trắng, chắc hẳn những ngày này hoàng đế cũng phải chịu dày vò. “Bệ hạ, tiểu thần nguyện vì bệ hạ phân ưu.” La Duy nói: “Tính mạng của tiểu thần không là gì cả.”

Hưng Võ đế thở dài, ôm La Duy vào trong ngực. La Duy thân thể cứng đờ, y không thích cùng người thân cận, nhưng đây là hoàng đế, thoáng chần chừ, y tỏ vẻ nhu thuận mà tựa đầu vào ngực Hưng Võ đế.

“Trẫm không muốn giết người…” Hưng Võ đế ôm La Duy: “Thế nhưng có những người khiến trẫm không thể không động đao.”

La Duy nói: “Tiểu thần cũng đã giết người, thì ra một người lớn lên thật khó, nhưng chết lại dễ dàng đến vậy.”

Hưng Võ đế siết chặt La Duy: “Trẫm rất lo lắng cho ngươi.”

“Thần tạ ơn bệ hạ.” La Duy nói khẽ.

Một tháng sau.

Sứ thần Bắc Yến tới Đại Chu, trước mặt văn võ bá quan Đại Chu dâng cho Hưng Võ đế một hộp gấm, nói là lễ vật hoàng đế Bắc Yến cố ý dâng lên Hưng Võ đế.

Hưng Võ đế sai người mở hộp, trong hộp là một chồng thư.

La Duy đứng bên cạnh Hưng Võ đế, khi y nhìn thấy thư trong hộp gấm, đã biết mạng Liễu thị khó lòng giữ được.

Hưng Vũ đế đơn giản đọc vài bức thư, liền ném toàn bộ xuống chân hữu tướng Liễu Song Sĩ.

Liễu Song Sĩ cúi đầu nhìn những phong thư, hai mắt biến thành màu đen, hôn mê bất tỉnh tại chỗ.

Trong một đêm, triều đình một lần nữa phong vân biến sắc.

La Duy hạ độc trong trà, Tư Mã Thanh Sa trực tiếp lấy trà trong khay Liễu Ngộ Sinh bưng tới, lấy đi chén trà không có độc mà La Duy trước đó đã ra hiệu. Tư Mã Tru Tà và Tư Mã Thanh Sa sau khi trở về doanh trại không lâu thì độc phát, quân Bắc Yến không thể không vội vàng rút đi. Tin tức Hưng Võ đế ban cho Liễu Ngộ Sinh công đầu rất nhanh rơi vào tay Bắc Yến, lúc này Tư Mã Tru Tà may mắn không chết, nhưng hai mắt đã mù, cũng được Tư Mã Thanh Sa bẩm báo lên phụ hoàng Tư Mã Trường Thiên, ngôi vị thái tử mất đi, bị giam lỏng trong nội cung. Tư Mã Tru Tà không biết thực sự Tư Mã Thanh Sa không hề trúng độc, là vì trước đó Tư Mã Thanh Sa đã uống thuốc giải độc. Y nghĩ, lúc ấy La Duy tay đụng chén trà, nhưng chỉ chạm vào một chén, huynh đệ hắn hai người đều trúng độc, chứng tỏ La Duy không phải người hạ độc, như vậy người có cơ hội hạ độc chỉ có Liễu Ngộ Sinh, mà Liễu Ngộ Sinh giết y là có lý do. Trận chiến Vân Quan, y cùng với Long Huyền liên kết, chỉ cần y chết, chuyện Long Huyền cùng y cấu kết sẽ không ai biết được, bởi vậy Long Huyền mới có thể vô tư. Liễu Ngộ Sinh thành công thần, tin tức này đối với Tư Mã Tru Tà mà nói là đả kích cực lớn, rõ ràng hoàng đế Đại Chu đã khen ngợi công hạ độc của Liễu Ngộ Sinh!

Tư Mã Tru Tà mù hai mắt, mất ngôi thái tử, mất sự tín nhiệm của phụ hoàng Tư Mã Trường Thiên, chẳng khác nào một người chết, y không có lý do gì cứ để mặc Long Huyền an tâm làm nhị hoàng tử Đại Chu, vì vậy Tư Mã Tru Tà giao ra những mật thư y cùng với Long Huyền cấu kết.

Đây là kế hoạch La Duy cùng Tư Mã Thanh Sa trao đổi suốt đêm tại thành Nghiệp Già, tương kế tựu kế.