Vụ Lừa Đảo Tại Ngân Hàng Wilshire

Chương 3: Lễ tạ ơn




“Xin lỗi. Nếu anh không muốn nói về nó thì thôi vậy.”

“Ồ, tôi lại sợ nó gợi cho anh những kỉ niệm không hay đấy chứ.”

Đức im lặng. Dương bèn nói tiếp: “Anh…có mất đi người thân nào vào ngày đó không?”

“Có chứ!” Giọng Đức có vẻ trầm xuống, “Những người bà con hai bên nội ngoại, ông nội, bà nội, bà ngoại, những người bạn cũ, đồng nghiệp, cấp trên. Nhưng… ba mẹ và anh tôi thì không sao cả, họ chỉ bị chút bệnh đường ruột thôi.”

“Ồ!” Dương kêu lên, “Thế thì anh còn may mắn hơn nhiều người rồi.”

“Có lẽ.” Đức đáp. Khung cảnh trước mắt anh chợt nhòa đi. Trong chốc lát, anh đã không còn ngồi trong nhà hàng sang trọng và sáng đèn cùng những dĩa đồ ăn đầy màu sắc tỏa mùi thơm đang bày biện trước mắt nữa. Bây giờ anh đang ngồi trong văn phòng cũ của mình tại tầng hai ngân hàng Wilshire, giữa một khung cảnh tối om và mùi hôi thối từ đâu xộc lên khiến anh như muốn nghẹt thở.

Khang và Hon là hai người tỉnh dậy đầu tiên. Họ mệt lả, đói khát và chân tê cứng không cử động được (do họ bất tỉnh trong tư thế ngồi suốt gần mười ngày). Phải mất vài tiếng đồng hồ thì họ mới có thể đứng dậy, và thêm vài tiếng nữa để có thể gọi là bước đi được như bình thường. Cũng nhờ thói ăn vặt của Khang (và cũng là nguyên nhân khiến anh ta béo phì) mà trong hộc tủ bàn làm việc của anh luôn trữ nhiều bánh kẹo, nước ngọt và trà. Nhờ mớ đồ ăn vặt đó mà Khang lẫn Hon đã vượt qua được cơn đói cồn cào và có chút sức lực đi đánh thức những người khác.

Đức, ông giám đốc và hai nhân viên khác được đưa lên tầng bốn trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Khang bảo rằng với tình trạng sức khỏe của mọi người như vậy thì không nên xuống tầng trệt hay đi ra đường vào lúc này. Họ gặng hỏi nhưng anh ta không trả lời, chỉ thẫn thờ đứng nhìn ra ngoài cửa sổ, mà ở xa xa kia, bầu trời đang rực sáng lên một màu đỏ như máu…

“Ít ra thì anh còn có thể khóc thương cho những người đã mất!”

Đức giật mình. Bây giờ anh đã quay lại nhà hàng món Huế.

“Tôi thì không!” Dương nói tiếp, “Tôi tỉnh dậy với một cái đầu đau nhức và không thể cử động được chân mình. Có lẽ lúc đó tôi đang đi ngoài đường rồi bất tỉnh nên bị chiếc xe ấy tông, hoặc là người tài xế bất tỉnh trước rồi mất lái đâm vào tôi. Chả biết được! Tôi chỉ biết là chân trái của tôi lúc ấy đang bị chèn dưới bánh xe, xương gãy lòi cả ra ngoài, máu chảy thấm cả mặt đường và đã khô từ lâu.”

“Lúc đó tôi rất mệt và đói đến mức không còn sức để kêu cứu. Tôi cố cử động cơ thể mình nhưng không được. Tôi giận tới mức nước mắt chảy ròng ròng, cắn chặt môi tới trào máu. Tôi dùng hai tay cố đẩy chiếc xe ra khỏi mình, đó là một hành động ngớ ngẩn. Tôi cố đẩy, cố mãi và rồi…”

Đức như muốn nín thở khi theo dõi câu chuyện.

“Chiếc xe từ từ nhích ra xa khỏi tôi. Sau đó một người đàn ông xuất hiện, chân anh ta đi cà nhắc, chắc là do vẫn còn bị tê chân.”

“Tê chân? Do ngồi lâu? Vậy có phải người đó là chủ nhân chiếc xe không? Hay tài xế, hay là…ừ, người lái chiếc xe đó ấy?” Đức hỏi.

“Phải.”

“Ổng đã de chiếc xe ra khỏi anh?”

“Không! Chiếc xe đã chết máy rồi. Nó de được là do tôi đẩy nó!”

“Anh đẩy nó? Nhưng chả phải anh nói lúc đó chân anh đang bị bánh xe chèn lên sao? Không lẽ…” Đức há hốc mồm, “Là năng lực của anh?”

“Có lẽ vậy, lúc đó tôi hoảng lắm nên không để ý gì nhiều. Nếu bỗng dưng anh tỉnh dậy và thấy mình nằm trên đường, xung quanh toàn là xác chết, những đống đổ nát và những đám cháy thì anh cũng sẽ thấy như tôi vậy.” Rồi như thấy mình nói hơi quá, Dương nói: “Xin lỗi! Tôi không cố ý.”

“Không sao! Tôi bất tỉnh trong lúc làm việc và tỉnh dậy tuy không thấy xác chết hay tai nạn gì nhưng vẫn hốt hoảng lắm.”

“Ừ. Để tôi kể cho xong nào. Sau đó thì người đàn ông đã cố định chân tôi và mượn một chiếc xe từ một cặp vợ chồng đã chết để đưa tôi tới bệnh viện. Ở đó cũng chả khác gì ngoài đường cả: Đèn không sáng, không thiết bị nào hoạt động, cả không gian thì ngập tràn mùi xác phân hủy. Bệnh nhân thì còn vài người thoi thóp, bác sĩ và y tá thì cũng không khá hơn. Một mình người đàn ông kia đã sơ cứu cho tôi và sau đó đi đánh thức và cứu chữa cho những người khác.”

“Ông ấy là bác sĩ?”

“Ừ. Ân nhân của tôi, và cũng đồng thời là… Hội Trưởng Hội Tiến Bộ!”

Đức trợn mắt. Dương bèn nói ngay: “Ấy, không phải tôi gợi chuyện để nói về Hội đâu, đừng hiểu lầm.”

“Ừ, là do tôi hỏi anh trước mà.” Đức gật đầu, “Thế sau đó thì sao? Tôi đoán là anh bị chiếc xe kia tông dẫn đến mất trí nhớ. Sau khi ra viện thì anh ở đâu, làm gì?”

“Hội trưởng đã đưa tôi về nhà ông ấy ở. Vợ ổng đã mất và ổng còn hai đứa con hiện đang làm bác sĩ ở nước ngoài nên căn nhà có hơi trống trải. Ổng nghĩ rằng do ổng lái xe tông phải tôi nên cần có trách nhiệm với tôi. Trước đó tôi cũng tính nói là không cần, nhưng rồi nghĩ tới bản thân không biết sẽ đi về đâu nên đành chấp nhận. Mất bốn tháng để tôi có thể đi lại bình thường như trước.”

“Bốn tháng? Tôi có người bạn mà người nhà anh ta từng bị xe tông gãy chân, ảnh nói là phải ít nhất sáu tháng thì ba ảnh mới đi lại được, chưa kể là vật lí trị liệu thêm vài tháng nữa…”

“Là do năng lực của tôi!” Dương đáp. “Sau hơn hai tháng thì đã tháo bột và tôi có thể tập đi được với nạng rồi. Cứ tập mỗi ngày như vậy cho tới một ngày nọ tôi thấy cơ thể như nhẹ hẳn đi. Kiểm tra sức khỏe mỗi tuần thì cân nặng của tôi có vẻ không ổn định lắm. Rồi một hôm đang tập đi, tôi bỗng hứng lên mà dẫm chân xuống đất một cái, và thế là người tôi bị nâng lên khỏi mặt đất gần cả mét rồi rơi xuống. Lúc rơi xuống cả người đau kinh khủng, cứ sợ là chân sẽ lại gãy nữa thì…”

“Sau đó anh biết được mình có năng lực, và do không rõ về năng lực nên anh cứ luyện tập hằng ngày cho tới lúc hiểu và thành thục phải không?” Đức nói.

“Ờ phải. Những chuyện luyện tập năng lực chán òm nên chắc anh không muốn nghe đâu nhỉ?”

“Ừ…không!”

Dương bật cười. “Thôi được rồi, chuyện quá khứ không nên nhắc tới làm chi nữa. Chúng ta nên nói về…chuyện tương lai xem?”

“Ý anh là sao?”

“Tôi muốn mở một tài khoản tiết kiệm ở chỗ các anh!”

“Được thôi, anh cứ tới ngân hàng và hỏi nhân viên là được.”

“Nhưng tôi chưa biết chỗ anh làm?”

“À…” Đức lúc đó suy nghĩ không biết mình có nên nói thật tên ngân hàng của mình cho người này không? Hay anh chỉ cần bịa đại ra tên ngân hàng nào đó, như ACB (Ngân Hàng Châu Á) chẳng hạn, nó có cả chục chi nhánh khắp thành phố này, người kia biết đâu mà lần? Nhưng khoan, lỡ anh ta hỏi mình làm ở chi nhánh nào thì biết nói sao giờ?

“Ừ thì… ngân hàng Wilshire!” Đức thở dài.

“Tên nghe lạ quá? Ngân hàng nước ngoài hả?”

“Ừ, Hàn Quốc. Chúng tôi chỉ có một chi nhánh duy nhất ở Việt Nam thôi.”

“Thế lại càng lạ hơn. Mà thôi, tôi thích mấy ngân hàng nhỏ, của nước ngoài thì càng an tâm hơn.”

“Để tôi đưa cho anh danh thiếp của tôi.”

“Cám ơn nhé. Tôi đoán chắc anh phải là… giám đốc?”

“Sao anh…?” Đức ngạc nhiên.

“Tôi đoán thôi.” Dương bật cười, “Lúc ở bệnh viện tôi hỏi anh đi thăm ai, anh đã nói là “nhân viên của tôi” thay vì là “đồng nghiệp của tôi” nên tôi suy ra vậy. Ai dè đúng ha?” Dương nhận lấy danh thiếp của Đức và gật đầu hài lòng.

Vài phút sau thì những dĩa thức ăn đã sạch bóng. Dương đề nghị gọi món gì đó làm tráng miệng và Đức không từ chối. Họ gọi hai ly chè Huế. Trong lúc chờ thì Dương đứng dậy và nói là đi vệ sinh nhưng thực ra là đi trả tiền cho bữa ăn. Sau khi anh ta quay lại chỗ ngồi, Đức bèn nói: “Tôi biết là anh không muốn nói về Hội, chắc là vì thấy thái độ của tôi phải không? Thú thật là thời nay lừa đảo ở khắp nơi nên cảnh giác thì không thừa chút nào. Nhưng giờ thì tôi có hơi tò mò nên anh có thể nói cho tôi nghe một chút được không?”

“Anh nghĩ chúng tôi là bọn lừa đảo? Như lũ bán hàng đa cấp hả?”

“À thì…” Đức gãi đầu, cười thầm.

“Không trách anh được.” Dương nhún vai, “Đúng là nếu chỉ nghe cái tên và khẩu hiệu thôi thì bọn tôi quả là giống bán hàng đa cấp lắm. Vậy nên tôi sẽ bỏ qua phần tên gọi, khẩu hiệu và cả lịch sử hoạt động nhé? Anh muốn nghe về cách thức hoạt động phải không?”

“Ừ, cái đó đó.”

Dương trầm ngâm một lúc mới nói: “Tôi đang suy nghĩ có nên nói cho anh nghe sự thật không, nhưng thấy anh thành thật thì tôi cũng nên thành thật vậy. Trước hết, tôi xin nói rõ cho anh biết chúng tôi tuy hoạt động mang danh nghĩa vì lợi ích cộng đồng nhưng chúng tôi không phải là tổ chức phi lợi nhuận. Chúng tôi làm mọi việc vừa vì tiền, vừa muốn giúp đỡ xã hội, mà giống như tên gọi, là để thúc đẩy xã hội phát triển lên tầm cao mới.”

“Khoan đã, vậy thì các anh là tổ chức vì lợi nhuận? Vậy thì kiểu như công ty hay tập đoàn rồi…?”

“À không, tôi đã nói chúng tôi không phải kiểu phi lợi nhuận nhưng cũng không hẳn là làm vì lợi nhuận. Nói sao cho đúng đây? Là kiểu nửa vời đi. Anh biết là con người thì ai chả có lòng tham, nếu bảo người ta bỏ tiền và công sức ra giúp đỡ cộng đồng mà không cần nhận lại lợi ích gì thì chỉ có…Thánh mới làm thôi.”

“Hoặc là tỷ phú thích làm từ thiện.”

“Ừ” Dương trề môi, “Mà anh biết nước mình kiểu đó hơi bị hiếm còn gì, đa phần là trọc phú lắm tiền thích khoe khoang thôi. Hội Trưởng vốn không ưa kiểu người đó nên khi lập ra Hội và viết nên Sách Điều Luật, ông ấy đã xác định rõ mục tiêu và cách thức hoạt động của chúng tôi là phải luôn cân bằng giữa” lợi nhuận” và “sự phát triển xã hội”. Anh nên hiểu “cân bằng” ở đây không phải là 50/50 một cách tuyệt đối, mà là phải giữ cho cán cân không quá lệch về phía nào. Nếu chúng tôi làm mọi thứ vì tiền thì chúng tôi là bọn vô đạo đức. Nếu chúng tôi chỉ lo giúp xã hội mà không nhận lại được thứ gì thì chúng tôi là bọn “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Mà anh biết là làm việc không công thì ít người chịu làm hết sức mình lắm.”

Đức gật đầu: “Có lý, điểm này tôi đồng ý với Hội Trưởng.”

“Anh hiểu là tốt rồi. Tiếp theo tôi sẽ nói về cách thức làm việc của chúng tôi. Ngắn gọn thôi vì ly chè sắp hết rồi. Để anh còn về nhà ngủ sáng đi làm nữa chứ?”

“Không sao, gọi thêm mấy dĩa bánh bèo nữa cũng được.” Đức cười. Dương cũng cười theo.

“Được rồi, sẵn tiện tôi cũng sẽ giải thích vì sao tôi lại mang chức vụ “Giám Chế” luôn nhé? Hiện tại trong Hội có khoảng hơn tám trăm hội viên, nhưng chỉ có khoảng hơn chục người được mang danh hiệu “Thành Viên Cấp Cao” mà thôi. “Thành Viên Cấp Cao” nói đơn giản là có quyền hạn nhiều hơn người khác nhờ vào kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm và… siêu năng lực của họ. Chỉ những ai là “Thành Viên Cấp Cao” mới có “mật danh” lấy từ các vị trí trong đoàn làm phim, gồm có Nhà Sản Xuất, Quay Phim, Âm Thanh, Ánh Sáng,…”

“Và Đạo Diễn nữa chứ, vai trò quan trọng nhất đúng không?” Đức nói chêm vào.

“Đúng vậy, nhưng ở đây, Đạo Diễn là vị trí không cố định. Như thế này: Khi một thành viên ngoài những “Thành Viên Cấp Cao” nảy ra một ý tưởng nào đó có thể giúp xã hội phát triển và đem lại lợi nhuận cho Hội, thành viên đó phải trình ý kiến thông qua hai người đầu tiên là Giám Chế và Biên Kịch. Tôi là Giám Chế, chịu trách nhiệm giữ ngân quỹ cho Hội, tôi sẽ xem xét ý tưởng và ước tính xem phải tốn bao nhiêu cho ý tưởng thành công và nhận lại được bao nhiêu. Sau tôi sẽ là Biên Kịch, người xem xét ý tưởng và phát thảo ra những “Kịch bản” về hướng đi của ý tưởng. Khi Biên Kịch đã phát thảo xong, người nêu ra ý tưởng bấy giờ sẽ chọn lấy một kịch bản phù hợp nhất để tiến hành, lúc này người đó sẽ mang mật danh Đạo Diễn. Và Đạo Diễn được toàn quyền sử dụng ngân sách của Hội, điều động các thành viên khác tham gia giúp cho kịch bản được thực hiện thành công.”

Đức trầm ngâm một hồi rồi mới nói: “Vậy là ai cũng có thể nộp ý tưởng để làm Đạo Diễn, miễn sao ý tưởng được anh và Biên Kịch thông qua? Nhưng tôi không hiểu lắm, tại sao người nộp ý tưởng không được là “Thành Viên Cấp Cao”? Lỡ đâu có ai đó, như anh chẳng hạn, nảy ra một ý tưởng hay thì sao?”

“Thì tôi sẽ nhờ một thành viên khác trong Hội phát triển ý tưởng đó thay tôi, nhưng như vậy tới phần kiểm duyệt thì sẽ không công bằng, đúng không? Cho nên Hội Trưởng đã ra viết trong Sách Điều Luật là Thành Viên Cấp Cao thì không được làm Đạo Diễn, nếu có ý tưởng thì chỉ nên đóng góp sau khi kịch bản đã được chọn mà thôi.”

“Hình như có nhiều thứ hơi bất cập ở đây.”

“Tôi biết, nhưng tới hiện tại chúng tôi vẫn chưa tìm được cách nào khác để thay thế hoặc hoàn thiện nó hơn được. Nếu anh nghĩ ra ý tưởng nào hay, anh có thể nộp cho tôi.”

“Nhưng tôi chưa phải là hội viên mà?”

“Thế anh muốn làm hội viên không?”

“Có cần đóng phí vào Hội hay tiền hằng năm gì không?”

“Không! Quỹ của chúng tôi gồm một phần tài sản của Hội Trưởng, một phần là tiền tự nguyện của hội viên, một phần là lợi nhuận từ các kịch bản đang được thực hiện.”

“Ừ. Tôi…cần thời gian để suy nghĩ.” Đức nói.

“Cứ tự nhiên, tôi không ép buộc anh đâu. Tham gia thì vui, không thì chả mất gì. Như đã nói, chúng tôi không phải là đám bán hàng đa cấp nên sẽ không dùng chiêu bài “không tham gia thì mất quyền lợi” này nọ. Tiêu chuẩn chọn hội viên thường hướng tới những người có kĩ năng, có tay nghề, có sự am hiểu sâu sắc trong một lĩnh vực nhất định, như vậy thì mới có thể tham gia góp ý, bàn luận và đề ra những ý tưởng giúp cho xã hội tiến bộ được. Có điều…”

“Sao?” Đức hỏi.

“À không, chuyện dài lắm, có lẽ lúc khác nói sẽ thích hợp hơn.” Dương đứng dậy và vươn vai uể oải.

“Vậy thì hẹn anh hôm khác vậy.” Đức đứng dậy theo để chuẩn bị ra về.

“A! Bây giờ thì anh lại thấy hứng thú với Hội chúng tôi rồi hả?”

Đức giật mình. Ngày hôm nay đã có hai người nói cùng một câu như vậy với anh. Thật lạ, mình không quan tâm thì người ta nói mình vô tâm. Mình quan tâm thì người ta lại nói móc mỉa. Sống chả thể nào làm hài lòng tất cả được.

Hai người họ chào tạm biệt nhau và đi về hai hướng khác nhau. Đức nhắm hướng Bình Chánh mà đi.

Tối đó, trước khi ngủ, Đức trằn trọc một hồi mà không hiểu tại sao. Rồi anh lại thấy mình đang ngồi trong căn phòng ở tầng bốn, nhìn ra bầu trời đang rực sáng một màu đỏ như máu. Anh, cũng như tất cả những người có mặt ở đó, đều bối rối, sợ hãi không biết chuyện gì đã xảy ra. Không có điện, không có đồ ăn thức uống, không thể liên lạc với người thân, không thể cập nhật được tin tức nào cả.

Sau khi mọi người đã tỉnh táo và có chút sức lực nhờ ăn sạch hết mớ bánh kẹo của Khang, cộng thêm mớ đồ ăn đã gần như thiu để trong tủ lạnh, uống sạch hai thùng nước thì Khang quyết định kể cho họ nghe những gì mà anh đã thấy ở tầng trệt.

“Một chiếc xe buýt, chắc là mất lái, đã đâm vào tòa nhà, tông sập quầy thu ngân và giết chết hai nhân viên của ta, một người khác thì chết bên bàn làm việc. Những người trên xe không biết sống chết ra sao vì tôi sợ quá không dám kiểm tra, nhưng cái mùi hôi kinh khủng đang phảng phất trong đây là từ cái xe đó mà ra, tôi nghĩ là mùi xác chết.”

“Vậy còn bên ngoài thì sao?” Ông giám đốc hỏi.Không có đèn đường nhưng tôi vẫn có thể thấy lờ mờ nhờ vào ánh trăng và ánh lửa từ những vụ cháy nhỏ quanh đây…” Khang nuốt nước bọt: “Xác chết, tai nạn ở khắp nơi, và mùi tử thi, ôi, nó còn nồng nặc hơn ở trong này nữa.”

“Điên rồi!” Kiệt – một trong hai nhân viên sống sót – kêu lên.

“Không tin thì cứ xuống dưới mà xem đi!” Khang gắt lên. Rồi anh ôm bụng mình và ngồi xuống một cái ghế, nhăn mặt rên rỉ.

“Tôi muốn về nhà.” Hạnh – một trong hai nhân viên sống sót – mếu máo và bật khóc. Hon bước lại dỗ dành cô gái và bảo: “Ở dưới tối lắm không thấy đường đi đâu, tui nghĩ nên chờ tới sáng thì hơn.”

“Theo như những gì Khang nói thì… tôi sợ tới sáng chúng ta sẽ phải chứng kiến những cảnh kinh khủng lắm đây.” Giám đốc thở dài, “Rốt cuộc là chuyện gì đã xảy ra vậy? Chiến tranh thế giới sao?”

“Đúng rồi!” Kiệt đứng dậy và chỉ tay ra xa, “Mấy người nhìn đi, cái đám màu đỏ đó là mây phóng xạ đấy, chúng ta rồi sẽ chết hết mà thôi.”

Không ai đáp lại lời của Kiệt cả. Họ im lặng hồi lâu. Đêm lặng lẽ trôi qua nhưng không ai chợp mắt vì họ sợ sẽ lại chìm vào một giấc ngủ dài khác mà không biết có thể tỉnh lại không. Với lại ngủ suốt mười ngày qua là quá đủ rồi.

Năm giờ ba mươi, mặt trời dần ló dạng. Khang lật đật đi rửa mặt rồi chuẩn bị về nhà mình mặc cho những người khác bảo anh nên chờ thêm chút nữa.

“Khi trời sáng hẳn, cái khung cảnh đó sẽ hiện rõ hơn và mọi người sẽ không thích thú chút nào đâu. Thà như bây giờ còn hơi tờ mờ sáng đủ để thấy đường đi rồi. Hơn nữa, giờ không khí đang ngập tràn mùi xác chết, buổi sáng khí trời có hơi lạnh nên mùi sẽ bị loãng đi, chứ để nắng lên thì những cái xác sẽ phân hủy nhanh hơn và bốc mùi còn nặng hơn nữa.”

Không ai còn sức cãi lý với anh nên họ để anh đi. Khang đi được mười phút thì tới Hon, Hạnh, Đức, Kiệt và giám đốc cùng xuống tầng dưới. Họ bước vội qua xác chết của đồng nghiệp mình, leo lên xe của mình, bịt chặt khẩu trang và ai về nhà nấy. Do nhà Đức xa nhất nên anh đã phải đi quãng đường dài nhất đời mình. Anh phải luồn lách trong những con hẻm vì đường lớn đã tắc do tai nạn ở khắp nơi. Anh phải cố chỉ nhìn thẳng về trước chứ không dám nhìn xung quanh vì đâu đâu cũng có xác chết, từ già, trẻ, lớn, bé, nam, nữ đều có cả. Anh vừa chạy mà nước mắt tuôn rơi, đã nhiều lần xe anh suýt nữa cán phải xác của một ai đó.

Anh về tới nhà lúc bảy giờ hai mươi sáu.

Một dĩa thức ăn còn ấm để trên bàn. Anh nhận ra mớ thức ăn đó. Vào ngày hôm trước Lễ Tạ Ơn, giám đốc quyết định tổ chức một bữa tiệc nhỏ tại ngân hàng mừng hợp đồng thứ bốn trăm vừa được kí kết. Ông ta đã cho đặt khá nhiều món, một vài nhân viên khác còn tự nấu đồ ăn mang tới. Thành ra sau khi bữa tiệc kết thúc, họ chia nhau mớ thức ăn còn thừa thì mỗi người được hai, ba bịch đem về. Vậy là mớ thức ăn Đức đem về đã được để trong tủ lạnh suốt mười hai ngày, để rồi thở thành vật “cứu đói” cho gia đình anh. Mẹ anh thậm chí còn để dành một phần chờ anh về.

Họ tin rằng anh sẽ về. Và anh đã về được.

Mười một ngày trước, những người cha, người con, người vợ, người chồng, chào tạm biệt gia đình mình để đi làm, đi học, hay chỉ đơn giản là đi chơi đâu đó. Hôm nay, nhiều người trong số họ sẽ không trở về nữa. Nhiều người trong số họ sẽ không còn thấy gia đình của mình nữa.

Hôm nay, một phần bảy nhân loại đã bị quét sạch.

Và chưa tới một tháng sau, hai phần năm nhân loại lại bị quét sạch. Nó được gọi là “Hội Chứng Lễ Tạ Ơn”. Bởi trong mười ngày ngủ li bì đó, hầu như ai cũng đều nằm mơ. Bảy tỷ người, bảy tỷ giấc mơ khác nhau. Đó là những giấc mơ rất đẹp, rất thực, rất tuyệt vời. Tuyệt vời tới nỗi khi họ tỉnh dậy rồi và phải đối mặt với một thế giới đổ nát cùng sự mất mát người thân, họ thà chọn cái chết để quay lại thế giới ảo mộng kia, còn hơn là phải sống với thực tại khắc nghiệt và phũ phàng này.

Chỉ vì một giấc mộng, hơn một nửa dân số thế giới đã biến mất. Ai nói rằng mộng mị không chết người cơ chứ?