[Vô Hạn Lưu] Hồi Ký Của Kẻ Lưu Hành Thời Gian

Chương 57




Cái làng bé tí có một đúng một người bốc thuốc. Bà ta còn không biết băng bó vết thương như thế nào, chỉ lấy hai ba loại cây cỏ mà nhai nhai đắp lên người Phan. Nhìn lại, cả tôi lẫn hai người kia đều xây xát đầy mình. Có những vết thương tôi chẳng biết từ bao giờ hay làm thế nào mà nó lại xuất hiện và có thể sâu đến như vậy.

Ít nhất người dân ở đây cũng hiểu cho. Họ biết về bọn sơn tặc hoành hành, cũng đã từng cưu mang những người bị chúng cướp bóc trước kia.

“ Ba cô chú xui xẻo đó. “ _ bà già bốc thuốc móm mém bình luận _ “ mấy năm nay không ai thấy bọn thú vật đó đâu nữa, tưởng chúng biến mất rồi. Ai ngờ vẫn còn quanh quẩn trong khu rừng này. “

Tôi thở dài. Đúng là xui thật. Nhưng tai qua nạn khỏi rồi, không nên suy nghĩ quá nhiều nữa. Phan tỉnh lại, uống chút trà nóng rồi ngủ thiếp đi. Anh ta như một nhân vật trong trò chơi điện tử, cứ ngủ là lấy lại được sức khỏe mà nhảy như một con khỉ và nói như một cái radio mất nút tắt. Hồ Tử Duy ngồi một chỗ uống rượu. Rượu ngâm củ cải gì đó của bà già bốc thuốc, coi như là có dược tính. Nhưng với công tử họ Hồ thì có men rượu là sống được qua ngày. Tôi vẫn bám lấy cái cửa sổ, ngồi nghe tiếng chim kêu từ mảnh ruộng vàng ươm.

Thế giới yên bình làm sao. Sau mưa trời lại sáng, nhưng giông tố, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đều có thể tới bất cứ lúc nào. Sao tự dưng lại ỉu xìu vậy nhỉ? Hình như mình đang đói thì phải? Đi tìm cái ăn thôi. Có thực mới vực được đạo. Chứ cứ ngồi lo lắng ngày mai thế nào thì chẳng sống nổi qua ngày hôm nay. Nhưng tôi không có đồng xu trên người. Tiền bạc, đồ đạc đã nằm dưới đáy sình lầy từ lâu rồi. Chẳng lẽ đi ăn xin? Có lẽ là không, tôi chưa đến mức cúng quẫn vậy. Trong tương lai thì có thể. Giờ tôi sẽ đi tìm việc làm hay, lau nhà trông gà hay cái gì đó tương tự.

“ Bà ơi, có ai ở đây tìm người giúp việc không ạ? “ _ tôi hỏi _ “ Cháu sẵn sàng làm mọi công việc. “

Bà ta nhai nhai miếng trầu, nghiêng đầu nghĩ ngợi. Búng ngón tay một cái rồi chỉ về phía xa xa nào đó ngoài cửa:

“ Cháu cứ đi thẳng hết con đường cái, qua cái giếng bỏ hoang là tới chùa làng. Ông thầy chăm cho mấy đứa nhóc mồ côi lúc nào cũng cần người làm thêm. “

Bà ta còn nháy mắt với tôi:

“ Cơm chùa không ngon nhưng no lắm đấy. “

Con đường cái rải sỏi cho ba con ngựa của ông trưởng làng. Ba con ngựa tức là ông ta giàu lắm. Những người dân còn lại đi chân đất, mặt cúi gằm trước cái nắng inh ỏi. Tất cả vũng nước từ trận mưa rầm trời vẫn chưa khô hẳn, lũ trẻ con đen đúa nghịch ngợm như bơi trong chúng.

Nói thế thôi chứ chắc chắn bây giờ tôi còn đen hơn tụi nó. Một thời tôi cũng có kế hoạch làm đẹp: dưỡng da, tập thể dục, ăn low-carb. Giờ thì không đủ đồ để ăn rồi chạy trốn một lũ sơn tặc là đủ thể dục cho mười kiếp người. Má hóp lại, chân cẳng gầy hẳn ra, da đen rồi xước lên xước xuống. Có lẽ đã quá muộn để giữ dáng giữ da.

Tôi thở dài nghĩ tới sự thiếu xinh xắn của mình cũng như quyết định là bỏ luôn cái mong muốn giữ gìn nhan sắc cho rồi. Về đến tương lai thì tính tiếp.

Cái giếng bỏ hoang đựng đầy nước mưa, một con cóc ghẻ nhảy lên nhìn con bé lạ mặt đi qua.

Tôi biết mình đã tới nơi khi có tiếng trẻ em kêu eo éo đâu đó. Ngay trước cửa chùa là ba thằng con trai đang đẩy nhau xuống đất, đấm thùi thụi vào lưng nhau. Cả ba đứa đều nhắm tịt mắt lại trong khi chân tay quờ quạng mọi hướng khiến đấm đại lại thành đấm thật.

“ Chủ chùa đâu các em? “ _ tôi hét thật to.

Bọn trẻ trâu ngay lập tức ngừng quay lại nhìn tôi.

Thằng béo nhất trả lời:

“ Chị là ai? Tìm thầy Huy làm gì? “

“ Chị nghe nói chùa đang tìm người giúp việc.. “ _ tôi gãi đầu trả lời, không ngờ lần đầu tiên đi xin việc nó là thế này _ “ nên chị tới xem có gì không thì chị nhận làm hết. “

Ba đứa nhìn nhau, có vẻ cũng không biết làm gì.

“ Chị vào hỏi thầy đi. “ _ thằng béo nói tiếp _ “ chắc thầy đang đọc kinh đấy ạ. “

“ Đọc ở đâu hả em? “

“ Ngay chỗ nhà chính thôi. “ _ thằng trọc đầu bỗng dưng lên tiếng, giọng cao như con gái. Tôi gật đầu cám ơn, đi lên đẩy cửa vào. Chùa này bé thật! Khoảnh sân đi ba bước là qua. Cái phòng duy nhất có bức tượng phật hẳn là phòng đọc kinh. Ông thầy chùa lúc đó ngồi quay lưng, tay gõ mõ đều đều, tiếng tụng kinh khiến căn phòng trở nên nghiêm trang hơn.

Tôi hít một hơi rồi lên tiếng, không biết từ lúc nào lại thấy bồn chồn:

“ Thưa thầy, con nghe nói chùa ta cần người giúp ạ? “

Như thế cõ rõ ràng chưa nhỉ? Thôi kệ, lỡ nói rồi.

“ Cô cần gì? “ _ ông ta hỏi, quay người lại chầm chậm.

Hàm tôi rơi xuống.

Tôi không thể tin vào mắt mình. Hồ Tử Duy đang nhìn tôi với cái đầu trọc lốc, tay tràng hạt.

Sư thầy nhìn cái sự á khẩu của tôi và bỗng dưng anh ta hiểu ra tất cả.

“ Cô biết anh trai tôi phải không? “

Đầu tôi gật tự động.

Hồ Tử Huy thở dài, tiếng thở dài não nề nhất, đau khổ nhất tôi từng nghe trong đầu.

“ Chúng ta nên ngồi xuống nói chuyện. “

Tôi răm rắp làm theo, ngồi khoanh chân đối diện với một người vừa quen vừa lạ.

Không thể không nhìn chằm chằm. Tử Huy thực sự giống người anh trai mình như một giọt nước. Tuy nhiên họ vẫn là hai người khác nhau với hai thần thái khác biệt. Tử Huy cử động chậm rãi như một ông già tám chục, đôi mắt bình lặng như mặt nước mùa thu. Tử Duy luôn có cái khí khái tự cao, thách thức những người xung quanh (ví dụ: tôi) hãy đến bóp cổ anh ta đi.

“ Tử Duy, hiện giờ anh ấy đang ở đâu? “

“ Trong làng. Chúng tôi vừa chạm chán lũ cướp nên phải nghỉ lại. “

“ Cướp? Lũ đấy biến mất năm năm nay rồi mà? “

“ Người trong làng cũng nghĩ vậy. Tôi nghĩ chúng chỉ đi dã ngoại một thời gian. “

Tôi cười, cố gắng bật câu hài hước cho không gian dịu đi, chứ làm gì căng thẳng thế này. Tử Huy hơi nhếch môi khiến tôi thở phào trong bụng.

“ Cô muốn uống trà không? Tôi kêu mấy đứa nhỏ nấu cho. Cây trà này tôi tự trồng ngon lắm đấy. “

“ Vậy thì tốt quá. “

“ Đức ơi! Vào đây thầy bảo. “

Ngay lập tức có tiếng chân lạch bạch chạy tới. Khuôn mặt quen thuộc thứ hai xuất hiện nơi ngưỡng cửa.

“ Ơ! “

“ Chị này là! “

Trong một ngày mà có thể có nhiều sự trùng hợp thế này sao?! Thằng Đức của chùa chính là nhóc con bắt cái xe ngựa phải dừng chân trên con đường mòn quanh đồi!

“ Cô lại biết Đức à? “ _ Tử Huy cũng phải trố mắt mà thốt lên.

“ Chị ấy giết gà mẹ gà con! “

Cái thằng nhóc này nói năng bậy bạ quá! Tôi vội vàng xua tay phân bua:

“ Không hề. Trên đường tới đây bé này đứng giữa đường la hét xe của tôi không được đi nữa. Hình như là có con gà nào đó làm tổ giữa đường. Nhưng tôi đi thì chẳng có gì cả, không ai giết con gà con nào hết! “

Thằng Đức nhìn tôi rồi nhìn ông thầy chùa. Mắt nó đỏ hoe như sắp khóc, may mà cuối cùng chỉ khụt khịt chứ không nói gì. Tôi liếc mắt sang bên cạnh, âm thầm nói ‘ Cám ơn ‘ Tử Huy.

“ Thầy gọi con làm gì ạ? “

“ Pha cho thầy ấm trà và mang hai chén nước lên đây, thầy phải nói chuyện với chị… “

“ Linh ạ. Thầy cứ gọi là Linh. “

“ Chị Linh. Chọn loại Tứ Hoài nhé, nhớ sôi nước thì mới cho lá trà vào. Lấy lá lau qua tách trà cho thơm nữa. “

Đức gật gật đầu rồi lại lạch bạch chạy đi.

“ Thầy có vẻ thích uống trà, pha hai chén trà thôi mà cũng lắm công phu. “

Tôi mở lời, tự dưng im lặng thế này ngại chết đi được. Mà có vẻ làm sư rồi Hồ Tử Huy vẫn là một người họ Hồ chính cống. Ví dụ như căn phòng tụng kinh này: nó đơn giản nhưng rất chất. Ở giữa là tượng Phật sạch sẽ như được đánh xi, vóc dáng của tượng vừa vặn cực kì, màu gỗ cũng cùng tông với bốn gian vách tường. Cửa sổ to hơn bình thường, để ánh sáng vào nhưng không chói. Phản đặt giữa, vân gỗ song song hoàn hảo đến kì lạ.

Gian phòng nếu được đưa vào tạp chí Nội Thất tôi cũng không bất ngờ.

“ Tôi chỉ là một người thích thưởng thức. “

Và anh cũng rất giàu có kể cả khi ở ẩn. Nhưng thôi, cười lấy lệ mà cho qua.

“ Anh trai tôi sao rồi? “

Tôi đứng hình. Sao ngay câu đầu tiên đã hỏi khó nhau rồi?! Nên trả lời chung chung ‘ anh ta ổn, vẫn khoẻ ‘ hay nói thẳng luôn ‘ anh ta nghiện rượu rồi ‘?

Tử Huy nhìn mặt tôi, thấy cái sự lưỡng lự đến từ khoảng thời gian im lặng quá dài. Huy cười buồn.

“ Tôi cũng có thể đoán vậy. “ _ Hồ công tử nói _ “ Tôi không thể quên đi những gì mình đã làm cho anh trai mình thì không thể nào anh ấy có thể tha thứ cho tôi. “

Anh ta cố quên lắm chứ. Gái và rượu. Có điều chúng chỉ khiến anh ta nguôi ngoai trong tích tắc. Tử Duy bên ngoài chẳng bao giờ buồn. Tôi nghĩ anh ta quá cứng rắn ấy chứ. Nhưng là con người, rồi cũng có lúc yếu lòng. Tôi nhìn vào khuôn mặt của người em trai mà như đang nhìn vào một chiếc gương phản chiếu nỗi lòng thực sự của người anh trai đang số gắng sống qua ngày. Câu chuyện về họ và cô bạn tuổi thơ… Lũ người hầu ai cũng biết, họ bị cấm nhắc lại nó, nhưng những đêm khó ngủ, tôi vẫn nghe lỏm được tất cả. Câu chuyện như một lời cảnh báo về việc tốt nhất không nên yêu ai cả.

Tôi chưa bao giờ thấy Tử Duy đau khổ. Hình ảnh này tôi thậm chí còn chưa bao giờ tưởng tượng ra nổi. Nó kì quặc làm sao, nhưng cũng khiến tôi chạnh lòng thay, và cả có lỗi nữa.

“ Cho tôi hỏi… “ _ môi tôi mấp máy, từ ngữ hình thành nơi cổ họng mà sao nói lên thật khó khăn _ “ chị… chị Tường Vy tôi có nghe nói tới… chị ấy đâu rồi ạ? “

Tử Huy nhìn tôi, nỗi buồn da diết bùng nổ trong mắt. Tôi nghiến răng, cảm thấy mình đang tra tấn một người chưa từng hại mình.

“ Cô ấy ra đi rồi. Đẻ thiếu tháng, mất cả mẹ lẫn con. “

Tim tôi quặn thắt lại, miệng khô.

Tôi không thể để Tử Duy biết về việc này. Tôi không biết anh ta sẽ làm gì. Tôi đôi khi chẳng hiểu nổi tên công tử đấy. Nhưng với những gì tôi biết về hai anh em nhà này và Nam Tường Vy, cái kết cục tang thương này nó sẽ huỷ hoại Tử Duy.

Bình trà Tứ Hoài đúng là ngon, thậm chí một kẻ không biết thưởng thức đồ uống như tôi cũng phải khen. Nhưng nó đến đáy cổ lại đắng ngắt, như câu chuyện này.

“ Cô biết anh trai tôi như thế nào? “

“ À anh ấy giúp tôi đi về nhà. “

Tôi chẳng biết nói gì thêm. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn phải hỏi:

“ Vậy anh không muốn gặp lại Tử Duy phải không? “

“ Thực ra là có. “ _ người em trai trả lời, tách trà trong tay được đặt xuống. Tôi nhướn cổ chờ câu nói đó tiếp tục, nhưng Tử Huy dường như đang vun vén, sắp đặt lại từng câu chữ. Anh ta đã quyết định việc này từ lâu. Chỉ có điều lúc phải nói ra, phải đối mặt với quá khứ, anh ta lại chần chừ, lại không dám làm.

Một đám mây đi qua mặt trời, ánh sáng trong phòng tối lại. Khuôn mặt của Tử Huy in trên tách trà chưa hết. Và rồi khi mây tan, anh ta quay lên nhìn tôi mà trả lời:

“ Tôi vẫn muốn biết anh tôi thế nào rồi, gia đình tôi ra sao. Chúng tôi đã lâu quá không gặp nhau. Tuy vậy, tôi không thể nhìn vào mắt anh ấy. Tôi đã từng tưởng tượng ra giây phút này bao nhiêu lần. Tôi sẽ quì xin sự tha thứ. Tử Duy thì sẽ kéo tôi dậy và nói lời thứ tha. “

Người em trai sinh đôi như độc thoại.

“ Giờ cô tới đây. Cách cô nhìn tôi. Tôi bỗng hiểu ra sự thật. Anh tôi sẽ không bao giờ điều đó. Chỉ là mơ ước ngu ngốc mà thôi. “

Tôi tạm biệt người sư thầy và lũ trẻ con sau khi cám ơn chén trà nóng, quay về nơi hai tên đồng hành đang, ngạc nhiên thay, cũng đang uống trà. Chỉ là bình trà lạt, không thơm như bình trà của tôi.

Tôi không nói gì, ngồi một góc.