Tùy Đường Diễn Nghĩa

Chương 66: Cung Đơn Tiêu, phi tần dèm nịnh, Cửa Huyền Vũ, anh em giết nhau.






Từ rằng:
Mừng những lúc sum vầy nồng nhiệt
Tay trong tay da diết yêu thương
Thanh xuân chưa đến tuổi tàn
Uyên ương một lứa, bướm vàng một đôi
Hương bách hợp liền chồi cùng gốc
Sao ba ngôi sáng rực chữ tâm
Hỏi trời xanh hỡi có lầm
Mà xui ruột thịt ngấm ngầm đắng cay
Giận hờn dù chất núi ngang này
Bỗng chốc trời cao sáng tối thay?
Xanh nhạt hồng phai đời thoắt biến
Núi mòn sóng cạn vận vần xoay
Những mong gặp gỡ rồng bên hổ
Mà ước dài lâu gió với mây
Hận ấy than ôi khôn kể xiết
Tương tàn huynh đệ ngẫm xưa nay.
Theo điệu "Mãn giang hồng"
° ° °
Nay hãy khoan nói chuyện Tiêu Hoàng Hậu bị bệnh trong quán cơm của Chu Hỷ ở Uyên Ương trấn, hãy tiếp chuyện trước đó Tần Vương đem đai ngọc treo trước cửa cung Trương, Doãn hai phu nhân, vốn là muốn cho họ hối hận mà thay đổi lòng tà, để trở thành người tốt. Không ngờ vua Đường nghe theo lời xằng bậy, sai Lý Cương đi căn dặn Tần Vương. Chuyện này nếu chẳng có tình cha con kéo lại, chỉ đem pháp độ của triều đình ra mà xét xử, thì sẽ ra sao.
Cũng may Lý Cương đem thơ của Tần Vương về trình, vua Đường vốn khoan từ đại độ, lại có công của phi tần Vũ Văn chiêu nghi, cùng Lưu tiệp dư, sau này cả hai do Nguyên Cát, Kiến Thành nhiều lần đi lại quà biếu, nên cũng bớt lời, chuyện vì vậy mà nguội dần, vua Đường chẳng muốn khơi to. Tần Vương thấy phụ hoàng không hỏi tới, chẳng tiện nói rõ.
Kiến Thành, Nguyên Cát kết giao với cung phi, dò la tin tức, Trương Doãn biết rõ trong dịp lễ tang Bình Dương công chúa, hoàng tộc cho đến các đại thần đều có mặt, nên đưa tin ra, giục anh em Kiến Thành khởi sự. Anh em Kiến Thành vốn táng tận lương tâm, mặc sức điên cuồng, thấy phải chớp lấy cơ hội. Nhân khi cả đám tang dừng nghỉ ở chùa Phổ Cứu ngay bên đường, giả bộ ân cần, bày sẵn tiệc rượu tha thiết khuyên mời. Tần Vương thì như mù giở, nghĩ anh em Kiến Thành đã thực lòng hối lỗi, chẳng hề để ý, bị hai người cho uống rượu có thuốc độc. Mới uống được nửa chén thì ở nóc chùa, tiếng chim yến ríu rít, vút bay ngay, ỉa ngay đúng vào chén rượu, bẩn cả áo bào của Tần Vương. Tần Vương liền đứng dậy thay áo, bụng đau quặn, vội về ngay phủ, suốt đêm ấy đi ngoài như nước, nôn ra hàng bát máu. Liêu thuộc Tây phủ, đều tới thăm hỏi, ra sức khuyên nên trừ ngay hai anh em Kiến Thành.
Ở trong nội cung, Tần Vương cũng có tâm phúc, lén tâu cho vua Đường rõ. Vua Đường giật mình kinh hãi, nghĩ ngợi rằng giang sơn này, dân chúng này đều do công lao của Thế Dân, liền đến ngay Tây phủ thăm nom. Vua Đường cầm tay hỏi:
- Con từ ngày sinh ra đến giờ, làm gì có bệnh này, sao bỗng nhiên ở đâu đến, nhất định phải có chuyện gì chứ?
Tần Vương ứa nước mắt, đem chuyện ngày hôm qua đưa tang, giữa đường cùng Tề Vương, Anh Vương ghé vào chùa nghỉ, uống rượu ra sao, kể lại một lượt, thở dài mà tiếp:
- Sáu cung chê cười, phố phường mỉa mai. Đang lúc mưa thuận gió hòa, hoa hương đua sắc, sinh chuyện anh em bất mục. Những mong cơ nghiệp dài lâu như nhà Hán, há lại thành chuyện huynh đệ tương tàn, lòng đau máu chảy. Số con là vậy, trời cao lồng lộng, người chẳng chiều người. Nhưng vẫn còn ít nhiều ngờ vực, liệu đã phải thế chưa, thánh mẫu trên trời có linh thiêng, may có cơ vãn hồi để an ủi được lòng phụ hoàng chăng?
Nói rồi, nước mắt lại trào ra. Vua Đường thấy chuyện đến thế, trong lòng không yên, bèn nói với Tần Vương:
- Trẫm thuở trước khởi nghiệp lớn, sau cho đến bình được Trung nguyên, đều do công lao của con, ngay lúc ấy đã muốn lập con làm kẻ nối nghiệp, con cố chối từ. Nay tuổi Kiến Thành đã lớn, ở ngôi Thái tử cũng đã lâu, trẫm không đang tâm mà truất cho được. Xem ra anh em con khó mà dung nhau, nếu cùng ở một nơi, chẳng khỏi chuyện cạnh tranh. Lẽ nên cho con làm hành đài ở Lạc Dương, từ đất Thiểm trở về đông đều do con làm chủ, lại cho con được kéo cờ thiên tử, như chuyện Lương Hiếu Vương đời Hán vậy, con nghĩ thế nào?
Tần Vương nức nở từ chối:
- Cha con thì phải dựa vào nhau, đạo người là lẽ thường vậy, đâu dễ rời khỏi dưới gối, quên chuyện viếng thăm.
Vua Đường đáp:
- Nay thiên hạ đã một nhà, hai kinh đông tây, đường đi cũng gần. Trẫm mà nhớ con, lại có thể đến ngay, có việc gì phải bi thương?
Nói rồi, lên xe rồng về cung.
Gia quyến, tân khách của Tần Vương, nghe được chuyện này, thấy được thoát khỏi hố lửa, không ai là không hoa tay múa chân vui mừng. Kiến Thành biết chuyện, nghĩ rằng nơi ấy toàn gai góc, chẳng có điều gì đáng lo, vội báo ngay cho Nguyên Cát biết chuyện. Nguyên Cát dậm chân mà rằng:
- Thôi rồi! Lệnh này mà ban ra, anh em ta thật hết đường sống.
Kiến Thành kinh ngạc hỏi:
- Tại sao?
Nguyên Cát trả lời:

- Tần Vương công lớn, vừa có mưu sâu, vừa có dũng khí, trong phủ văn vũ đầy người, một khi đã khởi sự, bốn phương hưởng ứng. Cả hoàng tộc một nơi, chúng dẫu nhiều mưu kế, chỉ giữ khư khư trong tay, anh hùng không đất dụng võ. Nay đưa đi ở Lạc Dương, lập cờ hiệu thiên tử, rồi tự chúng sẽ ngày càng muốn chuyện lớn hơn. Đất đai đã rộng, lương thực đã nhiều, bọn tướng sĩ được Tần Vương cất nhắc phần lớn lại là người Thiểm Đông, mưu thành thì đừng nói địa vị của Đông Cung, mà ngay cả phụ hoàng nữa, cũng đến chắp tay mà nhường ngôi báu. Lúc ấy thì anh em ta chẳng khác gì miếng thịt trên thớt, liệu còn dám ho he gì nữa chăng?
Kiến Thành tỉnh ngộ :
- Em nói có lý lắm! Giờ thì làm thế nào để ngăn chuyện này lại?
Nguyên Cát đáp:
- Nay anh phải lập tức lệnh cho tay chân ngầm phao lên rằng: Tả hữu của Tần Vương, nghe chuyện đi Lạc Dương, không đứa nào là không vui mừng nhảy nhót, đạt được ý nguyện; chỉ sợ rồi sẽ không trở về nữa. Lại nhờ mấy cận thần, đem chuyện lợi hại tâu rõ, còn anh em ta phải vào ngay nội cung, bảo mọi người ngày đêm nói xấu Tần Vương với chúa thượng. Phụ hoàng sẽ thôi chuyện này, giữ Tần Vương lại Trường An, thì cũng chẳng khác gì thằng thất phu, sau đó kiếm chuyện đổ tội cho, chẳng khó khăn gì!
Kiến Thành cười, nói:
- Những lời em nói hay lắm, hay lắm!
Lập tức cả hai sai người đi khắp nơi thực thi mưu kế.
Chính là:
Đường đi hái củi nghẽn rồi
Còn hòng chiếm cả rừng ngoài thành đô.
Các anh hùng hảo hán trên thế gian này, đều biết rằng lời đàn bà không nên nghe theo, không biết rằng những lời trên chiếu, bên gối đỏ, vẫn có những lời lọt vào tai khi nào không biết, khiến cho dẫu có sức bạt núi nâng đỉnh, đến lúc đó cũng tiêu ma, chỉ đành yên lặng nghe theo, mặc sức nghe theo, tùy ý thay đổi vậy. Vua Đường bấy giờ, thân tuổi đã cao, chỉ muốn yên ổn, nên nghe đủ những giọng oanh lời yến, theo mưu kế của Đông cung Tề Vương Kiến Thành, đến nỗi xảy chuyện băng tan ngói vỡ. Lại còn cả những lời nịnh, xin vua Đường giết ngay Tần Vương, may vua Đường vốn nhân từ, việc mới không xong.
Liêu thuộc Tây phủ; ai ai cũng mong thánh chỉ. Lúc này tiết trời oi ả. Tần Vương dậy rất sớm để xem hoa lan, thì đã thấy Đỗ Như Hối, Trường Tôn Vô Kỵ xăm xăm đi vào. Tần Vương kinh ngạc hỏi:
- Hai khanh có việc gì, mà vào sớm vậy?
Như Hối chưa kịp nói, thì Trưởng Tôn Vô Kỵ đã lên tiếng:
- Điện hạ đã biết mưu mô của Đông cung chưa? Thế không thể dung hòa, sợ rồi chúng thần chẳng còn thờ điện hạ suốt đời được nữa đâu!
- Sao khanh lại nói thế?
Như Hối thưa:
- Trước đây Đông cung sai nội sử đi Sở Trung dẫn về đến hai ba chục loại vong mệnh, nuôi dưỡng ngay trong phủ, lại thêm thứ sử Hà Châu Lư Sĩ Lương đưa vào Đông cung đến hơn hai mươi lực sĩ, đó là chuyện tháng trước, thần ở ngay trước trạm dịch trông thấy trước mắt rõ ràng. Chiều tối hôm qua, có đến ba bốn chục người, nói là người Quan Ngoại, lại cũng tìm vào Đông cung. Điện hạ thử nghĩ xem, Đông cung không coi cấm binh, cũng chẳng cầm binh đánh Liêu, bình giặc cỏ, chẳng lo việc lấy nước, thì dùng những phường ấy làm gì?
Tần Vương đang định trả lời, lại thấy Từ Nghĩa Phù cùng Trình Giảo Kim, Uất Trì Cung vào lạy chào. Giảo Kim cầm quạt, quạt lia lịa mà rằng:
- Trời nóng bức thế này, nhân tình ấm lạnh không thường, chuyện xô cửa đổ tường đến ngay rồi, sao điện hạ vẫn ngồi an nhiên chẳng lo lắng gì cả?
Tần Vương đáp:
- Vừa rồi Như Hối cũng có nói chuyện với ta. Xưa nay vẫn thường chê cười việc cốt nhục tương tàn, ta cũng biết họa đến sớm tối nhưng hãy để cho bên kia động đậy trước, sau đó hãy ra tay trừ khử, thì tội không phải tại ta vậy!
Uất Trì Cung thưa:
- Lời của điện hạ, thật có chỗ không hay. Tính người mấy ai thích chết, thế mà nay ai cũng lấy cái chết thờ điện hạ, đó chính là trời cho điện hạ vậy. Nay họa đến từng khắc, điện hạ vẫn do dự không nghe. Điện hạ coi nhẹ thân mình, nhưng còn tôn miếu xã tắc. Nếu điện hạ không dùng lời của thần, thần xin bỏ trốn vào nơi rừng sâu núi thẳm, chẳng dám ở lại thờ điện hạ nữa đâu! Nhẽ nào lại bó tay ngồi chờ chịu giết sao?
Vô Kỵ tiếp:
- Nếu điện hạ không nghe theo lời thì đại sự hỏng mất, đến như Uất Trì Cung mà còn không ngửa cổ thờ điện hạ được nữa, thì thần cũng xin đi theo, không dám ở lại Tây phủ nữa vậy!
Tần Vương vẫn lưỡng lự:
- Lời của ta cũng chưa phải đã sai cả. Hãy chờ xem thế nào rồi hãy quyết định.
Giảo Kim thưa:
- Sáng nay con trai nhỏ của thần là Trình Nguyên, ngồi ở cửa hàng miếu ngoài phố, thấy có đến sáu bảy kẻ đàn ông ngồi ăn miến ở gian bên, đều là những tay to cao lực lưỡng. Trình Nguyên ghé tai sát tường nghe ngóng, một đứa trong bọn nói: "Điện hạ tại sao lại đối với chúng ta tốt như thế này!". Đương lúc cao hứng, có hai người đi vào, nói: "Chúng ta đi tìm khắp nơi, thì ra chúng mày ngồi đây ăn miến. Đông cung đã đi rồi, mau lên thôi!". Bọn kia mời ăn miến, hai người này không chịu, tất cả kéo nhau đi! Trình Nguyên nhận ra một trong hai người đến gọi là mãi biện Vương Khắc Sát ở trong Đông cung, nên về nói ngay cho thần biết. Thần nghĩ cơ sự này, thì chuyện nước lửa, chỉ là sớm tối. Không thể chần chừ được nữa đây!
Từ Nghĩa Phù cũng nói:
- Tề Vương cùng Anh Vương luôn tìm cách hại điện hạ, nào phải một lần thôi đâu. Hãy xem họ đưa hẳn một xe vàng bạc, tặng cho Hộ quân Uất Trì Cung, cũng may mà Uất Trì Cung không chịu nhận. Đem vàng lụa cho Đoàn Chí Nguyên, họ Đoàn cũng khước từ. Lại định tâu chúa thượng để đưa tổng quản Giảo Kim đi làm thứ sử Khang Châu, may mà Giảo Kim nhất định không chịu nghe. Những kẻ tay chân thân tín của điện hạ, dù chết cũng không đổi lòng, liệu còn ở bên cạnh được bao nhiêu người. Thế là tại sao?
Nói rồi, không ngăn được nước mắt. Tần Vương nói:
- Nếu đã như thế, khanh hãy cùng Giảo Kim đến ngay chỗ Mậu Công. Còn Vô Kỵ cùng Như Hối hãy tới chỗ Lý Tĩnh, đem những chuyện này, nói rõ cho họ biết, xem họ trả lời ra sao.
Ai nấy vâng lệnh lên đường.
° ° °
Không nói chuyện Nghĩa Phù cùng Giảo Kim đến chỗ Mậu Công, hãy nói chuyện Vô Kỵ cùng Như Hối giả dạng thư sinh, đem theo hai tên người nhà, ngày đêm đến dinh Đại Đô đốc An Châu Lý Tĩnh. Lý Tĩnh thấy mặt, vừa mừng vừa sợ, mừng là được gặp tri kỷ, sợ vì thấy cách hai người ăn mặc khác thường. Vội mời cả hai vào thư phòng, bày tiệc rượu, kề gối kề vai chuyện trò. Như Hối đem mọi chuyện kể tỉ mỉ. Lý Tĩnh nói:
- Việc quốc gia đại sự, chúng tôi là bề tôi ở bên ngoài, phải dè dặt khi bàn luận. Huống chi có điện hạ ở trên, phận bề tôi nào dám nói sằng. Lại thêm đây là công việc trong họ hàng nhà vua. Tần Vương công nghiệp trùm thiên hạ, hiển hách khắp núi sông, mai kia phú quý nói thế nào cho hết, nay chúng tôi chẳng qua chỉ là kẻ tòng sự biết gì mà thưa? Phiền hai ngài về trình lại thật khéo cho với.

Vô Kỵ, Như Hối hai ba lần cầu xin. Lý Tĩnh vẫn mỉm cười, từ tạ không nói. Cả hai chẳng còn cách nào khác, đành ngủ lại một đêm. Canh năm hôm sau, sợ triều đình có biến, viết lại mấy chữ lưu lại trên án, rồi lặng lẽ lên đường về. Đi được bốn năm mươi dặm, trời đương thanh quang, bỗng chân trời trước mặt đùn lên một dám mây đen, kéo ngay lên đỉnh núi, chẳng mấy chốc cuồng phong mù mịt. Vô Kỵ nói:
- Trời cũng có biến rồi, cứ như thế này, đành phải tìm một nhà nào đó mà nghỉ lại thôi.
Người nhà Như Hối là Đỗ Tăng thưa:
- Xin hai ngài cố thêm ít nữa, cách đây hai ba dặm đã là nơi ở của Từ tiên sinh rồi!
Như Hối nhớ ra:
- Đúng rồi, chúng ta nhanh lên một chút vậy!
Vô Kỵ hỏi:
- Từ tiên sinh nào kia?
Như Hối đáp:
- Chính là Từ Đức Ngôn ấy mà, vợ tiên sinh chính là Lạc Xương công chúa, chị em họ với tiểu đệ đây.
Vô Kỵ hỏi thêm:
- À đấy chính là chuyện "Phá kính trùng viên", gương vỡ lại lành đó phải không? Sao lại không ra làm quan, mà ở đây?
Như Hối đáp:
- Đức Ngôn chán ngán cảnh quan trường, chỉ thích sống ẩn dật ở rừng núi thôi!
Vô Kỵ nói:
- Vợ chồng họ là những người thông minh. cũng nên vào bái kiến xem sao.
Tất cả ruổi ngựa, đến trước một thôn nhỏ, thấy suối chảy như bạc trắng, tiếng nghe róc rách, mấy hàng thùy liễu thướt tha theo gió đứng ngay bên cầu, phía bên kia là một trang viên lớn, rải theo đến bốn năm trăm nóc nhà, xung quanh là đồng ruộng xanh tốt. Một người cưỡi ngựa từ trong làng ra, qua cầu, đến trước cổng làng, xuống ngựa hỏi bọn Như Hối:
- Các vị ở đâu đến?
Đỗ Tăng đáp:
- Chúng tôi là người nhà họ Đỗ ở Trường An, nhân đi An Châu qua đây, nên đến tìm Từ tiên sinh!
Người này đáp:
- Từ đại nhân chúng tôi sáng nay có người ở thôn bên đến mời đi rồi!
Như Hối hỏi:
- Anh hãy dẫn chúng tôi vào gặp công chúa vậy!
Rồi lại sai Đỗ Tăng:
- Ngươi hãy theo vào thưa với công chúa, nói rằng có ta đến thăm.
Người kia dẫn Đỗ Tăng đi trước, lát sau thấy cửa lớn mở ra, mời Như Hối cùng Vô Kỵ vào, ngồi ở nhà trên, chẳng mấy chốc, có hai hầu gái, ra mời Như Hối vào nội thất.
Như Hối vào định quỳ lạy. Lạc Xương công chúa vội từ chối:
- Trời nóng bức, xin cứ làm lễ thường thôi!
Như Hối vái chào xong, ngồi xuống thưa:
- Từ tiên sinh đi đâu vắng?
Công chúa đáp:
- Ở trong thôn, cứ ngày mùng ba, mùng bảy, con cháu mấy nhà nông lại mời đến giảng sách, cũng là chuyện để làm việc hiếu đễ trung tín, nên từ sáng đã đem theo cả cháu Ninh Nhi đi rồi. Chị đã cho người mời về ngay thôi mà!
Hai bên trao đổi chuyện họ hàng, gia quyến. Công chúa hỏi:
- Nghe nói cậu hiện đang làm quan trong Tây phủ, sao lại có dịp đi như thế này, chắc trong triều có việc gì sao?
Như Hối đáp:

- Chị là người thần hay sao?
Liền đem chuyện Kiến Thành, Nguyên Cát kể rõ một lượt. Công chúa hỏi:
- Chuyện này thì ta đã nghe ít nhiều. Nay cậu định đi đâu?
Như Hối chau mày:
- Tần Vương sai hai chúng tôi; đến chỗ dinh Đô đốc An Châu Lý Dược Sư, hỏi kế sách ra sao, không ngờ Lý Tĩnh một lời cũng không nói. Chị bảo có đáng giận không?
Công chúa đáp:
- Theo ý của chị, đó chính là Lý Đô dốc đã đem lễ của kẻ đại thần ra mà xử dấy, chẳng có gì mà khó hiểu cả đâu. Huống chi Trương phu nhân 1 mới đây sai người đến thăm chị, có nói rằng lâu nay Lý Đô đốc cũng đang có điều lo lắng, thế nào trong triều cũng có biến sớm tối vậy!
Như Hối nói:
- Chị nhìn xa trông rộng, sao lại biết Lý Tĩnh lấy lễ đại thần ra mà xử, sao lại biết tất trong triều có chuyện.
Công chúa đáp:
- Dạo còn ở trong phủ họ Đường, hai phu nhân họ Trương, họ Doãn bởi mộ tiếng ta, cũng thường đưa quà lễ tới làm thân. Nay thì không đi lại nữa rồi, nhưng trong đám phi tần cũng còn có nhiều người thân thiện từ xưa. Một người là Quách tiệp dư, mẹ của Từ Vương Lý Nguyên Lễ, một người là Lưu tiệp dư, mẹ của Đạo Vương Lý Nguyên Bá, hai tiệp dư này rất thân thiết với ta. Lưu tiệp dư gần đây có sai người đem quà đến cho, ta có hỏi việc triều chính. Người này có kể chuyện hai phu nhân Trương, Doãn cùng với hai Vương Tề Anh hại Tần Vương ra sao, bỏ vàng bạc ra mua chuộc các phu nhân có con cái trong nội cung để cùng mưu tính hãm hại Tần Vương. Hai vị tiệp dư họ Lưu, họ Quách này cũng còn khá, nhưng hai phu nhân Trương, Doãn thì hết lòng a dua với hai vương. Họ biết rõ trong Tây phủ mưu lược, tâm phúc rất đáng sợ, như Lý Tĩnh, Từ Mậu Công, nên tìm cách đưa đi xa cả. Cả đến bọn Phòng Huyền Sinh, Trưởng Tôn Vô Kỵ, sớm muộn gì cũng sẽ bị đẩy đi khỏi Trường An. Khi mà đã làm xong chuyện này, còn lại một mình Tần Vương, họ sẽ vơ như vơ củi mục, có đáng gì nữa. Nay cậu làm ở trong Tây phủ ăn lộc của Tần Vương, không nghĩ đến chuyện tận trung, mà bày mưu tính đông tìm tây, cậu nghĩ rằng bọn Lý Tĩnh, Từ Mậu Công lại không có trí của Điền Quang sao? 2
Như Hối đang định phân bua, thì người nhà vào thưa:
- Chủ nhân đã về!
Từ Đức Ngôn bước vội vào chào hỏi:
- Để khách chờ lâu, ngồi ở phòng khách là vị nào thế?
Như Hối đáp:
- Chính là Trưởng Tôn Vô Kỵ?
Đức Ngôn nói:
- Vô Kỵ chưa từng đến nhà bao giờ, sao lại để ngồi một mình ở phòng khách. Tiểu đệ cùng Như Hối hãy ra ngồi trò chuyện?
Rồi quay lại nói với công chúa:
- Xin bảo dọn tiệc rượu mau cho!
Tất cả ra ngồi ngoài phòng khách. Đức Ngôn cùng Vô Kỵ chào hỏi, đúng là kẻ sĩ gặp nhau, vẫn khác người thường. Vô Kỵ kể rõ chuyện anh em Tề Vương cho Đức Ngôn nghe, Đức Ngôn nói:
- Đây vốn là chuyện trong nhà, không thể xử như chuyện quốc chính được. Người thường cũng có thể "Ngộ biến tòng quyền", huống chi điện hạ anh hùng cái thế, lại thêm bao nhiêu mưu sĩ thao lược, có gì mà lại sợ hỏng việc. Thế ý công chúa ra sao?
Như Hối đem lời Lạc Xương nói lại, Đức Ngôn tiếp:
- Lời này quả không sai. Nhưng tiểu đệ còn nghe Đột Quyết Úc Xạ Thiết, đem mấy vạn quân kỳ xuống chiếm Hà Bắc, chuyện này chẳng mấy chốc phải lo, nếu không sẽ trở tay không kịp đâu!
Hai người nghe vậy, vội vàng cơm rượu, thấy cơn mưa đã qua, vội xin phép lên đường. Đức Ngôn đáp:
- Cũng muốn giữ hai ngài lại hàn huyên vài ngày, nhưng sợ lúc này không phải lúc nhàn rỗi, chậm sợ sinh biến vậy!
Như Hối vào phòng trong từ tạ công chúa, rồi cùng Vô Kỵ lên ngựa.
Về đến Trường An, vào ngay Tây phủ, Vô Kỵ đem lời Lý Tĩnh, cùng cả chuyện gặp vợ chồng Lạc Xương công chúa thế nào thưa lại.
Tần Vương nói:
- Lạc Xương cùng Từ Đức Ngôn cũng là bậc phi phàm. Vợ chồng họ nói những gì?
Như Hối kể lại tỉ mỉ, Tần Vương nói:
- Đúng rồi, Yên Quận Vương La Nghệ vừa trình Úc Xạ Thiết Đột Quyết hung dũng, xin binh cứu viện, nên Tề Vương lại tâu điều binh tướng Tây phủ của ta đến một nửa đi rồi. Còn vừa rồi Nghĩa Phù cùng Giảo Kim về, thuật lại lời Mậu Công, cũng chẳng khác gì lắm lời Lý Tĩnh. Nhưng nghe nói Trương Công Cẩn bói rùa như thần, ta đã sai Uất Trì Cung đi gọi, sắp tới bây giờ.
Công Cẩn vào lạy chào Tần Vương xong, thưa:
- Điện hạ gọi thần, có gì sai bảo?
Tần Vương đem chuyện Tề Vương, Anh Vương dâm loạn trong cung ra sao, cùng là lời các tướng khuyên nên hành động thế nào, nói lại một lượt, rồi chỉ hương án, bảo:
- Mai rùa thiêng trên bàn, khanh hãy quyết cho ta một quẻ xem sao?
Công Cẩn cười lớn, cầm mai rùa vứt xuống đất mà rằng:
- Bói là để quyết chuyện còn nghi ngờ, nay việc đã rõ ràng, còn bói gì nữa. Nếu như bói phải quẻ xấu, thì đành thôi hay sao? Hay lại phải làm một cách bất đắc dĩ? Huống chi, chuyện này đến bậc bề tôi bên ngoài còn rõ, nay vẫn nuôi dưỡng những giống ô uế như thế trong cung thì còn thể thống nào nữa?
Bọn Lý Thuần Phong cũng hết sức vun vào, Tần Vương bèn lên tiếng:
- Nếu đã vậy, ý ta đã quyết. Ngày mai vào triều kiến, rồi sẽ đem quân hỏi tội hai vương.
Lúc này Công Cẩn làm Đô phủ, coi cửa huyền vũ, liền nói với Tần Vương:
- Chúng thần tuy là hàng tâm phúc của điện hạ, xin điện hạ cẩn mật cho. Ngày mai vào triều thần xin có cách đối phó.
Nói rồi ra khỏi phủ.
° ° °

Lại nói Lý Như Khuê, vâng lệnh Sài Thiệu, hành quân hơn một tháng trời về đến Trường An, đem tờ biểu của Sài Quận Vương vào cung dâng lên vua Đường. Vua liền cho gọi Như Khuê vào bệ kiến, hỏi rõ chuyện chiến trận, cùng việc Tiêu Hậu về nam. Như Khuê thưa xong, vua Đường phán:
- Khanh đã có công khó nhọc, hãy ở lại kinh, chờ bổ dụng vậy!
Như Khuê bái tạ.
Hôm ấy là ngày Kỷ Mùi, có sao Thái bạch đi ngang qua bầu trời, tòa Khâm thiên giám mật tâu với vua Đường sao Thái bạch kiến Tần phận, Tần Vương sẽ được cả thiên hạ. Vua Đường lại đem những lời này nói lại riêng cho Tần Vương. Tần Vương bèn thưa luôn chuyện Kiến Thành Nguyên Cát dâm loạn trong cung ra sao, lại nói thêm cũng bởi anh em trong nhà, lòng không nỡ phụ, nhưng hai anh em Đông cung nhiều lần định hại mình, để báo thù cho Lý Mật, Thế Sung. Nay dẫu có chết, cũng phải làm rõ nghĩa quân thần, hồn về chín suối vẫn còn hận lũ giặc này. Vua Đường nghe ra, ngạc nhiên, phán:
- Trẫm sẽ hỏi rõ chuyện này, con hãy cứ chờ xem.
Tần Vương liền viết mấy phong thư, sai người cưỡi ngựa đến giao cho các liêu thuộc Tây phủ, xếp sẵn mọi thứ, để đến sáng ngày mai thì hành sự.
Hai phu nhân Trương, Doãn, nghe phong phanh những lời tâu của Tần Vương, vội sai người ra báo cho Kiến Thành cùng Nguyên Cát biết. Kiến Thành liền gọi ngay Nguyên Cát đến bàn cách. Nguyên Cát khuyên nên kéo tinh binh giữ Đông cung, rồi cáo ốm đừng vào triều, để xem động tĩnh ra sao. Kiến Thành đáp:
- Binh lính đã xếp sẵn cả rồi, chẳng sợ gì cả, ngày mai cứ vào triều, hỏi thẳng mặt Thế Dân xem sao?
Ngày Canh Thân, khoảng canh tư, Tần Vương bên trong mặc áo giáp, ngoài áo bào, cùng với Uất Trì Cung, Vô Kỵ, Huyền Linh, Như Hối, bọn này bên trong đều mặc áo giáp, đem theo khí giới, ra khỏi Tây phủ. Tần Vương nói:
- Hãy khoan, còn tín hiệu lệnh cho gia tướng, nổi ba phát pháo lệnh.
Loại pháo hoa này, chính là đem từ nước ngoài về, dài có đến năm sáu tấc, tiếng nghe tận trời mây. Một lúc ba phát pháo bắn lên, đã thấy cả bốn chung quanh kinh thành, nghe tiếng pháo đáp lại. Đi được khoảng hai phố, xa xa một đội người ngựa tiến lại. Như Hối nổ một phát pháo, bên kia cũng một phát pháo trả lời. Thì ra là Giảo Kim, Vưu Tuấn Đạt, Liên Cự Chân. Phía phố ngang cũng một đội người ngựa kéo ra, hai phát pháo hỏi, đáp, đó là toán quân của Vu Chí Ninh, Bạch Hiển Đạo, Sử Đại Nại, Lục Đức Minh. Lại thêm một tiếng pháo phía trước, nhưng chẳng thấy ai cả, không hiểu tại sao. Mọi người lặng lẽ tập trung lại ở trước cửa lầu Thiên Sách, có hai tên lính thám hiệu của Tây phủ lại thưa:
- Cửa Đông cung hiện có ba bốn trăm người vừa đi ra.
Tần Vương vội cởi hoàng bào, chỉ mặc cẩm giáp, cấm kiếm xông lên dẫn đường. Uất Trì Cung rượt ngựa theo thưa:
- Chẳng cần đến chúa công phải ra tay.
Liền dẫn khoảng mười lính kỵ dẫn đầu, toàn là những cảm tử quân, sẵn sàng liều chết, còn có quân tướng nào đánh nổi đội quân này. Uất Trì Cung nháy mắt đã quật ngã ba bốn tên đi đầu xuống khỏi lưng ngựa, Vô Kỵ cũng như bay cầm thương ruổi theo một bên. Đến điện Lâm Hồ, Tần Vương đuổi ngựa kịp Kiến Thành, Kiến Thành bắn luôn ba phát tên, nhưng đều không trúng. Tần Vương bắn một phát, trúng sau lưng Kiến Thành, ngã ngay xuống ngựa. Vô Kỵ sấn ngay ngựa lại chém một thương.
Nguyên Cát vội bỏ chạy ra phía trước đám lính kỵ. Tần Vương đuổi vội theo, lại nghe một tiếng pháo hiệu nổ, một tiểu tướng phi ngựa tới, hét lớn:
- Lũ giặc chạy đi đâu?
Rồi đâm ngay một thương, Nguyên Cát rạp người tránh, đang định nhổm dậy, thì Tần Vương ở phía sau chồm ngựa tới, chém một nhát. Nhìn lại viên tiểu tướng, thì ra là Tần Hoài Ngọc, liền hỏi:
- Vừa rồi nghe một tiếng pháo hiệu gần đây, nhưng rồi chẳng thấy ai cả. Ta đang nghĩ, thân phụ ngươi không có ở Trường An, ngươi làm thế nào mà hiểu ra ta hành sự mà tới?
Hoài Ngọc thưa:
- Tối hôm qua Trình lão bá đến nói cho tiểu thần biết chuyện!
Tần Vương quay ngựa, nói với Giảo Kim, Uất Trì Cung:
- Hai giặc đã giết xong. Xin các tướng đừng giết hại nhiều nữa.
Vì vậy ai nấy để cho lính tráng Đông phủ rút về yên ổn.
Chẳng mấy chốc, Dục vệ kỵ tướng quân Phùng Dực, Phùng Lập, nghe tin Kiến Thành chết liền than thở:
- Chẳng nhẽ sống chịu ơn, chết bỏ chạy chỗ hoạn nạn sao?
Bèn cùng Phó hộ quân Tiết Vạn Triệt, Khuất Chí, với Trực phủ tả quân kỳ Vạn Niên, Tạ Phương dẫn binh lính Đông cung ra ngoài cửa Huyền Vũ, gặp Công Cẩn cùng Vân tướng quân Kính Quân Hoàng, Trung lang tướng Lữ Thế Hành đang chém giết. Công Cẩn đâm chết Thế Hành, gặp cánh quân Phùng Dực kéo đến, Công Cẩn liền bắn chết Phùng Dực, rồi đóng ngay cửa thành lại. Quân Đông phủ tuy nhiều nhưng không tài nào vào được. Lúc này vua Đường đương dạo thuyền chơi trên hồ, nghe nói ngoài cung có loạn, gởi ngay Bùi Tịch cùng Tiêu Duệ vào bàn, thấy Uất Trì Cung được lệnh của Tần Vương, cầm roi, mặc đủ giáp trụ tiến vào làm tướng túc vệ trong cung, đến ngay trước điện. Vua Đường kinh ngạc hỏi:
- Ai đang làm loạn ở ngoài ấy? Khanh vào đây làm gì?
Uất Trì Cung tâu:
- Tần Vương thấy Thái tử cùng Tề Vương làm loạn, kéo quân trừ khử, sợ có chuyện gì động đến chúa thượng, sai thần vào đây túc vệ.
Vua Đường hỏi:
- Tề Vương cùng Anh Vương đâu rồi?
Uất Trì Cung thưa:
- Đều đã bị Tần Vương giết cả rồi?
Vua Đường đập án mà khóc rống, nói với Bùi Tịch:
- Không ngờ ngày nay lại thấy chuyện này.
Bùi Tịch, Tiêu Duệ thưa:
- Anh Vương, Tề Vương, đều không biết chuyện lược thao, lại chẳng có công lao gì với thiên hạ, ghen ghét Tần Vương công cao vọng trọng, cùng nhau bày gian kế, nay Tần Vương diệt đi, bệ hạ bất tất phải bi thương. Tần Vương công trùm vũ tục, núi sông đều theo phục, nếu giao cho nối ngôi, ủy cho việc nước, chẳng còn gì đáng lo nữa!
Vua Đường phán:
- Trẫm cũng muốn như vậy!
Uất Trì Cung xin vua Đường cho sắc chỉ gọi hàng, để hợp mọi quân sĩ cho Tần Vương phân xử. Vua Đường liền sai ngay Bùi Tịch đi với Uất Trì Cung, ra dụ quân sĩ. Lúc này hai bên vẫn còn đang đâm chém nhau. Bùi Tịch cùng Uất Trì Cung ra cửa Huyền Vũ hiểu dụ Tiết Vạn Triệt, bọn này liền giải binh bỏ chạy. Các tướng của Tây phủ định đuổi theo diệt kỳ hết, Uất Trì Cung can:
- Tội tại hai kẻ cầm đầu, nay đã đền, nếu làm đến cả vây cánh, không phải là chuyện dễ dàng yên ổn đâu!
Bèn thôi. Vua Đường hạ chiếu, xá tội cho bè đảng hung nghịch, chỉ dừng lại ở Kiến Thành, Nguyên Cát, ngoài ra không hỏi tội ai cả, lập Tần Vương làm Hoàng Thái tử, ban chiếu rằng, tất cả các việc nước, việc quân, không kể lớn nhỏ, đều giao cho Thái tử phân xử, sau đó tâu lên. Không biết sự thế ra sao, xem hồi sau sẽ rõ.--------------------------------
1Vợ Lý Tĩnh, tức Trương Xuất Trần, không phải Trương và Doãn phu nhân. 2Điền Quang: Nghĩa sĩ người nước Yên thời Chiến Quốc, tiến cử Kinh Kha cho thái tử Đan, để Kinh Kha giết Tần Thủy Hoàng. Thái tử Đan dặn: "Xin tiên sinh đừng tiết lộ chuyện này!". Điền Quang cười nhận lời, ra tới cửa than rằng: "Làm việc mà để người ta nghi ngờ, thì không phải là bậc tiết nghĩa!" Rồi đâm cổ tự vẫn. (Từ Hải)